Truyện cổ Andersen


CON LỢN ỐNG TIỀN

Căn phòng của trẻ con đầy những đồ chơi là đồ chơi.

Trên mặt cái tủ nhiều ngăn kéo có một cái ống tiền bằng sành, hình con lợn. Dĩ nhiên là lợn ta có một cái khe sau lưng, và người ta đã lấy dao rạch rộng ra để có thể bỏ lọt cả đồng bạc vào được. Trong ống có hai đồng bạc, chưa kể đến vô khối tiền siling. Lợn ta chật ních những tiền đến nỗi lắc không kêu. Không thể nào bắt nó chứa thêm được nữa.

Bây giờ lợn ta được đặt trên nóc tủ. Nó đưa mắt nhìn khắp phòng để tỏ ra rằng với số tiền chứa trong bụng mình, nó có thể mua được tất cả các thứ đồ chơi trong buồng. Giàu đến như thế, làm gì chẳng kiêu ? Đây cũng đúng là dư luận của cả buồng, tuy rằng chẳng có ai nói ra, vì còn đang mải nói nhiều chuyện khác. Các ngăn kéo tủ để ngỏ. Trong đó có một con búp bê lớn hơi cũ, có một cái móc sắt sau gáy. Cô nàng nhìn quanh rồi lên tiếng : “Chúng ta chơi trò chơi người lớn nào ! Vui đáo để !”

Thế là ầm ĩ cả lên. Ngay cả các bức chân dung cũng quay mặt vào tường để tỏ ra mình cũng có hai mặt, nhưng không có ý phản đối đề nghị của búp bê.

Nửa đêm. Chị Hằng lấp lánh qua cửa kính và chiếu sáng không lấy tiền. Đã đến giờ khai mạc, tất cả đều được mời đến, kể cả chiếc xe nôi, tuy rằng nó thuộc loại đồ chơi hơi thô.

Xe nôi trần tình : “Người nào có cái hay của người ấy chứ! Có phải tất cả thiên hạ đều là con nhà quý phái cả đâu. Người ta chả thường nói người nào phận nấy, là gì?”

Chỉ có mỗi lợn ta nhận được một thiệp mời, vì người ta cho rằng nó vắt vẻo trên cao thế thì dù có kêu to lên mà mời nó cũng chẳng nghe thấy nào. Mặc dù thế, lợn cũng không trả lời có đến hay không, và, quả nhiên nó không đến. Nếu nó muốn, nó sẽ dự cuộc vui tại chỗ; thu xếp thế nào thì thu xếp ! Và mọi người đành phải chiều nó !

Lập tức người ta sửa soạn một cái sân khấu múa rối nhỏ vừa tầm để lợn có thể xem được. Đầu tiên là diễn kịch, sau đó là tiệc trà, rồi đến mấy trò chơi trong nhà. Cuộc vui bắt đầu.

Ngựa gỗ đọc một bài diễn thuyết ngắn về những vật bằng gỗ và tính chất quý phái của con nhà dòng dõi. Xê nôi nói về đường sắt và sức mạnh của hơi nước. Đấy là những vấn đề “tủ” của chúng nên chúng nói rất thạo. Đồng hồ quả lắc thuyết trình một vấn đề chính trị và lớn tiếng kết luận :

- Tích tắc ! Thời cơ đã đến !

Công chúng xì xào :

- Có lẽ chị ta không được khỏe lắm thì phải !

Một chiếc gậy bằng song Tây Ban Nha khoe khoang một cách kiêu hãnh cái đầu bịt sắt và cái tay cầm bằng bạc của nó. Hai chiếc đệm thêu đặt trên ghế trường kỷ chẳng nói gì, chúng có vẻ dễ thương nhưng đần độn.

Đến mục hài kịch.

Mọi người ngồi xuống xem. Có ý kiến phát biểu là nên vỗ tay và dậm chân để tán thưởng.

Cái roi da lên tiếng :

- Tôi thì chẳng bao giờ vỗ tay hoan nghênh những người già mà chỉ hoan nghênh những người chưa “hứa hôn”.

Một tay hay đùa nói :

- Tôi thì cứ vỗ tay tuốt tuột.

Ống nhổ chen vào :

- Thôi, giờ nào việc nấy !

Mọi người đều tán thành; ai cũng muốn xem hài kịch. Kịch bản không hay lắm, nhưng diễn xuất khá. Diễn viên nào cũng cố ý phô phía nào có nước sơn đẹp nhất ra, ai cũng diễn tài cả. Những dây buộc quanh con rối hơi thô một tí, nhưng như thế người ta càng thấy rõ hơn. Con búp bê cảm động đến nỗi rơi béng cả cái móc sắt cắm sau đầu, còn lợn ta thì cũng hài lòng đến nỗi định tặng cho diễn viên một cái gì đấy. Theo thói quen của nó, “nó sẽ ghi tên diễn viên ấy trên tờ di chúc và người ấy sẽ nằm trong mồ với nó lúc nó chết”.

Thật gần như không thể nào hiểu nổi. Thoạt đầu chẳng ai suy nghĩ để hiểu thấu cả.

Tiệc trà xong, chuyển sang các trò chơi có vẻ trí thức, tức là chơi trò chơi giả làm người. Chỉ là trò chơi mà thôi, không có ác ý gì cả.

Sau đó, mỗi người lặng yên suy nghĩ một mình về những câu hỏi của lợn, suy nghĩ một cách nặng nhọc, vì có liên quan đến một tờ di chúc và một đám tang.

Bao giờ thì chuyện ấy sẽ xảy ra ?

Nó xảy ra sớm hơn chúng ta tưởng.

Cạnh ! Con lợn rơi từ trên mặt tủ xuống, vỡ tan từng mảnh trên sàn và các đồng siling nhảy múa vung lên: đồng bé quay, đồng lớn lăn, nhất là đồng bạc trước nay vẫn muốn thoát khỏi nơi giam hãm. Lợn chết, cả tiền lẫn bạc đều được giải phóng. Nhưng lại có một con lợn khác thay thế ngay trên mặt tủ, con này cũng bằng sành, lúc này đây chưa có một siling trong bụng và người ta không cần phải lắc nó làm gì.

Tất nhiên là ban đầu đối với lợn ống tiền bao giờ cũng thế. Với chúng ta, thế là hết chuyện.



CON CHIM HOẠ MI


Ở Trung Quốc, nơi mà Hoàng đế là một người Trung Quốc và tất cả quần thần cũng là người Trung Quốc, các bạn hẳn cũng biết điều đó, đã có một câu chuyện.

Câu chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, nhưng chính vì thế mà phải kể lại để người ta khỏi quên đi.

Cung điện của Hoàng đế đẹp nhất trần gian, làm bằng một loại sứ rất quý, nhưng dễ vỡ, mỗi khi chạm đến phải thật nhẹ tay, nhẹ chân. Trong vườn Thượng uyển trồng toàn những loại hoa quý, rất kỳ lạ, những bông hoa đẹp nhất phải đeo lục lạc bằng bạc để cho du khách khi đến xem phải lưu ý. Khu vườn được chăm sóc kỳ công và trải rộng, ngay người làm vườn cũng không biết đến đâu là hết. Càng đi càng gặp nhiều điều kỳ thú, những cây cao bóng cả vươn dài, những hồ rộng mênh mông sâu thẳm. Rừng thoai thoải xuống biển, trên làn nước xanh những con thuyền lớn có thể lướt dưới bóng cây. Nơi đây có con hoạ mi thường cất tiếng hót mê hồn. Một anh thuyền chài nghèo khổ lòng chứa chất bao nỗi lo toan dăng lưới đi qua, nghe tiếng chim hót cũng phải dừng lại nghe. Anh reo lên: "Trời ơi, Thánh thót biết bao".

Nhưng rồi mải mê với công việc, anh ta quên chim ngay. Đêm sau đi dăng lưới qua đấy, anh lại nghe tiếng chim hót: anh lại đứng lại nghe và lại reo lên: "Trời ơi, Thánh thót biết bao".

Khách tham quan từ nhiều nước trên thế giới kéo đến hoàng thành. Họ ca ngợi hoàng cung và vườn thượng uyển; nhưng khi nghe hoạ mi hót, họ đồng thanh reo lên: "Đấy mới là điều kỳ diệu".

Trở về quê hương, họ thuật lại những điều mắt thấy tai nghe. Nhiều học giả đã viết thành sách ca tụng hoàng thành, hoàng cung và vườn thượng uyển; nhưng người ta ca tụng hoạ mi nhiều hơn cả, những thi sĩ nổi tiếng đã làm những bài thơ kiệt tác để ca ngợi con chim hoạ mi hót hay trong khu rừng bên bờ biển. Sách được truyền đi khắp nơi, có quyển lọt vào tay Hoàng đế. Người chăm chú đọc, nhiều lúc gật đầu tán thưởng những đoạn văn hay ca tụng hoàng thành, hoàng cung và vườn thượng uyển.

Đọc tiếp, người thấy có đoạn viết: "Nhưng con chim hoạ mi mới thật là kỳ diệu!" Hoàng đế ngạc nhiên:

- Gì thế này? Con chim hoạ mi à? Sao ta lại không biết nhỉ? Có đúng là trong giang sơn ta; hơn nữa lại ngay trong vườn của ta, lại có một con chim như thế không? Ta chưa hề nghe nói bao giờ, lạ thật!

Hoàng đế truyền gọi quan thị lang là người cầm quyền cao chức trọng; mỗi khi có kẻ dưới đến trình báo hay thỉnh cầu điều gì, ngài chỉ trả lời cộc lốc: "Hớ!"

Hoàng đế phán hỏi:

- Ở đây chừng như có một con chim người ta gọi là hoạ mi. Thiên hạ cho rằng con chim này là loại chim quý hiếm. Vậy sao chưa thấy ai tâu với Trẫm?"

Quan thị lang thưa:

- Muôn tâu bệ hạ, chính hạ thần cũng chưa nghe thấy nói bao giờ và cũng chưa thấy ai đem đến tiến cử.

- Vậy ngay tối nay phải đem nó đến hót cho Trẫm nghe. Thiên hạ biết đến vật báu của Trẫm mà riêng Trẫm lại không biết!

Quan Thị Lang tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, thực tình hạ thần chưa hề thấy con chim ấy, nhưng hạ thần xin đi tìm nhất định sẽ tìm được.

Nhưng tìm đâu? Quan Thị Lang đã leo lên khắp lầu son gác tía, qua khắp các cung điện và đường lối đi lại, gặp ai cũng hỏi, nhưng chẳng ai biết gì về chim hoạ mi cả.

Quan Thị Lang lại vào chầu hoàng đế:

- Tâu thánh thượng - Ngài nói - Có lẽ sách đã đánh lừa độc giả, xin bệ hạ đừng tin, đây chỉ là chuyện hoang đường.

Hoàng đế phán:

- Những sách ta xem là những sách của Hoàng đế Nhật Bản gửi tặng, lẽ nào lại là chuyện bịa đặt? Trẫm muốn được nghe chim hoạ mi hót ngay tối nay. Trẫm sẽ ban thưởng cho chim nhiều ân huệ. Nếu không đưa được hoạ mi đến thì cả triều đình sẽ bị phạt giẫm lên bụng sau khi ăn cơm no.

Quan Thị lang cúi chào Hoàng thượng ra về. Rồi ngài chạy tới chạy lui, leo lên leo xuống, khắp cả lầu son gác tía, vào khắp các phòng trong hoàng cung, sục sạo mọi ngõ ngách, một nửa triều thần cũng làm như thế, vì chẳng ai muốn chịu tội giẫm lên bụng. Rõ là một cuộc chạy đua loạn xạ để tìm một con chim cả thiên hạ biết tiếng chỉ trừ Hoàng đế và đình thần.

Cuối cùng họ vớ được một cô bé thị tì.

- Trời ơi! - Cô bé kêu lên - Con chim hoạ mi! Cháu biết! Nó hót hay lắm! Chiều nào mang cơm thừa cho mẹ đang ốm, lúc về mỏi chân đứng nghỉ trong rừng, cháu cũng được nghe nó hót. Những lúc ấy cháu thấy sung sướng đến chảy nước mắt như khi được mẹ cháu ôm hôn vậy.

Quan Thị lang nói như reo:

- Cháu bé ngoan lắm! Cháu hãy đưa ta đến chỗ hoạ mi đậu, ta sẽ ban cho cháu một chức vị ở trong nhà bếp và cho phép cháu được vào xem Hoàng đế ngự thiện. Cháu cần đi ngay vì tối nay đã phải đem chim đến hót cho Hoàng đế nghe.

Cả một nửa triều đình theo con bé thị tì vào rừng nơi có hoạ mi hót. Dọc đường bỗng nghe tiếng bò rống, một thị đồng reo lên: Hoạ mi đấy! Chim gì mà lớn tiếng thế! Hình như tôi đã được nghe ở đâu rồi!

Nữ tì nói:

- Không phải đâu! Bò rống đấy! Còn phải đi lâu mới tới!

Lúc sau lại có tiếng ì uôm của một con ễnh ương ở trong ao. Pháp tăng trong triều cũng đi theo đoàn reo lên:

- Hoạ mi đấy! Nghe sao mà thánh thót thế! Chưa bao giờ bần tăng được nghe một giọng chim hót hay như thế!

Nữ tì nói:

- Không phải đâu! Đấy là ễnh ương!

Đi thêm một quãng, thị tì bảo mọi người:

- Hãy im lặng mà nghe! Nó đấy! Hoạ mi đấy - Thị tì nói và chỉ một con chim nhỏ lông xám đang đậu trên một cành cây.

Quang Thị lang ngạc nhiên:

- Hoạ mi đấy à? Ta cứ tưởng nó đẹp kia chứ? Bộ lông nó trông tầm thường quá! Hay là trước mặt đông đủ quần thần nó sợ, tái sắc đi?

Thị tì cất tiếng gọi:

- Hoạ mi ơi! Hoàng đế muốn nghe hoạ mi hót đấy.

- Rất vui lòng! - Hoạ mi trả lời.

Và cất tiếng hót thánh thót mê hồn.

Quan thị lang khen:

- Nghe trong như những tiếng nhạc bằng pha lê. Cái cổ họng nó xinh xắn cứ phập phồng. Thế mà chưa bao giờ được nghe hoạ mi hót cũng tiếc thật. Vào hoàng cung chắc nó sẽ được triều đình và hoàng gia nhiệt liệt hoan nghênh.

Tưởng hoàng đế có mặt ở đấy, hoạ mi hỏi:

- Tôi có phải hót lần nữa cho thánh thượng nghe không?

Quan thị lang nói:

- Hoạ mi ơi! Người hãy theo chúng ta về cung hót cho Hoàng đế mê say.

- Giọng hót của tôi ở chốn rừng này, dưới vòm cây này, mới là hay nhất.

Hoạ mi nói thế, nhưng khi biết Hoàng đế muốn nó đến hót tại hoàng cung, nó cũng vui lòng đi theo.

Ở hoàng cung người ta đã chuẩn bị tiếp thật long trọng.
Hàng ngàn cây đèn bằng vàng sáng chói trên sân rồng và trên các bệ bằng sứ. Hàng hiên rực rỡ những chậu hoa hiếm thấy, chuông bạc ngân vang mỗi khi gió thoảng nhẹ.
Chính giữa đại diện, nơi Hoàng đế ngự có để sẵn một cành cây bằng vàng cho chim đến đậu. Văn võ bá quan tề tựu đông đủ; cả cô thị tì mới được phong chức đầu bếp, cũng được phép đến nấp nghe sau cánh cửa. Các quan đều mặc phẩm phục, chăm chú chiêm ngưỡng con chim màu xám đang líu lo trên cành vàng.

Hoạ mi hót hay đến nỗi Hoàng đế xúc động, sụt sùi, nước mắt giàn giụa. Người rất hài lòng, truyền đeo chiếc thẻ bà bằng vàng vào cổ chim để thưởng công. Nhưng hoạ mi khước từ nói:

- Như thế này là vinh dự cho tôi lắm rồi! Được thấy những giọt nước mắt của Hoàng đế nhỏ khi nghe tôi hót là một ân huệ lớn đối với tôi.

Hoạ mi lại cất tiếng hót êm đềm thấm thía như để tạ ơn.

Các bà phu nhân thì thào với nhau:

- Không còn gì tuyệt bằng.

Có bà còn ngậm tí nước vào miệng, khẽ lấy giọng ro ro trong cổ bắt chước tiếng chim. Trong bụng nghĩ cứ làm như thế giọng các bà sẽ biến thành giọng hoạ mi.

Ngay cả các nữ tì, thị vị, những người khách khó tính nhất cũng nhiệt liệt ca ngợi giọng hót của hoạ mi.

Như vậy hoạ mi được cả triều đình và hoàng gia ca ngợi.
Hoàng đế truyền ban cho hoạ mi một chiếc lồng sơn son treo trong cung, chim được phép ra ngoài mỗi ngày hai lần mỗi đêm một lần. Mỗi khi ra ngoài chim được mười hai quan hầu đi theo, mỗi người nâng một sợi tơ buộc vào chân chim. Kiểu du ngoạn như vậy, hoạ mi chẳng thích thú gì.
Cả kinh thành náo nức về con chim. Ai đẻ con cũng muốn đặt tên là hoạ mi, kể cả những đứa có giọng khàn khàn.
Một hôm Hoàng đế nhận được một gói gửi đến bên ngài đề hai chữ "Hoạ mi".

Hoàng đế mở gói, bụng nghĩ chắc lại là một quyển sách nói về chim Hoạ mi.

Nhưng không phải. Trong gói lại là một con hoạ mi nhân tạo, giống hệt con hoạ mi thật, mình, dát đầy kim cương, ngọc xanh ngọc đỏ. Hễ vặn máy chim lại hót lên như hoạ mi thật, cái đuôi vẫy vẫy óng ánh sợi vàng sợi bạc. Cổ chim hoạ mi đeo một cái vòng, trên khắc dòng chữ:

"Tôi là hoạ mi của Hoàng đế Nhật Bản, tôi chưa sánh được với Hoạ mi của hoàng đế Trung Hoa".

Cả triều đình reo lên:

- Tuyệt quá!

Hoàng đế phong cho người mang hoạ mi giả một chức vị cao và ban thưởng.

Triều thần có người bàn cho hai con chim cùng hót, để được nghe một bản song ca của hai con chim hoạ mi tuyệt diệu.

Người ta đã thử nhưng không được, vì con chim hoạ mi thật hót một kiểu riêng của nó, còn hoạ mi giả cứ hót theo nhịp ba.

Quan chưởng nhạc đã biện hộ cho hoạ mi máy nói rằng nó hót không sai đâu, rất đúng nhịp, tôi cũng thường dạy trên lớp như thế.

Nghe quan chưởng nhạc nói vậy, người ta bèn cho chim giả hót một mình. Nó hót rất hay, chẳng kém gì chim thật, lại đẹp nữa, lúc nó hót cứ lóng lánh như nạm kim cương.

Nó có thể hót thông luôn một lúc ba mươi lần mà vẫn hay, người nghe không thấy chán, vẫn cứ muốn nghe nữa. 

Nhưng Hoàng đế truyền để chim thật hót một lúc.
Nhưng nhìn trước nhìn sau chẳng thấy chim thật. Thì ra trong lúc mọi người mải mê nghe chim giả hót thì chim thật đã bay về chốn rừng xanh.

Hoàng đế sửng sốt:

- Thế là thế nào?

Quần thần tỏ vẻ tức giận, kết tội chim vong ân bội nghĩa. Cũng có người an ủi như vậy còn là may vì còn giữ được con hay nhất.

Thế là chim giả lại phải hót, có một bài mà nó cứ hót đi hót lại đến mấy chục lần.

Quan chưởng nhạc hết lời ca tụng chim máy, quan quả quyết nó hơn hẳn chim thật, không chỉ vì nó có bộ lông đẹp mà chính vì tài nghệ của nó.

- Muôn tâu bệ hạ - quan chưởng nhạc trình lên Hoàng đế - với con chim thật, chẳng ai biết được nó sẽ hót bài gì; nhưng với con chim máy thì các bài hót được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cứ mở máy các bài sẽ lần lượt hót lên. Cứ việc tháo máy ra, xem các bánh xe sắp đặt thế nào thì hiểu được cách chuyển động của máy và cách phát ra tiếng hót.

Mọi người tán thành ý kiến của quan chưởng nhạc.
Hoàng đế phán rằng phải để dân chúng được nghe chim máy hót, nên chủ nhật quan Chưởng nhạc đem chim máy cho dân chúng nghe.

Dân chúng được nghe hoạ mi hót, ai cũng tấm tắc khen, sau mỗi bài mọi người lại chỉ tay lên trời, lắc đầu kêu "ồ"!
Nhưng có một anh thuyền chài nghèo, đã nhiều lần được nghe hoạ mi hót, lại nói như thế này.

- Khá hay đấy! Khá giống hoạ mi thật đấy! Nhưng nghe như còn thiếu một cái gì ấy.

Vậy là chim thật đã ra khỏi hoàng cung; chim máy được đưa lên địa vị độc tôn.

Người ta đặt nó trên một đệm gấm, bên cạnh giường ngự, xung quanh xếp đầy những bội tinh, châu báu, vàng ngọc là những thứ chim được ban thưởng. Nó được hoàng đế phong cho chức tước cao quý. Về ngôi thứ lâm triều, chim được xếp hàng đầu, bên trái, là thứ bậc cao nhất triều đình.

Quang chưởng nhạc viết một pho sách mười lăm chương ca tụng chim hoạ mi máy, lời lẽ uyên bác, cao siêu. Ai đọc bộ sách ấy cũng gật gù tỏ ra thông hiểu, để khỏi mang tiếng dốt nát.

Sau một năm, Hoàng đế ,triều thần, và cả nước đều thuộc lòng những bài do chim máy hót. Người ta có thể đồng ca với chim. Từ Hoàng đế đến chú bé ngoài phố cũng biết hót.
Rõ thật là hay!

Nhưng một hôm, chim máy đang hót cho Hoàng đế nghe thì bỗng có tiêng kêu đánh sạch trong bụng chim. Dường như có cái gì bị gẫy, các bánh xe quay loạn xạ nghe xoàn xoạt, rồi chim ngừng hót.

Hoàng đế truyền gọi quan ngự y đến bắt mạch chữa cho chim. Nhưng quan ngự y từ chối vì không thuộc chuyên môn của người. Triều đình phải cho gọi một thợ chữa đồng hồ đến. Anh thợ đồng hồ tháo tung cỗ máy xem xét nói rằng các bánh xe mòn nhiều, không có đồ thay; chỉ có thể lắp lại dùng tạm, mỗi năm chỉ được cho chim hót một lần. Nghe tin thần dân cả nước bàng hoàng. Tiếng chim máy hót bây giờ nghe rèn rẹt, nhưng quan chưởng nhạc vẫn khăng khăng rằng tiếng chim máy hót vẫn du dương như trước.

Năm năm sau, nhân dân trong nước nghe một tin dữ. Hoàng đế muôn vàn kính yêu của họ lâm bệnh nặng, không cứu chữa được. Đình thần đã chọn người kế vị. Dân chúng nhớn nhác đến dinh quan thị lang hỏi thăm tin tức.

Hoàng đế tái ngắt, giá lạnh trong long sàng. Văn võ bá quan tưởng người đã băng hà rối rít, xun xoe quanh vị vua mới. Tróng khi đó thị vị và nữ tì vui chơi, thoả thích chuyện gẫu và uống nước chè.

Hoàng đế đáng thương đang hấp hối, người chỉ còn thoi thóp thở.

Cảm thấy có vật gì đè lên ngực, người mở mắt và nhìn thấy thần chết đang cười với người. Thần chết đã lột mũ miện của người, một tay cầm xạ kích một tay cầm hoàng kỳ. Từ các nếp màn che quanh long sàng ló ra những cái đầu lâu kỳ quái; có những cái trông gớm ghiếc, lại có những cái trông nhân từ. Đó là công đức và tội lỗi của Hoàng đế hiện về trong khi thần chết đè nặng lên trái tim người.

- Còn nhớ không? Nhà vua còn nhớ không?

Cái đầu lâu lần lượt hỏi tội nhà vua. Chúng kể ra không biết bao nhiêu là tội, khiến nhà vua toát hết cả mồ hôi và kêu lên:

- Nhưng ta đâu có biết những chuyện ấy?

Rồi ngài hô: 
- Cử nhạc lên! Khua trống cái lên! Ta không muốn nghe những lời ma quái nữa!

Mặt ma vẫn cứ trơ trơ, còn thần chết thì vẫn lắc lư cái đầu.

Hoàng đế lại thét lên:

- Cử nhạc! Cử nhạc mau! Chim vàng thân yêu! Hãy hót đi! Hót lên! Ta sẽ ban thưởng cho người vàng bạc, châu báu và chiếc bài vàng. Hót lên! Hót lên đi!

Nhưng chẳng có ai vặn máy, nên chim cứ im lìm. Còn thần chết thì vẫn giương đôi mắt thao láo, trống hốc, nhìn chằm chằm Hoàng đế.

Giữa lúc đó, từ ngoài cửa sổ nổi lên tiếng hót tuyệt vời. Chim hoạ mi bé nhỏ đã từ rừng xanh bay về đậu trên cành cây ngoài vườn. Nghe tin Hoàng đế ốm nặng, chim đã bay về mang lại cho người nguồn sinh lực bằng tiếng hót của mình.

Tiếng hót của hoạ mi vang lên, bóng ma tan dần, máu lại lưu thông trong huyết quản của nhà vua. Thần chết cũng phải lặng đi trước tiếng hót của hoạ mi, rồi lại khuyến khích:

- Cứ hót đi! Hoạ mi! Cứ hót đi!

- Được! nhưng phải trao lại kiếm vàng và mũ miện cho Hoàng đế!

Sau mỗi bài hót của chim, thần chết lại trao trả một bảo vật. Chim tiếp tục hót, ca ngợi cảnh thanh bình nơi nghĩa trang đầy hoa thơm, cỏ lạ. Thần chết không cầm nỗi lòng mong muốn trở lại khu vườn của mình, đã hoá thành một đám mấy trắng bay qua cửa sổ và biến mất.

Hoàng đế reo lên:

- Cảm ơn chim! Cảm ơn chim yêu quí! Ta đã nhận ra hoạ mi rồi. Ta đã vô tình để chim ra khỏi hoàng cung, vậy mà chim vẫn quay về, lại giúp ta xua đuổi tà ma, cứu ta ra khỏi tay thần chết. Ơn ấy không bao giờ ta quên.

Hoạ mi đáp:

- Nhà vua ban thưởng cho chim nhiều rồi. Những giọt nước mắt, nhà vua nhỏ lần đầu tiên nghe chim hót, chim không bao giờ quên cảnh tượng ấy. Đối với một ca sĩ, không có vàng bạc châu báu nào quý giá bằng. Bây giờ xin Hoàng đế yên nghỉ để hoạ mi hót cho người nghe cho mau bình phục.
Rồi hoạ mi lại hót, hoàng đế lại thiếp đi trong giấc ngủ hồi sinh êm đềm.

Lúc ánh bình minh chiếu qua cửa sổ rọi tới long sàng, nhà vua tỉnh giấc trong người sảng khoái vô cùng. Chung quanh chẳng có ai đến hầu, vì họ yên trí vô nhà vua đã băng hà. Duy chỉ có hoạ mi vẫn một mình líu lo bên cạnh Hoàng đế.
Hoàng đế bảo chim:

- Từ nay hoa mi luôn ở bên ta để hót cho ta nghe, còn con chi giả ta sẽ đập tan thành trăm mảnh.

Hoạ mi vội can:

- Xin nhà vua đừng làm như vậy. Chim máy đã làm hết sức của nó, nên giữ nó lại. Còn tôi, tôi không quen sống trong hoàng cung. Xin nhà vua cho phép tôi về rừng, chiều chiều tôi sẽ bay lại đây, đậu trên cành cây, trước cửa sổ này để hót cho nhà vua nghe. Chim sẽ hót lên cuộc đời của những kẻ sung sướng nhưng cuộc đời cũng như cuộc đời của những người đau khổ. Chim sẽ hót lên những điều tốt cũng như những điều xấu người ta chung quanh nhà vua. Tiếng hót của hoạ mi bé nhỏ này sẽ lọt tới những người dân chài nghèo khổ, của những nông dân bần hàn, đến tận những nơi xa hoàng đế và triều đình. Hoạ mi kính trọng tấm lòng nhà vua hơn cả ngai vàng, mặc dầu ngai vàng là biểu hiện thiêng liêng.

Chim sẽ đến, sẽ hót, nhưng chỉ xin nhà vua một điều:

- Chim muốn xin gì trẫm cũng ban - nhà vua nói và đứng dậy ghi chặt thanh kiếm nạm ngọc quí vào ngực.

- Chim chỉ xin bệ hạ một điều là đừng nói cho bất cứ ai biết rằng bệ hạ có một con chim nhỏ đã tâu lên cho bệ hạ biết tất cả mọi điều. Như thế mọi việc sẽ êm đẹp.

Nói rồi chim cất cánh bay đi.

Lúc ấy triều thần bước vào. Họ yên trí hoàng đế đã băng hà. Nhưng mọi người sửng sốt thấy nhà vua đứng dậy quay về phía họ mà phán rằng:

- Chào các ngươi!



CÔ BÉ TÍ HON


Ngày xưa có một bà hiếm hoi, mong có một đứa con mà mãi không được. Bà phải tìm đến một mụ phù thủy để nhờ giúp. Bà nói:

- Tôi muốn có một đứa con, bà bảo giùm tôi phải làm thế nào.

- Ta sẽ giúp - mụ phù thủy trả lời - Hãy cầm hạt lúa này. Nó không giống như lúa mì vẫn mọc ngoài đồng, cũng không giống lúa vẫn cho gà vịt ăn. Đem về gieo vào chậu hoa, một thời gian sau sẽ biết.

- Cảm ơn bà - bà hiếm con trả công và chào mụ phù thủy rồi đem hạt lúa về nhà gieo. Chẳng mấy chốc nó mọc thành một cây hoa tuyệt đẹp, giống như hoa uất kim cương, nhưng cánh hoa cuộn lại như một cái nụ.

- Hoa đẹp quá!- Bà thốt lên và đặt môi lên hoa. Nhưng bà đang hôn bông hoa thì bỗng có tiếng động mạnh làm hoa bừng nở. Nhìn bông hoa, bà ngạc nhiên thấy ở giữa bông hoa có một cháu bé xinh đẹp ngồi trên nhụy hoa, như ngồi trên chiếc ghế tựa màu xanh. Bé chỉ lớn bằng ngón tay cái nên bà đặt tên cho bé là Bé tí hon.

Bà lấy vỏ hạt dẻ để làm cho bé một chiếc nôi rất đẹp, bên trong trải nệm bằng cánh hoa tím, chăn đắp cho bé là một cánh hoa hồng. Ban đêm bé ngủ ở đấy, còn ban ngày bé chơi trên bàn. Bà đặt trên bàn một cái đĩa đựng đầy nước, vành đĩa khoanh một vòng hoa. Cánh hoa nổi trên mặt nước. Có một cánh hoa cánh hoa uất kim cương to dùng làm thuyền. Bé ngồi vào đấy dạo chơi như dạo thuyền, một chiếc lông ngựa dùng làm mái chèo. Bé vừa chèo vừa hát, giọng thật êm ái, dịu dàng.
Một đêm, bé tí hon đang ngủ, bỗng một con cóc to tướng vừa béo vừa nhớt trông phát khiếp chui qua ô kính vỡ trên cửa sổ vào phòng và nhảy lên bàn, nơi cô bé tí hon đang ngủ dưới cánh hoa hồng.

Nó nghĩ thầm:

- Con trai mình được con bé này làm vợ, hẳn là cu cậu sướng mê.

Thế là nó chộp lấy cái vỏ hạt dẻ, trong có Bé tí hon đang ngủ, chui qua ô kính vỡ nhảy ra vườn. Trong vườn có một dòng suối nhỏ, hai bờ lầy lội. Đấy là chỗ ở của hai bố con nhà cóc. Khiếp! Cóc con cũng béo phị như bố, trông rất sợ. Hai bố con sao giống nhau đến thế!

Trông thấy cô bé xinh đẹp trong vỏ hạt dẻ, cóc con reo lên: cọc, cọc, cọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Cóc bố bảo:

- Khẽ chứ! Không nó thức dậy, nó trốn mất. Chúng ta sẽ đặt nó lên một lá sen to. Nó bé, ở đấy như ở một hòn đảo, không chạy trốn đi đâu được. Chúng ta sẽ làm cho nó một căn nhà ở ngay chỗ bùn lầy này.

Giữa dòng suối có nhiều gốc sen, lá xòe to bập bềnh trên mặt nước. Cóc bố bơi ra giữa dòng suối, nơi có tàu lá to nhất, đặt chiếc vỏ hạt dẻ đựng bé Tí hon vào đấy.
Sáng hôm sau, thức dậy Bé Tí hon thấy mình đang ở trên tàu lá, bốn chung quanh là nước. Nó sợ quá, òa lên khóc, không có cách vào bờ.

Lúc này, bố con nhà cóc đang trang hoàng phòng cưới, căng lên tường những chiếc lá sen xanh, đính lên những bông sen trắng với những nhị sen vàng. Xong rồi hai bố con bơi ra tận giữa suối đón dâu.

Cóc già cúi chào bé Tí hon và nói:

- Ta giới thiệu với con đây là thằng con trai ta. Chồng của con đấy. Hai con sống trong căn phòng đẹp đẽ giữa chốn bùn lầy này.

Cóc con lại: Cọc, cọc, cọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Hai bố con ngậm tàu lá sen to lôi vào bờ. Bé Tí hon ngồi trên tàu lá khóc sướt mướt. Nó không muốn ở nhà của lão cóc già ghê tởm và không muốn lấy thằng con trai gớm ghiếc của lão.

May sao lúc ấy có đàn cá con đang bơi lội dưới suối trông thấy. Chúng nhô lên mặt nước để xem cô bé.
Chúng thấy bé xinh quá lại rất buồn vì phải sống với hai con cóc ghê tởm.

- Không! Không thể để thế được!

Đàn cá bảo nhau và bơi đến dưới tàu lá có Bé Tí hon đang ngồi trên và cắn đứt cuộng sen. Thế là dòng nước cuốn tàu lá đi, đưa cô bé ra xa, rõ xa, bố con nhà cóc không thể bơi tới đó được.

Bé Tí hon trôi qua nhiều thành phố. Chim chóc trong bờ bụi hót rằng:

- Cô bé xinh quá!

Tàu lá đưa cô bé qua nhiều xứ lạ. Một con bướm trắng bay lượn hồi lâu trên đầu cô bé đậu xuống tàu lá. Cô bé sung sướng vì thoát khỏi hai bố con nhà cóc lại được ngắm nhìn phong cảnh đẹp ở những miền đất xa lạ tàu lá trôi qua. Dưới ánh nắng, nước suối lóng lánh như vàng lỏng. Cô bé cởi dây lưng, buộc một đầu vào cánh bướm, một đầu vào tàu lá. Khi bướm bay nó kéo theo cả tàu lá. Bỗng một con bọ dừa xuất hiện, lấy chân quắp cô bé đem đến một cành cây, chiếc lá thì vẫn chao lượn cùng con bướm. Bướm cố gỡ ra khỏi dây buộc mà không sao gỡ được.

Khi bọ dừa đem Bé Tí hon lên cây. Bé sợ lắm. Bé sợ cả cho bướm tội nghiệp bị buộc chặt vào tàu lá, nếu không được ai gỡ ra cho thì bướm chết đói mất. Nhưng bọ dừa có nghĩ gì đến chuyện ấy! Nó đặt Bé Tí lên môt chiếc lá to, đem nhụy hoa đến cho Bé ăn và khen Bé đẹp.

Nhiều bọ dừa bạn bè nó đến chơi, nhìn chằm chằm Bé Tí hon và nói những câu láo xược. Một ả bọ dừa trẻ kêu lên

- Nó chỉ có hai chân thôi các bạn ạ!

Một con khác vội thêm:

- Nó không có râu chúng mày ạ!

Nhiều con khác chế nhạo:

- Trông nó xấu như giống người vậy!

Thật ra Bé Tí rất xinh. Lúc mới đem Bé Tí về, nó có nghĩ như các bạn nó đâu. Chỉ có các bạn nó dèm pha, nói ra nói vào mãi nên bọ dừa cũng tin là Bé Tí xấu và không thích Bé nữa và đem Bé đặt xuống một cây cúc trắng.
Tưởng rằng mình xấu đến mức bọ dừa cũng không ưa, Bé Tí khóc nức nở, buồn phiền. Nhưng thật ra thì Bé rất xinh, thanh tú, dịu dàng, chẳng khác gì một cánh hồng.
Bé Tí hon sống một mình suốt mùa hạ trong khu rừng lớn. Bé lấy cọng rơm làm cho mình một cái võng, treo dưới một lá thu mẫu đơn to để tránh mưa. Bé ăn nhuỵ hoa và uống những hạt sương rơi. Bé sống như vậy suốt cả mù hè và cả mùa thu. Nhưng rồi mùa đông đến, mùa đông dài dằng dặc và lạnh giá. Những con chim nhỏ thường hót cho Bé nghe giờ cũng bay đi tránh rét. Cây rụng hết lá, hoa đều tàn, chiếc lá thu mẫu đơn che chỗ nằm cũng héo quắt, chỉ còn lại chiếc cọng vàng khô. Quần áo rách bươm, Bé rét run.

Tuyết rơi, mỗi giọt tuyết rơi xuống Bé nặng như hòn đá không chịu nổi. Bé núp mình trong một chiếc lá khô, nhưng chẳng ấm thêm chút nào, vẫn rét run cầm cập.
Bé Tí hon bỏ khu rừng đến một ruộng lúa gần đấy. Ruộng lúa vừa mới gặt chỉ còn gốc rạ từ dưới đất giá lạnh tua tủa gai đâm lên. Đi qua đám ruộng, Bé Tí hon cũng thấy vất vả như người đi qua một cánh rừng, nó đi chệnh choạng ngã lên ngã xuống nhiều lần. Bé Tí hon lần được đến cổng nhà mụ chuột đồng - một cái hốc dưới gốc rạ. Chuột đồng sống ở đấy rất thoải mái, lại có đầy lúa và các thức ăn khác. Bé Tí hon vào nhà mụ chuột đồng xin một hạt lúa mạch ăn cho đỡ đói, đã hai hôm nay bé không được ăn gì vào bụng.

Chuột đồng bảo:

- Tội nghiệp con bé! Vào đây ăn với ta cháu ạ!

Thấy Bé Tí hon dễ thương, chuột bảo:

- Cháu có muốn ở đây với ta không? Chỉ cần giữ gìn nhà cửa cho sạch và kể chuyện cho ta nghe. Ta thích nhất là nghe kể chuyện.

Bé Tí hon làm theo lời chuột và được chuột đối đã tử tế. 
Một hôm chuột nói:

- Sắp có khách sang chơi đấy. Ông bạn láng giềng ta là một người giàu có, nhà cao cửa rộng. Ông thường mặc chiếc áo lông đen nhánh như sa tanh. Cháu mà lấy được ông ta thì may lắm. Nhưng ông ta mù, cháu phải kể chuyện cho ông ta nghe.

Rồi ngay hôm ấy, Chuột chũi hàng xóm đến thăm Chuột đồng. Hắn mặc bộ áo lông đen nhánh như sa tanh. 

Chuột đồng nói là hắn giàu và có học. Nhà hắn rộng gấp hai mươi lần nhà các con Chuột Chũi khác. Nhưng hắn không thích nắng và hoa. Hắn luôn nói xấu ánh nắng và hoa. Chúng bảo Bé Tí hon hát. Bé hát rằng: "Bay đi! Bọ dừa bay đi". Bé hát rất hay. Giọng bé dịu dàng, Chuột chũi nghe thích lắm, nhưng hắn không nói gì.

Chuột chũi đã đào một ngách từ nhà hắn ăn thông sang nhà Chuột đồng. Hắn mời Bé Tí hon và bạn bè hắn vào đấy chơi. Trong hang có xác một con chim chết rét. Chuột chũi ngậm một mẩu gỗ mục nát có phát ra ánh sáng đi trước soi đường. Đến gần chỗ xác con chim, chuột chũi lấy mõm húc lên trần cho thủng một lỗ, để cho ánh sáng lọt vào.

Nhờ có ánh sáng họ trông thấy con chim én nằm giữa hang, hai cánh gập lại, lông che kín đầu, chân co quắp. Rõ ràng là chim đã chết rét! Thật tôi nghiệp! Bé Tí hon thương chim lắm. Nó đã hót cho Bé nghe suốt cả mùa hè. Nhưng chuột chũi lại lấy chân đẩy chim én và nói:

- Nó không hót được nữa! Buồn thay cho số phận những con chim bé nhỏ! Ngoài tiêng kêu chiêm chiếp chim chẳng biết gì nữa, rồi cứ đến mùa đông lại chết rét. Lạy trời đừng bắt các con tôi sau này hoá thành chim.

Chuột đồng hưởng ứng:

- Bác nói rất đúng! Ngoài tiếng kêu chiêm chiếp chim có biết làm gì đâu! Mùa đông tới là chết đói và chết rét.

Bé Tí hon không nói gì; đợi lúc hai con chuột quay lưng đi, nó cúi xuống, vạch lông chim, hôn lên hai mắt nhắm nghiền của chim và nói:

- Đúng con chim này đã hót cho mình nghe suốt cả mùa hè vừa qua. Con chim xinh quá, hót thật là hay.

Ở nhà Chuột chũi ra về, suốt đêm Bé Tí hon không ngủ được. Bé vùng dậy lấy rơm tết thành một cái chăn đem đắp cho con chim chết rét. Bé còn lấy nhuỵ hoa đem phủ xung quanh thân chim. Bé nói:

- Vĩnh biệt chim thân yêu. Cảm ơn chim đã hót cho ta nghe suốt cả mùa hè, khi ánh nắng sưởi ấm chúng ta, cây cối xanh tươi và làm dịu mắt ta.

Bé Tí hon lấy tay ghì đầu chim vào ngực mình. Bỗng Bé thấy có vật gì động đậy dưới tay Bé. Đó là trái tim của chim. Con én chỉ mới bị cóng vì rét, giờ đây được sưởi ấm nó tỉnh lại.

Mùa thu én thường bay về phương nam tránh rét. Nếu có con nào lọt lại thì nó bị rét cóng, rơi xuống và bị tuyết vùi.

Nghĩ vậy, Bé Tí hon thương con chim, lấy thêm nhuỵ hoa rắc lên mình, lấy lá bạc hà Bé thường dùng làm chăn đắp phủ lên đầu chim.

Đêm hôm sau Bé Tí hon trở lại thăm chim, thấy chim vẫn sống, nhưng yếu lắm, chỉ mở mắt một tí nhìn Bé rồii lại nhắm nghiền. Bé đứng cạnh chim, cầm một mẩu gỗ mục thay đèn. Một lúc chim cất tiếng nói:

- Cảm ơn cô bé lắm! Cảm ơn cô bé thân yêu! Tôi thấy trong người đã nóng lên, đã lại sức. Tôi sẽ có thể bay về nơi ấm nắng cùng với bè bạn.

Bé Tí hon đáp:

- Chớ! Bên ngoài đầy băng tuyết còn lạnh lắm. Chim cứ ở lại đây, nằm cái giường bé nhỏ này. Tôi sẽ chăm sóc cho chim rất chu đáo.

Bé lấy một cánh hoa múc nước đem lại cho chim én. Uống nước xong, chim én kể hco Bé nghe chuyện chim bị thương ở cánh khi bay từ trong một bụi gai ra, vì vậy không kịp bay theo đàn và rơi xuống đất. Chim chỉ nhớ được có thế và không biết sau đấy thế nào, bây giờ đang ở đâu.

Chim én ở lại trong hang suốt mùa đông và được Bé Tí hon hết lòng chăm sóc. Nó rất yêu quý Bé. Chuột đồng và Chuôt chũi không biết tý gì. Nếu biết chúng đã đuổi chim đi. 

Mùa xuân đã đến. Những tia nắng đầu tiên xuất hiện. Chim én hỏi Bé Tí hon có muốn đi theo không. Chim sẽ cõg Bé trên lưng đưa về rừng. Nhưng Bé Tí hon lắc đầu nói:

- Tôi không muốn làm như thế. Làm thế là phụ ơn chuột đồng.

- Thế thì từ biệt bạn thân yêu.

Chim én nói rồi bay vút lên không, giữa bầu trời chan hoà ánh nắng. Bé Tí hon buồn rầu nhìn theo, Bé cũng rất mến chim, chim đi rồi Bé buồn. Suốt ngày Bé phải ở trong nhà, không ra ngoài nắng được ấm được, vì lúa ngoài đồng mọc lên cao. Đối với Bé, thửa ruộng lúa ấy rậm rạp như một cánh rừng.

Một hôm Chuột đồng bảo bé:

- Mùa hạ chỉ còn thời gian nữa, lễ cưới sáp đến nơi rồi, ông bạn láng giếng đã đem lễ sang dạm hỏi. Cần phải sửa soạn quần áo mới cho cháu. Ta sẽ cho cháu nhiều của hồi môn để cháu đem về nhà chồng.

Rồi chuột đồng bảo Bé ngồi quay sợi. Cả bốn con nhện dệt đêm ngày. Chiều nào Chuột chũi cũng sang chơi và nói rằng hễ qua mùa hè, trời bớt nóng, là hắn cưới Bé Tí ngay.

Nhưng Bé Tí hon không ưa chuôt chũi. Nó không muốn lấy lão ta, muốn đi khỏi nơi đây. Sáng sáng, lúc bình minh, và chiều chiều lúc mặt trời sắp lặn. Khi gió thổi các bông lúa rạp xuống, hé cho Bé nhìn thấy bầu trời xanh biếc, bé lại mơ ước cuộc sống bên ngoài, mong Chim én bay trở lại.

Khi thu sang, quần áo cưới đã chuẩn bị xong, chuột đồng bảo Bé:

- Bốn tuần nữa thì làm lễ cưới.

Bé Tí hon oà lên khóc, nói rằng không thích chuột chũi.
Chuột đồng mắng:

- Đừng có õng ẹo! Tao gả mày vào nơi danh giá thế còn gì! Đến ngay Hoàng đế cũng chả cón bộ áo xa tanh đen bóng như nó. Mày phải cảm ơn Trời phật mới đúng chứ!
Đến ngày cưới, Chuột chũi tới để đem Bé Tí hon đi. Bé phải xuống dưới hang với chuột chũi, xa ánh nắng, vì chuột chũi ghét ánh sáng. ở nhà chuột đồng ít ra Bé cũng còn có thể đứng ở cửa hang ngắm mặt trời mọc.

- Mặt trời nóng ấm ơi! Vĩnh biệt! Bé vừa nói vừa giơ tay lên.

Rồi Bé tí hon rời nhà chuột đồng.

- Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! - Bé vòng tay ôm một bông hoa nhỏ - Nếu hoa có thấy chim én cho ta gửi lời chào.

- Chiêm chiếp! Chiêm chiếp!

Vừa lúc ấy, Bé Tí hon nghe có tiếng chim hót trên đầu. Bé nhìn lên. Đúng là chim én!

Chim én nhìn thấy Bé mừng quá! Bé kể cho chim nghe nỗi buồn phải lấy chuột chũi, phải xuống ở hang sâu, phải xa mặt trời.

Chim én nói:

- Mùa đông sắp đến rồi, tôi sắp quay về xứ nóng. Bé có muốn cùng đi với tôi thì trèo lên lưng tôi, lấy dây lưng buộc người vào mình tôi. Chúng ta trốn xa chuột chũi và chỗ ở ghê tởm của nó. Chúng ta sẽ đi thật xa, qua núi non đến những xứ nóng, ở đấy có ánh nắng chan hoà, suốt năm lúc nào cũng như mùa hạ, hoa lá cỏ cây xanh tươi đẹp đẽ. Trốn đi với tôi, Bé Tí hon thân yêu, người đã cứu sống tôi lúc tôi đã nằm cứng đơ dưới hang sâu nhà chuột chũi.

- Vậy thì chúng ta đi thôi!

Bé Tí hon đáp và trèo lên lưng chim én, lấy thắt lưng buộc mình vào lông chim.

Chim én vút lên không trung, bay qua hết rừng này đến biển nọ, bay qua những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Bé Tí rét run chúi vào bộ lông dày của chim én, chỉ ló đầu ra nhìn tất cả những cảnh huy hoàng dọc đường.
Rồi đôi bạn tới vùng xứ nóng. ở đây nắng chói lọi, trời lồng lộng cao. Trên cành cây đung đưa những chùm nho mọng quả đen đẹp, những cam chanh chíu chít. Có những đứa trẻ xinh đẹp chơi đùa trên đường cái.

Chim én vẫn bay xa mãi, phong cảnh mỗi lúc một đẹp hơn.

Cuối cùng chim én đưa Bé Tí hon đến một nơi, dưới bóng cây xanh, gần một dải hồ nước xanh biếc, sừng sững mọt toà lâu đài cổ bằng cẩm thạch trắng. Nho và câyu trường xuân leo kín các cột. Chim én làm tổ trên một cái cột ấy. Chim nói với Bé Tí hon:

- Nhà tôi đấy! Bé có thấy cỏ mọc ở dưới không. Tôi sẽ đặt bé xuống giữa đám cỏ, sống ở đấy, Bé sẽ thấy sung sướng.

- Vâng! - Bé Tí hon vỗ tay trả lời.

Ở đấy có một cái cột bằng cẩm thạch trắng vỡ làm ba mảnh, chung quanh mọc đầy hoa trắng rất đẹp. Chim én đặt Bé Tí hon xuống đấy trên một chiếc lá to. Bé bỗng ngạc nhiên khi thấy ở đây có một chàng trai bé nhỏ trong như thuỷ tinh. Chàng không to lớn gì hơn Bé Tí hon. Trong mỗi bông hoa đều có một người bé nhỏ như thế.

Chàng trai trong bông hoa cúc trắng là vua của họ.

- Bé Tí hon thì thầm với chim én

- Trời! anh chàng đẹp trai quá!

Hoàng tử tí hon rất sợ chim én, vì đối với chàng bé nhỏ và mảnh khảnh thì chim én quả là một con chim khổng lồ.
Vừa nhìn thấy Bé Tí hon, Hoàng tử mê say ngay. Chưa bao giờ chàng trông thấy một người con gái xinh đẹp như thế! Chàng nhấc chiếc mũ miện đang đội đặt lên đầu cô bé Tí hon ngỏ ý muốn lấy bé. Lấy chàng, Bé sẽ trở thành nữ chúa của các loài hoa.

Thật là đẹp đôi, chẳng như thằng Cóc con và lão chuột chũi!

Bé Tí hon bằng lòng. Từ mỗi bông hoa bước ra một nam, một nữ, quần áo sang trọng. Đôi nào cũng xinh đẹp, nhưg xinh đẹp nhất vẫn là đôi vợ chồng mới cưới. Người ta lắp cánh vào cho Bé Tí hon; Bé có thể bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Khắp nơi đều vui mừng. Trên ngọn cột đá cẩm thạch, chim én ráng sức hót mừng đôi tân hôn, tuy rằng chim rất buồn và nhớ cô bé.
Hoàng tử bảo Bé:

- Cái tên Bé Tí hon xấu lắm mà em thì lại rất đẹp. Từ nay tên em sẽ là là Tiểu Ngọc.

Tạm biệt! Tạm biệt! Chim én hót chào để rời xứ nóng, trở về phương Bắc.

Con chim én ấy làm tổ ở cạnh cửa sổ nhà người kể chuyện này. Nó dùng tiếng nói "chiêm chiếp!" mà kể chuyện trên đây cho ông ta nghe và nhờ đó chúng ta biết thêm được một chuyện.












Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn