Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 04

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 4
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Hoà
Giảng sư: Thích Hạnh Bảo
Thích Thiện Thuận
Người hỏi: PT Thiện Nhu
(Năm 2007)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Thiện Thuận và Giảng sư Thích Hạnh Bảo:
Câu hỏi 1: Trên đường đi làm việc, con thường gặp những cảnh  rất thương tâm như  bà lão ông lão đi ăn mày, người tật nguyền đi ăn xin,  em bé bán vé số bị lừa gạt,… nói chung là rất đáng tội nghiệp. Con rất muốn phát tâm giúp họ một ít tiền. Nhưng có người bảo là họ giả bộ đóng kịch; nghe như vậy con rất là phân vân. Vậy con phải làm sao để phân biệt thật giả. Có người nói trong cuộc sống đừng nên tin ai. Nói như  vậy có đúng không? Làm sao để thiết lập được một lòng tin vững chắc trong cuộc sống? Nếu họ đóng kịch thật mà con không biết nên vẫn giúp cho họ tạo nên nhiều điều xấu. Vậy con có mang tội đồng lõa với họ hay không?
          Đáp:
GS Thích Thiện Thuận: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Trong câu hỏi này, anh đã nêu lên được vấn đề là nói chung những cảnh tình này rất đáng tội nghiệp, chúng tôi rất là tâm đắc với câu này. Tức là ngay ở đây mình đã có sự thông cảm với nghiệp đáng thương của những người ở hoàn cảnh đó, thì tâm niệm này gọi là tâm từ bi. Chúng ta là Phật tử trước tiên chúng ta phải nuôi dưỡng tâm từ bi. Người không phải là Phật tử hay không học theo đạo Phật thì họ cũng có tiếng nói của lương tâm, của trái tim. Khi chúng ta thông cảm được với những người đau khổ đó, chúng tôi nghĩ anh phát tâm giúp họ một ít tiền thì điều này là điều mà ai thấy qua cũng phải làm mặc dù đoạn kết có thể là mình bị lừa. Tức là xuất phát từ cái tâm từ bi, chúng ta thương họ, giúp họ, quý vị kết thúc ở đó tâm chúng ta sẽ rất là thanh thản. Vì mình sống như một dòng sông, dòng sông trôi đi bồi đắp phù sa ở bến bờ nào nó không cần biết, thấy cảnh mà khởi lên tâm từ đó là việc làm của chư Phật ba đời, chư Bồ Tát của mười phương. Bây giờ, mình phát tâm tu tập, mình chỉ dừng lại ở giai đoạn đó còn đoạn hậu thì người ta lừa gạt, đóng kịch gì cũng được, đó là chuyện của họ. Cho nên, quý vị tốt nhất giữ cho tâm mình bình thản. Phật tử Thiện Nhu có nói anh rất là phân vân khi nghe người ta nói mấy người này giả bộ, đóng kịch. Họ giả bộ hay là thiệt đi chăng nữa thì mình vẫn phải có trách nhiệm nuôi lớn tâm từ của mình. Vì đó là tư lương cho chính bản thân của mình trên con đường học Phật, mình là người sẽ thành Phật mà muốn thành Phật thì chúng ta hãy làm sao cho trên chặng đường dài học Phật và làm theo công hạnh của đức Phật chúng ta phải giữ tâm từ bi này, nó rất là tốt. Còn anh mà cứ phân biệt thêm chuyện thiệt hay giả, thật hay hư tự nhiên cái tâm của mình loạn lên thì khi đó chúng ta cảm thấy bất an. Do vậy, có nhiều vị nói bố thí cúng dường mà không có công đức là chính ở chỗ tâm của anh bị động. Khi tâm của mình bị động thì tất cả các pháp ở trước mắt mình nó đều được rọi qua lăng kính của sự phân biệt. Hễ phân biệt nhiều chừng nào thì vô minh nó tăng thêm chừng đó, tâm của chúng ta sẽ không tịnh. Nói như thế thì cũng có người nói nếu mà bố thí giúp đỡ người mà không xem xét thì chẳng khác nào mình tiếp tay với họ. Điều này cũng rất có lý. Nhưng quý vị đừng nghĩ như thế để cho tâm từ bi của mình nó hạn hẹp lại. Mình giúp họ hoàn toàn chỉ có tâm niệm yêu thương và thông cảm với nỗi đau khổ của họ chứ mình đâu biết họ sẽ làm cái gì với phần tịnh tài hay là phẩm vật mà mình giúp họ. Quý vị biết có nhiều lần chúng tôi cùng với thầy Hạnh Bảo đi cứu trợ cho đồng bào nghèo. Chúng tôi có nghe vài người nói là người này giàu lắm, người đó lấy về để một xó nhà hay bán lại lấy tiền đi cờ bạc. Khi mình nghe vậy, mình cũng hơi chùn lòng một chút bởi vì mình đã đi một đoạn đường rất là xa, của thì ít nhưng tâm của mình thì nó lại nhiều mà mình nghe người bên cạnh nói như vậy tự nhiên mình loé lên cái suy nghĩ là trong đây cũng có những người không đúng đối tượng, thành thử cái của này cho nó không có hợp. Nhưng mà khi mình suy nghĩ miên man như thế thì tự nhiên mình là người phiền não đầu tiên. Cho nên, khi mình thấy họ là người đáng tội nghiệp thì mình giúp họ, mình hoàn toàn khởi lên tâm niệm từ bi trọn vẹn. Mình thương họ, thương cho cái nghiệp của họ đang đau khổ cho nên mình giúp họ, chỉ vậy chứ đâu phải vì một cái lý do gì, còn chuyện sau đó họ làm thì họ gánh lấy quả báo. Nhân quả lúc nào nó cũng là một định luật công bằng nhất để mà trả lời cho tất cả các hiện tượng, các việc tốt xấu của cuộc đời mà trong đó mình là một nhân tố nhỏ trong cuộc đời này. Chúng tôi nghĩ tất cả các Phật tử ở đây từng bố thí và cũng đã từng bị lừa thì tự nhiên mình sẽ dè dặt lắm. Đây là tâm lý chung.
Câu hỏi còn đề cập một câu nói rằng trong cuộc sống đừng nên tin ai. Nói như vậy có đúng không quý vị? Câu nói này chưa được chính xác lắm tại vì mình không tin ai cũng có nghĩa là tự mình tách rời mình ra cuộc sống cộng đồng và mình khó tồn tại được. Vì đây là cuộc sống mà do nhiều nhân tố kết hợp lại, chúng ta mới có thể sống được, đạo Phật gọi đó là duyên sanh. Chúng ta không thể tồn tại độc lập được mà anh có nên tôi có, anh diệt tức có nghĩa là tôi sẽ diệt, các pháp tồn tại cũng ở trong khuôn khổ đó. Chúng ta nhìn lại, trong cuộc sống của mình đầy dẫy những niềm tin được đan chéo với nhau và rất là thầm lặng giữa người thân trong gia đình rồi đến xã hội. Cho nên, để thiết lập được một lòng tin vững chắc trong cuộc sống, thầy nghĩ vấn đề này tất cả mọi người đều phải xác quyết rõ ràng. Vì thứ nhất, mình là Phật tử và điều đầu tiên nhất mình phải tin đức Phật, mình phải tin Pháp, mình phải tin Tăng. Như vậy, trước tiên là mình phải tin Tam Bảo. Thứ hai mình là hành giả của Tịnh Độ tông thì niềm tin lại là cái điều mấu chốt căn bản nhất trong cái pháp hành trì này của mình (Tín, Hạnh, Nguyện). Thành thử để xác lập được niềm tin vững chắc của mình trong cuộc sống, ta hãy suy nghĩ một điều rằng ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Hễ ta thật tình tu, ta dốc công thì sự tu của ta sẽ thành tựu. Hễ anh đầu tư cho vấn đề làm ăn thì công việc của anh sẽ có kết quả. Nếu anh ăn vậy người hàng xóm của anh có no được không? Cho nên, cái việc tin người khác hay không, anh hãy tự quyết định rõ ràng ngay từ bây giờ. Sống trong cuộc sống cộng đồng, mình cùng tồn tại mà mình cứ hồ nghi như thế thì rất là khổ. Mà nghi là một trong năm thứ ngăn cản trí tuệ của một người phát sanh, gọi là ngũ truyền cái. Cho nên, sự nghi ngờ rất là nguy hiểm, nó làm cho mình không thể ổn định được tâm, tâm không ổn định thì coi như tất cả các việc làm của chúng ta khó mà dẫn tới đỉnh cao của nó. Vấn đề mà giúp cho tất cả mọi người mình như vậy có tiếp tay với họ hay không, có đồng loã với họ hay không thì xin thầy Hạnh Bảo hoan hỷ lấy kinh nghiệm của thầy trên con đường hành đạo khắp các nơi giúp cho anh Thiện Nhu cũng như tất cả mọi người hiểu rõ hơn về câu hỏi này. Nam Mô A Di Đà Phật!
GS Thích Hạnh Bảo: Câu hỏi này rất là tế nhị nhưng cũng rất hay, đa phần chúng ta thường gặp mà khó giải thích và cũng không biết xử sự như thế nào. Hôm đó, khi đi với một đoàn lên núi Gia Lào, chúng tôi có thấy một em bé gái bị cụt hết hai chân, ngồi lết và cầm một cái ca xin tiền. Tôi đến hỏi thì nó trả lời là do vào trong rừng lượm củi đạp nhầm cái xương rắn, nó bị độc rồi tái phát phải cưa chân. Tôi nghe xong, thấy con nít mà là con gái nữa bị như vậy rất là tội nghiệp nên định rút tiền ra cho. Trong khi chúng tôi đang phân vân không biết cho bao nhiêu thì vô tình tôi thấy một điều. Lúc đó, tôi đóng bóp lại và tới hỏi nó: “Bây giờ, thầy hỏi thiệt con, con cụt thật hay cụt giả?” Nó nói: “Thưa thầy con cụt thiệt.” Lúc đó, tôi bắt đầu lớn giọng: “Bây giờ, thầy hỏi con một lần nữa, thầy sẽ cho tiền con nhiều hơn gấp mấy lần nhưng con phải trả lời thật cho thầy biết.” Mấy thầy kia níu tôi lại, thấy tôi sao mà dữ với nó quá, tôi bắt đầu lớn tiếng hét lên: “Con phải trả lời gấp, con cụt thiệt hay cụt giả. Một! Hai! Ba!” Bấy giờ, nó mới nói: “Thưa thầy con cụt giả.” Quý vị biết khi tôi đang chuẩn bị lấy tiền ra, có lẽ nó bị nhột ở sau nó có cái gì ngoẩy ngoẩy lên là tôi biết cái chân của nó co lại nhưng tôi không xác định được nên tôi phải dùng biện pháp này với nó. Mấy thầy kia bảo tôi là thầy à, thầy cho thì thầy cho còn không cho thì thôi thầy đừng làm dữ với nó vì nghĩ rằng xung quanh đó có người thân của nó. Tôi nói: “Không. Tôi muốn rằng ít nhiều gì nó dã lừa gạt bao nhiêu người rồi nhưng dù muốn hay không muốn thì trước mặt các thầy đây với tôi ít nhất nó cũng phải nói một lời nói thật để nó nhẹ bớt cái nghiệp của nó.” Nó có thể lừa dối người khác nhưng bây giờ mình biết rồi thì buộc lòng trước mặt quý thầy nó phải nói một lời nói thiệt. Nhưng lúc đó thì tôi cũng có cho nó 10 ngàn, thay vì cho 5 ngàn thì giờ cho thêm tiền cái lời nói thật đó. Quý vị thấy đó thật ra, không phải mình không biết nhưng mà tất cả các hiện tượng đó mình phải chấp nhận, mình phải gặp bởi cái nghiệp của người ta. Người Hoa niềm tin của họ khi cúng dường rất là rõ ràng. Khi họ nghe một việc phước thiện như cúng chùa, đúc chuông, tạc tượng… họ đều nhiệt tâm cúng dường, thầy Trụ trì hay các vị Trưởng lão vận động về vấn đề xây dựng Tam Bảo họ vẫn sẵn sàng. Họ không nề hà những việc đó, họ đi làm 10 đồng họ vẫn có thể cúng dường 3 đồng. Còn việc tu được hay không, phá giới phạm trai hay không là chuyện của vị thầy. Họ không có can dự vào chuyện nhân quả đó. Họ biết là họ cúng dường Tam Bảo là họ được cái phước hữu lậu. Đó là cái chuyện đương nhiên. Quý vị cúng dường 1 đồng thì vô lượng kiếp quý vị hưởng được cái phước Tam Bảo đó, cái phước đó quý vị hưởng rồi còn để đức, để phước lại cho con, cho cháu. Họ cúng họ còn lạy nữa, còn việc tu thật hay không là chuyện của vị thầy, tổn phước hay không thì vị thầy đó nhận. Như lúc nãy thầy Thiện Thuận nói, quý vị nghi là quý vị mất trí tuệ. Làm việc phước thiện cái tâm nó trong sáng, vô tư thì quý vị sẽ nhận được phước báu trọn vẹn hơn, quý vị ăn cái quả nó đầy hơn. Còn nếu quý vị nghi ngại thì cái trái quý vị vẫn có nhưng mà nó bị sâu một phần. Chúc quý vị được ăn trái ngọt lành trọn vẹn!
GS Thích Thiện Thuận: A Di Đà Phật!
Để đúc kết lại câu hỏi này thì chúng tôi có hai vấn đề cần trình bày. Thứ nhất như chúng tôi đã từng thưa, chúng ta khởi lên cái tâm thương yêu, tội nghiệp cho cái nghiệp của họ nên chúng ta làm. Thứ hai là để cho chúng sanh ấy bớt đi cái nghiệp gian dối, cho họ đừng đóng kịch nữa thì mình cũng nên nói một tiếng nói để giúp cho họ sống trở lại với cái trí tuệ. Còn về vấn đề tu hành và hạnh bố thí, những trường hợp này chúng ta dụng tâm nuôi dưỡng tánh từ bi của mình thì nó sẽ tốt hơn để chúng ta khỏi phải phiền não.
           Câu hỏi 2: Cách đây ba năm về trước, có một vị thầy đi Phật sự cho chùa nhưng đi xe hết xăng và xin tiền Phật tử để đổ xăng con cũng ngại nên có nói trước khi các thầy đi Phật sự cho chùa thì tiền xăng đều được chùa chuẩn bị đầy đủ. Nói như vậy nhưng con cũng đưa 20 ngàn, thầy chê sao cho 20 ngàn ít vậy.
Đáp: 
GS Thích Hạnh Bảo: Không phải chỉ có các vị bị “quý thầy” lừa đâu mà chính thầy cũng bị “thầy” lừa. Thực ra cái tâm nó cũng có lợn cợn một chút là cảm thấy rằng cơm ngon mà nó bị sạn. Chuyện gạn những hạt sạn này ra thì đòi hỏi cần phải có thời gian, một năng lực và đại từ tâm của mình. Những hạt sạn cát lợn cợn ở trong một chén cơm ngon như thế, ăn vô mình cũng ê răng chứ không phải không. Thành ra, ngay cả trong việc ứng xử thì mình cũng phải biết chuyện đó là nó xảy ra như vậy còn cái việc truy lùng cho nó ra tận nguồn gốc thì nói như thầy Thiện Thuận mình tạm dừng ở đó. Nhưng thực ra đồng tiền đó nó cũng đã không thật rồi, cái tâm đó cũng đã không thật rồi, cái chuyện mình cho đó theo cái nhãn quan Phật giáo nhìn nó cũng đã không thật rồi thì bây giờ mình còn chấp chi vô nữa cái thật giả đó nữa. Nhưng cuộc sống nó trôi như vậy thì bắt buộc nó phải qua những chặng đó. Mình hãy chấp nhận như vậy, không phải là mình chấp nhận là mình dại khờ gì nhưng mà để mình quán niệm thêm những lời dạy của đức Phật nó rất là vi diệu và rất là thâm sâu trong từng ngõ ngách tâm tư của mình. Bởi như vậy chúng sanh mới trôi lăn mãi trong vòng lục đạo. Nhiều khi những cảnh tượng đó mình gặp thì nó lại càng sách tấn cho việc tu tập của mình mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Nhiều khi cái giả đó nó làm cho mình có sự tu thật. Bây giờ, đổi giả để lấy thật tu, cái nào tốt hơn? Thành ra, ta đổi một chút giả để lấy cái sự chân thật, cái sự tấn tu cho mình. Tôi nghĩ đó là một cái giá phải trả mà thôi. Đó là theo quan niệm của bản thân tôi như vậy xin trình bày với quý vị. A Di Đà Phật!
          Câu hỏi 3: Khi con đi ra ngoài đường có gặp một vị tu sĩ mặc áo vàng tay cầm bát đi xin. Thường khi gặp người ăn xin đi xin tiền thì con cho nhưng gặp tu sĩ thì con lại có tâm trạng bực mình. Con thì không hiểu nhiều về giới luật của đạo Phật như thế nào, nhưng con cũng biết sơ sơ là đa số là quý thầy không giữ tiền. Nếu đi xin giống như bên khất sĩ chỉ xin thức ăn chứ không được xin tiền. Mỗi lần con đi với đứa cháu mà có gặp thầy xin tiền như vậy thì nó bảo con cho, nhưng con không cho. Khi con nói như vậy không biết là con đúng hay sai?
Đáp: 
GS Thích Thiện Thuận: Kính bạch quý Thượng toạ, kính thưa quý vị Phật tử! Nhân đây chúng tôi xin nói về cái hạnh khất thực. Phật giáo Việt Nam chúng ta được truyền thừa từ hai phía, một phía từ phương Bắc gọi là Bắc tông, một phía từ phương Nam gọi là Nam tông. Phật giáo ở Ấn Độ được truyền qua Nepal, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, hệ phái đó gọi là Bắc tông. Còn một hệ phái thứ hai gọi là Nam tông được truyền theo phương Nam từ Ấn Độ truyền xuống Sri Lanka, qua Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia và Việt Nam. Phật giáo Nam tông vẫn giữ cái truyền thống thời đức Phật còn tại thế là ngày ăn một bữa và đi khất thực. Đi khất thực nó có hai ý nghĩa chính: trên thì xin giáo pháp của chư Phật để mà nuôi huệ mạng của mình, còn dưới thì xin vật thực của thí chủ đàn na để nuôi thân mạng của mình. Vì thân mạng chúng ta không duy trì thì huệ mạng khó mà thành tựu. Do đó, cả hai cần phải được tồn tại một cách song song với nhau. Thành ra, hình ảnh khất thực nó trở thành một tiêu chí sống. Vì ngày xưa không có chùa, chư Tăng không có nấu cơm, không có bếp, chỉ đi xin ăn một bữa, nếu có thầy nào trong trụ xứ đó bị bệnh thì những thầy đi khất thực về có nhiệm vụ là sớt bớt thức ăn cho các thầy bệnh. Do đó, khất thực trở thành một cái pháp hành. Quý vị biết khi Tăng đi khất thực chỉ có ba y với bình bát đó là tài sản chính. Cái hạnh khất thực đặc biệt là xả bỏ hết tất cả tài sản của mình. Trước đây, sư Phong Nhã có mời chúng tôi đi khất thực một lần. Khi Sư đề cập đến vấn đề đó, chúng tôi từ chối rất nhanh. Khi phản ứng nhanh như vậy, chúng tôi suy nghĩ lại mới biết việc đi khất thực rất khó. Tại vì lúc đi khất thực nó không còn cái ngã nữa. Bây giờ, mình thấy mình là thầy vậy mà khi mình đi xin người ta thì mắc cỡ lắm, không làm được. Rõ ràng nơi đó chúng ta vẫn còn chấp ngã. Thật ra cái hạnh khất thực nó rất là hay. Truyền thống đó vẫn còn duy trì cho đến ngày hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật sự giải pháp có đưa ra nhưng chưa làm triệt để thành thử mới có trường hợp gọi là sư khất thực giả mạo. Nhiều bài báo đăng là có nhiều người ở đâu đi đến đây, ở thành một cái xóm và họ có những bộ đồ tu họ quấn lên. Sáng họ đi đến chỗ đó, rồi bắt đầu chia ra ôm bình bát đi khất thực làm cho những Phật tử có tín tâm với Tam Bảo không bằng lòng và những người chưa hiểu Phật giáo nhân đó làm cơ hội để mà chê bai, huỷ báng Tam Bảo. Do vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đồng ý để cho tình trạng khất thực như vậy tiếp diễn chỉ duy nhất một trường hợp duy nhất là trong ba tháng an cư dành cho hệ phái khất sĩ và hệ phái Nam tông nhưng phải có thẻ mới được đi tại đó là một cái pháp hạnh. Nhưng đi khất thực mà nhận tiền là không có đúng, vì mình chỉ xin vật thực để ăn, để nuôi sống thân mạng thì đâu có lấy tiền. Thành ra, người ta cúng cái gì ăn cái nấy. Do vậy, mới có chuyện dở khóc dở cười là những sư đi khất thực mà người ta cúng trái dừa vào là đầy bình bát thì phải đi về. Tại nguyên tắc khất thực là xin đầy bình là đi về. Xin thưa với quý vị, nguyên tắc khất thực là một ngày đi một bữa, đi không quá 12 giờ. Khi đi, hai tay ôm bình bát, mắt nhìn thẳng về phía trước, không được ngó sang hai bên, không được kêu gọi, không được nói một lời nào. Khi Phật tử, thí chủ đàn na cúng dường xá một xá thì các vị đó ngưng lại đón nhận thực phẩm và thầm chú nguyện để chúc phúc cho vị Phật tử đó không phân biệt sang hay hèn, già hay trẻ. Nếu khi khất thực, người đó mắt ngó tới ngó lui thì mình biết đó là giả mạo. Nếu như cúng dường một vị Tăng chân chính nhưng quý vị cúng với cái tâm bình đẳng thì phước quý vị cũng giống như phước cúng dường một vị đã chứng quả A La Hán. Còn đối với những người đó thì họ chưa từng thọ giới Tỳ kheo, họ chưa có chất Tăng trong con người của họ, họ không phải thành viên của Tăng Bảo thì mình cúng dường họ sẽ không có phước. Mình cúng dường những vị dự ở trong hàng Tăng mới có phước. Cho dù vị đó mới xuất gia, mới thọ giới mà chúng ta cúng với cái tâm bình đẳng cúng dường như nhau thì công đức nó cũng bằng với cúng dường Thánh Tăng. Nếu quý vị muốn cúng dường thì các vị cứ nghĩ đó là vị Tăng và quý vị cúng dường thực phẩm nhưng không được đưa tiền. Đưa tiền là quý vị làm không đúng pháp, như vậy nó sẽ không có công đức. Còn quý vị nghĩ mình cúng dường Tăng Bảo thì quý vị sẽ hưởng phước gọi là phước Sa Môn mà người xuất gia cũng được hưởng cái phước đó từ thời đức Phật. Do vậy, khi gặp những trường hợp giả thì mình không cúng chứ cũng đừng nên bực mình. Mình biết người đó không đúng thì cũng không nên bực, mình bực mình sẽ là người đau khổ. Rõ ràng người hỏi là một người có trí tuệ. Mình hãy giữ tâm của mình cho nó được bình thản trước những sự đổi thay hay hư huyễn của cuộc đời. Như vậy, ngay ở đó mình đã có được sự tu tập.
Câu hỏi 4:  Hôm tháng 10 con ở nhà, có 2 thầy chào con "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật" và con cũng chào lại "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật". Thầy có nói: nhà của Phật tử có nhang rồi chúng tôi bán nhang cho chùa Pháp An ở Gò Công, tùy cô phát tâm. Con đáp lại: Bạch thầy con đã từng đi chùa Hoằng Pháp, có quy y và con có hiểu giáo lý. Thầy nói cúng dường Tam Bảo. Con xin cúng dường 50.000đ. Thầy bảo là: thầy không nhận tiền, thầy nhận 9 chữ danh hiệu của đức Bổn Sư  "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật", nên thầy gởi 9 bó nhang. Con nghĩ 9 bó nhang thành tiền là 90.000đ, nên con xin gởi hẳn thầy 100.000đ. A Di Đà Phật kính thầy, cho con được cúng dường Tam Bảo, nhang thì con còn nhiều. Con xin thầy hóa duyên nơi khác. Thầy nhất định không chịu. Khi con chào như vậy rồi con nghĩ là thầy sẽ lui gót, nhưng thầy lại nói: "A! nhà có thờ thần tài, mời Phật tử cúng cho thần tài".  Thật sự lúc này tâm con hơi sân lên một chút (sau con nghĩ lại và sám hối mấy tháng nay rồi). Bạch thầy khả năng con chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Thầy nói: “Nếu như vậy thì thôi, chào quý gia chủ tôi đi nơi khác. Ở xóm bên kia người ta phát tâm đến 20 gói đấy cô”. Con không biết đúng là thầy hay không? Con xin quý thầy cho con những lời chỉ dạy.
Đáp:
GS Thích Hạnh Bảo: Những trường hợp này thì có nhiều lắm, không những chỉ có bán nhang mà có bán cả sách bói, coi tình duyên … còn khuyến cáo mua nữa. Thực tế hiện tượng này nó có diễn ra rất là nhiều.
Gs Thích Thiện Thuận: Xin thưa với lại quý vị, tất cả những người xuất gia hay tại gia đã tu học theo đức Phật thì cái phước báu của mình tu tập nó có hai phần gọi là y báo và chánh báo. Y báo là hoàn cảnh sống của mình hiện tại, nhà cửa và vật dụng hay những phương tiện sống. Chánh báo tức là cái nội tâm tu tập của mình. Hai cái đó nó phải tương xứng với nhau. Hễ mà chánh báo trang nghiêm thì y bào thù thắng. Cho nên, quý vị thấy tại sao cảnh giới Cực Lạc ngay cả cát cũng bằng bảy thứ báo: vàng, lưu ly, pha lê, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách; cho đến nước chảy cũng phát ra tiếng pháp. Y báo ở cõi Cực Lạc nó thù thắng như vậy là do chánh báo của những chúng sanh sống ở đó rất là trang nghiêm tức là khả năng tu tập của họ rất là cao. Điều này rõ ràng như vậy. Ở đây chúng tôi không đáng giá những người xuất gia mà bán sách coi bói là tốt hay xấu vì sự tu tập của mỗi người khác nhau mình không thể biết được. Giống như uống nước nóng lạnh tự biết. Mình không thể biết được vấn đề tu tập của họ, nhưng căn cứ ở trên chánh báo và y báo của người tu tập thì nó phản ánh rất rõ. Hễ mình tu tập chân chánh thì tự nhiên Long Thần Hộ Pháp gia hộ, chư Phật chứng giám cho mình, Phật tử người ta sẽ ủng hộ mình, chứ không đến nỗi là phải tới mức năn nỉ để bán được nhang. Như vậy, chứng tỏ cái năng lực tu tập của mình quá kém. Không phải chúng tôi rao lỗi của tứ chúng vì rao lỗi của tứ chúng là chúng tôi phạm giới nhưng vấn đề này rất là thật, mình tu tập mà không chiêu cảm được Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thần Vương và các  Phật tử đến học và gia trì cho mình thì chứng tỏ năng lực tu của mình kém. Rõ ràng như vậy, tức là cái phước báu của mình nó mỏng quá. Nếu mà phước mình mỏng thì mình cố gắng tu chứ tại sao mà phải lặn lội đi bán sách coi bói, bán đủ thứ như vậy.
Và điều này nữa, cô đã là Phật tử mà còn thờ thần tài. Như vậy có đúng không? Tất cả công chuyện làm ăn của chúng ta suôn sẻ điều đó chứng tỏ rằng chúng ta có phước và có trí, chúng ta có phước làm nền tảng và chúng ta có trí để quyết định công việc hợp thời và hợp lý thì chúng ta làm ăn mới thịnh đạt. Mình tu tập tốt, mình có được chánh báo tốt thì tự nhiên y báo trang nghiêm, cái phước nó sẽ tới, khỏi cần thờ thần tài, hay thần gì hết. Chúng ta quy y Tam Bảo rồi, hiểu được tất cả đều nhân quả chi phối thì chúng ta không còn sợ gì nữa, cứ cố gắng tu tập thì tự nhiên phước báo sẽ đến với mình.
GS Thích Hạnh Bảo: Ngay cả quý thầy cũng rất khó xử khi gặp trường hợp giả mạo như vậy. Do vậy, tôi nghĩ quý vị là những người hiểu đạo khi gặp những trường hợp như vậy thì cũng đừng mua, đừng hỏi thêm gì cả. Có nhiều người họ có khẩu tài, nói một tí là mình bị xiêu lòng, rồi họ còn coi bói, coi tướng thì mình dễ bị lừa. Thường khi gặp hình dáng sư mình có lòng nửa lòng cung kính khởi lên rồi còn bị những cái đó nó dẫn nhập tiếp. Có thể họ nói gia đạo mình không bình an mua cái sách này coi đi hay cúng cầu siêu cầu an, như vậy nhiều khi trúng tâm lý mình. Thành ra, bây giờ nếu mà gặp những người như vậy thì quý vị có thể tuỳ hỷ cúng. Trong trường hợp lúc nãy câu hỏi có nêu thì mình tuỳ hỷ cúng Tam Bảo còn những vật bán mua thì mình không nhận, mình chối từ nhẹ nhàng, thẳng thừng lời nói ái ngữ và có được lòng từ bi. Tôi nghĩ như vậy là quý vị có thể giải quyết được.

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch nhị vị Giảng sư, kính thưa quý vị Phật tử!
Riêng các Giảng sư đã trình bày cho quý vị câu hỏi là trước những hoàn cảnh người đi xin giả mạo có nghĩa là người ta mang hình thức đi xin để lợi dụng lòng tốt của chúng ta, có thể số tiền đó họ dùng để đánh bài hoặc làm những chuyện gì đó chứ thật sự không phải là những người đau khổ đi xin. Xuất phát từ tâm từ bi nên quý thầy đã trả lời rằng thấy người khổ dù thật hay giả cũng vẫn cứ cho để thể hiện lòng từ của mình. Nếu mình có phân biệt thì chắc chắn rằng lòng từ của mình sẽ bị mai một. Do vậy, quý thầy động viên quý Phật tử chúng ta cứ việc làm. Đó là điều mà chúng tôi rất là trân trọng. Nhưng riêng bản thân chúng tôi lại có ý kiến không như vậy. Chúng tôi sẽ nói quan điểm của mình để cho quý vị nhận thức. Khi chúng tôi thấy một người ăn xin hoặc là những người đến chùa trình bày lý do này lý do kia để họ xin tiền thì chúng tôi giúp đỡ. Thế nhưng lần thứ hai họ đến nói như thế thì chúng tôi không cho. Bởi vì lần thứ nhất, mình không phân biệt họ là thật hay là giả, với lòng từ, chúng tôi giúp đỡ thế nhưng lần thứ hai chúng tôi biết rằng họ là người lợi dụng để làm việc này thì chúng tôi dứt khoát không cho. Chúng tôi nghĩ rằng mình giúp đỡ những người nghèo khổ trong lúc người ta cần còn những người này là họ giả, họ lười biếng mà mình cho như vậy thì sẽ tạo điều kiện cho họ lười biếng không chỉ ở hiện tại mà lại là những người đau khổ trong tương lai. Vì họ ăn của chúng ta nhiều qiá thì họ mắc nợ, kiếp sau họ phải trả. Cái khổ của họ chồng chất cái khổ. Nói về nhân quả, anh hưởng của người ta nhiều quá thì anh phải trả. Như vậy, ta phải làm sao để cho họ ý thức được vấn đề nhân quả và mình không tiếp tay để cho họ lười biếng. Cũng giống như thầy Hạnh Bảo có nói về một em giả bị cụt chân, thầy vẫn cho tiền nhưng nói phải bảo cho em đó biết em không nên làm như vậy. Nếu chúng ta biết người ta là những người lười biếng, là những người chuyên môn đi lừa gạt mà chúng ta cứ giúp họ thì vô tình chúng ta lại đẩy họ vào con đường đau khổ trong tương lai. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, tình trạng sư đi khất thực mà xin tiền thi theo chúng tôi chúng ta cũng phải có trí tuệ có nghĩa là mình phải hiểu mình giúp cho người đó thì họ làm băng hoại hình ảnh Tam Bảo. Chúng tôi dứt khoát không ủng hộ bởi họ là những người giả, làm như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến Tăng đoàn của Phật giáo. Như vậy, chúng ta không nên tiếp tay. Trên tinh thần chúng ta bố thí thì được phước nhưng mình xem coi mình bố thí cho người đó để cho họ có thể vươn lên hay mình bố thí để cho người ta cứ mỗi một ngày thêm sa đọa trầm luân, đau khổ hiện tại và đời sau. Chúng ta phải có trí tuệ để phân biệt chuyện đó. Riêng chúng tôi thấy vấn đề hôm nay nó rất là rộng lớn chứ không phải đơn giản.
Trước khi dứt lời xin thành kính tri ân nhị vị Giảng sư đã dành chút thời gian quý báu theo lời mời của ban tổ chức về đây để giải đáp câu hỏi cho quý Phật tử trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp hôm nay. Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho quý thầy luôn được pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự viên thành. Kính chúc quý Phật tử và gia quyến luôn được an vui, hạnh phúc, vạn sự kiết tường và tinh tấn trên con đường tu học.
Nam Mô A Di Đà Phật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...