Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 15

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 15
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư: Thích Trí Chơn
(Ngày 28/12/2008)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Trí Chơn:
Câu hỏi 1:  Con là một Phật tử  thường theo mẹ đến chùa, tuy nhiên con có một khúc mắc: tại sao cũng là đạo Phật lại mà lại có sự phân chia giáo phái khác nhau như Bắc tông và Nam tông? Như vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự phân phái này. Về y phục, nghi lễ và phương pháp tu tập giữa 2 phái này có khác biệt nhau hay không? Hai danh từ Sa-môn và Tỳ-kheo có sự khác biệt nhau như thế nào? Kính mong quý thầy giải đáp cho chúng con. Nam Mô A Di Đà Phật!
Đáp: Câu hỏi mà quý vị đặt ra có mấy vấn đề sau:
1.                 Sự khác biệt giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông
2.                 Y phục
3.                 Nghi lễ
4.                 Phương pháp hành trì và tu tập của mỗi tông phái
5.                 Sự khác nhau giữa Sa-môn với Tỳ-kheo
1)         Sự khác biệt giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông:
Chúng ta biết rằng ba tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, Tôn giả Ca Diếp đã triệu tập một đại hội để kết tập kinh điển. Đây là kỳ kết tập kinh điển đầu tiên. Vào thời đức Phật còn tại thế, lúc bấy giờ không có kinh sách, không có ghi chép. Mỗi ngày, đức Phật cùng các Thánh đệ tử đi khất thực và về tịnh xá thọ thực, rồi đức Phật thuyết pháp các đệ tử lắng nghe; cứ như vậy mà hành trì, cứ như vậy mà tu tập, chứ không có văn bản như ngày hôm nay. Cho nên, khi đức Phật nhập Niết Bàn, Tôn giả Xá Lợi Phất triệu tập một đại hội để kết tập kinh điển. Tôn giả A Nan là người hầu cận của đức Phật, Ngài có một bộ nhớ siêu phàm, nhớ những lời dạy của đức Phật. Đức Phật ca ngợi bộ nhớ của A Nan cũng giống như nước chế vô trong bình, bình chế ra ly không có mất một giọt nào. Những lời đức Phật nói mà A Nan nghe được thì Ngài A Nan thường thuật lại y như vậy không thiếu một từ, không dư một chữ. Cho nên, trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất thì tôn giả A Nan thuật lại những lời dạy của đức Thế Tôn mà sau này ghi lại gọi là kinh điển. Trong khi đó Tôn giả Ưu Ba Li là một người trì luật số một và cũng có bộ nhớ siêu phàm về những điều khoản mà đức Phật dạy cho nên Tôn giả Ưu Ba Li được đọc lại giới luật. Suốt thời gian 7 tháng kết tập, tất cả 500 Thánh đệ tử công nhận những lời của tôn giả A Nan và tôn giả Ưu Ba Li thuật lại là đúng y như lời Phật dạy. Tất cả đại chúng cùng theo đó mà tu tập, cùng theo đó mà hành trì. Cho đến 100 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, một đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai được trọng thể diễn ra do trưởng lão Da Sá triệu tập. Trưởng lão Da Sá lúc bấy giờ là 165 tuổi, một bậc thượng thủ của Tăng đoàn lúc bấy giờ. Nhưng trong đợt kết tập kinh điển lần thứ hai bắt đầu phát sinh vấn đề, nó có hai trường phái khác nhau. Trường phái thứ nhất là của những bậc thượng toạ lớn tuổi, những vị cao niên mà đại biểu là trưởng lão Revala. Trường phái của trưởng lão Revala thì cho rằng ngày xưa đức Phật dạy như thế nào thì ngày hôm nay đệ tử cứ y như thế mà hành trì, đặc biệt là giới luật không thay đổi bất cứ một điều khoản nào hết. Trong khi đó, một trường phái thứ hai mà trường phái này chiếm đa số những đại đức nhỏ tuổi hơn mà đại biểu là đại đức Vajjiputra. Đại đức Vajjiputra mới lập luận giáo pháp của đức Phật đã trải qua 100 năm rồi, ngày xưa đức Thế Tôn có dạy những điều khoản nào Ngài ban hành nhưng nếu không còn phù hợp với bối cảnh thực tế thì được phép không ứng dụng. Trong quan hệ xã hội, có những cái đức Phật chưa ban hành, chưa dạy nhưng đem lại hạnh phúc, an lạc cho cuộc đời và đem lại sự bảo vệ Tăng đoàn thì Tăng chúng có thể quy định điều khoản mới vào trong giáo đoàn. Một bên bảo là đức Phật dạy như thế nào thì cứ như thế ấy mà hành trì còn một bên bảo là phải thay đổi theo thời cuộc, từ đó chia ra làm hai bộ phái khác nhau. Bộ phái của trưởng lão Revala giữ những lời dạy nguyên thuỷ của đức Phật được gọi là Phật giáo nguyên thuỷ và từ Trung Ấn Độ xuôi xuống miền Nam để hành đạo, tu tập cho nên gọi là phái Nam tông. Trong khi đó, trường phái của đại đức Vajjiputra là cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh thực tế và đi ngược lên miền Bắc để hành đạo gọi là Bắc tông. Phật giáo cần phải có những cái biến đổi để thích ứng cho nên gọi là Phật giáo phát triển và tông phái này chiếm đại đa số cho nên gọi là Đại chúng bộ. Còn phái của trưởng lão Revala gọi là Thượng toạ bộ. Từ đó hai tông phái cách biệt nhau và tất nhiên đây không phải là sự mâu thuẫn, không phải là sự đối lập mà đây là một tiến trình phát triển theo xu hướng của xã hội. Nếu nghiên cứu sâu ta sẽ thấy rằng có rất nhiều tông phái chứ không phải chỉ có hai. Nhưng cái nét để cho chúng ta dễ phân biệt nhất đó là Nam tông và Bắc tông.
2)         Về vấn đề y phục:
Ta trở lại Phật giáo Nam tông là Phật giáo nguyên thuỷ, giữ nguyên tất cả những lời dạy của đức Phật kể cả hình thức, kể cả nội dung, kể cả các nếp nghĩ, nếp nhìn, quan hệ trong Tăng chúng. Ngày xưa, đức Phật mặc chiếc áo như vậy thì bây giờ đệ tử cũng mặc y như vậy. Cho nên, chúng ta thấy tất cả các nước Phật giáo trên thế giới, các Sư Nam tông đều mặc một kiểu y áo như nhau. Có khác chăng về màu sắc: vàng đậm, vàng nhạt, vàng nâu là tuỳ từng vùng, từng quốc độ, từng lãnh thổ, chứ còn về hình thức là như nhau. Trong khi đó, Phật giáo Bắc tông hay Phật giáo phát triển có lập luận là đi đến nơi nào thì cần phải sinh hoạt để cho thích ứng với bối cảnh, với điều kiện ở quốc độ đó cho nên có thể thay đổi hình thức chứ không câu nệ, không phải cố chấp, không phải rập khuôn. Cho nên, khi đến một số nước như là Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì chúng ta thấy các nhà Sư bắt đầu mặc quần áo mà không mặc y quấn như tu sĩ Nam tông. Đặc biệt chiếc áo màu nâu, đây là một đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, không có một nước nào khác có chiếc áo màu nâu. Chiếc áo màu nâu của dân tộc Việt Nam, của đạo Phật Việt Nam nó mang một cái ý nghĩa, màu nâu là màu của đất. Đất là biểu trưng cho cái gì? Thứ nhất là sự dung chứa, tất cả mọi sự, mọi vật đều dung chứa trên trái đất này, không có một cái gì mà không từ đất. Thứ hai là sự trưởng dưỡng, tất cả đều trưởng thành lên từ đất, cây cỏ mọc lên từ đất, tất cả các loài chúng sinh mọc lên từ đất. Chúng ta làm nhà cũng lấy đất, đắp đường cũng bằng đất. Tất cả đều từ đất mà ra. Thứ ba là nhẫn nhục, chúng ta đào, xới, khoan, chúng ta đổ rác, làm đủ thứ chuyện ấy thế mà đất vẫn nhẫn nhục, vẫn sinh trưởng, vẫn bảo bọc sự sống. Cho nên, chiếc áo nâu là biểu trưng cái hạnh của đất. Người tu cần phải bao dung, cần phải trưởng dưỡng, cần phải nhẫn nhục như là đất. Đó là chiếc áo nâu đặc thù của đạo Phật Việt Nam. Một chiếc áo thứ hai nữa đó là chúng ta thấy quý vị đang mặc trên người là chiếc áo màu lam hay còn gọi là màu khói hương. Khi chúng ta đốt một nén hương dâng lên Phật, dâng lên Tổ thì những khói trầm quyện toả, màu lam nó bay lên. Màu hương là màu thơm thảo, màu của tất cả lòng thành dâng lên cúng đức Phật. Màu thơm thảo của người Phật tử mình là hương giới, hương định, hương tuệ. Chúng ta hãy giữ giới, chúng ta niệm Phật chánh định, chúng ta có trí tuệ đó là những đoá hương cao cả nhất dâng lên cúng đức Phật. Chiếc áo chúng ta đang mặc đó là một biểu trưng, nhìn vào chiếc áo mình đang mặc như là một sự giới đức, một sự chuyên cần mình nỗ lực để mình cúng dường lên đức Phật. Cho nên, Phật giáo Bắc tông đi đến mỗi vùng, mỗi miền thì hội nhập vào vùng miền đó. Đặc biệt, đạo Phật Việt Nam có chiếc áo màu nâu và màu lam này hết sức là dễ thương. Đó là sự khác nhau về y phục.
3)         Về mặc nghi lễ:
Đúng như hai từ “nguyên thuỷ”, Phật giáo Nam tông đi đến đâu dù vùng miền nào thì cũng giữ một tính chất. Về nghi lễ thì Phật giáo Nam tông không có rườm rà lắm, chủ yếu thọ trì kinh điển là chính. Chúng ta đến một ngôi chùa Nam tông ở Việt Nam, ở bên Mỹ, Pháp, Anh, Thái Lan, Campuchia…tất cả đều chỉ có một giọng đọc và thống nhất kinh điển. Nhưng mà về nghi lễ thì Bắc tông thì có đổi thay, đi đến mỗi vùng, mỗi miền, tuỳ theo bối cảnh, tuỳ theo văn hoá, tuỳ theo tập tục mà có sự khác nhau. Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam không giáo nghi lễ của Phật giáo Trung Hoa, mà nghi lễ Phật giáo Trung Hoa cũng không giống Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Nhật Bản lại không giống Phật giáo Hàn Quốc. Khoan nói đến vấn đề giữa nước này với nước kia, ngay trong Việt Nam mình, cái nghi lễ của Phật giáo miền Bắc không giống nghi lễ Phật giáo miền Trung, nghi lễ Phật giáo miền Trung cũng không giống nghi lễ của Phật giáo miền Nam. Khi một vị thượng toạ, một vị đại đức miền Bắc dâng sớ nó sẽ khác. Nhưng nếu như chúng ta tới miền Trung, chúng ta đến đất Huế, chúng ta sẽ lắng nghe một vị thượng toạ dâng sớ cũng êm đềm, cũng nhẹ nhàng như dòng sông Hương. Cách đọc sớ của Phật giáo miền Trung nó êm đềm, nó nhẹ nhàng bởi vì cái ngôn ngữ của vùng miền. Chúng ta đến một ngôi chùa ở trong Nam, khi dự một cái lễ, gặp một thượng toạ dâng sớ, chúng ta nghe nó cũng không giống Hà Nội, không giống Huế mà nó là ngôn ngữ của miền Nam. Cho nên, quý vị thấy phần nghi lễ cái chất giọng khác nhau, cái ngôn ngữ nó không giống nhau rồi cái phần điệu đàn, điệu trống, điệu phách nó không giống nhau, vì vậy nghi lễ là bất đồng. Lời dạy của đức Phật là không hai, tất cả đều tu tập, đều hành trì nhưng chuyển tải cái giáo lý ấy bằng phương tiện, nghi lễ là có khác nhau tuỳ từng vùng, từng miền, từng nơi chốn để cho phù hợp với nếp sống, nếp nghĩ và sinh hoạt ở từng vùng mà nghi lễ có khác nhau.
4)         Pháp môn tu tập và hành trì:
Phật giáo Nam tông cũng có pháp môn niệm Phật nhưng mà nó không rõ nét là một tông phái. Trong năm bộ của kinh điển Nikaya, đức Phật thường đề cập đến là đệ tử Phật phải thường xuyên niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới.v.v. Nhưng cái pháp tu căn bản của Phật giáo Nam tông là hành thiền, thiền minh sát tuệ. Những bộ kinh cơ bản của Phật giáo Nam tông để tu tập và hành trì là kinh Tứ Niệm Xứ, kinh Quán Niệm Hơi Thở. Kinh Quán Niệm Hơi Thở ở Việt Nam mình xuất hiện khá sớm mà Thiền sư Khương Tăng Hội đã dịch một phẩm kinh gọi là An Ban Thủ Ý chính là kinh Quán Niệm Hơi Thở. Pháp môn tu tập căn bản của Phật giáo Nam tông đó là hành thiền. Trong khi đó Phật giáo Bắc tông là Phật giáo phát triển, đức Phật dạy rất nhiều pháp môn tuỳ mỗi người thích ứng với căn cơ của mình theo pháp môn nào thì mình tu tập theo pháp môn đó. Có vị thì hành thiền, có vị thì niệm Phật, có vị thì tu Mật tông, cũng có vị thì Pháp Hoa tông, Duy Thức tông.v.v. Về đường hướng tu hành thì rất đa dạng nhưng mục đích đến vẫn là vì an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Cho nên, pháp môn hành trì của Phật giáo Bắc tông thì đa dạng hơn, phong phú hơn.
5)         Về sự khác biệt giữa Tỳ-kheo và Sa-môn.
Tỳ-kheo là một vị xuất gia đã tu hành, thọ giới và giữ gìn 250 giới. Chúng ta là Phật tử thì thọ trì 5 giới. Các vị xuất gia vô chùa tập sự thì là Sa-di giữ 10 giới và khi thọ Tỳ-kheo thì giữ 250 giới. Tỳ-kheo có một ý nghĩa thứ nhất là khất sĩ. Khất sĩ là đi khất thực ở ngoài đường mỗi ngày và trong đời sống tu tập là xin giáo pháp của đức Phật. Cho nên, người tu là “Thượng thộ Phật đạo, hạ hoá chúng sinh” tức trên xin giáo pháp của đức Phật để tu tập, để hành trì, để đạt đến giải thoát còn ở dưới đi xin những thực phẩm cúng dường của quần chúng, của bá tánh. Đây là một hạnh tu rất đẹp nhưng bây giờ trong cái đời sống phát triển của vật chất có một số vị không giữ đúng cái bản chất của hai chữ khất sĩ. Cái hạnh khất sĩ rất đẹp, là cái hạnh của bảy đời chư Phật đều dự. Ý nghĩa thứ hai là bố ma tức là trước uy lực của một người tu làm cho các ma phải khiếp sợ. Ý nghĩa thứ ba là phá ác, người tu là vâng giữ giới luật của đức Phật, là phá trừ những cái ác và tôn vinh những cái thiện. Còn nuôi dưỡng những cái ác, còn làm hậu thuẫn cho những cái ác thì đó không phải là Tỳ-kheo, không phải là đệ tử của đức Phật. Vì nó có nhiều nghĩa cho nên người ta không có dịch ra mà người ta giữ nguyên hai chữ Tỳ-kheo. Còn từ Sa-môn chỉ cho một vị có phạm hạnh, giới luật tinh nghiêm, nó cũng tương đương với Tỳ-kheo nhưng Sa-môn là chỉ một bậc giải thoát, một bậc có phạm hạnh với cái hạnh trong sáng, hạnh cao thượng trong đời sống tu tập.

Câu hỏi 2:  Con có một số bạn cũng là Phật tử, tuy nhiên vì lý tưởng tình yêu các bạn con lại lấy chồng người khác đạo. Bởi theo đạo Phật thì tình yêu không có biên giới về tôn giáo. Tuy nhiên các bạn con lại có quan niệm rằng trong một gia đình thờ 2 đạo thì gia đình đó làm ăn không nên hoặc các bạn con sợ sau khi chết linh hồn sẽ bị xé tan bởi sự tranh chấp giữa 2 tôn giáo. Xin quý thầy giải thích những điều trên cho các bạn con đúng hay sai? Xin quý thầy cho con biết những người theo đạo khác mà thích đi chùa, vậy có nên hay không?
Đáp: Chúng ta mỗi người sống trong cuộc đời này có hai gia đình, thứ nhất là gia đình huyết thống và thứ hai là gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống là sự tiếp nối cả một mạch sống của tiên tổ. Chúng ta có mặt ở đây là nhờ cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, bảo bọc, giáo dục thành người. Cha mẹ từ ông bà nội, ông bà ngoại sinh ra. Ông bà nội, ông bà ngoại từ ông bà cố sinh ra. Cho nên, sự có mặt của chúng ta cũng chính là sự có mặt của cha mẹ, của ông bà và của tiên tổ bao đời. Và chính tiên tổ bao đời đó là gốc rễ của chúng ta, gốc rễ của sự sống để chúng ta có được ngày hôm nay. Một gia đình thứ hai chúng ta đang sống đó là chúng ta đang ngồi ở đây, chúng ta được học hỏi giáo lý của đức Phật, được đi trên con đường giải thoát. Chúng ta nhờ đâu? Chúng ta nhờ vị thầy Bổn Sư của mình, nhờ các vị giáo thọ Sư, nhờ các vị giảng sư. Các vị này từ đâu có? Cũng là đệ tử của các Sư ông. Rồi các Sư ông từ đâu có? Cũng qua nhiều đời Tổ tương truyền, từ đấng Cha lành của chúng ta là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Cho nên, sự có mặt của chúng ta cũng là sự có mặt của Thầy, của Tổ và của chư vị Bồ Tát nhiều đời. Chúng ta phải duy trì, chúng ta phải giữ cái gốc rễ của mình, giữ gốc rễ của huyết thống và giữ gốc rễ của tâm linh. Nếu ai mất gốc người đó sẽ khổ đau. Một cái cây không thể sống nếu không có gốc rễ. Chúng ta có gốc rễ trong đời sống tâm linh của chúng ta và chúng ta cũng có gốc rễ trong đời sống huyết thống của mình. Mình phải vun bồi gốc rễ của mình, nuôi dưỡng gốc rễ cũng chính là nuôi dưỡng cho đời sống của chính ta. Nhưng bây giờ trường hợp được đặt ra khi lớn lên mình có người yêu, nếu mà người yêu mình cùng đạo Phật thì không sao còn nếu người yêu mình khác đạo thì phải làm như thế nào để có được hạnh phúc, an lạc mà vẫn không tổn hại đến niềm tin? Ta biết rằng niềm tin tín ngưỡng đặc biệt là tôn giáo đó là một niềm tin thiêng liêng và cao quý. Mỗi người tuỳ cái niềm tin của mình, đó là quyền bất khả xâm phạm. Khi mình thương một người, mình yêu một người thì thứ nhất mình phải tôn trọng người đó. Tôn trọng cái gì? Tôn trọng sở thích, cá tính và hơn hết là tôn trọng niềm tin tôn giáo của người yêu mình, không nên gây tổn hại. Có thể khi yêu nhau thì quý vị biết rằng quyền lực của trái tim nó sẽ mạnh hơn nhiều so với quyền lực của khối óc. Nhưng mà yêu nhau không phải một ngày, hai ngày mà là một ước hẹn chung sống với nhau cả cuộc đời. Mình phải nhìn thấy được điều đó. Đạo Phật không có khắt khe, đạo Phật không có bảo là ai mà cưới đệ tử tôi thì phải theo đạo của tôi còn nếu mà không theo thì tôi không cho cưới. Đạo Phật không khắt khe bởi vì đạo Phật ý thức được rằng là mỗi người có một gốc rễ về mặt tâm linh cho nên phải tôn trọng. Chúng ta khi xây dựng gia đình thì cơ bản là phải tôn trọng cái niềm tin vào tôn giáo. Thứ hai là chúng ta phải hiểu nhau, hiểu được người yêu của mình, hiểu được tánh nết, hiểu được sở thích, hiểu được lối sống. Nếu yêu nhau mà không hiểu nhau thì chỉ gây khổ đau cho nhau. Mình phải hiểu để rồi cảm thông, chia sẻ, để rồi tìm những mẫu số chung cho nhau. Trong lĩnh vực niềm tin tôn giáo đây là một cái nhạy cảm, đạo Phật không ép buộc ai bỏ đạo khác để theo đạo của mình.
Vậy hai người khác tôn giáo có sống được với nhau không? Câu trả lời là được. Sống như thế nào đây? Hoà đồng tôn giáo. Mình sống vì hạnh phúc gia đình, vì sự sum họp gia đình và thứ hai mình nên tháo bỏ nhìn nhận của mình cho rằng tôn giáo này mâu thuẫn với tôn giáo kia. Đó là một nhìn nhận sai lầm. Mình hãy gạt bỏ cái mắt kiếng sai lầm đó đi. Mình thấy tôn giáo có một mẫu số chung là xây dựng nếp sống đạo đức, nhân cách cho con người, đó là điểm gặp nhau. Khi trên con đường đi, 100 cây số đầu tiên thì tất cả các tôn giáo đều cùng điểm xuất phát về đạo đức, về nhân phẩm, về hướng thiện, về nhân văn…nhưng mà đi xa lên 200-300 cây số thì bắt đầu có lối rẽ. Lối rẽ đó là gì? Là lý tưởng của mỗi tôn giáo khác nhau. Đây là con đường giải thoát giác ngộ, đây là con đường về với Thượng Đế... Cái lý tưởng giải thoát là có khác biệt nhưng mà điểm xuất phát cái đạo làm người thì gần như là tương đồng. Mình chỉ cần gặp nhau ở đạo làm người là đủ rồi. Mình kỳ thị, mình đố kị, mình không chấp nhận nhau như vậy là mình không có tinh thần hoà hợp và nhất là trong hôn nhân. Hôn nhân là một hạnh phúc tương đối của cuộc đời còn lý tưởng của đạo là hạnh phúc không chỉ một đời mà hạnh phúc của nhiều đời, nhiều kiếp cho đến kiếp cuối cùng của giác ngộ giải thoát. Mình lấy cái hạnh phúc to lớn của cả một dòng sự sống nhiều đời, nhiều kiếp mà mình đánh đổi hạnh phúc tương đối của vài chục năm thì mình cũng phải nên coi lại. Trong quan hệ của gia đình thì giữa tôn giáo này với tôn giáo kia học hỏi nhau, sinh hoạt học tập với nhau cũng là điều tốt. Hôm tháng trước, tôi có nhận được nhiều cuộc điện thoại kể cả viết thư của những linh mục, của những Ma xơ sau khi xem một số băng đĩa ở chùa Hoằng Pháp phát hành trong đó có những cái đĩa của chúng tôi giảng. Một Ma xơ có nói với chúng tôi là: “Thưa Thầy, con là một nữ tu Công giáo nhưng con rất thích giáo lý của đức Phật và con thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu giáo lý của đức Phật.” Tôi hỏi: “Xơ là một nữ tu công giáo mà xơ coi những bài giảng của người khác đạo, bề trên có thể chấp nhận được sao?” Xơ nói: “Dạ không, các Cha và các Cha bề trên chúng con cũng cho phép. Riêng bản thân con, con nghĩ rằng là học hỏi giáo lý của một tôn giáo cũng chính là khám phá thêm những điều mới lạ cho cuộc đời tu hành của mình.” Một câu nói quá hay, một Ma-xơ học giáo lý của đức Phật mà nói được một câu nói như vậy, đó mới là tu sĩ chính hiệu. Cho nên, trong quan hệ xã hội, trong quan hệ gia đình thì chúng ta thấy là bảo vệ hạnh phúc gia đình và vẫn duy trì nếp sống đạo thì đó là điều rất là quý. Bây giờ, quý vị cứ hình dung khi người con gái về nhà chồng gọi bố mẹ của chồng là bố mẹ. Ở nhà hiếu kính với cha mẹ, về nhà chồng hiếu kính với cha mẹ chồng, đó là một người hiếu kính. Sẽ là một chuyện lạ nếu một người phụ nữ về nhà chồng hết mực hiếu kính với cha chồng, mẹ chồng mà quay trở về nhà mình không hiếu kính với cha mẹ ruột. Đâu có lý do gì mà mình chấp nhận một người cha mới, một người mẹ mới để rồi mình phủ nhận trắng đi người cha, người mẹ của mình. Cho nên, khi một người dựng vợ gả chồng có cha, có mẹ của mình và có cha mẹ của chồng nữa. Cha nào cũng là cha, mẹ nào cũng là mẹ, đó là một người con có hiếu. Tự nhiên mình về nhà chồng, mình phủi đi cái gốc, cái rễ của mình, đó là điều không nên. Mình cần phải vun bồi gốc rễ hơn nữa thì như vậy hạnh phúc mới vững bền. Khi một cây này có gốc rễ thì cây khác cũng có gốc rễ, mình cắt cái cây này mình làm cho mất gốc đi để sống chung mà bảo là hạnh phúc là điều đó hơi khó. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nói một chiều, nói cực đoan. Có những cái cây nó thích nghi với cuộc sống mới thì nó vẫn có được gốc rễ, như là cây mía, khoai mì…quý vị thấy cắt khúc ghim xuống đất mà chăm sóc cho tốt thì vẫn sống và có kết quả. Cho nên, một người khác đạo mà đến với đạo Phật, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi giáo lý đức Phật là một điều đức Phật luôn luôn hoan hỷ, là một điều những người tu rất là hoan hỷ.
Còn vấn đề quý vị đặt ra nếu hai tôn giáo cùng thờ trong một gia đình thì sẽ bị xé tan linh hồn sau khi mất, điều này nghe hơi mới. Chúng ta là Phật tử, chúng ta học Phật và chúng ta cũng đã biết rồi, ai là người quyết định cho số phận của mình? Mình đi về bóng tối hay mình đi về ánh sáng là do mình quyết định cho đường đi của mình, không ai can thiệp được cả. Đường đi của mình nó sẽ tuỳ thuộc vào những hành động, những lời nói, những suy nghĩ trong lúc mình đang sống. Mình niệm Phật, tụng kinh, phóng sinh, cúng dường, làm từ thiện, làm những điều tốt lành cho cuộc đời, cho tha nhân thì con đường ngày mai của mình rất sáng sủa. Còn mình thường chửi bới, làm điều ác, làm những hành động đen tối thì mình đi về con đường đen tối. Hành động tạo tác nghiệp thiện hay ác của mình sẽ quyết định sau khi thân hoại mệnh chung mình đi về đâu, không có một đấng nào và cũng không có một tôn giáo nào giành giật. Nghiệp lực của mỗi người sẽ quyết định con đường đi của người đó ở kiếp sau. Cho nên, quý vị hãy tu tập cho thật tinh tấn, nỗ lực niệm Phật, hành trì bái sám và làm những việc thiện thì chúng ta sẽ có kết quả tốt đẹp trong cuộc sống ở ngày mai. Nếu như chúng ta thờ các vị Thánh, các đức Phật thì các Ngài sẽ luôn luôn gia hộ cho chúng ta, chứ không ai xé chúng ta đâu.

Câu hỏi 3:  Có một số đạo cho rằng ăn thịt là không có tội, vì tạo hóa tạo ra loài vật để nuôi dưỡng con người, con người nếu không ăn chúng sẽ bị chúng chiếm hết chỗ ở. Trong khi đó đạo Phật khuyên khích Phật tử nên ăn chay lại còn phóng sanh thương yêu các loài vật. Con có một số bạn rất thích ăn chay, nhưng khi ăn chay lại gặp khó khăn, vì chồng hoặc vợ nói ăn thịt không có tội thì ăn chay làm gì? Kính mong quý thầy giải thích cho chúng con được hiểu rõ những trường hợp nêu trên? Như vậy quan điểm ăn chay và đạo đức trong đạo Phật là gì?
Đáp: Ăn uống là một trong những vấn đề cốt yếu của sự sống. Tất cả các loài chúng sinh ở trên cuộc đời này đều phải ăn uống thì mới sống được, không có một loài chúng sinh nào không ăn và không uống mà có thể sống. Nhưng chúng ta ăn uống như thế nào, đó là vấn đề được đặt ra. Đạo Phật là đạo của từ bi, đạo của trí tuệ, đạo của sự tôn trọng sự sống. Do đó, ăn chay là một trong một giáo lý nền tảng của đạo Phật. Khi một người Phật tử đặt chân đến chùa nếu không ăn chay được nhiều thì phải ăn được ít, một tháng ăn hoặc hai ngày, hoặc bốn ngày, hoặc sáu ngày, hoặc mười ngày nhưng phải có những ngày ăn chay thì đó mới là Phật tử. Ở đây có một số quý vị cho rằng ăn mặn không có tội bởi vì tạo hoá sinh ra con vật là để nuôi dưỡng con người và họ thường nói là vật dưỡng nhơn. Như vậy chúng ta cũng có quyền đặt thêm một câu hỏi nữa nếu mình đi vô trong rừng mình gặp hổ báo, mình xuống biển mình gặp cá mập, mình ra sông mình gặp cá sấu thì lúc này con hổ, báo, cá mập, cá sấu nó sẽ nói ngược lại là nhơn dưỡng vật. Cho nên, không có cái gọi là vật dưỡng nhơn hay nhơn dưỡng vật ở trong cuộc đời này, mà chỉ có cái là mạnh được yếu thua. Chúng ta có đầy đủ phước đức để mình sinh ra làm người, mình có trí tuệ hơn loài vật, mình có đủ biện pháp hơn loài vật cho nên mình khống chế, đàn áp, bắt các con vật để lấy thịt ăn. Mà đã là mạnh được yếu thua thì không công bằng. Cho dù là loài vật cũng là một sự sống. Con cá, quý vị thấy nó đau đớn, nó giãy đành đành trên tấm thớt, nó giãy một cách quằn quại và đau thương. Con gà, con vịt nó đớn đau, nó kêu gào khát cả cổ họng nó khi nó nhìn thấy cái nồi nước sôi. Một con bò chảy nước mắt khi nó phải đi vô trong cái lò mổ, nó đau đớn, nó khổ sở, nó biết cái sinh mạng của nó đến đây là đã hết rồi. Nhưng mà vì là loài vật cho nên nó không nói được, nó không bày tỏ được, nó không thể nào mà chia sẻ với chúng ta được nhưng nó vẫn ham sống sợ chết, nó vẫn đau khổ khi nó bị giết hại. Chúng ta chưa có thấm được cái đau của tổn thương, của cái gọi là máu đổ xương rơi cho nên mình không có thấy được cái nỗi đau đó. Mình bị bệnh, bác sĩ giải phẫu còn phải chích thuốc tê cho khỏi đau; trầy xước một tý, mùa lạnh đến chịu không nổi huống hồ cái thân xác của một sự sống như thế mà cạo lông, cứa da… Cho nên, việc ăn mạng sống của chúng sinh đừng bao giờ bảo rằng không có tội. Tất nhiên, mạng của con người là cao quý nhất, ngoài ra còn có các mạng của các chúng sinh. Chúng ta cướp đi sinh mạng, sự sống như vậy thì tại sao bảo là không có tội? Đạo Phật dạy con người ăn chay là dạy về nhân phẩm, về đạo đức, về trí tuệ, về cả cái luân hồi nghiệp báo không chỉ ở kiếp này mà cả đời sau nữa. Chúng ta ăn chay để làm gì? Ăn chay thứ nhất là để tôn trọng sự sống. Mình ham sống sợ chết, mình biết vui, biết buồn, biết khổ, biết sướng thì loài vật cũng thế, cũng ham sống sợ chết. Chúng ta hãy nhìn cái cảnh con chim ở trong lồng, con cá ở trong chậu nó vẫy vùng, nó mong được cứu thoát. Cho nên, chúng ta ăn chay thứ nhất là để tôn trọng sự sống. Thứ hai là để nuôi dưỡng lòng từ bi. Trong mỗi chúng ta có những hạt giống của từ bi, có những hạt giống của yêu thương; bên cạnh đó cũng có những hạt giống của tham, sân, si, những hạt giống của đố kị là những hạt giống xấu. Chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi là để mở rộng tình thương đến muôn loài. Còn khi mình ăn thịt, ăn cá thì lòng từ bi của mình nó bị che lấp, nó bị xói mòn. Ngày hôm nay, mình thấy con cá chặt trên thớt, mình ăn; ngày mai một con gà bị cắt cổ; ngày mốt một con bò tiếp tục bị gục xuống vì mình thì sau này mình thấy một người nào đó bị thương, một người nào đó bị tai nạn, một người nào đó bị chết mình cũng sẽ dửng dưng, không có tình thương. Cho nên, ăn chay là để nuôi dưỡng tình thương đến với tất cả muôn loài, không chỉ thương người, thương đồng loại mà thương tất cả các loài chúng sinh. Ý nghĩa thứ ba là giữ tròn cái đạo lý, đạo lý ở đây tôi muốn nói là đạo lý dài trong nhiều kiếp luân hồi của mình, không phải chỉ ở trong kiếp này. Trong vô lượng, vô số kiếp chúng ta và các loài chúng sinh là cha, là mẹ, là anh, là chị, là thân bằng quyến thuộc của nhau. Có bao giờ mình nghĩ rằng mình ăn thịt một con vật mà trong một kiếp nào đó nó là cha, là mẹ, là anh chị em của mình không? Ngày xưa, đức Phật đi ra ngoài đường thấy một đống xương chất cao ngất mà đức Phật sụp lạy rồi đức Phật khóc. Ngài nói rằng: “Biết đâu trong đống xương này có những người là thân bằng quyến thuộc, là cha mẹ của ta.” Cho nên, trong vô lượng vô số kiếp, tất cả các loài kia biết đâu đã từng là quyến thuộc của mình, thành thử mình giữ tròn cái đạo lý. Thứ tư là mình giữ ngìn sức khoẻ. Trong thời đại văn minh khoa học phát triển, người ta nuôi các loài gia súc, gia cầm bằng vô số độc tố. Bây giờ, quý vị thấy bò thì có bò điên, heo bị lở mồm lông móng, gà vịt bệnh gây dịch cúm H5N1, cá bị lở vẩy, lở lưng. Các loài thú người ta nuôi thì như thế nào quý vị? Con gà nó bị o ép không cho đi tới đi lui, cứ chỉ biết ăn và ngủ cho nó mập để lấy thịt. Con heo, con bò cũng vậy, cũng bị nhốt trong một cái chuồng chật chội. Nó rất là sân giận, nó rất là bực tức. Cho nên, trong máu, trong thịt của chúng có những tố chất của sân giận. Khi mà chúng ta ăn vào là chúng ta lãnh đủ những cái sân giận, những cái đau đớn, những cái bệnh hoạn của loài thú đó. Cho nên, chúng ta đừng quan niệm rằng là ăn mặn cho có sức khoẻ còn ăn chay thì yếu ớt. Ý nghĩa thứ năm là bảo vệ môi trường. Quý vị biết là những người ăn mặn sẽ góp phần tàn phá môi trường khủng khiếp. Các nhà khoa học Mỹ thống kê những kỹ thuật chăn nuôi ở trên thế giới đem đến những tổn hại rất nhiều cho môi trường. Cứ mỗi giây như vậy thì thải ra 43 tấn phân rác và các độc tố chăn nuôi. Quý vị tưởng tượng cứ mỗi giây là 43 tấn thì mỗi phút là bao nhiêu tấn, mỗi giờ bao nhiêu tấn và mỗi ngày là bao nhiêu tấn chất thải. Ở bên Mỹ, khi thải các độc tố và phân bón, rác rưởi của các trại nuôi sẽ tương đương với một thành phố từ 12-15 nghìn người thải ra mỗi ngày, nói như vậy để quý vị thấy cái lượng chất thải nó khủng khiếp. Trên đất Hoa Kỳ, chỉ có 13% đất trồng hoa màu, 87% là để chăn nuôi. Mỗi năm như vậy là người ta phải phá hơn 200000 hecta rừng núi để phục vụ cho việc chăn nuôi. Quý vị thấy môi trường sinh thái bị tàn phá đến mức nào. Người ta thống kê đất sử dụng, một người ăn mặn tốn đất gấp 20 lần người ăn chay. Tổ chức Y Tế Thế Giới cảnh báo, trên thế giới hiện nay 6 tỷ người thì có khoảng 1 tỷ 200 ngìn người đang thiếu thực phẩm ăn và đang thiếu nước uống, thiếu một cách trầm trọng. Để có được một ký thịt, từ lúc nuôi dưỡng cho đến khi có được một đĩa thịt phải tốn 8750 lít nước. Trong khi đó để có được một ký gạo hay một ký lúa mì chỉ tốn khoảng 87 lít nước. Vấn đề vệ sinh môi trường và vấn đề nước sạch rất là cần thiết. Từ năm 2005 cho đến hôm nay, cứ mỗi năm như vậy là có 60 nghìn trẻ em chết vì không đủ ăn, không đủ mặc. Một Giáo sư Tiến sĩ có nói rằng: “Nếu chỉ cần những người ăn mặn giảm bớt 10% chi phí cho vấn đề ăn mặn thì đủ để nuôi 60 triệu người, cứu được 60 triệu người chết vì thiếu thực phẩm, thiếu nước uống.” Chúng ta thấy là mức tổn hại nó đâu có vừa đâu. Thành thử, phương pháp ăn chay mà đức Phật dạy chúng ta từ mấy chục thế kỷ trước cho đến hôm nay chúng ta thấy hiệu quả mỗi ngày mỗi nâng cao và giá trị của việc ăn chay là rất lớn. Khuynh hướng ăn chay hiện nay ở các nước Âu Mỹ rầm rộ, có thể họ không phải theo đạo Phật, không phải là họ tu hành nhưng họ thấy được sự lợi ích của ăn chay. Ăn chay nuôi dưỡng được tình thương, phát triển được trí tuệ, bảo vệ được môi trường, dưỡng được những nếp sống, những giá trị đạo đức, nền tảng của hoà bình và không chấp nhận chiến tranh. Khi giết một con vật đó là biểu tượng của chiến tranh dù là chiến tranh không công bằng, chiến tranh giữa loài người và loài vật. Chúng ta hãy dẹp dao, dẹp búa đi, chúng ta đừng sát hại dù chỉ cho loài vật thôi thì cái sự hoà bình nó sẽ bền vững. Quay lại với câu hỏi, quý vị đặt ra câu hỏi là nếu mình không ăn thịt thì các loài vật sống đầy đất hết, chỗ đâu nữa để con người sinh sống. Xin thưa, chính chúng ta nuôi dưỡng các loài thú để rồi chúng ta mổ thịt, chúng ta ăn. Còn nếu như phát triển một cách quân bình thì cũng không phải số lượng lớn như chúng ta tưởng tượng đâu. Mỗi năm như vậy, con người giết 25 tỷ súc vật. Súc vật đó từ đâu có? Là do chúng ta nuôi để rồi ăn chứ đâu phải là tự nhiên. Có một nghịch lý là chính các loài thú ở trong rừng, các loài thú tự nhiên mỗi ngày mất đi dần. Bây giờ, một số nước Âu Mỹ phải thành lập uỷ ban bảo vệ súc vật. Như vậy rõ ràng là loài vật ngày càng khan hiếm, còn đầy đất chật bãi là do chúng ta nuôi. Tôi khuyên quý vị mỗi ngày hãy ăn chay, hãy ăn rau, ăn đậu thì sức khoẻ rất tốt. Đừng làm tổn hại đến sinh mạng dù là một con vật. Như vậy, chúng ta sẽ giới hạn được cái nghiệp sát sanh và chúng ta tạo được phước đức cho mình. Một ngày, hai ngày, nhiều ngày chúng ta sẽ có công đức lớn và chúng ta sẽ có thành tựu lớn.

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Hôm nay, trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 15, chúng ta đã được lắng nghe Đại đức Giảng sư giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề tu học của người Phật tử.
Câu hỏi thứ nhất nói về vấn đề các tông phái: Nam tông, Bắc tông cũng như các phương pháp tu học, nghi lễ, y phục của hai tông phái này. Về nghi lễ thì mỗi một tông phái đều có nghi lễ khác nhau nhưng đặc biệt là Nam tông trước sau và nước nào cũng giống nhau; chỉ có Bắc tông là tuỳ theo mỗi quốc gia hay nói cách khác là mỗi địa phương cũng đã có những nghi lễ khác nhau. Về việc tu học, Đại đức cũng đã trình bày rõ. Đức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị đó là vị mặn của muối, trong tất cả giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị đó là vị giải thoát.” Dù Bắc tông, Nam tông, dù Tịnh Độ, Thiền, Mật, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Thức.v.v.  đó là nói theo căn cơ. Tuỳ theo căn cơ mỗi người tu theo pháp nào thì tu nhưng mục đích vẫn là giải thoát, là thành Phật. Như vậy, khi hiểu rõ điều này, chúng ta không còn ngại gì vấn đề Nam tông hay Bắc tông, mà chúng ta cũng không nên có niệm phân biệt Nam tông hay Bắc tông. Đại đức đã nói rất rõ cũng giống như một cái cây bắt đầu nó từ gốc rễ lên cây, ra cành, ra hoa quả. Nam tông là cái gốc và Bắc tông cũng như là ngọn, cành, hoa, quả mà cũng từ cái gốc đó ra. Khi hiểu được như vậy thì chúng ta không có cái gì ngăn ngại hoặc là phân biệt Nam tông hay Bắc tông.
Câu hỏi thứ hai nói về vấn đề giữa hai người có tôn giáo khác nhau mà lấy nhau như vậy cuộc sống như thế nào và có ảnh hưởng gì không? Đại đức cũng đã trình bày phải nói rất là hay. Con người chúng ta ai cũng có gốc rễ. Mình biết tôn trọng gốc rễ của mình thì cũng phải tôn trọng gốc rễ của người khác và ngược lại. Còn nếu có một sự áp đặt nào đó thì sự áp đặt này không phải là của Chúa cũng không phải là của đức Phật mà là do những người đệ tử của các Ngài gây chia rẽ, gây đau khổ cho con Chiên, cho Phật tử. Khi chúng ta nhắm mắt từ bỏ thế giới này, chúng ta chỉ theo nghiệp chứ không phải Thượng Đế hay Phật dành chúng ta, không ai dành hết. Một người nghiện rượu khi đi ra đường, quán rượu không có mời gọi nhưng anh nghiện rượu này tự tìm đến. Những chỗ khác anh không thích anh chỉ thích đến quán rượu chứ không có ai kêu gọi. Do anh nghiện rượu nên tự lôi anh đến, tự hấp dẫn anh đến quán rượu. Cái nghiệp của chúng ta sau khi chết cũng thế chứ không có ông Trời, ông Thánh Thần nào quyết định.
Câu thứ ba nói về vấn đề ăn chay. Chúng tôi thấy Đại đức giảng giải, phân tích rất là rõ ràng, cụ thể rồi. Chúng tôi có một câu là người có trí tuệ và lòng từ bi thì không thể giết và ăn thịt chúng sinh. Khi chúng ta đã có trí tuệ thì chúng ta phải nhận thức được nhân quả. Khi chúng ta đã có lòng từ bi thì khi mình ăn một cái gì đó mình phải biết rằng món mình ăn  đó là cái gì. Vì miếng ăn của mình, vì sự sống của mình mà cướp đi mạng sống của những chúng sinh khác; vì khoái khẩu của mình mà làm đau đớn các loài chúng sinh khác như vậy là người không có lòng từ bi. Cho nên, vấn đề người học Phật chúng ta cố gắng ăn chay được ngày nào là quý ngày ấy và tránh sát sinh. Đó là điều mà chúng ta phải cố gắng.
Nam Mô A Di Đà Phật!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn