Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 03

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 3
Dẫn chương trình: Thích Tâm Hoà
Giảng sư: Thích Chân Tính
Người hỏi: PT Minh Lực
(Mồng 06/10 Bính Tuất)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Chân Tính:
Câu hỏi 1:  Người muốn xuất gia tu học Phật pháp bắt đầu từ đâu và phải có những điều kiện gì và phải làm những thủ tục gì để được vào chùa xuất gia? Nam Mô A Di Đà Phật!
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa quý Phật tử! Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp hôm nay, chúng tôi xin được giải đáp câu hỏi của Phật tử vừa nêu. Trong câu hỏi có ba ý chính. Ý thứ nhất là muốn xuất gia tu học Phật pháp phải bắt đầu từ đâu. Ý thứ hai phải có những điều kiện gì. Ý thứ ba phải làm những thủ tục gì để được vào chùa xuất gia. Đây là những thắc mắc của một số quý Phật tử khi muốn xuất gia mà không biết mình phải bắt đầu từ đâu và có những điều kiện gì, phải làm những thủ tục gì.
Trước khi vào câu hỏi này, chúng tôi xin giải thích ý nghĩa chữ “xuất gia”. “Xuất” là ra, “gia” là nhà, “xuất gia” có nghĩa là ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà nào? Ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà tam giới. Vậy, xuất gia có nghĩa là ra khỏi ba nhà này. Nhà thứ nhất là nhà thế tục, người xuất gia phải rời xa gia đình đến chùa hoặc tịnh xá để tu học gọi là “Cắt ái ly gia” tức cắt đứt cái tình cảm luyến ái giữa gia đình với mình hoặc là giữa vợ chồng, con cái, ly gia có nghĩa là rời khỏi nhà đến chùa hoặc là tịnh xá tu tập. Nhà thứ hai là nhà phiền não, phiền não là những thứ làm cho thân tâm của mình không được yên ổn, khó chịu, bực bội từ đó sẽ tạo những nghiệp, đã tạo nghiệp phải bị trả quả, luân hồi trong lục đạo. Lục đạo có nghĩa là sáu con đường hay là sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la, người và trời. Khi chúng ta có phiền não thì tất nhiên sẽ tạo nghiệp, đã tạo nghiệp thì phải trả quả, chúng ta phải trôi lăn trong sáu con đường này. Do vậy, người xuất gia phải đoạn trừ phiền não mới có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử trong lục đạo. Thứ ba là ra khỏi nhà tam giới, tam giới có nghĩa là ba cõi gồm: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới là cõi mà chúng ta đang ở đây. Còn những cõi cao hơn nữa là sắc giới và cao hơn nữa là vô sắc giới. Vô sắc giới cũng nằm ở trong lục đạo luân hồi. Cho nên, người xuất gia phải làm thế nào ra khỏi nhà tam giới này. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có nói: “Tam giới bất an do như hoả trạch.” Có nghĩa là ba cõi này không yên giống như ở trong nhà lửa. Chúng ta sống ở đây hay nói chung trong ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới là đang sống trong nhà lửa. Sống trong nhà lửa thì mình phải cố gắng làm thế nào ra khỏi nhà lửa. Đó là ý nghĩa của chữ xuất gia.
Nguyên nhân và mục đích của việc xuất gia là gì? Người xuất gia chân chính phải nhận thức rõ ràng thực tướng của vũ trụ nhân sinh. Thực tướng có nghĩa là gì? Là cái tướng chân thật của vũ trụ nhân sinh. Tướng chân thật của vũ trụ nhân sinh là gì? Là vô thường, là vô ngã, là khổ, là không. Chúng ta nhìn sự vật một cách đúng đắn như thế để mình ý thức thế gian là vô thường, thân người là giả tạm, sinh tử trong vòng luân hồi lục đạo là khổ, tất cả những gì hữu hình đều hữu hoại, tất cả những gì chúng ta thấy ở trên cuộc đời này đều nằm trong cái định luật “Sinh trụ dị diệt.” Lấy ví dụ một cái cây ta thấy hiện hữu ở trên cuộc đời này là sinh, cây đó tồn tại một thời gian gọi là trụ, rồi nó dần già cỗi đó là dị (dị có nghĩa là nó thay đổi), một thời gian sau nó chết gọi là diệt. Tất cả những sự vật chúng ta thấy trên cuộc đời này không ngoài quy luật “Sinh trụ dị diệt”. Bản thân của mình cũng “Sinh lão bệnh tử”. Chúng ta phải nhìn thấu được bản chất của vũ trụ và nhân sinh là vô thường, là giả tạm, là khổ, là không. Từ đó, mình mới có một cái ý niệm để ra khỏi cảnh giới vô thường, đau khổ này mà đức Phật đã ví là chúng ta đang sống ở trong nhà lửa. Đang sống ở trong nhà lửa thì mình cố gắng làm thế nào đó ra khỏi nhà lửa. Đức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị đó là vị mặn của muối, trong tất cả giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị đó là vị giải thoát”. Chúng ta xuất gia với mục đích giải thoát khỏi sinh tử luân hồi trong lục đạo. Bởi vì lục đạo là khổ, sáu cái cảnh giới này mỗi lần chúng ta sinh, mỗi lần tử là biết bao đau khổ và gây ra biết bao nhiêu nghiệp, cứ như thế mà trôi lăn trong sáu đường không biết. Do vậy, người xuất gia chân chính là phải ý thức được thế gian vô thường, thân người giả tạm, sinh tử trong lục đạo là khổ. Đó là cái nhân để chúng ta phát tâm xuất gia để ra khỏi cái khổ của lục đạo, thành tựu được cái quả vị giải thoát, thành Phật. Thành Phật rồi lại phải có tâm nguyện để độ chúng sanh. Cho nên, mục đích của người xuất gia trên cầu thành Phật, dưới hoá độ chúng sinh. Vậy người xuất gia phải là người có chí lớn vì thế phải là bậc xuất trần thượng sĩ chứ không thể nào là những người chán đời, những người yếu đuối. Do vậy, khi xuất gia, chúng ta phải hiểu được nguyên nhân và mục đích của mình. Về đời sống của người xuất gia không gia đình, không tài sản, sống đời phạm hạnh, mô phạm, tâm hình khác tục. Đời sống của người xuất gia là không gia đình, khi chúng ta đã xuất gia rồi thì không được có vợ chồng, có con. Khi chưa xuất gia thì chúng ta có quyền có vợ, có chồng nhưng đã xuất gia thì không. Thứ hai là không tài sản, ngày xưa các vị xuất gia theo đức Phật chỉ có ba y và một bình bát cùng một số vật dụng cần thiết trong khi hành đạo, ngoài ra không có gì cả. Chư Tăng ngày xưa sống đi khất thực bưng bát đi xin, ngày ăn một bữa, ngủ ở dưới gốc cây hay những hang cho nên không có tài sản. Bây giờ, các vị thấy các thầy đi tu có chùa, có tài sản các thứ đúng không? Thế nhưng tài sản này không phải của cá nhân mà tài sản này nhưng là của Tam Bảo, là của chung chứ không phải riêng của chúng tôi, chúng tôi không có tài sản. Cho nên, người xuất gia không có tài sản riêng. Thứ ba là sống đời phạm hạnh, sống đời phạm hạnh là không có sát sinh, không có trộm cắp, không có dâm dục, không nói dối. Người xuất gia nào mà phạm vào bốn cái giới này thì không phải là người phạm hạnh, không phải là người xuất gia chân chính. Thứ tư là mô phạm, Tăng là người đại diện cho đức Phật để hoằng truyền chánh pháp. Qua hình bóng của chư Tăng, có thể lôi kéo người ta đến với đạo Phật và cũng có thể khiến cho người xa rời đạo Phật. Cho nên, hình bóng của chư Tăng rất là quan trọng, là mô phạm, là đại diện cho đức Phật. Nếu một người xuất gia không có tư cách, không có đạo đức để cho mọi người nhìn vào thì vô tình chúng ta lại làm hoen ố cái hình ảnh cao đẹp của đức Phật. Bây giờ, người ta không thấy được đức Phật nhưng người ta thấy chư Tăng mà chư Tăng không có tư cách, không có đạo đức thì ai còn niềm tin vào Phật đạo nữa? Do đó, chư Tăng có thể khiến cho người ta đến với đạo Phật và cũng có thể làm cho người xa rời đạo Phật. Do vậy, chư Tăng phải là người mô phạm để cho người ta lấy đó noi theo học tập. Thứ năm là tâm hình dị tục, có nghĩa là tâm và hình tướng của mình phải khác tục. Tâm phải từ bi, hỷ xả, khoan dung, độ lượng. Hình có nghĩa là hình tướng phải cạo tóc, mặc pháp phục của Phật khác với người đời. Quý vị nhìn hình ảnh của chư Tăng nó phải có một cái gì đó khác với hình ảnh của người thế tục. Có nhiều người nói là mình tu mình không có chấp hình tướng. Đúng là nếu chúng ta tu thì không chấp hình tướng nhưng là người xuất gia phải có hình tướng. Bởi vì cái hình tướng đó nó đại biểu cho một cái tập thể, một cái Tăng đoàn. Nếu không có hình tướng thì làm sao người ta biết đó là người tu? Do vậy phải có hình tướng. Người công an có sắc phục và hình tướng của người công an. Học sinh cũng có sắc phục và hình tướng của người học sinh. Quý Phật tử ở đây cũng có sắc phục và hình tướng của người Phật tử. Người xuất gia cũng phải có sắc phục và hình tướng của người xuất gia. Qua hình tướng đó, chúng ta mới thấy được, mới biết được, mới phân biệt được người đó là xuất gia hay tại gia. Cho nên, có nhiều người quan niệm rằng tu tôi không cần hình tướng. Đúng. Tu thì không cần hình tướng nhưng xuất gia thì phải cạo tóc, ăn mặc theo cách của người xuất gia. Do vậy, khi đi xuất gia thì chúng ta phải cạo tóc và mặc pháp phục của người xuất gia chứ không phải nói tôi tu tâm, tôi để tóc, tôi mặc áo đời thì cái chuyện đó không đúng. Nếu mà chúng ta là người xuất gia thì ta phải có hình tướng của người xuất gia. Mỗi một đoàn thể nó có sắc phục riêng.
Ý thứ hai, phải có những điều kiện gì để được xuất gia? Thời Phật còn tại thế, những năm đầu Ngài độ những người xuất gia hoàn toàn không có điều kiện gì hết. Theo như trong cuốn Đức Phật Và Phật Pháp của Ngài Narađa có kể, một hôm, Da Xá chán cảnh ngũ dục ở gia đình bỏ vào rừng thì gặp đức Phật, đức Phật thuyết pháp cho anh nghe về công đức của xuất gia và bài pháp Tứ Diệu Đế. Sau khi nghe xong, anh ta giác ngộ, xin Phật xuất gia. Đức Phật chấp thuận cho anh xuất gia chỉ với những lời như thế này: “Hãy đến đây hỡi Tỳ kheo, giáo pháp đã được truyền dạy đầy đủ. Hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng của người xuất gia để chấm dứt mọi đau khổ”. Đức Phật chỉ như vậy là anh Da Xá này trở thành một người xuất gia đầy đủ giới pháp. Thế nhưng, càng về sau thì số người đến xuất gia với một cái lý tưởng cao thượng cũng có và những người đến xuất gia vì lợi dưỡng cũng có. Do đó những thành phần trí, ngu, khoẻ, bệnh, thật, giả, tốt, xấu lẫn lộn vì vậy mà đức Phật phải đưa ra những điều kiện cần thiết, ai đủ điều kiện đó mới được xuất gia, còn nếu không đủ điều kiện đó coi như là không được xuất gia. Căn cứ trong Ma Ha Tăng Kỳ luật có nêu ra 32 già nạn có nghĩa là 32 chướng ngại. Những người nào mà vi phạm vào một trong 32 chướng ngại này coi như không được xuất gia. Chúng tôi sẽ trình bày cho quý vị 32 chướng ngại như sau:
1        Phá hoại tịnh hạnh của Tỳ kheo Ni
2        Sống trong Tăng chúng để trộm pháp (những người này trước đây đã lén nghe bố tác, lén nghe tự tứ của chư Tăng với mục đích nói xấu chư Tăng, Ni)
3        Kẻ lừa đảo (những người đi vào xuất gia không phải với mục đích chân chính để giải thoát khỏi luân hồi sanh tử mà vào trong chùa mang cái hình tướng xuất gia để lừa gạt người ta)
4        Phạm tội ngũ nghịch (tội ngũ nghịch là tội: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hoà hợp Tăng)
5        Người bán nam bán nữ (do cái tâm lý, sinh lý không bình thường cho nên làm những chuyện cũng không bình thường gây ảnh hưởng đến Phật pháp, mất uy tín của Tăng đoàn cho nên đức Phật không cho họ xuất gia nhưng trong luật có nói nếu như không biết cho người ta xuất gia thì đành phải chịu, còn sau khi xuất gia rồi mới biết thì không cho họ thọ giới chứ không được đuổi họ)
6        Trẻ quá (những em dưới 7 tuổi chưa biết được những chuyện tốt xấu thì không được phép xuất gia)
7        Già quá (nếu trên 70 tuổi làm việc được cũng không cho xuất gia mà dưới 70 tuổi thân thể yếu đuối không làm được việc cũng không cho xuất gia)
8        Bị chặt tay
9        Bị chặt chân
10   Bị chặt cả tay lẫn chân
11   Bị cắt tai
12   Bị xẻo mũi
13   Bị cắt cả tai và mũi
14   Bị mù
15   Bị điếc
16   Bị cả mù lẫn điếc
17   Bị câm
18   Bị què
19   Vừa câm vừa què
20   Bị đánh có sẹo (thí dụ như những người bị đánh hoặc chém mà trên gương mặt có những vết sẹo hoặc lõm cũng không được xuất gia)
21   Bị đóng dấu (ngày xưa người ta có những con dấu đóng lên da của mình để in thành hình bây giờ người ta gọi là xăm)
22   Bị rút gân
23   Bị dãn gân
24   Bị còng lưng
25   Là quan viên tại chức (những người còn đang làm việc trong nhà nước, chỉ khi nào người ta về hưu thì được)
26   Kẻ mắc nợ
27   Bị bệnh (bệnh truyền nhiễm, bệnh nan y, bệnh thần kinh)
28   Ngoại đạo (những người không phải đạo Phật vào tu với mục đích xấu hoặc để phá mình cũng không cho phép xuất gia)
29   Trẻ con trốn cha mẹ (những đứa trẻ nhỏ trốn gia đình đi mà chưa được sự cho phép của cha mẹ cũng không nên cho xuất gia)
30   Đầy tớ trốn chủ
31   Thân thể dị dạng
32   Hình dáng xấu xí (quá đen, quá trắng, quá cao, quá lùn, quá bé…)
Những người nào mà phạm vào một trong 32 chướng ngại này thì không được phép xuất gia. Tuy nhiên, có nhiều vị khi nghe đến đây cũng thắc mắc là sao vẫn thấy có mấy Thầy ở trong chùa mắc vào 32 chướng ngại này, xin thưa rằng những người này lúc trước họ xuất gia họ chưa bị sau khi xuất gia họ bị thì cái chuyện đó là chuyện sau xuất gia chứ không phải là bị trước. Nếu như trước khi xuất gia, chúng ta biết rõ họ bị một trong 32 chướng ngại này thì không được cho xuất gia. Đó là cái luật mà đức Phật đã quy định như thế, ngoài ra khi vào chùa xuất gia thì mỗi chùa lại có một quy định riêng. Chẳng hạn, như bây giờ, một vị nào đến chùa Hoằng Pháp tu xin xuất gia thì phải tập sự trong vòng 6 tháng rồi phải có đạo đức, phải siêng năng tu học, phải thuộc các thời khoá công phu trong các buổi sáng, trưa và chiều và phải được sự đồng ý của đại chúng. Như vậy, khi chúng ta đến một ngôi chùa nào đó người ta có nội quy riêng. Quý vị nào muốn xuất gia tại chùa Hoằng Pháp ít nhất phải vào tập sự trong thời gian 6 tháng. Ngày xưa, khi một người đến xuất gia, đức Phật chỉ cần nói một câu: “Thiện lai Tỳ kheo” là người đó trở thành một vị Tỳ kheo mà không cần phải tập sự gì hết. Bây giờ, chúng ta không thể làm như vậy mà cần phải có thời gian 6 tháng. Để làm gì? Thứ nhất để thử thách xem ý chí của người đó có kiên trì không, có bền bỉ hay không rồi xem cái đạo đức, tính tình của người đó như thế nào và mình cũng biết rõ cái tâm nguyện, chí hướng của người đệ tử của mình. Ngược lại, trong thời gian đó người đệ tử cũng xem rằng thầy mà mình sắp sửa xuất gia có xứng đáng hay không. Hai bên phải tìm hiểu nhau, thầy phải hiểu trò và trò phải hiểu thầy. Nếu không chúng ta cho họ vào chùa xuất gia liền, một thời gian họ thấy người thầy của mình không xứng đáng họ lại bỏ đi nơi khác. Hoặc là có nhiều người không phù hợp với pháp môn, mỗi chùa mỗi thầy có một cái pháp môn tu khác nhau. Trong thời gian tập sự này, đệ tử ở chùa xem coi thầy này đạo đức, giới luật như thế nào có xứng đáng làm thầy mình hay không và cũng biết được pháp môn tu tập như thế nào có phù hợp với mình hay không. Như vậy, giữa thầy và trò phải tìm hiểu nhau cho nên có một quá trình 6 tháng như vậy là rất cần thiết. Trong luật có nêu, một vị thầy mà người đệ tử đến y chỉ có bốn hạng. Hạng thứ nhất là không có khả năng cung cấp vật thực và không có khả năng dạy Phật pháp thì ta nên đi. Hạng thứ hai là có khả năng cung cấp vật thực mà không có khả năng dạy Phật pháp thì nên xin đi chỗ khác, vì mình đi tu mục đích để học pháp mà bây giờ thầy chỉ có khả năng nuôi mình mà không có khả năng dạy pháp thì về ở để làm gì cho nên xin đi chỗ khác tốt hơn. Hạng người thứ ba có khả năng dạy Phật pháp, có giới luật tu hành chân chính mà không có khả năng nuôi mình thì cố gắng, kham nhẫn ở để tu học. Hạng thứ tư có khả năng cung cấp vật thực và có khả năng dạy Phật pháp thì những vị thầy đó dù có đuổi mình mình cũng cố gắng chịu đựng ở tu học. Trong thời gian ở 6 tháng tập sự, thầy thấy mình có đạo đức, siêng năng, tinh tấn tu học thì lúc đó sẽ đưa lên đại chúng và cầu thỉnh đại chúng cho phép chú này xuất gia, phải cần được sự chấp thuận của đại chúng. Bởi vì, trong thời đức Phật có một câu chuyện thế này. Có một vị Tỳ kheo độ cho một chú bé xuất gia trong khi cha mẹ chú bé đó chưa đồng ý. Một hôm, người mẹ mới đến tịnh xá để tìm người con. Khi đến tìm người con, bà hỏi chư Tăng ở trong tịnh xá thì không ai biết và ai cũng nói là không có. Một lát sau, bà ta đi tìm thì thấy con bà đã cạo tóc xuất gia. Bà ta mới phê phán là mấy vị xuất gia mà nói dối. Từ cái chỗ đó, về sau, đức Phật mới quy định trước khi thế phát xuất gia cho một người nào đó phải hỏi qua đại chúng và được sự đồng ý của đại chúng mới được xuất gia. Như vậy, sau thời gian 6 tháng tập sự, được sự đồng ý của đại chúng mới được xuất gia. Đó là quy định của chùa Hoằng Pháp như thế.
Bây giờ, chúng tôi xin nói về ý thứ ba là phải làm thủ tục gì để được vào chùa xuất gia. Theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, người muốn xuất gia thứ nhất phải được sự đồng ý của thầy Trụ trì nơi mình đến tu tập, thứ hai phải có đơn xin xuất gia và có sự đồng ý của cha mẹ hoặc chồng, vợ. Nếu là vợ đi thì phải có chữ ký củ người chồng, nếu là chồng đi thì phải có chữ kí của người vợ, người con thì phải có chữ kí của cha mẹ. Ngoài ra còn phải có chữ ký của Bổn sư , chứ ký của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương nơi chùa mình tu, phải được xác nhận như thế. Thứ ba là phải có một sơ yếu lý lịch được sự xác nhận của chính quyền địa phương.
Tóm lại, người xuất gia phải là người giác ngộ được thế gian vô thường, thân người già tạm, sinh tử luân hồi trong vòng lục đạo là khổ. Từ ý niệm này mà chúng ta phát khởi xuất gia mong ra khỏi tam giới lục đạo để được giải thoát, được thành tựu quả vị Phật, độ cho chúng sinh. Như vậy, người xuất gia phải có lý tưởng cao thượng, phải có tâm ý sáng suốt, thân thể đầy đủ, không vi phạm pháp luật và được sự đồng ý của thầy Tổ và cha mẹ.
Câu hỏi 2: Những người có vợ, có chồng rồi có được xuất gia hay không? Nam Mô A Di Đà Phật! 
Đáp: Việc có vợ hay có chồng thì không có trở ngại gì đến vấn đề xuất gia mà do chỗ là chúng ta có ý thức được việc xuất gia hay không, có lý tưởng được việc giải thoát hay không, có đủ các tiêu chuẩn để xuất gia hay không. Nếu có được những điều kiện, nếu có lý tưởng, nếu có chí nguyện thì chúng ta có thể xuất gia mà không có gì trở ngại. Tuy nhiên, chúng ta xuất gia phải với mục đích, lý tưởng cao thượng chứ không phải vì giận vợ, giận chồng, không phải vì đói khổ, không phải vì thất nghiệp. Nếu chúng ta vì những lý do đó mà đi xuất gia chắc chắn là không có bền. Cho nên, việc xuất gia là phát xuất từ sự giác ngộ thế gian vô thường, thân người giả tạm, sinh tử trong lục đạo là khổ và chúng ta thực sự vì cái việc sinh tử, vì việc giải thoát luân hồi, vì một cái lý tưởng cao thượng mà xuất gia. Xin thưa với quý vị, mặc dù trong luật nhà Phật không cấm những người có vợ, có chồng xuất gia thế nhưng có một số nơi lại không chấp nhận những người đã lập gia đình đi xuất gia. Chẳng hạn như ở Việt Nam chúng ta, nếu ngoài miền Bắc, người có gia đình rồi thì họ không nhận vào xuất gia, chỉ nhận những người còn trẻ tuổi và chưa có vợ, có chồng. Như vậy, tuỳ mỗi nơi có quy định riêng chứ trong luật Phật không hề cấm người đã lập gia đình xuất gia.
Câu hỏi 3: Theo luật Phật quy định người xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ. Nhưng nếu con có chí nguyện xuất gia mà cha mẹ không bằng lòng thì con phải làm sao để thực hiện được chí nguyện đó?
Đáp: Khi chúng ta còn nhỏ đi học, sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, mình thi vào đại học. khi thi vào đại học, chúng ta sẽ chọn cho mình một cái nghề để tương lai mình có cuộc sống tốt đẹp. Cái nghề đó phải phù hợp với sở thích và năng khiếu của mình. Vậy khi chúng ta bước vào đại học, mình là người quyết định chọn nghề nghiệp trong tươnglai của mình, cha mẹ chỉ là những người cố vấn không thể bắt chúng ta theo nghề nghiệp của cha mẹ trong khi những nghề đó mình không có năng khiếu hoặc không có sở thích. Lúc lớn lên có vợ, có chồng, cha mẹ bắt ép mình phải lấy một người nào đó mình không có tình cảm mà bắt mình sống với người đó trọn đời thì chắn chắc rằng quý vị sẽ không chịu. Thời đại bây giờ chuyện đó khó ai chấp nhận. Phải sống với người mình không thương, không có tình cảm suốt đời như vậy thì làm sao sống được? Bây giờ, cha mẹ không đồng ý cho mình đi xuất gia, mình phải tìm cách thuyết phục. Đây cũng là sự thử thách niềm tin và ý chí của mình xem mình có kiên nhẫn chuyển hoá, thuyết phục được cha mẹ cho mình đi xuất gia hay không. Nếu mình đã làm hết sức mà cha mẹ không thay đổi lập trường, không cho phép mình đi xuất gia thì mình có thể đặt ra bốn câu hỏi. Nếu cha mẹ giải quyết cho chúng ta thoả mãn được những câu hỏi này thì mình không xuất gia, còn nếu cha mẹ không giải quyết được thì cha mẹ phải chấp nhận cho mình đi xuất gia. Mình nêu ra bốn câu hỏi:
1        Làm sao cho con trẻ mãi không già?
2        Làm sao cho con khoẻ mãi không bệnh?
3        Làm sao cho con sống hoài không chết?
4        Làm sao cho mọi người hết khổ?
Chắc chắn cha mẹ mình sẽ không thể nào thoả mãn cho mình bốn câu hỏi này. Nếu không thoả mãn được nhưng cha mẹ vẫn không cho đi xuất gia, vậy thì chúng ta phải tự quyết định lấy. Khi một người đã tới tuổi trưởng thành, người đó có quyền quyết định tương lai của mình. Mình bị đoạ địa ngục, cha mẹ có thế mình được không? Mình ăn cắp, ăn trộm vào tù, cha mẹ có thay mình vào tù được không? Chắc chắn là không. Vậy bây giờ chúng ta phải tự quyết định cuộc đời của mình. Cha mẹ không thể quyết định được cuộc đời của mình. Có thể nghe tới đây quý vị lại thắc mắc vừa nãy có bảo rằng muốn xuất gia thì cần phải có sự đồng ý của cha mẹ, xin thưa với quý vị câu đó nói cho những người từ 18 tuổi trở xuống. Người chưa thành nhân thì phải được phép của cha mẹ nhưng khi chúng ta đã là người lớn thì mình có quyền quyết định cuộc đời của mình. Mình cứ vào chùa trình bày thẳng với quý thầy là con có chí nguyện xuất gia như thế nhưng cha mẹ con không cho, mong là thầy hoan hỷ độ cho con. Chắc chắn rằng với tâm nguyện đó, với lòng từ bi của quý thầy sẽ giúp cho chúng ta xuất gia. Đó chỉ là cách giải quyết cuối cùng. Nếu chúng ta có thể thuyết phục được cha mẹ cho mình xuất gia thì tốt, còn không thì chúng ta phải tự tìm cách để thực hiện được ý nguyện của mình.
Câu hỏi 4:  Trường hợp cha mẹ chỉ có một người con trai duy nhất. Nhưng nếu người con trai đó đi xuất gia bỏ cha mẹ không ai phụng dưỡng thì người con trai đó có mang tội bất hiếu không?
Đáp: Khi đất nước bị ngoại xâm, nhà nước phải động viên tất cả thanh niên ra chiến trường để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc. Nếu số thanh niên ra trận thiếu phải tổng động viên cả những người con một trong gia đình ra chiến đấu để bảo vệ đất nước. Bởi vì không bảo vệ đất nước, nước mất thì nhà tan, cha mẹ cũng chưa chắc đã còn. Do vậy, trường hợp cha mẹ có một người con duy nhất phải ra chiến trường để chiến đấu, vậy người con đó có bất hiếu hay không? Chắc chắn là không. Bây giờ, giả sử như người con đó chết trận, hy sinh cho đất nước, cho dân tộc, có ai nói là người con đó bất hiếu hay không? Ngược lại người ta còn ca ngợi, ngược lại cha mẹ còn tự hào rằng mình có một người con hy sinh cho đại nghĩa, hy sinh vì dân tộc. Không ai nói là người con này bất hiếu và cha mẹ cũng không bao giờ oán trách người con này cả bởi vì việc làm của người con này là chính đáng. Người xuất gia hy sinh cuộc đời của mình để tu, để thành Phật, để cứu độ chúng sinh. Nếu chúng ta đem so sánh việc làm của người xuất gia khi thành Phật rồi độ vô số chúng sinh với một người chiến sĩ ra chiến trận hy sinh vì dân tộc thì ai là người có công lớn hơn? Một đằng là vì tận độ chúng sinh, một đằng chỉ vì cứu nguy cho dân tộc mà dân tộc thì chỉ trong phạm vi một đất nước. Còn cái sự hy sinh của người xuất gia để tu tập, để thành Phật, để cứu độ cho tất cả chúng sinh. Chúng ta phải nhận thức như thế này, theo quan điểm của Phật giáo, mình sinh ra trên cuộc đời này không phải chỉ có một kiếp mà chúng ta đã luân hồi trong lục đạo vô thuỷ kiếp. Mỗi một kiếp chúng ta sinh ra đều có cha, có mẹ. Từ vô thuỷ kiếp đến giờ, chúng ta đã có biết bao nhiêu là cha mẹ. Chỉ có khi nào ta xuất gia tu hành, chứng thành Phật quả, độ tận chúng sinh thì chúng ta mới có thể báo hiếu trọn vẹn. Nếu chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng mình báo hiếu cho cha mẹ một đời này thì đó chưa phải là trọn vẹn. Ta xuất gia tu thành Phật độ tận chúng sinh mới gọi là người đại hiếu. Ngày xưa, thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn là con một, trong tương lai chuẩn bị lên ngôi vua thế mà Ngài bỏ ra đi bỏ ngôi vua, bỏ cha mẹ đi xuất gia, có ai nói Ngài là bất hiếu không? Rõ ràng rằng người ta còn ca ngợi sự hy sinh cao quý của Ngài và cho đến ngày hôm nay chúng ta là những người vẫn còn được thừa hưởng pháp âm, những lời dạy quý báu của Ngài để mình biết con đường tu tập. Đức Phật đã hy sinh thân mình để tu tập, để chứng thành Phật quả, để cứu độ chúng sinh thì việc làm đó là việc làm cao quý và nói một cách nào đó là cái người đại hiếu. Trường hợp trong gia đình mình, mình là người con duy nhất thì mình phải cố gắng làm thế nào khuyến hoá cha mẹ mình cũng đi xuất gia. Nếu cha mẹ mình không đi thì mình nhờ bà con thân thuộc của mình lo lắng, giúp đỡ. Một thời gian sau khi mình xuất gia, có thể từ từ mình đem Phật pháp về gia đình khuyến hoá cha mẹ. Có thể từ đó mà cha mẹ mình sẽ ý thức được cũng theo mình xuất gia. Nói tóm lại, nếu chúng ta đã có cái tâm nguyện xuất gia thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành ý nguyện của mình. Quý vị đã nghe như Ngài Lục Tổ Huệ Năng, Ngài là một người rất là nghèo, Ngài đi đốn củi để nuôi mẹ. Khi Ngài đi xuất gia thì mẹ Ngài sẽ như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng Ngài cũng đã sắp xếp được hết, Ngài nghèo như vậy nhưng vẫn thực hiện được cái lý tưởng. Do vậy, chúng tôi nghĩ nếu chúng ta đã có một cái tâm nguyện xuất gia thì cách nào chúng ta cũng có thể khắc phục và hoàn thành được cái ý nguyện xuất gia của mình.
Câu hỏi 5:  Con thấy có những chùa Tăng độ cho người nữ xuất gia. Nhưng cũng có những chùa không độ người nữ xuất gia. Vậy sao lại có sự khác biệt như vậy và nguồn gốc cho người nữ xuất gia là từ khi nào? Nam Mô A Di Đà Phật!
Đáp: A Di Đà Phật! Theo trong luật Phật dạy, một vị Tỳ kheo mà muốn độ người xuất gia phải đủ 10 tuổi hạ và một vị Tỳ kheo Ni muốn độ người xuất gia phải đủ 12 tuổi hạ. Tuổi hạ là sao? Tuổi hạ là những vị đó đã thọ Tỳ Kheo rồi, sau khi thọ Tỳ kheo thì mỗi một năm nhập hạ được gọi là một tuổi hạ. Sau khi thọ Tỳ kheo, người nam được 10 tuổi hạ, người nữ 12 tuổi hạ mới được phép độ người xuất gia. Trong luật còn quy định phải hội đủ 10 điều kiện:
1        Một là vị đó phải giữ giới có nghĩa là không phạm vào những cái giới sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối.
2        Hai là phải nghe nhiều A tỳ đàm có nghĩa là mình phải tìm hiểu Phật pháp rất nhiều để có thể hướng dẫn, chỉ dạy cho người đệ tử.
3        Thứ ba là phải hiểu biết về Tỳ Ni có nghĩa là luật, một vị thầy phải biết hai giá trị phạm, biết như thế nào là phạm, như thế nào là không phạm để mình hướng dẫn cho đệ tử các oai nghi, giới luật cần thiết trong việc tu học.
4        Thứ tư là học giới.
5        Thứ năm là học định.
6        Thứ sáu là học tuệ.
7        Thứ bảy là có thể xuất tội và sai người khác xuất tội nghĩa là mình biết được người đệ tử của mình phạm những lỗi gì thuộc giới gì để mình biết, mình hướng dẫn cho đệ tử sám hỗi lỗi lầm.
8        Thứ tám là có thể nuôi người bệnh và sai người khác nuôi bệnh nghĩa là vị thầy phải có khả năng lo lắng cho đệ tử của mình ăn mặc, ở, bệnh.
9        Thứ chín là khi đệ tử gặp nạn có thể giải cứu hoặc nhờ người giải cứu.
10   Thứ mười là đã đủ 10 tuổi hạ.
Đó là 10 điều kiện mà người thầy phải có để độ cho đệ tử xuất gia. Căn cứ trong cuốn Giới Luật Học Cương Yếu của Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm, vị Tăng không được phép độ người nữ xuất gia, Tỳ kheo không được làm Hoà thượng truyền giới cụ túc cho Ni. Trong văn Sa Di Ni Giới có ghi: “Tự chẳng phải Thánh, Bồ Tát, A La Hán thì chẳng nên độ Ni”. Như vậy căn cứ theo cuốn Giới Luật Học Cương Yếu của Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm thì Tăng không được phép độ người nữ xuất gia. Tuy nhiên trong này có nói: “Tự chẳng phải Thánh, Bồ Tát, A La Hán thì chẳng nên độ Ni”, vậy những vị có khả năng độ Ni là những vị đạo cao đức trọng, những bậc thuộc về hạng Thánh thì mới có thể độ cho người nữ xuất gia. Theo cái nhìn của chúng tôi thì những người nữ khi xuất gia nên đến xuất gia với các vị thầy Ni là tốt nhất. Bởi vì là người nữ với nhau cùng giới tính với nhau mới biết được những tâm lý, sinh lý, hiểu được những rắc rối của nhau thì mới có thể giải toả được. Do vậy, chúng ta xuất gia với người nữ nó tốt hơn. Khi chúng ta xuất gia với các vị thầy Ni, người ta hướng dẫn cho chúng ta vào trong cái khuôn khổ, giới luật, nề nếp, tuy ta thấy nó khó nhưng thật ra đó là những điều rất cần. Chúng ta sống ở trong một tập thể Ni thì mình mới biết được những quy củ của Thiền môn, mới biết được những cái trong giới Ni để sau này nếu mình có làm Trụ trì mình mới có khả năng hướng dẫn cho các đệ tử Ni.
Về nguồn gốc của người nữ xuất gia, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài trở về quê thăm phụ hoàng và gia tộc. Trong lần về thăm đó, Ngài đã thuyết pháp, gieo rắc hạt giống Phật pháp cho tất cả trong hoàng tộc, có nhiều người đã phát tâm xuất gia. Sau khi thăm, đức Phật từ giã gia đình tiếp tục đi hành đạo. Một thời gian sau, nghe tin phụ hoàng sắp băng hà, Ngài lại trở về quê để độ cho cha. Sau khi cha mãn phần khoảng ba tháng, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề là dì của đức Phật mới xin đức Phật xuất gia nhưng Ngài không đồng ý. Quý vị biết tại sao đức Phật không đồng ý không? Vì thời đó những người xuất gia sống một cuộc đời không nhà cửa, ăn thì phải xin, cho nên đi khất thực như thế với thân hình người nữ thì làm thế nào có thể tự bảo vệ được mình. Cho nên, đức Phật chưa đồng ý. Khi Ngài tiếp tục đi hành đạo qua nước Tỳ Xá Ly, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề quyết định là mình phải đi xuất gia nên bà rủ trong hoàng tộc được mấy chục người và họ tự cạo tóc, tự đắp y, đi bộ từ Ca Tỳ La Vệ đến thành Tỳ Xá Ly. Đến tịnh xá, ai chân cũng sưng phù, người thì lấm lem dơ bẩn. Anan ra cổng tịnh xá chứng kiến cảnh này động lòng mới vào bạch với đức Phật xin cho bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề được xuất gia. Anan lại hỏi đức Phật là người nữ có thể chứng Thánh quả hay không. Đức Phật nói rằng người nữ có khả năng, có thể chứng Thánh quả. Anan nghe vậy mới nói là nếu như người nữ có thể chứng Thánh quả vậy xin Ngài cho phép giới nữ được xuất gia. Và cuối cùng đức Phật đã đồng ý với tám điều kiện là Bát Chánh Pháp, nếu người nữ chấp thuận thì Ngài sẽ cho phép xuất gia. Tám điều kiện đó như sau:
1        Tỳ kheo Ni dù 100 tuổi hạ thấy Tỳ kheo mới thọ giới phải đứng dậy đón rước, lễ bái và trải toà sạch sẽ mời ngồi.
2        Tỳ kheo Ni không thể nhập hạ nơi nào không có Tỳ kheo.
3        Tỳ kheo Ni mỗi nửa tháng phải cầu xin Tỳ kheo Tăng thọ giáo.
4        Khi mãn thời gian kiết hạ, mỗi Tỳ kheo Ni phải hành lễ Tự tứ chính thức ra hạ trước những Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni khác để kiểm khảo xem trong ba điều thấy, nghe và hoài nghi mình có lầm lỗi điểm nào.
5        Tỳ kheo Ni đã phạm trọng tội phải sám hối trước chư Tăng và chư Ni.
6        Nữ Sa Di đã thọ Thức - xoa trong thời gian 2 năm phải đến trước chư Tăng và chư Ni cầu thọ giới Tỳ kheo Ni.
7        Bất luận ở trường hợp nào, Tỳ kheo Ni không được khiển trách và nặng lời với Tỳ kheo.
8        Tỳ kheo không được sám hối với Tỳ kheo Ni nhưng Tỳ kheo Ni có thể sám hối với Tỳ kheo.
Đó là tám điều mà đức Phật đã đưa ra, nếu bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề chấp nhận thì Ngài cho phép xuất gia. Khi Ngài Anan ra nêu lên tám điều này thì bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề rất là mừng và bà chấp nhận sống và thực hành tám điều này trọn đời. Như vậy, đức Phật đã mở ra con đường cho chư Ni được sống đời phạm hạnh. Từ đó, trong đạo Phật chúng ta có một giáo đoàn Ni. Giáo đoàn Ni này là một giáo đoàn đầu tiên trong các đạo thời bấy giờ có người nữ xuất gia và sống đời phạm hạnh. Giới nữ được bắt đầu xuất gia từ khi bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia và từ đó thành lập nên giáo đoàn Ni trong đạo Phật chúng ta.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn