Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 24



ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 24
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Chứng minh: Ngộ Chân Thành
Dẫn chương trình: Thích Tâm Từ
Giảng sư: Thích Đạo Quang
( Ngày 07/06/2010)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Đạo Quang
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa toàn thể quý vị. Đức Phật nói ra tám vạn bốn ngàn pháp môn tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sanh nương đó tu tập an lạc cho tự thân. Nhưng trong quá trình tu tập chúng ta sẽ có những thắc mắc, nghi vấn xoay quanh pháp môn. Chính vì vậy, chùa Hoằng Pháp tổ chức chương trình Ánh Sáng Phật Pháp nằm phần nào tháo gỡ những nghi vấn để quý vị tự tin hơn trên bước đường thực hành giáo lý của Phật Đà.
Câu hỏi 1: Trong kinh nói: quy y Phật bất đọa địa ngục, quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ, quy y Tăng bất đọa bàng sanh. Người Phật tử sau khi quy y, không còn đọa vào các loài nầy nữa, tức không đọa vào Tam đồ, tất nhiên sẽ sanh vào cảnh giới an vui. Như thế, thì tại sao người Phật tử sau khi chết lại thỉnh chư Tăng Ni tụng kinh cầu siêu? Như vậy có mâu thuẫn không?
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngưỡng bái bạch trên đức Thầy, kính bạch chư đại Tăng, kính thưa toàn thể quý vị thiện nam tín nữ. Qua câu hỏi thứ nhất, thì mạt nhân xin được trình bày lời giải của mình về câu hỏi này.
Thứ nhất, mạt nhân xin trả lời ngay rằng người Phật tử sau khi chết thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cầu siêu, việc làm ấy hoàn toàn không mâu thuẫn. Việc thứ hai cho mạt nhân xin hỏi lại người đặt câu hỏi này. Ví dụ có một trường phổ thông dạy rất tốt, ban giám hiệu khẳng định rằng nếu học sinh nào học tại trường này đều thi đậu vào đại học cả nhưng nếu có một học sinh chỉ vào trường mà không chịu học chỉ ngủ, quậy phá thì xin hỏi rằng người học sinh này có thi đậu vào đại học hay không? Như vậy, người học sinh có mâu thuẫn với lời khẳng định của nhà trường hay không? Quy y Phật, Pháp và Tăng cũng giống như thế. Điều thứ ba, mạt nhân cũng xin nói thêm rằng Phật giáo không phải là nhất thần giáo không phải là đa thần giáo cũng không phải là vô thần. Đức Phật không có quyền ban phước hay giáng hoạ cho bất kỳ một ai và đức Phật cũng không khẳng định rằng Ngài đủ khả năng đưa chúng sinh từ bờ mê sang bờ giải thoát nếu chúng sinh ấy không chịu đi. Đức Phật lúc nào cũng từ bi chờ đón chúng ta, dẫn dắt chúng ta, nhưng nếu chúng ta không chịu đi thì đức Phật cũng đành chịu. Như vậy, việc quay về và nương tựa ba ngôi báu như lời khẳng định trong kinh không đọa địa ngục, không đoạ ngạ quỷ, không đọa vào loài súc sinh. Câu khẳng định này là một câu khẳng định chắc chắn nhưng nếu chúng ta không chịu đi thì thử hỏi chúng ta có đọa hay không? Cũng xin nói thêm rằng khi hiểu về Phật giáo thì chúng ta phải hiểu Phật giáo một cách tận tường và rõ ràng, không nên đặt cái niềm tin một cách thái quá rồi cuối cùng chúng ta lại rơi vào sự không rõ ràng. Chúng ta lại rơi vào trạng thái không rõ ràng. Hiểu về Phật giáo phải hiểu như thế nào? Chúng ta nên hiểu Phật giáo là một nghệ thuật sống chứ không phải là một niềm tin đơn thuần. Ví dụ như hiểu về đức Phật chúng ta phải hiểu về Ngài như thế nào, về giáo pháp chúng ta phải hiểu như thế nào và hiểu về chư Tăng chúng ta phải hiểu như thế nào? Hiểu về đức Phật là một bậc giác ngộ, Ngài đã đi và Ngài đã vạch ra đường cho chúng ta đi chứ đức Phật không phải là một vị Thần hay vị Thánh có quyền năng ban phước hay giáng hoạ. Nếu hiểu về Phật giáo là một quyền năng ban phước và giáng hoạ thì cái hiểu ấy oan cho Phật giáo rất nhiều. Các học giả phương Tây khi đánh giá về Phật giáo người ta đánh giá như thế nào, có phải nguời ta đánh giá về Phật giáo thông qua việc cầu nguyện hay không? Xin thưa không phải. Không phải người ta đánh giá Phật giáo bằng công việc ban phước hay giáng họa mà đánh giá Phật giáo người ta đánh giá rằng Phật giáo là một nghệ thuật sống (the art of living). Phật giáo phải hiểu như thế, phải tin tưởng Phật giáo là một nghệ thuật sống, phải hiểu Phật giáo là một nghệ thuật sống. Khi hiểu được Phật giáo là một nghệ thuật sống chúng ta làm bất kỳ việc gì thì chúng ta cũng làm với tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha. Tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo rất là đặc biệt xin thưa là như thế. Chỉ có tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha thì chúng ta phải khả năng làm cho mọi người không phân biệt giai cấp, không phân biệt Đảng phái, không phân biệt tôn giáo. Ở Đài Loan, có một vị Ni sư mà có lẽ tất cả chúng ta hầu như điều biết đó là Ni sư Chứng Nghiêm đệ tử của Hoà thượng Ấn Thuận. Ni sư có một việc làm chấn động cả người Đài Loan và cả thế giới, đó là việc Ni sư xây dựng một ngôi làng mang tên Đại Ái. Ngôi làng ấy là ngôi làng của Phật giáo chăng? Xin thưa không phải, ngôi làng ấy là một ngôi làng của người Thiên Chúa giáo. Trong ấy, Ni sư xây dựng một ngôi nhà thờ để cho con chiên hằng ngày đi đến lễ bái và cầu nguyện. Việc làm ấy đã thể hiện tinh thần từ bi, vô ngã của Phật Đà. Đối với Phật giáo Việt Nam, chúng ta cũng làm từ thiện rất nhiều xây cầu, làm đường nhưng thử hỏi có một cây cầu nào mang tên cầu của Phật giáo hay không. Bởi vì theo tinh thần từ bi, vô ngã chỉ làm vì chúng sinh chứ không làm vì điểm tô cái bản ngã này. Việc hoằng pháp lợi sinh cũng như thế. Chúng ta hoằng pháp lợi sinh, mục đích để làm gì? Có phải để đề cao một tôn giáo mang tên Phật giáo hay không? Xin thưa không phải. Có phải đề cao một vị mang tên là Thích Ca Mâu Ni hay không? Xin thưa là cũng không phải. Mà chúng ta đang đề cao cái gì, đó là đem tinh thần từ bi và giải thoát của Phật Đà để hướng dẫn tất cả chúng sinh, mong cho tất cả chúng sinh đều được an vui và giải thoát. Đó là tinh thần mà người Phật tử cần phải có. Trong Luận Bảo Vương Tam Muội, đức Phật khẳng định rằng: “Và Như Lai cũng rất vui nếu sau này trên thế gian này không còn một người nào tin Phật pháp nhưng chỉ cần có một người sống đúng với tinh thần từ, bi, hỷ và xả” Như Lai chỉ cần như thế, chỉ cần chúng ta sống đúng với tinh thần của đức Phật. Điều ấy đã thể hiện tinh thần vĩ đại và tối cao của nhà Phật. Điều tiếp theo, cũng xin được nói đến vấn đề quy y Tam Bảo hay còn gọi là quay về nương tựa ba ngôi thì chúng ta phải hiểu thế nào là quy y và quy y xong rồi chúng ta phải làm gì. Việc này rất quan trọng. Không phải quy y chỉ để là quy y xong rồi chúng ta vỗ ngực xưng tên với mọi người rằng chúng ta là Phật tử. Xin thưa như thế là sai. Quy y là để chúng ta thực hành lời Phật dạy để quay về nương tựa Tam Bảo đó là Phật, Pháp và Tăng. Nên biết rằng việc quy y Tam Bảo nó gồm cả sự và lý. Thứ nhất là sự, sự quay về nương tựa Phật đó là chúng ta quay về nương tựa nhớ nghĩ tưởng niệm đến danh hiệu và hình tướng của chư Phật. Thứ hai là sự quay về nương tựa Pháp đó là chúng ta tìm hiểu, đọc tụng và nghiên cứu, thực hành theo lời Phật dạy. Thứ ba đó là sự quay về nương tựa Tăng đó là chúng ta tôn kính những người xuất gia chân chính. Chỗ này cũng xin nói thêm, tôn kính những người xuất gia còn vấn đề theo những vị xuất gia ấy, tôn thờ những vị xuất gia ấy làm thầy thì điều này cần phải lựa chọn. Đối với người xuất gia vị ấy mang hình tướng ba đời của mười phương chư Phật thì chúng ta cần phải tôn kính còn tôn vị ấy làm thầy, nương tựa vào vị ấy thì đó chúng ta phải lựa chọn, không thể vị nào chúng ta cũng tôn làm thầy. Người Việt Nam chúng ta có câu: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Nếu là bậc trí thì không ai dại gì ăn cái đốt sâu, nếu là bậc trí không ai dại gì ở vào những chỗ dột, việc quay về nương tựa Tăng cũng như thế. Khi nói về lý, thứ nhất là lý quay về nương tựa Phật, Phật là giác ngộ, mà giác thì không mê. Cái giác ngộ này có phải của Phật mới có hay không? Xin thưa cái giác ngộ này trong mỗi chúng sinh ai ai cũng có. Giác ngộ này tức là quay về nương tựa với tánh linh của mình, với bản lai diện mục của mình. Khi chúng ta đã quay về nương tựa với bản lai và tánh linh của mình thì lúc này chúng ta mới thể hội, trực nhận ra rằng trong chúng ta cũng có một vị Phật. Như vậy, mình quay về nương tựa với vị Phật trong mình, mình làm cho vị Phật trong mình sáng ra, làm cho vị Phật trong mình hiển lộ thì người ấy sẽ trực ngộ ngay mình chính là Phật. Thứ hai đó là lý quay về nương tựa pháp, pháp có nghĩa là chân lý mà chân lý là chính mà không là không tà. Quay về nương tựa pháp chính là quay về nương tựa những đức tính từ bi, hoan hỷ, nhẫn nhục, bố thí trong chúng ta. Một khi chúng ta đã tìm thấy trong mình sự nhẫn nhục, trí tuệ trong mình, đức tính từ bi của mình thì lúc đó mình biết mình là ai. Thứ ba là lý quay về nương tựa Tăng, Tăng có nghĩa là thanh tịnh mà thanh tịnh tức là không ô nhiễm. Quay về nương tựa với cái vốn có của mình. Như vậy là quy y Phật, Pháp, Tăng tức là chúng ta quay về và nương tựa với cái sự giác ngộ không mê mờ, với cái sự chính không tà, với thanh tịnh không ô nhiễm. Người nào mà giác ngộ được điều này quay bề chính mà không tà không ô nhiễm thì người này nhất định được giải thoát. Còn nếu như chúng ta đã quy y mà chúng ta không giác ngộ, chúng ta còn mê mờ, chúng ta vẫn còn ô nhiễm thì thử hỏi người này có được giải thoát hay không. Điều tiếp theo mà mạt nhân muốn nói ngay cả người thực tập Phật pháp và không thực tập Phật pháp khi sắp chết hoặc đã chết cũng nên thỉnh chư Tăng, Phật tử về hộ niệm. Bởi vì một khi thần thức chúng ta sắp lìa khỏi xác thân thì lúc này thân thể đau đớn. Đau đớn này giống như thế nào? Giống như là một con bò bị lột da, giống như là một con rùa bị lột mai, giống như là một con dê bị lột da. Thì cảm giác của chúng ta khi thần thức sắp lìa khỏi thân đau đớn kinh khủng như thế. Theo các vị Lạt Ma Tây Tạng, các vị ấy nói rằng khi thần thức sắp lìa khỏi xác thì mỗi lỗ chân lông của chúng ta đau đớn giống như là bị một cây kim đâm vào, cảm giác rất đau đớn mà đau đớn như thế thì thứ hỏi chúng ta có đủ khả năng để mà đạt được sự chính niệm hay không. Rất khó mà khó như thế thì cần phải có người hộ niệm, có người giúp chúng ta nhớ về những việc mà chúng ta đã làm hằng ngày, nhưng mà cái quan trọng vẫn là chúng ta. Người ta đến chỉ hộ niệm còn cái chính là chúng ta có được chính niệm hay không. Bởi vì người ta đến chỉ giúp chúng ta mà thôi còn cái quan trọng vẫn là của chúng ta. Như vậy đòi hỏi người Phật tử cần phải có chính niệm. Tóm lại, người Phật tử muốn đạt được lợi ích chân thực của việc quay về nương tựa ba ngôi báu thì sau khi quay về và nương tựa chúng ta cần phải thực hành lời Phật dạy. Vậy là thực hành cái gì? Thực hành năm nguyên tắc đạo đức hay còn gọi là năm giới, siêng năng đọc tụng kinh điển, bố thí, phóng sinh, làm tất cả các việc lành để cho chúng ta có được lợi ích chân thực của việc quay về nương tựa ba ngôi báu, nếu như thế thì quy y Phật không đọa địa ngục, quy y Pháp không đoạ ngạ quỷ, quy y Tăng không đọa loài bàng sanh đó là một câu khẳng định mà chúng ta thực hiện được. Nam Mô A Di Đà Phật.
Qua những lời giải đáp vừa rồi của Đại đức Thích Đạo Quang, quý vị đã phần nào hiểu thêm về câu hỏi này. Lúc trong gia đình có người mất hoặc là có hữu sự nên thỉnh chư Tăng, chư Ni về tụng kinh cầu siêu. Ngoài những ý nghĩa mà Thầy đã trả lời thì việc thỉnh chư Tăng, chư Ni về cũng thể hiện tình thương và lòng biết ơn đối với những người thân trong gia đình ngoài ra nó còn có ý nghĩa là giúp gia đình có lòng tin nơi Tam Bảo, phát tâm Bồ Đề và hơn nữa là củng cố, hướng dẫn con cái mình sau này có một đường đi, một lối sống đạo đức chuẩn mực theo giáo lý của Phật Đà.
Câu hỏi 2: Kính thưa thầy, Con có nghe băng của một thầy giảng, bảo rằng mình không nên khuyên người khác quy y, để tự họ phát tâm quy y, vì mình khuyên họ mà họ không giữ đúng giới luật thì mình và họ đều bị đọa địa ngục. Nếu như để tự họ phát tâm, thì họ mới giữ giới luật tốt. Tuy nhiên, con cũng có nghe một vị khác giảng nói, nếu như mình khuyên đưọc người khác quy y thì sẽ được công đức vô lượng. Vậy xin hỏi qua hai lời dạy nầy, thì lời dạy nào đúng. Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp.
Đáp: Qua câu hỏi thứ hai này để khẳng định lời nào đúng thì thực sự rất khó. Bởi vì tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo nơi chốn mà có sự thuyết pháp khác nhau. Cũng là một việc ấy đứng ở khía cạnh nào đấy chúng ta sẽ nói khác nhưng đứng ở một góc độ khác chúng ta phải hiểu khác. Ngày xưa, có một vị Tăng đến hỏi Ngài Triệu Châu con chó có Phật tính hay không. Ngài Triệu Châu trả lời là có. Vị thứ hai đến hỏi: “Kính bạch Hoà thượng, con chó có Phật tính hay không?”, thì Ngài Triệu Châu nói rằng không. Tại sao một con chó mà có người đến hỏi Ngài trả lời là có, có người đến hỏi Ngài trả lời là không. Xin thưa, người đến hỏi mà Ngài trả lời là có bởi vì người ấy đang chấp vào cái không còn người đến hỏi Ngài trả lời không bởi vì trong tâm người ấy đang chấp cái có. Ngài nói có, nói không là vì muốn loại bỏ kiến chấp trong tâm của mỗi hành giả. Để khẳng định lời của một vị nào là đúng thì thực sự rất khó khẳng định nhưng xin phép cho mạt nhân được trình bày kiến giải của mình về câu hỏi này.
Việc đầu tiên chúng ta phải trả lời cho được rằng quay về nương tựa ba ngôi  báu là một việc làm tốt hay là xấu? Việc thọ trì và giữ gìn năm giới là một việc làm tốt hay là việc làm xấu? Xin cho phép mạt nhân hỏi ngược lại nếu như một người làm cha hoặc mẹ biết rằng có một ngôi trường nào đấy dạy rất tốt, nếu con mình học hành tại đấy thì nhất định con mình sẽ thành tài. Vậy người cha, người mẹ ấy sẽ làm gì, sẽ làm thinh cho con mình tự tìm đến hay là hướng dẫn con mình đến đó học? Thêm một ví dụ nữa, có một người bạn A bạn biết rằng trường của mình dạy rất tốt do đó khuyến khích người bạn B đến để học nhưng anh bạn B này đến mà không học, đến chỉ cho có đến để quậy phá. Thì thử hỏi người ở lại lớp là ai, nhà trường kỷ luật ai? Anh bạn A này về học lực và hạnh kiểm có bị ảnh hưởng gì không? Chắc chắn là không. Như vậy, khuyên người ta quay về và nương tựa ba ngôi báu theo mạt nhân nghĩ đó là một việc làm tốt, một việc làm đáng để làm. Và việc làm ấy nếu như trong xã hội này được nhân rộng ra thì xã hội này sẽ hạnh phúc. Nếu như mọi người trong xã hội này đều biết quay về và nương tựa ba ngôi báu, đều biết thực hành năm nguyên tắc đạo đức thì xin thưa xã hội này thực sự hạnh phúc và lời khuyên này cũng rất cần cho mọi người. Còn việc người ta đã quy y rồi mà không giữ đúng giới luật, xin thưa đó là cái duyên của mỗi người và đó là cái nghiệp của mỗi người. Mạt nhân xin dẫn một câu chuyện ngày xưa di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề khi bà xuất gia làm Tỳ kheo Ni, một hôm bà về hoàng cung bà khuyến khích cung tần mỹ nữ, công chúa xuất gia thì các vị ấy trả lời rằng: “Kính bạch di mẫu, chúng con không dám đi xuất gia”, di mẫu hỏi lý do tại vì sao, các vị ấy nói rằng: “Con chỉ sợ rằng mình còn đắm chìm trong ngũ dục đi xuất gia không giữ đúng giới luật của nhà Phật, con tái phạm như thế con sẽ bị đoạ vào những đường ác”. Di mẫu nói: “Việc ấy không có vấn đề gì cả, nếu như các vị đi xuất gia mà không giữ đúng giới luật của nhà Phật cho dù có đoạ địa ngục đi chăng nữa thì khi xả báo thân địa ngục thì những vị trở lại làm người nhờ nhân duyên xuất gia ngày hôm nay các vị lại biết đến Phật pháp và tiếp tục xuất gia. Câu chuyện này cho ta thấy rằng việc khuyên người khác quy y Tam Bảo, khuyên người khác thực hành giới cấm là việc nên làm và cần phải làm trong xã hội ngày hôm nay. A Di Đà Phật.
Qua phần chia sẻ vừa rồi của Đại đức Giảng sư, quý vị đã biết mình nên làm gì, khuyên người quy y hay tự để họ phát tâm quy y. Với phần chia sẻ vừa rồi tin rằng quý vị đã thoả mãn với câu trả lời của Đại đức Giảng sư.
Câu hỏi 3: Nam Mô A Di Đà Phật! Kính bạch Thầy, Con thấy có một vài đám tang trong giới Phật tử, thân quyến có viết cáo phó là: “Miễn Phúng Điếu”, (không nhận tiền) hỏi ra, thì họ nói: Nếu nhận tiền, thì người chết phải mắc nợ. Vậy xin hỏi: nhận tràng hoa người ta phúng điếu, thì người chết có mắc nợ hay không? Và nếu so sánh giữa tiền và tràng hoa, thì cái nào có lợi ích thiết thực hơn?
Đáp: Cái quan điểm nhận tiền người người chết mắc nợ, theo mạt nhân nghĩ thì quan điểm này rất hay nhưng mà hơi tiêu cực một chút. Bởi vì vấn đề phúng điếu là vấn đề xưa nay ông bà mình vẫn làm, đó là một tập tục của văn hoá Việt Nam đến phúng điếu không có phải đến vì cái tiền ấy mà đến vì cái sự đồng cảm, chia sẻ, và an ủi cho những người vừa bị mất cha, mất mẹ, mất người thương. Nhưng mạt nhân lại nghĩ thế này nếu như nhận tiền phúng điếu mà người chết mang nợ, tại sao mình không dùng cái tiền này mình làm việc phước để cả ba cùng được lợi ích. Thay vì không nhận thì mình cứ nhận nhưng mình không xài, mình đem tiền ấy mình phóng sinh, bố thí, cúng dường, làm phước thì cả người chết, người cúng và cả gia chủ cùng lợi ích. Cuộc đời này đâu dễ ai cũng nhận được, rất khó người nhận được. Đôi khi bảo phát tâm người ta không chịu phát tâm, bảo cúng dường người ta không chịu cúng dường, bảo bố thí người ta không chịu bố thí nhưng bỏ năm chục ngàn, hai trăm ngàn đi một cái đám tang thì người ta lại đi. Thay vì mình không nhận thì cứ nhận tiền ấy rồi đi làm phước như vậy cả ba đều được lợi ích.
Vấn đề thứ hai là nhận tràng hoa có mắc nợ không. Cho mạt nhân hỏi lại người đặt câu hỏi này, tràng hoa từ đâu mà có?
Điều thứ ba, giữa tràng hoa và tiền cái nào có lợi ích thiết thực hơn. Người Việt Nam ta có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Chúng ta phải xem hoàn cảnh gia đình người ấy đi tràng hoa hay là tiền thiết thực hơn. Nếu nhà ấy giàu “nứt đố đổ vách” đi thì tiền họ có cần không mà một tràng hoa lại làm họ nở mặt nở mày, đám tang là một chuyện buồn nhưng đôi khi đám tang lại là một dịp để người ta nở mặt nở mày, cái đám tang mà nhiều tràng hoa xin thưa gia chủ sẽ cảm giác hãnh diện cảm thấy vui. Đặc biệt là cái tràng hoa ấy là của một những vị cao Tăng, của những doanh nghiệp lớn thì họ có vui không? Nhưng nếu nhà ấy quá nghèo, thì cái tràng hoa đương nhiên cũng hãnh diện nhưng nó không cần bằng tiền. Như vậy, các vị phải xem nhà ấy cần cái gì, nếu nhà ấy giàu rồi thì mình mua tràng hoa còn nếu nhà ấy nghèo thì mình đi tiền nếu mà có thêm tràng hoa lại càng tốt. Và đây là câu trả lời của mạt nhân. Nam Mô A Di Đà Phật.
Vâng, người xưa có nói rằng: “Nhất gia hữu sự, bá gia ưu”. Trong gia đình có người thân nào mất những người bà con, láng giềng chia buồn phân ưu bằng cách cúng tràng hoa hoặc là tiền phúng điếu. Như những lời chia sẻ của Đại đức Giảng sư, tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo gia đình, tuỳ theo phong tục tập quán mà chúng ta có những việc làm thiết thực.
Câu hỏi 4: Kính bạch Thầy, cha chồng con mất hơn 100 ngày, con cúng chay thì gia đình ngăn cản, bảo khi còn sống cha con ăn mặn chứ có ăn chay đâu, nếu cúng mặn mới ăn được, còn cúng chay thì không ăn được. Con đang bối rối, xin thầy cho con lời khuyên.
Đáp: A Di Đà Phật. Đây là một câu hỏi rất hay và câu hỏi này rất nhiều người thắc mắc đặc biệt là với cái phong tục của người Việt Nam chúng ta, nhất là các người ở quê. Qua câu hỏi này, mạt nhân xin được trình bày hai quan điểm của mình. Thứ nhất đó là mục đích cúng giỗ, trong mục đích cúng giỗ này chúng ta chia thành ba phần nhỏ. Phần thứ nhất, cúng để thể hiện lòng tri ân và báo ân. Chúng ta có mặt trên cõi đời này là nhờ ông bà, cha mẹ. Nếu như mẹ không mang thai chín tháng mười ngày thì sẽ không có mặt chúng ta trên cõi đời này. Ngoài cái nghiệp thức của mình cần phải có cha và mẹ, mà cha mẹ từ đâu mà có cha mẹ là nhờ ông bà sinh ra. Và cứ tiếp như thế, mỗi người chúng ta đều có dòng họ, đều có tổ tiên, ông bà. Như vậy sau khi ông bà đã quá phần thì bổn phận của một người làm con, một người làm cháu chúng ta phải biết tri ân và báo ân ông bà. Hành động tri ân và báo ân thông qua việc cúng giỗ, mạt nhân nghĩ đấy là một cái phong tục rất đẹp của người Việt chúng ta. Thứ hai cúng giỗ với mục đích là để cho con cháu, dòng họ có cơ hội gặp nhau. Đôi khi chúng ta vì công ăn việc làm người ở nơi này, người ở nơi khác rất khó gặp nhau, chỉ nhân vào những dịp cúng giỗ chúng ta vân tập về để tổ chức, cơ hội này là cơ hội để cho anh em trong dòng họ biết mặt nhau. Biết mặt nhau như thế có rất nhiều cái hay và tránh đi rất nhiều cái đáng tiếc sau này. Ví dụ như không biết mặt nhau sau này anh em ra đường đánh nhau cũng không biết hoặc nếu như không biết mặt nhau đôi khi ra đường chúng ta lại yêu nhau, lấy nhau. Sự việc này giới trẻ rất hay vấp phải. Khi sự việc đã xảy ra rồi thì điều đáng tiếc, điều ân hận lớn nhất đó là thuộc về những người làm lớn trong dòng họ. Do đó vấn đề cúng giỗ ông bà với mục đích là để cho dòng họ được gặp nhau đó là một điều hay. Điều thứ ba, cúng giỗ là để tưởng niệm ông bà, để nhớ nghĩ đến công lao sinh thành của ông bà và cha mẹ, nên biết rằng cúng giỗ là để làm như thế chứ không phải cúng giỗ để cho ông bà ăn. Nếu như cúng giỗ mà ông bà ăn thì ai dám cúng, dọn lên thì đĩa đầy mà dọn xuống thì đĩa không thì ai dám cúng, sự thật là như thế. Nếu như mà chưa siêu thoát thì ông bà chỉ hưởng cái hương hoa, quả vật mình dâng cúng còn thức ăn, thức uống chúng ta cúng lên xong rồi chúng ta chỉ đem xuống. Nhưng điều đặc biệt chú ý là khi cúng giỗ chúng ta không nên quá câu nệ về hình thức, làm để tưởng niệm thì được còn bày tiệc ra câu nệ về hình thức thì điều này không nên. Thứ hai đó là quan niệm về chay và mặn. Có một số người họ quan niệm rằng khi còn sống ông bà của họ ăn mặn vậy khi chết cúng chay thì ông bà họ làm sao mà ăn. Quan niệm sống ăn cái gì chết cúng cái đó, quan niệm ấy nghe nó cũng hơi lạ. Mạt nhân xin hỏi thế này nếu lúc còn sống ông bà thích ăn thịt sư tử, thích ăn thịt cọp vậy thì lúc mất rồi mình tìm những thứ đó cho ông bà mình ăn có dễ hay không? Xin thưa điều này không thể có, như đã nói cúng giỗ là để tưởng niệm chứ không phải để cho ông bà ăn. Vì thế cái vấn đề làm chay cúng là vấn đề rất hay, tránh được nghiệp sát sinh cho con và cho cháu. Nếu như ông bà chúng ta đời trước mà tu hành không khéo đời này đoạ sinh trở lại làm gà, làm vịt, làm heo, làm bò mà chúng at lại sát sinh giết vật để cúng ông bà đôi khi chúng ta lại giết chính ông bà để cúng ông bà. Điều này thật kinh khủng. Ngày xưa, vua Lương Võ Đế khi cúng tổ tiên của ông thì ông dùng bún mà cúng thì có nhiều người cười rằng dòng họ tổ tiên của Lương Võ Đế không có thịt để ăn. Xin thưa lời nói ấy hoàn toàn không chính xác. Bởi vì vua Lương Võ Đế là một vị vua mà am hiểu rất sâu về lời Phật dạy, am hiểu rất sâu về Phật pháp do đó ông quyết định cúng ông bà bằng việc chay tịnh. Việc làm của ông đáng ra được nhiều người ủng hộ thế mà đôi khi có những người chỉ vì miếng ăn, chỉ vì quan niệm sai lầm lại cười ông. Cá chưa chắc đã là cao lương mỹ vị, tương rau chưa chắc đạm bạc chỉ cần con cái có tu thân, có tu đức, có cố gắng để làm mở mặt mở mày dòng họ hay không việc đó mới là việc quan trọng. Còn vấn đề cúng kiến là để tưởng nhớ mà thôi. Trong phẩm thứ bảy của kinh Địa Tạng ghi rằng: “Bồ Tát Địa Tạng bạch cùng đức Phật rằng: Con có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề ngày lâm chung của người thương cần phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp sát sinh. Bởi vì những việc giết hại chúng sinh để cúng tế chẳng có một mảy mún phước đức gì cả mà chỉ làm cho ông bà càng nặng nghiệp hơn mà thôi.” Và chúng ta cũng chớ vì sướng ba tấc lưỡi ăn uống rồi nhậu nhẹt để mà giết hại chúng sinh, việc làm ấy khiến cho ông bà ngày thêm nghiệp nặng. Do đó khuyên tất cả những người Phật tử và chưa phải Phật tử, chúng ta nên cúng chay và làm giỗ tưởng niệm ông bà bằng những việc làm thiết thực như là chúng ta bố thí, phóng sinh hồi hướng phước đức cho ông bà, chớ vì cớ cúng giỗ mà gây tạo ra nghiệp sát sinh, gây tạo ra nghiệp không tốt khiến cho ông bà chúng ta bị đoạ lạc sâu và bản thân chúng ta cũng không được lợi ích gì.
Với phần trình bày vừa rồi của Đại đức Giảng sư, chúng tôi nghĩa rằng cái việc cúng chay hay cúng mặn thì tuỳ ở mỗi gia đình nhưng mà để thiết thực hơn thì chúng ta nên cúng chay để tránh nghiệp sát cho chính bản thân chúng ta cũng như cho ông bà của chúng ta.
Câu hỏi 5: Nam Mô A Di Đà Phật! Như con được biết, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện đản sinh trong thế giới Ta-bà này, nên chúng ta mới có ngày rằm tháng 4 là ngày vía Đản sinh của Ngài. Vậy đức Phật A Di Đà ở thế giới cực lạc Phương tây , tại sao chúng ta lấy ngày 17 tháng 11 làm ngày vía của Ngài? Ngày vía ấy là ngày vía gì (Đản sinh, thành đạo hay nhập Niết-bàn)?
Đáp: A Di Đà Phật. Đây là một câu hỏi khá hay. Theo lịch sử ghi lại thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài thị hiện Đản sinh tại thế giới Ta Bà này do đó chúng ta lấy ngày vía của Ngài thí dụ như ngày đản sinh Ngài là ngày rằm tháng tư rồi ngày xuất gia, ngày thành đạo, ngày nhập Niết Bàn.v.v. Điều ấy được lịch sử ghi rất tường tận, rất rõ ràng. Còn đối với đức Phật A Di Đà, Ngài ở thế giới phương Tây chứ không phải thế giới của chúng ta, vả lại Ngài thành Phật đã từ lâu chứ không phải mới thành Phật. Vậy tại sao chúng ta lấy ngày 17 tháng 11 làm ngày vía của Ngài? Điều ấy được xuất phát từ đâu và được y cứ vào tài liệu nào? Để các vị rõ về câu này mạt nhân xin dẫn câu chuyện cuộc đời của một vị Đại sư đó là Đại sư Vĩnh Minh hay còn gọi là Đại sư Diên Thọ. Ngài là người của nhà Tống, là Tổ thứ sáu của Liên tông Tịnh Độ Trung Hoa. Lúc nhỏ, Đại sư rất thích tụng kinh Pháp Hoa đến nỗi mà bầy dê nghe Ngài tụng kinh đều quỳ mọt xuống đó là điều cảm ứng của việc Đại sư tụng kinh. Khi lớn lên, Ngài được vua Văn Mục Vương cho là thuế vụ nhưng đặc biệt càng làm thì càng thâm hụt. Lúc này vua Văn Mục Vương không hiểu tại sao Thầy làm thuế vụ mà làm thâm hụt, thế là vua Văn Mục Vương cho người điều tra và cuối cùng biết rằng là Đại sư đã lấy bớt tiền. Vua quyết định là đem xử trảm nhưng với bản tính từ hoà và liêm khiết của Đại sư thì vua không tin điều này, vua sai người lén ra pháp trường theo dõi nếu khi cây đao vừa giơ lên mà mặt của Đại sư biến sắc thì chém còn nếu cây đao giơ lên mặt Đại sư vẫn không biến sắc thì không chém. Khi ra pháp trường, cây đao vừa giơ lên và hạ từ từ xuống nhưng Đại sư vẫn bình tĩnh, thản nhiên, mặt vẫn không biến sắc. Lúc này, các quan về báo cho vua, vua đích thân ra pháp trường hỏi Đại sư rằng tại sao đối diện trước cái chết mà nhà ngươi vẫn bình tĩnh như thế. Đại sư trả lời rằng: “Muôn tâu bệ hạ đúng rõ ràng là trong khi làm thuế vụ thần có lấy bớt tiền nhưng lấy không phải để lấy cho thần, thần lấy không phải để thần ăn mà thần lấy để mua cá, mua chim, thần phóng sinh. Như vậy, đem cái mạng sống này đổi cho mạng sống của nhiều chúng sinh cũng đáng lắm chứ, do đó không có gì mà thần phải sợ cả. Vả lại khi làm việc ấy thần luôn hồi hướng công đức về Tây phương Tịnh Độ nếu như dù bây giờ thần có ra đi, thần cũng xin chắc chắn rằng thần cũng được về Tây phương thế giới.” Lúc này vua Văn Mục Vương nghe kinh hoàng và biết rằng việc làm của Đại sư là như thế do đó vua quyết định phóng thích. Khi vừa được phóng thích, Đại sư xin vua cho Đại sư được xuất gia và vua Văn Mục Vương đồng ý. Sau khi xuất gia, Đại sư tinh tấn tu hành mỗi ngày tụng kinh Pháp Hoa hết bộ và trì niệm hơn một trăm ngàn câu niệm Phật. Cả đời, Đại sư đều làm như thế, Ngài tụng hết một bộ kinh Pháp Hoa và niệm một trăm ngàn danh hiệu Phật. Đại sư tụng cả thảy từ khi xuất gia là mười ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Như vậy, mười ba ngàn bộ tương đương với hơn ba mươi năm. Bên cạnh đó Đại sư còn truyền giới Bồ Tát, phóng sinh, bố thí, cúng thí thực cho quỷ thần. Tất cả những việc ấy Đại sư đều hồi hướng về Tây phương Tịnh Độ cả. Đến giờ viên tịch, vào ngày 26 tháng 2 năm Khai Bảo thứ tám, Đại sư lên chính điện thắp hương lễ Phật, nhóm họp đại chúng, sách tấn tu tập sau đó Đại sư ngồi im và viên tịch, hưởng thọ 72 tuổi. Trước khi mà Đại sư viên tịch thì xảy ra một câu chuyện khá lý thú với vua Ngô Việt Vương. Lúc này, Ngô Việt Vương đến chùa Vĩnh Minh đảnh lễ Đại sư và vua hỏi thế này: “Kính bạch Hoà thượng trên đời này còn vị chân nhân nào ngoài Hoà thượng hay không?” Đại sư đáp rằng :”Có, Hoà thượng Hành Tu tai dài vị ấy chính là Phật Định Quang ứng hoá thân.” Ngay lập tức, Ngô Việt Vương đến chùa Khai Tướng gặp Hoà thượng Hành Tu đảnh lễ và xưng Ngài là Định Quang Như Lai, Hoà thượng Hành Tu cười bảo: “Ông Vĩnh Minh này nhiều chuyện quá, ông ấy chính là đức A Di Đà hoá thân. Nói xong, Hoà thượng Hành Tu ngồi ngay thẳng và viên tịch. Ngô Việt Vương lập tức trở về chùa Vĩnh Minh. Khi vua vừa về đến ngõ thì hay tin Đại sư Vĩnh Minh vừa viên tịch. Thông qua tiểu sử này, hàng Tăng tục mới quyết định lấy ngày 17 tháng 11 là ngày sinh của Đại sư Vĩnh Minh làm ngày vía của đức Phật A Di Đà. Như vậy sở dĩ có ngày vía của đức Phật A Di Đà đó là lấy ngày sinh của Đại sư Vĩnh Minh Tổ thứ sáu của Liên tông Tịnh Độ Trung Hoa. Điều này cũng xin nói thêm, các bậc mà ứng hoá thân một khi bị bại lộ tung tích thì ngay lập tức các Ngài liền thị tịch, chứ các Ngài không tồn tại trên thế gian. Hiện tại, có những người tự xưng mình là Phật, tư xưng mình Bồ Tát, tự xưng mình là Thánh thì xin hỏi những người tự xưng ấy có phải là thật Phật, Bồ Tát, Thánh hay không? Điều này mạt nhân nghĩ đó chỉ là ma mà thôi bởi vì rõ ràng thông qua chuyện này với hai vị Hoà thượng đó là Hành Tu và Vĩnh Minh một khi đã bại lộ tung tích thì ngay lập tức các Ngài ngồi thị tịch, không lưu luyến lại, không để người ta tôn xưng, không để người ta tâng bốc mình. Thế mà hiện tại có rất nhiều người xưng như vậy, xưng mình là Phật, Bồ Tát để người ta tâng bốc mình, để người ta đề cao mình, phụng dưỡng mình, Theo mạt nhân nghĩ những người này không phải thật là phật, không phải thật là Bồ Tát mà không phải thật là Phật, Bồ Tát thì là ai, chắc các vị tự trả lời được. A Di Đà Phật.

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Thượng tọa Ngộ Chân Thành, kính bạch chư Đại đức Tăng, kính thưa quý vị Phật tử. Hôm nay, tại chùa Hoằng Pháp tổ chức khoá Tu Một Ngày đồng thời thực hiện chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 24. Vừa qua quý vị đã nghe Đại đức Thích Đạo Quang giải đáp một số thắc mắc xoay quanh vấn đề đời cũng như đạo của toàn thể quý Phật tử. Trong đó có tất cả là năm câu hỏi.
Câu thứ nhất, Phật tử hỏi rằng người đã quy y Tam Bảo không đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh tại sao khi mất lại còn tổ chức lễ cầu siêu, như vậy có mâu thuẫn hay không. Chúng tôi cũng xin góp thêm một ít kiến giải của mình. Vấn đề người thân thể hiện lễ cầu siêu là để thể hiện tình cảm của người sống đối với người mất, của con cái đối với ông bà, cha mẹ. Riêng về vấn đề Tam Bảo, khi quý vị làm lễ quy y, quý thầy có hướng dẫn cho đọc câu: “Quy y Phật, không đọa địa ngục. Quy y Pháp, không đọa ngạ quỷ. Quy y Tăng, không đọa bàng sinh.” Khi quy y, chúng ta có phát nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và trong đó có khẳng định khi quy y Phật, Pháp, Tăng không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Theo chúng tôi nghĩ, người quy y Tam Bảo, thực hành theo lời Phật dạy, giữ gìn năm giới chắc chắn sẽ không đọa vào ba ác đạo. Ngược lại, nếu quy y Tam Bảo, không thực hành theo lời Phật dạy, không giữ năm giới thì cũng khó tránh khỏi bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do vậy làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng người mất không bị đọa vào ác đạo. Đối với người sống, chúng ta phải thể hiện tình cảm của mình đối với người chết dù người đó có siêu thoát, dù người đó không đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì chúng ta cũng thể hiện tấm lòng của mình bằng những nghi thức cầu siêu. Còn đối với người mất thì chúng ta rất là khó biết nhất là mình không có thể theo dõi trong cuộc sống người đó có giữ được năm giới hay không, có làm theo lời Phật dạy hay không nếu không thì cũng khó thoát được địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ví như một trường đại học khẳng định rằng có thể đào tạo các sinh viên sau khi học có bằng cử nhân đây là điều khẳng định của các trường đại học. Thế nhưng các sinh viên khi đến học có đạt được cái bằng cử nhân hay không còn tuỳ vào sự học hay không học của các sinh viênn đó. Nếu những sinh viên cố gắng, nỗ lực học thì sau này tốt nghiệp sẽ có bằng cử nhân. Ngược lại, sinh viên không học thì cũng không thể tốt nghiệp cử nhân được. Cũng như thế, người quy y Tam Bảo là khẳng định không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nếu giữ đúng lời Phật dạy, thọ trì năm giới cấm. Còn ngược lại cũng vẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nếu không giữ giới, không giữ lời đức Phật dạy. Cho nên, theo chúng tôi nghĩ việc cầu siêu cho người mất không có gì gọi là mâu thuẫn, đây là thể hiện tình cảm của người sống đối với người mất.
Câu thứ hai, có người cho rằng khuyên người khác quy y nếu người đó không giữ giới bị đọa địa ngục thì người đó cũng mang tội, có người lại cho rằng khuyên người khác quy y thì được phước báu, bây giờ phải biết nghe theo lời khuyên nào. Theo chúng tôi nghĩ, quý vị nên khuyên người quy y Tam Bảo, khuyên người làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức đó là những lời khuyên rất cần thiết cho con người, cho cuộc đời, cho xã hội. Việc làm này theo chúng tôi nghĩ đó là công đức vô lượng. Còn nói rằng khuyên người quy y Tam Bảo mà người ta không giữ giới bị đọa vào địa ngục mình bị đọa theo điều này chúng tôi thấy hết sức là kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ là mình khuyên người làm lành, khuyên người quy y, khuyên người hướng thiện hướng thượng mà họ làm ác thì tội họ chịu chứ tại sao người khuyên lại chịu. Nếu người khuyên người ta làm điều ác thì mình mới bị liên lụy còn mình khuyên người ta làm điều thiện mà người ta làm điều ác thì hậu quả và trách nhiệm của người ta chứ không phải trách nhiệm của mình. Cho nên theo chúng tôi nghĩ quý vị nên khuyên người ta điều thiện, làm lành lánh dữ.
Câu thứ ba, vấn đề nhận tiền phúng điếu cho người mất vậy thì người mất có mắc nợ hay không. Vấn đề phúng điếu người mất là thể hiện tình làng nghĩa xóm. Khi trong làng, trong xóm có người mất thì những người hàng xóm, bạn bè, những người thân đến viếng, đến chia buồn đây là thể hiện cái tình cảm. Còn việc phúng điếu nếu có mắc nợ thì người sống mắc nợ nhau chứ không thể nào mà người chết mắc nợ. Chẳng hạn như hôm nay gia đình mình có người thân mất, những người hàng xóm, bạn bè đến chia buồn, phúng điếu sau này người thân hoặc là những người hàng xóm mất thì mình cũng đến chia buồn, phúng điếu lại. Như vậy, đây là sự mắc nợ giữa người sống với nhau, đó là chúng ta nói nếu là có mắc nợ thì là người sống với nhau mắc nợ. Lần này, anh đến viếng gia đình tôi thì lần sau đến gia đình anh có hữu sự tôi lại tới viếng. Nói một cách nào đó thì đây là tình cảm mà thôi, còn nói đến nợ thì người sống nợ với nhau chứ người chết không mắc nợ.
Câu hỏi thứ tư, có người hỏi rằng cha chồng mất 100 ngày, khuyên người thân cúng chay người thân không đồng ý và nói là cha khi còn sống ăn mặn bây giờ cúng chay thì cha ăn không có được, như vậy người này mới rằng nên cúng chay hay là cúng mặn. Xin thưa với quý Phật tử, cúng cho người mất là thể hiện tấm lòng của người sống còn vấn đề ăn được hay không đó là tuỳ vào tương ưng xứ. Trong kinh Tăng Chi Bộ có kể một vị Bà La Môn đến bạch đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi làm lễ cúng cho những vong linh đã mất vậy thì những vong linh đó có hưởng được hay không?” Đức Phật trả lời rằng tuỳ tương ưng xứ, nếu người đó tái sinh làm người hoặc sinh về cõi trời hoặc sinh làm súc sinh thì không thể thọ hưởng được vật cúng của quý vị, nếu người đó đọa làm ngạ quỷ thì sẽ thọ hưởng được những vật cúng. Vậy qua đây đức Phật đã cho chúng ta thấy tuỳ theo tương ưng xứ nghĩa là nếu người mất đã tái sanh vào cõi người hoặc bị đoạ làm súc sinh hoặc sinh về cõi trời thì những cảnh giới này có thức ăn riêng như vậy những vậy những vật chúng ta cúng thì người đã tái sanh không thể thọ hưởng được, chỉ có ngạ quỷ mới thọ hưởng được thức ăn cúng đó mà thôi. Do vậy, ở đây chúng ta thấy rằng việc cúng thể hiện tình cảm của người sống đối với người mất, chứ chúng ta không nghĩ rằng người đó phải được hưởng, nếu mà người đó hưởng được thì như trong kinh đức Phật nói như vậy họ đã bị đoạ vào ngạ quỷ. Còn như Đại đức Đạo Quang đã nói chúng ta không biết người mất sẽ sinh về cảnh giới nào có thể sinh làm súc sinh vậy vô tình mình giết súc vật để cúng cho ông bà mình là giết ông bà mình cúng cho ông bà mình, rồi sau đó con cháu lại ăn thịt của ông bà mình. Như vậy, tốt hơn hết chúng ta nên cúng chay.
Câu thứ năm, có người hỏi rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong thế giới Ta Bà này có ngày rằm tháng tư là ngày Đản sinh của Ngài, đối với đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc phương Tây thì tại sao lấy ngày 17 tháng 11 làm ngày vía vậy ngày này là ngày Đản sinh, thành đạo hay nhập Niết Bàn. Như quý vị cũng đã biết, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Phật lịch sử, Ngài sinh ra trên cuộc đời này và chúng ta biết được ngày sinh của Ngài, ngày thành đạo, ngày xuất gia, ngày nhập Niết Bàn. Thế nhưng đối với đức Phật A Di Đà là đức Phật quá khứ được đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong các kinh như kinh Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Ngài nói về hạnh nguyện độ tha của đức Phật A Di Đà đối với tất cả chúng sinh. Cho nên, đức Phật không nói đến ngày sinh, ngày xuất gia, ngày thành đạo hay là ngày nhập Niết Bàn của đức Phật A Di Đà. Như vừa nãy, Đại đức Giảng sư đã trình bày, bên Trung Quốc, Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là Tổ thứ sáu của Tịnh Độ tông khi Ngài viên tịch người ta biết được Ngài là hoá thân của đức Phật A Di Đà. Từ đó, người ta lấy ngày 17 tháng 11 là ngày sinh của Ngài Vĩnh Minh làm ngày kỉ niệm đức Phật A Di Đà. Theo chúng tôi nghĩ vấn đề những đức Phật quá khứ chúng ta không thể biết được ngày sinh, ngày xuất gia, ngày thành đạo hay là ngày nhập Niết Bàn, có thể là người đời sau nhân một sự kiện nào đó hay một sự tích hoặc là một sự thị hiện nào đó của các Ngài cho nên lấy cái ngày đó để kỉ niệm. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó cũng là tốt thôi bởi vì mình kỉ niệm các Ngài có ngày, giờ để thể hiện được tình cảm của người con Phật đối với đức Phật, chư vị Bồ Tát.
Đó là năm câu hỏi mà quý vị đặt ra, Đại đức Đạo Quang đã trình bày tương đối rõ ràng. Tuy nhiên đó chỉ là kiến giải của thầy Đạo Quang cũng như của bản thân chúng tôi. Khi nghe quý vị có quyền suy nghĩ kỹ mà xét thấy nếu hợp lý, đúng thì tin, còn nếu không hợp lý và chưa đúng thì chúng ta cũng chưa nên tin. Ngay như đức Phật, Ngài cũng nói câu đó, Ngài khuyên tất cả các đệ tử hãy lắng nghe sau khi lắng nghe rồi về suy nghĩ cho thật kỹ nếu thấy đúng thì tin còn nếu không đúng thì cũng không nên tin. Chúng tôi cũng vậy, mong rằng có điều gì chưa đúng có quyền đặt câu hỏi lại và gửi những câu hỏi để Ban Tổ Chức có thể tiếp tục giải đáp những thắc mắc của quý vị. Trước khi dứt lời xin thành tâm cầu nghuyện Tam Bảo gia hộ cho chư Tôn đức thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Và kính chúc đến toàn thể quý Phật tử có một ngày tu tập thanh tịnh và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn