Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 21
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 21
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư: Thích Tâm Từ
(Ngày 17/01/2010)
Câu hỏi 1: Kính bạch thầy trong nhà con hơn năm nay thường mở băng cassette tụng kinh của quý thầy như kinh Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan. Gần đây có anh bạn kể với con, trên đường đến sở làm anh thường mở băng kinh Di Đà trên xe để nghe. Khi đến sở làm anh tắt máy vào làm việc. Khi làm anh thường làm hư hỏng đồ đạc. Lý do là các vong không được tiếp tục nghe kinh nên phá anh. Nghe xong con rất hoang mang lo sợ, không biết sự việc có đúng không? Con có nên tiếp tục nghe kinh trong nhà nữa không?
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Lời đầu tiên chúng con nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho sư phụ, quý thầy pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự viên thành. Kính chúc toàn bộ quý vị Phật tử ngày hôm nay có thật nhiều sức khoẻ và hạnh phúc. Nam Mô A Di Đà Phật.
Đối với câu hỏi này thì phải nói ngày hôm nay sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật được ứng dụng vào đời sống của con người rất là lớn, và những tiến bộ đó nó đáp ứng nhu cầu của con người về vật chất và tinh thần trong đó có nhu cầu phục vụ tâm linh. Những tiến bộ của khoa học kĩ thuật đó phục vụ cho nhu cầu của con người, chẳng hạn như quý vị ngồi đây nhưng vẫn có thể tìm hiểu tin tức hay tất cả những thông tin trên thế giới qua mạng Internet hoặc là các vị có thể nói chuyện với một người cách chúng ta hàng trăm ngàn dặm. Ngày xưa, những việc này quả thật thì rất là khó. Nói ra như vậy, để chúng tôi dẫn chứng cho quý vị thấy rằng cái ứng dụng của khoa học vào trong cuộc sống nói chung và ứng dụng cho mục đích nhu cầu tâm linh của chúng ta nói riêng, rất là ích lợi. Ở câu hỏi này, vị này đã biết tận dụng những tiến bộ khoa học để đưa vào trong đời sống của mình và mục đích của nó là để phục vụ nhu cầu thăng tiến tâm linh. Trước hết, chúng tôi rất là tán thán những việc làm của vị Phật tử này. Ở nhà, vào thời gian rảnh rỗi, người này đã biết mở kinh, bài giảng hay những lời Phật dạy để nghe, để mình thuần hoá thân tâm mình. Đó là một điều mà chúng tôi rất tán thán công đức và nếu vị nào có điều kiện, có thời gian thì chúng ta nên làm và tiếp tục làm.
Ý thứ hai, trong câu hỏi có đề cập đến anh này lúc đi làm thì anh có mở băng giảng hoặc là kinh để nghe, khi đến công sở anh tắt máy. Trong lúc làm việc, anh này thường bị hư hỏng đồ đạc thì anh này nghĩ là do các vong linh không được nghe kinh nên phá anh. Chúng tôi hỏi quý vị ở trong đây ở nhà có mở băng giảng và kinh nghe không? Vậy quý vị có bị phá không? Bây giờ chúng tôi sẽ nói cho quý vị hiểu hơn. Người lúc sống thì có người theo đạo này có người theo đạo khác, có người thích cái này hay thích cái khác. Trường hợp này nếu chúng ta nghĩ những vong linh này thích nghe kinh, họ sẽ phá anh này nếu anh không tiếp tục mở. Chúng tôi đặt trường hợp những vong linh khác thích nghe nhạc thì sao? Quý vị nghĩ như thế nào? Hoặc là một người khác họ không thích nghe nhạc mà họ thích nghe kể chuyện hay nghe tin tức thì sao? Cũng có thể một số con ma nó lại thích Iternet. Mình phải đặt ra nhiều trường hợp như vậy mình mới thấy được. Giả dụ như nếu có người mở băng nhạc mà tắt đi thì những con ma chắc chắn nó sẽ phá những người nghe nhạc như vậy nếu đó là con ma thích nghe nhạc. Hiện nay tầng lớp trẻ cho đến người già, ai cũng có nghe nhạc, vậy bị phá hết sao? Không ai nghe nhạc bị phá đúng không ạ. Ý chúng tôi muốn nói ở đây là nếu mà cái vong linh này thích nghe kinh nó phá thì những vong linh thích nghe nhạc, thích nghe tin tức thì nó cũng sẽ phá những người nghe đó. Và giả sử chỉ phá ai nghe kinh mà thôi thì người đầu tiên bị phá nhiều nhất là mấy thầy, bởi vì quý thầy ngày nào cũng tụng kinh. Đặt trường hợp như vậy thì quý thầy là người bị phá nhiều nhất còn quý vị chỉ những thời gian rảnh mới mở băng kinh nghe hoặc là một ngày chỉ một, hai thời. Quý vị thử nghĩ lại xem như thế nào. Còn điều này nữa, nếu mà vong linh này nghe kinh, nghe băng giảng đó là những lời Phật dạy như vậy nó có phá hay không. Hiện nay, theo chúng tôi thấy quý vị ở nhà đều cũng có băng đĩa kinh, bài giảng của quý thầy thì quý vị nghe có bị phá không? Nếu mà có ai bị phá thì cứ lên nói quý thầy bởi vì quý thầy là người giảng pháp, giả sử vong đó muốn nghe thuyết pháp thì khi mấy thầy thuyết pháp xong thì nó sẽ phá mấy thầy trước chứ. Băng đĩa mà ngày hôm nay được quay lại đó là cái nguyên nhân quý vị bị phá bởi vì quý thầy có quay phim, có làm đĩa, có phát hành hay ấn tống thì các vị mới đem về nghe, nghe mà quý vị nếu bị phá nguyên nhân chính cũng do quý thầy, vậy điều này có đúng hay không? Vị đặt câu hỏi này mới nghe người khác bị chứ vị này chưa có bị lại sợ thì không lẽ vị này nhát gan đến như vậy sao. Mình chưa thấy, mình chỉ mới nghe thôi chưa biết thực hư như thế nào. Cho nên một người Phật tử khi đã có lòng tin thì chúng ta phải phát tâm dũng mãnh, giữ vững lập trường của mình, phải tin vào nhân quả. Quý vị đừng nên nghe những lời như vậy mà bỏ đi việc tụng kinh hay nghe kinh. Bởi vì việc nghe kinh có lợi ích cho người sống cũng như cho người chết. Khi quý vị tụng kinh, ta sẽ áp dụng được những lời Phật dạy vào trong đời sống của gia đình mình, nó thuần hoá bản tâm giúp cho gia đình có hạnh phúc, những lời chư Phật dạy đó có thể giải quyết nỗi khổ niềm đau cho quý vị thì tại sao quý vị không tụng, tại làm sao quý vị không nghe kinh. Chính quý vị là người trả lời chứ không phải thầy trả lời bởi quý thầy lấy thực tế từ quý vị. Tất cả chúng ta ở đây nên biết là một nhân tốt không bao giờ đưa đến quả xấu cả mà một nhân tốt sẽ đưa đến một cái quả tốt đẹp, an lành thì việc này cũng như vậy việc nghe kinh là nhân tốt, là nhân đưa đến quả an lành. Chính vì vậy, quý vị đừng nên sợ và nên tiếp tục nghe. Chúng tôi không phủ nhận sự hiện diện của các vong linh vì đức Phật nói xung quanh chúng ta đây vẫn hiện hữu những người không hình, không dạng. Nhưng nếu như thực sự bị phá thì ai cũng sẽ bị ngay cả quý thầy, nên chúng ta cần nhận thức rõ ràng như vậy, đừng có sợ. Mình là người Phật tử mình sống theo những lời Phật dạy, hiểu rõ nhân quả. Câu hỏi này cần phải xét lại vì khi anh này làm việc thường làm hư hỏng đồ đạc, mình phải coi lại anh này. Bởi vì có rất nhiều lý do, có thể anh này không tập trung vào công việc hoặc là khi đến làm anh này có thể bị áp lực từ gia đình, từ cuộc sống cơm áo gạo tiền lo cho vợ, cho con, cho cha, cho mẹ hoặc là anh gặp một vấn đề nào đó nên trong lúc làm anh không tập trung do vậy dẫn đến những hậu quả là anh làm hư hỏng đồ đạc và anh không nên đổ lỗi cho các vong linh. Đây là điều chúng tôi cần nhắc nhở. Ví dụ có thể trước đó anh này có gặp vấn đề gì trong tình yêu, khi làm việc anh ta cứ mãi suy nghĩ về vấn đề đó, đang khi làm việc mà đầu óc anh ta không tập trung cứ suy nghĩ mông lung như vậy thì công việc nó có tốt đẹp hay không? Điều chắc chắn là công việc sẽ không tốt đẹp. Chúng ta phải xét trong trường hợp là anh này trong lúc làm việc có tập trung không, có bị vấn đề gì không hoặc là từ gia đình hoặc là từ cuộc sống có áp lực đối với anh này hay không? Đó là điều mà chúng ta cần phải coi lại.
Và cuối cùng vị Phật tử này ở gia đình nếu vị quý đang nghe kinh, đang tụng kinh thì quý vị hãy tiếp tục và hãy tìm hiểu những lợi ích trong kinh, trong lúc tụng kinh. Những lúc tụng kinh như vậy nó có thể giúp chúng ta gạn lọc đi những tham, sân, si và những khổ đau trong cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng quý vị nên tiếp tục việc nghe kinh đừng sợ gì cả. Đó là câu trả lời của chúng tôi.
Kính thưa đại chúng như câu hỏi này Đại đức vừa trình bày, với câu hỏi này Phật tử nên tìm hiểu ý nghĩa, mục đích, lợi ích của nghe và trì tụng kinh điển khi chúng ta hiểu rồi thì sẽ an tâm và tinh tấn hơn nữa trên bước đường tu nhân học Phật.
Câu hỏi 2: Lúc trước con có mua một con heo, định là sẽ nuôi làm kiểng chứ không bán, nhà con ăn chay trường nên con cũng cho nó ăn chay luôn, nhưng không ngờ bây giờ nó lớn quá. Con định sẽ nuôi nó đến lúc nó chết, nhưng nghe mọi người bảo nuôi vậy là không cho nó đi đầu thai, khi về già nó sẽ thành tinh, nên con thấy lo quá. Con định đem bán nó rồi lấy tiền đó đem giúp đỡ những người nghèo và cúng cầu siêu cho nó. Con làm vậy có tội hay không? Hay con phải nuôi nó đến lúc nó chết, nếu như nó chết con cần cúng cầu siêu cho nó như thế nào? Con kính mong các quý thầy trả lời cho con được biết. Con xin cám ơn quý thầy rất nhiều.
Đáp: Thực sự mà nói thời buổi ngày hôm nay việc nuôi thú làm kiểng rất là phổ biến, nhất là ở các nước phương Tây thì người ta thường nuôi chó, mèo hoặc là những con vật dễ thương nhưng ở đây đặc biệt vị này lại nuôi heo. Chúng tôi có tìm hiểu ở các nước phương Tây có người một con vật chết họ tổ chức đám tang rất là lớn, có người đi đâu cũng dắt con vật của mình đi theo thậm chí là ngủ chung với nó nữa, có người lại coi nó như một thành viên trong gia đình. Hôm mà chúng tôi được nhân duyên đi sang Úc thì có nghe một vị Phật tử kể lại là một nhà kia có con mèo nó rớt vào đường ống nước, đường ống nước lại nằm trong cái nhà thì những vị này không biết làm sao hết vì gia đình người ta rất quý nó mới phá hết một nửa căn nhà để cứu con mèo đó ra, trong khi có rất nhiều cách khác nhưng họ sợ làm nó chết hay tổn thương nên họ chấp nhận bỏ số tiền ra xây lại cái nhà. Việt Nam chúng ta cũng như vậy, cũng có rất nhiều người nuôi chó, mèo và những con vật khác nhưng chúng tôi mới thấy trường hợp này lần đầu là nuôi heo. Không biết quý vị nuôi heo, quý vị sẽ làm kiểng sao? Thường thường, người ta nuôi chó thì có thể dắt nó đi chơi, đi dạo công viên hay nuôi mèo người ta có thể bồng trên tay người ta vuốt ve còn nuôi heo thì ta không thể bế được, lúc nhỏ thì không nói nhưng khi quá lớn chúng ta nhắm có bế nổi không. Mà con heo nó lại có đặc điểm lúc ngủ ngáy lớn lắm. Nếu ai có ý định nuôi thì nên chọn nuôi chó, mèo hay là những con vật nào dễ thương một chút chứ đừng ai nuôi giống gia đình này, bây giờ khó xử quá. Điều nữa là chúng tôi rất là tán thán gia đình này bởi vì thứ nhất là phát tâm ăn chay trường, thứ hai là có một cái lòng từ bi nuôi những con vật và điều đặc biệt nữa là cho nó ăn chay luôn.
Kính thưa quý vị tất cả mọi người, mọi loài sinh ra trên cuộc đời này nó đều có nhân quả nghiệp báo của nó. Chúng ta cũng vậy, con vật cũng vậy, không phân biệt loài giới nào cả, khi sinh ra tất cả chúng ta đều có nghiệp và đến một lúc nào đó thì chúng ta phải mãn cái báo thân này, phải hết cái nghiệp này. Con heo này cũng vậy. Quý vị đừng sợ nó không đi đầu thai bởi vì khi nó mãn nghiệp của nó thì tự động nó sẽ đi đầu thai. Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, lúc mà vua Tỳ Lưu Ly dẫn quân sang để đánh chiếm dòng họ Thích Ca, đức Phật biết chứ không phải là không, Ngài Mục Kiền Liên cũng biết và Ngài mới bạch với đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Tại sao Đức Thế Tôn cũng biết sự việc như vậy mà sao Ngài không có cách gì để hoá giải?”, thì đức Phật liền nói đây là nghiệp của dòng họ Thích Ca. Ngài Mục Kiền Liên thấy như vậy mới dùng thần thông đưa hết những người của dòng họ Thích Ca vào trong bình bát và đưa lên cung trời để tránh tai nghiệp này. Thì quý vị biết khi mà cái nghiệp chúng ta nó đến thì dù chúng ta ở đâu, làm gì chúng ta cũng không thể nào tránh khỏi được. Khi Ngài Mục Kiền Liên đem bình bát xuống thì thấy trong bình bát đó chỉ toàn là máu, vì đó là cái nghiệp của dòng họ Thích Ca phải trả. Bởi ngày xưa, ở một kiếp quá khứ, một lần đó trong một ngôi làng có cái hồ những người dân trong làng ra tát nước trong hồ bắt những con cá sống trong đó thì dòng họ Thích Ca là những người dân trong làng bắt cá và những con cá đó bây giờ là dòng họ của vua Tỳ Lưu Ly. Do cái nghiệp đó nên bây giờ dòng họ của vua Tỳ Lưu Ly đến để đánh giết lại dòng họ Thích Ca, mà đức Phật cũng bị chứ không phải không. Tại ngày đó đức Phật là một đứa bé đã dùng cái cây que đập lên đầu con cá ba cái tuy nó không chết nhưng mà hôm nay đức Phật cũng bị đau đầu ba ngày. Nói ra câu chuyện này để quý vị biết là tất cả đều do nghiệp của nó cả, đến một lúc nào đó cho dù quý vị có muốn nó chết nhưng chưa hết nghiệp thì con heo này cũng không thể nào đi đầu thai được, và nếu mà nó đã hết nghiệp rồi thì quý vị có nuôi nấng, bảo dưỡng, chăm sóc, lo lắng cho nó cỡ nào thì nó cũng chết. Mỗi người mỗi loài chẳng hạn như con heo này nó đều có cái nghiệp của nó mà được người nuôi nấng, chăm sóc, lo lắng đầy đủ như vậy nó đã quá sung sướng, mãn nguyện với cái nghiệp của mình rồi. Đặt trường hợp mình vào con heo đó thì mình có muốn người ta nuôi tiếp tục hay không hay là để người ta giết rồi mình đi đầu thai. Chúng ta phải suy nghĩ. Chúng tôi lấy ví dụ trong cuộc sống của chúng ta đây phải nói là có rất nhiều cuộc đời đau khổ, cực khổ tột độ không có cơm ăn, không có áo mặc, không có nhà ở cuộc sống lúc nào cũng đầy những khổ đau thì những người đó đôi khi chúng tôi nghĩ còn cực hơn con heo này, vậy người ta nghĩ rằng ai đó hãy đến giết tôi đi hoặc là mình thấy người ta cực khổ quá mình đến mình giết họ đi cho người ta đi đầu thai sẽ sướng hơn. Làm như vậy có được không? Chắc chắn là không. Bởi vì khi chúng ta giết thì cái nghiệp chúng ta phải gánh, không biết rằng cái phước có không. Cũng giống như người đặt câu hỏi này nói không biết là cái phước có không nhưng cái nghiệp chúng ta gánh là có thật không thể nào sai chạy được.
Còn vấn đề khi về già sợ nó thành tinh, chúng tôi nghĩ rằng nếu gia đình này là một Phật tử thuần thành ăn chay trường thậm chí nuôi heo cho nó ăn chay trường như vậy thì ít nhiều gì nếu nó có tánh linh vì chúng ta kể cả con vật nó đều có tánh linh của nó mà nếu con heo này thành tinh được chúng tôi nghĩ nó cũng sẽ có thể thành Phật được. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tánh linh thành tinh hay là thành Phật đều là do môi trường, đều do nghiệp hằng ngày chúng ta tạo. Gia đình của vị này ăn chay, sống lời theo lời Phật dạy, gia đình giữ năm giới, sống trong sự hoà hợp đoàn kết bền vững thì tư tưởng đó nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến con heo. Bởi vì nó cũng là một thành viên trong gia đình thì thành tinh hay không chính do gia đình đó gây tạo. Người ta giữ năm giới, người ta thọ trì Phật pháp và sống theo lời Phật dạy, tích phước làm lành, bố thí cúng dường thì ít nhiều con heo này nó cũng được ảnh hưởng tư tưởng của gia đình đó và nó có thành tinh hay không chính do gia đình đó tạo ra. Nếu mà gia đình này làm ác, không giữ năm giới sát sinh hại vật, trộm cắp nói dối, tà dâm, uống rượu làm tất cả các điều bất thiện thì chúng tôi nghĩ rằng nếu mà nuôi con heo này càng về già nó cũng giống mấy người đó bởi nó bị ảnh hưởng tư tưởng theo. Chính vì vậy, cái việc thành tinh hay không chính do gia đình này và nếu được quý vị nên thỉnh quý Thầy đến để quy y cho nó là tốt nhất. Khi quy y Tam Bảo rồi con heo này cũng có tánh linh chắc chắn rằng nó sẽ không thành tinh, chúng tôi nghĩ như vậy.
Và tiếp nữa, câu hỏi có viết định đem bán rồi lấy tiền bố thí và cúng cầu siêu cho nó. Khi quý vị không giết nó mà quý vị bán cho người khác thì quý vị là người gián tiếp làm cho người kia giết con heo này thì quý vị cũng mang tội. Bây giờ chúng tôi đặt trường hợp như thế này quý vị đi cướp của giết người rồi quý vị đem cái tiền đó về giúp đỡ những người nghèo và cầu siêu cho những nguời bị mình hại. Làm như vậy được không? Chúng tôi không biết là trong lúc làm các việc trên nó có phước hay không nhưng mà chúng tôi khẳng định một điều rằng là cái qủa chắc rằng quý vị phải gánh chịu đó là do quý vị làm điều ác. Chúng tôi nghĩ chắc chắn rằng không ai chấp nhận điều đó. Và nếu quý vị đem cái tiền đó đi giúp đỡ những người nghèo mà những người nghèo được ta giúp có thể vượt qua khổ đau, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống đó cũng là một cái điều có ích đi nhưng đằng này những người đó lại đem cái tiền đó, đem cái sự giúp đỡ của mình đi làm cái điều xấu thì cái tội của chúng ta càng chất chồng lên. Hơn hết thì quý vị nên tiếp tục là nuôi nó. Bây giờ chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa quý vị nếu đem bán con heo rồi lấy tiền giúp đỡ người khác và cúng cầu siêu cho nó, làm như vậy quý vị cũng có một phần tội. Chúng tôi nghĩ rằng nếu mà được quý vị nên nuôi con heo này bởi vì trước giờ quý vị nuôi tại sao bây giờ mình không nuôi. Mình có điều kiện thì mình nên tiếp tục công việc nuôi nó và đặt trường hợp khía cạnh gia đình này ở một vùng nông thôn hoặc là ở gần một khu rừng nào đó thì vị này nếu được thì nên đem con heo này vào để mà phóng sanh. Đó cũng là một cách giải quyết. Bởi vì khi thả con heo này vào trong rừng thì quý vị biết nó đã có số kiếp của nó rồi nếu thực sự nó còn phước, còn mạng sống của nó thì nó còn tiếp tục sống còn nếu nó đã hết nghiệp duyên của mình rồi thì nó sẽ mãn kiếp của nó. Nếu nuôi được cho đến lúc nó chết thì cúng cầu siêu như thế nào thì chúng tôi nghĩ rằng nên chôn cất nó một cách đàng hoàng và hơn nữa nên bố thí, phóng sanh, làm phước để cầu siêu cho nó đó cũng là một cách mà chúng ta thể hiện lòng từ bi của mình và đó cũng là một cách hay để chúng ta tăng trưởng lòng tốt của mình đối với tất cả mọi loài.
Kính thưa đại chúng như phần trả lời của Đại đức, với câu hỏi này chúng ta nhận ra rằng con heo này so với những con heo khác thì nó quá có phước. Thế thì Phật tử này đừng sợ nó thành tinh mà muốn nuôi nó làm kiểng thì cứ tiếp tục nuôi đi.
Câu hỏi 3: Có người nói, những người tu Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh về Cực lạc, thì những người đó thật là ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình được lợi lạc, mặc cho những người thân hay bạn bè nói rộng ra là tất cả mọi người ở cõi Ta bà nầy ai khổ mặc ai, miễn sao phần mình được sung sướng thì thôi. Xin hỏi người nói như thế có hợp lý hay không?
Đáp: Kính thưa quý vị phải nói pháp môn niệm Phật ngày hôm nay được phổ biến rất là rộng ở Việt Nam mình nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Chúng tôi xin khẳng định một điều đây là pháp môn do từ kim khẩu của đức Phật nói ra và được các chư Thánh đệ tử, chư Tổ truyền lại cho đến ngày hôm nay phổ biến cho toàn thể quý vị ngồi ở đây. Đó là pháp môn Tịnh Độ do chính kim khẩu của đức Phật nói ra. Vậy thì nếu nói người tu pháp môn Tịnh Độ là ích kỷ thì tất cả chư Tổ, chư Thánh đều là những người ích kỷ hết hay sao? Nếu mà ích kỷ thì đâu nói lại cho quý vị biết làm gì, đâu có phổ biến rộng rãi để làm gì. Trong 13 vị Tổ của tông Tịnh Độ từ Ngài Huệ Viễn, Ngài Thiện Đạo, Ngài Thừa Viễn cho đến cuối cùng là Ngài Ấn Quang đại sư, các Ngài đều là những bậc cao Tăng lỗi lạc mà chính các Ngài là người truyền bá pháp môn Tịnh Độ, khuyên tất cả mọi người niệm Phật cầu vãng sanh. Thì quý vị có nghĩ rằng các vị Tổ đó ích kỷ hay là không? Bây giờ chúng tôi hỏi quý vị niệm Phật để làm gì? Niệm Phật để vãng sanh, niệm Phật để thành Phật mà thành Phật cái điều kiện, cái yếu tố quan trọng là chúng ta phải phát tâm Bồ Đề. Phát tâm Bồ Đề là trên cầu Phật đạo dưới độ chúng sanh. Người tu pháp môn Tịnh Độ niệm Phật là người để thành Phật, trên cầu thành Phật dưới độ chúng sanh vậy ích kỷ chỗ nào? Một điều quan trọng nữa tất cả chúng ta ngồi đây đều có một bản lai diện mục đó là tự tánh của các chư Phật mà khi quý vị niệm Phật cầu vãng sanh trong lúc đó đồng thời chúng ta phải niệm tất cả chúng sanh bởi vì tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Khi mà niệm như vậy chúng ta cần trải lòng từ bi đến với mọi chúng sanh nói hẹp là trong phạm vi gia đình của mình nói rộng ra là tất cả mọi người trong xã hội của chúng ta. Bây giờ chúng tôi lấy một ví dụ có anh thanh niên vừa học xong đại học thì nghe lời giới thiệu của những người bạn nên đi sang Mỹ để du học thì anh này mới quyết tâm đi. Trong thời gian anh này đi xa du học, có người nói rằng anh này có thể là anh thiếu trách nhiệm với gia đình, không lo cho cha cho mẹ, không lo tròn bổn phận của người con. Chúng tôi nghĩ rằng người đó có thể nói đúng trong một trường hợp nào đó nhưng là mình phải nghĩ cho tới cùng là khi anh này đi học về thì sự đóng góp của anh này không chỉ ở trong phạm vi của gia đình mà phạm vi có thể rộng ra xã hội, cho toàn thể mọi người. Như vậy nó có lợi ích hay không và anh này có ích kỷ hay không? Lúc đầu có thể người ta nói anh này đi như vậy là không có trách nhiệm với gia đình, không lo cho cha mẹ, không làm tròn bổn phận của một người con. Nhưng nếu anh ở nhà thì sự đóng góp của anh chỉ trong phạm vi một gia đình, anh không có đủ khả năng đem kiến thức của mình để giúp đỡ những người trong xã hội nhiều. Anh quyết định như vậy thử hỏi anh là người có trí tuệ hay không có trí tuệ? Anh là người ích kỷ hay không ích kỷ? Và điều đặc biệt nữa, người niệm Phật cầu vãng sanh người ta thường nguyện tái lai. Tái lai nghĩa là khi chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh được về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, người ta thường nguyện sau khi thành Phật tái sanh lại ở cõi Ta Bà để hoá độ chúng sanh. Như vậy ích kỷ ở chỗ nào? Chúng ta phải suy nghĩ cho kỹ và một người Phật tử khi mà người ta phát tâm cầu vãng sanh thì trước mắt phải tự lợi sau mới lợi tha như Bồ Tát trước là tự giác sau là giác tha. Quý vị thấy ngày xưa đức Phật còn tại thế Ngài độ được bao nhiêu người và sự giáo hoá của Ngài ảnh hưởng đến bao nhiêu người? Còn chúng ta là ai, chúng ta là người như thế nào, chúng ta đã đoạn tận hết phiền não, các tham, sân, si chưa? Như vậy thì năng lực của chúng ta nó sẽ như thế nào? Chúng ta phải nghĩ lại như vậy. Bởi vì chúng ta chưa giải thoát được cho mình thì quý vị đừng nói là quý vị giải thoát được cho người khác, dù được đi chăng nữa cũng chỉ được một, hai người, còn năng lực của chư Phật, chư vị Bồ Tát với tâm đại hùng đại lực đại từ bi thì cái năng lực cứu độ của Người rất là mạnh, rất là rộng có thể là cho toàn thể chúng sanh. Chúng tôi nói ra để quý vị thấy được ngừơi niệm Phật cầu vãng sanh để thành Phật là người có lòng từ bi rất lớn. Chẳng hạn như một người không biết bơi mà thấy người đang chới với ở dưới nước, anh này có dám nhảy xuống cứu không? Đặt trường hợp quý vị vào anh này. Chúng tôi không nói quý vị là không nhưng hãy khoan nhảy xuống đã mà hãy đi tìm một cái gì đó chẳng hạn như cái phao hoặc một chiếc thuyền để cứu người đó. Nếu chúng ta chưa biết bơi mà chúng ta nhảy xuống thì cả hai cùng chết. Để cứu độ được mọi người như trường hợp của người không biết bơi này thì ta phải có một chiếc thuyền để cứu thậm chí một chiếc thuyền lớn thì mới có khả năng cứu hết được tất cả chúng sanh thì người niệm Phật cầu vãng sanh cũng vậy là người đi để lấy chiếc thuyền lớn về cứu tất cả mọi người còn nếu chúng ta tự cứu người thì chúng ta có thể chỉ cứu được một vài người thôi. Còn người niệm Phật là người đem chiếc thuyền lớn để cứu vớt tất cả những người đang thoi thóp ở dưới nước đó. Như vậy người ta ích kỷ chỗ nào? Quý vị nhắm nếu mà quý vị không cầu vãng sanh Cực Lạc thì quý vị cứu độ được bao nhiêu người, quý vị sẽ giúp được mấy người đây? Nhiều khi không giúp đỡ, cảm hoá được người khác, không hướng dẫn được người khác tu tập mà đôi khi còn bị những người đó người ta lôi kéo mình làm những điều xấu, điều tệ, đó là một điều rất là nguy hiểm. Lấy ví dụ chúng tôi và các quý vị ngồi đây giống như một ly nước nóng, mà những chúng sanh đang bị đau khổ, bị trầm luân giống như một tảng băng lớn. Chúng tôi xin hỏi quý khi mà ly nước nóng này tạt vào tảng băng đó thì có làm cho tảng băng đó tan chảy được hay không? Chắc chắn là sẽ không được. Ly nước nóng đó lập tức sẽ chuyển thành đá ngay. Chúng ta cũng vậy, với năng lực của chúng ta thì chúng ta chưa có khả năng để giúp đỡ được mọi người nên chúng ta hãy đừng vội, nên cầu niệm Phật để chúng ta thành Phật để chúng ta có được một năng lực thì lúc đó chúng ta trở lại cõi Ta Bà để cứu độ hết chúng sanh. Chúng tôi không trả lời mà chúng tôi đặt ra những phân tích và những câu hỏi như vậy để quý vị tự trả lời. Thầy của chúng tôi có làm một câu như thế này: “Người ngu chỉ lo sự nghiệp đời này, người trí không những chỉ lo sự nghiệp đời này mà còn lo sự nghiệp đời sau”. Người tu niệm Phật không chỉ lo cho sự nghiệp đời này mà còn cho sự nghiệp đời sau, đó thật mới là người có trí. Nếu mà quý vị chỉ biết giúp đỡ, cứu độ những người trong hiện tại này nhưng năng lực, cái sự giải thoát của mình chưa có thì đời sau quý vị sẽ bị trầm luân. Còn khi quý vị niệm Phật cầu vãng sanh quý vị được thành Phật thì khi quý vị trở lại quý vị cứu độ thì được rất là nhiều người, chẳng những ở đời này, đời sau mà rất nhiều những đời sau nữa. Vậy thử hỏi người niệm Phật cầu vãng sanh ích kỷ ở chỗ nào? Thầy của chúng tôi có làm những lời nguyện niệm Phật:
Kính lạy Phật Di Đà
Con nay xin phát nguyện
Thường niệm danh hiệu Ngài
Không gây khổ cho ai
Kính lạy Phật Di Đà
Con nay xin phát nguyện
Thường niệm danh hiệu Ngài
Trải lòng thương muôn loài
Phân tích chữ ích kỷ ở đây cho quý vị hiểu. Đơn cử khi chúng ta biết điều gì chúng ta sẽ không chia sẻ cho ai khác hoặc cái gì mình có mình không cho người bên cạnh và những điều mình không muốn mình luôn áp đặt cho người khác. Trong lời phát nguyện niệm Phật trên có câu “Không gây khổ cho ai”, không gây khổ cho ai tức là ta đem tình thương cho những người khác. “Trải tình thương muôn loài” là cái tâm của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh. Chúng ta là người niệm Phật cầu vãng sanh, chúng ta trải lòng thương là chúng ta đang thể hiện một tinh thần từ bi cao cả, rộng lượng. Thử hỏi chúng ta ích kỷ ở chỗ nào? Chúng tôi sẽ lấy một ví dụ rất là cụ thể cho quý vị thấy, hôm nay quý vị đến chùa Hoằng Pháp tham dự khoá tu Niệm Phật Một Ngày, chùa Hoằng Pháp tu pháp môn Tịnh Độ mà pháp môn Tịnh Độ tông chỉ là niệm Phật để cầu vãng sanh, thầy Trụ trì ở đây cũng tu pháp môn Tịnh Độ và cũng niệm Phật cầu vãng sanh, vậy có ai nói thầy ích kỷ không? Đây là một minh chứng cụ thể, có thể rằng ngày xưa lúc thầy đi xuất gia thì có nhiều người cho rằng thầy không có trách nhiệm với gia đình hoặc là không làm tròn bổn phận của người con nhưng mà khi thầy quyết chí ra đi Thầy muốn đem cái lợi ích của mình không chỉ cho gia đình mà cho tất cả chúng sanh thì hôm nay tất cả quý vị ngồi đây đều được hưởng lợi ích đó trong đó có gia đình của thầy. Chúng ta phải đặt lại câu hỏi vậy thầy ích kỷ ở chỗ nào. Để kết thúc câu hỏi này chúng tôi lấy ví dụ của thầy chúng tôi để trả lời cho câu hỏi này, quý vị hãy thấy được cái lợi ích, cái minh chứng của thầy chúng tôi ở đây mà tự trả lời câu hỏi này.
Vâng, kính thưa đại chúng, nước trong bốn biển thì chỉ có một vị mặn, tất cả giáo pháp của Như Lai thì chỉ có một hương vị giải thoát mà thôi. Chúng ta là Phật tử thì phải nên tìm hiểu lời Phật dạy, tu Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh có ích kỷ hay không? Câu đó quý vị sẽ tự trả lời cho mình khi thật tu thật học.
Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa toàn thể quý Phật tử. Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ này, chúng ta đã được Đại đức Thích Tâm Từ giải đáp qua ba câu hỏi. Vừa rồi chúng tôi cũng có lắng nghe và thấy rằng Đại đức trả lời ba câu hỏi cũng tương đối là chính xác. Chúng tôi cũng xin có thêm một vài ý kiến trong các câu hỏi này.
Câu thứ nhất, một Phật tử hỏi rằng trong thời gian một năm mở băng kinh cụ thể là kinh Di Đà, kinh Phổ Môn và kinh Vu Lan nghe rất tốt thế rồi sau này bỗng nhiên nghe một anh bạn nói rằng trên đường đi làm anh mở băng kinh Di Đà ở trên xe để nghe khi tới sở làm anh tắt máy và trong lúc làm thường xảy ra hư hỏng hoặc là công việc làm không được thành tựu anh ta cho rằng đó là do các vong tức không được nghe kinh nên phá anh. Cô này nghe xong cũng hơi lo và có đặt câu hỏi gửi đến chương trình Ánh Sáng Phật Pháp tại chùa Hoằng Pháp. Cô đặt câu hỏi đã khẳng định rằng trong hơn một năm cô mở kinh Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan nghe không có chuyện gì đâu. Tại sao bây giờ nghe người khác nói vậy đâm hoảng? Câu hỏi đặt ra đã có hơi mâu thuẫn rồi. Và mục đích lời kinh đề làm gì? Trong kinh Di Đà, đức Phật mô tả thế giới Cực Lạc và khuyên chúng ta nên niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Kinh Phổ Môn, đức Phật nói về công hạnh lợi tha cứu khổ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát và khuyên mình khi gặp nạn, gặp bịnh khổ hãy chí thành niệm danh hiệu của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Và kinh Vu lan, đức Phật nói về gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên và khuyên chúng ta nên noi gương Mục Kiền Liên sống có hiếu với cha mẹ, khi cha mẹ chết nên cúng dường trai Tăng, hồi hướng, cầu siêu cho cha mẹ. Vậy nội dung ba bài kinh này rất cần thiết cho người sống và cũng rất cần thiết cho người mất. Khi người sống nghe được những lời kinh này, đem ra áp dụng thực tập có lợi ích cho hiện tại và cả tương lai. Người chết nếu mà nghe được những lời kinh này, cụ thể như kinh Di Đà thì họ biết niệm Phật sẽ thoát khổ được siêu thoát hoặc được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Trong hơn một năm, cô nghe không có chuyện gì hết bây giờ tự nhiên nghe anh này nói như vậy lại đâm hoang mang, đây là điều lạ. Nói chung ra rằng chúng ta thiếu niềm tin và thiếu suy nghĩ. Nếu mà chúng ta có niềm tin và suy nghĩ kỹ một chút thì chuyện này không có đáng để chúng ta phải quan tâm. Vì mình đã có thực hành trong hơn một năm trời không có chuyện gì. Như vừa nãy Đại đức Tâm Từ cũng nói có thể do anh ta trong lúc làm suy nghĩ về những việc gì đó của gia đình hoặc là vướng mắc gì đó, trong khi làm mà không chú tâm làm chắc chắn là sẽ xảy ra những chuyện hư hỏng. Còn trường hợp nếu thực sự có một cái vong nào đó phá anh thì trường hợp này cũng nên coi lại, có thể là do oan gia trái chủ giữa mình với một cái vong nào đó cho nên bây giờ vong đó theo phá. Điều này chúng ta cũng nên cố gắng cầu siêu cho những cái vong đó. Chứ còn nói rằng nghe kinh là nguyên nhân để cho các vong phá thì điều này không thể đúng được. Mình nghe kinh cũng có lợi ích mà những người khuất bóng nghe được lời kinh cũng được lợi ích, họ đã nghe được kinh thì họ mong được siêu thoát chứ không có ai mà nghe kinh để đi phá lại chúng ta. Như vừa nãy Đại đức Tâm Từ giảng rất là cụ thể nếu mình nói là nghe kinh mà vong phá vậy thì những cái vong thích nghe nhạc mình mở nhạc rồi mình tắt đi cũng có thể phá mình sao. Như vậy vô lý, cho nên chúng tôi khuyên cô đặt câu hỏi này nên suy nghĩ kỹ rằng mình đã nghe hơn một năm rồi không có chuyện gì bây giờ tiếp tục nghe chắc chắn cũng không có chuyện gì, không phải lo.
Câu thứ hai, có một cô hỏi rằng cô ta nuôi một con heo kiểng bây giờ nó lớn quá và có người lại nói nuôi như vậy thì sau này nó không có đi đầu thai hoặc là nó thành tinh, bây giờ phải làm như thế nào. Chúng tôi thấy đây là một điều rất lạ. Từ xưa đến giờ, chúng tôi thấy người ta nuôi chim kiểng, cá kiểng…chứ chưa nghe ai nói là nuôi heo kiểng. Khi chúng ta nuôi một con vật làm kiểng, vì con vật đó là một con vật đẹp, dễ thương, dễ nuôi, gần gũi chẳng hạn như những con cá kiểng mình nhìn ngắm nó trong lúc mình mệt mình có thể nhìn nó bơi lội tâm trí của mình nó cũng cảm thấy sảng khoái, rồi những con chim rất là đẹp có thể nó nói được hoặc hót những giọng hót rất hay. Đó là những con vật người ta làm kiểng. Còn con heo rõ ràng là một con vật mình khó gần gũi được nó. Bởi vì thứ nhất là nó cũng to, thứ hai là nó dơ bẩn. Mình là người Phật tử đáng lẽ mình không nên nuôi là đúng nhất, mà đã nuôi thì phải có trách nhiệm. Trong Bài Học Ngàn Vàng có câu: “Phàm làm việc gì trước phải xét đến hậu quả của nó”. Đáng lẽ khi mình nuôi mình phải xét xem rằng việc nuôi của mình như thế kết quả nó sẽ như thế nào. Thí dụ như con chó mình còn gần gũi được nó, có thể nó ăn, ngủ chung với mình được. Còn con heo nó hơi dơ bẩn, khi mà mình nuôi rồi thì phải chấp nhận, nhân nào quả đó đây là do mình tạo ra chứ ai tạo. Chúng ta không nên nghe người ở bên ngoài nói ra nói vào, nói nuôi nó như thế chết nó không đi đầu thai hoặc là già nó thành tinh. Quý vị cứ ngồi suy nghĩ xem con heo nuôi già nó thành tinh vậy con người mình già có thành tinh không. Cái chuyện đó không thể có được. Đôi lúc mình là người Phật tử mà chúng ta thiếu sáng suốt, thiếu suy nghĩ khi nghe một việc gì người khác nói, chúng ta thường hay chấp nhận liền rồi đâm ra hoang mang lo sợ, từ đó cũng là những cơ hội tốt để cho những người lợi dụng chúng ta khai thác những chuyện mê tín dị đoan. Nếu chúng ta là người học Phật thì phải suy nghĩ cho kỹ chứ. Tại sao con heo sống tới già thành tinh còn con người mình sống tới già thì không thành tinh, đâu có cái lý kỳ vậy. Vậy thì ở đây theo chúng tôi, cô đã chấp nhận nuôi thì phải nuôi cho tới cùng còn nếu như trường hợp Đại đức Tâm Từ nói không nuôi thì đem vào rừng thả phóng sinh, cho nó tuỳ duyên.
Câu hỏi thứ ba nói về người tu Tịnh Độ cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc là ích kỷ hay không. Xin thưa với quý vị, ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con ngoan để vào từng tu hành, có thể nếu chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh đó thì sẽ đánh giá rằng thái tử Tất Đạt Đa ích kỷ bỏ cha, bỏ mẹ đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc cho mình. Thế nhưng sau khi thành đạo, Ngài lại về hoá độ cho gia đình, cho thân tộc và cho tất cả chúng sanh. Cho nên đến hôm nay chúng ta vẫn còn được thừa hưởng giáo pháp những công đức tu hành của Ngài. Nếu mà Ngài không có ích kỷ từ bỏ gia đình để tìm một cái hạnh phúc, chân lý thì làm gì hôm nay chúng ta được ngồi đây, được hiểu Phật pháp để tu hành. Vậy thì cũng như Đại đức đã nói một người học sinh khi đi du học xa bỏ cha bỏ mẹ, không có trách nhiệm gì trong năm, bảy năm để khi người đó học thành tài rồi trở lại giúp cho gia đình, giúp cho xã hội, giúp cho đất nước. Như vậy trong thời gian người học sinh này vắng nhà năm, bảy năm đi học thì mình có thể nói là anh này ích kỷ, ích kỷ là vì anh ta không lo cái chuyện chăm sóc, hiếu thảo cho cha mẹ chỉ lo học cho mình nhưng anh này học cho mình để làm gì để về giúp cha mẹ, gia đình, xã hội, đất nước. Như vậy có ai nói anh học sinh này là ích kỷ không? Không ai nói vậy. Người tu theo pháp môn Tịnh Độ cũng vậy, mục đích là cầu vãng sanh, vãng sanh để thành Phật, thành Phật để cứu độ chúng sinh. Cũng như thái tử Tất Đạt Đa, từ bỏ vua cha, từ bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con ngoan thành Phật để cứu độ chúng sinh. Thầy Tâm Từ đã nói nếu mình tu mà mình chưa thành Phật thì việc cứu độ chúng sanh là rất ít, rất hạn chế đôi khi mình độ người ta không được người ta lôi kéo lại mình. Còn đức Phật, những vị Tổ sư, những vị đắc đạo khi mà người ta thành tựu rồi thì độ chúng sinh vô số, vô kể. Điển hình như đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta từ khi Ngài thành đạo cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn và cho tới bây giờ, chúng ta ngồi đây cũng vẫn thừa hưởng được giáo pháp của Ngài. Thành Phật rồi thì việc hoá độ sẽ rộng lớn, sẽ lợi ích nhiều hơn. Khi một người tu pháp môn Tịnh Độ, người ta luôn khuyên mọi người cầu vãng sanh về Cực Lạc, chẳng hạn như các vị Tổ, các Ngài đã tu, các Ngài đã thuyết pháp, viết sách, động viên, khuyến khích cho chúng ta tu tập để được vãng sanh Cực Lạc, để được thành Phật được giải thoát. Như vậy những vị Tổ sư này có ích kỷ không? Không ích kỷ. Mặc dù, các Ngài đang tu Tịnh Độ đang cầu vãng sanh nhưng mà các Ngài có khuyên chúng ta tu Tịnh Độ vãng sanh không? Có, thì có phải là ích kỷ không? Nếu mà ích kỷ thì các Ngài chỉ lo tu không phổ biến mà cũng không khuyên ai, các Ngài đã nói, đã phổ biến, đã khuyên mọi người cùng về Cực Lạc để được thoát khỏi luân hồi sinh tử đau khổ, được an vui, được giải thoát, được thành Phật. Như vậy các Ngài quá lợi tha đâu phải là ích kỷ. Mỗi người chúng ta mà nghe lời Phật, lời Tổ, lời các thầy mình chăm chỉ niệm Phật để được vãng sanh thì đó là lợi tha, mà khi quý vị vãng sanh về Cực Lạc rồi không phải về đó hưởng thụ mà về đó để tu, để thành Phật, để cứu độ cho chúng sinh. Trong cuộc sống, tất cả chúng ta ai cũng muốn mình giàu có, hạnh phúc không ai muốn mình khổ đau, bất hạnh. Vậy thì những người khuyên chúng ta hoặc là những người đã nhận thức được luân hồi lục đạo là khổ, cầu mong được giải thoát, được về thế giới của đức Phật, chẳng lẽ mấy người đó cũng ích kỷ sao. Trong cuộc sống, ai cũng sợ nghèo, sợ khổ, sợ bất hạnh ai cũng mong muốn mình giàu có mình hạnh phúc, đó là tâm lý chung. Vậy thì tất cả mọi người chúng ta cũng là ích kỷ hết sao? Còn những người tu như chúng ta đã thấy được luân hồi lục đạo, sinh tử là khổ vậy thì mình phải tìm con đường giải thoát khỏi khổ được hạnh phúc, được an vui. Như vậy đâu phải là ích kỷ mà cái đó là tâm lý chung. Trong cuộc sống ai cũng muốn mình giàu có, hạnh phúc không có ai muốn khổ hết, chẳng lẽ ai có tâm lý đó đều là ích kỷ sao. Do vậy, nỗ lực quý vị cứ vừa tu cho mình cầu được vãng sanh, vãng sanh được phước lắm chứ không phải là dễ đâu, vãng sanh được có nghĩa là chúng ta sẽ thành tựu Phật quả, mà thành tựu Phật quả rồi chúng ta sẽ độ cho rất nhiều chúng sinh. Đồng thời hiện tại trong cuộc sống tu hành ngoài việc chúng ta nỗ lực cầu vãng sinh mình còn phải khuyên mọi người niệm Phật cầu vãng sanh, mình giúp cho người ta được thoát khỏi luân hồi sanh tử đau khổ, được an vui, được giải thoát, được thành Phật. Như vậy, quý vị cũng đâu có ích kỷ mình vừa tu vừa khuyên mọi người được vãng sanh đó là chúng ta đang tự lợi và lợi tha.
Đây là ba câu hỏi rất là thiết thực đối với cuộc sống tu học của quý vị, vừa qua Đại đức Tâm Từ trình bày rất là cụ thể, chúng tôi chỉ góp thêm một vài ý như vậy. Trước khi dứt lời, chúng tôi thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho chư Tôn đức luôn được thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Kính chúc quý Phật tử có một ngày tu tập thanh tịnh và an lạc.
Nhận xét
Đăng nhận xét