Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 17
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư: Thích Tâm Dũng
(Ngày 26/04/2009)
Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Tâm Dũng:
Câu hỏi 1: Con có một người con rất ngỗ nghịch và bất hiếu, suốt ngày chơi bời lêu lỏng, không biết làm ăn. Những khi con khuyên răn nó, nó không nghe, ngược lại còn mắng chửi con thậm tệ, thậm chí đôi khi nó còn bảo không muốn nhìn thấy mặt mẹ nó trong cái nhà- nơi mà con đã từng nuôi dưỡng nó lúc tấm bé lẫn lúc trưởng thành. Con rất đau khổ, đôi khi muốn chết đi để khỏi phải chịu thêm đau khổ và xấu hổ, nhục nhã với bà con lối xóm. Bao tháng ngày qua, con mất ăn, mất ngủ vì đứa con trai này. Vì thế con viết thư này, kính mong quý thầy cho con một lời khuyên để con có thể tìm được niềm tin và tiếp tục sống?
Đáp: Trước tiên, chúng tôi xin chia sẻ nỗi khổ tâm của Phật tử đặt ra câu hỏi trong tình trạng gia đình, con cái của mình. Thật ra, tình trạng những người con bất hiếu không chỉ xảy ra trong thời hiện đại của chúng ta ngày nay mà đã từng xảy ra ở thời đức Phật còn tại thế. Trong kinh Tương Ưng Bộ có ghi lại một câu chuyện. Ngày nọ, khi đức Phật ở thành Ca Tỳ La Vệ, lúc đó có một Bà La Môn thân hình tiều tuỵ, quần áo rách tả tơi đến gặp đức Phật. Đức Phật mới hỏi rằng: “Này ông Bà La Môn! Tại sao cái dáng vẻ của ông tiều tuỵ và quần áo của ông rách rưới, tả tơi như thế?” Ông ta trả lời rằng: “Bạch đức Phật! Con có bốn người con trai, nó âm mưu với vợ của nó trục xuất con ra khỏi nhà cho nên thân thể của con nó như thế này.” Để giúp ông Bà La Môn này được trở về với gia đình và để giáo hoá người con bất hiếu với cha mẹ kia hồi tâm tỉnh ý thì đức Phật dạy cho ông Bà La Môn này một bài kệ. Bài kệ này ví những người con bất hiếu như một cây gậy vô tri, vô giác nhưng mà cây gậy vô tri, vô giác còn đỡ hơn những người con bất hiếu với những đấng sinh thành dưỡng dục của mình. Bởi vì sao? Vì cây gậy này nó còn có lợi ở chỗ là: hướng dẫn người già, dò đường đi cho người mù, dò những chỗ có nước hoặc là đuổi chó, đuổi trâu, đuổi bò. Như vậy, cây gậy còn có lợi hơn là những người con bất hiếu. Sau khi đức Phật dạy xong, ông Bà La Môn này mới trở về nhà và trong hội chúng Bà La Môn, ông ta mới đọc lên lời dạy của đức Phật để cảnh tỉnh những người con bất hiếu của mình. Nói đến đây chắc quý vị cũng sẽ biết rằng ở Việt Nam của chúng ta, trong thời gian gần đây, báo chí cũng như các thông tin đại chúng có đưa một tin về tình trạng bạo lực trong gia đình. Đó là một bà mẹ 85 tuổi đã bị đứa con trai mà bà đã từng cưu mang chín tháng mười ngày và giáo dục đối xử tệ bạc. Mỗi khi bà mẹ già ăn cơm, người con trai này cầm cây chổi canh người mẹ ăn, nếu mà đổ ra thì lấy chổi đánh. Đáng lẽ ra, những người con phải thường xuyên chăm sóc, phụng dưỡng những đấng sinh thành dưỡng dục của mình như bao nhiêu người khác. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh giáo dục gia đình, chúng tôi xin đề nghị Phật tử vừa nêu ra câu hỏi, chúng ta nên nhìn lại và suy nghĩ kỹ xem có phải là đứa con bất hiếu này nó hư hỏng là do mình và gia đình hay không? Trước thực trạng trẻ vị thành niên phạm pháp, nó thường đi ăn trộm, cướp của, giết người đang là một tình trạng báo động rất cao. Viện Tâm Lý Học vừa có một công trình nghiên cứu về tội phạm của những trẻ vị thành niên. Phân tích của công trình này cho thấy nguyên nhân trẻ thành niên phạm pháp là một phần do ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình có tỷ lệ không nhỏ. Điều thứ nhất, cha mẹ làm sai, con làm theo. Người xưa thường cho rằng muốn con mình trở thành một vị thương nhân thường cho con sống ở gần chợ; muốn con mình trở thành một người hay chữ tức là hiểu biết về kiến thức thì cho con sống ở gần trường; còn gần trộm, gần cướp thì trước sau gì con mình cũng vào tù ra khám. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Câu tục ngữ mang tính giáo dục này vẫn còn hoàn toàn đúng với hiện tại. Theo số liệu thống kê của Tội Phạm Học thì trẻ em phạm pháp có nguồn gốc từ gia đình làm nghề buôn bán bất chính chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 30-40%, 30% trẻ em phạm tội có bố hoặc mẹ hay là cả hai đều nghiện ma tuý. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con mình đi ra ngoài đường, bảo nó làm những việc trái lương tâm, phi pháp và làm những việc trái pháp luật, rồi từ đó sanh ra trộm cắp, cướp giật. Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm soát Nhân dân TP Hà Nội thì số lượng trẻ vị thành niên đồng phạm cùng với bố mẹ là 5%. Sống trong gia đình mà bố mẹ, người lớn có những hành vi không tốt, thiếu văn hoá, sống theo lối sống vô đạo đức và thậm chí có những hành vi phạm tội như bố mẹ bất hoà, đánh chửi nhau rồi trộm cướp, hút chích, nghiện rượu, nghiện ma tuý, buôn lậu, tham nhũng thì các em cũng dần dần coi thường pháp luật và nhiễm theo cái thói hư tật xấu của cha, của mẹ, của gia đình để rồi dễ bị những kẻ xấu bên ngoài lợi dụng và đưa đến những con đường phạm pháp ngoài xã hội. Chỉ có những trẻ em ý chí kiên cường, quyết lòng nhìn ra được cái nào đúng, cái nào sai để vượt ra được những cái xấu đó trong gia đình, nhưng trường hợp này rất là hiếm. Con hư là do thiếu tình cảm của cha mẹ. Trên thực tế, cũng có nhiều cha mẹ rất là tốt và kiến thức rất là giỏi nhưng không chú ý đến mức giáo dục con cái của mình. Bởi vì không có điều kiện giáo dục. Suốt ngày buôn ba đi làm và phó mặc những đứa con cho nhà trường. Có những gia đình cha mẹ ly hôn, rồi có những đứa con ngoài giá thú hoặc là một trong hai người chết hay ly dị, phải xa cách dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của gia đình. Những đứa trẻ không được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo sẽ có một tâm lý lệch lạc, tự do, ngang bướng thậm chí là bất cần, chúng dễ dàng phạm tội khi bị kẻ xấu ở ngoài rủ rê và lôi kéo. Theo số liệu thống kê của Viện kiểm soát nhân dân tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm, chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công An chỉ ra nguyên nhân tội phạm của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn là bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của cha mẹ, gần 50% trẻ phạm tội vì thiếu sự thương yêu và sự đối xử hà khắc của bố mẹ. Có những gia đình bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không kìm chế được nên đã coi việc hành hạ, đánh đập hoặc dùng các nhục hình với con cái mình như là quyền của họ. Khi trẻ em có lỗi, cha mẹ đánh; cha mẹ buồn bực, lo lắng cũng trút đòn roi lên mấy đứa con của mình. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ rằng bố mẹ mình không còn thương mình nữa, không còn yêu mình nữa và không còn che chở, chăm sóc cho mình nữa. Chính cách xử sự xủa bố mẹ đã khiến những trẻ em này khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hoà nhập. Nhiều trẻ em trở nên hung hãn, lì lợm, ngỗ nghịch, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình. Chính trong những hoàn cảnh này, trẻ dễ bị các kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi trái pháp luật trong đó có tội trộm cắp và cướp giật. Theo số liệu điều tra, trong 2209 học viên ở trường giáo dưỡng có tới 49,81% số này trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, ác độc của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23%, gấp 6 lần bị mẹ đánh. Số em bị dì ghẻ hoặc bố dượng đánh chiếm 20,3%. Như vậy, môi trường gia đình lành mạnh sẽ là yếu tố quyết định tạo cho con cái những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nhân cách của một con người sống trong xã hội này. Bố mẹ nuông chiều khiến con hư. Con hư là bởi cách dạy. Sự quá nuông chiều, thoả mãn mọi nhu cầu của con cái sẽ tạo nên thói quen “đòi gì được nấy”. Bên cạnh sự nuông chiều, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến con cái của mình trở nên ích kỷ, nhỏ mọn, có một tính dựa dẫm, sống lười nhác, không ý thức về trách nhiệm và luôn đòi hỏi được phục vụ, hưởng thụ mà thôi. Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thoả mãn những yêu sách hoặc các sự mong muốn của những đứa bé này thì nó trở nên bất mãn thậm chí là thù ghét bố mẹ. Để gây áp lực cho gia đình, thường những đứa bé này nó hay bỏ nhà đi bụi và tụ tập những chúng bạn xấu và thậm chí nó trở về gia đình trộm cắp của cải, tài sản của gia đình để thoả mãn những nhu cầu hkông chính đáng như là đánh bài, chích thuốc xì-ke, đua đòi mua xe, quần áo.v.v. Theo câu hỏi trên, chúng tôi xin có lời khuyên với cô Phật tử trong câu hỏi rằng:
Cô nói là muốn tự vẫn để giải quyết nỗi đau mà mình đang gánh chịu. Như vậy là không nên. Bởi theo Phật giáo, bất kỳ khổ đau nào cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Việc tự tử để trốn tránh niềm đau không đưa đến kết quả gì mà thậm chí còn bị đoạ vào những cảnh giới đau khổ hơn. Bởi theo Tổ Đạt Ma có dạy: “Người tu hành khi gặp cảnh khổ phải nên suy tư rằng những nỗi khổ và niềm đau đó là kết quả mà chúng ta đã làm từ vô tỷ kiếp vì vô minh, cho nên ngày nay quả báo này đầy đủ nhân duyên, chúng ta phải gánh chịu thôi.” Vả lại trong kinh Tăng Chi, đức Phật có dạy: “Để giải quyết nỗi khổ niềm đau mà chúng ta đang gánh chịu phải nên quán chiếu rằng chúng ta là kẻ thừa tự và chịu trách nhiệm về tất cả hành động mà chúng ta đã tạo từ vô lượng kiếp đến nay.” Như vậy, trên chư Tổ, chư Phật cũng dạy như vậy. Khi gặp nỗi niềm đau thay vì như người đời thường oán trời trách đất hay cho rằng có một ông Thượng Đế nào đó có thể ban phước và giáng hoạ cho chúng ta thì Phật tử chúng ta phải quán chiếu tất cả nỗi khổ đau là do mình tạo cho người khác nên ngày nay đầy đủ nhân duyên chúng ta phải gánh chịu hậu quả mà mình đã tạo từ các kiếp trước. Cho nên, cổ nhân cũng có dạy rằng:
Trách người một, trách mình mười
Vì mình tệ trước nên người bạc sau.
Tóm lại, theo chúng tôi để chuyển hoá người con bất hiếu của mình, Phật tử nên nhìn lại tình trạng giáo dục trong gia đình cũng như hãy chấp nhận những gì đang đối diện, hãy xem đó là kết quả mà mình đã từng tạo cho người khác, ngày nay mình trả lại cho người ta. Ngoài ra ở trong Mười Điều Tâm Niệm, đức Phật có dạy chúng ta rằng: “Ở đời đừng cầu không khó khăn, hoạn nạn. Vì không khó khăn, hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.” Và đức Phật cũng dạy rằng: “Lấy khó khăn, hoạn nạn làm giải thoát.” Xem đây là một cơ hội để chúng ta thăng tiến trên bước đường tu tập tâm linh. Bên cạnh đó, Phật tử này cũng như tất cả quý vị Phật tử, chúng ta phải thường xuyên lạy Phật sám hối, niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng. Bởi vì, đức Phật dạy: “Tu là chuyển nghiệp.” Nếu như chúng ta thực hành theo giáo lý của đức Phật, biết lạy Phật, biết niệm Phật, biết tụng kinh, biết trì chú thì chúng ta sẽ được chuyển nghiệp và nghiệp chướng của chúng ta sẽ dần dần tiêu trừ. Nếu làm được như vậy, đến một ngày nào đó chắc chắn đứa con bất hiếu của mình nó sẽ chuyển tâm và nó sẽ rất hiền lành, dễ thương sống trên cuộc đời.
Câu hỏi 2: Trong 5 giới, giới thứ 5 đức Phật dạy người cư sĩ tại gia không được uống rượu. Con có một người đồng tu lại thích uống bia, anh ta biện hộ rằng Phật cấm uống rượu chứ đâu cấm uống bia. Như vậy quan điểm nhận thức của bạn con đúng hay sai? Con nghe kinh sách Phật dạy người uống rượu có 36 lỗi, vậy những lỗi ấy cụ thể như thế nào?
Đáp: Trước tiên, chúng tôi xin cảm ơn câu hỏi vừa qua. Bởi đây không phải câu hỏi của riêng một Phật tử này mà là một vấn nạn chung của những người Phật tử tại gia sau khi thọ trì 5 giới, mà trong năm giới này giới thứ năm là giới cấm uống rượu. Như chúng ta biết, tất cả giới luật mà đức Phật chế ra không phải Ngài tuỳ nghi đặt bày ra những cái giới cấm, mà giới luật được đặt ra theo một tinh thần tuỳ phạm tuỳ chế. Tức là trong giáo đoàn của đức Phật khi Ngài còn tại thế, nếu ai phạm điều gì mà ảnh hưởng đến Tăng đoàn hay làm cho thế gian phỉ báng thì Ngài tùy theo cái lỗi đó mà đưa ra điều ngăn cấm. Năm giới của người Phật tử cũng không nằm ngoài quy luật này. Sở dĩ Phật khuyên răn và cấm người tại gia không uống rượu là có cái nguyên nhân rất là sâu xa. Trước hết, chúng tôi xin đề cập về vấn đề khoa học ngày nay nghiên cứu về tác hại của người sử dụng rượu bia. Có một câu chuyện vui này chúng tôi xin kể cho quý vị thưởng thức.
Ở trong trại cai rượu, bác sĩ hỏi các con nghiện như thế này:
– Các anh hãy cho tôi biết tác hại của sự uống rượu bia xem sao?
Anh thứ nhất trả lời:
– Hôm đó, em say quá đi nhầm vào nhà hàng xóm bị chúng đánh tơi bời.
Anh thứ hai trả lời:
– Dạ! Hôm đó, em quá xỉn không làm chủ được tốc độ, tay lái cho nên đâm vào cột điện bị toét đầu.
Còn anh thứ ba trả lời rằng:
– Dạ! Em là mới tai hại nè. Lúc mà cưới nhau, em đã say xỉn quá chén cho nên khi em tỉnh dậy, cô vợ mới cưới đó chính là người vợ mà em mới vừa ly dị.
Chúng ta nhận thấy rằng từ nông thôn đến thành thị, việc uống bia rượu trở thành cái hoạt động cuối ngày của mọi người, đặc biệt là nam giới. Hoạt động này trở thành hiển nhiên đối với rất nhiều người thậm chí còn đối với cả những người không trực tiếp uống mà cũng phải chịu sự ảnh hưởng của bia rượu đó là những bà mẹ và những bà vợ. Vấn đề sử dụng bia rượu đã có từ lâu đời nhưng ngày nay nó càng trở thành vấn đề nghiêm trọng cho con người và xã hội. Ngày xưa, một người uống say rượu cầm dao giết chết vài người. Còn ngày nay, một người say rượu anh ta cầm súng bắn vào số đông thì chết rất là nhiều người. Ngày nay, anh ta lái xe anh ta đâm liên hoàn chết rất là nhiều người đi đường, đó là những tai nạn khủng khiếp do rượu bia gây nên. Dù cho con người có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế việc lạm dụng các chất nguy hại ấy nhưng thực tế càng ngày càng tăng. Con người tham gia uống bia rượu rất nhiều. Theo thống kê mới đây của Tổ chức Y Tế Thế Giới có khoảng 62 triệu người nghiện rượu trên toàn thế giới. Và nạn nghiện bia rượu ở những nước châu Á và những nước có nền kinh tế kém phát triển là đáng lo ngại nhất. Ở một số nước châu Á như: Nhật Bản, Việt Nam cái việc uống bia rượu trở thành một nhu cầu đòi hỏi trong việc làm ăn. Quán bia rượu trở thành những văn phòng mở rộng. Nhiều cái giao kèo, hợp đồng quan trọng được ký kết tại những nơi sặc mùi men này. Thậm chí, người ta còn trích ra một khoảng tiền đó là tiền nhậu. Cái khó chính là ở quan niệm người sử dụng. Với quan niệm rượu là chất kết giao của những người làm việc hoặc là bạn bè, người ta thường nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong.” Cho nên, họ hiển nhiên ban cho mình cái quyền là được uống và uống với một số lượng là bí tỉ, quên mình. Tệ hơn nữa nhiều người còn vỗ ngực, có quan niệm là tửu lượng của mình nhiều cho nên mình là một “anh hùng”, một con sâu rượu tuyệt vời nhất của xã hội. Xuất phát từ quan niệm ấy, cho nên một khi đã uống thì uống cạn, uống hết bình, uống cho đến khi mà ngã gục mới thôi. Một nét nổi bật đáng ngại của người uống bia rượu là cảnh báo về sức khoẻ. Tình trạng này phổ biến đến nỗi rất là nhiều người chăm sóc sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng đến bia rượu. Ngày nay rõ ràng ai ai cũng biết việc uống bia rượu là tác hại ảnh hưởng xấu đến tim mạch, dạ dày, gan, nó sinh ra những bệnh nghiêm trọng và có những lúc tử vong. Quý vị biết là xơ mỡ động mạch, đau thắt lưng ngực, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, loét dạ dày, xơ gan cổ chướng đó là do bia rượu gây ra. Theo một thống kê nói rằng bia rượu đã giết chết khoảng 75 ngàn người Mỹ mỗi năm và rút ngắn tuổi thọ trung bình của họ còn 30 năm, trong số đó khoảng một nửa chết vì các bệnh liên quan đến rượu. Cha mẹ uống rượu dẫn đến nguy hại cho con cái về mặt cá thể lẫn tinh thần. Con cái của những người nghiện rượu có nguy cơ: nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghiện cờ bạc cao gấp 4 lần so với những đứa trẻ có cha mẹ không uống rượu bia. Theo thống kê của Học viện Bác Sĩ Gia Đình Mỹ, ở Mỹ mỗi năm có khoảng 1200 trẻ em mắc phải hội chứng nhiễm cồn ở bào thai, một hậu quả đáng lý không phải hứng chịu ở những trẻ em vô tội này. Chỉ số IQ tức chỉ số thông minh của những trẻ em này rất giảm so với những trẻ em có cha mẹ bình thường không uống rượu. Các nhà nghiên cứu của Đại học Stockholm đã tìm thấy rằng: Khi uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn cho con người. Ước lượng khoảng 100000 tế bào não chết khi chúng ta uống một ly bia. Và khi một người say rượu thì 10 triệu tế bào não đã chết. Một con số thật là khủng khiếp. Uống bia rượu là một thói xấu không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình và cũng chính là nguyên nhân xung đột giữa gia đình, trong xã hội. Bia rượu chính là chất xúc tác khiến cho tiến trình xung đột đi đến một cái đoạn cuối cùng là sự bạo hành. Những xích mích nhỏ bia rượu gây nên sẽ trở thành mấu chốt của sự tranh chấp đánh nhau. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy khoảng 55% vụ bạo hành gia đình xảy ra trong những gia đình có cha mẹ uống bia rượu và bia rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến 90% trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục. Quý vị thấy một con số rất là cao do sự tai hại của rượu bia để lại. Khi chúng ta uống khá nhiều rượu, lượng cồn khoảng 1,8-3% trong máu thì có triệu chứng say: lúc đi đứng thì chân thấp chân cao, miệng thì nói năng lảm nhảm, mắt nhìn lờ đờ không phân biệt trắng đen, mất khả năng kiểm soát hành vi của mình. Chính lúc này sẽ thường xảy ra các việc sai quấy như đánh nhau, cưỡng hiếp. Theo thống kê ghi nhận rằng khi say bia rượu ở mức này sác xuất gây tai nạn chết người tăng gấp 7 lần so với bình thường, sác xuất té chết tăng 16 lần, sác xuất chết vì tai nạn giao thông tăng 4-5 lần. Một vấn nạn trở thành chủ đề nhức nhối ở nước ta hiện nay về vấn đề an toàn giao thông. Liệu những người uống bia rượu này họ tham gia giao thông thì hậu quả sẽ như thế nào? Theo bảng thông kê của Tổ chức Y Tế Thế Giới nói rằng trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,8 triệu người chết do tai nạn vì uống rượu. Những người uống rượu bia này có rất nhiều trường hợp chết, trong tổng số những cái chết liên quan đến rượu bia thì 32% do những tai nạn khách quan như tai nạn giao thông hoặc là té lầu, té sông…, 13,7% do tai nạn chủ quan như đánh nhau gây ra sự chết chóc. Thế thì theo quan niệm Phật giáo về vấn đề sự dụng bia rượu như thế nào? Trước tiên, chúng ta có thể trích dẫn lời đức Phật dạy giới luật rằng: “Thà uống nước đồng sôi chứ không được phạm tới rượu, thậm chí không được ngửi hơi rượu, không được dừng lại ở quán rượu cũng không được cho người khác uống rượu.” Vì sao thế? Thứ nhất, về phương diện trí tuệ, đức Phật dạy: “Rượu còn độc hơn cả những thứ độc dược của thế gian, độc dược của thế gian làm mất mạng một đời còn rượu làm mất trí tuệ nhiều kiếp.” Đạo Phật tôn trọng trí tuệ của con người bởi vì đức Phật thường dạy rằng: “Duy tuệ thị nghiệp” tức là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Những gì nguy hại đến trí tuệ của con người đều bị Ngài cấm chế. Người mà thần thức hôn ám, ngu muội, tâm trí tán loạn thì làm sao thực hiện được sự nghiệp trí giác này. Thứ hai về phương diện nhân cách, trong kinh dạy rằng: “Người phạm giới rượu thì tất cả các giới khác đều có khả năng phạm, không còn khả năng phòng hộ.” Tu Phật là chuyển phàm cách thành Thánh cách. Rượu bia vào thì căn môn buông lung, nhân cách sa sút, những phiền não tâm trí nổi dậy,tham sân si mặc tình buông lung, phóng túng. Đó không phải là hình ảnh của người cư sĩ cũng như những người tu theo đạo Phật. Nói đến cái tác hại của rượu thì trong Luật Tứ Phần quyển thứ 16 đưa ra 10 tác hại như sau:
1. Nhan sắc xấu xí
2. Thể lực yếu kém
3. Mắt nhìn không rõ
4. Dễ nổi sân nhuế
5. Huỷ hoại sự nghiệp
6. Có nhiều bệnh tật
7. Gây chuyện đấu tranh
8. Tiếng ác lưu truyền
9. Trí tuệ giảm sút
10. Chết đoạ vào ba đường ác
Nhưng trong giới thứ 5, uống rượu là uống tất cả các thứ rượu có chất men làm say người. Vào thời đức Phật, bia chưa có cho nên định nghĩa trên cho chúng ta thấy rằng trong bia cũng có men, nếu người ta uống cũng là phạm giới. Do đó, anh bạn đồng tu của Phật tử này không nên lạm dụng cái danh từ “bia” và “rượu” để hiểu sai như vậy, cố tình uống là phạm giới. Bởi vì ai cũng biết bia và rượu là một.
Phật tử có hỏi rằng trong kinh đề cập 36 lỗi của người uống rượu là 36 lỗi gì. Trong kinh Thiện Ác Sở Khởi nói rằng người uống rượu say phạm vào 36 lỗi:
1. Của cải tan mất
2. Hiện nhiều tật bệnh
3. Hay sinh đấu tranh
4. Tăng thêm sự sát hại
5. Tăng thêm sự giận bực
6. Nhiều sự không được vừa ý
7. Trí tuệ kém dần
8. Phúc đức không thêm được
9. Phúc đức dần bớt đi
10. Hay tiết lộ sự bí mật
11. Sự nghiệp không thành
12. Tăng thêm lo buồn
13. Mọi giác quan tối tăm
14. Huỷ nhục cả cha mẹ
15. Không kính bậc Sa-môn
16. Không tin đạo Bà La Môn
17. Không kính Phật
18. Không kính Phật, Pháp, Tăng
19. Hay thân với bạn ác
20. Hay xa bạn lành
21. Bỏ cả ăn uống
22. Thân hình không kín đáo
23. Dâm dục kích thích nhiều
24. Nhiều người không ưa
25. Nói cười lảm nhảm
26. Cha mẹ không vui
27. Họ hàng ghét bỏ
28. Cố giữ những pháp phi pháp
29. Lãng xa chánh pháp
30. Không kính bậc hiền thiện
31. Vi phạm lỗi lầm
32. Lãng xa đạo Niết Bàn
33. Càng thêm điên cuồng
34. Thân tâm tán loạn
35. Buông lung làm ác
36. Thân tan mệnh mất sa đoạ vào đại địa ngục chịu khổ vô cùng.
Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 17 này, qua hai câu hỏi vừa rồi chúng ta đã được nghe Đại đức Giảng sư trình bày.
Câu hỏi thứ nhất nội dung nói về người con ngỗ nghịch bất hiếu. Qua lời giải đáp, chúng tôi thấy Đại đức Giảng sư đã nêu ra hai lý do rất chính đáng. Lý do thứ nhất có thể do việc giáo dục của hiện tại ảnh hưởng đến con mình. Lý do thứ hai thuộc về quá khứ nghĩa là giữa mình với người con có mối oan gia với nhau, có thể quá khứ mình gây đau khổ cho họ bây giờ họ gây đau khổ lại cho mình. Qua hai nguyên nhân này chúng tôi thấy rất là chính xác bởi vì khi chúng ta thấy quả chắc chắn mình phải biết có nhân, có nhân thì mới có quả, không thể nào tự nhiên có quả mà không có nhân. Con mình như thế nào cũng là một phần do chính mình có thể là hiện tại và cũng có thể là quá khứ. Nếu chúng ta gặp những trường hợp như thế, thay vì mình đau khổ muốn tìm cách giải quyết bằng tự tử thì chúng ta nên trách mình trước và phải tìm mọi cách tu tập để mà chuyển hoá. Vấn đề được đặt ra là chúng ta phải biết chăm chút vào cái nhân, phần lớn chúng ta thường nghĩ đến cái quả mà ít khi nghĩ đến cái nhân. Chúng ta muốn con mình tốt, con mình ngoan, muốn con mình giỏi, muốn con mình thông minh, muốn con mình có hiếu nhưng chúng ta lại không biết cái nguyên nhân để tạo ra những đứa con tốt đẹp như thế. Ngay từ đầu khi mang thai con mình phải biết giáo dục, chăm sóc ngay từ khi mầm sống bắt đầu. Trong kinh Phổ Môn, đức Phật có dạy chúng ta muốn được những đứa con trai ngoan, con gái ngoan sau này thì người mẹ phải thường xuyên niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát, luôn luôn lúc nào cũng nghĩ đến đức Phật, nghĩ đến những điều lành, điều tốt. Đó là chúng ta đang dạy đứa con mình, đang giáo dục đứa con mình những điều tốt. Chúng ta hình như quên cái điều này. Trong lúc mang thai, đôi lúc chúng ta lại nghĩ sai quấy, nghĩ những cái điều đau khổ, buồn bực, lừa đảo…, đó là chúng ta đang dạy nó những điều đó mà mình không biết, cho nên khi ra đời nó trở thành những đứa hư hỏng ngỗ nghịch, một phần là do chúng ta. Người xưa nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là vậy. Ai cũng muốn con mình là những đứa con tốt đẹp nhưng để có được những đứa con như thế thì chúng ta phải làm gì? Đây là điều mà quý vị phải lưu ý, nhất là giới trẻ sau này phải đặc biệt lưu ý. Chúng ta không chăm chút vào cái nhân thì đứng hòng sau này chúng ta có được những cái quả tốt. Nhân và quả rất rõ ràng. Vậy thì chúng tôi mong rằng qua câu hỏi này, những vị đã có những người con như thế thì chúng ta phải hiểu với hai cái nguyên nhân mà Đại đức Giảng sư đã nêu, nguyên nhân nào cũng là do chúng ta chứ không phải ai khác. Như vậy, mình phải thấy được nhân quả để cố gắng tu tập chuyển hoá cái nghiệp, chúng ta cứ hết lòng đối xứ với người con mình thật tốt. Dù nó có đối xử với mình ngỗ nghịch, bất hiếu cỡ nào thì mình vẫn cho đó là lỗi của mình, đó là oan gia của mình, mình chấp nhận, mình vui vẻ để đáp lại những cái điều tốt đẹp. Từ đó, mình cố gắng tu tập dần dần có thể nghiệp chướng tiêu trừ, mình chuyển hoá được cái nghiệp của mình đồng thời chuyển hoá luôn được cái nghiệp của người con của mình. Điều chúng tôi mong rằng qua câu hỏi này những người trẻ sắp sửa làm mẹ phải quan tâm đến vấn đề thai giáo nếu chúng ta muốn có những đứa con tốt sau này. Nhân chúng ta chăm sóc tốt chắc chắn rằng sau này sẽ có quả tốt. Đừng có hy vọng con mình sau này tốt trong lúc cái nhân mình không chăm sóc và cũng đừng để khi mà chúng ta sanh nó ra rồi, chúng ta mới dạy nó thì cũng đã chậm mất một phần. Chúng tôi thấy nhiều gia đình phải nói rằng họ có phước, họ có những cái nhân quả trong quá khứ như thế nào đó, sinh ra năm mười người con đứa nào cũng ngoan, đứa nào cũng dễ thương, đứa nào cũng có hiếu. Còn có những gia đình chỉ có một đứa con mà hư hỏng nói không được, dạy không nghe. Chúng ta phải thấy được điều này, nếu như không thấy được điều này chúng ta cứ đổ lỗi cho người này, đổ lỗi cho người kia mà rốt cuộc chính là do chúng ta chứ không phải ai hết. Nếu chúng ta có tu, có phước thì tự nhiên cón chúng ta là những đứa con ngoan, con tốt.
Câu hỏi thứ hai nói về uống rượu và bia. Thực ra, bia và rượu nó không khác, hai cái uống đều say. Bia thuộc về cái dạng rượu nhẹ, nó cũng là rượu vậy. Rượu cũng như bia khi uống vào đều say. Khi đã say tất nhiên là không làm chủ lý trí, không làm chủ lời nói, không làm chủ hành động dẫn đến gây đau khổ cho bản thân, gia đình, xã hội. Trong kinh nói có 36 lỗi mà người uống rượu bia phạm phải thì Đại đức Tâm Dũng cũng đã trình bày rất là cụ thể rồi.
Nhận xét
Đăng nhận xét