Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 26


ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 26

Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Từ
Giảng sư: Thích Đạo Duyệt
(Ngày mồng 02/10 Canh Dần)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Đạo Duyệt:
Câu 1: Kính bạch Thầy, con có cha mẹ già, nhưng ông bà không tin Phật pháp và cũng không biết tu hành. Nay con muốn khuyên cho cha mẹ con biết Phật pháp để sau này khỏi phải đau khổ. Nhưng con không biết phải khuyên và làm như thế nào cho cha mẹ con tin và nghe theo. Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ cách thức cho con. Kính cám ơn Thầy!
Đáp: Phật tử chúng ta trước khi khuyên cha mẹ tìm hiểu và thực hành Phật pháp thì điều đầu tiên mình phải làm người con hiếu thảo đối với cha mẹ bằng cách là chúng ta phải phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Cha mẹ thiếu thốn về vật chất thì chúng ta chu cấp đầy đủ theo tất cả khả năng của mình. Cha mẹ ốm đau thì mình phải lo thuốc men, săn sóc. Cha mẹ muốn gì thì mình phải đáp ứng theo khả năng của mình. Những ngày lễ Tết hay là những ngày sinh nhật của cha mẹ thì mình nên có chút quà để kính mừng tuổi của cha mẹ. Chúng ta thường gần gũi khuyên cha mẹ hướng về Phật pháp. Nếu chúng ta khéo làm được những điều này thì cha mẹ sẽ thấy là mình nhờ có Phật pháp mà hiếu thảo với cha mẹ, hoà thuận với anh em, vui vẻ, hoà nhã với mọi người. Cha mẹ thấy mình nhờ Phật pháp mà bỏ được những thói hư tật xấu, trở thành người tốt trong gia đình và xã hội thì cha mẹ rất vui mừng và thương mến chúng ta, dễ đến sinh tâm kính tín Phật pháp. Đó là điều tối quan trọng mà quý Phật tử chúng ta không thể bỏ qua được. Còn nếu chúng ta không làm những điều này mà làm những điều ngược lại thì chẳng những không khuyên được cha mẹ chúng ta đến với Phật pháp mà còn khiến họ sinh ra oán hận Phật pháp bởi vì thấy mình đi chùa, tu tập, biết Phật pháp nhưng ngày càng sinh tệ hơn. Đây cũng là một điều rất hệ trọng, quý Phật tử nên chú ý!
Điều thứ hai nữa là Phật tử chúng ta phải gần gũi, quán sát xem vì sao cha mẹ mình không tin Phật pháp. Có người không tin Phật pháp khi nghĩ rằng sau khi chết là hết, mình không còn bao nhiêu ngày nữa lo hưởng thụ rồi chết, chết cũng hết thôi tu tập làm gì. Gặp những trường hợp này thì quý Phật tử chúng ta phải cố gắng làm sao thỉnh cho được những băng đĩa nói về việc sinh tử, luân hồi và chúng ta phải dẫn chứng cho được là sau khi chết không phải hết. Vậy quý vị phải làm thế nào để cho cha mẹ mình tin rằng chết là vẫn còn, Phật pháp là vi diệu? Trường hợp đến với Phật pháp có rất nhiều nguyên nhân. Có người từ âm thanh mà vào đạo, có người từ sắc tướng mà vào đạo, có người từ nơi vô thường mà vào đạo, có người do khổ đau mà vào đạo; cũng có người có sự thuận lợi, có sự an lạc nghĩ rằng mình chắc do Phật pháp, do Trời phù hộ mà mình có được ngày hôm nay nên người ta tin Phật pháp.v.v. rất là nhiều trường hợp để vào đạo. Trong số quý Phật tử đây, Đạo Duyệt nghĩ rằng có rất là nhiều người tin Phật pháp do từ rất nhiều nhân duyên. Nhân duyên vào đạo của mỗi người có khác nhau bởi vì cái chủng nghiệp gieo của mỗi người trong quá khứ có sai khác nên đưa ra một cách thức thì rất khó. Đạo Duyệt cũng xin giới thiệu quý vị một cuốn sách có tựa đề là: “Khuyên Người Niệm Phật” của Cư sĩ Diệu Âm. Cuốn sách này chép lại những cái lá thư mà Cư sĩ Diệu Âm viết cho cha mẹ, khuyên cha mẹ niệm Phật và đã thành công như ý. Cuốn sách này hiện được phổ biến khắp nơi, quý Phật tử chúng ta coi đây để học hỏi những cách, xem Cư sĩ Diệu Âm đã viết cho cha mẹ như thế nào, nhưng không phải mình lấy nguyên cái đó ra để nói với cha mẹ mà mình phải tuỳ theo trường hợp, xem cha mẹ mình trong hoàn cảnh nào, trình độ như thế nào mà mình rút ra để khuyên cha mẹ mình tin Phật pháp, tu tập. Còn một trường hợp nó như thế này, đức Phật dạy: “Phật hoá hữu duyên nhân” tức Phật chỉ độ cho những người có duyên. Chúng ta cũng vậy. Đôi khi chúng ta độ, chúng ta giáo hoá, chúng ta nói cho người khác nghe nhưng cha mẹ chúng ta hoặc là những người trong gia đình, chúng ta nói chưa chắc đã nghe. Gặp những trường hợp này thì quý Phật tử chúng ta phải coi thử cha mẹ mình thương yêu, kính trọng những người nào. Nếu những người mà cha mẹ mình thương yêu, quý mến, kính trọng biết Phật pháp thì quý vị nên mời những người đó đến thăm viếng và khuyên cha mẹ mình tin Phật pháp, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật thì điều này nó rất là hiệu quả. Đôi khi chúng ta khuyên cha mẹ cũng phải tuỳ theo lúc, tuỳ theo nơi. Nếu chúng ta nói không đúng lúc, không đúng nơi thì đôi khi nó không có hiệu quả mà còn có tác dụng ngược lại. Còn có một cách chắc chắn sẽ được. Trong kinh Địa Tạng, đức Phật dạy như thế này: “Vì người thân đã mất mà gieo trồng công đức hồi hướng cho người thân thì bảy phần công đức người thân hưởng được một phần.” Người đã mất cũng có thể hưởng được công đức, nếu mình vì cha mẹ mà mình tu tập các công đức hồi hướng đến cha mẹ thì cha mẹ hiện tiền của mình sẽ được hưởng công đức ấy. Quý vị thấy rằng cái cầu nguyện nó không có hình tướng nhưng mà nó có năng lực chiêu cảm bởi vì tất cả chúng ta đều đồng một thể tánh, có sự tương tác lẫn nhau. Chính vì vậy mà quý Phật tử chúng ta phải cố gắng hết lòng kính tín Tam Bảo, phải tha thiết niệm Phật, sám hối, tụng kinh, lạy Phật thật nhiều, đem tất cả công đức của mình tu tập hồi hướng đến cha mẹ, làm như vậy ngày này qua ngày khác, suốt cả cuộc đời thì hy vọng rằng cha mẹ mình sẽ được chuyển biến cái tâm niệm và tương lai cha mẹ mình sẽ kính tín Tam Bảo và  tu tập tốt. Nhưng mà kết quả khi nào được nó còn tuỳ thuộc vào năng lực tu tập, sự kính tín, sự hồi hướng tha thiết của quý vị. Nếu quý vị hồi hướng tha thiết, tu tập tinh tấn thì nó sẽ chuyển biến rất mau, nhưng chắc chắn là sẽ có chuyển biến. Nếu một ngày không chuyển biến thì mười ngày, một tháng, một năm đến khi cha mẹ gần mất thì sẽ quay về kính tín Tam Bảo. Nếu mà cha mẹ mình đến quá vãng rồi cũng không tin Tam Bảo thì nó cũng làm cái nhân cho đời sau. Đây là cách rất thiết thực, hiệu nghiệm trong khả năng của mình. Quý vị hành trì như vậy thì trước hết là mình được lợi ích và cha mẹ của mình cũng sẽ được lợi ích. Nam Mô A Di Đà Phật!

Câu 2: Kính thưa Thầy, mặc dù con chưa chính thức quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử, nhưng hằng ngày con vẫn lo tu niệm và không làm điều gì sái quấy. Hơn nữa, con tuy ở nhà không có đi chùa, nhưng vẫn thường niệm Phật A Di Đà và cầu nguyện vãng sinh. Như vậy, khi lâm chung những người chưa là Phật tử như con có được vãng sinh về Cực lạc không? Xin Thầy vui lòng giải đáp cho con biết.
Đáp: Dù cho chúng ta đi chùa 50-70 năm nhưng chưa quy y Tam Bảo cũng chưa được gọi là Phật tử. Khi nào chúng ta đã chính thức quy y Tam Bảo mới gọi là Phật tử. Quy y trong đó phải gồm quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới thì mới đầy đủ, chỉ trừ những em bé còn nhỏ tuổi quá chưa đủ khả năng để thọ ngũ giới thì chỉ truyền cho pháp quy y thôi. Quy y có lợi ích rất là lớn mà quý vị cần lưu ý bởi vì trong kinh, Phật dạy rằng ở giữa thế gian này làm con người, việc thiện rất khó làm còn việc ác thì rất dễ. Chính vì vậy, Phật mới đưa ra pháp Tam Quy, trì Ngũ Giới. Pháp Tam Quy Ngũ Giới này có năng lực phòng phi chỉ ác tức là ngăn ngừa những cái sai quấy và dừng những cái lỗi lầm. Khi quy y Tam Bảo, chúng ta đến chùa và quỳ trước Tam Bảo có sự chứng minh của chư Tăng, vị Giáo Thọ Sư mới hỏi rằng: “Giới thứ nhất, là Phật tử suốt đời không được sát sinh. Vậy quý vị có giữ được không?” Quý vị trả lời: “Mô Phật! Giữ được.” Giới thứ hai là không trộm cắp, rồi giới không tà dâm, không nói dối, không uống rượu thì cũng như vậy. Hoặc trước Tam Bảo, chúng ta có phát lời nguyện: “Con tên là… nguyện suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Trước sự chứng minh thiêng liêng của Tam Bảo, quý vị đã phát ra lời đó rồi thì chúng ta ở trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào khi chuẩn bị phạm những điều sái quấy thì chúng ta nhớ đến những lời nguyện trước kia của mình với Tam Bảo nên chúng ta không dám làm những điều sai quấy. Đây là lợi ích rõ ràng của việc quy y Tam Bảo. Còn nếu chúng ta không quy y Tam Bảo, không thọ trì năm giới thì có nhiều người sống rất là phóng túng, buông lung bởi vì nghĩ là mình không thọ giới nên mình có làm cũng không phạm. Đức Phật dạy rằng nhất cử nhất động của chúng ta đều không ngoài những tội lỗi mà chúng ta không biết được. Là người phàm phu, chúng ta làm sao tránh được những lỗi lầm mà nói rằng là mình dù chưa có quy y Tam Bảo nhưng không làm những điều sái quấy. Là Phật tử, chúng ta phải hết lòng tín giới. Trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật dạy rằng muốn thọ Thập giới thì trước tiên phải thọ năm giới, sau khi thọ Thập giới xong mới được thọ giới Tỳ kheo hoặc là Tỳ kheo Ni. Nếu không có thứ lớp như vậy sẽ không thành tựu được giới pháp. Về việc truyền giới này, đức Phật chế rất là nghiêm ngặt, không phải là bình thường. Là một người đời bình thường không có thọ trì giới pháp, nếu quý vị không có làm ác thì quý vị chỉ tránh được tội lỗi thôi chứ không sinh được thiện căn, phước lành. Người thọ giới rồi, nếu người ta không phạm giới thì người ta không bị tội mà mới được sinh phước lành. Phước lành của việc trì giới rất lớn. Dù tu pháp môn gì đi nữa, dù cho chúng ta có niệm Phật hay tu Thiền, hoặc tu Mật, bất cứ tu bậc cao đến đâu cũng lấy giới luật làm căn bản. Muốn có giới luật thì phải đến chùa quy y rồi sau đó mới được truyền thụ năm giới pháp.
Điều thứ hai nữa, trong câu hỏi có nói: “Con tuy ở nhà không có đi chùa, nhưng vẫn thường niệm Phật A Di Đà và cầu nguyện vãng sinh. Như vậy, khi lâm chung những người chưa là Phật tử như con có được vãng sinh về Cực lạc không?” Thưa quý Phật tử, đi chùa cũng tu mà ở nhà cũng tu. Đi chùa nó có cái lợi của việc tu tập ở chùa, ở nhà nó cũng có cái lợi của việc tu tập ở nhà. Nhưng đi chùa không chỉ có lợi cho mình mà nó còn có lợi ích nữa đó là đi chùa để ủng hộ đạo tràng. Tức là thêm một người tu thì đạo tràng càng đông thêm, trang nghiêm thêm và như vậy tức là hộ trì chánh pháp, ủng hộ Phật pháp, làm cho ngọn đèn chánh pháp càng sáng rực rỡ thêm. Nếu Phật tử chúng ta, ai cũng ở nhà tu thì chùa sẽ đóng cửa, mà nếu chùa đóng cửa thì mình không được lợi, mọi người sẽ không được lợi, con cháu chúng ta cũng không được lợi, những người đời sau cũng không có lợi ích và từ từ Phật pháp sẽ tàn lụi. Quý vị đến chùa tụng kinh, niệm Phật thì Phật chứng cho công đức tụng kinh, niệm Phật, nhưng không phải Phật chỉ chứng cho công niệm Phật không mà Phật còn chứng cho cái công đi nữa. Khi chúng ta sức khoẻ bình thường mà đi chùa thì công đức cũng nhiều nhưng nó không nhiều bằng khi chúng ta mệt mỏi, đau ốm mà vẫn đi chùa được, bởi vì tất cả cái phước hay cái tội đều từ nơi tâm mà sinh ra. Chúng ta hãy cố gắng đi chùa, đi đến chùa để nương cái lực của đại chúng, người xưa có dạy là: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn.” Ở nhà, đôi khi chúng ta vừa chuẩn bị đến thời công phu thì có bạn bè hay là người thân rủ mình việc này, nói mình việc kia, rồi đôi khi đang giờ tụng kinh mà ở nhà mở ti vi ra thì mình cũng không có tụng kinh được, lại đôi khi một mình ta lại giải đãi nữa. Nên đến chùa để nương cái lực của thầy, của bạn, của đại chúng thì mình tu nó tinh tấn hơn và đến chùa tu tập ngoài việc lợi ích cho mình còn ủng hộ đạo tràng để hộ trì chánh pháp, làm ngọn đèn chánh pháp sáng rực hơn. Không đi chùa nhưng nếu ở nhà thực sự tu tập tốt thì cũng được nhưng nó thiếu cái phần lợi ích hộ trì Phật pháp. Đến lúc lâm chung, nếu ta có được 10 niệm chánh niệm thì sẽ được vãng sinh. Phật tử chúng ta quy y Tam Bảo, đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, làm lành lánh dữ, tu suốt cả cuộc đời như vậy đến lúc lâm chung còn biết bao nhiêu chướng duyên cản trở con đường vãng sinh, huống chi là chưa quy y, không đi chùa, tu một mình như vậy, đôi khi không biết còn tu lạc nữa. Về điều này, Đạo Duyệt không nói là không vãng sinh nhưng Đạo Duyệt chỉ nói là không bảo đảm. Nam Mô A Di Đà Phật!

Câu 3: Kính bạch Thầy, con được phước duyên tu theo pháp môn Tịnh độ gần 2 năm. Con thấy rất là an lạc mỗi khi con niệm Phật. Và con cố gắng gìn giữ chánh niệm trong tâm. Xin hỏi một mai khi cơn vô thường đến, lúc đó con vẫn nhớ niệm Phật, mà không thấy Phật Di Ðà hiện đến tiếp dẫn con, như vậy, con có được vãng sinh hay không? Kính xin Thầy hoan hỷ giải đáp cho con được yên tâm. Thành kính cám ơn Thầy.
Đáp: Phật dạy trong kinh A Di Đà như thế này: Xá Lợi Phất! Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên, đắc sanh bỉ quốc. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sinh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ.” Không thể dùng chút ít phước đức, nhân duyên mà có thể sanh về cõi nước Cực Lạc được, cần phải hoặc là từ một ngày cho đến bảy ngày chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật nhất tâm bất loạn thì đến lúc lâm chung Phật sẽ hiện tiền và người này chắc chắn được vãng sinh. Người Phật tử chúng ta hiện tại thường niệm Phật như vậy có ai đã được nhất tâm bất loạn từ một ngày đến bảy ngày chưa? Nếu chưa được thì chưa bảo đảm. Thực ra, nhất tâm bất loạn không phải đơn thuần như mình nghĩ đâu, không phải là mình giữ chánh niệm suốt như vậy, lúc nào cũng niệm Phật mà nhất tâm bất loạn tức câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật nó tương tục suốt cả ngày, hoặc suốt từ một đến suốt cả bảy ngày như vậy và không có một niệm khác xen vào. Điều này trong ngàn người thì hy hữu lắm chỉ có một, hai người đạt được trình độ này. Còn trường hợp đến lúc lâm chung, mình vẫn giữ chánh niệm nhưng mà không thấy rõ đức Phật A Di Đà đến rước, như vậy có được vãng sinh không? Trong kinh Vô Lượng Thọ, điều nguyện thứ 18 đức Phật A Di Đà có phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật thập phương chúng sanh chí tâm tin mộ muốn sanh về cõi nước tôi nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, (trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng hủy báng chánh pháp), thời tôi không ở ngôi Chánh giác.” Nhưng đức Phật A Di Đà đã thành tựu quả Vô Thượng Chánh Giác rồi thì mình tin rằng điều nguyện này chắc chắn sẽ được, đến lúc lâm chung mà chúng ta giữ vững được chánh niệm thì niệm cho được 10 niệm. Quý vị nhớ đức Phật nói trong kinh A Di Đà là 10 niệm lúc lâm chung, lúc cận tử nghiệp, cái niệm cuối cùng mà đầy đủ thì lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sinh. Trường hợp đến lúc lâm chung mà không thấy đức Phật A Di Đà rước thì có được vãng sinh không? Nếu 10 niệm đầy đủ thì chắc chắn thấy Phật Di Đà. Là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ, mình phải lấy tín tâm làm đầu, tin như thật không có nghi. Nhưng đến lúc lâm chung thì có mấy ai giữ được chánh niệm? Lúc lâm chung thì vô thường nó đến, vô lượng ác nghiệp, chướng duyên, oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp đến bao phủ mình làm cho mình tán loạn. Có khi chúng ta chỉ niệm được vài câu rồi loạn, nói chung nó cứ chập chờn không được rõ ràng lắm, không được đầy đủ 10 niệm. Trong những trường hợp đó, có khi không thấy Phật Di Đà đến nhưng đến niệm cuối cùng niệm được: Nam Mô A Di Đà Phật” thì Đạo Duyệt tin rằng cũng được vãng sinh. Nếu như không được vãng sinh thì lúc lâm chung rồi, trong thân trung ấm vừa nới tắt thở được nghe tiếng chuông hay là tiếng tụng kinh, tiếng niệm Phật ở đâu đó đến có thể chúng ta niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật” thì đức Phật cũng hiện đến và tiếp dẫn chúng ta về cõi nước Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật!

Câu 4: Kính bạch Thầy, cha mẹ hai bên của con là người Hoa, không biết nói và hiểu tiếng Việt, nhưng khi mất quý Thầy tụng kinh bằng tiếng Việt, vậy không biết cha mẹ con có hiểu hay không? Nếu không hiểu thì làm sao họ siêu thoát? Kính xin Thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.
Đáp: Chúng ta phải biết rằng khi chúng ta tụng kinh hoặc niệm Phật hồi hướng cho người đã mất thì người mất ấy vẫn nghe bằng cái thần thức. Phật dạy chúng ta mang cái thân này là thân ngũ ấm gồm có: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Ấm tức là cái che đậy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nó thuộc về sắc. Cái mắt, tai, mũi, lưỡi này nó che đậy cái linh tri, Phật tánh, cái biết của chúng ta. Chính vì vậy, mình mang cái thân ngũ ấm này mình cứ tưởng rằng mình có lỗ tai để nghe, lỗ mũi mình ngửi, con mắt mình thấy. Nhưng mà cũng tại vì con mắt này nên mình không thấy được rõ, tại vì lỗ tai này nên mình không nghe được xa, tại vì lỗ mũi và cái lưỡi này nên mình có những sự thấy, nghe, ngửi không được xa, không được rộng, không được đầy đủ. Vì vậy, những người hiện tiền còn sống như thế này khi người ta nhập định đến giai đoạn phá được cái sắc ấm này thì người ta sẽ chứng được thần thông, người ta có thể thấy, nghe rất xa, ngửi rất tinh tường và có sự hiểu biết sâu rộng. Họ có thể thấy trên trời, có thể nhìn thấu xuống cả địa ngục và có thể ngửi mùi xa ở nhiều thế giới khác nữa. Bởi vì lúc người ta nhập định vào giai đoạn phá sắc ấm tức là người ta quên luôn cái thân và chứng được diệu dụng như vậy. Chúng ta do có sắc ấm này nó che đậy nên chúng ta không thấy, nghe, ngửi được xa và rõ ràng. Còn người chết, người ta đã ra khỏi được cái xác này, cái thần thức nó đi ra không còn cái mắt, tai, mũi, lưỡi tức là không còn sắc này che đậy nên khi người chết dù người ta không có tu tập gì hết nhưng khi người ta rời được cái thân này thì tự nhiên người ta có được cái diệu dụng. Chính vì vậy mà khi chúng ta tụng kinh, chúng ta vọng tưởng lên nghĩ cái gì người ta đều biết hết. Chúng ta tụng kinh mà tụng tầm bậy hay nghĩ những điều bậy thì người ta sẽ oán giận mà có khi lúc đó người ta sẽ bị sa đọa. Bình thường, khi chúng ta bị kẹt trong cái sắc ấm này thì chúng ta thấy rằng lời nói, ngôn ngữ truyền đi, âm thanh này là sự rung động sóng vật lý nhưng thực sự ra khi người mà chết thì sự rung động này giữa chúng ta với người cõi bên kia nó được truyền nhau bằng sóng rung động của tâm thức chứ không phải bằng âm thanh. Chính vì vậy mà quý vị nghĩ cái gì người ta đều biết, quý vị nói cái gì người ta đều nghe. Đặc biệt, chúng sinh mà ra khỏi được cái sắc ấm này thì thần thức người ta rất là bén nhạy và mình tạm dùng cái từ rất thông minh, hiểu rất sâu. Khi quý vị khởi tâm lên thì người ta biết quý vị đang nghĩ cái gì. Quý vị tụng kinh bằng tiếng Việt nhưng mà nghĩa của nó như thế nào người ta đều hiểu được, người ta biết được cái tâm của mình không cần qua ngôn ngữ. Khi chúng ta nguyện hương, tụng kinh, niệm Phật, hay là cầu nguyện cho hương linh thậm chí chúng ta không cần tụng ra lời, không cần dùng âm thanh mà chỉ cần nghĩ ở trong tâm. Khi trong tâm nghĩ cái gì thì có sự rung động của tâm thức, chính sự rung động đó nó sẽ truyền đến đối tượng bên kia thế giới hay những vong linh, hương linh đó người ta sẽ tiếp nhận được qua sự rung động của tâm thức, người ta tìm nhau qua tâm thức, người ta hiểu được mà thực ra không cần phải dùng đến âm thanh huống nữa là tiếng Hoa hay tiếng Việt. Bất cứ quý vị tụng tiếng gì người ta cũng đều biết bởi vì người ta biết quý vị đang nghĩ cái gì, nói cái gì và làm cái gì. Quý vị nên yên tâm là dù cho cha mẹ chúng ta là người nước ngoài mà chúng ta tụng kinh bằng tiếng Việt, hồi hướng bằng tiếng Việt thì người chết vẫn nghe và hiểu được hết. Nếu như người thân của chúng ta cảm nhận được và phát tâm thì người ta cũng được cái lợi ích, công đức rất lớn. Hy vọng rằng nếu chúng ta thành tâm cầu nguyện thì sẽ được thành tựu. Nam Mô A Di Đà Phật!

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 26 này, chúng ta đã được nghe Đại đức Thích Đạo Duyệt trả lời những câu hỏi xoay quanh những vấn đề tu học của quý Phật tử. Như chúng tôi cũng đã trình bày với toàn thể quý Phật tử, tất cả những giải đáp của quý Thầy đều do những hiểu biết của cá nhân. Do vậy, sự trình bày cũng có thể đúng, cũng có thể chưa đúng. Nếu chưa đúng, chúng ta có quyền đặt lại và chúng ta cũng cần phải suy xét bởi lẽ đức Phật dạy rất rõ văn là phải tư rồi mới tu. Chúng ta nghe lời Phật cũng vậy mà lời quý Thầy cũng vậy, không phải là tin liền mà cứ về suy nghĩ nếu thấy hợp lý thì tin và thực hành, không hợp lý thì cũng chưa tin. Mong rằng quý vị cứ lắng nghe rồi sau đó về mình suy nghĩ.
Qua câu hỏi thứ nhất của chương trình thì đại ý là muốn khuyên cha mẹ tu tập nhưng mà rất khó, không biết cách khuyên như thế nào. Đại đức Đạo Duyệt cũng đã trình bày cho quý vị điều quan trọng là mình phải thể hiện chữ hiếu. Hiếu cảm đến trời thì mưa hoà gió thuận, hiếu cảm đến đất thì mọi vật xinh tươi, hiếu cảm đến người thì mọi phúc lành đều tới. Nếu chúng ta hết lòng, hết sức gần gũi, hiếu thảo, thương yêu, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì những điều này dần dần có thể cảm hoá cha mẹ hướng về Phật pháp. Trong kinh Tiểu Bộ I, đức Phật dạy là có ba hạng người con trai xuất hiện ở đời đó là ưu sinh, tuỳ sinh và liệt sinh. Ưu sinh có nghĩa là trong một gia đình cha mẹ chưa biết quy y, chưa thọ trì ngũ giới mà người con lại biết quy y thọ trì ngũ giới, đó gọi là ưu sinh. Tuỳ sinh là trong gia đình cha mẹ biết thọ Tam Quy trì Ngũ Giới và con cũng thọ Tam Quy và trì Ngũ Giới. Liệt sinh là trong gia đình cha mẹ thọ Tam Quy và trì Ngũ Giới mà con cái không thọ Tam Quy trì Ngũ Giới. Qua đó trường hợp của vị đặt câu hỏi này thì gia đình thuộc ưu sinh, vậy là điều tốt. Thế nhưng việc muốn chuyển hoá, muốn cha mẹ hiểu Phật pháp cũng không phải là đơn giản, rất là khó. Chúng ta phải tìm nhiều phương tiện. Có câu chuyện ở bên Nhật Bản như thế này, Ngài Thiền sư Bạch Ẩn có vị đệ tử rất là thuần thành ngược lại thì người cha không tin Phật pháp. Một hôm, người con đến thưa với Hoà Thượng, nhờ Hoà Thượng chỉ cho phương pháp để có thể khuyên bảo cha mẹ hướng về Phật pháp. Sau khi Hoà Thượng tìm hiểu, hai thầy trò cùng bàn với nhau. Sau đó, người con về nói với cha: “Cha ơi, thầy con lúc này rất là bận không có thời giờ niệm Phật, thầy con muốn nhờ cha niệm Phật dùm. Cứ mỗi một danh hiệu Phật thì thầy con trả cha một quan tiền.” Người cha liền đồng ý. Thế là ông ta cố gắng niệm Phật, cứ niệm được bao nhiêu chuỗi ông ta đến Hoà Thượng lấy tiền. Sau một thời gian ông ta niệm, ông ta cảm thấy có một cái gì đó thanh tịnh, an lạc. Ông ta hướng về Phật pháp và bao nhiêu tiền hồi trước lãnh của Hoà Thượng ông đem cúng lại. Đó cũng là một cái cách để mà chuyển hoá người cha của mình. Chúng ta cũng có thể bắt chước điều đó. Chẳng hạn như trong gia đình, mình muốn cho con cái hiểu biết Phật pháp, là cha mẹ chúng ta nên tìm cách chẳng hạn như đưa những cuốn sách Phật pháp, các truyện Phật pháp hay và bảo là mẹ bây giờ bận lắm không có thời giờ đọc quyển sách này, con đọc và sau đó kể lại cho mẹ, nếu như con nhớ và kể lại được cho mẹ thì mẹ sẽ thưởng cho con cái gì đó. Tất nhiên là nó cũng thích và đọc, tìm hiểu xem câu chuyện nói cái gì sau đó nó sẽ kể lại cho mình. Đó cũng là cách mình gieo vào lòng nó Phật pháp. Hoặc là như Đại đức Đạo Duyệt cũng nói, thí dụ như những người nào có uy tín quen thân với cha mẹ mình thì hãy nhờ người đó đến nói chuyện khuyên tu, như vậy cũng có kết quả. Hoặc là trong lúc cha mẹ mình đau ốm, mình nhờ quý Thầy đến nói chuyện. Trong lúc đó, tình cảm nó rất dạt dào và sâu sắc. Bởi vì mình bệnh mà có một ông Thầy đến thăm rồi tâm sự, nói chuyện, từ chỗ đó mà có thể cảm động, từ cảm động mà có thể chuyển hoá người cha, người mẹ hiểu Phật pháp. Theo chúng tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta phải có một cái tâm sau đó kiên trì, nhẫn nại tìm mọi cách, mọi phương tiện để đưa Phật pháp đến với gia đình, với cha mẹ mình. Mình cứ hết lòng hiếu kính với cha mẹ thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ cảm động và chuyển hoá được cha mẹ mình.
Câu thứ hai thì nói là chưa quy y Tam Bảo cũng ít đến chùa nhưng thường niệm Phật, làm lành lánh dữ như vậy thì khi mất có được vãng sinh hay không. Theo chúng tôi nghĩ thì vấn đề vãng sinh là do chúng ta có tín- nguyện- hạnh, có chí tâm, chí kính, chí thành tu tập hay không. Còn vấn đề chưa quy y, chưa đến chùa thì chúng ta phải cố gắng, nỗ lực quy y và đến chùa, chứ không thể nói là mình tu tập như vậy là đủ. Thế nhưng không phải quy y thì chúng ta có thể vãng sinh còn không quy y thì không vãng sinh. Cổ đức có câu rất là hay: “Tại gia như xuất gia, xuất gia như tại gia.” Nghĩa là người xuất gia, hình tướng là người tu nhưng cái tâm thì nghĩ toàn chuyện ở nhà, ngược lại những người tại gia nhưng lúc nào cũng nghĩ đến xuất gia sống cuộc đời phạm hạnh. Nói một cách nào đó, quý vị chưa quy y nhưng trên thực tế quý vị cũng đã quy y, mình nói đây là quy y về tâm. Bởi vì, mình chưa quy y mà mình nghe lời Phật dạy, biết tu tập, biết niệm Phật, làm lành lánh dữ thì như vậy hình thức chưa quy y nhưng mà thực ra trong tâm mình đã quy y. Đó gọi là lý quy y. Thế nhưng chúng ta cũng không nên chấp việc đó, ở đời cái gì cũng phải có sự và lý, sự lý phải viên dung. Bây giờ đặt lại là quý vị hiểu Phật pháp biết niệm Phật để cầu vãng sanh là nhờ đức Phật. Đức Phật có nói ra thì chúng ta mới biết được cái pháp để tu. Ngoài ra còn phải nhờ vào chư Tăng. Đức Phật đã nhập diệt rồi, pháp thì nằm trong kinh điển, chỉ có chư Tăng là người hoằng truyền vậy thì không có chư Tăng chúng ta cũng chưa chắc biết được Phật pháp mà tu. Nếu như chúng ta chỉ chấp vào pháp có nghĩa là chỉ nương vào pháp để tu mà mình không biết đến Phật, không biết đến chư Tăng. Chúng ta suy nghĩ lại coi mình có quên ơn, bội nghĩa không? Cho nên cần phải quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Hơn nữa, chúng ta làm việc gì cũng vậy, muốn đi lên trên núi cao thì phải bắt đầu từ những bậc thấp mà chúng ta đi lên; muốn học đại học thì chúng ta cũng phải qua tiểu học và trung học. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy tam phước tịnh nghiệp là ba cái phước mà có thể làm cho ba nghiệp của mình được thanh tịnh. Thứ nhất đó là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu tập thiện nghiệp. Thứ hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi. Thứ ba là phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, tụng Đại thừa kinh và khuyến người tu hành. Như vậy rõ ràng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đức Phật có dạy nếu chúng ta muốn thành tựu được vãng sanh thì mình phải có ba phước này. Trong đó phước thứ hai là thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới. Nếu chúng ta tu tập tự mình ở nhà niệm Phật, tránh ác làm lành, tu nhơn tích đức thì cũng tốt nhưng chúng ta cũng cần phải quy y Tam Bảo.
Câu thứ ba đại ý là một Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ nhưng khi sắp mất nhớ niệm mà không thấy đức Phật Di Đà đến tiếp dẫn, như vậy có được vãng sinh hay không? Điều căn bản của người tu pháp môn Tịnh Độ là tín-nguyện-hạnh. Nếu chúng ta có đầy đủ tín-nguyện-hạnh thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Cũng giống như bây giờ mình trồng cây, trước hết phải có hạt giống, sau đó chọn đất rồi gieo xuống, chăm sóc, bắt sâu; khi cây lớn thì chắc chắn sẽ ra hoa, ra quả. Đức Phật thường nói khi một cái cây nghiêng bên nào thì khi đổ nó sẽ đổ về phía đó. Cây nghiêng về phía Tây thì chắc chắn khi đổ không thể lệch qua phía Đông đổ được mà nó sẽ đổ về phía Tây. Khi chúng ta hằng ngày có niềm tin với đức Phật, tha thiết nguyện về và chuyên trì niệm Phật thì chúng tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ vãng sinh. Còn nếu không được Phật xuất hiện tiếp dẫn là do tín-nguyện-hạnh của mình chưa đủ. Hay nói cách khác theo Đại đức Đạo Duyệt, trong lời nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà, Ngài nói nếu khi lâm chung mà mà niệm danh hiệu Ngài 10 lần mà Ngài không đến tiếp dẫn Ngài thề không thành Phật. Theo chúng tôi nghĩ, nếu lúc lâm chung chánh niệm tỉnh giác, niệm được 10 lần thì chắc chắn đức Phật sẽ tiếp dẫn, chứ không có chuyện là đức Phật không tiếp dẫn được.
Câu thứ tư hỏi về vấn đề cha mẹ người Hoa mà thầy người Việt đến tụng thì có nghe được không. Thí dụ khi chúng ta là người Việt bị bệnh mà có một bác sĩ Mỹ đến khám bệnh. Ông ta nói mình không hiểu nhưng khi ông khám rồi và cho thuốc thì mình biết. Người mất cũng vậy, trong lúc họ đang hoảng hốt, lo sợ, phân vân chưa biết con đường nào đi thì lúc đó thấy quý Thầy đến họ biết đến làm gì không? Người đó cũng sẽ biết là ông thầy này đền tụng kinh cầu siêu cho mình và chắc chắn là họ sẽ có niềm tin vào đó để rồi họ theo hướng của mình mà họ đi.
Hôm nay, qua bốn câu hỏi đã được Đại đức Đạo Duyệt và chúng tôi giải đáp. Mong rằng quý vị cũng đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của mình trong vấn đề tu tập.
Nam Mô A Di Đà Phật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...