Sám Hối Sáu Căn
04 CHUYỂN HOÁ NGHIỆP LƯỠI
Giảng sư: Thích Nhật Từ
Ngày 05/11/2010
(giảng tại chùa Giác Ngộ)
Người phiên tả: Diệu Lan
Kính thưa quý thiện hữu tri thức. Trong phần 4 Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn, Thiền Sư Trần Thái Tông dạy về nghệ thuật chuyển hoá nghiệp của lưỡi. Lưỡi liên hệ đến hai chuỗi nghiệp. Thứ nhất là ăn uống tạo sự khoái khẩu theo đó nghiệp xấu là đặc biệt là nghiệp sát được hình thành. Thứ hai, lưỡi là cơ quan mà nhờ vào đó sự phát ngôn như là một phương tiện truyền thông được thực hiện cho nên sử dụng ngôn ngữ qua lời nói không khéo có thể tạo ra nỗi khổ, niềm đau và sự bất hạnh cho người và cuộc đời nói chung. Trong phần này, Thiền Sư Trần Thái Tông phân tích các hoạt dụng của nghiệp lưỡi theo chiều hướng tiêu cực. Do đó ta hình dung được những tác hại và hậu quả của nó để khắc phục với bản thân mình, rồi vận dụng phương pháp sám hối để chuyển những nghiệp tiêu cực của lưỡi dần dà trở thành tích cực.
Thứ nhất tạo nghiệp do khoái khẩu. Thiền Sư Trần Thái Tông cho chúng ta biết khoái khẩu được thực hiện bằng thói quen hưởng thụ của lưỡi đối với các vị trong quá trình ăn và uống của con người như sau:
Tham mọi vị mà mình ưa thích
Chẳng kể gì xấu tốt dở ngon
Nếm vào thứ béo thứ cờm
Sát sinh hại vật chỉ dồn nuôi thân
Gà vịt cá chim hầm cho kĩ
Lại thêm vô ngũ vị tỏi hành
Kể gì mùi vị hôi tanh
Miễn sao khoái khẩu là sinh lưỡi thèm.
Diễn tiến của việc lưỡi tiếp xúc với các vị tạo ra sự khoái khẩu diễn ra theo một cơ chế của vị giác. Thông thường, lưỡi của con người có chiều rộng 5cm, chiều dài khoảng từ 8cm đến 1 tấc và trên đó có rất nhiều lớp biểu bì. Ngoài ra, trên mặt của lưỡi có rất nhiều nhú cảm giác để nó cảm nhận được tất cả những vị đưa vào bên trong cơ thể. Thông thường, đối với một người có sức khoẻ tốt thì lưỡi có khoảng 5000 các hạt để tạo ra việc tiếp nhận cảm giác. Khi con người đến tuổi già từ 70 trở lên, các hạt cảm giác đó hoạt động còn khoảng 40-50 hạt, giảm đi khá đáng kể, do vậy việc chấp trước vào vị giác từ lưỡi giảm đi khá nhiều. Còn tuổi trẻ thì cơ hội hưởng thụ của lưỡi cao cho nên sự đắm nhiễm của nó tạo nên nhiều hệ luỵ rất đáng tiếc. Về các loại vị, chủ yếu có bốn. Vị ngọt và vị mặn thường được cái đầu lưỡi xử lý tạo ra phản ứng nhận thức đưa về thần kinh trung ương, còn vị chua thì nằm ở hai bên cạnh đầu lưỡi, trong khi vị đắng và cay thì nằm ở bên dưới của lưỡi. Như vậy khi các gia vị được nêm nếm trên thực phẩm, đưa vào trong miệng thì lưỡi sẽ hoạt dụng, tiếp xúc tạo ra hàng loạt các loại vị giác khác nhau. Thích, không thích, phản ứng muốn tiếp tục ăn hay là ngưng ăn, dần dà tất cả những cái này nó đều tạo thành thói quen. Cái gì cấu tạo thành thói quen cái đó tạo ra cái nghiện. Ăn chay từ thuở nhỏ cũng tạo ra một cái nghiện, nhưng đây là nghiện tốt đó là loại nghiện không liên hệ đến việc sát nghiệp. Thường thực phẩm chay nguyên chất thì không có chiên, xào dầu mỡ và cũng không có tẩm ướp quá nhiều các loại gia vị cho nên người ăn rất dễ tiêu và do vậy các dưỡng chất ở trong rau củ quả đã được chế tác được cơ thể tiếp thu một cách khá tốt. Trong khi các thực phẩm mặn thì do tẩm ướp với các loại gia vị và nấu ăn như là một nghệ thuật để tạo ra sự thèm ăn ở thực khách, cơ hội chấp dính vào các khẩu vị đối với người ăn mặn là khá cao. Ở đây tiến trình chấp dính nó được mô tả là bất kì mùi vị gì mà mình ưa thích, có thể là vị mặn, vị ngọt, vị đắng, vị cay, vị chua hoặc là tổng hợp các vị này. Thực phẩm nào mà được pha trộn với các loại gia vị quá nồng thì lúc đầu ăn sẽ khó chịu nhưng khi ăn vài ba lần rồi thì mức độ chấp dính nó sẽ gia tăng hơn là những loại gia vị được nêm nếm quá ít, cái đó được gọi là phản ứng có điều kiện. Bây giờ ta thử tạo ra một thí nghiệm chẳng hạn như ai đó đến giờ ăn cơm thì mở nhạc tình cảm lên nghe nhẹ nhàng, du dương, trầm bổng, cái việc mà ta ăn, nhai với các loại khẩu vị khác nhau nó làm cho mình có một cái nghiện và hôm nào đi chỗ khác được thiết đãi thực phẩm ngon nhưng nếu không gian đó không có một cái nền nhạc như mình đã từng bị làm quen thì lúc đó cái dịch vị từ lưỡi và cuống họng không có tiết ra nhiều như là mọi khi và do đó nó ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá và trao đổi chất ở trong cơ thể. Điều đó cho thấy cái phản ứng của vị giác nó làm cho con người hệ lụy rất là nhiều. Các nhà khoa học cũng đã có những nghiên cứu khá lý thú, chẳng hạn như nhốt hai con chó cùng trọng lượng, cùng giống nòi, cùng sức khoẻ, cùng chỉ số thông minh vào hai cái chuồng độc lập và cứ đến cái giờ cho ăn là họ tạo ra cái phản ứng có điều kiện là đánh những tiếng chuông liên hồi, một con thì được cho ăn bình thường còn một con thì đặt thức ăn ở một khoảng cách cố định để lỗ mũi của nó tiếp xúc với mùi nhưng mà lưỡi của nó không được tiếp xúc với vị cho nên không ăn và khoảng chừng 10-15 phút sau bắt đầu mới tháo dây trói cho nó thì con chó mới có cơ hội tiếp xúc để ăn thực phẩm đã được báo cách đó 10-15 phút. Sau khoảng chừng 1 tháng, người ta thấy con chó ăn với phản ứng tiếng chuông có điều kiện đúng giờ thì khoẻ mạnh, trong khi con chó cũng với phản ứng có điều kiện đó nhưng lại không được cho ăn đến 10-15 phút sau mới được thưởng thức do đó kết quả là sức khoẻ kém hơn và có một số bệnh tật. Như vậy một mặt nào đó ta có thể thấy các phản ứng vị giác có thể hỗ trợ cho sự tiêu hoá thực phẩm trong cơ thể và ở một cách thức tương đối nào đó góp phần tạo ra sức khoẻ và tuổi thọ của con người, nhưng mặt khác nếu ta bị vướng dính vào nó quá nhiều như là phản ứng có điều kiện mà thiếu nó ta chịu không nổi thì tính tác hại ít nhất là ở phương diện tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi. Thiền Sư Trần Thái Tông nêu ra thức ăn ngon, dở, béo, không béo rồi chim, cá, vịt hay bất cứ một cái gì mùi vị dù có hôi tanh, khó chịu cỡ nào đi nữa người ta cũng vẫn thành thói quen và nghiện chúng. Ăn chay cũng tạo ra sự lệ thuộc nhưng là sự lệ thuộc tích cực giúp ta phát triển được lòng từ bi. Ăn mặn tạo ra sự lệ thuộc, sự lệ thuộc này liên hệ đến sát nghiệp. Chính vì vậy mà công nghệ ăn chay chế xuất của Đài Loan không được khích lệ trong cách chùa là vì thế. Bởi vì nó tạo ra nhiều khẩu vị quá mà phần lớn những khẩu vị này là khẩu vị mặn. Thực phẩm thì là đồ chay, kết quả là người ăn chay nạp vào trong cơ thể các thực phẩm không đủ chất bổ, chưa nói đến công nghệ chế biến thực phẩm làm cho một số bệnh tật được phát sinh trong quá trình tiêu thụ. Tâm của người ăn chay không được thể hiện một cách tuyệt đối bởi vì khi mắt của ta tiếp xúc với thực phẩm chay giả mặn, ăn thì vẫn là chay nhưng tâm thì ta đang nhìn thấy một thực phẩm mặn được đưa vào trong cơ thể, do vậy yếu tính của việc ăn chay không được thành tựu và hạt giống từ bi bị thương tổn khá nhiều. Do đó, quý Phật tử khi cúng dường trai Tăng thì nên bàn với Thầy Trụ trì hay là vị phụ trách về trai đường là đừng nên thiết đãi các thực phẩm trai giả mặn. Đất nước Ấn Độ từ thời xa xưa trước đức Phật ra đời là một quốc gia ăn mặn, khi đức Phật giới thiệu học thuyết từ bi và ăn chay thì đất nước này đã có một bước ngoặt chuyển mình. Cho đến khoảng 300 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, đạo Phật Đại thừa bắt đầu có mặt và phát triển thì ăn chay đã được xem như là một truyền thống văn hoá của Ấn Độ. Hiện nay thì theo thống kê bán chính thức, nước Ấn Độ có khoảng 600 triệu người ăn chay trường từ lúc còn ở trong bụng mẹ. Nghiên cứu về các loại gia vị và thực phẩm chay của họ, ta phải nể phục một điều là họ không hề chế biến thực phẩm chay giả mặn như là Đài Loan, Trung Quốc và cũng không hề sử dụng các loại bột ngọt như là những loại hoá chất cho gia vị, họ sử dụng các loại thảo mộc từ thiên nhiên. Hễ là thói quen thì chọn thói quen tốt sẽ đảm bảo hơn là những thói quen xấu. Vấn đề được đặt ra là khi ta đã bắt đầu nhiễm đắm khẩu vị thì việc ăn chay trở thành một cái gì đó không thích lắm còn ăn mặn như là một nhu cầu không thể thiếu. Tổ phân tích điều đó bằng những câu thơ như sau:
Nay chưa đã mai tìm ăn nữa
Gặp phải kì đến bữa đàn chay
Cầu Thần lễ Phật lời hay
Cố để bụng đói qua ngày cho xong
Thức ăn chay lỏng lòng lạc miệng
Khi phải ăn chẳng luyến chẳng màng
Như người bệnh phải vương mang
Ăn không ngon miệng cốt dùng qua loa.
Đó là thái độ của những người mà không hề thích ăn chay. Khi gia đình có lễ giỗ của người thân hoặc là sinh nhật, vì muốn tạo phước báo cho kẻ còn lẫn người mất các Phật tử thuần thành thường tổ chức các tiệc chay. Vì được mời và bất đắc dĩ phải dùng, người không thích ăn chay sẽ có cảm giác và thái độ gần như là từ chối, có nhiều người dùng những lời thoái thác tế nhị cho thấy rằng họ hầu như không có cái niềm hân hoan, vui thích gì khi được mời tiệc chay. Một số người tham gia vào công nghệ chay giả mặn tại Đài Loan biện luận là sở dĩ công nghệ chay này có mặt là để đáp ứng cho những người mà việc ăn mặn nó trở thành như là một bản tính, cho nên thay vì để cho họ giết các con vật thật, ăn các con vật thật rồi khoái khẩu bởi các con vật thật thì làm cho họ giảm bớt nghiệp và chỉ có thưởng thức cái vị và mùi còn con vật không hề bị giết. Lý luận này có thể xem là ổn thoả đối với những người chưa quen với truyền thống ăn chay, còn phát triển nó một cách tồn tạp có nghĩa là ai cũng thiết đãi bằng món chay giả mặn như thế hết được xem là phản tác dụng. Cho nên, phương tiện nào cũng có mặt trái của nó, áp dụng một phương tiện mà không thấy được mặt trái thì hậu quả và những rủi ro kề cập chúng ta là điều không thể tránh khỏi. Khi ăn chay mà không thích thì ăn qua loa thôi. Có người nói ăn chay xót ruột. Quả thật là vậy, bởi vì bình thường mình ăn mặn thì thực phẩm thịt có mỡ rất là chậm tiêu, còn thực phẩm ăn chay dễ tiêu, làm mình tiêu hoá nhanh thì cảm giác đầu tiên là cảm thấy hơi xót ruột. Chẳng hạn như 7 giờ ăn sáng với thực phẩm chay, tới 11 giờ ăn trưa thì 10 giờ mình đã bắt đầu thấy đói rồi. Đó không phải do tác động của việc ăn chay mà ra, mà do tiến trình tiêu hoá quá nhanh, khi thực phẩm đã được hấp thụ rồi lượng calories được xử lý từ thực phẩm đó vẫn như nhau dầu xót ruột hay không xót ruột thì nó đã đưa vào các cơ quan trong lục phủ ngũ tạng rồi. Cho nên, cái trạng thái làm cho mình hơi đói chút xíu mà không thoả mãn nó bằng những thực phẩm khác không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con người. Đây là kiến thức mà ta cần nắm để ta khỏi phải sợ vì biện hộ là ăn chay là nó không có chất bổ. Cũng cần có một cái lưu ý căn bản, hiện nay ở một số chùa do vì các Phật tử cúng dường quá ít, cho nên khẩu phần ăn của chư Tăng Ni tương đối là khá khiêm tốn, kết quả là không đủ chất. Đến chừng tuổi 45 trở đi, quý Tăng Ni bị loãng xương do chế độ ăn chay quá hà khắc. Dĩ nhiên nó chỉ đáp ứng cái khẩu vị nhưng vì dưỡng chất không đầy đủ thì việc ăn chay như thế có tác hại và nên tránh. Nếu ăn chay ta đủ ngũ cốc, bột, sữa, rồi thêm rau, quả, củ thì chắc chắn rằng một mặt ta sẽ tiết kiệm được tiền nhưng mặt khác lại giảm chế được rất nhiều bệnh, tăng cường sức khoẻ. Cho nên, không thể đổ lỗi cho việc ăn chay là làm giảm sức khoẻ của con người. Trên thực tế, nếu quý vị vào trong các bệnh việc thì sẽ thấy số lượng bệnh nhân ăn mặn chiếm 90% ở những quốc gia không có nhu cầu ăn chay cao, thậm chí có thể hơn. Người ăn chay bệnh vẫn ít hơn là người ăn mặn, đó là điều mà ta không thể phủ định. Còn cảm giác lạc lòng hay là mau đói nó chẳng qua cũng chỉ là cảm giác thôi, có thể ngày đầu như thế qua đến ngày thứ hai, thứ ba sẽ trở lại bình thường. Có nhiều người không thể nào làm quen với thực phẩm chay được mặc dù có nỗ lực của bản thân hoặc sự hỗ trợ của những người thân. Chúng tôi có quen một vị Sư là bạn học thân theo Phật giáo Nam tông. Vì theo truyền thống của Phật giáo Nam tông thì tam tịnh nhục cho phép sử dụng. Nếu mình không thấy, không nghe, không nghi một gia chủ nào đó làm các thực phẩm mặn bằng cách giết trực tiếp rồi hiến cúng cho mình ăn thì việc tiêu thụ thực phẩm đó không hề liên hệ đến nghiệp sát trực tiếp và được cho phép. Cho nên, việc ăn mặn trong ba tình huống vừa nếu được xem là thanh tịnh, nghiệp sát gián tiếp hầu như là nhỏ và không đáng kể. Sở dĩ đức Phật có quy định này là vì thời xưa việc tiêu thụ thực phẩm của người tu lệ thuộc vào sự cúng dường của bá tánh, trong chùa hoàn toàn không có nhà bếp, không nhóm lửa, không nấu nướng, như vậy mỗi ngày phải đi hành khất ngoài đường ai cho gì ăn đó và các vị khất sĩ thì không được quyền đòi hỏi, cho mặn thì tiêu thụ mặn cho chay thì sử dụng thực phẩm chay. Mấy chục năm trở lại đây, ở Việt Nam và các quốc gia tu theo truyền thống Phật giáo Đại thừa thì việc hành khất mỗi buổi sáng hầu như nó không còn là một truyền thống nữa, cho nên phần lớn là các Phật tử phát tâm cúng dường, nấu sẵn ở nhà đem đến chùa. Các Sư theo Phật giáo Nam tông vẫn có thói quen là tiếp tục ăn mặn bởi vì người ta cúng đồ mặn thì ăn. Có lần chúng tôi trao đổi thì vị Sư bạn trả lời thế này: “Cũng may là có Phật giáo Nam tông, chứ nếu mà không có Phật giáo Nam tông chắc tôi tu không được.” Lý do: “Nếu không ăn mặn thì tôi không tụng kinh được, không làm Phật sự gì được hết bởi nó quen rồi.” Cái tập khí đó ta có thể hiểu nó được nuôi dưỡng có thể là 5-10 kiếp trước, hàng trăm kiếp trước và sanh ra kiếp này mấy mươi năm có mặt thì mấy mươi năm ta lại làm quen với cái khẩu vị đó cho nên bỏ nó không phải chuyện dễ nếu ta không nỗ lực và không có sự quyết tâm. Ba của chúng tôi cách đây vài năm thì muốn vào chùa ở, giới thiệu cho ông một số chùa của Phật giáo Đại thừa nơi ăn chay thì ở chừng đến ngày thứ 7 là ông về rồi. Chúng tôi mới đổi kế hoạch là đưa ông đến Thiền viện Phước Sơn của Thượng toạ Bửu Chánh thì trên đó có rất nhiều cốc, người lớn tuổi khi được ở trong một cái cốc rất là khoẻ vì ít giao tiếp và đó là chỗ ăn mặn thì ông lại ở đó được lâu hơn, còn đưa vào các chùa ăn chay chỉ được vài bữa. Đối với các Phật tử thuần thành lâu lâu cũng nên tổ chức lễ cưới của con cháu, người thân hay là cúng giỗ người quá cố trong gia đình nên tổ chức tại chùa và mình đặt mâm chay tương thích với số lượng người thân mình có. Vì lâu lâu mới có một dịp như thế chẳng lẽ người được mời không đến, đến chùa họ bày cái gì thì ăn cái nấy không có sự lựa chọn. Dọc theo tuyến đường ra Long Hải- Bà Rịa có một số chùa chuyên nấu bún riêu hay hủ tiếu chay, các phái đoàn trên đường đi ra hoặc đi về cứ ghé vào, bàn ăn được người ta dọn sẵn lên sau đó muốn cúng bao nhiêu thì tuỳ tâm. Nhiều chùa lập ra các hội từ thiện nấu cơm chay miễn phí vào các ngày Rằm, mồng một ai bất cứ lúc nào có nhu cầu ăn đều có thể ghé vào ăn. Đều đó cho thấy là không gì là quá khó để làm quen với thực phẩm chay, vấn đề là ở nhận thức. Khi ta thay đổi được cái nhận thức thì cái vấn đề ăn nó cũng trở thành là khoái khẩu và ngon lành như là bình thường. Cái bước kế tiếp khi một người không làm quen được với việc ăn chay thì tiêu thụ thực phẩm mặn sẽ dẫn đến việc sát nghiệp trực tiếp hay là gián tiếp, Tổ dạy như sau:
Thấy thịt cá lòng đà hoan hỷ
Cơm rượu nồng bí tỉ vui vầy
Gặp khi cưới gả đêm ngày
Cùng là rượu thịt ma chay tiệc tùng
Rồi sát sinh mà dùng lấy thịt
Khiến trùng trùng tội nghiệp manh nha.
Đôi lúc mình nghĩ mình đặt nhà hàng chiêu đãi mặn làm các thực phẩm tươi sống là mình không mang nghiệp giết các loài vật này. Nhận thức sai lầm này cần phải được điều chỉnh. Khi mình đặt một món hàng là mình đã ra lệnh giết và xem như mình là kẻ chủ mưu, còn chủ nhà hàng do kí hợp đồng nhận tiệc cho nên ra lệnh cho đầu bếp làm việc ấy và những người thợ làm trong nhà bếp phải sát sanh theo yêu cầu đơn được đặt hàng. Do đó một động tác giết đơn vị sự sống bị kết liễu và cái nghiệp đồng loã trực tiếp trong tình huống này đã được tạo ra. Người giết, chủ đặt hàng, chủ nhà hàng yêu cầu người khác làm như vậy nghiệp là một mắc xích dây chuyền. Khắp nơi trên thế giới đều có những doanh nghiệp chuyên về công nghệ giết mổ. Người giết mổ thì lương bổng không cao mà nghiệp vướng vào đó thì rất là nặng. Chủ của các xưởng giết mổ thường ở cuối đời có rất nhiều chứng bệnh tật nan y, có một số người bị điên loạn hoặc lúc nào cũng gặp những ác mộng sống không yên ngủ không ngon và việc điều trị bệnh đó có thể làm cho họ tổn thất rất nhiều tiền, ở hiện đời thì tiền đó nó không có tuổi thọ trong khi đó bệnh tật thì lại nhiều và nghiệp sát đeo mang từ kiếp này sang những kiếp khác. Ngay cả trong tình huống luật pháp cho phép việc giết mổ đối với các loài vật thì nhân quả trong sanh tử luân hồi về vấn đề sát nghiệp này không thể không xảy ra. Luật pháp ở một số quốc gia tiên tiến chỉ mới ngăn chặn việc giết các loài gia súc một cách bất nhẫn như tra tấn, hành hạ, đánh đập thôi, còn giết một cách bình thường thì được cho phép. Đến một lúc nào đó khi thế giới này ngày càng phát triển, đạo đức con người được nâng cao và kiến thức con người về vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái từ công nghệ giết mổ mà ra được cập nhật thì nhu cầu ăn chay để giảm bớt các nghiệp sát sẽ được gia tăng một cách khá đáng kể. Hoa Kỳ hiện nay là nước đi đầu trong thế giới phương Tây có tỉ lệ người ăn chay chiếm cả 15%. Một số vì lý do sức khoẻ, một số vì lý do thương các loài động vật. Đến một giai đoạn nào đó xu hướng này lại ngày càng phát triển. Còn các nhà khoa học về thực phẩm cho ta biết rõ cứ 40-450g thịt được chế tác thì có tối thiểu từ 230-280 khí cacbonic được đưa vào bầu khí quyển tạo ra hiện tượng nhà kính. Rồi vì dành đất cho việc trồng trọt phục vụ cho chăn nuôi mà nhiều mét vuông rừng bị phá huỷ cho nên dẫn đến tình trạng bão, lũ lụt, .v.v. Lòng nước ở những khu vực chăn nuôi thì bị ô nhiễm khá nặng, đất hoa màu bị tổn giảm gần như là ba, bốn tấc so với những nơi không có công nghệ chăn nuôi. Nhìn chung, công nghệ thực phẩm mặn chỉ mang lại lợi nhuận cho một số các doanh nghiệp trong khi các quốc gia phải bỏ ra hàng triệu thậm chí là hàng tỉ đô la mỗi năm để chi cho các dịch vụ y tế như là bảo hiểm xã hội.v.v. cho cư dân của mình, nên tổn thất đó rất là nhiều. Do đó, thói quen ăn mặn này dẫn đến tổn giảm về tuổi thọ, mạng sống nói chung. Khi mà thực phẩm mặn được phối hộp với rượu thịt thì nhu cầu của cơn nghiện lại dâng cao hơn. Rất may là chị em phụ nữ phần lớn là không thích uống bia và rượu, nếu mà chị em phụ nữ thích uống rượu thì công nghệ giết mổ sẽ gia tăng nữa. Mấy người bợm nhậu đôi lúc chỉ một chai rượu đế và vài miếng mồi để có cảm giác khoái khẩu là có thể ngồi say sưa từ sáng cho đến chiều tối, kết quả là nhiều người bị tử vong do bệnh tật đặc biệt là gan, bao tử, tim mạch… gây ra. Một số khác dù có thể không đối diện với tử thần nhưng lại mất khả năng phục vụ, bảo vệ cho sức khoẻ cho bản thân, lấy đâu cam kết chăm lo cho sức khoẻ và hạnh phúc của gia đình. Các hậu quả như thế rất nghiêm trọng về phương diện gia đình và xã hội không thể bị bỏ qua. Cho nên nhìn từ nhiều góc độ, ta thấy là việc ăn chay ngoài hạn chế nghiệp sát trên nền tảng nuôi dưỡng lòng từ bi còn là phương tiện tốt để giúp cho mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm với sức khoẻ của mình cũng như là người thân và sự chăm sóc mang lại hạnh phúc cho gia đình nói chung.
Vấn đề hai, nghiệp truyền thông của lưỡi là khá nghiêm trọng. Tổ dạy như sau:
Lại ba tấc lưỡi như là:
Dệt thêu, đâm thọc ác tà, dối gian
Vô lễ với họ hàng Tam Bảo
Mắng chửi người ráo nạo mẹ cha
Chê bai, dè bỉu người ta
Luận bàn kim cổ nào là khen chê.
Tất cả các nghiệp của lưỡi nhìn chung là nhiệp truyền thông được chia làm bốn nhóm loại chính:
Thứ nhật là nói sai sự thật tức là nội dung thông tin của ta không phản ánh được bản chất của sự vật đang diễn ra và nó có chiều hướng là giả dối, lừa đảo cho nên gây thương tổn trong mối quan hệ và an ninh cộng đồng. Các tổn thất đó tạo ra một vết hằn đôi lúc phải mất đến vài chục năm mới có thể tái sử dụng lại được. Hiện nay công nghệ thông tin bùng nổ khá mạnh, nghiệp truyền thông của lưỡi không chỉ đơn thuần là cái phát ngôn từ cái cuống lưỡi mà ra, nó còn thể hiện các tác phẩm chữ viết, internet, email ở các diễn đàn nói chung. Cho nên, những chuyện gì mà ta không biết chắc là thật thì theo tinh thần Phật dạy là không nên truyền bá và phổ biến dù phát xuất từ động cơ tích cực, bởi vì có những thông tin sai lệch khi đã đưa vào trong các trang web thì tính hiện hữu của nó được xem như là vĩnh hằng rồi, không tháo xuống được nữa. Bây giờ, người ta đã lợi dụng vào cái tự do trong thế giới phương Tây và ai không thích thì thường người ta vu khống như nói những điều không có phản ánh đúng sự thật về một con người để sát hại nhân cách của người đó, làm cho người đó bị cô lập mất quần chúng, rồi niềm tin, cái uy tín trong cộng đồng ngày càng bị giảm thiểu đi. Những tin vịt, tin xấu thì tạo ra mức độ lây lan với tốc độ khá nhanh trong khi đó các tin tốt, tin tích cực thì con người mình ít có ai nhớ lắm. Đó là thói quen phàm tình của con người chúng ta. Cho nên, trên internet người ta đã dùng rất nhiều thông tin giả. Người sử dụng như là một công dân mạng phải hiểu rõ cơ chế rằng tạo ra một blog ở trên mạng hay một nick name ở trong các diễn đàn, một account trong email thì không có gì để cam kết rằng người đó chính là người thật, có bản lĩnh chịu trách nhiệm về pháp lý và dân sự về những gì mình truyền thông trên các diễn đàn và internet nói chung. Một người có thể mở ra một trăm cái email với một trăm cái nick name khác nhau và một người có thể đóng vai trò là nhiều người tạo ra thành tâm lý lây lan là nếu người đó không có tại sao nhiều người nói như thế và cuộc tâm lý chiến này sẽ làm cho rất nhiều người rơi vào cạm bẫy của những cái thiếu sự thật. Do đó, tính chân lý và giá trị tham khảo của internet là rất tương đối nếu không nói là không đáng kể. Và phải có được nhận thức này thì ta không bị lạc dẫn trong thế giới hư ảo mà tác hại về đạo đức cho cộng đồng là có thật. Cũng có một số người lợi dụng cái quyền tự do ngôn luận của cá nhân có thể viết những vấn đề đưa vào các cái blog riêng của mình và tính xuyên tạc của vấn đề có thể làm cho rất nhiều người phải lao đao, chao đảo, khổ sở vì hiểu lầm. Do đó nên thấy tác hại này mà cẩn trọng trong tất cả các phát ngôn dù là bằng lời của miệng, bằng chữ viết của tay, bằng ngôn ngữ của internet thông qua các diễn đàn hay các blog nói chung, còn bằng không thì việc tạo nghiệp rất là lớn. Truyền bá chân lý, những thông tin tốt có giá trị mang tính khích lệ dẫn cho người ta đến an vui, nhổ lên nỗi khổ niềm đau đồng nghĩa là ta làm tăng trưởng phước báu của mình nhanh chóng hơn là trong nhiều kiếp về trước. Ngày xưa, ta muốn truyền bá một quyển kinh phải ngồi viết tay. Vào năm 1984, khi chúng tôi đến chùa Giác Ngộ ở thì một số Phật tử phát tâm là viết trọn bộ kinh Pháp Hoa vì thời điểm đó xin giấy phép xuất bản là cực kỳ khó, lúc đó máy photocopy ở Việt Nam chỉ có vài ba chục máy mà tiền photo rất mắc nhưng mực photo rất dở, nếu để chừng nửa tháng mà không dùng thì trang này nó dính với trang kia, cho nên không còn cách nào khác là phải viết tay. Do đó, công để viết ra một bộ kinh Pháp Hoa đôi lúc phải mất 6 tháng trời, phải tỉ mỉ, nâng niu từng nét chữ một. Bây giờ, có máy vi tính và máy in có giá thành không cao, ta có thể in ra, các dịch vụ đóng bìa quả thật là không tốn bao nhiêu. Ngày nay, giấy phép xuất bản về kinh sách thì tương đối là dễ cho nên việc xuất bản không còn khó khăn nữa, mà tiền in nó còn rẻ hơn tiền photo. Cho nên, những chân lý, giá trị tích cực càng được truyền bá thì phước của nó trong vấn đề mô tả chân lý ngày càng được gia tăng.
Phương diện hai là đâm thọc tức là làm cho cái mối hoà hợp nó bị rạn nứt, rồi những gập ghềnh, lấn cấn hiểu lầm ngày càng bị đào sâu hơn nên tình thân thương bị thách đố, các sự đoàn kết và sum vầy đứng trước bờ vực thẳm của bế tắc và khổ đau. Bất cứ một truyền thông nào mang tính chất hoặc là có khả năng dẫn đến những hậu quả như thế nên tránh một cách tối đa. Cho nên, người Phật tử thuần thành người ta rất dè dặt với vấn đề nói. Bởi vì cái lưỡi của mình nói vô tư, mình không hiểu và cũng không biết nó có tác hại như thế nhưng không ngờ nói xong rồi làm cho nhiều người khổ đau. Trong 3 tháng vừa qua, chúng tôi cơ hội tư vấn khoảng 20 tình huống về tình trạng nhiều chị em phụ nữ đến mang một tâm trạng khổ đau rằng có vong theo mà phần lớn là liên hệ đến việc phá thai thời trẻ của mình khi mà mình chưa chuẩn bị làm mẹ, chưa có kiến thức về an toàn trong quan hệ giới tính. Các chị em phụ nữ đó hoặc là gặp các thầy bói hoặc là gặp các thầy, các Sư cô tại các chùa hay là một số người nói phỏng phỏng trùng hợp với tình huống đó làm cho họ có niềm tin tuyệt đối rằng phá thai vào một ngày giờ nào đó cho nên đứa con chết oan đến bây giờ chưa siêu vẫn còn theo phá mẹ nó làm cho bà ấy mỗi khi tiến tới hôn nhân với ai hay chuẩn bị mang thai là bị hỏng hết. Nỗi ám ảnh đó làm cho nhiều chị em phải tốn rất nhiều tiền, đến chỗ này mê tín, chạy đầu kia tiếp tục nghe theo những lời khuyên dị đoan. Nỗi hoang mang lại càng gia tăng, khổ đau, bế tắc ngày càng lớn. Khi tới gặp chúng tôi, chúng tôi phải nói mạnh cho họ không còn tin như thế. Nghiệp sát do phá thai cũng đã rồi đôi lúc trải qua thời gian lâu, bây giờ có khổ đau, mặc cảm về nó cũng có giải quyết được chuyện gì đâu. Theo đạo Phật, ta phải chuyển nghiệp bằng cách tạo sự sống như phóng sanh, giúp những người già, hỗ trợ các trẻ em mồ côi đều những cái nghiệp có năng lực triệt tiêu ở mức độ gọi là khá tương đối so với cái nghiệp mà mình đã giết đứa con ở trong bào thai của mình. Vấn đề nằm ở chỗ chuyển nghiệp chứ không phải mang trong mình cái tội lỗi đã qua. Điều thứ hai, phần lớn các hương linh sau khi qua đời là tái sinh theo nghiệp chỉ có một số tình huống do chấp tình yêu, hận thù, oan ức, tiếc nuối thì mới lẩn quẩn trong cảnh giới ngạ quỷ. Như vậy có gì xác định rằng đứa con mà mình phá thai ngày xưa là chưa được siêu đâu, không dữ liệu gì để tin. Còn ở đâu, thầy bói nào, thầy pháp nào nói là đứa con của bà chưa siêu thì cứ kêu họ chứng minh. Họ không phải là Thánh mà nói như thế là nói láo. Do đó, là Phật tử ta không nên nhẹ dạ tin theo những điều này, mà phải tin vào thuyết chuyển nghiệp, làm những hành động tích cực bằng không ta sẽ bị vẽ vời, tốn tiền cúng các thầy bói, thầy cúng. Nỗi khổ, niềm đau ngày càng gia tăng chứ không giải quyết được chuyện gì hết. Theo chúng tôi các ông thầy, thầy bói, thầy pháp mà tuyên truyền những cái mê tín như thế là tội lỗi bởi vì làm cho người đó phải mang một nỗi đau bên cạnh một cái nghiệp mà không hướng tâm hồi chuyển, cúng nhiều tiền mà không đi tới đâu hết. Rất nhiều người do vì mê tín như thế nên về tâm sự với chồng hoặc gia đình có các quan điểm khác biệt dẫn đến mâu thuẫn. Vấn đề là ai cũng nhiệt tình để giải quyết nó, có điều là cái cách tiếp nhận vấn đề khác nhau, giả thuyết đặt ra cũng khác nhau cho nên dẫn đến bất đồng quan điểm trong tương quan gia đình và xã hội. Hậu quả đó là khá nghiêm trọng. Cũng có một số người ăn không ngồi rồi, người ta thích đi lấy chuyện người này kể lại cho người kia, đem chuyện người kia phân tích cho người nọ nghe làm cho tam sao thất bổn rồi hiểu lầm, gây ra biết bao nhiêu chuyện rắc rối. Tất cả những thói quen đó cần phải được chuyển hoá. Người Phật tử nói rất ít nhưng nói cái nào có giá trị cái đó, chứ không tán gẫu, tán gẫu có khi nguy hiểm lắm.
Trường hợp ba là nói những lời nói thiếu văn hoá. Theo đạo Phật tức là những lời tục tiểu, nguyền rủa, chửi bới, mắng nhiếc, chì chiết làm cho người nghe gần như bị hành hạ cảm xúc và tinh thần. Người trí thức mà nếu không làm chủ được cái sân thì ngôn ngữ truyền thông đôi lúc nó cay cú hơn là người bình dân. Đó đều được xem là lời thiếu giá trị văn hoá. Ta nên tránh. Trong dân gian có nhiều người có thói quen là thề, nguyền rủa. Khi ghét một người đó thì cứ nói là chết mang theo chứ không tha thứ, không có bỏ qua. Nếu không giải mở việc đó trước khi chết thì khi chết người đó sẽ mở mắt không nhắm được. Người có mối hiềm khích với người chết không nhắm mắt đó mà đến làm cho người ộc máu ra nữa. Đây những điều trong dân gian không thể không tin. Bây giờ, một lời nói cay độc đâu có giá trị gì đâu mà phải giữ nó, trung thành với nó đến thế. Cho nên ai mà lỡ thề cay, rủa độc với ai thì hãy sám hối bỏ qua hết. Hoặc có nhiều người thề độc như thế này: “ Tôi khi đi theo đạo, đời đời kiếp kiếp tôi không bỏ, nếu sau này tôi bỏ đạo tôi sẽ bị trời tru đất diệt”. Một số tôn giáo người ta ép mình phải phát nguyện như vậy, bây giờ mình lỡ nói rồi mà không hiểu được bản chất nhân quả là có thể thay đổi cho nên vì sợ quá mà không dám bỏ.Mình phải mang nỗi khổ, niềm đau đó lâu dài. Khi mà phát hiện chân lý mới, mình không dám theo, trong khi đó luật pháp cho phép tự do tín ngưỡng và không tín không tín ngưỡng, chỉ vì một lời thề cay rủa độc cho chính bản thân mình. Tất cả những điều này cũng cần được tháo mở bởi vì nó không giá trị thật gì hết. Còn chửi thề thì độc địa lắm, nói ra toàn liên hệ đến mẹ cha. Cho nên, người chửi thề ngoài cái việc đánh mất nét đẹp văn hoá trong truyền thông còn là người mang tội bất hiếu rất lớn và ảnh hưởng về sau không thể nhỏ được. Trong các xóm lao động nghèo, thói quen chửi thề ở cửa miệng đầu môi không phải chỉ có người lớn mà ngay cả các trẻ em. Việc đó nó nguy hại đến đời sống đạo đức về sau này lắm, cho nên ta phải cố gắng làm sao chuyển hoá thói quen chửi tục này. Ở mức độ sâu sắc hơn thì người thực tập chuyển hoá nghiệp của lưỡi cần phải làm chủ giọng nói, ngữ điệu của lời nói, đôi lúc mình nói gằn làm người nghe mệt mỏi lắm. Đó là nghiệp nên tránh.
Tình huống bốn là nói những lời vô ích, đôi lúc không biết mình nói để làm gì cái đó là tán gẫu. Chị em phụ nữ vướng vào cái nghiệp này nhiều lắm. Đôi lúc, mình bị ức chế nhiều quá khi gặp một người nào đó khơi chuyện, ta có cơ hội để giải bày tâm sự. Khi mình nói trút ra toàn nỗi buồn, người nói cứ tưởng là mình đang giải phẫu cái nỗi buồn thật ra nhưng thật ra là đang hâm lại nỗi buồn lần thứ hai. Người nghe nếu không biết khả năng xử lý, nghe đầy những chuyện não vào lỗ tai làm mỏi óc, tối đôi lúc ngủ không được. Cho nên, thay vì nói những vô ích như thế thì ta hãy chia sẻ những kinh nghiệm đẹp, những câu chuyện hay để cùng học hỏi và nâng đỡ nhau hơn là nói những chuyện nó không có giá trị gì. Thái độ vô lễ làm cho chúng ta dù nói đúng sự thật nhưng nó không có mang lại cho người nghe cảm giác thoải mái gì hết. Có hai vợ chồng khoảng 60 tuổi đến chùa tư vấn rằng cha của họ bị chứng bệnh gọi là mất kiểm soát hành động cho nên đôi lúc ông làm những chuyện mà nó mất đi thể diện của gia đình chẳng hạn như nói nhảm hay thể hiện những việc mà nó không có thích hợp với người đứng đắn thì con cháu trong nhà cảm thấy khó chịu lắm nên phải chửi ông, mắng ông rất là nặng nề thì ông mới im, không dám làm nữa. Hai vợ chồng này mới nhờ tư vấn là việc làm như thế bớt đi cái nghiệp bị đàm tếu nhưng có bị cái nghiệp bất hiếu với cha hay không. Chúng tôi nói rất rõ ràng là phải có thôi mà cái hậu quả nghiêm trọng nhất là những đứa cháu trong nhà nó sẽ bắt chước, họ có thể chửi được cha của họ thì những đứa cháu này có thể chửi được cha mẹ của nó về sau. Cho nên, các anh chị có thể bị hậu quả là con hay cháu của mình có thể chửi mình về sau, khi mình đến tuổi già mất khả năng lao động, mất khả năng làm chủ được các cái chứng bệnh.v.v. Nên ta có thể lấy những giải pháp khác thay thế mà không cần phải sử dụng những lời nặng nhẹ như thế này đối với cha mẹ ruột của mình. Tương tự, áp dụng cho những người thân khác đang bị bệnh, vì người bệnh người ta có phản ứng rất là chậm và do vậy nếu người chăm sóc không khéo có thể mắng chửi. Cái việc chăm bệnh đó cũng có phước nhưng mắng chửi nó lại tạo tội, phước và tội này nó bù trừ cho nên rốt cuộc là không gì hết. Người bị bệnh mà nghe mắng chửi, nói nặng nói nhẹ nhiều thì cảm thấy là không hài lòng, bệnh nó gia tăng. Nhất là những người bị tai biến mạch máu não hay là nhũn não mà nghe nói nặng nói nhẹ là bệnh ngày càng nặng thêm. Cho nên vô lễ mặc dầu vẫn là nói đúng nhưng làm cho người nghe có cảm giác không hài lòng. Phương pháp chúng tôi đề nghị gia đình đó tham khảo là tại sao mình không thuê phòng riêng nơi không có cháu ở chung, trả lương cho người chăm sóc ông, giả sử nếu ông có những hành động mất sự kiểm soát do bệnh thì không ảnh hưởng gì đến ai, mà việc mình đến thăm hỏi mỗi ngày vẫn được duy trì thì cái nghiệp của ông được giới hạn trong phạm vi do chính ông làm tại mất sự kiểm soát thôi, đó như một cái dạng tâm thần nhẹ. Như vậy nó vẫn tốt hơn là ta để ở chung mà mỗi ngày lại thể hiện sự bất kính với cha ruột của mình thì con cái và cháu nó sẽ không thể nào có lòng hiếu thảo đối với ta trong tương lai được. Họ nghĩ đó là một giải pháp khá tốt mà nào giờ họ không nghĩ ra được. Chửi bới, chê bai, dè bỉu đều thể hiện thái độ khen chê, nó cũng là tật xấu của con người. Thông thường là khi đề cập đến ưu điểm của người khác chúng ta ít có chịu thừa nhận lắm bởi vì nó thương tổn đến ít nhiều đến cái tôi của bản thân, thừa nhận người khác hay hơn mình, tích cực hơn mình có nghĩa cho thấy là mình đã quá tệ. Theo đạo Phật, phải có bản lĩnh tự soi gương nhân cách như thế thì ta mới tiến bộ hơn. Có một số người không có thói quen đó cho nên khi nghe nói đến cái hay, cái tốt, cái tích cực của người khác thì phải tìm một cái gì đó xấu để nói. Ngày nay, internet phát triển người ta tìm cái xấu đưa lên trên mạng rồi, tin để còn dài dài thậm chí người đó chết rồi nó vẫn còn những cái tin xấu đó. Rất là nguy hại! Do đó, những lời thị phi phần lớn đều thuộc về nhóm truyền thông không phù hợp với sự thật đang diễn ra, đã diễn ra và sẽ diễn ra. Tổ dạy tiếp hậu quả của những thói quen xấu về lưỡi như sau:
Lỗi bản thân giấu che đây đó
Khoe giàu sang, nghèo khó miệt khinh
Tăng Ni xua đuổi chẳng gần
Kẻ ăn người ở chửi inh cả ngày
Lời dèm xỉu như bài thuốc độc
Nịnh hót như cung bậc phím đàn
Lấy điều sai quấy điểm trang
Nói không hành có oán than lạnh nồng
Tất cả những điều này đều liên hệ đến phạm vi thứ nhất của truyền thông đó là trái với sự thật. Chửi inh ỏi, nhức đầu nhức óc, ầm ĩ, gây lộn gây lạo đều là những cái làm giảm nhân cách của con người. Nhiều người nếu không có thói quen làm chủ sẽ tạo ra một thói quen tiêu cực đó là bữa nào không chửi là ăn không ngon, ngủ không yên cho nên phải kiếm chuyện. Do đó, ta phải theo dõi mỗi phản ứng cảm xúc của bản thân để ta khắc phục nó ở mức độ khá tốt. Dèm xỉu tức là nói bóng nói gió, nói châm biếm, nói châm chích, nói gần nói xa, nói để người khác nghe và hiểu rằng mình là người đang bị ám chỉ về phương diện tiêu cực. Tất cả những cái đó nó làm cho người bị ám chỉ có cảm giác khó chịu lắm. Trong khi đó, theo đức Phật, nếu ta thật sự có tấm lòng thì mình hãy nói với tư cách là một con người xây dựng, nói vui vẻ, nói dễ thương, nói lịch sự để cho người kia có thể nhận diện những khuyết tật và chỉnh sửa những khuyết điểm của mình. Nếu ta đã góp ý một vài lần rồi mà người đó vẫn bảo thủ thì nghiệp người đó phải mang. Nếu phải phát biểu nhận định đánh giá về người khác thì hãy tìm cái tích cực để ta giảm bớt đi các hận thù, bớt đi những hiềm khích, tăng cường những mối quan hệ giá trị. Lời nịnh hót phần lớn nó làm cho người ta dễ chịu, nở lỗ mũi, mừng hụt.v.v. tạo tình thân giả dối. Theo đạo Phật, những lời nịnh hót nó không có giá trị tích cực cho nên cần phải được chuyển hoá. Nếu phải góp ý xây dựng người nào ta cần phải nói thật, dĩ nhiên nói phải có nghệ thuật, nói những cái tích cực trước rồi sau đó ta góp ý những cái tiêu cực sau, góp ý rất là tế nhị để người nghe không bị tự ái do vậy họ sẵn sàng sửa những điểm chưa tốt của họ. Sống với, làm bạn hoặc là giao du, tiếp xúc với những người có thói quen nóng bởi lời nói, khi họ nhận diện ra lỗi lầm và có khuynh hướng xin lỗi thì ta nên hoan hỷ chấp nhận, đừng có giận dai để ta thiết lập mối quan hệ tình thâm bằng không thì sẽ mệt mỏi lắm. Còn huỷ báng Tam Bảo được xem là một trong những nghiệp nặng nhất. Ví dụ như giá trị tâm linh thông qua lời Phật dạy để lại trong các kinh có thể làm cho con người giảm nỗi khổ, tăng niềm vui, giải quyết các vấn nạn cá nhân, gia đình, xã hội nhưng những người không có thiện cảm phân tích tiêu cực về đạo Phật, hoặc là họ lấy một vài cá nhân nào đó xấu rồi phân tích theo kiểu để cho người nghe có cảm giác rằng các tu sĩ còn lại đều có khuynh hướng giống như nhau hoặc là các phong tục tập quán dân gian sai lầm trà trộn vào trong đạo Phật làm cho một số người bị tác hại tiêu cực, họ phân tích những điều đó làm cho người ta có cảm giác rằng đây chính là bản chất của đạo Phật trong khi đó đạo Phật là con đường tâm linh ngược lại hoàn toàn. Những người như thế phát xuất từ tâm phỉ báng, chỉ trích, xuyên tạc đạo Phật cho nên hậu quả xấu cho họ ở hiện tại và trong tương lai là rất lớn. Do đó, việc truyền bá các giá trị chân lý, những giá trị thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, có khả năng dẫn đến an vui hạnh phúc của Phật pháp cho nhiều người thông qua việc ấn tống, phổ biến, tặng biếu.v.v. là rất đáng được khích lệ. Còn việc nói xấu nhất là đức Phật và đạo Phật sẽ làm cho ta gánh nhiều hậu quả không hay, không phải vì Thần Thánh trừng phạt mình mà bởi vì lẽ ra mình phải nói trung thực về giá trị của đạo Phật thì mình lại tô đen nó làm cho người ta sợ mà không dám theo, nhưng vì sợ không dám theo cho nên người ta bị mất đi các quyền lợi tiếp cận chân lý, sống với đạo đức và tiếp xúc được niềm an vui. Cái hậu quả của lực cản và cái đà trở ngại này sẽ làm cho người phát ngôn tiêu cực về đạo Phật khó có thể tránh khỏi ở hiện đời cũng như ở trong tương lai. Xua đuổi Tăng Ni, chửi bới người chân tu hoặc là hãm hại những người đạo đức, những người có nhân cách, những người có đóng góp cho cộng đồng xã hội thì hậu quả nó nặng hơn là ta hại những người xấu. Động cơ xấu đã mang lấy kết quả xấu rồi mà nạn nhân là những người tốt thì hậu quả và tác hại của nó là rất lớn. Do đó, phải hết sức cẩn trọng về lời nói. Trong các ngôi chùa ở hải ngoại, một số chư Tăng hoặc Ni được thỉnh mời về làm Trụ trì, sau một thời gian làm Phật sự có những mâu thuẫn phát sinh giữa ban cư sĩ thường được gọi là ban quản trị hoặc là ban trị sự của chùa với nhà Sư được thỉnh về làm Trụ trì dẫn đến tình trạng nói xấu lẫn nhau. Nhiều năm thuyết giảng tại Hoa Kỳ và Úc, chúng tôi đã có cơ hội nghe biết được rất nhiều tình huống như thế. Đó thế giới tự do, khi người ta chống đối lẫn nhau người ta chống đối bằng thư nặc danh, bằng email, bằng diễn đàn làm ảnh hưởng tiêu cực trên mối quan hệ đó ngày càng gia tăng. Đó là điều không nên. Nếu chúng ta thực sự có lòng với Tam Bảo thì mình xây dựng xong một ngôi chùa mặc dù công lao là của mình ta nên hiến cúng cho các vị chân tu mà mình tâm đắc hay là kính phục, hiến cúng nghĩa là giao trọn cái quyền về sổ hồng hay sổ đỏ cho người đó. Nhiều Phật tử đóng góp rất nhiều cho Tam Bảo nhưng mà vướng chấp vào cái công cho nên khi cất chùa xong không dám giao cho ai hết, để mình giữ mình quản lý, mà cư sĩ thì không ở chùa được, để cái chùa như là chùa hoang, một tuần mới đến đó làm lễ một lần vào thứ bảy hay chủ nhật xong rồi đóng cửa, đó là thể hiện cái tôi lớn. Khi mà có một người Trụ trì về, các Thầy đó được Phật tử theo nhiều quá thì một số vị trong ban quản lý cũng sanh tâm hiềm khích cho nên phải nói xấu cái này, phê phán cái kia, cấm không được cái nọ.v.v. Họ sẽ nói là chúng tôi mời Thầy về để tụng niệm, bái sám chứ không để quyết định mọi việc trong chùa hay là giao lưu, tiếp xúc với Phật tử.v.v. Như vậy là sau một, hai năm là có vấn đề với nhau, khi có vấn đề thì bắt đầu nói xấu, chửi bới.v.v. Dù là người cư sĩ nói xấu nhà Sư hay là nhà Sư nói xấu cư sĩ cũng là điều nên tránh. Hiện nay trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại, trong số 11 giáo hội, ta thấy tình trạng hiểu lầm nhau, chống đối nhau, kết tội nhau… qua diễn đàn, gần như là chuyện ăn cơm bữa. Ai cũng tự xưng mình là Phật tử thuần thành bảo vệ chánh pháp, diễn đàn thì mang tên diễn đàn bảo vệ chánh pháp mà vô trong đó thì không có lấy 5% các bài Phật pháp chỉ toàn là chống người này, kích người kia, đả phá người nọ mà toàn nhân danh công lý, nhân danh Phật pháp. Đôi lúc nó rất là khôi hài như vậy. Đó là sự thật. Trong vòng 5 năm qua, trong các diễn đàn của internet, chúng tôi làm trang web Đạo Phật Ngày Nay, Tủ Sách Phật Học dù không muốn đôi lúc người ta vẫn gửi cho mình hàng trăm cái tin như vậy. Khi làm họ cứ nghĩ là ta đang truyền bá Phật pháp, bảo vệ chánh pháp mà đang phá hoại Phật pháp rất lớn mà không hay. Không biết khi nào những hoạt động như thế mới được thức tỉnh? Trong khi đó, đạo Phật thì dạy ta hoà giải, rũ bỏ hận thù.
Nói tóm lại trong phần thứ 4, Thiền sư Trần Thái Tông dạy ta nghệ thuật để chuyển hoá hai phương diện của nghiệp lưỡi. Thứ nhất là tiêu thụ qua khẩu vị tức là vị giác và thứ hai là những phát ngôn thiếu chánh niệm và sự làm chủ cảm xúc của tâm. Cho nên, trong tương quan xã hội hầu như ta gặp rất nhiều vấn đề: mất uy tín, thương tổn hoặc là tạo thương tổn cho người khác. Cuối phần này Tổ cũng nêu ra hậu quả của nó là: lưỡi môi bị cày xéo, nước đồng rót, sinh ra làm người bị câm ngọng, á khẩu suốt đời hay là bị sứt môi hoặc là một số bản kinh khác thì nói chúng ta có cái hơi thở rất khó chịu làm người tiếp xúc với mình không cảm thấy thích, có thiện cảm chút nào. Mình nên hiểu là các hành động tiêu cực từ lưỡi hay từ khẩu nó rất lớn cho nên cần phải tránh. Người xưa có câu: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất.” Bệnh là do vì ta không làm chủ được khẩu vị mà ra, hoạ, tai ương, chướng duyên, trở ngại thậm chí là cái chết do vì mình phát ngôn không đúng thời, không đúng chỗ, không đúng người, không đúng tình huống gây hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều người thích nói khống, nói khoét về người khác cho nên bị bắt bỏ tù vì tội vu khống. Những tội xuyên tạc đó nếu mà có người thưa thì hậu quả cũng rất là lớn, ngoài việc bồi thường danh dự của con người nó còn là những tù tội nữa. Tốt nhất là ta phải làm chủ phát ngôn, nếu nói thì nói những điều có giá trị cho mình và cho người. Đó là trọng tâm của phần Sám Hối Nghiệp Lưỡi.
Nhận xét
Đăng nhận xét