Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 23
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư:Thích Trí Huệ
( Ngày 16/5/2010)
Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Trí Huệ:
Câu hỏi 1: Kính bạch Thầy theo con được biết danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” như là một câu chào hỏi của Tăng Ni, Phật tử ngày trước cho đến bây giờ vẫn vậy. Như một thói quen, các em bé đến chùa vẫn nói được câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đặc biệt, người tu theo pháp môn Tịnh Độ thì lấy danh hiệu “A Di Đà Phật” như một phương pháp trị liệu để đạt được nhất tâm bất loạn, đoạn trừ phiền não khổ đau gieo, nhân vãng sanh Lạc quốc. Nhưng gần đây con nghe một số Phật tử nói niệm: “A Di Đà Phật” là sai mà phải niệm: “A Mi Đà Phật” mới đúng. Con là người tu theo pháp môn Tịnh Độ từ trước tới nay được quý Thầy hướng dẫn là niệm: “A Di Đà Phật” bây giờ nghe nói vậy con rất hoang mang, không biết niệm danh hiệu nào là đúng. Mong quý Thầy giải đáp giúp con.
Đáp: Kính bạch Thượng tọa Trù trì chùa Hoằng Pháp cùng toàn thể quý Tăng chúng, Phật tử. Vừa rồi chúng tôi niệm hai câu niệm Phật “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” và “Nam Mô A Di Đà Phật” bằng hai ngôn ngữ gốc của Ấn Độ là ngôn ngữ Pali và ngôn ngữ Sanskrit tức là tiếng Phạn. Câu hỏi này là một câu hỏi khó nhưng rất là thực tế tại vì gần đây chúng tôi cũng được rất nhiều người hỏi về vấn đề này. Có những người rất là hoang mang trong lúc tu hành tại xưa nay chúng ta có thói quen niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” và tại sao giờ lại sửa lại thành “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Chữ “Di” đổi thành chữ “Mi”. Như vậy là cái nào đúng, cái nào sai? Mình tu theo cổ lệ bây giờ người ta lại nói là sai hết rồi, như vậy thì mình niệm mấy năm trời nay cũng trôi theo bọt nước, bây giờ bắt đầu tu lại mà tu lại không biết niệm có đúng không nữa, không thấy văn bản nào trong Giáo hội hay là các Tổ Tịnh Độ tông đưa ra để chỉnh sửa lại, như vậy Phật tử không biết bám vào đâu để vào tu hành. Nhất là pháp môn Tịnh Độ bây giờ đang rất là thịnh hành và nhiều người tu đạt đến những giá trị mà chúng ta không thể ngờ được, nhưng mà lại có vấn đề như thế này. Vậy thì hôm nay, trước khi giải đáp thắc mắc câu hỏi này, chúng con xin sám hối với chư Tổ sư của Tịnh Độ tông, chư Tổ sư khai sơn chùa Hoằng Pháp và các chư Tôn thạc đức thời bây giờ, đây là ý kiến riêng của chúng tôi, qua quá trình nghiên cứu, tu tập nếu có gì sai sót xin chư Tổ sư, chư Hoà thượng Tôn đức bây giờ cũng niệm tình hậu học, chưa học tới chưa nghiên cứu tới thì cũng niệm tình bỏ qua cho. Nam Mô A Di Đà Phật.
Tại sao mấy ngàn năm nay chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mà bây giờ tới thế kỉ 21 chúng ta mới sửa là “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Tại sao chúng ta không sửa sớm hơn nếu sai, mà phải trải qua hơn hai mươi thế kỉ chúng ta mới phát hiện? Quý Phật tử biết đó trước thập niên 80 những phương tiện nghe, nhìn và phương tiện phát triển về thông tin rất là kém ví dụ như: ra-đi-ô, ti vi rất là hạn chế. Nhưng mà bây giờ, từ thập niên 90 trở lại đây, thông tin nó tràn khắp cả toàn cầu ví dụ như một chuyện xảy ra ở bên Mỹ mới buổi sáng, buổi chiều chúng ta bên đây biết rồi qua hệ thống internet và hệ thống vệ tinh nhân tạo bay khắp vũ trụ vòng quanh quĩ đạo của Trái đất. Như vậy thì vấn đề thông tin không phải là cái rào cản như trước đây nữa. Trước đây, ở bên Mỹ gửi thư về đây phải mất nữa tháng, một tháng đến ba tháng chúng ta mới nhận được lá thư. Còn bây giờ, chúng ta viết mail gửi qua trong vòng mấy giây là tới rồi. Khả năng thông tin bây giờ nó bùng phát, hàng rào thông tin nó đã giao tiếp với các nền văn hoá. Như vậy bây giờ, chúng ta bắt đầu so sánh trên thế giới người ta niệm Phật ra sao. Chúng ta thì niệm là “Nam Mô A Di Đà Phật” còn ở các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… tuy niệm danh hiệu Phật A Di Đà bằng tiếng khác nhau nhưng chúng ta đều thấy niệm “A Mi” sao riêng chỉ có mỗi Việt Nam là niệm “A Di”. Trên thế giới họ đều niệm chữ “ A Mi” nên chúng ta cảm thấy có cái gì khác họ. Có nhiều người đặt ra dấu chấm hỏi, hoang mang nhưng mà không ai có thể trả lời một cách thích đáng để cho người ta thoả mãn. Trước đây, Hoà thượng Trí Tịnh là một trong những đại lão Hoà thượng, Thạc Đức của Việt Nam chúng ta và là một học giả uyên bác về chữ Hán, Ngài dịch rất là nhiều kinh ví dụ như: kinh Pháp Hoa và bộ kinh A Hàm dịch từ Đại Tạng Kinh A Hàm của Trung Quốc. Hoà thượng viết trên một cuốn tạp chí có tên là Hương Sen Vạn Đức, Hoà thượng phát hiện ra rằng chữ chúng ta niệm “A Di” như vậy là không thỏa đáng và chúng ta niệm “A Mi” mới phù hợp. Lý do là khi Hoà Thượng niệm tương tục, niệm chuyên nhất, niệm một ngày 5-6 ngàn câu Phật hiệu A Di Đà, niệm như vậy tới lúc đạt được 5-6 ngàn lần rồi thì cái lưỡi bắt đầu líu lại và nó không có thuần nữa. Hoà thượng bắt đầu nghiên cứu tại sao nó lại như vậy, nó trệ cái lưỡi ta như vậy nó kẹt trong cái chữ “Di”. Tại sao nó lại kẹt ngay trong cái chữ “Di”? Hòa thượng mới coi lại trên thế giới người ta đều niệm là chữ “Mi” cả, Hoà thượng mới chuyển sang niệm chữ “Mi”, niệm 5-6 ngàn lần thì nó lại không bị líu lưỡi nữa. Nhưng Hòa thượng lúc đó chỉ phát hiện riêng thôi. Vào một buổi đi ra ngoài ngắm cảnh, Ngài thấy ở trên trời nổi lên chữ “A Mi”, nổi như một bóng đèn mà ánh sáng chớp loé khoảng 30 phút về phía hướng Tây rồi mới hết, cũng tối đêm đó Hòa thượng nằm mơ thấy mình lạc vào một khu nhà rất là lớn người ta niệm là “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Hoà thượng mới nghĩ là mình nằm chiêm bao, ở trên trời mình nhìn thấy rồi mình thực tập mình thấy cái chữ “Di” đó sửa lại thì không còn trệ, nó thuần nhất, chuyên nhất hơn nên Hoà thượng đã sửa lại “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Từ tờ tạp chí đó và Hoà thượng với vai trò là một vị đầu đàn trong Tịnh Độ tông nên Hoà thượng sửa lại như vậy thì có nhiều người sửa theo, trước đó không ai dám sửa cả. Tại vì đây là cổ lệ, đây là câu niệm Phật được truyền qua 13 đời của chư Tổ, qua những học giả uyên bác ngày xưa nên không ai dám sửa. Nhưng mà bây giờ, Hoà thượng là học giả, là vị cao Tăng thạc đức và có trách nhiệm trong Giáo hội, Hoà thượng sửa tuy không có văn bản nhưng có nhiều người sửa theo. Dẫn đến có hai hệ tư tưởng một là niệm theo Hoà thượng, hai là niệm theo cổ lệ. Mà niệm theo cổ lệ thì chúng ta hoang mang không biết đúng hay sai, mà niệm theo cái mới thì ta không quen. Giống như chúng ta làm quen cái tay bên phải rồi chặt cây, chặt củi gì cũng được nhưng người ta lại nói chặt tay bên phải nhìn nó không đẹp chặt qua tay bên trái đi, chặt lại thì sao thấy nó ngược quá tập nó không quen. Ta chặt nhiều khi nó còn tệ hơn tay bên phải nữa. Như vậy, cái nào đúng cái nào sai, theo cổ lệ đúng hay theo Hoà thượng đúng? Nói đến, chúng ta chia ra bốn trường hợp. Trường hợp thứ nhất, cổ lệ đúng, Hoà thượng sai. Trường hợp thứ hai, Hoà thượng đúng, cổ lệ sai. Trường hợp thứ ba thì cả hai đều đúng. Và trường hợp cuối cùng cả Hoà thượng và cổ lệ đều sai. Chúng ta phải nghiên cứu để chứng minh như vậy nó nằm trong trường hợp nào để chúng ta biết được bằng khoa học.
Như vậy, chúng ta phải truy nguyên nguồn gốc của kinh điển. Như chúng ta cũng đã biết, Đức Thế Tôn của chúng ta sau 49 năm đi thuyết pháp Ngài đã dừng chân lại ở Câu Thi Na, Ngài nhập Niết Bàn. Ngài nhập Niết Bàn thì ai cũng sầu khổ, khóc thương nhất là Ngài An Nan. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn 100 ngày, có một vị Tỳ kheo khi nghe tin này lại tỏ vẻ vui mừng vì không còn ai chế ra các giới luật. Ngài Ca Diếp lúc bấy giờ là Thượng thủ trong giáo đoàn, Ngài thấy vậy mới tập hợp tất cả các vị A La Hán nổi tiếng lúc bấy giờ được 500 vị trong đó có Ngài A Nan mới đắc A La Hán, kết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang Tất Bát La. Và Ngài An Nan đi theo Đức Phật 26 năm làm thị giả, Đức Phật nói gì Ngài thuộc hết, Ngài mới đọc lại. Còn Ngài Ưu-ba-li đọc lại những luật mà Đức Phật chế ra. Đây là trùng tụng nên không được ghi chép. Tại vì thời đó người ta không có giấy, viết gì hết, người học thức không có và cũng không được ai tài trợ để biên chép nên sau 100 ngày kết tập kinh điển lần thứ nhất không ai ghi chép lại hết, người ta đều thuộc lòng hết tất cả kinh điển của nhà Phật truyền với nhau. 100 năm sau, thấy có vẻ bên này nói thế này, bên kia nói thế kia nên các vị cao Tăng đã họp lại với nhau kết tập kinh đển lần thứ hai nhưng lần kết tập kinh điển này cũng không được ghi lại tại vì lúc đó chưa có giấy, chưa có phát triển gì hết nên người ta cũng chỉ nhớ trong đầu. Đến năm 273-236 TCN, thời của vua A- dục, vị vua này nổi tiếng tàn ác, nhưng một lần sau khi ông ta tận mắt chứng kiến cảnh một bãi chiến trường thê thảm,máu chảy thành sông ông ta mới chạnh lòng và bắt đầu quay trở về với đạo Phật, hộ trì Phật giáo. Bây giờ khi qua thăm những Thánh tích ở bên Ấn Độ, chúng ta có thấy các cây cột cắm đó là của vua A-dục đã để lại. Đặc biệt, Ngài tài trợ cho kì kết tập kinh điển lần thứ ba và kì này đánh dấu mốc trong lịch sử Phật giáo chúng ta là có ghi chép lại. Tất cả kinh điển của nhà Phật được ghi chép lại và thời đó có hai thứ tiếng phổ thông nhất của Ấn Độ đó là chữ Pali và chữ Sanskrit. Kinh điển bằng chữ Pali người ta gọi là bộ kinh Nikaya được truyền theo hệ thống các nước Nam tông là Phật giáo nguyên thuỷ. Lần kết tập kinh điển lần thứ ba, đạo Phật mới tách ra hai mối. Một mối là Phật giáo nguyên thuỷ gọi là Thượng toạ bộ, một bên là chữ Sanskrit là Đại chúng bộ mà người ta vẫn gọi là Nam tông, Bắc tông. Kinh điển Nikaya được truyền qua các nước Nam tông, đầu tiên hoàng tử Mahindra con của vua A-dục xuất gia và một công nương đi tu mới truyền qua bên Tích Lan (Sri Lanka) rồi qua bên Miến Điện (Myanmar), Lào, Campuchia, Thái Lan rồi từ Campuchia mới truyền qua bên Việt Nam một nhánh của Nam tông. Nhánh của Bắc tông truyền bằng tiếng Phạn qua Trung Quốc, Tây Tạng, Triều Tiên, Mông Cổ, Nhật Bản, Việt Nam như vậy là truyền bằng kinh điển A Hàm mình gọi là Đại Tạng Kinh A Hàm có hai thứ tiếng. Việt Nam chúng ta là nơi truyền đi đến của Bắc tông và cũng là nơi truyền đến của Nam tông. Như vậy là Việt Nam chúng ta thừa hưởng được tinh hoa Phật giáo của Ấn Độ cả Bắc tông và cả Nam tông cùng hai hệ thống ngôn ngữ. Quý vị Phật tử mới thấy là nhánh của Bắc tông khi truyền tới Trung Quốc thì Trung Quốc mới dịch Đại Tạng Kinh trong A Hàm đó qua tiếng Hán. Và như cũng đã biết sau thời của vua Thục Phán An Dương Vương thì chúng ta bị mất nước bởi Thục Phán An Dương Vương lầm nuôi rể Trọng Thuỷ là giặc của mình.
Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Đến đỗi cơ đồ đắm biển sâu
Chúng ta phải rơi vào ách thống trị, Trung Quốc đô hộ chúng ta đến hàng ngàn năm. Tới thời kì của hai Bà Trưng, năm 43 TCN, nổi dậy lên được ba năm rồi cũng rơi vào tay của phương Bắc, ở phương Bắc, nhà Hán mới bành trướng qua bên phía Nam của chúng ta truyền bá văn hoá nên tất cả ngôn ngữ, chữ viết của chúng ta bằng chữ Hán. Kinh điển của chúng ta cũng vậy xuất phát từ chữ Hán mới qua Việt Nam . Kinh điển chữ Hán thì nguồn gốc từ Phạn ngữ như vậy thì bộ kinh nói lên niệm Phật: “Nam Mô A Di Đà Phật” có trong ba bộ kinh chính là:
1 Kinh Vô Lượng Thọ
2 Kinh Quán Vô Lượng Thọ
3 Kinh A Di Đà
Những kinh này là kinh điển Đại thừa nằm ở nhánh của Bắc tông xuất phát từ chữ Sanskrit chứ không phải xuất phát từ chữ Pali. Trong kinh điển Pali không có danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhưng mà có một kinh nội dung tương tự như vậy gọi là kinh Đại Kiến Vương đó là trong ngôn ngữ của Pali. Còn ở Bắc tông của ta thì mới có danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Từ nước này truyền sang nước khác thì phải dịch thuật. Nên từ đầu của thế kỉ nước ta có một trung tâm dịch thuật lớn gọi là trung tâm Luy Lâu và Trung Quốc có hai trung tâm rất là lớn gọi là trung tâm Bành Thành và Tương Dương để dịch thuật từ Phạn ngữ qua tiếng Trung Quốc. Khi mà dịch gặp rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta thông thường dịch một câu với ý nghĩa đó có hai cách dịch. Cách dịch thứ nhất là chữ sao dịch vậy nghĩa là đi thì dịch chữ đi, đứng thì dịch là đứng. Cách thứ hai là dịch thoát nghĩa là chúng ta đọc hết toàn bộ câu đó rồi dịch lại câu khác có nội dung như vậy nhưng mang ý nghĩa một cách thoát nghĩa. Nhưng mà tên người thì phải dịch thế nào đây. Ví dụ như Đức Phật A Di Đà của chúng ta có nghĩa là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức nhưng nghĩa đầu tiên là Vô Lượng Thọ không lẽ ta dịch qua là Đức Phật Vô Lượng Thọ như vậy tên riêng mà mình dịch y như vậy thì không được. Ví dụ tiếng Anh gọi “Mr Black” mà ta dịch là “ông Đen” nghe ngộ quá. Nên tên riêng người ta để y nguyên vậy không được quyền dịch. Chữ Trung Quốc là chữ tượng hình mà chữ Phạn phiên âm quốc tế theo bảng chữ La tinh thì làm sao dịch qua được. Như vậy người ta mới nghe âm thanh để dịch theo âm. Có một điều tiếng Hán có những chữ không có tại vì chữ tượng hình ví dụ như chữ“Nam Mô” nguyên gốc mà chữ “Mô” tiếng Trung Quốc không có nên mới mượn một chữ khác để thế đó là chữ “Vô”. Trung Quốc có rất nhiều chữ thay thế như vậy, ai dịch thuật thì người ta mới thấy được điều đó. Còn có cách dịch khác là cách dịch theo quy ước, theo ước lệ tượng trưng. Đầu tiên, chúng ta chỉ có tiếng nói chứ chưa có chữ viết nên người ta quy ước tiếng nói trước. Ví dụ, khi thấy cái ly, chúng ta nói là “ly” thì nó thành cái ly. Tất cả cộng đồng ta nghe chữ “ly” là hình dung đuợc cái ly liền. Đó là do cộng đồng mình quy ước chứ đầu tiên cái ly đâu có. Giả sử một người tên Tèo, khi mới sinh ra anh ta không có tên gì hết như tại vì do chúng ta quy ước ảnh là Tèo rồi ai cũng biết ảnh là Tèo, chứ đầu tiên sanh ra ảnh không phải là Tèo. Như vậy là dịch theo quy ước. Campuchia có thủ đô là Pnôm Pênh dịch sang tiếng Việt là Nam Vang, thành phố New York của Mỹ mà mình dịch ra là Nữu Ước, mình dịch ra như vậy thì nó không có dính dáng gì tới nhau cả như vậy gọi là dịch theo quy ước. Cả cộng đồng mình quy ước, chấp nhận như vậy thì nó như vậy. Bây giờ, ta mới trở lại vấn đề. Tiếng Phạn khi được các chư Tổ, các nhà dịch thuật dịch sang tiếng Trung Quốc có những chữ tiếng Trung Quốc người ta không có, họ phải mượn như chữ “Mô” họ mượn chữ “Vô”, chữ “Mi” họ mượn chữ “Di” để thay thế. Còn một điều, điều này rất là quan trọng, chữ của tiếng Việt mình là chữ đơn âm từng âm tiết. Ở nước ngoài, chữ là đa âm ví dụ như cây dù tiếng Anh họ đọc là “umbrella”, xe đạp là “bicycle”. Nhiều âm tiết mới gom lại thành một chữ. Quý vị Phật tử mới thấy, ban đầu mọi sự vật đều không có họ tên gì hết, ngừơi ta mới quy ước lên. Danh hiệu “A Di Đà” đầu tiên tiếng Phạn dịch sang tiếng Trung Quốc là “A Di Đà Phật”. Chữ “Phật” nguyên văn là “Buddha” , Trung Quốc dịch thành “Phật Đà” còn miền Bắc lại dịch khác, ta dịch là “Bụt Đà” nhưng bỏ chữ “Đà” đằng sau thành là “Bụt”. Cuối cùng, ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì người nghe họ có biết ta đang niệm vị Phật nào không? Biết phải không? Mình niệm Nam Mô A Di Đà Phật đó là mình quy ước đó là Đức Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc. Bây giờ, ta thấy những nước khác họ đều niệm “A Mi” mình sửa lại thành “A Mi” mà mình quên sửa một chữ nữa. Bởi người ta niệm là “A Mi Ta” còn chữ “Ta” nữa thì sao. Ví dụ mình dịch theo âm tiết, “A Mi” thì đúng rồi tại chữ mình là chữ đơn âm còn chữ người ta là đa âm 3 chữ “A Mi Ta”. Nếu chúng ta sửa hai chữ đầu thì phải sửa luôn chữ sau cho đúng chứ. Như vậy, mình sửa mà sửa chưa có trọn vẹn cũng chưa thể gọi là khoa học được. Sửa phải sửa hết còn không sửa thì giữ nguyên. Mình niệm câu danh hiệu Phật theo cổ lệ “Nam Mô A Di Đà Phật” có cái dịch theo âm tiết, có cái không dịch theo âm tiết như vậy gồm chung câu niệm Phật đó lại gọi là quy ước, đặt ra câu đó là vậy, cả cộng đồng mình hiểu đó là vậy thì là vậy.
Bên tâm lí học, người ta nói là con người chúng ta có tính thích ứng. Ví dụ như chúng ta đang ở bên nóng mà qua bên xứ lạnh một thời gian ta cũng có thể ở được. Vậy chúng ta cần văn ôn võ luyện. Tại sao chúng ta phải ôn văn, luyện võ? Văn ôn cho nó quen, khi đã quen rồi thì lời văn viết nó suôn sẻ, mạch lạc. Võ luyện nhiều thì phản xạ nhanh nhẹn. Do vậy, tiếng “A Mi” hay “A Di” gì thì luyện miết rồi cũng như nhau tại con người mình có tính thích ứng mà. Đâu phải là niệm chữ “Di” nó bị trệ, bị vậy là do ta không niệm thường xuyên nếu niệm nhiều thì ta cũng sẽ thích ứng. Ví dụ như một người thợ quen vặn bù lon ốc vít mới đầu vặn khó lắm nhưng vặn hoài thì cũng quen. Như vậy, nếu chúng ta tập thường ngày, tập quen rồi mình đọc chữ “Di” hoài rồi thì cũng quen sẽ đâu có bị trệ. Khả năng thích ứng của con người đi lên hệ thống thần kinh ghi nhận thì nó làm ra được như vậy gọi là phản xạ tự nhiên. Vậy thì cái thứ nhất xét về khoa học, ta cũng đã biết kinh điển Đại thừa dịch từ chữ Phạn ra tiếng Trung Quốc rồi từ tiếng Trung Quốc dịch qua có những cái điều khác biệt. Nhưng mà cuối cùng, đó là câu quy ước chứ không phải là câu theo khoa học. Theo khoa học, dịch theo nghĩa cũng không đúng mà dịch theo âm cũng không đúng. Vậy chữ “A Di Đà Phật” dịch theo quy ước là hợp lí nhất bởi vì quy ước đó ai cũng biết hết, đó là quy định chung rồi. Ngàn năm nay chúng ta đã quy ước như thế, đó là câu quy ước. Nếu chúng ta niệm theo tiếng ta là đúng thì ở những nước khác họ đâu có niệm giống tiếng nước mình đâu mà họ vẫn đúng đó thôi. Do thế, tất cả đều do quy ước cả.
Bây giờ chúng ta nói đến quá trình dụng công tu tập. Dụng công liên quan đến tâm linh. Một đoạn trong Hương Sen Vạn Đức, Hoà thượng Trí Tịnh có nói là câu danh hiệu niệm Phật A Di Đà được Tổ bảo rằng câu này cũng như là câu chú của Tây Tạng. Như vậy, cái âm nó rất là quan trọng. Khi đọc chú, tâm chúng ta phải thanh tịnh và âm thanh phát ra nó tác động vào trong nhĩ căn làm dịu lên trung ương thần kinh. Nếu mình tụng chú mà âm thanh nó đúng với âm thanh nguyên gốc đó thì con người ta dễ nhiếp tâm hơn. Kĩ sư Hải là kĩ sư điện tử của Bách Khoa, ông nghiên cứu năng lượng âm thanh và trường năng lượng tâm linh. Mấy bệnh nhân tâm thần được ông cho phát ra một luồng sóng âm, âm thanh để nghe vậy mà có thể hết bệnh. Ông quy định, tất cả quy đổi về thành năng lượng hết, ông đưa ra âm thanh chỉnh sửa năng lượng và cuối cùng năng lượng trị bệnh được. Như vậy, câu chú có tác động của âm thanh thì đúng rồi. Nhưng bây giờ, ta quay lại câu “Nam Mô A Di Đà Phật” là câu chú mà câu chú thì phải xuất phát từ đức Phật nói ra bằng ngôn ngữ Pali và Sanskrit. Như vậy tra cứu câu “A Di Đà Phật” ngôn ngữ Pali và ngôn ngữ Sanskrit giống nhau. Âm mà đức Phật nói nếu mình muốn giữ lại thành câu chú thì mình phải giữ nguyên gốc âm như đức Phật thời ấy nói. Bây giờ ta dịch qua các ngôn ngữ khác thì cái âm nó đã khác nhau rồi nên không thể nói là câu chú được mà chỉ là quy ước. Theo kinh điển, niệm Phật có rất nhiều cách gồm: quán tưởng niệm Phật, trì danh niệm Phật, tham cứu niệm Phật, thật tướng niệm Phật. Cái này liên quan đến trì danh niệm Phật một trong những cách niệm Phật. Bây giờ, mình bàn tới trì danh niệm Phật. Ta trì danh niệm Phật, đức Phật đã nói trong kinh A Di Đà lời nguyện thứ 18 là ai nguyện “A Di Đà Phật” sẽ được đức Phật rước về cõi Cực Lạc với một điều kiện là tâm không tán loạn. Cho nên, yếu tố tâm không tán loạn mới là quan trọng. Tại sao lại như vậy? Do chúng ta ai cũng có thân và miệng, ý. Trước khi chết cái thân chúng ta không thể làm tội ác, nhấc tay còn không lên sao có thể làm tội ác. Như vậy, chỉ còn cái miệng và ý, lúc đó ý nghiệp mình sẽ tràn về, mình còn nhận thức được. Đức Phật dạy trong kinh Tăng Nhất A Hàm tác ý là nghiệp. Như vậy, lúc này tác ý sanh ra nghiệp và nghiệp sanh ra lời nói. Tất nhiên là từ tác ý mới sanh ra lời nói, do vậy đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú bài số một:
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ ý tạo
Nói lên hay hành động
Với tâm ý ô nhiễm
Khổ não sẽ theo sau
Như xe chân vật kéo
Như vậy, cái ý mình dẫn đầu chứ đâu phải cái miệng đâu. Mình nhất tâm bất loạn là cái yếu tố đầu đi được rồi thì những phần ở đằng sau cũng sẽ đi theo. Ý là cái quan trọng như vậy do đó ta tập trung ý. Câu danh hiệu để ta niệm Phật đâu phải là quan trọng nhất, ta chỉ quy ước thôi. Để kết thúc câu hỏi này, chúng tôi sẽ kể một câu chuyện ngắn. Có một vị Thiền sư đi ra ngoài đảo thấy có người niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” và phát hào quang. Ngài liền nói với người đó niệm như thế là sai rồi phải niệm “Nam Vô A Di Đà Phật” mới đúng, người đó nghe xong sửa lại thì mất hào quang, vị Thiền sư đó thấy vậy mới bảo người đó niệm lại như cũ đi, thì khi người đó niệm như cũ thì hào quang phát ra lại. Đến khi thuyền của vị Thiền sư đi ra bị đắm thì người này dùng thần thông bay ra cứu. Như vậy thì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hay niệm “Nam Vô A Di Đà Phật” là quy ước, còn cái mình dụng công mình nhiếp tâm vào đạt được nhất tâm bất loạn thì cái đó mới vãng sanh.
Vâng kính thưa quý vị, Đại đức Giảng sư muốn nhắc nhở ta là tâm ý, sự tác ý, sự chí thành chí kính của mình. Chính đức Phật cũng đã dạy, người nào mà chấp vào hình tướng để cầu Ta, chấp vào âm thanh để cầu Ta thì người đó đang tu theo tà đạo, không thể thấy được Như Lai. Chính vì thế, khi niệm Phật là niệm tâm niệm với chính đức tính của mình để tâm mình quay về với chân tâm tự tánh, quay về với bản lai diện mục Phật tánh của mình. Còn hình thức có thể tuỳ duyên uyển chuyển không nên câu chấp vào giọng điệu, hình thức hay phân biệt đúng sai. Nếu chúng ta đến một đạo tràng nào hay đi hộ niệm cho ai, họ niệm sao thì mình tuỳ duyên niệm như thế tuy nhiên chúng ta phải định hướng cho mình một cách niệm. Từ bao nhiêu năm nay,các vị Cao Tăng, các vị chư Tổ đã niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, từ trước đến giờ biết bao nhiêu người niệm đã niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” được vãng sanh, bao nhiêu kinh điển và hàng triệu người Việt Nam đều niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì cứ an lòng mà niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Còn ai nghe đến “A Mi Đà Phật” mà thấy cảm ứng thì cũng có thể niệm “A Mi Đà Phật”. Chúng ta không nên câu chấp vào từ ngữ mà quan trọng là ở lòng chí thành chí kính như Đại đức Giảng sư vừa trình bày.
Câu hỏi 2: Kính bạch Thầy, con thấy hiện nay tình trạng đồng tính luyến ái là vấn đề đang được đề cập nhiều trong xã hội. Nhìn kĩ thì bệnh đồng tính luyến ái xảy ra và có mặt hầu như ở mọi giới. Vậy theo quan điểm Phật giáo, những người bị căn bệnh này là do nghiệp gì? Nó có ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người xung quanh hay không? Cách hoá giải căn bệnh này theo Phật giáo là như thế nào? Mong Thầy hoan hỷ chỉ dạy.
Đáp: Nam Mô A Di Đà Phật. Trước khi giải đáp câu hỏi này xin phép Thượng toạ, chư tôn đức Tăng, và quý Phật tử cho Thầy được sử dụng những từ ngữ thuộc về y học như ngôn ngữ về nam căn, nữ căn và các ngôn ngữ của tình dục học mà câu hỏi này liên quan trực tiếp đến. Trong khoa học, thiên hướng tình dục của nhân loại thì có năm thiên hướng. Thiên hướng thứ nhất là dị tính luyến ái có nghĩa là người nam và người nữ khác giới với nhau, người ta thương yêu nhau và lập gia đình đó là chuyện bình thường. Thứ hai là vô tính luyến ái là một người không thích nam cũng không thích nữ cô độc một mình cả đời. Còn trường hợp thứ ba là song tính luyến ái có nghĩa là người này có thể cặp bồ với người nam cũng được cặp bồ với người nữ cũng được. Thiên hướng thứ tư là khước từ luyến ái tức là người này có có thể là người đàn ông, cũng có thể là người đàn bà nhưng người này không thực hiện luyến ái,không thực hiện tham dục. Còn một thiên hướng thứ năm nữa là đồng tính luyến ái mà ta đang đề cập. Đồng tính luyến ái còn gọi là homosexual, đồng tính nam người ta gọi là gay và đồng tính nữ người ta gọi là lesbian gọi tắt là les. Đồng tính luyến ái được Bách Khoa Toàn Thư định nghĩa như thế này: “Đồng tính luyến ái là chỉ lên sự việc xu hướng trong tình yêu hoặc là tình cảm hay là xu hướng tình dục với hai người cùng chung giới tính”. Có nghĩa là nam với nam, nữ với nữ. Tiếng lóng người ta gọi straight là người dị tính luyến ái tức nghĩa nam với nữ bình thường. Cái người mà nam căn có đầy đủ, tướng đàn ông mà thích thoa son chét phấn, cử chỉ bên ngoài yểu điệu giống đàn bà như vậy người ta gọi là bóng lộ, nam đồng tính với nam mà họ giấu vẻ bên ngoài không ai biết hết thì người ta gọi là gay kín. Còn người phụ nữ có nữ căn đầy đủ nhưng lại thương phụ nữ, không thương nam mà không ai biết hết thì người ta gọi là fem, người phụ nữ khoái lộ ra bên ngoài cho người ta biết là đồng tính như cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai thì gọi là butch. Những người đồng tính luyến ái cả nam và nữ mà cứ lộ ra bên ngoài không giấu kín gì hết đó gọi là come out. Tất nhiên, đó là những từ lóng ở trên thế giới người ta gọi vậy. Tại sao trên thế giới bây giờ có đồng tính luyến ái nhiều như vậy? Đó là có nguyên nhân. Theo số liệu các nhà xã hội học đã thống kê năm 2008, ở Anh có 6,1% dân số là đồng tính, ở Pháp có 4,1%, Mỹ có 4%, Na Uy chiếm 12%, còn ở Việt Nam số người đồng tính luyến ái chiếm 1%. Nhân loại có khoảng 2-20% là đồng tính luyến ái, trên thế giới hiên nay ước tính có khoảng 100 triệu người đồng tính luyến ái. Ngày xưa, thời phong kiến, đồng tính luyến ái bị xã hội lên án rất là kịch liệt có những chỗ người ta giết chết. Hiện tại bây giờ, một số nước họ tử hình người đồng tính luyến ái ví dụ như: Su-đăng, mấy nước bên Ả-rập... Ở Bắc Triều Tiên, ai đồng tính luyến ái phạt ở tù 2 năm. Riêng vào thời Đế quốc xã, ai đồng tính luyến ái bị giết liền tại chỗ. Như vậy, ngày xưa người ta kì thị việc đồng tính luyến ái đến cỡ đó. Đến năm 1973, Hội Tâm thần học của Mỹ, người ta không cho cái đó là xấu nữa mà cho là bệnh tâm thần nên họ mới bắt đầu đem bệnh này ra trị. Có hai hạng người đồng tính một là chấp nhận mình là đồng tính luyến ái, hai là không muốn chấp nhận, không muốn mình bị như vậy. Ai mà chấp nhận thì họ để như vậy, còn ai không muốn thì lúc đó được trị. Đến năm 1994, người ta cảm thấy trị không được nên bỏ luôn. Nhưng người ta không cho mọi người kì thị nữa và năm 2005 họ lấy ngày 17/5 làm ngày Chống kì thị đồng tính luyến ái. Do đó, một số nước họ cho phép kết hợp hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái. Ở Việt Nam chúng ta, không cấm nhưng không cho kết hôn giữa hai người đồng giới. Có hai loại đồng tính luyến ái, đồng tính từ gen di truyền và loại đồng tính lớn lên mới bị. Đồng tính từ gen di truyền do hoocmon quy định. Con người mình một tế bào có hai mươi mốt cặp nhiễm sắc thể bình thường và một cặp nhiễm sắc thể giới tính nếu nhiễm sắc thể XX là nữ mà nhiễm sắc thể XY là nam. Hoocmon mà để định dạng nam giới gọi là testosterone cái hoocmon này cao thì là nam giới. Hoocmon để định dạng cho người là nữ giới là estrogen nếu nó cao thì là nữ giới. Người đàn ông mà hoocmon nữ cao mà hoocmon nam lại thấp hơn nên chuyển sang giới nữ. Có hai loại gọi là chuyển giới là hoán đổi và chuyển hệ. Hoán đổi nghĩa là tự nhiên khi lớn lên người đó mới đổi qua, ví dụ hồi nhỏ là nữ lớn lên chuyển thành nam.
Đồng tính luyến ái có ảnh hưởng đến xã hội là như thế này, một là bị người ta kì thị đi đến đâu người đồng tính cũng khổ do người ta chế nhạo mà đặc biệt nhất những người đồng tính mà có gia đình thì rất khổ. Đồng tính trước thì không bị nhưng lớn lên mình mới chuyển qua thì ảnh hưởng đến xã hội. Thứ nhất là do cái nhìn của xã hội, cái thứ hai là do bản thân của người đồng tính tách ra khỏi cộng đồng và thứ ba là gia đình họ tan nát không có hướng giải quyết.
Theo Phật giáo vậy là do cái nghiệp gì mà chúng ta bị đồng tính? Nguyên nhân của đồng tính, theo khoa học là do bộ não của chúng ta có vùng hạ đồi tiết ra hoocmon để sanh sản ra hoocmon nam hoặc hoocmon nữ và có một cái vùng khép kín vùng này có chức năng định dạng đối tượng, cái này liên quan đến thần kinh. Vùng định dạng đối tượng bị có vấn đề có nghĩa là thần kinh bị trục trặc thì người ta mới chuyển đổi giới tính. Chuyển đổi như vậy là do tác động của xã hội. Thứ nhất là do môi trường xung quanh, thứ hai là do gen di truyền và thứ ba là do người ta học đòi, người ta thử chuyển đổi giới tính dần rồi quen cái đó gọi là tập quán nghiệp. Do vậy, bác sĩ Trần Bồng Sơn mới nói có hai loại đồng tính là đồng tính giả và đồng tính thật, đồng tính thật do gen di truyền của người đó như vậy, còn đồng tính giả khi lớn lên do học đòi, muốn nổi trội hoặc là do hoàn cảnh xã hội thì loại đồng tính này có thể trị được. Ví dụ, gia đình có ba, bốn người anh trai rồi, đứa bé từ nhỏ ba mẹ đã luôn mặc đồ con gái do họ muốn có con gái nên cuối cùng anh ta trở thành con gái luôn. Đây là nguyên nhân về khoa học. Còn nguyên nhân theo nhà Phật cho đây là nghiệp. Vậy nghiệp gì mà ta trở nên đồng tính? Thứ nhất là nghiệp cười người khác, thấy người ta đồng tính thay gì mình giúp đỡ an ủi họ mà mình lại đi cười chế nhạo, khinh thường họ. Thứ hai nữa là do thời phong kiến người nào mà xô đẩy người khác vào cuộc đời thái giám lưỡng nam lưỡng nữ bây giờ họ bị đồng tính. Thứ ba, người hay đua đòi sự hưởng thụ thì người đó cũng có thể trở thành người đồng tính đời sau. Thứ tư do nghiệp gọi là ngược ngạo với nhân loại, ví dụ như mấy đứa trẻ gặp thầy giáo thay vì chào hỏi thầy thì lại đánh thầy vì cho điểm thấp, thay vì mình lễ phép với cha mẹ thì mình lại chửi mắng cha mẹ, làm ngược lại với những gì thuần phong mĩ tục thì người này cũng sẽ sanh ra đồng tính. Bởi đồng tính là làm ngược lại với quá trình tự nhiên như vậy cái gì mình làm ngược với tự nhiên thì cái đó sẽ sanh ra theo chiều hướng đó.
Đạo Phật hóa giải nó như thế nào? Đạo Phật hoá giải bằng cách thứ nhất là mình đừng xem đồng tính là một cái tội mà mình phải thông cảm xem đó như là một con người mình giúp đỡ họ. Thứ hai, giới của nhà Phật có giới là không tà dâm, những người bên tôn giáo giữ giới đó thì không thành thói quen làm sao thành tập quán. Thứ ba là mình đừng học tâm đua đòi ra bên ngoài rốt cuộc lại thì đâu bị đồng tính. Nói khái quát như vậy, để cho quý vị hiểu người đồng tính họ không có tội gì cả cái này là thiên hướng của tâm, mình giúp đỡ họ để chỉnh sửa họ đi theo tôn giáo, họ đi niệm Phật, trường trai tuyệt dục thì làm gì có đồng tính nam, đồng tính nữ. Giúp họ tu tập bình thường như chúng ta, pháp giới chúng sanh giai hữu Phật tánh, tốt nhất là họ khi đã đi theo một tôn giáo nào đó, họ gửi niềm tin, giữ giới của tôn giáo đó thì dứt khoác sẽ chặn đứng đồng tính và tiêu trừ tội nghiệp,có phước để chuyển đổi hệ.
Câu hỏi 3: Kính bạch Thầy, con nghe nhiều người nói, người nữ vào những ngày bất tịnh thì không nên đi chùa lễ Phật, tụng kinh và ở nhà cũng không được đến bàn thờ thắp nhang hoặc niệm Phật. Vào lúc đó thì người mình không được sạch nên sẽ có tội. Điều này có đúng hay không? Hiện tại con phải đi làm cả tuần chỉ có thể đi chùa vào những ngày Chủ Nhật mà những ngày đó thường là những ngày con bất tịnh, con rất buồn vì chuyện đó mà không biết thổ lộ cùng ai. Hy vọng qua chương trình Ánh Sáng Phật Pháp quý Thầy có thể giải đáp thắc mắc này giúp con. Con cảm ơn quý Thầy rất nhiều.
Đáp: Người ta nói trong những ngày bất tịnh như vậy không nên công phu niệm Phật, nói như vậy là người ta sai. Tại vì, công phu niệm Phật cần phải chuyên nhất, tinh tấn, niệm Phật cho mình chứ không phải niệm Phật cho Phật đâu. Mình cứ niệm Phật bình thường. Niệm Phật có nhiều cách niệm, niệm Phật ra tiếng và niệm Phật trong tâm, niệm Phật thầm, niệm Phật nhỏ, niệm Phật lớn. Đạo Phật có sự và có lý. Ví dụ như sự là niệm lớn còn lý là niệm thầm trong tâm. Như vậy, ở ngoài là sự mình cứ niệm bình thường có Long, Thần, Hộ Pháp che chở còn niệm ở trong tâm lúc vào những nơi bất tịnh mình niệm. Nhưng mà chúng ta đừng cho gián đoạn tâm mình gọi là công phu tu tập mà. Nếu gọi là tu tập thì hoàn cảnh thân thể không quan trọng nữa. Nhưng về vấn đề nghi lễ lại khác, nghi lễ thì trọng hình thức. Ví dụ trong những ngày như vậy đối với nghi lễ tụng kinh bái sám thuộc về nghi lễ thì chúng ta không được. Nếu chúng ta tụng kinh bái sám mà chúng ta công phu thì được, có nghĩa là hằng ngày ta công phu tụng kinh bái sám. Công phu có nghĩa là chúng ta tụng để thanh tịnh tam nghiệp thân khẩu ý được nhiếp vào trong lúc tụng kinh thì vẫn bình thường ngày nào cũng như ngày nào nhưng với điều kiện là chúng ta phải áp dụng những biện pháp khoa học làm cho nó sạch sẽ, bên ngoài người ta không biết mình bị bất tịnh, chúng ta không ảnh hưởng gì đến môi trường xung quanh hết, chỉ mình chúng ta biết. Chư Thiên với chư Bồ Tát cũng thông cảm cho chúng ta bởi vì chư Thiên và chư Bồ Tát ở trên mấy chục do tuần ở trên, các Ngài phóng quang tiếp dẫn chứ không phải xuống ở dưới này. Nên cái này là chuyện của thế gian. Ví dụ như tâm lý chúng ta sợ thì ta cũng ngồi xa xa ở ngoài chứ thật ra chúng ta áp dụng những khoa học kỹ thuật sạch sẽ bình thường thì cũng chẳng ai biết, chẳng ai để ý gì. Không có mùi hôi, không ảnh hướng đến môi trường xung quanh thì đó là chuyện hết sức bình thường, bản thân mình mở miệng ra cũng có mùi hôi rồi, thân mình bất tịnh mà. Ngũ trước ác thế mà, kiến trược, phiền não trước, chúng sanh trược, mạng trược thì cái nào mà không trược. Nhưng mà nếu cái gì là nghi lễ, hình thức bên ngoài thì mình phải làm cho cẩn thận hoặc nên tránh. Còn về công phu tu tập ví dụ đi nghe pháp vẫn đi bình thường. Tại nghe pháp là nghe cho mình chứ không phải là nghe cho Phật, Bồ Tát nhưng mình không được làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Nếu những ngày bất tịnh, mình vô chùa làm ảnh hưởng đến những người xung quanh thì đừng nên vô. Còn mình không làm ảnh hưởng đến ai thì vô đây nghe pháp cũng được, tại nghe pháp là ta cầu pháp tu tập cho mình, nếu mà có tội một chút xíu nếu trong tâm mình nghĩ vậy thì tội nó nhỏ hơn là phước nghe pháp. Phước nghe pháp là phước tu hành còn tội đó chỉ là tội trên sự tướng. Cái gì thuộc về phần nghi lễ thì chúng ta đừng tham gia, nghi lễ thuộc về phần ở bên sự, còn về phần học hỏi tu tập pháp thuộc về vấn đề lý thì vẫn được tham gia.
Vâng kính thưa quý vị như Đại đức Giảng sư vừa trình bày thì thân thể của chúng ta dù nam hay nữ cũng bất tịnh. Đức Phật cũng đã từng dạy như thế . Vì thế nam hay nữ, chúng ta đều cố gắng giữ vệ sinh sạch sẽ đừng ảnh hưởng đến những người xung quanh. Việc tu tập của chúng ta vẫn bình thường không quan trọng ở vấn đề này.
Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Kính bạch Đại đức Giảng sư, kính thưa toàn thể quý Phật tử, trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 23 này, quý vị đã được Đại đức Giảng sư giải đáp những thắc mắc xoay quanh những vấn đề của người Phật tử.
Câu hỏi thứ nhất nói về vấn đề niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” hay danh hiệu “Nam Mô A Mi Đà Phật” đúng. Đại đức Giảng sư đã phân tích giảng giải rất là kĩ càng, chúng tôi cũng xin có thêm một chút ý kiến về vấn đề này. “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “Nam Mô A Mi Đà Phật” là mình đọc theo âm Việt còn âm của tiếng Hoa không phải là vậy. “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “Nam Mô A Mi Đà Phật” nói một cách nào đó là đúng theo giọng đọc của người Việt chúng ta, nhưng mà sai là sai ngay từ gốc bởi vì nếu chúng ta nói là đúng thì phải niệm “Nam Mô Amitabha Buddha”. Câu danh hiệu này người Việt mình thì đọc khác, người Hoa lại đọc khác. Cho nên, vấn đề này theo chúng tôi nghĩ niệm cách nào trong hai cách cũng được. Như vậy, quan trọng ở đây không phải là “A Di” hay là “A Mi” mà quan trọng là tâm của mình. Khi mình niệm Phật, mình có nhất tâm và tưởng đến vị Phật mình niệm hay không đó mới là vấn đề quan trọng. Cũng như trước đây chúng ta thường niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” giờ cũng có vị Hoà thượng đổi lại “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni”, trước dây chúng ta thường gọi là “Phật” gần đây Thiền sư Nhất Hạnh đổi là “Bụt”, chữ “Phật” chúng ta nghe nó quen rồi giờ nghe chữ “Bụt” thì nó hơi khó nghe, nghe “đạo Phật” hay “Phật giáo” nó dễ nghe chứ giờ nói “đạo Bụt” hay “Bụt giáo” nghe lại không quen. Chứ từ “Bụt” với “Phật” chẳng qua là do dịch thôi. Mỗi một quốc gia thì có một ngôn ngữ, người ta dịch theo ngôn ngữ của quốc gia đó nhưng mà chữ “Phật” hay là chữ “Bụt” đều chỉ cho một vị đã giác ngộ hoàn toàn. Do vậy, vấn đề ở câu thứ nhất này theo chúng tôi nghĩ là mình niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” cũng được mà niệm “Nam Mô A Mi Đà Phật” cũng tốt cái quan trọng là chúng ta chí tâm, chí thành.
Câu thứ hai thì về vấn đề đồng tính luyến ái. Câu hỏi đặt ra là do nghiệp gì mà bị bệnh đồng tính luyến ái này. Trong đó, Đại đức Giảng sư đã nói ra rất nhiều nguyên nhân nhưng theo chúng tôi nghĩ nguyên nhân chính gây ra bệnh này có lẽ là do quá khứ của họ đắm say sắc dục, cho nên kết quả trong kiếp này họ bị bệnh đồng tính luyến ái.
Câu thứ ba, câu này nó cũng là gần gũi với các vị phụ nữ khi đến chùa. Để hiểu như thế nào khi mình đi chùa không bị người này, người kia nói và ngay khi bản thân mình không bị cái tội bất tịnh ở nơi thanh tịnh. Như vậy thì vấn đề này như Đại đức giảng sư cũng đã nói là do mình khéo léo tế nhị một tí chứ còn chúng ta vẫn đến chùa bình thường. Chúng ta đến chùa để nghe pháp, để tu tập. Thí dụ mình không có vào nơi chính điện hoặc ở trong chính điện mình đừng có tới gần chỗ thờ Phật mình ngồi xa xa cũng được. Như vậy trong thời gian bất tịnh mình cũng vẫn tu tập chứ không thể nói rằng tôi bất tịnh rồi tôi không tu tập. Phật thật ra thì không chấp cái đó, chính chúng ta mới là chấp thôi. Chúng tôi lấy thí dụ đứa con mình té xuống phân, cha mẹ có nói cái hầm phân này dơ lắm nên không cứu nó không? Nếu thấy vậy thì bậc cha mẹ sẽ tìm mọi cách chạy đến cứu con mình. Đức Phật cũng vậy, đâu phải chúng ta dơ bẩn mà Phật không đến chứng tâm lòng của mình. Phật đối với chúng sanh là bình đẳng. Còn như vừa nãy, Thầy Tâm Huy cũng nói con người chúng ta vốn bất tịnh rồi đâu có sạch gì. Nhìn một cách nào đó thấy bên ngoài chúng ta đẹp vậy chứ trong người của mình chứa toàn đồ dơ bẩn, hằng ngày thì cũng ra những chất bẩn thỉu ấy. Vậy thì chúng ta lúc nào thì cũng có thể tu được hết, có thể đến chùa nhưng chúng ta khéo léo, tế nhị một tí.
Đây là ba câu hỏi theo chúng tôi cũng thấy là rất cần thiết đối với tất cả quý Phật tử tại gia. Hôm nay được Đại đức Giảng sư trình bày rất rõ ràng cụ thể. Xin thay mặt Ban Tổ Chức thành kính tri ân Đại đức đã giành thời gian quý báu đến để giải đáp những câu hỏi xoay quanh vấn đề tu học của Phật tử. Kính nguyện gia hộ cho Đại đức pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự được viên thành. Và kính chúc đến toàn thể quý Phật tử có một ngày tu tập thanh tịnh và an lạc.
Nhận xét
Đăng nhận xét