Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 02

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 2
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Chứng minh: Ngộ Chân Thành
Dẫn chương trình: Thích Tâm Hoà
Giảng sư: Thích Thiện Thuận
Người hỏi: Phan Ngọc Dũng, PT Hoa Tâm
(Ngày mồng 03/08 Bính Tuất)
Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Thiện Thuận:
Câu hỏi 1:  Luận Đại Trí Độ có nói: "Trong tất cả các tội, tội giết hại rất nặng. Trong các công đức, phóng sanh là công đức bậc nhất. Bởi vì phóng sanh là cứu sống sinh mạng cho nên nói là công đức bậc nhất". Kính bạch giảng sư nếu đem tiền mua vật phóng sanh đó dùng để cứu giúp người bệnh, người nghèo đói, người gặp hoạn nạn. Như vậy giữa phóng sanh và cứu giúp người hoạn nạn, chúng con nên làm việc nào tốt hơn? A Di Đà Phật!
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Lời đầu tiên chúng tôi xin kính đến tất cả các Phật tử lời cầu chúc an lành trong chánh pháp. Chúng con cũng cảm niệm ân đức của thầy Trụ trì và chư Tôn đức chùa Hoằng Pháp đã tạo thêm thiện duyên cho chúng con được gặp tất cả quý Phật tử trong một ngày tu học thanh tịnh như thế này.
Kính thưa tất cả quý Phật tử! Câu hỏi của Phật tử Tâm Hoa được trích trong Luận Đại Trí Độ là một bộ luận rất nổi tiếng thuộc hệ thống giáo lý Đại thừa. Vấn đề ở chỗ là phóng sanh và cứu giúp người hoạn nạn không biết phải làm việc gì. Nếu là quý vị thì quý vị có chọn lựa cho mình được không? Cứ nghĩ như chúng ta đang rất là đói, ba ngày rồi chúng ta chưa được ăn uống gì hết khi có người bưng tới cho mình một mâm toàn là những thức ăn, đồ uống hợp khẩu vị của mình. Đang cơn đói rã ruột, đang với cái khát cháy cổ như vậy thì quý vị ăn trước hay uống trước? Phóng sanh và giúp người hoạn nạn, tất cả đều xuất phát từ đại bi tâm của chúng ta. Hai việc nó có công năng như nhau và có chung một tâm nguyện như nhau cho nên chúng ta gặp việc nào thì chúng ta làm việc đó trước, đừng hẹn, đừng chờ. Thời khắc qua mau, sự việc khó thành, chúng ta sẽ không có cơ hội để chọn lựa đâu. Quý vị đồng ý không? Coi như chúng ta đã phát tâm theo con đường của Bồ Tát để cứu giúp tất cả các loài chúng sanh thì người hoạn nạn cũng là chúng sanh, tất cả các loài cầm thú cũng là chúng sanh. Tất cả những chúng sanh đó đều có một cái tánh chung đó là ham sống sợ chết, nỗi khổ đau của nó cũng giống như chúng ta. Nước mắt của các loài đó cũng mặn. Quý vị thả một con cá, nó bơi lội một cách không có vướng kẹt, thoải mái tự nhiên cái tâm của mình nó cũng nhẹ nhàng giống như mình cứu giúp một người mà không có cơm ăn áo mặc. Thành thử, chúng ta lấy đại bi tâm để làm nền tảng chứ không phải là từ bi. Từ bi này là chúng ta thấy người ta khổ thì chúng ta mới làm, thấy chúng sanh bị giam cầm thì chúng ta mới thả ra. Như vậy, có những khi chúng ta sẽ cảm thấy ray rứt khi chúng ta lâm vào cảnh lực bất tòng tâm và cuối cùng chúng ta rơi vào cái thế chọn lựa cái này tốt hay là cái kia tốt. Thành thử, đức Phật dạy khi chúng ta đã phát từ bi tâm rồi thì cố gắng một xíu nữa noi theo con đường của các vị đại Bồ Tát phát đại từ bi tâm. Đại từ bi tâm tức là không cần các hoàn cảnh bên ngoài tác động vào, lúc nào trong tâm chúng ta cũng trải ra một cái dòng chảy chỉ thuần của chất nước yêu thương và tha thứ. Có như thế chúng ta mới bao dung được cuộc đời đầy trái ngang đau khổ này. Thành thử, người nghèo chúng ta cũng thương, người giàu chúng ta cũng thương, phải không? Bây giờ chúng ta giúp người hoạn nạn mà người hoạn nạn này phải là người nghèo khó, hoạn nạn mà giàu có thì mình không giúp thì như thế là không đúng với tâm từ bi. Đối với chúng  tôi, với câu hỏi này chúng tôi nghĩ là gặp việc nào chúng ta làm việc đó, chúng ta làm ngay vì sau này chúng ta sẽ không có cơ hội để mà làm cái việc này. Chúng tôi nhớ có một hôm đó, chúng tôi đi từ Sài Gòn trở về Vũng Tàu. Khi xe còn ở chuyến xe Văn Thánh, chúng tôi đi chuyến xe cuối cùng vào khoảng 6 giờ tối. Trời mưa lất phất, có một chị đó ẵm một đứa con của mình khoảng chừng sáu, bảy tháng tuổi và dẫn theo một đứa con nữa nó khoảng chừng ba tuổi, chỉ tới chị xin tiền thì thấy cũng thương tâm lắm nhưng mà khổ nỗi chúng tôi chỉ còn đủ tiền trả tiền xe nên chúng tôi mới từ chối chị đó rằng xin lỗi chị, chúng tôi không giúp chị được chúng tôi cũng còn tiền đi xe chứ không dư được đồng nào cả. Chị đó cứ theo năn nỉ hoài, mưa xuống ướt mấy đứa nhỏ, chúng tôi mới nói chị bồng mấy đứa nhỏ vô nhà đi rồi bữa nào gặp tôi gửi tiền chị mua bánh cho mấy em ăn. Khoảng năm bảy phút sáu, chị ta cũng đi thì chúng tôi cảm thấy thoáng buồn khi không làm được việc đó. Nhưng bất chợt nghe tiếng la thì ra là chị đi chị vấp phải cái vỏ chuối bị té rồi có một chiếc xe nó de tới cán lên chị và đứa con lớn, còn đứa con nhỏ nó văng ra bên ngoài không sao hết. Khi quay lại, chúng tôi thấy hai mẹ con nằm thoi thóp như vậy tự nhiên thấy mình tội lỗi ngập đầu. Tại sao mình đang có tiền mà mình lại không cho? Bây giờ mình cho cũng không còn kịp nữa, không có cơ hội nữa. Từ đó về sau, chúng tôi bị ám ảnh cứ mỗi khi rảnh ra chúng tôi lại thấy hình ảnh hai mẹ con vị đó chết một cách thê thảm. Chúng tôi mới tới thưa với các vị Hoà thượng, các vị Hoà thượng nói rằng đây là cái nghiệp bây giờ con có cho tiền thì hai mẹ con đó cũng chết mà không cho hai mẹ con đó cũng chết. Khi cái nghiệp quả nó đến rồi thì chúng ta không thể nào né tránh được hết. Nhưng mà chúng tôi cảm thấy mình là người gián tiếp đưa đến cái chết cho hai mẹ con cho nên từ đó về sau chúng tôi canh cánh trong lòng việc gì làm được chúng ta làm ngay không có hẹn không có chờ. “Mạng người vô thường mau hơn nước dốc, ngày nay dầu còn có bảo đảm được ngày mai”, đó là điều mà đức Phật ân cần chỉ dạy các vị Bồ Tát và các vị đệ tử Bồ Tát tại gia trong kinh Phạm Võng như thế. Chúng tôi nghĩ nếu như được phóng sanh, được giúp người hoạn nạn thì đó là tâm nguyện của mình cũng là hạnh phúc của mình. Quý vị nghĩ phải không? Có người nhận cái tấm lòng của mình, phẩm vật của mình và cũng có chúng sanh được an lạc từ những việc làm nhỏ của mình thì đó chính là cái duyên để giúp cho tâm nguyện của chúng ta hoàn thành. Thành thử, việc gì nó cũng là việc lớn, việc gì cũng là việc có ích hết. Ở trong kinh Bách Dụ có một câu chuyện như thế này. Ngày xưa, có một ông đó rất giàu có, ông nuôi bò để mà lấy sữa làm đề hồ. Một hôm, ông mời khách tới ăn tiệc, ông ta đãi bằng sữa tươi làm đề hồ. Ông nghĩ là bây giờ mà nặn sữa tươi ra cho tới một tháng tới khách đến thì không có chỗ chứa, nghĩ như thế nên ông nghĩ bây giờ mình chứa sữa luôn trong bụng con bò, một tháng sau khách tới mình dẫn bò ra nặn sữa một lần nó thì nó tiện hơn. Nghĩ như thế nên ông dắt mấy con nghé ra tách riêng với con bò mẹ. Đúng một tháng sau, khách đến, lúc này ông dẫn con bò mẹ ra nặn mà đâu có giọt sữa nào đâu, khô hết rồi. Nếu mà chúng ta đắn đo, chúng ta chọn lựa thì không khéo lại giống anh chàng ở trong kinh Bách Dụ, chúng ta không làm được gì hết. Sách có nói như thế này: “Lòng nhân từ không có miễn cưỡng, công năng của lòng nhân từ nó giống như mưa trên trời rơi xuống và nó sẽ thấm đẫm cả người cho và người nhận”. Nếu chúng ta chọn lựa thì nó mang tính cách kiên cưỡng, gượng ép. Đồng ý là chúng ta phải phân biệt, chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề mà mình đang làm, nhưng mà xuất phát từ đại bi tâm mà chúng ta suy nghĩ nhiều thì cơ hội nó vụt khỏi tay chúng ta rất cao. Trong kinh Tâm Địa Quán phẩm Công Đức Trang Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta là Phật tử xuất gia hay tại gia đều phải phát bốn nguyện rộng lớn. Nguyện đầu tiên trong bốn nguyện rộng lớn ấy là chúng sanh vô biên chúng ta thệ nguyện độ. Trong chúng sanh đâu cần kể là chúng sanh lớn hay chúng sanh nhỏ, chúng sanh sang hay chúng sanh hèn, cho nên tất cả chúng sanh đều đau khổ như nhau, đau khổ như nhau thì chúng ta đem tâm thương yêu của mình trải đến tất cả chúng sanh đó một cách bình đẳng vào lúc mà chúng sanh đó đang đau khổ. Chúng ta dụng tâm như thế thì mới đúng là một người Phật tử tu theo hạnh từ bi. Nếu như quý vị làm như thế một cách chân thành thì chúng ta lo gì mà không an lạc. Đừng bao giờ mình nghĩ là pháp này là cái pháp tầm thường. Quý vị nên nhớ, vào trong đời Đường ở Trung Quốc có một vị thi hào rất là nổi tiếng tên là Bạch Cư Dị, ông ta sanh năm 772 và mất năm 846. Thì đương thời có một vị Thiền sư rất là nổi tiếng, vị Thiền sư đó leo lên trên chắn ba của một cái cây và lót những nhánh cây gãy làm như một cái ổ giống như một cái ổ của con quạ rồi vị Thiền sư này leo lên đó ngồi để tu tập, thành thử người ta gọi vị ấy là Ô Sào Thiền sư. Thi hào Bạch Cư Di đến hỏi đạo với Ô Sào Thiền sư là: “Bạch Hoà thượng! Đại ý Phật pháp là như thế nào?”. Thiền sư Ô Sào mới trả lời như thế này:
Chớ làm các việc ác
Vâng làm các việc thiện
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy.
Ông Bạch Cư Di  liền nói cái này có gì đâu khó, con nít tám tuổi nó cũng biết mà. Thiền sư Ô Sào gật đầu đáp là đúng, đứa con nít tám tuổi cũng biết nhưng ông già tám chục tuổi làm chưa xong. Khi chúng ta phát tâm chân thật, chúng ta cố gắng làm thì điều đó nó sẽ ở trong gang tấc vì chỉ còn thuần lại cái tâm niệm của chúng ta. Thành thử, chúng tôi nghĩ rằng với đoạn mà Phật tử Hoa Tâm trích trong Luận Đại Trí Độ: "Trong tất cả các tội, tội giết hại rất nặng. Trong các công đức, phóng sanh là công đức bậc nhất. Bởi vì phóng sanh là cứu sống sinh mạng cho nên nói là công đức bậc nhất", nhưng bây giờ trước mắt chúng ta có nhiều người nghèo đói, khổ sở, hoạn nạn, thành thử chúng tôi nghĩ tất cả Phật tử chúng ta cũng đều giống như Phật tử Hoa Tâm đắn đo không biết phải làm cái nào nó hay hơn, nó tốt hơn và nó hợp hơn. Chúng tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất là hay, rất là chính xác trong cái thời đại của chúng ta. Nhưng mà căn cứ theo tâm đại bi của chúng ta muốn cứu giúp tất cả các loài chúng ta thì chúng ta không có đắn đo, chúng ta không có chờ, chúng ta không có hẹn vì thật sự chúng ta không có thời gian. Để giúp cho chúng ta không có hoang mang khi chọn pháp tu đã phát thệ nguyện mà thực hành một cách trọn vẹn cho nên Tam Tổ Tăng Xán đã dạy ở trong Tín Tâm Minh như thế này:
Chí đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch.
Có nghĩa là đến với đạo không khó chỉ ngặt vì chúng ta ưa chọn lựa. Ngay chọn lựa thì trần tâm vọng khởi. Khi trần tâm vọng khởi thì pháp hành của chúng ta không được trọn vẹn. Đối với câu hỏi này lời giải đáp cuối cùng của chúng tôi là gặp việc nào thì làm việc đó, làm ngay không chần chờ, phóng sanh hay giúp người hoạn nạn cũng đều dụng tâm như thế cả, vì đó là sự dụng tâm của tất cả các đức Phật trong quá khứ, các đức Phật trong hiện tại và các đức Phật trong tương lai. Mình là đệ tử Phật đương nhiên chúng ta cũng dụng tâm như thế.
Câu hỏi 2:  Làm phương pháp nào để giúp đỡ cho người thân của mình hiểu được chánh đạo, hướng về đường lành để được an lạc khi còn sống và tự tại vãng sanh khi bỏ xác thân này, trong khi cả gia đình không tin vào một tôn giáo nào cả.
Đáp: Nếu nói không tin mà chúng ta cứ xúi họ thì chúng ta sẽ dễ dàng bị phản tác dụng. Giả sử như bây giờ chúng tôi tin thầy này là nấu ăn ngon, quý vị mà đem thưc ăn tới mà nói là thầy này nấu là tự nhiên tôi ăn liền nhưng mà thực sự tôi đâu có biết là thầy này nấu hay không. Tới khi ăn xong, các vị hỏi có vừa miệng không chúng tôi không cần suy nghĩ gì hết nói bữa nay ăn ngon lắm. Vì sao? Vì mình tin thầy này nên thầy nấu gì mình cũng bảo ngon hết. Lúc bấy giờ, xung quanh họ mới cười và thưa thiệt với thầy hôm nay người khác nấu chứ không phải thầy này nấu. Lúc đó, mình mới vỡ lẽ ra. Cho nên, khi chúng ta đã tin không cần phải bàn cãi nhưng mà không tin thì chúng ta phải phương tiện, chắc chắn là như thế. Ở đây không phải là chúng ta nói dối nhưng mà cái phương tiện thiết thực nhất, hay nhất đó là sự thực hành của chính bản thân mình. Bây giờ gia đình của anh không tin vào tôn giáo nào hay nói chung là tất cả các tôn giáo. Cái này là đối với những người họ không tin vào những vấn đề không thực tế, đây là quan điểm chung của những người họ chú trọng về duy vật chứ không phải duy tâm thì họ sẽ không đặt niềm tin vào tôn giáo. Nhưng nói như thế không phải là họ không có niềm tin, họ tin vào khả năng dạy dỗ của các thầy trên trường học cho nên họ gửi con tới trường đó để học, họ tin ở xóm đó có nhiều người thuần lương cho nên họ mới đồng ý định cư tại xóm đó. Như vậy, trong tâm họ vẫn có một sự tin tưởng nhưng tin tưởng một cách rõ ràng. Bây giờ, họ không tin tôn giáo mà anh đem tôn giáo ra là bị bác bỏ liền. Nhiều khi mình thiết tha mình tu tập, mình đã hiểu đạo, mình thực tập rồi mà mình nghe người thân phỉ báng Tam Bảo thì mình đau xót như là kim đâm muối xát vậy. Quý vị nghĩ phải không? Có nhiều người tới chùa than chồng của con không tin gì hết, con nói ra thì ổng nói, con sợ ổng mang cái nghiệp báo khẩu nghiệp cho nên chua xót quá cuối cùng là không dám đi chùa, trốn chui trốn nhủi đi chùa và làm từ thiện cũng giấu chồng. Như vậy, chúng ta phải phương tiện nhưng mà chúng ta phải là người tu tập cho nó chân thật. Quý vị nên nhớ, cái ý niệm chân thật sẽ quyết định cho sự chuyển hoá của mình hướng về đối tượng. Quý vị thật tu ứng dụng tất cả những gì mình học được ở các thầy trình bày, qua kinh điển hay giáo nghĩa, chúng ta thực tập cho nó rốt ráo, thực tập bằng cả sinh mạng, bằng cả sự sống của mình thì sẽ chuyển hoá được. Nghe chùa mở khoá tu liền ba chân bốn cẳng chạy đến đây nhưng về tới nhà rồi quên Phật thì làm sao mà thuyết phục được người thân của mình, phải không? Người ta nói sai ý thì mình có thể la, có thể là mình trách móc, đó là lúc mình chưa tu nhưng tu rồi thì mở miệng cười A Di Đà Phật. Như vậy, tự nhiên người thân mình thấy sau khi đi tu ta trở thành một con người dễ thương, tự nhiên họ để ý, tìm hiểu. Chứ mình đừng nói gì hết mình thay đổi cách cư xử của mình đối với người thân. Họ nói một câu mình nói lại năm câu, mình mà rủ đi chùa họ sẽ không chịu đi, coi như là mình vô tình đẩy họ xa Phật hơn nữa. Họ đã không tin rồi mà mình tu không khéo thì làm cho họ càng không tin thêm, như vậy chúng ta rủ họ đi chùa thì không bao giờ họ đi. Cho nên, khi tu là mình phải thực tâm tu. Ý niệm của mình lúc nào cũng hướng về ba nghiệp thân, khẩu và ý nhưng trong cái sự suy nghĩ của mình càng ngày càng có sự chuyển hoá ba nghiệp thanh tịnh. Trong cuộc sống, hiện tại của mình, xung quanh mình có những người họ không tin mình thậm chí có những người không ưa mình còn kiếm chuyện với mình nữa. Đừng có vội kêu người ta đi chùa, lễ Phật người ta đã không tin đức Phật rồi thì đừng có đưa đức Phật lên mà hãy đưa đại người nào cái vị đó đang mến mộ. Ở quê chúng tôi có anh đó, anh cũng không có tin mà anh mến mộ nghệ sĩ Bạch Tuyết lắm, mến mộ đến nỗi có Bạch Tuyết là anh phải coi, coi đến độ vợ anh phải ghen. Anh không có đi chùa, không tin gì hết mà ba mẹ anh bệnh nặng, quý vị biết hai người bị tai biến cùng một lúc, nằm ở trên giường như thế bảy, tám năm sống đời thực vật. Nhà họ có đời sống kinh tế tương đối khá tốt mà không hề biết bố thí, cúng dường. Bữa đó chúng tôi tới thăm tại anh cũng thân với gia đình, chúng tôi mới tặng anh cuốn sách Lá Thư Bạn Đạo của nghệ sĩ Bạch Tuyết. Anh đọc cuốn đó anh mới biết Bạch Tuyết cũng đi làm từ thiện, cũng đi ngồi thiền, cũng niệm Phật nữa. Chúng tôi mới nói bộ pháp môn Tịnh Độ là cấm nghệ sĩ không được tu hả, ai cũng có thể thực hành được hết. Trong những lá thư đó, nghệ sĩ Bạch Tuyết có trình bày là nhờ sự thực tập chân chánh tận đáy lòng của mình phát ra mà chị chuyển hoá được những công việc làm ăn hay những cái mâu thuẫn ở trong tình thâm của gia đình. Anh nghe ra được, anh thấy hay, thế là anh bắt đầu niệm Phật, không phải là anh tin Phật đâu mà là anh tin Bạch Tuyết. Thành thử, trong những hoàn cảnh như thế, anh phải làm như thế nào để mà tìm hiểu cho được thần tượng của người mà không tin Phật, rồi cái thần tượng đó làm cái việc gì hướng về đạo đức mình mới lấy cái hình ảnh đạo đức đó mình dẫn dụ. Đức Phật ở trong tâm của những người không tin đã mờ quá rồi làm sao mình có thể tạo dựng cái hình ảnh đó một cách rõ ràng, đồng ý không? Thành thử mình phương tiện. Có một người này cũng vậy, chị không tin gì hết. Chị nói trời sanh voi sanh cỏ, hễ ai cố gắng làm ăn thì họ được giàu có, chị không biết làm từ thiện là gì hết. Nhưng mà từ ngày chị coi phim Con Tàu Titanic thì chị mến mộ anh tài tử nam đóng vai nam diễn viên chính trong bộ phim đó. Có lần, chúng tôi gửi cho chị một tờ báo nói về anh nam diễn viên đó đi qua Thái Lan tu học một tháng quy y Tam Bảo. Chị đọc xong, tự nhiên chị suy nghĩ rằng người ta nổi tiếng vậy, người ta giàu có vậy mà tu, còn mình có là gì đâu mà bây giờ mình không tu. Cho nên, ý niệm tu của chị được đánh thức qua hình ảnh của nam tài tử điện ảnh đó chứ không phải đức Phật nhưng mà rồi bây giờ chị cũng có thể thực tập theo tinh thần giáo lý của đạo Phật. Nếu họ không thể bước đi một cách nhanh chóng thì mình dìu họ. Nói tóm lại chúng ta phải lập hạnh nhu nhuyễn, đó là công hạnh mà đức Phật dạy cho các vị Bồ Tát khi đối với tất cả những chúng sanh chưa có niềm tin với Tam Bảo, chứ chúng ta đừng phủ nhận họ là không có niềm tin. Họ chưa có niềm tin, chúng ta thật mềm mỏng thật khéo léo để dẫn họ đi từng bước. Mình phải hướng tới mục đích của mình, mục đích đó có thành hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng của mình thể hiện qua phương tiện, mà phương tiện có khéo léo hay không chính nhờ sự thực tập một cách chân thành của mình. Chúng tôi nghĩ là anh Ngọc Dũng sẽ làm được điều này trên tinh thần chia sẻ của 5000 người ở đây.
          Câu hỏi 3:  Nam Mô A Di Đà Phật! Chúng con là Phật tử tại gia giữ 5 giới, trong đó có giới không được sát sanh. Nếu chồng và con cái trong gia đình có nhu cầu ăn thịt cá mà chúng con không giết thì gây sự bất hòa, thậm chí còn mất hạnh phúc gia đình, còn nếu không giết mà đi chợ mua cũng là gián tiếp giết, vậy có phạm giới sát sanh không? Như vậy, chúng con phải làm sao cho vẹn cả đôi đường?
Đáp: Mình không có giết mà mình đi mua thì cũng coi như là xúi người khác giết rồi. Vì sao? Vì phạm giới nó có ba phương cách: thứ nhất là tự mình giết, thứ hai là xúi người giết, thứ ba là thấy người khác giết mình cảm thấy vui sướng. Giả sử như thấy một con rít bò mình ghê quá mà nhìn người khác đập mình nghĩ là đồ độc hại này giết đi cho rồi. Cái đó là cái tâm tuỳ hỷ theo ác nghiệp, cũng là phạm giới. Còn làm sao vẹn cả đôi đường thì cái này hơi khó. Quý vị có thấy quý vị hơi tham lam không? Trong tất cả các ác nghiệp, chúng ta chọn cái ác nghiệp nhẹ nhất. Quý vị nên nhớ chúng ta sống ở trong cảnh giới này thì đã tạo bao ác nghiệp trong quá khứ, hiện tại chúng ta cũng tạo ác nghiệp và trong tương lai chúng ta cũng có thể sẽ tạo ác nghiệp nếu như chúng ta không phát tâm tu tập cứu cánh. Cho nên là đã tạo ác nghiệp rồi thì chúng ta phải lựa cái nghiệp nào nhẹ nhẹ. Đồng ý không? Trong tất cả các ác nghiệp của chúng ta hãy chọn ác nghiệp nhẹ nhất, còn trong tất cả các thiện nghiệp thì chúng ta phải chọn các thiện nghiệp lớn nhất. Đằng nào thì quý vị cũng chọn lấy cái gia đình của mình, gia đình là cái chỗ mà chúng ta tạm dung thân trong cuộc đời của mình mấy chục năm thậm chí một trăm năm, nhưng đó chỉ là một đoạn đường ngắn trong một chặng đường dài trên lộ trình tu tập giải thoát khổ đau của chúng ta. Chúng ta đã chọn cái gia đình như thế cũng có nghĩa là chúng ta tạm dừng chân.
Dừng chân quán trọ cười như khóc
Ai kẻ say mê chẳng nhớ nhà
Chúng ta phải nhớ về một cái quê hương xa xôi của mình, trong quê hương đó chỉ có sự an lạc, chỉ có sự tu tập của mình. Đã là quán trọ thì chúng ta đừng hòng làm bà chủ, ông chủ mà chúng ta phải làm khách lữ hành đến rồi lại đi. Nhưng mà để giữ hoà khí của một gia đình, hạnh phúc của một chặng đường ngắn trên hành trình giải thoát của mình thì quý vị đã chấp nhận tạo ác nghiệp rồi, tức là quý vị phải đi chợ phải nấu ăn thì như vậy chúng ta đã gián tiếp tạo ác nghiệp, nhất là nghiệp sát sanh của chúng ta. Chúng tôi muốn nói ở đây là đằng nào chúng ta cũng tạo nghiệp sát nhưng chúng tạo nghiệp sát nhẹ nhất trong tất cả các nghiệp sát. Cái này phải nói một cách rất là thực tế để quý vị không có bị mơ hồ, nếu chúng ta có mua cá thì chúng ta chọn một con cá lớn để cả gia đình chúng ta ăn trong vòng hai ba ngày chứ không có mua những con cá nhỏ một rổ vậy thì biết bao nhiêu sinh mạng. Nếu mua thì nên mua cá chết mà mua một con lớn. Quý Phật tử đã đi vào cuộc đời mà nó mơ hồ về cách giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình của mình thì trong cách tất cả các nghiệp ác thì chúng ta chọn nghiệp ác nhẹ nhất. Đó là cái phương pháp tu tập thấp nhất về cái nghiệp sát mà chúng ta đã lỡ gánh, nhưng chúng ta nên cố gắng bước thêm một bước nữa đó là thuyết phục người thân trong gia đình của mình. Nội trợ thường là quý cô, mà quý cô thì thường cảm thấy thương chồng con cực khổ cho nên là muốn làm cái gì đó cho nó ngon để có sức khoẻ. Nếu mà thấy gia súc, gia cầm dễ bị mắc những bệnh truyền nhiễm thì tốt nhất là ăn thực vật. Mình phải thuyết phục một cách khéo léo là tất cả những thức ăn khi qua khỏi cổ họng của mình thì trăm vị cũng giống như thường vị, món ngon vật lạ sơn hào hải vị thì nó cũng giống như là rau cỏ đồng nội. Thức ăn nó còn ở miệng, ở lưỡi thì chúng ta còn phân biệt cái vị của nó, nhưng ma qua khỏi cổ rồi thì chúng ta không phân biệt được gì hết. Cho nên, mình phải thuyết phục gia đình của mình, mình phải lý luận cho nó chặt chẽ, khéo léo để làm sao gia đình của chúng ta hạn chế trong khẩu phần ăn mà dùng quá nhiều sinh mạng của chúng sanh. Trước tiên, mình phải tập nấu chay, phải tập ăn chay, mới đầu ăn hai ngày rồi tăng lên bốn ngày, mười ngày. Mình phải phương tiện là tập nấu ăn chay chế biến sao cho ngon. Vì sao? Vì cõi này là cõi dục những cái gì chúng ta phân biệt bên ngoài rồi chúng ta đón nhận vào cuộc sống của mình đều lấy cái sự ham muốn làm nền tảng cả do vậy chúng ta tương kế tựu kế. Nói vậy chứ chúng ta cũng là một núi dục vọng nhưng bây giờ mình biết tu, mình lấy hình ảnh của đức Phật ra làm cái huy hiệu để đỡ bớt. Ai cũng muốn được ăn ngon cả, mình nấu ngon coi người ta ăn không? Chúng tôi có một người anh rể, anh nghe nói ăn chay là sợ lắm. Khi chúng tôi về nhà đám giỗ nấu chay, thì bữa đó anh không ăn, anh ra tiệm anh ăn. Chúng tôi mới nói với người chị là vợ anh rằng để dành thức ăn đó lại rồi ngày mai anh đi làm về hâm lại cho anh ăn mà đừng nói gì hết đó. Mai anh ta ăn món cà ry chay rất nhiều rồi mới biết đó là đồ chay, anh ngạc nhiên lắm. Thành ra, quý vị phải tập ăn chay, làm món chay rồi mình trình bày những lợi ích của việc ăn chay là nó vệ sinh, an toàn nó không có bị bệnh. Có một lần chúng tôi bị bệnh nằm ở bệnh viện An Bình hai tháng mấy, ông bác sĩ ở đó mới nói rằng chúng tôi phải ăn mặn mua thịt bò về nấu rồi lấy cái nước đó uống, mình nghe nói vậy sao mà sợ quá. Chúng tôi mới thưa là giờ khó ăn lắm. Bác sĩ mới nói tại thầy ăn chay hoài giờ thầy bệnh đó. Chúng tôi mới nói bây giờ bác sĩ thống kê hết lại các bệnh nhân trong bệnh viện này đi có mấy người ăn chay mà bị bệnh. Họ cứ đổ thừa cho ăn chay là bị bệnh, vậy mà họ cũng nói được. Không phải là mình muốn lý luận để hơn thua mà thử làm một cái phép tính đi, trong cái nhà thương đó tất cả bệnh nhân thì có bao nhiêu ngươi ăn chay, rõ ràng đó chỉ là con số nhỏ, còn những người mà bị bệnh nặng hỏi ra thì họ ăn những thức ăn nghe mình không dám tưởng tượng. Cho nên, trong kinh Phạm Võng đức Phật dạy rằng tất cả các thịt của mọi loài chúng sanh chúng ta đều không được ăn, luận về người ăn thì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh, tất cả chúng sanh đều tránh xa người này. Mình đi ra ngoài hồ thì cá nó lặn, đi ngoài đường thì chim nó bay, không có con nào muốn gần mình hết. Vì sao? Vì cái nghiệp sát của mình nó mạnh quá nên nó phát ra những cái sóng từ trường mà cái sóng đó thì nhất là các loài vật nó nhạy bén nó sẽ nhận ra được cái điều bất an. Như chúng ta chưa từng quen biết với một người nào đó, nhưng mà mới gặp lần đầu tiên tự nhiên là mình cảm giác cái người này là họ không có hiền, cái đó là trực giác của mình nó báo cho mình biết. Trực giác đó có nghĩa là cái linh mẫn của tâm mình đón nhận cái nghiệp ác nhất là nghiệp sát sanh của người đối diện nó phát ra, tuy là người đó không làm nhưng nó phát ra cái sóng đó, mình đón nhận được trong một khoảnh khắc thôi, chứ cón qua sự tư duy của mình thì nó lại khác rồi. Thành thử, đức Phật mới dạy rằng: “Nếu Phật tử vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh thì tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta, từ nhiều đời ta đều thác sanh ở nơi đó vì lẽ ấy cho nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ của ta. Nếu mà giết chúng sanh để ăn thịt thời chính là giết cha mẹ ta cũng là giết bổn thân, bổn thể của ta.” Tức là thân cũ của mình cũng là súc sanh trong vòng luân hồi này. Cho nên, Thầy nghĩ là cô Hoa Tâm sẽ không còn đắn đo nữa, mọi việc đều sẽ ổn nếu như cô có một tinh thần lạc quan, có một tình thương yêu không vụ lợi đối với tất cả những người thân của chúng ta. Hạnh phúc không phải là ở chỗ miếng ăn nhưng nếu chúng ta biết biện biệt thì chúng ta sẽ tạo được sự êm ấm trong gia đình của mình, chứ chúng ta đừng có nghĩ là tới đâu hay tới đó, mình biết đạo mình tu tập rồi thì mình sẽ không có nói những câu vô trách nhiệm đối với cái nghiệp báo của tự thân chúng ta và sự chuyển hoá người thân. Thiền sư Viên Minh nói như thế này:
Mục đích có sẵn rồi
Nào phải vọng xa xôi
Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở bên đồi.
Chúng ta sẽ thành công và chúng ta sẽ làm được tất cả nếu chúng ta cố gắng và phải nhẫn nại, trong bối cảnh này thực sự chúng ta phải mềm mỏng và ngọt ngào. Chúng tôi nghĩ là cô Hoa Tâm biết cách làm gì để người thân của mình và mình có thể tu tập một cách tốt hơn khi chúng ta tránh được nghiệp sát sanh. A Di Đà Phật!
Câu hỏi 4:  Mình làm thế nào để giữ tâm mình luôn được an định không phạm 5 giới cấm  của Phật dạy. Trong khi cuộc sống hiện tại rất dễ khiến con người sa đọa tội lỗi dễ dàng tạo nghiệp ác.
Đáp: Anh đã thọ năm giới rồi thì làm sao để anh có thể biết được anh có giữ trọn năm giới, phải không? Giới mình thọ và giới đó cũng có thể do chính mình hủy phạm, chứ đâu có ai bắt mình hủy phạm đâu, không ai bắt buộc, không ai ép mình hết. Vì sao? Vì chúng ta phát nguyện thọ giới, quý vị nên nhớ đây là động lực chính để quý vị thọ trì năm giới. Chúng ta phát nguyện thọ giới, khi đã phát nguyện thì chúng tôi nghĩ lý do để ta phạm là cái lý do lớn nhất trong cuộc sống của mình, còn những việc thường thì không thể làm cho mình phạm giới được. Để cho anh biết anh có phạm giới hay không thì chắc chắn rằng thầy không thể giải thích được cái vấn đề này. Anh tu thì anh biết. Quý vị nên nhớ năm giới đó không phải là pháp tu tầm thường đâu, đó là nền tảng cho tất cả các vị Bồ Tát khi vào đời độ sanh, thanh tịnh hoá ba nghiệp của mình mà cái quá trình đó nó dài suốt đời này qua đời khác. Nó là thềm thang để cho chúng ta xây dựng những toà lâu đài khác, tầng khác của toà lâu đài giác ngộ. Bây giờ, làm thế nào để anh biết an định thì chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa chỉ có sự chân thật tu tập của anh chỉ có anh mới biết và người khác cũng không thể biết. Vì tất cả các pháp là vô thường, là vô ngã, là khổ, là không mà cái sự an định của mình nó không nằm ở trên cái sự việc của ngôn ngữ, trên hình thức, nó không thể dùng ngôn từ để nói, không thể dùng hình thức để trình bày, nó đi ra ngoài con đường của ngôn ngữ. Thành thử, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Bồ Tát Mã Minh đã nói là: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành, xứ diệt” tức là con đường ngôn ngữ phải nhất lập, sự dụng công của mình và cái pháp môn tu của mình thật sự nó không còn vướng lại trong tâm của mình lúc đó thì chúng ta mới thấy được sự an lạc hay là an vui của mình trong cái pháp môn tu. Còn vì công việc hiện tại, giả sử anh đi làm nhất là những doanh nhân thì bắt buộc anh phải giao tế, phải tiếp khách mà khách rủ anh đi ăn cơm thì làm sao anh có thể giữ được năm giới nhất là khi khách mời rượu, phải không? Có những người nói đức Phật đưa ra giới cấm uống rượu mà con đâu có uống rượu con chỉ uống bia. Anh đã từng suy nghĩ như vậy chưa? Thật ra điều này là cái điều trăn trở của tất cả các vị Phật tử mà đang tham gia hoạt động ở lĩnh vực thương mại. Chúng ta sẽ có thể giao tế với tất cả bạn bè trong công việc làm ăn nhưng mà chúng ta không phạm giới, chúng tôi nghĩ quý vị có thể làm được. Đâu có nhất thiết là phải sát hại sinh mạng chúng sanh để làm những thức ăn cho ngon, cho tươi. Quý vị cứ dẫn khách hàng của mình tới nhà hàng chay đi, mà cũng đừng nói chay hay mặn gì hết, mình hẹn họ ở địa điểm đó nói ở đó nấu ăn ngon lắm thì tự nhiên họ sẽ cảm nhận được. Vì vấn đề này chúng tôi đã tư vấn cho công ty dược phẩm Tân Việt, anh tổng giám đốc đó thân với chúng tôi thì anh đổi cái phương hướng như thế, anh chuyển sang đãi khách ở những nhà hàng chay và rất là thành công. Chúng tôi nghĩ là chúng ta không cần phải bia rượu, chúng ta không cần phải sát sanh, không cần phải đi vào vũ trường, không cần phải đi tới những cái nơi mà nó tạo nhiều ác nghiệp như thế công việc mình mới thành công, mà chúng ta đến những cái nơi thanh tịnh, trang nhã thì chúng ta vẫn có thể bàn được công việc. Quan trọng là ở chỗ chúng ta dụng tâm và phải thật là khéo léo thì chúng tôi nghĩ là anh sẽ không bao giờ bị phạm giới hay là huỷ phạm giới trong những trường hợp bất đắc dĩ như thế. Nếu lỡ có phạm vì giới chúng ta thọ thì sẽ có phạm thôi trong những trường hợp bất khả kháng thì chúng ta sám hối. Cái áo nó dơ thì chúng ta phải giặt, nó dơ mười lần thì chúng ta phải giặt đúng mười lần, chứ không phải dơ rồi chúng ta bỏ. Tại vì sao? Vì chúng ta bỏ đi cái áo mà công bỏ ra nuôi tằm kéo sợi diệt vải may thành cái áo, thời gian nó sẽ dài hơn là thời gian chúng ta giặt cái áo đó. Cũng vậy, chúng ta phạm giới thì chúng ta sám hối, chúng ta cải thiện việc làm của mình cho nó tốt hơn. Bởi vì mình là phàm phu thì cái sự tu tập của mình không phải là rốt ráo đối với các vị Bồ Tát là các bậc đại căn đại trí. Nói ra điều này không phải là chúng ta tự dựng cho mình cái bình phong để có một lối rẽ trên cuộc đời của mình hay là sự nghiệp tu tập của mình nhưng mà chúng ta hãy cố gắng càng nhiều càng tốt, nếu có lỡ huỷ phạm chúng ta thành tâm sám hối, phạm bao nhiêu lần chúng ta sám hối đúng bấy nhiêu lần. Khi sám hối, chúng ta phải hội đủ hai điều kiện là ăn năn tội lỗi đó và đồng thời chúng ta nguyện đừng có tái phạm lại. Hai yếu tố này sẽ giúp cho chúng ta hoàn thiện về nhân cách và thanh tịnh được cái giới đó khi chúng ta đã lỡ bị phạm. Nếu mà chúng ta phạm giới mà không có sự suy nghĩ đau đớn, khổ sở về cái sự phạm của mình, chúng ta sẽ phạm rất là dễ dàng, mà phạm dễ dàng thì chúng ta đã thành thói quen, mà thành thói quen là chúng ta đã chấp nhận đi vào con đường đau khổ mà chính ác nghiệp chúng ta đã tạo ra. Nếu đã thọ rồi thì không có chuyện là xả giới vì đó là nền tảng đạo đức của chúng ta trong cuộc sống hiện tại, đối với bình thường xã hội và đối với sự tu tập của mình.
Câu hỏi 5: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính thưa Thầy, trong nhà con có gián, chuột, ruồi, muỗi hoặc khi trồng cây, trồng lúa có sâu rầy, nếu không giết thì nó sẽ nảy nở gây ảnh hưởng đến mùa vụ năng suất thu hoạch và nguy hại đến sức khoẻ của con người, nếu giết thì phạm tội sát sanh. Vậy xin Giảng sư chỉ dạy cho chúng con phải làm sao. A Di Đà Phật.
Đáp: Nếu giết thì phạm tội sát sanh, như vậy chúng ta biết là đủ rồi. Quý vị nhớ ở trong kinh Đại Phương Quảng Viên Giác, đức Phật khai thị cho các vị bồ Tát, đầu tiên dạy cho Bồ Tát Văn Thù một chữ đó là chữ “biết”. Nếu chúng ta biết thì chúng ta sẽ lìa được đau khổ, cho nên tiếp theo đức Phật dạy cho Bồ Tát Phổ Hiền chữ “lìa”. Như vậy, có giải trừ khổ đau, có đoạn được sinh tử quan trọng ở cái chữ biết này. Chúng tôi nhớ có một lần chúng tôi đi truyền giới quy y cho một đạo tràng nọ ở Vũng Tàu. Chùa đó nằm ở vùng ẩm thấp, cách đây mười hai, mười ba năm thì mương rạch có nhiều. Khi chúng tôi truyền giới thứ nhất, thầy giới sư mới nói: “ Giới thứ nhất là giới không được sát sanh vậy là Phật tử tại gia từ đây đến suốt đời không giết hại sinh mạng của chúng sanh, các vị có thể giữ được không?” Anh đó liền trả lời: “Mô Phật! Giữ được”, miệng thì nói vậy đồng thời tay thì đập con muỗi. Chúng tôi mới hỏi sao vậy, anh nói là không đập nó thì con sẽ bị sốt rét, khi con đập con cũng có niệm: “Mô Phật” như vậy con có  tạo chút công đức hồi hướng cho nó vãng sanh Cực Lạc. Lý luận như vậy thì chết dở, còn bào chữa cho mình là có niệm Phật hồi hướng cho nó về Tây phương Cực Lạc nữa chứ. Chúng tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất là hay. Ở đây chúng tôi xin chia ra cho rõ ràng, câu hỏi có đoạn trong nhà có gián, chuột, ruồi, muỗi. Đố quý vị tại sao trong nhà có gián, chuột, ruồi, muỗi? Bởi vì ở dơ. Để không có gián, chuột, ruồi, muỗi ở trong nhà chỉ cần mình ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Cho nên, vị nào chưa có ở sạch chịu khó ở sạch một xíu. Cho nên, chúng ta ngăn nắp, chúng ta dọn dẹp những đồ gì không cần dùng thì chúng ta bố thí. Điều đó có hai lợi. Một là sạch sẽ, không bị truyền nhiễm, không bị bệnh. Hai là chúng ta tập được hạnh bố thí. Mình không nên chứa nhiều đồ không cần dùng, mình cho những người mà người ta đang cần đến. Coi như là nhất cử lưỡng tiện, chúng ta được ở ngôi nhà sạch sẽ, thoáng đãng. Sâu rầy sinh sôi nảy nở, nếu không giết thì ảnh hưởng đến mùa vụ và năng suất thu hoạch, nguy hại đến sức khoẻ. Đây là một câu lý luận tương đối chặt chẽ. Nhưng quý vị suy nghĩ đi. Sâu rầy sinh sôi nảy nở thì chắc chắn là ảnh hưởng đến mùa vụ rồi. Chúng ta sẵn sàng xịt thuốc, lúa thóc hoa màu rau cải gì chúng ta cũng xịt hết, chúng ta xịt để diệt sâu rầy, phải không? Để làm gì? Để kiếm cho nhiều tiền. Tức là cũng vì cuộc sống mà quý vị phải tạo vô lượng ác nghiệp, trước mắt có nhiều việc để chúng ta phải tính tương lai của con mình, mình không thể con mình đi vào cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, mình không thể làm ngơ cầm chuỗi niệm Phật khi thấy chồng con mình đau ốm mà trong khi không có tiền cho nên phải lăn vào cuộc đời và tạo nghiệp sát. Quý vị xịt thuốc để giết sâu rầy nhưng có bao giờ quý vị suy nghĩ xịt thuốc cũng là giết con người mình chưa? Nếu là con người thì chúng ta đắn đo nhưng mà là con vật thì hạ thủ bất lưu tình. Mình phun thuốc vào trong đó, người ta ăn người ta bị bệnh người ta chết rồi di hại lại về sau. Quý vị nghĩ đi, chúng ta làm cho người khác phải đau bệnh hoặc phải chết, phải khổ sở mà mình thì gánh lấy cái nghiệp sát, còn chúng ta không giết là không tạo nghiệp sát, không gây mầm hoạ đến cuộc sống hạnh phúc của người khác. Như vậy, hai việc đó chúng ta chọn việc nào? Chúng ta phải chọn cái giải pháp thứ hai, đừng tạo thêm cái nghiệp sát sanh, đừng gây thêm mầm vạ đưa con người đến đau khổ bằng chính thuốc sâu của mình. Quý vị canh tác đúng thời vụ, đúng theo cách của mình làm thì sâu rầy nó cũng sẽ không bao giờ phát sanh nhiều đâu. Chúng tôi xuất thân từ nông dân mà, hồi nhỏ chúng tôi cũng đã từng theo những người lớn làm ruộng. Chúng tôi thấy hồi đó không có xịt thuốc nhiều, người ta không có phun thuốc lên lúa mà năng suất nó cũng được. Bây giờ mình đừng chạy theo cái bệnh thành tích, cuộc sống của mình đã khó khăn. Mà khó khăn là do cái gì? Do cái nghiệp mình đã tạo ra. Quý vị phải thấy cho ra được cái điều này. Nguyên nhân chúng ta đau khổ hiện tại là do nghiệp ác chúng ta đã tạo từ đời trước. Cái quan trọng là chúng ta phải thấy được cái nghiệp của chính mình tạo ra mà cái nghiệp của mình tạo ra thì không ai chịu thay hết. Trong kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ, ở niệm thứ hai đức Phật có dạy như thế này:
Mình làm thì mình chịu
 Tội tàn hại hữu tình
 Tạo ác khổ sở nhiều
Hết mới khỏi được
Thế gian tạo các nghiệp
Thiện, bất thiện theo luôn
Ví như hoa có hương
Xa gần đều có nhau.
Cái mùi hương phát xuất từ hoa, ở gần hay ở xa đều ảnh hưởng cái mùi hương đó. Bây giờ, chúng ta đã bị luân hồi sanh tử nhiều đời thì cái nghiệp của mình nó cũng đi theo. Quan trọng chúng ta thấy được cái nghiệp của mình, vì sao chúng ta sanh ra đau khổ và cái sự sống hiện tại mình làm cái nghề nào, mình tham gia hoạt động ở lĩnh vực nào trong xã hội. Mình thấy được cái cội gốc của những khúc mắc trong công việc thì chúng ta sẽ tỏ ra được. Chúng ta đừng dùng những cái phương pháp ngắn hạn, những cái phương pháp nhất thời, nó sẽ không có tác dụng lâu dài trong cuộc sống của mình. Mình không giết hại thì ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ nhưng còn giết hại thì ảnh hưởng đến thọ mạng của mình và những người khác trong hiện tại và tương lai lâu dài đồng thời chúng ta cũng phải mắc quả báo. Như vậy thì các vị thấy sát hại sanh vật và không sát hại sanh vật trong công việc làm ăn của mình, cái nào nó tốt hơn? Quý vị tự xét đi, coi cái nào nó tốt hơn? Mình phải nhìn xa và nhìn dài. Chúng ta không phun thuốc thì tuy có thiệt thòi nhưng thiệt thòi đó chúng ta sẽ khắc phục được khi chúng ta nhận ra được nguyên nhân của đau khổ trong lục đạo. Quý vị thấy nếu đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, trong phẩm Các Địa Ngục thì nói: “Chúng sanh chớ khinh điều ác nhỏ mà cho là không có tội, sau khi chết mắc quả báo, nhỏ bằng mảy lông cũng phải lãnh thọ. Chí thân như cha với con, mỗi người đều có đường lối riêng dẫu cho có gặp nhau cũng chẳng thể nào thay thế nhau được.” Nghiệp ai tạo, người đó thọ, chắc chắn như vậy. Ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc. Người nào tạo nghiệp, người đó phải nhận lấy cái hậu quả của mình một cách trọn vẹn. Hãy nghĩ đến cái nghiệp của mình đã tạo từ vô lượng kiếp trong quá khứ mà quý vị cố gắng nhìn lại cuộc sống hiện tại và tương lai. Đừng tạo thêm nghiệp nữa, không khéo rồi chúng ta sẽ sa hầm sụp hố. Thành thử, chúng ta phải cố gắng làm sao để có thể chuyển được cái nghiệp trong hiện tại của mình. Đó là điều chúng ta cần phải làm, và nhìn sâu xa về cái quá khứ của nó phải xác định cho rõ ràng như thế. Thành thử, cuộc sống đau khổ chúng ta phải chấp nhận giáp mặt với đau khổ, khi chúng ta thấm thía với tủi nhục thì từ nơi đó chúng ta phát hiện được chân tướng ẩn núp đằng sau hạnh phúc và khổ đau nó là như thế nào. Như thế, chúng ta can đảm vươn mình đứng dậy hiên ngang giống như con mãnh sư để có thể nhìn ngắm được cuộc đời mà không lẫn tránh, không sợ hãi, không dùng những biện pháp cứng rắn để đối phó lại với nó có nghĩa là chúng ta đang từng bước đi chính xác và vững chắc trên con đường giác ngộ mà đối diện với bộ mặt thật của cuộc đời đó là sự thật khổ đau mà đức Phật đã dạy ở trong kinh Tứ Thánh Đế. Cho nên, giải pháp của chúng ta là hãy trả đau khổ này lại cho cuộc đời tràn ngập đau khổ và hãy trả hạnh phúc giả tạm này lại cho cuộc đời giả tạm. Chúng ta là những đứa con của Đấng Điều Ngự, chúng ta là đệ tử của Đấng Giác Ngộ thì mục đích của chúng ta là gì? Là giác ngộ, là giải thoát, không bám víu vào một cái gì tốt đẹp hơn trong cuộc đời này được tạo dựng bằng những ác nghiệp. Hạnh phúc trần gian thực sự nó là một vực thẳm bi đát nhất và ở nơi đó chúng ta sẽ không lường trước được những nỗi khổ đau vì nó chỉ là những ảo ảnh trước mắt cho những kẻ lữ hành đi trên sa mạc. Cho nên, chúng ta đứng bám víu vào những cái hạnh phúc, những cái niềm vui nho nhỏ của cuộc sống. Nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta đó là giải thoát, đó là giác ngộ. Cho nên, khi thấy được cái điều đó thì quý vị sẽ có thể thản nhiên đi vào cuộc đời và có thể lặng nhìn lắng nghe được nỗi đau khổ đang gặm nhấm trong cuộc sống của mình, trong tâm hồn của mình. Có như vậy thì quý vị mới có thể bình an trước cái sống và cái chết, có thể vững vàng trước thành công hay là thất bại mà cuộc đời nó đem đến cho chúng ta chỉ vì nghiệp chướng mà thôi. Quý vị nên nhớ nhất định sự giải thoát khổ đau mới là hạnh phúc của những người học theo đạo Phật, thực hành theo đức Phật và sẽ thành tựu giống như đức Phật của chúng ta. Chúng tôi hy vọng rằng quý vị sẽ tìm được hạnh phúc trong đời sống thường ngày của mình bằng cách nhiếp phục được những đau khổ và hãy giải thoát ra mọi khổ đau bằng cách chúng ta có thể thong dong tự tại khi nhận ra sự vô minh tạo nghiệp của mình trong quá khứ. Có như thế chúng ta sẽ gây được một cái hạt giống tốt đẹp trong hiện tại và tương lai. Chúc quý vị thành công.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn