Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư: Thích Đạo Quang
(Ngày 20/09/2009)
Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Đạo Quang:
Câu hỏi 1: Chồng con có thành kiến với mẹ vợ. Vì chữ hiếu con đã lén lút lấy tiền của gia đình gởi về giúp mẹ nghèo khó đau ốm. Chồng con nghi ngờ bắt con phải thề, nếu có lấy tiền cho mẹ thì phải chịu tội chết, con vì thương mẹ nên đã thề cho yên. Con rất đau khổ không biết làm sao cho trọn cả tình lẫn hiếu. Xin quý Thầy hoan hỷ giảng giải việc con lấy tiền của gia đình cho mẹ ruột của mình có phạm tội trộm cắp không? Nếu không làm như vậy con phải làm gì để báo hiếu mẹ? Việc thề như vậy có mang tội lừa dối chồng hoặc lời thề đó có hại gì cho bản thân không? Mong quý Thầy từ bi chỉ dạy.
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Ngưỡng bái bạch trên đức Thầy, kính bạch chư Đại đức Tăng, kính thưa toàn thể quý vị thiện nam tín nữ Phật tử. Qua câu hỏi số một, đây là một vấn đề đau lòng đối với con người thời hiện đại. Từ xưa nay, chúng ta vẫn nghe nói chuyện nàng dâu và mẹ chồng tương đối nhiều, rất ít nghe nói vấn đề chàng rể đối với mẹ vợ. Hôm nay, vấn đề này xuất hiện chứng tỏ rằng trong xã hội bắt đầu hình thành mâu thuẫn giữa chàng rể và mẹ vợ. Vấn đề này chúng ta cần phải lưu ý. Trong câu hỏi này có ba vấn đề đặt ra.
Vấn đề thứ nhất, lén lấy tiền cho mẹ ruột của mình như vậy có trộm cắp hay không. Theo tất cả ý kiến đóng góp của hết thảy quý vị Phật tử trên toàn cầu gửi về cho câu trả lời này, hết 90% các vị ấy công nhận là lén lấy tiền cho mẹ ruột là mang tội trộm cắp. Theo quan điểm của cá nhân mạt nhân cho rằng cái việc lén lấy tiền cho mẹ ruột thì chúng ta phải hiểu như thế này. Các vị thấy trong câu hỏi có cái từ “nghèo khó” và “đau ốm”, trong khi mẹ nghèo khó và đau ốm mà chúng ta lén lấy tiền của chồng cho mẹ như vậy chúng ta có mang tội trộm cắp hay không? Chúng ta hãy khoan bàn đến vấn đề có tội hay không tội, chúng ta chỉ xét đến vấn đề tình người mà thôi. Từ khi chúng ta sinh ra cho đến khi chúng ta trưởng thành, trong những năm ấy các vị hãy làm phép toán cộng thì xem thử trong suốt những năm ấy cha mẹ đã bỏ bao nhiêu tiền để nuôi chúng ta. Với số tiền cô này lấy để cho mẹ mua thuốc, để chữa bệnh so với số tiền trong bao nhiêu năm mẹ nuôi cô này thì có đủ bù đắp vào hay không? Mạt nhân thiết nghĩ chẳng thấm vào đâu, chẳng khác nào hạt cát trên sa mạc và hạt nước trong đại dương. Cô lấy nhiều nhất đi chẳng nữa cũng một hai triệu đồng mà thôi so với số tiền bố mẹ cho chúng ta từ tấm bé chẳng thấm vào đâu cả. Thế tại làm sao trong suốt ngần ấy năm trời bố mẹ cho chúng ta từng ấy tiền bạc mà chúng ta không tính, hôm nay lấy cho mẹ một ít tiền như vậy mà chúng ta lại so đo và tính toán. Cũng xin hỏi lại người chồng này nữa từ khi còn tấm bé cho đến khi anh lấy chị ta, trong suốt những năm ấy chị ăn ở đâu, chị lấy gì chị mặc và ai cho chị tiền để chị đóng tiền học, ai nuôi nấng chị trở thành người để cho anh lấy. Hôm nay chị đã lớn, đã làm vợ của anh, làm bao nhiêu tiền cũng chu cấp cho anh, chu cấp cho con anh, chu cấp cho gia đình của anh thế mà chị lấy một số tiền về để cung phụng cho mẹ trong khi mẹ đau ốm và nghèo thiếu, thế mà anh nghi ngờ và bắt chị phải thề. Như vậy, xét về tình người anh này có xứng đáng hay không? Lại thêm một thí dụ nữa, thí dụ như sáng cô này ra chợ cô gặp một người ăn xin, người này quá sức nghèo, cô rút trong túi ra mấy ngàn ra cho người ăn xin, thì thử hỏi mấy ngàn đó cô về cô không nói với chồng vậy có mang tội trộm cắp hay không? Tại sao mấy ngàn cho người ăn xin thì không mang tội trộm cắp còn lấy tiền cho mẹ lại mang tội trộm cắp? Lập luận lấy tiền cho mẹ mang tội trộm cắp, mạt nhân không chấp nhận. Tại sao lấy mấy ngàn cho người ăn xin chúng ta lại khen rằng cô này có cái tâm mạnh thường quân, có cái tâm bố thí, có cái tâm Bồ Tát thế mà lấy tiền cho mẹ trong khi mẹ ốm đau, nghèo khó như thế chúng ta lại cho cô mang tội trộm cắp. Như vậy có oan cho cô hay không?
Vấn đề thứ hai, chúng ta phải xem sở dĩ người chồng cho rằng việc cô này lấy tiền cho mẹ là một điều không tốt bởi vì hai cái chữ “thành kiến”. Quả thật là khi thương thì thương cả đường đi, khi ghét thì ghét cả tông chi họ hàng, khi thương quả ấu cũng tròn mà khi ghét thì trái bồ hòn cũng méo. Khi thương thì chúng ta đủ khả năng để bỏ qua tất cả mọi sai lầm mà người khác đem đến cho chúng ta mà khi ghét rồi thì dầu một tí lỗi, một chút tội thì chúng ta cũng moi móc, đào bới để mà chúng ta chê bai và ganh ghét. Cái sự thành kiến của người chồng thì chúng ta không nên đổ lỗi hết cho một phía mà chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao người chồng lại thành kiến. Mạt nhân nghĩ cái điều thứ nhất khiến cho người chồng thành kiến có lẽ là do người mẹ vợ của mình quá khắt khe. Người mẹ vợ sống quá khắt khe, sống quá ích kỷ, không lo làm mà chỉ lo hưởng thụ thì chắc chắn con rể thành kiến là đúng. Đối với người con gái người ta sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của mẹ nhưng đối với người rể thì người ta khó chấp nhận lỗi ấy. Trong đầu người ta đặt ra rằng tại sao mẹ vợ của mình không lo làm ăn, không lo tiết kiệm mà chỉ lo suốt ngày chỉ lo hưởng thụ như vậy khi bà ta đau bệnh thì mặc kệ, đáng đời. Đó là cái thành kiến từ phía mẹ vợ. Điều thành kiến thứ hai có thể là do người chồng quá ích kỷ và nhỏ mọn. Cái tâm ích kỷ và nhỏ mọn của anh nó làm cho anh không thể rộng mở, thương yêu và tha thứ. Do cái vấn đề không thể thương yêu và tha thứ đó nó làm cho cái tâm anh trở nên ích kỷ và nhỏ mọn. Cái vấn đề thứ ba mà khiến cho người chồng thành kiến cũng có thể một phần do bên phía người vợ, người vợ xem thử chị đã có lần nào chị đem tiền cho mẹ chồng chưa, chị có mua cho mẹ chồng một hai món quà chưa, chị có mua cho mẹ chồng bộ đồ mới khi Tết về hay chưa. Nếu như chị chưa lo cho mẹ chồng được thì chị đừng mong chồng của chị lo cho mẹ ruột của chị được. Vả lại chị xem lại chị có tôn kính mẹ ruột của mình hay chưa, nếu như mẹ của mình mà chị không tôn kính thì đừng mong chồng tôn kính mẹ của mình. Vấn đề này trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội hiện đại. Hôm trước có một người Phật tử đến khóc và than với mạt nhân như thế này. Bà ấy có một người con gái, bà ta rất là tội phải đi bán xôi và ông chồng đạp xích lô. Một người vợ đi bán xôi còn ông chồng thì đạp xích lô bằng mọi giá cũng nuôi cho con gái học đại học. Học xong đại học, ông bà cố gắng chăm chút từng đồng, từng tí như vậy cho con mình đi Singapo du học. Các vị biết hằng ngày bà phải mang một cái thúng xôi đi quanh quận Gò Vấp để mà rao bán, từ đầu đường đến cuối xóm. Ông chồng phải còng lưng đạp xích lô giữa cái nắng oi bức của Sài Gòn để hàng tháng có tiền gửi qua cho đứa con ở Singapo để học, khi cô gái này cầm cái bằng thạc sĩ trong tay trở về nước được nhận ngay vào một cái trường đại học để dạy ngoại ngữ với số tiền lương tương đối cao. Bà này có một ngôi nhà ở đoạn đường Thống Nhất, thế là cô con gái này lấy luôn ngôi nhà để mà dạy thêm. Từ đó, cô này có chồng và tất cả mọi tiền bạc chi tiêu cô này đều đưa cho chồng cả. Bà mẹ mới nói với cô rằng giờ cha mẹ không đủ khả năng để làm nữa, giờ nhà này mẹ cho người ta thuê một tháng được hai triệu, một triệu để lo tiền ăn uống còn một triệu để cha mẹ đi chùa. Cô này kêu bố mẹ già rồi cần gì tiền cứ để con làm rồi con lo cho cha mẹ ăn uống. Thì bà này thương con không biết làm cách nào mới để cho con tiếp tục dạy học. Các vị biết tiền ăn uống thì cô này lo, nhưng người già người ta có một thói quen thích có đồng tiền trong túi. Có đồng tiền trong túi để họ đi chùa, cúng dường, mua một cái đĩa hay quyển sách nào đó thì người già họ thích như thế. Dù cái tiền đó họ không xài nhưng họ vẫn thích có tiền trong túi, lâu lâu đem ra đếm lại. Đó là cái bản tính của người già, thì bà cụ này cũng như thế. Bà muốn có tiền trong túi để mà đi lại thế mà cô này lại không cho tiền nên bà bức xúc quá. Một lần đi khám bệnh phải ngửa tay xin tiền rể, sỉ nhục gì bằng. Mà người con rể này lại khá hà tiện cho đúng ba trăm ngàn. Mà quý vị biết ở Sài Gòn này, đi khám bệnh có ba trăm ngàn thì làm được cái gì, không là được cái gì cả mà muốn vào bệnh viện thì ít nhất phải có vài triệu ở trong túi. Rồi từ khi cô này lấy chồng về thì cô có một cái tuyên bố là không cho chồng làm một cái gì cả để chồng ở nhà như vậy, một ngày chỉ làm hai công việc buổi sáng chở cô đi dạy, buổi chiều đó cô về, cơm nước cũng do người mẹ ruột mình lo. Bà mẹ ruột mà đụng chạm đến rể thì cô này tuyên bố mẹ có thể từ chứ chồng không thể bỏ. Cô này nói rằng ông bà già chết rồi thì thôi chứ chồng chết rồi kiếm đâu ra người chồng thứ hai. Một điều hết sức là ngịch lý trong xã hội hiện đại. Và ông bà già này suốt ngày cứ khóc và khóc. Chén cơm của ông bà ăn là chan bằng nước mắt và sự đau khổ. Bà đến gặp mạt nhân trình bày. Mạt nhân thiết nghĩ với cách giải quyết hiện tại, mạt nhân kêu bán nhà. Cái giải quyết bán nhà đó là giải quyết cuối cùng, vì có nhà đi chăng nữa thì ông bà này cũng không có tiền xài. Bà bán cái nhà được hai tỷ rưỡi và bà quyết định bà cho con gái năm trăm triệu, một tỷ bà mua một căn hộ, năm trăm triệu gửi trong ngân hàng, còn lại số tiền năm trăm triệu để dùng. Như vậy, bà sẽ dùng tiền lời hằng tháng gửi trong ngân hàng để chi tiêu cuộc sống hằng ngày. Và bây giờ cuộc sống của bà rất vui vẻ. Trong khoá Tu Một Ngày này cũng có sự hiện diện của hai vợ chồng. Cho nên các vị xem, nếu mình không tôn trọng cha mẹ của mình, đừng mong chồng của mình tôn trọng cha mẹ của mình.
Cái vấn đề thứ ba đặt ra đó là cô này hỏi việc thề như thế có mang tội lừa dối chồng hay không? Mạt nhân thiết nghĩ chắc chắn mang tội lừa dối. Bởi vì đã là vợ chồng thì chúng ta phải có quyền bình đẳng như nhau, người xưa nói là của chồng công vợ. Khi lấy tiền ra thì chúng ta phải xin phép, hỏi han. Tuy mang tội lừa dối nhưng mà không có lỗi. Chúng ta giả sử nếu như người mẹ bệnh hoạn đang nằm rên xiết trong bệnh viện chờ chữa trị, nếu không có tiền thì bà mẹ phải chết. Bây giờ, người rể lại quá ích kỷ nhỏ nhoi, không cho tiền mà bây giờ nếu không có tiền thì bà sẽ chết. Bất đắc dĩ cô này phải lấy tiền cho mẹ chữa bệnh, đó là một việc làm đại hiếu. Lỗi cô này một mình gánh hết để cho mẹ mình hết bệnh. Đó là một tâm của Đại thừa Bồ Tát. Bồ Tát Địa Tạng Ngài phát nguyện mình vào trong địa ngục để cứu chúng sinh khi nào chúng sinh không còn nữa thì mình mới được thành Phật. Thì cái tâm của cô cũng có thể nói là như thế. Cô chấp nhận tội lỗi hết để cho mẹ mình được hết bệnh. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải đặt ra, ngay cả vấn đề nói dối vì cái mục đích cứu người cũng còn không mang tội huống gì là cô vì chữ hiếu thì không có gì chúng ta cần nói đến. Trong luật dạy, từ bi lợi tế giả bất phạm, vì từ bi lợi tế cho mọi người mà nói dối thì cũng không phạm. Ví dụ các vị đã quy y Tam Bảo thọ trì năm nguyên tắc đạo đức. Bây giờ quý vị ngồi trong này thấy một con thỏ chạy vào nó trốn dưới bàn, và có một tên thợ săn đến hỏi. Nếu như các vị giữ giới không nói dối, quý vị nói là có nó ở dưới bàn thì như vậy vô tình các vị giết chết con thỏ này. Quý vị mang tội sát sanh. Lúc này quý vị phải nói rằng không thấy, mục đích cái tâm thái nói không thấy là để cứu con thỏ chứ không phải nói dối để lừa dối ông thợ săn. Quan trọng là cái tâm thái chúng ta làm khi việc xảy ra. Các vị nói không thấy là các vị đã cứu được con thỏ mà không mang tội nói dối. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói điều này rất là rõ ràng ở phẩm Hoá Thành Dụ, có một đám người đi trên một đoạn đường rất là xa mà nước đã hết, đường thì xa, mệt mỏi. Lúc này có một vị hiền sĩ đầy đủ đạo lực, đầy đủ sức thần thông biến làm một cái thành để cho mọi người này dừng chân và nói rằng đây là đến đích rồi. Thế là mọi người vô trong đó ăn uống, nghỉ ngơi một cách thoải mái. Khi mọi người này khoẻ lại rồi thì vị hiền sĩ này mới nói rằng đây là cái thành do ta hoá ra chứ không phải là đích đến, cứ đi tiếp đi sẽ đến đích. Đức Phật mới hỏi chư đệ tử rằng người hiền sĩ nói như thế có mang tội nói dối hay không. Chư đệ tử nói người hiền sĩ nói như thế không mang tội nói dối tại vì cái phương tiện phải làm như vậy, đức Phật cũng nói như thế: Khi lúc đầu, ta nói nhị thưa được giải thoát nhưng đến thời kỳ nói kinh Pháp Hoa thì bậc nhị thừa vẫn chưa được giải thoát.Vì cái phương tiện mà Ngài phải làm như thế. Và chúng ta phải mở ngoặc nên tránh cái chỗ này, cẩn thận chớ có việc gì cũng nói dối sẽ trở thành một cái khẩu nghiệp. Việc gì đáng nói dối để cứu người, cứu vật thì nên nói còn cái việc gì không đáng nói mà chúng ta nói thì sẽ trở thành một cái khẩu nghiệp, chúng ta cần nên tránh.
Và cô này cũng có hỏi thề như thế có hại gì cho bản thân hay không. Cô này thề nếu có lấy tiền cho mẹ ruột thì cô sẽ chết, có hại cho bản thân cô hay không. Nếu như cô không thề thì cô này có chết không? Không thề thì cô cũng phải chết mà có thề cô cũng chết, mà nếu có chết vì mẹ thì cũng xứng đáng. Thân người là vô thường, có ai sống trường thọ mà không chết đâu. Đức Phật nói cho dù một vai cõng cha, một vai cõng mẹ đi vòng hòn núi Tu Di đến trăm ngàn kiếp công ơn kia vẫn chưa đáp đền. Bây giờ mà mình có chết cho bố mẹ được khoẻ mạnh thì chúng ta chết cũng xứng đáng. Chúng tôi có một lời khuyên như thế này. Đối với người chồng thì người chồng hoặc là người vợ hãy xem bố mẹ vợ hoặc là bố mẹ chồng của mình giống như là cha mẹ ruột của mình. Đối với bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ hãy xem con dâu hoặc là con rể của mình giống như con của mình sinh ra. Đối với người vợ thì có lời khuyên như thế này, chị hãy sống chân thật, hãy dùng lời dịu ngọt, hãy có những việc làm thiết thực đó là chăm sóc cho mẹ chồng của mình, dùng những lời ôn hoà để khuyến hoá chồng của mình để kết nối lại cái sợi dây truyền thông giữa chồng và mẹ ruột của mình. Đến khi nào cái sợi dây truyền thông kia được kết nối, mọi người được ôn hoà và vui vẻ thì lúc này cô hãy nhận trước kia cô đã có lấy một ít tiền cho mẹ ruột. Lúc này, chắc chắn rằng người chồng sẽ hoan hỷ và tươi cười.
Vâng kính thưa đại chúng, qua phần giải đáp vừa rồi của Đại đức thì chúng ta nhận ra tất cả đều là do lòng ích kỷ hẹp hòi, thiếu chút vị tha rộng rãi nên mới dẫn đến tranh cãi. Người chồng không biết thông cảm nỗi khổ tâm khi vợ nhìn thấy cha mẹ bên mình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ nên mới giúp đỡ. Nhưng cũng có khi người vợ cũng chưa được khéo léo, chỉ lo bên mình không ngó ngàng gì đến bên chồng, ngay lúc đó đã gây ra mất tình cảm với chồng gây mất thiện cảm với gia đình bên chồng. Sử xự như thế thì hạnh phúc khó mà bền vững. Vì vậy người thông minh thì phải khéo léo ứng xử sao cho tốt đẹp gây thiện cảm giữa đôi bên, đừng để việc lén lút hay thề thốt diễn ra. Vì điều đó là mầm mống, hạt giống bất thiện như Đại đức Giảng sư vừa trình bày.
Câu hỏi 2: Kính bạch quý Thầy, thỉnh thoảng con có đi chùa lễ Phật, nghe pháp nhưng chưa quy y Tam Bảo. Nếu chưa quy y Tam Bảo có thể tham dự các khóa tu do chùa tổ chức được không? Xin quý Thầy giải thích cho biết lợi ích của quy y Tam Bảo.
Đáp: Câu hỏi này có hai vấn đề cần giải quyết.
Vấn đề thứ nhất, chưa quy y Tam Bảo tức là chưa quay về nương tưa ba ngôi báu có được tham dự các khoá lễ do chùa tổ chức được hay không. Vấn đề này phải hỏi qua trưởng Ban tổ chức. Nhưng mạt nhân thiết nghĩ trong kinh Pháp Hoa đức Phật có dạy rằng lời nói của đức Như Lai nói ra giống như mật trận mưa lớn cây lớn sẽ hấp thụ theo cây lớn, cây bé sẽ hấp thụ theo cây bé, cỏ cây sẽ hấp thụ theo cỏ cây như vật là không loài nào là không được thấm nhuần, không một động vật nào là không được hưởng. Vả lại ánh mặt trời buổi sáng xuất hiện từ phương Đông dần dần hé lộ lên đem ánh sáng cho tất cả cõi địa cầu này. Ánh mặt trời đó có phân biệt rằng chiếu vào đất nước Việt Nam mà không chiếu vào đất nước Campuchia hay không? Không có. Vì thế vấn đề mà chùa tổ chức các khoá tu không có chỉ dành riêng cho Phật tử mà theo mạt nhân nghĩ hết sức là mong muốn những người chưa phải là Phật tử đến chùa tham dự khoá tu bởi vì cần hoá độ những người chưa giác ngộ. Vấn đề này còn có một điều mà mạt nhân hết sức là đắn đo, có lẽ các vị đã đặt ra, mà mạt nhân cũng nghe nhiều người nói như thế, họ nói bằng một cái giọng hết sức là khắt khe. Họ nói thế này chùa Hoằng Pháp này giàu rồi nên chùa chỉ dành cho những người giàu còn những người nghèo thì chùa không đón, không tiếp. Xin thưa nói với tâm thái như vậy thì không có đúng. Các vị xem các khoá tu Phật thất, khoá Tu Một Ngày, khoá tu cho bệnh nhân ung bướu thì có phân biệt ai đâu, chùa có phân biệt người giàu người nghèo đâu, thực sự không có. Mà chùa chúng ta giàu ở chỗ nào, cơ sở lớn cho ai? Cũng cho quý vị, chứ thầy trò chúng tôi cũng ngủ một cái đơn, ăn ba bữa chay. Tạo dựng cái giảng đường máy lạnh này cho ai? Cũng cho các vị ngồi. Như vậy, tại sao nói là chùa phân biệt người giàu người nghèo. Xin thưa, chùa không bao giờ phân biệt người giàu người nghèo. Những ai mà nói chùa hôm nay chỉ dành cho người giàu không xem người nghèo ra gì thì là sai hoàn toàn. Các vị đến chùa tham dự khoá tu đều được lợi ích như nhau, được ăn uống như nhau, đều được phần quà như nhau, đều được niệm Phật như nhau. Như vậy đâu có phân biệt giàu nghèo. Do đó, Ban tổ chức các khoá tu với cái tâm mong muốn và kêu gọi những người chưa phải là Phật tử đến chùa còn những người Phật tử đến chùa thì càng tốt.
Điều thứ hai cô này hỏi về lợi ích của việc quy y Tam Bảo. Nói về lợi ích của việc quy y Tam Bảo thì vấn đề đầu tiên là chúng ta cần phải nói là quy y thì phải tự nguyện. Phật giáo không giống như những tôn giáo khác là không ép buộc, không dùng tiền bạc, không dùng tình yêu để mà lôi kéo. Đến với đạo Phật là đến với sự tự nguyện, học đạo Phật là học theo cái sự giác ngộ của đức Phật, học theo cái sự tự giác. Không ai lôi kéo các vị đến chùa cả, nếu như các vị không muốn đến mà dù cho kéo các vị đến đi chăng nữa thì cũng đến bằng cái thân mà không đến bằng cái tâm. Phật giáo muốn điều đầu tiên mà quý vị quy y Tam Bảo đó là đích thân quý vị phát tâm đến chùa quy y. Do đó, việc quy y các vị phải đến trực tiếp để nhận lãnh giới pháp chứ không quy y dùm. Đó là vấn đề của chùa chúng ta đặt ra. Trên thế gian này không có nơi nào đáng nương tựa bằng nương tựa vào ba ngôi báu đó là Phật, Pháp và Tăng. Dù có nhiều tiền đi chăng nữa khi chúng ta nương tựa vào tiền, một khi tiền hết thì chúng ta cũng không còn, nương tựa vào chồng một khi chồng có vợ bé thì mình đau khổ, nương tựa vào vợ một khi vợ ngoại tình thì mình điên loạn, nương tựa vào con mà con nó lo cho chồng không lo cho mình thì mình cũng khóc. Ngay cả cái thân của chúng ta cũng không đáng cho chúng ta nương tựa bởi vì đức Phật dạy có thân là sẽ có chết, trên cuộc đời này không có ai có sinh mà không có tử cả. Sinh tử là một định luật tất yếu của xã hội này. Lợi ích của vấn đề quy y thứ nhất là đối với bản thân, Tam Bảo có đầy đủ được công đức, đầy đủ được giải thoát nếu chúng ta muốn hấp thụ được công đức và sự giải thoát đó thì chúng ta phải bước vào ngôi nhà của Phật pháp. Lợi ích thứ hai của vấn đề quy y Tam Bảo đối với bản thân là mình có cơ hội làm mới lại mình tức là nhận ra những lỗi lầm của mình đã gây tạo, bởi vì khi quy y Tam Bảo là mình phải thực hành năm nguyên tắc đạo đức. Đó là ý thức được những tội lỗi do việc sát hại gây ra, ý thức được những tội lỗi do việc nói dối gây ra, ý thức được hạnh phúc gia đình là xây dựng trên sự chung thuỷ. Do ý thức được những đều đó và học tập được những kinh nghiệm tu tập từ chư Tôn đức, học tập được các giáo lý giống như Tứ Diệu Đế, nghiệp, nhân quả, nhờ học tập được như thế thì chúng ta mới thăng hoa trên con đường giải thoát của mình. Đối với gia đình và người thương, khi chúng ta quy y Tam Bảo thì chúng ta xây dựng được một gia đình hạnh phúc, sống đúng nguyên tắc đạo đức, kết nối được sợi dây truyền thông giữa mình và con cháu và nếu chúng ta đã quy y Tam Bảo thì gia đình không lo lắng. Chúng tôi lấy ví dụ như các vị có một người con mà con các vị giữ đúng năm nguyên tắc đạo đức thì các vị có vui hay không? Trong nhà nếu như chồng các vị mà không uống rượu thì các vị có vui hay không? Không có người phụ nữ nào muốn chồng mình đi uống rượu. Nếu như trong gia đình mà chồng của mình quy y Tam Bảo thì ông sẽ không uống rượu, không ngoại tình. Thứ ba đối với xã hội, nếu như mọi người trên thế gian này biết quy y Tam Bảo, biết giữ năm nguyên tắc đạo đức thì xã hội này không còn lo lắng nữa. Bởi vì xã hội này không còn người trộm cắp, không còn ai sát sinh, không còn người nói dối, không còn tà dâm, không còn uống rượu thì xã hội này là một xã hội thái bình thật sự. Muốn có xã hội thái bình thật sự thì mọi người phải quy y Tam Bảo, vấn đề đó là vấn đề chắc chắn. Do vậy, Phật giáo là một nền giáo dục tối cao trong xã hội, Phật giáo là một nền giáo dục đưa con người đến với nền tảng đạo đức giải thoát và chân thật. Do đó, ai cũng biết học tập theo Phật giáo thì xã hội này thái bình thật sự. A Di Đà Phật.
Câu hỏi 3: Kính bạch Đại đức Giảng sư! Con may mắn được biết đạo Phật khi tuổi còn nhỏ. Thế nên, con đã quy y Tam Bảo tại một chùa tu “Thiền”. Nay con được biết chút ít pháp môn Tịnh Độ. Con rất muốn thực hành theo pháp môn này, nhưng con đã quy y chùa tu Thiền. Vậy bây giờ con muốn tu theo pháp môn Tịnh Độ, con có phải quy y một chùa tu theo pháp môn Tịnh Độ không ạ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Đáp: A Di Đà Phật. Câu trả lời duy nhất của chúng tôi đó là không cần quay về nương tựa với bất kì ngôi chùa nào khác. Bởi vì sao? Khi quý vị phát tâm quy y đó là quy y, quay về nương tựa ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng. Khi quý vị quy y có nói là mình quy y Thiền hay Tịnh không? Khi quy y là quy y Phật, Pháp và Tăng chứ đâu quy y Thiền, quy y Tịnh đâu. Các vị thấy rằng pháp môn tu của quý vị không thích hợp thì các vị có thể chuyển sang tu các pháp môn khác. Đó là một cái nhân duyên của mỗi người mà thôi. Còn vấn đề quy y là quy y Phật, Pháp và Tăng. Phật là Phật của mười phương, Pháp là pháp trong mười phương, Tăng là Tăng trong mười phương. Các vị có thể đến chùa Tịnh Độ tu tập nhưng lâu lâu các vị cũng phải trở về chùa của Thầy Bổn Sư mình để mà thăm Thầy. Do đó, khi quy y rồi, các vị có thể thực tập cái pháp môn nào đó mà chúng ta thấy thích hợp. Phật nói ra tám mươi bốn ngàn pháp môn cũng vì mục đích muốn cho phù hợp với căn cơ của mỗi chúng sinh. Do đó, dù Thiền, dù Tịnh, dù Mật, dù Hoa Nghiêm, dù Pháp Hoa… cũng vì mục đích đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát. Có điều nhanh hay chậm, dễ hay khó mà thôi. Trong mười tông của Trung Hoa, được các chư Tổ xem là mười tông phái chính được lưu hành trong Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng có ảnh hưởng. Trong mười tông ấy hết chín tông là nan hành và một tông là dị hành, một tông dị hành đó là tông Tịnh Độ được chư Tổ xếp vào là tông dị hành tức là tông dễ tu tập. Nói đến đây thì các vị cần phải phân biệt được giữa Thiền và Tịnh, chúng ta phải thấy rõ ràng Thiền, Tịnh là gì, mục đích của Thiền, Tịnh đưa chúng ta đến đâu. Dù Thiền hay dù Tịnh cũng đều có mục đích chính đó là đưa chúng ta đến con đường giải thoát, con đường cứu cánh, con đường tối thượng. Mục đích của Thiền đưa chúng ta đến định mà định này là đưa chúng ta vào cảnh giới của Niết Bàn an lạc ngay trong hiện tại. Nếu như các vị tu Tịnh Độ niệm Phật nhất tâm thì các vị cũng đạt đến cái niệm Phật Tam Muội, Tam Muội là định, thì cũng giống nhau. Khi tu thì có sự phân biệt con đường khác nhau, nhưng cứu cánh là một không hai, không khác.
Câu hỏi 4: Con có một người bạn, một hôm chúng con đi chùa từ ngoài cổng bước vào chánh điện, con thấy tôn tượng đức Bổn Sư liền sụp lạy. Bạn con bảo phải lạy Tổ trước. Con nói như vậy có cố chấp lắm không. Tại sao phải đi vòng ra sau lạy Tổ rồi vòng ra trước mới lạy Phật. Bạn nói không tin thì hỏi quý Thầy. Con xin hỏi vậy tại sao phải lạy Tổ trước? Nam Mô A Di Đà Phật.
Đáp: Xin thưa quý vị, cái vấn đề lạy Phật và lạy Tổ thì lạy nào trước, cái câu trả lời đó là tuỳ duyên. Thí dụ theo lẽ thường là phải lạy Tổ trước rồi lạy Phật vì trong chùa phải có trên, có dưới, có trước, có sau. Như các vị vào một công ty đâu có dễ gặp được ông giám đốc, mà khi ta muốn gặp ông giám đốc thì đầu tiên vào qua bảo vệ, rồi sau đó vào văn phòng, thư kí rồi mới được gặp ông giám đốc. Muốn gặp thầy Trụ trì thì cũng qua văn phòng, văn phòng thỉnh Thầy xuống thì mới được gặp, chứ các vị không thể chạy thẳng lên phòng Thầy, đó là thể hiện sự bất kính. Nhưng các vị muốn đến gặp Thầy khi vừa đến cổng chùa, các vị thấy Thầy không lẽ các vị nói Thầy đứng chờ con chút con vô chào văn phòng rồi con ra chào Thầy. Như vậy là phải tuỳ duyên, khi ta vào chùa gặp Tôn tượng của đức Bổn Sư hay là Bồ Tát Quán Thế Âm để ngoài cổng, chúng ta gặp thì chúng ta phải xá rồi chúng ta mới vô lạy Tổ, lễ Phật. Đó là chúng ta tuỳ duyên không nên cố chấp vào một sự quy định. Mà đúng rõ ràng thì phải từ dưới đi lên tức là lạy Tổ trước rồi mới lễ Phật sau. A Di Đà Phật.
Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Kính bạch Đại đức Giảng sư, kính thưa toàn thể quý Phật tử, trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 19 này, chúng ta đã được Đại đức Giảng sư trả lời qua bốn câu hỏi. Theo chúng tôi nhận xét, Đại đức Giảng sư đã trình bày rất là rõ ràng, cụ thể. Chúng tôi cũng xin có thêm một vài ý kiến trong các câu hỏi này.
Trong câu hỏi thứ nhất, chúng tôi cũng chưa hiểu được là khi một người nam người nữ lấy nhau, sống chung với nhau như vậy thì có phân biệt tiền đó là tiền của chồng, tiền đó là tiền của vợ hay không? Nếu là tiền của chồng riêng, tiền của vợ riêng thì chuyện đó khác, nếu tiền đó là tiền của chung, chồng lấy tiền đi ăn nhậu được thì vợ lấy tiền về nuôi mẹ chúng tôi nghĩ cũng được vậy. Theo đúng mình lấy mà không xin thì trong đạo Phật mình gọi đó là ăn cắp. Thế nhưng mà ở đây chúng ta thấy rằng là vợ hay là chồng thì ai sinh ra cũng có cha mẹ, vậy thì mình có được người vợ là do cha mẹ vợ mình sinh ra, cha mẹ vợ cũng là cha mẹ mình. Lúc mình có giận, buồn, tức người mẹ vợ thì theo chúng tôi nghĩ trong cuộc sống ít nhiều gì cũng có. Thế nhưng trước cái hoàn cảnh mà người mẹ vợ của mình nghèo khổ, ốm đau mình cũng phải có trách nhiệm chứ không phải nói là để cho vợ lấy tiền về nuôi mẹ mà mình còn hạch sách và bắt thề. Như vậy, người chồng này theo chúng tôi nghĩ là một người bất nhân, bất nghĩa và bất hiếu. Chúng ta ra ngoài đường gặp một người nghèo khổ mình còn giúp cho người ta huống chi là mẹ vợ mình. Như Đại đức Giảng sư vừa nãy có nói, đôi khi trong cuộc sống đối nhân xử thế nó có những cái điều mà chưa được tốt để gây những cái mâu thuẫn với nhau. Điều này cũng có thể là người mẹ vợ hoặc là người vợ phải xem lại. Thế nhưng, ở đây chúng ta phải thấy, trước hoàn cảnh của mẹ vợ cũng như là mẹ của mình nghèo khổ, bệnh hoạn mình cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ, chứ không phải mình làm một cái hành động là nghi ngờ vợ mình và bắt phải thề. Nếu xét về mặt giới luật, chúng ta nói nghiêm túc là hễ lấy của mà không xin, lén lút lấy thì đó là mang cái tội ăn cắp. Như Đại đức Giảng sư đã trình bày nếu mình ăn cắp mà với một mục đích cứu nhân, cứu vật, với lòng từ bi thì điều đó cũng không đáng nói, bởi vì đó là một cái hành động Bồ Tát có thể hy sinh cái thân mình để mà cứu người khác. Vậy thì người con làm việc này, xét về mặt giới luật chúng ta có thể nói đó là phạm vào tội ăn cắp, nhưng mà nói về chữ hiếu, nói về tình cảm, chúng tôi nghĩ rằng người này đáng ca ngợi. Ngay như khi người chồng bắt người vợ phải thề rằng nếu có lấy tiền phải chết, chúng tôi nghĩ nếu người vợ này mà thề thì cũng muốn trong gia đình hạnh phúc, vì muốn trọn cả chữ hiếu và chữ tình, nên người vợ sẵn sàng thề. Thế nhưng người vợ thề cũng không chết mà giả sử như chết thì chúng tôi nghĩ rằng chư Phật, chư Thiên, chư Thánh, chư Thần và ngay cả chúng ta sẽ ca ngợi người này. Thậm chí, người này mà chết có xuống địa ngục thì chắc quỷ sứ cũng phải cung kính nữa. Bởi vì người vợ này vì chữ hiếu mà cũng là vì chữ tình sẵn sàng chết, như vậy là quá cao thượng, là một con người đáng ca ngợi cả về mặt hiếu lẫn tình. Chúng tôi nghĩ như thế này nếu mà người đó có thề chết thì quý vị thấy là họ cũng đâu có chết bởi vì họ làm cái việc rất là có tình, có lý, có đạo nghĩa. Nhưng chúng tôi đề nghị với quý vị sau này quý vị có thề thì mình cứ thề như vậy cũng được, chứ đừng có thề mai mốt chết đọa địa ngục, ngạ quỷ thì không nên. Còn mình thề nếu tôi có lấy thì sẽ chết, nếu mà quý vị chết thì chết liền lúc đó nhưng mà chắc không có đâu. Không có ông trời, không có ông Thần, không có ông Thánh nào mà bắt chúng ta cái tội đó đâu. Theo chúng tôi nghĩ là như vậy. Có một điều như Đại đức Giảng sư cũng có nói là mình làm sao để cho vợ chồng phải có một sự hoà hợp, làm sao mình có thể hiểu và thông cảm thì lúc đó mọi vấn đề nó sẽ tốt hơn, chẳng qua trong vấn đề này chưa nắm được bên nào có lỗi cho nên chúng ta khó giải quyết. Thế nhưng cái quan trọng là vợ chồng làm sao có thể ngồi lại nói chuyện được với nhau và có thể hiểu và thông cảm cho nhau, lúc đó là người chồng cũng sẽ hoan hỷ thôi, chứ không có việc gì mà khó khăn cả.
Câu thứ hai nói về vấn đề những người mà chưa quy y có tham dự được khoá tu hay không. Theo chúng tôi nghĩ những vị này cần phải tham dự. Như quý vị biết chùa Hoằng Pháp chúng ta có tổ chức khoá Tu Một Ngày, tu Phật thất không có phân biệt ai hết, có quy y hay không quy y thậm chí có những người khác tôn giáo họ cũng qua tu. Như vậy thì rõ ràng khoá tu của chúng ta không phân biệt và còn mong rằng mọi người đến tham dự khoá tu. Về cái lợi ích quy y Tam Bảo, vừa nãy Đại đức Giảng sư đã trình bày rồi.
Câu hỏi thứ ba, khi mình đã quy y chùa tu Thiền sau đó hiểu được pháp môn Tịnh Độ, tu theo pháp môn Tịnh Độ có cần tuy y lại hay không. Theo chúng tôi nghĩ việc này chẳng ảnh hưởng gì hết, Giảng sư cũng đã nói rất rõ mình quy y là quy y Phật, Pháp và Tăng chứ không phải quy y thầy Thiền hay thầy Tịnh Độ mà là quy y Tam Bảo. Đã quy y Phật, Pháp, Tăng thì chúng ta tuỳ duyên tu chùa nào cũng được, tu pháp môn nào cũng được. Đức Phật thường dạy nước trong bốn biển thì chỉ có một vị đó là vị mặn, trong tất cả giáo pháp của Như Lai cũng chỉ có một vị đó là vị giải thoát. Chúng ta tu pháp môn nào cũng mục đích là để giải thoát, vậy thì tuỳ theo căn cơ, trình độ cũng như là phương pháp nào hợp với khả năng tu tập của mình.
Câu hỏi thứ tư nói về vấn đề khi vào chùa lễ Phật trước hay là lễ Tổ trước. Đại đức Giảng sư cũng đã trình bày rất rõ, đúng ra khi chúng ta vào một ngôi chùa, trước hết là phải gặp Thầy Trụ trì và sau đó mình lên lễ Tổ, lễ Phật, đó là đúng lễ nghi. Thế nhưng bây giờ chúng ta đi ngược lại có nghĩa là mình lạy Phật, lễ Tổ xong rồi mình đi xuống gặp Thầy. Nhưng Đại đức Giảng sư cũng đã có nói còn tuỳ duyên. Đó là tuỳ duyên thôi chứ bây giờ chúng ta trách cũng khó, bởi vì mỗi một ngôi chùa có điều kiện sinh hoạt thực tế khác nhau.
Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ này có bốn câu hỏi đã được Đại đức Giảng sư trả lời, theo chúng tôi nghĩ rất là đầy đủ và chính xác. Nhưng mà đó cũng chỉ là ý kiến của riêng chúng tôi còn có thể là quý vị cũng chưa hài lòng hoặc là quý vị cho rằng điều đó cũng chưa là hợp lý. Đó là do mỗi một người có một cái hiểu. Nếu có điều gì mà quý vị thấy chưa đúng lắm, quý vị cứ tiếp tục hỏi rồi chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tiếp cho quý vị. Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp bắt đầu từ kỳ 18, chúng tôi đã đưa những câu hỏi đó lên trang web của chùa trước một, hai tháng cũng như là có dán ở bảng thông báo để cho quý vị xem trước và cũng mong đón nhận được ý kiến của quý vị để cho câu trả lời của chúng ta nó được phong phú và đầy đủ hơn. Trước khi dứt lời, chúng tôi thành tâm kính chúc Đại đức Giảng sư luôn pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự viên thành. Kính chúc đến toàn thể quý Phật tử và gia quyến luôn được an vui, vạn sự kiết tường và tinh tấn trên con đường tu học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét