Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 01

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 1

Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Chứng minh: Ngộ Chân Thành
Dẫn chương trình: Thích Tâm Từ
Giảng sư: Thích Nguyên Hiền
Người hỏi: PT Hoa Phước, PT Liên Hảo
(Ngày 27/08/2006)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Nguyên Hiền
Câu hỏi 1:  Theo chúng con được biết các Tôn giáo đều đề xướng tu tâm. Nhưng vì sao phải tu tâm? Tu những gì trong tâm và tâm ở đâu? Chư Tổ cũng có nói là tu thật tâm thì được thảnh thơi. Xin giảng sư cho chúng con được rõ tu thế nào là tu thật tâm còn tu không thật tâm thì tu làm sao?
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Thượng toạ, chư Tôn đức Tăng Ni, kính thưa toàn thể Đại chúng. Trước hết chúng tôi cũng xin nói vài lời, tôi có nhận được câu hỏi Phật pháp của Ban Tổ Chức gửi cho, hôm nay thì đến trình bày với quý vị. Thực sự đây là một điều vô cùng khó khăn đối với chúng tôi chứ không đơn giản. Bởi vì những câu hỏi của quý Phật tử thông thường là những câu hỏi thuộc về nhận thức chứ không phải thuộc về vấn đề kiến thức. Nếu những câu hỏi thuộc về kiến thức thì chúng tôi có sự chuẩn bị, có gì chưa biết thì có thể tra cứu. Còn những câu hỏi thuộc về thắc mắc thông thường mặc dù nó có thể là rất dễ, rất đơn giản nhưng thường thường ở những câu hỏi này thì không phải lúc nào cũng trả lời giống nhau, có thể đến người này chúng ta trả lời thế này nhưng đến người khác chúng ta trả lời theo cái cách khác. Và ngày xưa đức Phật cũng có rất nhiều cách để trả lời câu hỏi của thính giả, hoặc là đức Phật kể một câu chuyện hoặc là đức Phật trả lời trực tiếp hoặc là đức Phật nêu một ví dụ hoặc là đức Phật hỏi ngược lại và đức Phật còn có một cách nữa rất là tuyệt vời đó là im lặng không trả lời. Còn bây giờ, chúng tôi ở trong tư thế không thể im lặng được mà phải trả lời, câu hỏi một người đặt mà phải trả lời cho tất cả đại chúng cùng nghe cho nên chắc chắn nó cũng có vấn đề không được chu đáo, không được kỹ lưỡng. Nếu trong quá trình chúng tôi trả lời có gì không thoả mãn thì quý vị có thể đặt tiếp câu hỏi về những vấn đề chưa thoả mãn để chúng tôi trả lời một cách cụ thể hơn và nó đáp đúng những chỗ quý vị đang thắc mắc. Xin thưa một điều đối với giảng sư thời này thua chư Tổ một điều là chư Tổ chỉ cần nhìn quý vị là chư Tổ biết căn cơ như thế nào để mà nói còn chúng tôi bây giờ đến trả lời câu hỏi cho quý vị giống như đang trả bài vậy. Dầu sao chúng tôi sẽ cố gắng trình bày những gì theo quan điểm riêng của mình. Và tôi xin thưa thẳng rằng câu trả lời này chưa hẳn là chuẩn mực đây chỉ là nhận định của Giảng sư.
Câu hỏi này nói là một câu hỏi nhưng thực ra đây có rất nhiều câu hỏi, chúng tôi xin trả lời chung chung. Thực ra Phật tử có nói: “Theo chúng con được biết tất cả các tôn giáo đều đề xướng tu tâm” thì câu này không có chính xác lắm. Nói thì nói chung chung như vậy đấy nhưng mà có những tôn giáo về chủ trương không phải tu tâm nhiều khi tu nơi thân. Đó là chưa nói rằng thế nào gọi là tâm. Đây là từ trong Phật giáo cái nghĩa của nó rất là rộng. Nếu quý vị có điều kiện được đọc, được học trong tất cả các kinh điển thì quý vị sẽ thấy rằng cái chữ tâm trong Phật giáo vô cùng nhiều nghĩa và nghĩa của nó cũng có nhiều tầng, nhiều bậc, chứ không đơn giản. Khi quý vị đến một vị Thiền sư quý vị hỏi Thiền sư có thể trả lời khác, đến với một nhà kinh học, nhà duy thức học người ta lại có thể trả lời khác. Ở đây tôi xin trả lời chung chung cho nên nếu quý vị cảm thấy chưa thoả mãn quý vị có thể hỏi lại.
Vì sao phải tu tâm? Bây giờ, chúng tôi chỉ đặt một trường hợp rất là cụ thể và thường xuyên các Phật tử chúng ta hay gặp. Trong buổi tối sám hối, chúng ta hay đọc bài:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được diệt rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm diệt hãy đều không
Thế mới thật là chơn sám hối.
Bây giờ thay vì nói tu tôi nói là sám hối. Sám hối là gì? Sám hối tức là tu, là hoán cải những cái nghiệp của mình từ xấu trở thành tốt, từ ác trở thành thiện, từ bất thiện sang thiện. Tội do đâu nó khởi? Tội từ tâm nó khởi cho nên khi sám hối đem cái tâm này để mà sám hối. Tội không phải do thân khởi mà tất cả mọi thứ đều do tâm nó khởi nên phải đem cái tâm này để mà sám hối. Cũng như vậy sự tu tập là gì? Tu chính là chuyển tất cả những cái nghiệp của mình. Mà nghiệp do chính cái tâm của mình gây tạo. Vì thế không thể đem cái thân này tu mà phải đem cái tâm để mà tu. Vì thế mà chúng ta phải tu tâm chứ không phải là tu trên hình tướng, trên hình tướng thì không bao giờ giải quyết được vấn đề cả. Bởi vì tất cả ý niệm, hành động thiện ác của mình nó đều xuất phát từ nơi tâm. Do đó bây giờ tu tập đều xuất phát từ nơi tâm để mà tu chứ không phải từ nơi thân. Nhưng chỗ này, tôi muốn mở rộng chữ tâm này lên cho quý vị thấy rõ. Chúng ta thường thường nghĩ tâm là gì quý vị? Tâm là tim hay chúng ta nói tâm là cái lòng của chúng ta. Nhưng mà quý vị nên nhớ rằng có nhiều người vì lợi dụng chỗ này mà nói rằng đâu phải đi chùa, tụng kinh, lễ Phật mới là tu, tu quan trọng ở tâm chứ đâu phải ở tướng đâu. Rất là nhiều người nói như vậy đó, phải vậy không quý vị? Nhưng cái tâm ở đâu quý vị? Mình chẳng biết nó ở đâu cả. Câu hỏi nói vì sao phải tu tâm, vì tất cả các cái nghiệp của mình từ tâm nên chúng ta phải tu tâm. Tâm ở đâu thì chúng ta không biết được. Không biết được nhưng nó lại nằm ngay trong những lời nói những hành động, ngay trong những ý nghĩ của mình. Bây giờ hỏi tâm ở đâu thì tâm chỉ thẳng ngay trong lời nói, hành động, ý nghĩ của mình là tâm đấy chứ tâm nó không trụ ở một chỗ nào cả. Cái chữ tâm trong kinh Hoa Nghiêm có nói là: “Nhất thiết duy tâm tạo” tức là tất cả đều do tâm tạo, tất cả các pháp đều do tâm tạo. Nhưng cái chữ tâm mà quý vị đang hỏi tại đây tức là quý vị đang nói đến cái ý của mình. Do đó cái câu hỏi của chúng ta nó không rõ ràng nhưng quý vị đang nói đến chuyện tu thì tâm nó ở đâu quý vị, nó ở ngay trong hành động, lời nói, ý nghĩ của mình mà thôi, có thể là bình thường ta không thấy nó nhưng khi nó hiện khởi thì người khác nhìn vào có thể nhận biết nó ở đâu, giống như là điện trong không gian bây giờ quý vị thấy trong cái hội trường này có điện không, chắc chắn là nó có điện dù đèn sáng hay đèn không sáng thì nó vẫn có điện ở đây, dù máy lạnh có lạnh hay không thì ở đây cũng có điện, dây điện luôn luôn có điện chứ không phải khi mình bật công tắc lên mới có điện đâu, điện luôn luôn có trong đó nhưng khi quý vị bật công tắc lên thì tức là tạo cho nó một cái duyên cho cái đèn nó sáng, không phải khi bật công tắc thì điện mới có mà điện đã có sẵn trong đó rồi công tắc chỉ là cái duyên thôi. Cái tâm của mọi người cũng giống như điện vậy, nó luôn luôn tiềm ẩn trong tất cả lời nói, việc làm, ý nghĩ của họ nhưng khi nó hiện khởi lên thì mình mới thấy. Cách khai thị của các vị Thiền sư rất đơn giản, một hôm có vị tể tướng hỏi một vị Thiền sư: “Thưa Ngài thế nào là ngã tướng, ngã tướng là cái gì?” Vị Thiền sư mới trả lời: “ Cái mặt ông dốt đặc thì biết gì ngã tướng với ngã tánh.” Vừa nghe một câu như vậy thì ông tể tướng tự nhiên sân hận nổi lên, cặp mắt đỏ ngầu, muốn rút gươm ra định chém nhà sư. Nhà sư liền chỉ vào nói đó chính là ngã tướng đấy. Cái tâm của chúng ta nó cũng như vậy tuy ta không biết nó ở đâu nhưng ngay trong hành động, lời nói, ý nghĩ tự nhiên nó hiện lên cái tâm. Người nào mỉm cười chúng ta có thể nhìn thấy cái tâm của họ không quý vị? Được chứ, mình có thể nhìn trong nụ cười của một người Phật tử, của một người có tu hành nó thể hiện được tâm của họ. Cái ánh nhìn của mình nó trìu mến, nó từ bi, nó có thể thể hiện được cái tâm của mình. Cho nên, tâm nằm ngay trong lời nói, ý nghĩ và việc làm của chúng ta.
Ở đây Phật tử có hỏi rằng chư Tổ có nói là tu thật tâm thì được thảnh thơi vậy tu như thế nào là tu thật tâm còn tu không thật tâm là tu làm sao. Quý vị thấy câu hỏi này nó khó trả lời. Vì, sự tu hành giống như uống nước nóng lạnh thì tự mình biết. Việc hoạ hay việc phước cũng do chính mình biết lấy khỏi cần phải hỏi ai cả. Điều thứ hai mà chúng tôi muốn nói với quý vị như thế nào là thật tâm tu. Thật sự ra đây không phải là một vấn đề nhỏ mà nó là một vấn đề lớn. Trong kinh có dạy:
Vong thức Bồ Đề tâm
Tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp
Có nghĩa là nếu để mất cái tâm Bồ Đề mà tu hành tất cả các pháp thiện thì đó là nghiệp ma chứ không phải là nghiệp của Phật. Cho nên là một người Phật tử tu tập theo giáo lý của đức Phật thì việc làm đầu tiên phải phát tâm Bồ Đề. Nếu để mất tâm Bồ Đề đó dù tu tất cả các pháp thiện thì tất cả các pháp đó đều là ma pháp cả. Thế nào gọi là Bồ Đề tâm? Bồ Đề tâm tức là cái tâm thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh. Trên cầu Phật đạo, dưới hoá độ chúng sanh đó chính là Bồ Đề tâm. Bây giờ mình tu tập không phải cầu phước báu của cõi trời, cõi người. Mình đến chùa Hoằng Pháp này để tu không phải đến lạy Phật cầu Phật cho con trúng vé số. Đó là cầu phước báu của cõi trời, cõi người, không lấy mục đích giải thoát là cứu cánh. Cho nên dù niệm bao nhiêu danh hiệu Phật, dù tụng bao nhiêu kinh điển, dù bố thí cúng dường nhiều bao nhiêu đi nữa nhưng không lấy mục đích giải thoát là cứu cánh thì cái đó không phải là tu thật tâm. Phát Bồ Đề tâm mà tu tức trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh, đây là lý tưởng của một vị Bồ Tát mà tất cả chúng ta đều phải trang bị cho sự tu tập của mình. Bây giờ có người sẽ nói với chúng tôi rằng thầy nói sao mà nó cao quá trên cầu Phật đạo làm sao con có thể cầu, dưới độ chúng sanh con chưa độ được mình thì độ ai. Có nhiều người sẽ thắc mắc với chúng tôi như thế. Cách nói trong kinh làm cho quý vị run rẩy, sợ hãi nói đến làm Phật sao cao xa quá làm người con làm chưa được làm sao làm Phật, độ con như chiếc thuyền một mình chèo chưa nổi giờ độ ai chất lên một vài người nữa thì nó lật thuyền làm sao đây. Đó là bởi vì chưa có niềm tin với bản thân mình cho nên quý vị mới nghĩ như vậy. Thực sự hoá độ chúng sanh là sao? Bây giờ, quý vị đi ra đường thấy một miếng mảnh chai ở giữa đường, quý vị có thể nhìn thấy miếng mảnh chai mà không dẫm lên đó nhưng mình thiết nghĩ như thế này lát nữa người đi sau lỡ họ dẫm lên miếng mảnh chai này chảy máu đau chân tội nghiệp họ cho nên mình lượm miếng mảnh chai đó mình bỏ đi. Đó là Bồ Đề tâm. Cái hành động làm của mình là vì thương người khác, vì lòng từ bi, vì muốn hoá độ cứu giúp người khác, đó là Bồ Đề tâm. Không có gì xa cả, mới nghe hoá độ chúng sanh tưởng là cái gì ghê gớm. Biết mỉm một nụ cười, tuỳ hỷ với một người đang làm việc phước thiện đó là Bồ Đề tâm. Biết nhìn một ánh nhìn từ bi đối với một hành động thiện, đối với một người đang đau khổ chia sẻ với người đang đau khổ đó chính là Bồ Đề tâm. Và cái tâm này nó thường hằng, nó không hề bị gián đoạn từ bây giờ mãi cho đến khi thành Phật. Người tu như thế là người tu thật tâm, còn tu mà vì phước báu của cõi trời, cõi người hay vì bất kỳ lý do gì khác tức là lìa Bồ Đề tâm mà tu thì đó là tu không thật tâm. Khi tu thật tâm thì được thảnh thơi đúng như lời chư Tổ dạy. Mình có một cái lòng từ bi, trang bị cho mình lòng từ bi đó thì nhìn vào bất kỳ ai, nhìn vào bất kỳ một sự việc gì trong lòng mình cũng khởi lên một cái niềm hoan hỷ, trong mắt của mình cũng có một cái nhìn trìu mến đối với mọi sự, mọi chuyện. Người như thế là người tu thật tâm
 Câu hỏi 2:  Theo kinh Vu Lan đức Mục Kiền Liên thiết trai cúng dường chư Tăng, nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề được thoát khỏi cảnh khổ. Trường hợp cha mẹ hiện tại làm giàu bất chính khi chết con cháu dùng tiền đó cúng dường trai Tăng để cầu nguyện cho cha mẹ như vậy có được siêu thoát không? Có đúng với tinh thần  mà đức Mục Kiền Liên cúng dường chư Tăng cứu mẹ hay không? A Di Đà Phật.
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Câu hỏi này là một câu hỏi rất dài và nó liên quan đến vấn đề lớn của chúng ta. Tôi xin trả lời câu hỏi này hơi dài dòng một chút để chúng ta có một cái nhận thức đúng đắn về pháp Vu Lan Bồn hơn. Thực sự thì vào ngày rằm tháng bảy chúng ta đến chùa, chúng ta nghĩ về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hoặc là cha mẹ bảy đời quá vãng rồi thì chúng ta thiết trai cúng dường trai Tăng để cầu cho cha mẹ siêu thoát, cha mẹ còn sống thì chúng ta tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ, chuyện đó thế gian người ta cũng dạy như vậy. Trong kinh Vu Lan thì Ngài Mục Kiền Liên là một vị đã chứng được lục thông và Ngài mới quá thấy mẹ của mình bị đoạ nơi cảnh ngạ quỷ tối tăm, khổ sở cho nên Ngài mới đem hết cái lòng hiếu thảo của mình xuống tận cảnh giới ngạ quỷ để dâng chén cơm cho mẹ.
Cơm đưa chưa đến miệng đà
Hoá thành than lửa nuốt mà đặng đâu
Cho nên Ngài Mục Kiền Liên không biết làm sao để cứu được mẹ mình mới về bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn mới dạy cái pháp Vu Lan Bồn
Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ
Mười phương Tăng đều dự lễ này
Phải toan sắm sửa chớ chầy
Đồ ăn trăm món, trái cây năm màu
Sắm sanh lễ vật để cúng dường chư Tăng và nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà cha mẹ mình mới được siêu thoát. Đức Mục Kiền Liên là người đã chứng được lục thông rồi mà còn không cứu nổi cảnh khổ của mẹ ở dưới địa ngục huống hồ gì mấy thầy tu phàm phu này thì cho dù có tụng thiên kinh vạn quyển đi chăng nữa chưa chắc cha mẹ mình được siêu thoát đâu. Nhưng cái vấn đề đức Phật muốn dạy cho chúng ta ở đây là gì? Trước hết là chúng ta phải nhận thức được bổn phận của mình ngay trong hiện tại. Thân phận của chúng ta ngay trong hiện tại là như thế nào? Quý vị đã nhận thức được mình hay chưa mà đòi nhận thức những cái gì đằng sau kiếp người này? Kiếp người này, thân phận của mình bèo bọt chúng ta mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi triền miên vô số kiếp rồi. Đến nỗi đức Thế Tôn cùng đoàn đệ tử đi đến thành Vương Xá nhìn thấy đống xương khô, đức Thế Tôn phải bật khóc và sụp lạy. Bởi vì biết rằng trong đống xương đó đã có nhiều đời nhiều kiếp chúng sanh trôi lăn ở trong đó, máu và nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển, xương của chúng sanh chất đống lại còn cao hơn núi Tỳ Khưu La ở thành Vương Xá. Cho nên đức Thế Tôn đã bật khóc. Ngài khóc là vì sao, có phải là giọt lệ của bi thương sầu cảm hay không? Xin thưa không phải, dòng lệ của đức Phật là giọt lệ đại trí của một bậc đại trí, đại bi. Vì sao gọi là đại trí? Bởi vì Ngài nhìn thấy hết tất cả cái nỗi khổ của chúng sanh trong tam giới lăn lộn triền miên vô số kiếp. Đại bi là gì? Vì thương xót tất cả chúng sanh. Cho nên, ngày lễ Vu Lan chúng ta đến chùa cái điều đầu tiên là chúng ta phải nhận thức thân phận của mình bèo bọt giữa sanh tử, chúng ta đã mang bao nhiêu thân rồi để chúng ta có thân người này và đằng sau cái thân người này chúng ta sẽ chui vào bao nhiêu cái bào thai nữa. Bây giờ chúng ta muốn chui vào bào thai con chó, con bò hay là chúng ta muốn giải quyết vấn đề sinh tử luân hồi này? Đó là điều đầu tiên mà người Phật tử phải nhận thức trong ngày lễ Vu Lan, khi nhận thức được mình rồi thì quý vị phải khởi tâm tu hành để giải thoát khỏi sanh tử luân hồi đó. Mà muốn giải thoát cái sự sanh tử đó thì không có gì hơn trong toàn bộ giáo lý của đức Phật dạy chúng ta phải tu tập giới, định và tuệ. Vì sao mà đức Phật dạy rằng cúng dường trai Tăng thì cha mẹ được siêu thoát? Cúng dường vào lúc nào, cúng dường cho ai? Cúng dường cho chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, thúc liễu thân tâm, tô bồi giới đức. Ở đây muốn nói gì quý vị? Đó là giới, lấy giới làm đầu nhân giới sanh định, nhân định phát huệ. Chư Tăng chú nguyện viên dung tức là sao? Sau ba tháng an cư kiết hạ tới ngày Tự tứ là ngày chư Tăng bộc bạch hết tất cả những lỗi lầm của mình để sám hối, sám hối thì được thanh tịnh. Chư Tăng chú nguyện viên dung nghĩa là chư Tăng tập trung tư tưởng lại để chuyển hoá cái nghiệp thức của chúng sanh. Tập trung tư tưởng lại đây là định, nhờ định này mà xua tan bóng tối ở nơi địa ngục, ngạ quỷ đó là huệ. Nói một cách dễ hiểu pháp Vu Lan Bồn không gì khác hơn là khuyên tất cả chúng ta hãy tu tập giới, định và huệ. Trong kinh Địa Tạng có dạy câu: “Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường dầu cho có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay nhau.” Bởi vì nghiệp ai thì nấy gánh.Tuy nhiên trong đời sống của chúng ta mọi người đều có sự tương quan mật thiết với nhau, chính vì thế mới gọi là chúng sanh đó quý vị. Chúng sanh là chúng nhân duyên sanh tức là những người có nhân duyên cùng sanh ra với chúng ta trong cuộc đời này, nhân duyên thì có những nhân duyên gần và có những nhân duyên xa. Nhân duyên gần nhất với mình là cha mẹ, bây giờ chúng ta cũng có nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp cho nên chúng ta mới làm cha làm mẹ làm con làm cái lẫn nhau, những cái duyên này có thể là duyên phước mà cũng có thể là nghiệp, nếu là phước thì làm đẹp mặt cho nhau, xây dựng cho nhau mà nếu nó là nghiệp thì làm khổ cho nhau. Mà phần đông thì làm khổ cho nhau nhiều hơn chứ không phải là làm tốt đẹp cho nhau đâu. Chúng ta đã ra đời là chúng ta làm khổ cho không biết bao nhiêu người rồi làm khổ chồng, khổ con, khổ cha, khổ mẹ. Khổ là vì sao quý vị? Vì mình không biết tu cho nên mình làm khổ người khác còn nếu mình biết tu thì người khác sẽ bớt khổ. Bây giờ, Phật tử hỏi một câu cha mẹ hiện tại làm giàu bất chính khi chết đi con cháu dùng tiền đó cúng dường trai Tăng để cầu nguyện cho cha mẹ, như vậy cha mẹ có được siêu thoát hay không. Thức sự ra cái vấn đề không phải mình cúng chừng nào thì mình được siêu thoát chừng ấy. Nếu như vậy cúng nhiều thì siêu thoát nhiều, cúng ít thì siêu thoát ít hay sao? Không phải là vấn đề đó. Vấn đề là bố thí là để dứt lòng tham. Đây là mục đích chính của Phật giáo, chúng ta tu tập để giải trừ tất cả phiền não của tham, sân, si. Bố thí là cái pháp đứng đầu để dứt được lòng tham. Quý vị nên nhớ như vậy. Cho nên, bây giờ mình cúng dường trai Tăng mà gọi một cách nôm na là bố thí, mình đem tiền của mình để cho người khác thì cúng dường trai Tăng cũng vậy, tức cũng là bố thí. Bố thí để dứt lòng tham. Cha mẹ của mình vì tham mà làm ra tiền bạc của cải, tất nhiên vì lòng tham đó mà bị khổ, bị những nghiệp do tham. Bây giờ, khi cha mẹ chết đi rồi con thấy cha mẹ khổ quá, con không biết làm sao, con xin dùng tất cả tiền bạc mà cha mẹ có được bất kể là nó đâu con xin cúng dường để cha mẹ nhận thức được xả đi nghiệp tham của mình. Vậy cha mẹ có siêu không quý vị? Đương nhiên là siêu. Chứ không phải nói cha mẹ tôi lúc trước ăn hối lộ, bây giờ chết tôi đem cái tiền đó vứt xuống dưới sông hết còn cúng đâu có được cái gì đâu, vậy thì nguy hiểm quá. Cái quan trọng của việc bố thí, cúng dường là để xả lòng tham. Khi quý vị làm được một điều phước thiện thì mình chuyển hóa được những người xung quanh từ kẻ âm cho đến người dương không riêng gì cha mẹ của quý vị mà tất cả mọi người cũng vậy. Tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện nhỏ như thế này để quý vị có thể hiểu được vấn đề tu tập là chỗ nào. Có một vị cư sĩ tên Bàng Uẩn đệ tử của Ngài Giang Tây Mã Tổ, ông là một vị trưởng giả giàu có. Sau khi ông ngộ đạo rồi, ông đem hết tất cả của cải ông đổ hết xuống sông, Mọi người mới tới nói ông rằng tại sao ông không dùng tiền bạc này ông cho kẻ nghèo mà lại đem đổ hết phí vậy, mang tội vậy. Ông liền trả lời tôi đã khổ vì những thứ này rồi bây giờ tôi đem nó cho người ta tức là tôi đem khổ lại cho người ta thêm nữa được cái gì đâu. Đây là câu nói của ông Bàng Uẩn. Còn tôi không khuyên quý vị đem đổ đâu nhưng mà cái vấn đề chúng tôi muốn nói là cái nhận thức của người tu tập chứ không phải cầu phước, cầu phước tham thêm. Tôi mới vừa nói Bồ Đề tâm hồi nãy, cái quan trọng là cúng dường để chuyển hóa nghiệp thức. Nghiệp thức của cha mẹ vì tham lam, bây giờ con xin cúng dường cái này để xả cái lòng tham của cha mẹ đi thì cha mẹ sẽ được siêu thoát. Đó là chưa nói trong kinh Địa Tạng có dạy: “Bảy phần công đức người chết hưởng được một phần còn sáu phần công đức kia thuộc về người tu tạo công đức.” Chúng ta mà tham lam vì danh, vì lợi, vì được tiếng khen mà làm tất cả những điều này thì vô tình chúng ta phỉ báng Phật. Cúng dường có siêu hay không siêu không phải quan trọng ở việc cúng dường mà ngay nơi việc đó chúng ta có xả được lòng tham hay không. Nếu chúng ta xả được thì cha mẹ chúng ta cũng nương nhờ cái đó. Bởi vì cha mẹ có nhân duyên rất gần với chúng ta mà nương nhờ cái đó được siêu thoát. Xin thưa quý vị, có nhiều người cha mẹ chết đi vì cái danh của mình làm đình đám đủ thứ cả thật là to mà không nương vào cái sự giải thoát phiền não tham, sân, si không lấy cái đó là cứu cánh thì quý vị dù làm bất kỳ việc gì nó cũng trở thành phỉ báng Phật pháp mà thôi. Còn quý vị biết nương vào nơi pháp mà đức Phật đã dạy như pháp cúng dường trai Tăng nói trong kinh Vu Lan để giải trừ những nghiệp thức của mình, để nhận thức thân phận của mình và sự bèo bọt của kiếp người mà cha mẹ của chúng ta cũng đã nhiều đời nhiều kiếp bị trôi lăn trong cõi dục. Chúng ta muốn cứu độ cho cha mẹ, muốn cứu độ cho chính bản thân của mình thì không gì khác hơn là cứ độ hết tất cả những phiền não đang tồn đọng trong tâm thức của chúng ta, đặc biệt đó là tham, sân và si.
Hỏi: Trường hợp cha mẹ lúc sinh tiền đã gây nhiều nghiệp ác khi thác bị đọa địa ngục nhưng người con lại quá nghèo không có tiền cúng trai Tăng mà chỉ thành tâm cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho cha mẹ được siêu thoát thì có được hay không? Và làm sao biết được rằng cha mẹ mình đã được siêu thoát.
Đáp: Tôi xin trả lời cái vế thứ nhất tức là con nghèo không có tiền cúng dường trai Tăng mà thành tâm cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho cha mẹ được siêu thoát thì cha mẹ có được siêu không. Thì vấn đề nó rất là rõ ràng, việc cúng dường trai Tăng đó là cái pháp, mượn cái pháp để mà thể hiện cái tâm của mình chứ còn quý vị không cúng dường trai Tăng mà ngày đó quý vị đi bố thí cho những người nghèo cũng được. Vì sao mà đức Phật nói cúng dường trai Tăng là công đức đệ nhất? Bởi và cái pháp này là cái pháp thanh định, chư Tăng thanh định, nhân giới sanh định nhân định phát huệ cho nên cái vấn đề cúng dường trai Tăng là một cái pháp mà qua đó có thể duy trì được giới, định và tuệ, đầy đủ Tam Bảo. Chính vì thế mà nói cúng dường trai Tăng là công đức tối thắng. Chứ còn thực sự cái việc bố thí, cúng dường không nhất thiết phải là trai Tăng mà cái quan trọng đó là cái tâm thí xả của mình. Phật tử này nói không có tiền cúng dường trai Tăng thì sao. Cúng dường nó không phải là có tiền hay không có tiền mà từ nơi tâm của mình. Ngày xưa, có một bà lão ăn mày trong thời của đức Phật. Một hôm có hội cúng dường đèn gọi là thiên đăng hội tức là cúng dường một ngàn ngọn đèn của vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc cúng dường một ngàn ngọn đèn cho đức Thế Tôn và các vị Tỳ kheo. Bà lão nghe nói đêm nay có lễ cúng dường đèn, bà là một người ăn mày nên không có tiền, bà đi xin suốt từ sáng đến tối bả dành dụm được chỉ đủ tiền để mua một nén dầu để tối hôm đó bà đem lên cúng dường trong hội thiên đăng. Sau cái lễ hội thắp đèn vừa xong, đức Phật bảo các vị đệ tử thân cận của mình như Ngài A Nan đi thắp những ngọn đèn ấy đi. Các vị ấy đi tắt đâu thì nó cũng hết sáng nhưng chỉ riêng có một ngọn đèn không tắt, làm cách gì nó cũng không tắt thì A Nan mới thấy lạ quá bèn đến bạch với đức Thế Tôn: “Bạch đức Thế Tôn! Sao cả ngàn ngọn đèn con tắt được hết rồi duy chỉ có một ngọn đèn quạt hoài nó không tắt?” Đức Phật liền nói đó là ngọn đèn của bà lão ăn mày. Bà ta là một bà ăn mày không có gì cả nhưng bà ta đã đem hết lòng thành kính của mình cúng dường đèn cho Phật chính vì thế công đức của bà lớn hơn công đức cúng dường một ngàn ngọn đèn của vua Ba Tư Nặc và năng lực, thần lực của Ngài A Nan không đủ sức để dập tắt ngọn đèn của bà lão này, không đủ sức để tắt đi cái lòng thành kính vô cùng thuần tịch trong con người của bà lão ăn mày này. Tôi nói như vậy để quý vị thấy rằng sự cúng dường không phải là có tiền hay không có tiền mà quan trọng ở tâm thí xả của mình nó lớn hay nó nhỏ. Khi tâm lượng của mình lớn thì mình sẽ làm được việc lớn, tâm lượng mình nhỏ mình sẽ làm việc nhỏ. Quan trọng là cái tâm lượng của chúng ta. Trong tất cả các pháp mà chúng ta tu tập chúng ta chỉ cần mở tâm lượng thật là rộng lớn tự nhiên nó sẽ chiêu cảm được tất cả phước báu đến với mình. Như thầy Thượng toạ Trụ trì chùa Hoằng Pháp đây, thầy làm được cái chùa Hoằng Pháp và đã tổ chức các đạo tràng như thế này là do cái gì quý vị? Có phải do thầy giàu không? Không hề giàu nhưng mà vì sao thầy làm được việc lớn, là vì tâm lượng lớn nên làm được việc lớn. Khi tâm lượng mình nó mở ra thì chiêu cảm được tất cả những phước báu đến với mình, đó là cái điều tôi tin tuyệt đối. Trong cuộc sống, quý vị làm bất kỳ việc gì hay trong sự tu tập cũng vậy, cha mẹ chúng ta mất đi sẽ siêu thoát được, quý vị khỏi phải làm cái gì mà chỉ cần xem thử tâm mình đối với cha mẹ dường nào. Nếu tâm lượng mình lớn cha mẹ sẽ nương nhờ tâm lượng mà siêu thoát, khỏi cần phải hỏi làm gì hay không làm gì cả. A Di đà Phật.
Câu hỏi 3: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng con có một bức xúc trong đời sống hàng ngày. Theo như lời các thầy dạy, người Phật tử trước tiên phải Phật hóa gia đình nhưng rất tiếc chúng con đã không làm được điều đó, mặc dù chúng con đã thực hiện đủ các phương tiện nào là băng đĩa, kinh sách không thiếu thứ gì nhưng chồng con của chúng con vẫn chẳng có tâm hướng về sự giải thoát. Mọi người đều quan niệm chỉ cần sống chân thật, không làm điều gì sai trái, miễn sao giữ tròn bổn phận làm người là đủ. Do đó, sống trong gia đình bên ngoài thì hoàn toàn hạnh phúc, nhưng tận đáy tâm hồn chúng con là kẻ độc hành giữa sa mạc mênh mông. Chúng con rất muốn  chia sẻ với người thân những niềm hạnh phúc những sự an lạc tuyệt vời khi đến với Phật pháp, chúng con vô cùng mong ước tất cả đều được hưởng những lợi ích giống như chúng con. Nhưng không hiểu sao giúp  người ngoài thì thật dễ dàng, riêng với gia đình chúng con đành bất lực. Chúng con thành kính cầu xin giảng sư chỉ dẫn chúng con phải làm thế nào? Cứ chờ đợi đến khi mọi người đầy đủ nhân duyên sẽ tự tìm đến Phật pháp hay là chúng con phải tích cực sách tấn hơn nữa?
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi biết rằng đời sống gia đình rất là khó. Người xưa có nói: “Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.” Ở chùa dù gì cũng có kinh kệ, thầy, Tổ nên tất cả mọi thứ tu dễ dàng. Còn tại gia nào là chồng, nào con nào cơm áo gạo tiền rồi đủ thứ hết cả. Cho nên tu tại gia mới là khó còn tu chùa thì dễ rồi, thực sự là vậy. Cho nên ông bà mình nói: “Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Thứ nhất là tu ở nhà, thứ nhì mới đến tu chợ bởi vì ở chợ nào bà bán cá chửi qua bà bán tôm chửi lại rồi đứ thứ các chuyện từ Nam Tào Bắc Đẩu, đầy dẫy những chuyện phiền não cho nên rất là khó tu. Quý vị mà ngồi bán hàng ngoài chợ mà tu được mới là chuyện lạ, chúng tôi cũng đáng đảnh lễ luôn. Cho nên tôi biết cái vấn đề ở ngoài rất là khó khăn. Nhưng đức Phật đã dạy chúng ta tu tập mà tất cả các Phật tử có những nỗi niềm bức xúc, nỗi niềm trăn trở này là một điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên với cương vị của một người ngồi trả lời vấn đáp với quý vị tôi cũng sẽ xin đặt một số vấn đề đối với quý vị. Bây giờ chúng ta là một người Phật tử, chúng ta đến chùa chúng ta tu tập chúng ta đã thu thập những cái pháp an lạc nơi đức Phật. Nhưng chúng ta đã mang cái khuôn của mình có được úp lên chồng, lên con rồi bắt chồng, con phải chui vào bên trong cái thấy của mình. Cái đó là cái điều đầu tiên làm cho gia đình của qúy vị không hạnh phúc. Có người Phật tử nói với tôi rằng hồi xưa con chưa biết chùa chiền gì hết nhà con nó an lành lắm vợ chồng sống coi như đẹp lắm từ khi con đi chùa về gia đình con nó lộn xộn hoài. Vậy coi như phải xem lại rồi đấy. Bởi vì sao vậy hôm nay mình ăn chay mới kho một nồi đậu hũ, thằng con nó ăn mặn đang gắp cá thấy nồi đậu hũ ngọn quá thò đũa vào gắp, liền nổi giận lên la nó um sùm lên, thì rõ ràng chỉ là việc thò đôi đũa vào cái nồi chay của mình thôi mà tam bành lục tặc nó đã nổi lên vậy rồi thì hỏi làm sao gia đình mình hạnh phúc được chứ. Có phải vậy không quý vị? Bởi vì thật sự đó Phật tử này có nói người Phật tử trước tiên phải Phật hoá gia đình. Điều quan trọng chúng ta cần phải hiểu thế nào là Phật hoá gia đình. Đây là vấn đề mỗi gia đình của mình cần phải hiểu và hãy trả tất cả mọi người trở về vị trí của họ để mình hoá độ. Đức Phật đã dạy chúng ta rất nhiều phương pháp để hoá độ chúng sanh mà chồng mình, con mình là chúng sanh gần để mình phải Phật hoá trước và hãy trả cho họ trở về vị trí của họ. Cái nhìn của Phật pháp là cái nhìn của hiểu và thương. Mình không hiểu họ thì làm sao mình thương họ, mình không hiểu không thương họ thì không bao giờ mình hoá độ được họ. Làm sao để hiểu và thương họ? Đức Phật đã dạy chúng ta bốn cái phương pháp để nhiếp hoá một chúng sanh, cái đó trong kinh gọi là tứ nhiếp pháp. Thứ nhất là bố thí, thứ hai là ái ngữ, thứ ba là lợi hành và thứ tư là đồng sự. Tôi kể cho quý vị nghe chuyện mẹ tôi khuyến tấn nhà tôi ăn chay để quý vị thấy rằng người Phật tử thật sự muốn Phật hoá gia đình phải có nhiều phương tiện lắm chứ không phải cứ mang cái thấy của mình mà úp lên chồng, úp lên con là vô tình làm cho gia đình lộn xộn thêm lên. Tôi thấy ở nhà quê mình có cái tật là bình thường ăn cái gì cũng ngon thịt, cá rồi đủ thứ cả nhưng mà mỗi lần ăn chay cứ nhè giã muối đậu mà ăn. Chồng đi làm về, thấy cái dĩa muối đậu là lắc đầu rồi, ăn kiểu này ăn sao nổi. Ăn chay đâu phải là ăn cực đâu quý vị thế mà có rất nhiều gia đình như vậy. Ngày thường ăn mặn thì nấu rất là ngon mà tới bữa ăn chay cứ đem luộc rau, giã muối đậu muối ớt bắt chồng con phải ăn như vậy. Cho nên họ ăn mãi họ nghe đến ăn chay là sợ rồi. Gia đình tôi mỗi ngày là được 10 ngàn tiền chợ nhưng mẹ tôi đi mua chỉ có 8 ngàn còn cất 2 ngàn rồi tới ngày chay thì cũng có được 10 ngàn như mỗi ngày và cộng thêm tiền mỗi ngàn dành dụm 2 ngàn mua thật là nhiều, mua đủ thứ về làm. Bố tôi đi làm về ngồi vào bàn ăn mới biết ăn chay cũng ngon quá vậy. Thấy ăn chay ngon quá rồi cả nhà bắt đầu ăn. Nếu mà kèm thêm một vài lời dịu dàng, từ ái nữa thì:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chang vợ húp gật đầu khen ngon.
Chứ còn cứ giáo hoá gia đình, bắt gia đình phải ăn cực ăn khổ với mình làm sao mà ăn. Phật hoá gia đình không có nghĩa là bắt cả gia đình mình hiểu Phật pháp như mình. Chồng có thể họ ít niềm tin hơn mình nhưng có thể họ có cái tâm thiện hơn mình đấy. Trong kinh hay gọi là thiện nam tín nữ là vì vậy đó. Ông chồng thấy ông không tới ông lạy Phật mà cái tâm thiện biết đâu nó lớn hơn của mình sao. Đứa con của mình nó lớn lên trong một môi trường giáo dục khác, mình không thể bắt nó chui vào trong cái ống thấy của mình được mà mình phải đặt mình vào cái vị trí của nó để hiểu nó. Mình đặt mình vào cái vị trí của chồng, con thì mình mới có thể giáo hoá được chồng, con. Tôi thấy có rất nhiều gia đình đi chùa mà trở thành cái địa ngục, điều này rất là tội nghiệp. Bởi vì mình cứ tưởng thế này mới là tu còn thế kia không phải là tu, vậy thì nguy hiểm quá rồi. Làm sao mà chúng ta có cái nhìn bất kỳ một điều nào tốt đẹp cũng là tu cả. Chồng thì phải chịu khó làm ăn, giữ tròn năm giới. Đó là ổng tu rồi chứ. Đừng có bắt ông lạy suốt như mình thì ổng đâu có lạy nổi nhưng ổng giữ tròn năm giới là tu đó rồi từ từ ổng ta sẽ hưởng được cái pháp vị an lạc, hạnh phúc trong sự tu tập của mình. Mà người vợ làm cho chồng phấn chấn lên để nhận ra cái điều đó nghĩa là không có sự cố chấp sẽ được. Cho nên ở đây Phật tử nói do đó sống trong gia đình bên ngoài thì hoàn toàn hạnh phúc, nhưng tận đáy tâm hồn chúng con là kẻ độc hành giữa sa mạc mênh mông. Chừng đó không thôi là nơi bản thân mình đã có vấn đề. Làm sao mình là kể độc hành được. Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời này có sự tương quan rất là mật thiết với nhau đối với chồng, đối với con cũng vậy. Nhưng mình tu tập, cái niềm vui của mình không phải là niềm vui của chồng. Mình bắt cái của chồng phải giống cái của mình thì tận đáy lòng mình là kẻ cô độc, đúng vậy. Nhưng mà một cái việc làm của chồng ngay cả công việc mà nó không dính dáng tới sự tu tập cả, mình gieo vào trong đó cái ý niệm của từ bi, của hiểu và thương thì đó chính là Phật hoá. Và giữa mình với họ vui với nhau. Hồi nãy tôi nói đến tứ nhiếp pháp, lợi hạnh đồng sự đấy. Mình không đồng sự cho nên mình là kẻ cô độc, mình đồng sự thì mình không bao giờ cô độc. Không riêng gì với chồng, với con mà đối với tất cả chúng sanh cũng như vậy, luôn luôn mình phải khởi cái tâm kết duyên với tất cả mọi người thương yêu tất cả mọi người. Dù quý vị sống trong gia đình đồng sàn dị mộng thì chắc chắn quý vị là kẻ cô đơn. Quý vị có thể nói tôi không có vợ, có con không có gia đình nên tôi nói dễ. Xin thưa với quý, quý vị chỉ có vài đứa con còn tôi có tới 30 đứa con, con của quý vị là con do quý vị đẻ ra còn con của tôi là những người đến từ các vùng miền khác nhau, trình độ học vấn cũng khác nhau đó là Tăng chúng trong chùa của tôi. Bây giờ tôi phải đối diện với 30 người như thế. Quý vị thấy như thế nào, dễ không quý vị? Và tôi cũng có những nỗi khổ giống như quý vị nếu tôi không biết đem Phật pháp vận dụng vào trong đời sống của một người trụ trì. Cho nên, tôi muốn chia sẻ với quý vị Phật tử cái điều này. Có một ông đệ tử của tôi sao mà tự nhiên tôi thấy ông ta là tôi nổi bực lên bởi vì cái nhìn của ổng nó không có sự thân thiện với mình, không có sự kính trọng, cái nhìn nó ngang tàng, phách lối như thế nào ấy. Mình nói cái gì chú nào cũng chắp tay: “Mô Phật! Bạch Thầy” còn chú này thì không. Cho nên giữa mình và cái chú đó không có được sự truyền thông. Cho nên, thời gian đầu tôi và chú cứ căng thẳng với nhau hoài. Tự nhiên một hôm tôi mới nghĩ ra như thế này mình đang làm thầy của chú mà thầy trò ở đây chỉ là nhân duyên chứ không phải là mình giỏi hơn chú hay mình ghê gớm gì hơn chú cả. Trước hết tôi nghĩ vậy, chứ không phải mình làm thầy thì cái gì mình cũng phải hơn chú. Thầy trò chỉ là nhân duyên mà cha mẹ với con cái cũng như vậy là nhân duyên với nhau chứ cha mẹ chắc gì đã hơn con cái, đúng hơn con cái. Nhưng mà là nhân duyên thì thầy phải ra thầy, trò ra trò, cha mẹ phải ra cha mẹ, con cái ra con cái. Thì cái điều đầu tiên trước hết tôi muốn đánh đệ tử thì tôi phải không nổi sân tôi mới đánh, sân thì sẽ không đánh. Cho nên, giả sử như lúc mình muốn đánh thì xem lại mình có sân hay không mà lúc hết sân rồi thì chẳng muốn đánh vì mình đâu còn nóng đâu mà đánh. Mỗi lần muốn đánh thì mình thấy mình đang sân đó nên rốt cuộc tôi không đánh đệ tử. Mãi rồi, tôi nghĩ phải làm sao để tìm được cái sự truyền thông giữa mình với cái chú đệ tử của mình. Dần dần, tôi nhận ra một điều cái là vấn đề không phải ở nơi chú mà vấn đề là ở nơi mình. Mình tưởng đâu mình là thầy chú cho nên mình đúng còn chú sai. Mình nhận ra vấn đề ở nơi mình là mình chưa có mở rộng lòng ra để ôm lấy cái tính kỳ cục của chú. Bởi vì chú thực sự là một người rất tốt, là một người rất là dễ thương nhưng mà cái bề ngoài của chú không ưa phục tùng, thích ngang tàng như vậy đó. Bây giờ mình vì khó chịu với cái sự ngang tàng đó cho nên mình mới bực mà mình đã bực tức là vấn đề nó ở trong mình rồi. Quý vị mà bức xúc là vấn đề ở trong quý vị rồi chứ không phải ở nơi người. Cho nên bây giờ phải giải quyết cái vấn đề ở trong mình, mình có đủ rộng lòng để ôm cái xấu đệ tử mình hay không, mình có ôm cái xấu của huynh đệ mình hay không. Huynh đệ thì mỗi người mỗi tính, mình có đủ cái tâm bao dung để ôm những cái vui, cái buồn của chú hay không. Khi mình làm được điều đó rồi mới có thể có được sự truyền thông. Khi tôi nhận ra được điều này, tôi nhận ra được cái lỗi là ở nơi mình. Cái lỗi mà mỗi lần mình gặp chú thì mình bực bội là do lỗi ở nơi mình thì tôi xả đi liền cái tâm đó. Từ đó giữa tôi với chú có một cái truyền thông với nhau. Chú rất là dễ thương, hiền lành, chú rất là ngoan ngoãn chứ không phải một người cứng đầu mà tại vì mình nghĩ cái hành động đó là hành động cứng đầu rốt cuộc giữa mình với chứ không có truyền thông với nhau được. Bây giờ, tìm ra được sự truyền thông thì thầy trò không có vấn đề gì với nhau nữa cả. Tôi nhận ra vấn đề ở chùa vậy thì vấn đề ở gia đình nó cũng giống như vậy. Phật tử nói rằng làm sao để người thân những niềm hạnh phúc những sự an lạc tuyệt vời khi đến với Phật pháp mà sự an lạc đó mình không có nên không thể nào người thân mình hưởng được cả. Đó là điều tôi nói rất là thẳng mà có thể Phật tử đồng ý hay không đồng ý không là vấn đề nhưng cái vấn đề là ở nơi mình trước rồi mới nói đến người. Nơi mình chưa giải quyết xong thì không bao giờ giải quyết được việc của người. Bây giờ Phật tử có nói là xin giảng sư chỉ dẫn chúng con phải làm thế nào? Cứ chờ đợi đến khi mọi người đầy đủ nhân duyên sẽ tự tìm đến Phật pháp hay là chúng con phải tích cực sách tấn hơn nữa? Tất nhiên chúng ta phải tích cực sách tấn hơn nữa nhưng cái điều này là chuyện nhỏ, chuyện lớn là bản thân chúng ta như thế nào rồi. Nếu bản thân chúng ta mà đã giải quyết được vấn đề của mình thì vấn đề chồng con của mình sẽ được chuyển hoá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...