Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 20

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 20
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư: Thích Tâm Thành
(Ngày 22/11/2009)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Tâm Thành
Câu  hỏi 1: Kính bạch quý Thầy, con mới biết đến Phật pháp khoảng 1 năm trở lại đây, tuy con chưa hiểu nhiều nhưng con có đức tin tuyệt đối vào Phật pháp, con rất tin vào thế giới tâm linh, và luật nhân quả. Con đã lấy chồng được 5 năm rồi mà vẫn chưa có con, trong khoảng thời gian đó con đã có thai 3 lần nhưng không lần nào giữ được, 3 lần con đều bị thai chết lưu, cả 2 vợ chồng con đều đi kiểm tra bác sĩ nhưng bệnh viện trả lời là cả 2 chúng con đều khỏe mạnh và chưa tìm ra nguyên nhân. Đến bây giờ chồng con vẫn rất yêu thương con, chúng con hạnh phúc, vợ chồng con chưa làm điều ác với ai, rất hay giúp đỡ người khác, rất yêu trẻ và có hiếu với cha mẹ. Con nghĩ rằng kiếp trước con hoặc chồng con đã làm điều gì ác thì kiếp này mới khó khăn chuyện con cái thế này, con đã đi chùa cầu xin sám hối nhiều lần, làm lễ mà vẫn chưa được, con cầu xin quý Thầy anh minh chỉ đường dẫn lối cho chúng con có được 1 mụn con, con đội ơn quý Thầy rất nhiều. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Lời đầu tiên, chúng con thành tâm cầu nguyện hồng ân Tam Bảo từ bi gia hộ cho chư Tôn đức luôn luôn pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ và kính chúc quý vị Phật tử thân tâm luôn an lạc, vạn sự cát tường như ý. Nam Mô A Di Đà Phật.
Kính thưa quý vị Phật tử đây là một câu hỏi mang tính thời sự. Trước tiên chúng tôi cũng xin chia buồn với cặp vợ chồng trong trường hợp này. Hiện tượng thai lưu nói cho đúng đó là hiện tượng thai chết lưu tức trường hợp thai chết trong bụng mẹ trước khi kịp chào đời. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa xác minh được nguyên nhân chính cụ thể của hiện tượng này. Cũng có nguyên nhân về phía người mẹ như là do quá trình sốt cao hay là các bệnh mãn tính như tim mạch.v.v. Hoặc là về phía người con do di truyền gen và những tác động của môi trường. Cũng có giả thiết cho rằng đó là do những bất đồng trong quá trình hình thành phôi thai dẫn đến những bất thường của thai nhi vì thế khi thai nhi lớn lên nó không có đủ khả năng để thích nghi với môi trường và do đó nó bị đào thải theo một cơ chế tự nhiên. Có khoảng 20%-50% hiện tượng thai lưu thì người ta không thể xác định được nguyên nhân mặc dầu hiện nay khoa học phát triển với đầy đủ thiết bị máy móc để nghiên cứu và tìm hiểu. Như vậy, vấn đề đặt ra là 20%-50% nguyên nhân đó chắc chắn là do ngoại duyên tác động. Và trong trường hợp này, chúng ta cũng không thể loại trừ nghiệp mà chúng ta đã tạo. Nghiệp theo quan điểm của đạo Phật đó là những hành động tạo tác có chủ ý và nghiệp này nó có công năng dẫn dắt chúng ta trong đời sống tương lai, giống như trong kinh Tăng Chi Bộ đức Phật dạy rằng chúng ta là chủ nhân của nghiệp và chúng ta cũng thừa hưởng nghiệp mà chúng ta đã tạo. Đức Phật là một bậc thông tuệ về nghiệp và tái sanh này. Trong đêm đầu tiên giác ngộ giáo lý, canh đầu tiên, Ngài đã tư duy quán sát về những kiếp quá khứ của Ngài từ một kiếp, hai kiếp đến trăm ngàn kiếp trước và trong canh thứ hai thì Ngài quán sát từ những kiếp quá khứ của tất cả chúng sanh, chết ở thế giới này sinh sang thế giới kia và có người thì giàu, có người thì nghèo, người thì sang, người thì hèn, người thì chết yểu, người được mạng sống lâu. Ngài quán sát thấy tất cả những điều đó đều do nghiệp của chúng sanh đã tạo ra. Nói một cách nôm na thì nghiệp của chúng ta giống như là một cuốn kịch bản mà chúng ta tự tay viết lên. Trong hiện tại, chúng ta đang sống này chính là kịch bản do chúng ta đã viết trong quá khứ và những hành động trong hiện tại này sẽ là những chi tiết để thêm vào kịch bản trong tương lai của chúng ta. Hay chúng ta nói dễ hiểu là những hạnh phúc hay khổ đau ở hiện tại này đều do một phần lớn sự tác động của nghiệp quá khứ mà chúng ta đã gieo trồng. Chúng tôi có xem qua một bài viết trong tạp chí năm 1989, trong đó có ghi về một cô ca thì cô này là một ca sỹ nổi tiếng của Pháp vào thập niên 80. Điều khác thường ở đây là cô ta thường hay hủy bỏ những buổi biểu diễn trước giờ diễn của cô ta vì lý do rất đơn giản là khi cô lên hội trường nghe những tiếng vỗ tay vang dội của khán thính giả thì cổ của cô dường như bị co thắt và ngực của cô khó thở. Hiện tượng này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, sau đó cô đã tìm đến các nhà tâm thần học để điều trị. Tại đây cô đã được áp dụng một phương pháp đặc biệt giúp cho ký ức cô qua trở về những kiếp quá khứ. Trong quá trình thôi miên, cô đã kể lại kiếp quá khứ của mình rất trôi chảy. Cô kể rằng trong một kiếp quá khứ cô đã sống vào thời cách mạng Pháp, đến lúc cô và những người cộng sự của mình sắp lên giàn treo cổ thì những tiếng vỗ tay vang dội ở phía dưới rất là vui vẻ khi cảm giác những người này sắp phải đền tội. Và hiện tại trong kiếp lai sinh, những lúc mà nghe tiềng vỗ tay, những tiếng tán thưởng từ hội chúng vang lên thì cổ của cô dường như có cảm giác bị co thắt và tim rất khó thở. Sau một kết quả điều trị như vậy, tìm ra được nguyên nhân thì sự việc của cô nó không còn tái diễn nữa. Như vậy, chúng ta thấy rằng nghiệp ở trong quá khứ nó có tác động mạnh mẽ lên đời sống hiện tại của chúng ta. Trong kinh đức Phật dạy là: “Giả sử bắt thiên kiếp sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời quả báo hoàn tự thọ.” Nghiệp của chúng ta tạo ở trăm ngàn kiếp trước đi nữa thì nó không có mất mà đến lúc nhân duyên hội đủ thì chúng ta phải lãnh thọ quả báo. Cho nên nghiệp quả mà hiện tại cô này chịu là không có con, chứng tỏ rằng trong một kiếp quá khứ nào đó cô đã tạo những nhân không tốt cho nên hiện tại phải gánh lấy những quả không tốt như vậy. Nghiệp quả này không phải chỉ riêng một mình cô mà đó là chung của gia đình, cũng có thể của người chồng và người con hoặc cũng có thể của cả người vợ, như vậy người ta gọi là cộng nghiệp. Cộng nghiệp tức là nghiệp chung của tất cả. Có nhiều người cho rằng người con chưa lọt lòng mẹ thì làm sao tạo nghiệp thế nhưng đó là nghiệp của quá khứ. Trong kinh Nhân Quả có ghi rằng: “Đời này, chúng ta thọ mạng yểu, sống tuổi thọ ít, chết yểu đó là trong đời trước chúng ta sát sanh, hại mạng, không có phóng sanh.” Hay kinh Nhân Quả cũng ghi rằng: “Trong đời này chúng ta không có con là do đời trước chúng ta đã sinh con gái nhưng chúng ta lại hắt hủi hay chúng ta biết rằng chúng ta đang có mang con gái thì chúng ta hủy bỏ nó đi.” Và cũng trong kinh Nhân Quả có dạy: “Đời này chúng ta gieo những nhân như là sát sanh, hắt hủi những người cô độc thì trong kiếp kế tiếp chúng ta sẽ phải chịu quả báo như là không có người thừa kế, sống một đời sống cô độc.” Trong trường hợp này, không phải nghiệp nhân của mình cô mà là của tất cả cùng chung lại. Đứng trước vấn đề này, chúng ta phải xử lý như thế nào? Trong trường hợp này chúng ta cũng rất vui mừng vì cô đây có tín tâm với Phật pháp sâu dày và cô có sám hối ăn năn tội lỗi. Bởi vì những cái nghiệp của chúng ta đã gây tạo thì chỉ có chúng ta tự ăn năn sám hối mới có khả năng giải trừ nó. Có nhiều người chúng ta nói rằng việc sám hối, tụng kinh, lễ Phật như vậy làm gì có ảnh hưởng đến vấn đề có con của chúng ta. Thế nhưng những biểu hiện trong cuộc sống của chúng ta giống như là không có con hay là người thì nghèo, người thì sang, người chết yểu, người thọ mạng đó là biểu hiện của nghiệp mà chúng ta đã gieo trong quá khứ. Và dĩ nhiên khi chúng ta thành tâm sám hối thì những nghiệp nặng của chúng ta dần dần nó sẽ nhẹ bớt và những nghiệp nhẹ nó dần dần vơi đi. Trong trường hợp này cô nói mình đã đi sám hối nhiều lần tuy nhiên kết quả không có bao nhiêu. Ví dụ như có một chén muối hằng ngày chúng ta nhỏ một giọt nước vào đó và quý vị phải có một thời gian lâu dài để từ một chén muối đó từ một chén muối mặn trở thành một chén nước ngọt phải có một quá trình lâu dài. Và dĩ nhiên trong trường hợp này, nghiệp của cô đã gieo trong quá khứ đã quá nhiều như vậy thì không phải ngày một ngày hai mà chúng ta có thể giải trừ cái nghiệp đó được, mà nó phải kiên trì thường xuyên liên tục. Thứ nữa là trong kinh Phổ Môn có dạy: “Hễ người nào chí niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm với lòng chí thành chí thiết thì chúng ta cầu con thì có con, cầu nam thì được nam, cầu nữ thì được nữ.” Bởi vì đức Quán Thế Âm Bồ Tát như là một bậc mẹ hiền luôn luôn che chở và dìu dắt chúng ta, không phân biệt chúng ta là người giàu, người nghèo, người sang, người hèn, dù quý vị ở cấp vị nào hễ quý vị thành tâm trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát thì sở cầu sở nguyện quý vị đều thành tựu. Lấy một ví dụ điển hình, quý vị chắc chắn ai đây cũng biết cô nghệ sĩ Bạch Tuyết, đây là một nghệ sĩ cũng nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ của Việt Nam chúng ta. Cô lập gia đình một thời gian nhưng không có con và cô đã đi khám rất nhiều bác sĩ kết quả đều như nhau là cô không có khả năng để sinh con. Cái này còn bi quan hơn trường hợp của hai vợ chồng này. Nhưng với lòng chí thành chí thiết trì niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày nào cô cũng trì niệm, ngày nào cũng sám hối nghiệp chướng. Trải qua sáu năm trời như vậy, cuối cùng chuyện lạ đã xảy ra đó là cô đã có một người con thông minh. Đứng trước trường hợp này thì bác sĩ cũng bó tay. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức.” Chúng ta có lòng tin thì chúng ta sẽ thành công. Mỗi người chúng ta chắc ai cũng có niềm tin, tuy nhiên sâu dày hay không là do mỗi người. Nếu mà chúng ta cầu nguyện một tháng, hai tháng cho đến nhiều lắm là một năm mà quý vị không có kết quả chắc chắn là niềm tin của quý vị bị lún sụt liền thế nhưng cô Bạch Tuyết trong vòng sáu năm trì niệm với tâm chí thành chí thiết như vậy thì được cảm ứng. Phật giáo chúng ta không có chủ trương cầu để có được hạnh phúc mà chúng ta làm để có được hạnh phúc và dĩ nhiên chúng ta không phải sám hối cầu nguyện suông không mà chúng ta cần phải song song làm các tất cả những việc phước đức. Trong trường hợp này, nếu như cặp vợ chồng này chưa quy y Tam Bảo thì nên phát tâm quy y Tam Bảo và nên cùng với gia đình ăn chay trường để cầu nguyện. Chúng ta có thể làm tất cả những việc phước đức như phóng sanh, bố thí, cúng dường và cứu trợ tất cả những người đang gặp bất hạnh. Những việc là đó sẽ trợ duyên cho cô để những lời cầu nguyện của cô được thành tựu. Chắc chắn rằng khi mà đã tạo được thiện duyên đó rồi thì trong tương lai cô sẽ đạt được những sở cầu sở nguyện của cô. Nam Mô A Di Đà Phật.  
Kính thưa quý Phật tử, với câu hỏi này, nếu như khoa học ngày nay chịu bó tay thì chúng ta vẫn còn có cơ hội tinh tấn tu tập để chuyển hoá nghiệp chướng của mình.
Câu hỏi 2: Kính bạch quý Thầy! Bốn năm trước em trai con qua đời vì bị đột tử. Em con qua đời khi còn hơn 1 tháng nữa là đám cưới của nó được diễn ra. Năm đó em con 26 tuổi (em con sinh năm 1980). Đó là người con trai duy nhất của cha mẹ con và là người cháu trai duy nhất của dòng họ. Như vậy là gia đình con đã mất người thừa tự. Sau khi em con mất con mới có duyên với chùa chiền và quy y Tam Bảo. Gia đình con cũng đã đi cầu siêu cho em con nhiều lần. Tháng nào nhà con cũng nhờ Thầy đọc sớ cầu siêu ở chùa, Tết hay lễ lớn thì đi gửi cầu siêu ở nhiều chùa, đến giỗ thì gia đình con tổ chức cúng trai Tăng ở chùa. Ngoài ra chúng con còn tụng kinh, niệm Phật, phóng sinh, bố thí, cúng dường... để hồi hướng công đức cho em trai con. Vậy mà con có cảm giác em trai con không được siêu thoát. Nó vẫn quanh quẩn. Con vẫn thường nằm mơ thấy em con ốm yếu, bệnh tật, buồn rầu. Có khi 1 tuần con nằm mơ thấy vài lần. Gia đình con đã làm tất cả những gì có thể. Vậy mà dường như không giúp ích gì được em con cả. Nhìn em trai như vậy con buồn lắm. Bây giờ con phải làm sao? Xin quý Yhầy hãy cho con một lời khuyên. Con xin chân thành cảm tạ.
Đáp: Đây là câu hỏi thể hiện tâm trạng của người Phật tử chúng ta. Hầu như ai trong chúng ta có người thân trong gia đình mình qua đời đều hy vọng và mong muốn rằng người thân đó sẽ được sanh về những cảnh giới lành, an vui, hạnh phúc. Đó là nỗi lo chung của tất cả những người Phật tử. Người con trong trường hợp này là người con trai duy nhất ở trong gia đình và là người cháu trai duy nhất của dòng họ, là niềm kỳ vọng của dòng họ, một điều nữa là người con trai này mất trước đám cưới của mình một tháng. Biết bao nhiêu kỳ vọng, chính những yếu tố này đã ảnh hưởng và tác động đến quá trình tái sanh của người con trong trường hợp này. Trong một số trường hợp, những vong linh do sợi dây luyến ái gia đình quá nặng đã không thể dứt khỏi sợi dây gia đình nên vẫn quanh quẩn mà không thể siêu thoát. Tuy nhiên theo như Địa Tạng có dạy: “Những hương linh sau khi mất 49 ngày đó là thời gian để tuỳ nghiệp mà thọ sanh. Những người hiện đời gieo tạo những nghiệp thiện, những việc lành thì tuỳ nghiệp đó mà sanh về những cảnh giới lành. Những người tạo những nghiệp ác, những nhân ác thì cũng theo đó mà thọ lãnh những cảnh giới đau khổ như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.” Và cũng theo những lời kinh dạy đó mà Phật tử chúng ta thường có phong tục là cúng trai Tăng hoặc làm lễ cầu siêu trong vòng 49 ngày. Chúng tôi nghĩ rằng việc tụng kinh, niệm Phật cho hương linh trong vòng 49 ngày hay trong quá trình người thân qua đời như vậy đó là việc làm hết sức cần thiết và nó có tác động mạnh mẽ đến tiến trình tái sanh của hương linh, chứ không phải như cô Phật tử đã suy nghĩ là không có tác dụng. Như vậy thì vấn đề cầu nguyện như thế nào cho nó đúng. Ai trong chúng ta cũng có thể cầu nguyện tuy nhiên khi cầu nguyện chúng ta phải gửi tâm thành định gọi là tâm thành để Phật chứng. Ở đây cô nói mình đã dâng sớ cầu siêu ở rất là nhiều chùa. Tục lệ dâng sớ cầu siêu, cúng sao giải hạn vào các dịp đầu năm hay cuối năm, mà mỗi lần dâng sớ như vậy ta lại gửi cho tất cả các chùa thì vô tình những việc làm này nó mang tính số lượng hơn là chất lượng. Cho nên, chúng ta thấy rằng nhiều lúc việc cầu nguyện của chúng ta nó không đạt được kết quả như chúng ta mong muốn. Cho nên, trong trường hợp này, việc tụng kinh, trì niệm của gia đình đó là hoàn toàn hợp lý và có tác dụng. Tuy nhiên chúng ta phải chuyên tâm, thành tâm vào câu kinh lời kệ, có như vậy thì người sống chúng ta cũng được lợi lạc mà người mất cũng được lợi lạc theo. Nhờ những câu kinh tiếng kệ đó mà hương linh có thể xả bỏ thế giới này mà sanh sang một cảnh giới khác. Tuy nhiên vấn đề thắc mắc của cô Phật tử đó là trong trường hợp này cô lại thường nằm mơ thấy em trai của mình về, thậm chí tuần về vài ba lần. Chúng tôi cũng không thể xác định chính xác rằng việc cô nằm mơ như vậy đó là sự thật em cô về báo mộng hay không hay nó chỉ đơn thuần là một giấc mơ. Bởi vì tục ngữ Trung Quốc có câu: “Ngày nghĩ gì thì đêm mộng nấy.” Ban ngày chúng ta suy nghĩ đủ thứ việc chưa giải quyết xong thì ban đêm chúng ta giải quyết tiếp, những ký ức ban ngày của chúng ta nó hiện lên và cũng có thể trong quá khứ những ký ức đau buồn. Có thể là do người em mất sự đau buồn đó khắc sâu vào trong ký ức của người chị và những ký ức đó trong giấc mơ nó hiện về quay lại cuốn phim quá khứ. Như vậy, việc nằm mơ trong trường hợp này tương tự như một sự phản ảnh của đời sống hiện tại, nhất là những trường hợp như trong gia đình có người mất mới mấy ngày đầu sự thương nhớ người thân đó nó hằn in sâu vào trong ký ức của chúng ta và dĩ nhiên trong những đêm đầu tiên những ngày sau khi hương linh qua đời thì có hiện tượng chúng ta thường nằm thấy người thân chúng ta về thăm về hỏi, đó là do những ký ức nó hiện lên. Thế nhưng trong trường hợp này, dù có thật sự là người em về báo mộng hay chỉ đơn thuần một giác mơ thì việc thương nhớ đến hương linh không có tác dụng để xúc tiến quá trình tái sinh của hương linh mà vô tình nó sẽ tạo ra thêm những sợi dây ràng buộc hương linh trong quá trình tái sinh. Chúng tôi có biết đến một số phong tục của người Tây Tạng. Theo phong tục của người Tây Tạng, trong vòng 49 ngày sau khi người mất qua đời thì người ta cúng kiến cho người mất rất là đầy đủ thế nhưng qua 49 ngày rồi thì tất cả những đồ dùng của người mất được đem ra ngoài sử dụng cho những vấn đề khác hoặc là đem đốt và sau đó không còn cúng kiến gì nữa, người thân trong gia đình nói với hương linh một lời nói cuối cùng rằng gia đình này không còn gì để cho hương linh quyến luyến nữa mà hãy dứt bỏ cái thế giới tạm bợ này, dứt bỏ gia đình này để sanh vào một cảnh giới khác an lạc, hạnh phúc hơn. Chúng ta nghe qua cái phong tục này thấy dường như sao mà tuyệt tình quá, sao mà vô tâm quá, thế nhưng trong trường hợp này nó lại có tác động mạnh mẽ đến sự tái sinh của hương linh. Cho nên, sự thương nhớ đau buồn của chúng ta đối với hương linh hãy chuyển thành những việc làm thiết thực như là tụng kinh, niệm Phật và chúng ta làm những việc thiện để hồi hướng cho hương linh. Như vậy, nó sẽ thiết thực hơn là chúng ta tưởng nhớ đến hương linh. Và thiết nghĩ rằng trong những ngày trai tuần và cúng dường trai Tăng thì gia đình cũng nên thỉnh một vị Thầy có đạo hạnh gọi là bậc đạo Sư để khai thị cho hương linh biết được con đường tái sinh của mình trong thuật ngữ gọi là thuyết linh. Tức là sau khi nghe những lời kinh tiếng kệ và lời khai thị đó thì hương linh sẽ tìm ra được con đường đi cho mình, hiểu được đời là vô thường để xả bỏ được cái gia đình tạm bợ này và tìm con đường mới để tái sinh. Như vậy, trong trường hợp này, chúng tôi khuyên gia đình chúng ta không nên đau buồn mà chúng ta hãy biến sự đau buồn đó thành việc tụng kinh, niệm Phật, làm tất cả những việc tốt để hồi hướng cho hương linh thì như vậy sẽ thiết thực hơn. Nam Mô A Di Đà Phật.
Câu hỏi 3: Kính bạch quý Thầy! Thân con ở tại gia, nhưng lòng con đã xuất gia (vì còn trách nhiệm với gia đình). Con tự nhiên cảm thấy thương xót súc vật, con cứ quán tưởng thịt cá trước mắt là thịt của chúng sanh đầy máu me, và rên la ...nên con không ăn được, ban đầu còn ăn trứng, rồi từ từ con tự bỏ luôn, con chỉ ăn rau cỏ mà thôi, đến nay đã được 3 tháng. Nhưng hàng ngày con phải nấu ăn cho chồng con, gia đình chồng, con nêm nếm nhấm chừng nên bữa ăn có khi lạt khi mặn, chồng con phản đối việc con ăn chay dữ dội, và con cũng cảm thấy ớn và sợ khi nhìn thấy thịt, cá... Nhưng mẹ chồng con mua toàn cua, cá còn sống về bắt con phải nấu cho chồng con con ăn, con không nấu thì bị bà la rầy, mà nấu lên thì con sợ và đau lòng qua, nên con không biết làm sao, con rất khổ sở về việc này. Xin Thầy dạy cho con phải làm sao để không bị phạm giới và thân tâm được an lạc. Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Đáp: Kính thưa quý vị Phật tử, câu hỏi nó đề cập đến hai khía cạnh. Thứ nhất là liên quan đến vấn đề nhân quả, nghiệp báo. Và thứ hai nó liên quan về việc ứng xử trong gia đình, nhất là trong trường hợp này mình là một người làm dâu mà cô Phật tử nói rằng mẹ chồng bắt buộc phải sát sanh để cho gia đình dùng.
Thứ nhất, chúng ta phải xác định rằng việc sát sinh đó là phải chịu quả báo, đó là sự thật mà chúng ta không thể chối cải được. Thế nhưng, quả báo nặng hay nhẹ thì còn phải tuỳ vào tâm lượng của chúng ta khi hành những cái việc đó. Sát sanh thì phải đền mạng và chúng ta thiếu nợ thì phải trả tiền. Đó là quy luật. Luân hồi nghiệp quả như vậy để trả vay. Và không phải chỉ con người chúng ta biết đau khổ, đức Phật dạy rằng tất cả chúng sanh có tịnh thức đều có tánh ham sống sợ chết, tất là những con vật lớn hay nhỏ dù loài đó là đi bằng hai chân hay bốn chân hay loài đó đi trên mặt đất, bay trên hư không hay bơi lội dưới nước đều có tịnh thức thì có ham sống sợ chết và đều muốn an vui, hạnh phúc vì thế khi chúng ta sát hại những con vật đó thì niềm oán hận của nó gia tăng và oan trái cứ thế chất chồng, luân hồi trong lục đạo để vay trả, trả vay và nghiệp báo cứ thế chồng chất. Cho nên, đức Phật là một bậc thông tuệ, Ngài quán sát thấy nhân quả nghiệp báo như vậy và Ngài dạy cho chúng ta con đường để giải trừ nghiệp báo đó. Dĩ nhiên, nếu như chúng ta nghe, chúng ta thực hành theo thì chúng ta có được lợi lạc đó là điều tất yếu. Giống như nói rằng hút ma tuý thì bị nghiện hay giết người thì ở tù, đó là sự thật. Nếu chúng ta không có tin, không có nghe và làm các vấn đề đó thì chúng ta sẽ bị nghiện ngập, bị ở tù, đó là lẽ thật. Đức Phật chỉ là người nói cho chúng ta sự thật và việc chúng ta thực hành đến mức nào thì cái quả chúng ta hưởng. Cho nên muốn tránh được nhân quả nghiệp báo, chúng ta bắt buộc phải dẹp trừ cái nghiệp sát sanh. Dĩ nhiên trong cuộc sống thì không phải cái gì cũng dễ như chúng ta nói. Trong trường hợp này, cô Phật tử đứng trong hoàn cảnh là giết các con vật để cho gia đình chồng dùng tức là làm việc nội trợ. Đứng trước tình cảnh này quý vị phải làm gì? Rất khó. Người ta có câu là: “Dĩ hoà vi quý.” Chúng ta phải lấy sự hoà hợp trong gia đình làm đầu. Nếu chúng ta là một người con dâu thì đương nhiên chúng ta phải dùng những hành động của mình để cảm hoá được mẹ chồng và gia đình chồng. Và dĩ nhiên, trong gia đình chồng, người mẹ chồng là quan trọng nhất, cảm hoá được người mẹ chồng thì những người còn lại trong gia đình chồng đều dễ cả. Như vậy, chúng ta cảm hoá bằng cách nào? Qua những việc tu tập của chúng ta chẳng hạn như quý vị trước giờ không có quan tâm đến mẹ chồng thì hôm nay chúng ta chăm sóc, lo lắng hay chúng ta có thể săn sóc miếng ăn giấc ngủ những lúc bệnh tật, đi xa về có những món quà, nói chung là những việc làm thiết thực để tác động đến người mẹ. Những việc làm đó phải xuất phát từ tâm. Khi chúng ta đã tạo được những thiện cảm đối với mẹ chồng và gia đình chồng thì việc chúng ta đề ra những ý kiến nó hữu hiệu hơn. Chứ còn nếu chúng ta hằng ngày không làm tròn bổn phận làm dâu, chỉ lo lắng cho mình để gia đình làm gì thì làm, điều đó chúng ta phải xem lại. Chúng tôi có thấy trường hợp, những người dâu khi về gia đình chồng không phải về để làm dâu mà là làm chủ trong gia đình. Người ta đã dùng những hành động thiết thực, bằng những hành động thiết thực đó chúng ta tạo ra sự cảm mến, tin tưởng của gia đình chồng, từ đó chúng ta muốn xin một vấn đề gì đó chắc hẳn không phải là khó khăn. Cho nên, vấn đề cảm hoá gia đình chồng là vấn đề thời gian mà thôi. Như vậy, có thực hiện cả những việc đó rồi thì chúng ta muốn chuyển hướng gia đình mình sang một chế độ ăn chay đó cũng là một việc không có gì khó khăn cả. Đối với khoa học hiện nay thì việc làm một món đồ chay không khó. Khi ra ngoài tiệm, chúng ta mua về ngay trong tích tắc là có một món chay rồi, chủ yếu là việc trang trí trình bày của mình như thế nào cho nó đẹp. Thay vì hằng ngày, chúng ta làm tất cả đều món mặn cả thì hôm nay chúng ta sẽ làm thêm vào đó vài món chay đặc biệt. Khi gia đình và mẹ chồng dùng được những món chay đó cảm thấy ngon miệng và từ đó có được thiện cảm với những món chay. Khi đó chúng ta khuyên gia đình ăn chay một tháng hai ngày, bốn ngày, mười ngày, việc đó không khó khăn. Cũng có một số người đến hỏi chúng tôi về vấn đề này, sau đó về thực hành thì cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho ăn một tháng mười ngày. Như vậy, vấn đề trước tiên là chúng ta phải cảm hoá được gia đình nhất là mẹ chồng, từ đó chúng ta mới có khả năng cảm hoá gia đình được về vấn đề ăn chay. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể nào mà lấy vấn đề tuyệt đối đó để đem ra trong trường hợp này. Chúng ta phải giả sử như gia đình chồng và mẹ chồng không đồng ý cho mình ăn chay và bắt mình ăn mặn, như vậy thì trong trường hợp này thì chúng ta phải làm gì? Trong trường hợp này, chúng ta bất đắc dĩ phải trở thành một vị Bồ Tát tại gia, có nghĩa là chúng ta vào đời, vào cuộc sống để hoá độ những người xung quanh. Giống như gương hạnh của các vị Bồ Tát, có thể vào những ngôi nhà của những người tàn ác để hoá độ, chuyển hoá cho những người đó hay vào trong một băng cướp để chuyển hoá những tướng cướp quay về đường thiện. Và dĩ nhiên trong trường hợp này, Bồ Tát thì cần phải có một tâm không nhiễm ô, nhập thế mà không có lụy thế. Vậy là người Phật tử thuần thành thì chúng ta phải áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống để ôn hoà cuộc sống gia đình của mình, cho nên chúng ta khéo léo chuyển hoá dùng những lời đức Phật dạy vào trong cuộc sống thì cuộc sống tại gia của chúng ta mới có được an vui hạnh phúc và giải thoát. Dĩ nhiên, khi chúng ta có được giải thoát rồi thì chúng ta mới nói rằng ở tại gia nhưng mà tâm xuất gia. Trong câu hỏi cô này có viết cô ở tại gia nhưng tâm xuất gia. Chúng ta phải hiểu rõ chữ xuất gia, xuất gia nó có ba nghĩa đó là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Hiện tại, cô đang ở nhà thì chưa được gọi là xuất thế tục gia và hằng ngày cô phải đối chọi với mẹ chồng, với chồng, với những thành kiến của gia đình chồng như vậy thì phiền não cô ngày càng tăng chứ chưa phải lìa được nhà phiền não, hai nhà đó chúng ta chưa lìa được thì quý vị đừng có nói rằng lìa được tam giới gia. Như vậy, trong trường hợp này có thể cô đã ngộ nhận cái chữ xuất gia đó và vì thế cô đã có một cuộc sống dường như nó trái ngược lại với đời sống gia đình của mình. Điều đó vô tình tạo ra một cường lực mà nó chống lại đối với những sự tu tập của chúng ta. Cho nên, khi chúng ta muốn chuyển hoá sự đau khổ của mình mà chúng ta không có phương pháp để chuyển hoá nó một cách đúng đắn thì vô tình những đau khổ đó không được chuyển hoá mà nó còn tạo ra một cái đau khổ khác còn gấp nhiều lần so với cái chúng ta đang đối phó. Chúng ta lấy một ví dụ thực tế, mùa lũ đang có một dòng chảy trên nguồn về, nó đang chảy qua ngôi nhà và ruộng nương của chúng ta, đúng trước tình trạng này chúng ta vội vàng đắp một cái bờ đập để chặn ngang dòng nước đó lại. Dĩ nhiên là tức nước vỡ bờ đến một lúc nước tràn đầy thì lực của nước đó phá vỡ bờ đê và tác động ảnh hưởng đến ngôi nhà của chúng ta còn gấp nhiều lần so với trước kia. Như vậy, trong trường hợp này, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào, chúng ta nên nương theo dòng nước mà chúng ta rẽ cho một đường hướng thay vì để nó chảy về nhà của chúng ta thì chúng ta hãy nương theo dòng nước cho nó một chiều rẽ về phía khác. Đứng trong cuộc sống gia đình cũng vậy, chúng ta cũng phải tuỳ thuận vào gia đình để từ từ chuyển hoá đưa gia đình trở về với Phật pháp. Chứ nếu chúng ta tìm cầu cái sự giải thoát mà không có phương pháp đúng đắn vô tình sự giải thoát nó không có mà phiền não trong chúng ta ngày càng gia tăng. Đó là một điều rất dễ thấy trong đời sống gia đình, nhất là những người Phật tử tại gia. Ở đây cô Phật tử này cũng như số đông Phật tử chúng ta gặp phải đó là sau khi ăn chay rồi thì không còn nêm nếm đồ ăn cho gia đình nữa. Điều này chúng tôi thấy rất là nhiều. Kính thưa quý vị, quý vị phải cẩn thận những vấn đề này những cái hành động như vậy sẽ vô tình tạo ra phản cảm đối với gia đình trong vấn đề ăn chay. Chồng đi làm về mệt mỏi mà phải ăn những thức ăn không vừa miệng như vậy đứng trước tình trạng này ai trong chúng ta cũng phiền não và thậm chí cái sự phiền não của chồng cũng như mẹ chồng tác động mạnh mẽ lên vấn đề ăn chay của cô. Chúng ta lật lại những trang sử của các vị Bồ Tát, các vị Tổ, chúng ta thấy rằng Lục Tổ Huệ Năng tức là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc, trong khi Ngài phiêu bạt trong cuộc đời thì có một thời gian Ngài sống chung với một nhóm thợ săn. Hằng ngày, sau những buổi đi săn về, những người thợ săn mới đem thịt ra nấu thì Ngài chỉ lấy một số cọng rau và đem bỏ vào trong thịt. Sau đó, khi đã chín rồi thì Ngài gắp rau và Ngài chỉ ăn rau. Dĩ nhiên trong trường hợp này, chúng ta không loại trừ đến việc là nước thịt đã ngấm vào trong rau và những miếng thịt nhỏ dính trong rau. Thế nhưng, Ngài đã tuỳ duyên để sống chung với người thợ săn. Ngài sống trong nhóm thợ săn thế nhưng lòng từ bi thương yêu loài vật của Ngài không bị tổn giảm. Trong đời sống tại gia, quý vị Phật tử chúng ta nên áp dụng là việc nêm nếm đó xem như là một hành động giúp đỡ cho gia đình, giúp đỡ cho mình trên bước đường tu tập và không ảnh hưởng đến lòng từ bi của mình dĩ nhiên lúc này tâm chúng ta lúc này phải là tâm Bồ Tát. Như vậy, chúng ta thấy rằng Ngài Lục Tổ Huệ Năng sống trong cảnh hằng ngày sát sanh, hại vật nhưng mà tâm Ngài luôn giữ được tâm thái từ bi, tuy Ngài ăn trong đồ mặn nhưng tâm thì ăn chay. Còn chúng ta phải xác định lại chúng ta đang ăn chay nhưng mà tâm của chúng ta nghĩ tới đồ mặn. Cho nên, quý vị phải xác định lại ăn chay là để làm gì, để trưởng dưỡng lòng từ bi của mình thương yêu loài vật, để tránh nghiệp sát sanh. Có nhiều người chúng ta không hiểu được ý nghĩa ăn chay nên vẫn thèm đồ mặn và dĩ nhiên trong trường hợp này việc ăn chay đó nó không đúng với ý nghĩa của việc ăn chay. Cho nên, chúng tôi khuyên cô nên từ từ bằng những hành động để cảm hoá được mẹ chồng và gia đình chồng, từ đó để chuyển hướng gia đình đưa gia đình sang ăn chay, chúng ta phải làm từ từ từng bước một thì có như vậy chúng ta mới thành công trong vấn đề Phật hoá gia đình. Chẳng hạn như bây giờ cô muốn cảm hoá gia đình thì trước tiên chúng ta phải bằng sự tu tập. Quý vị đi tu mà còn chửi người ta, còn nói móc người ta như vậy thì chúng ta không thể bảo người khác đi tu được. Cho nên, cảm hoá gia đình bằng việc thực tập thì chúng ta mới chuyển hoá được gia đình mình, từ đó chúng ta muốn khuyến gia đình mình làm gì, muốn khuyến gia đình mình ăn chay, niệm Phật không phải là khó khăn mà vấn đề chỉ là thời gian.
Câu hỏi 4: Kính bạch quý Thầy! Một mùa Vu Lan nửa lại về, và niềm bâng khuâng trong lòng con lại trổi dậy. Con kính mong quý Thầy dành chút thời gian giúp con tháo gở khúc mắc trong lòng đã 26 năm rồi. Gia đình con lúc trước có một người con trai và một người con gái. Chẳng may anh con bị tai nạn mất sớm khi tuổi vừa lên bốn. Ba mẹ sau khi chôn cất anh trai con thì gừi ảnh trong chùa. Từ khi anh trai mất, người chị gái con cứ đau yếu liên tục, sáng đi bác sỹ, chiều cũng đi bác sỹ. Ba mẹ con có kể sự tình cho một vị Thầy (ở trong chùa gửi anh Hai con) thì vị Thầy này khuyên ba mẹ con làm một điều mà cho đến giờ 26 tuổi con thật sự không hiểu. Vị Thầy ấy nói Anh Hai con về phá chị Ba con. Để tránh việc đó xảy ra, thì kể từ lúc đó, các người con của ba mẹ không được gọi ba mẹ là "Ba" và "Mẹ" mà chỉ gọi là "Chú" và "Thiếm". Những tiếng đầu tiên, chúng con được ba mẹ dạy là "Chú Thiếm" chứ không phải là "Ba mẹ". Tại sao vị Thầy ấy lại dạy Ba mẹ con làm như vậy? Con muốn hỏi vị Thầy ấy lắm, nhưng người ấy đã không còn ở trong chùa từ rất lâu. Con đặt mình trong hoàn cảnh ba mẹ lúc đó, vì sợ mất con mà không dám cho con gọi là "Ba mẹ". Con hiểu tâm trạng của ba mẹ con lúc đó như thế nào. Nhưng con vẫn cảm thấy điều này là không đúng. Là mê tín. Thầy ơi, con nghĩ như vậy có đúng không? Con đọc kinh Vu Lan, thấy ơn cha mẹ không gì sánh nổi, hiện nay mấy chị em con đều gọi Ba mẹ là “Chú Thiếm”. Chúng con có mang tội bất hiếu không? Lớn lên mấy chị em con nghỉ rằng ngôn từ không quan trọng, quan trọng là tình cảm thương yêu, kính trọng, phụng dưỡng của đạo làm con đối với Ba mẹ. Con nghĩ vậy có đúng không ? Con rất mong sự dạy bảo của Thầy.
Đáp: Trong câu hỏi này, cô Phật tử nói rằng đã băn khoăn câu hỏi này suốt 26 năm và cho đến bây giờ cũng vẫn chưa hiểu câu trả lời của vị Thầy đó. Tuy nhiên trong trường hợp này chúng tôi cũng không thể xác định được là trong câu hỏi của cô Phật tử không nói rõ rằng sau khi đổi tên như vậy thì người chị có hết bệnh hay không. Giả sử khi mà chúng ta đổi tên mà có thể làm cho người chị hết bệnh thì việc đổi cách gọi đó cũng coi như là đáng. Thế nhưng theo chúng tôi nghĩ rằng việc người chị bị bệnh trong trường hợp này có thể là do quá thương nhớ người em nên sinh ra bệnh và việc hiện tại chị phải chịu những nghiệp báo đau khổ như vậy nó hoàn toàn là do người chị đã tạo trong quá khứ. Dĩ nhiên, sự chuyển hoá nghiệp này phải do nỗ lực của tự thân người chị của cô Phật tử này chứ không ai có thể thay mình gánh vác được. Chúng ta có câu: “Uống nước nóng lạnh thì tự mình biết.” Nghiệp ai gieo thì người ấy phải nhận lấy, chúng ta giết hại mạng thì phải ở tù, đó là lẽ thật. Không ai có thể thay thế chúng ta cả. Chúng ta có thể thoát được cái lưới pháp luật của thế gian thế nhưng chúng ta không thể thoát khỏi toà án lương tâm. Nghiệp là cái bản án chung thân, bản án tử hình của chúng ta khi chúng ta tạo dựng nên. Trong trường hợp này, người chị muốn thuyên giảm cái nghiệp của mình thì không ngoài sự nỗ lực tu tập của tự thân, và khi nghiệp hết thì đương nhiên nó sẽ hết bệnh. Chúng ta không thể đứng ở phương diện khách quan mà chúng ta nói rằng nghiệp hãy đến với người này và không thể đến với người kia, chúng ta không có khả năng để sai khiến nghiệp như thế mà nghiệp của người nào gieo thì chiêu cảm với người đấy. Giả sử như có người thân của chúng ta sắp mất mà chúng ta kêu đổi tên tổ tiên, cha mẹ hay đổi tên một người nào đó trong gia đình để cho người đó được sống, như vậy có được hay không? Hoàn toàn không thể, nếu mà đổi được thì tất cả chúng ta đều đổi. Hay khi sắp lâm chung, chúng ta đổi tên để trở thành một người mới cho nghiệp không có theo mình nữa, như vậy thì ai sắp chết cũng đi khai sinh lại lý lịch và đổi tên mới. Như vậy việc đổi tên gọi của cha mẹ trong trường hợp này là hoàn toàn không có cơ sở trên giáo lý nhân quả và không ảnh hưởng đến việc hết bệnh của người chị cả. Sau khi đã đổi tên như vậy rồi thì cô Phật tử này lại phân vân không biết là sau khi đổi tên rồi thì gọi vậy có bất hiếu hay không. Và khi thắc mắc như vậy rồi thì cô lại tự trả lời rằng danh từ không quan trọng mà chủ yếu là hành động của chúng ta. Chúng tôi chấp nhận với câu trả lời này. Danh từ nó chỉ để gọi và những cái hành động của chúng ta mới là quan trọng. Như chúng ta thấy rằng ở ngoài Bắc thì gọi “Ba Mẹ” bằng “Thầy U”, trong miền Nam ta gọi là “Ba Má”. Đó chỉ là cách xưng hô. Ví dụ như tiếng Anh gọi ba mẹ, anh chị em đều là “you” hết. Như vậy, danh từ trong trường hợp này nó không quan trọng mà nó quan trọng ở hành động của chúng ta. Cho dù chúng ta có gọi ba mẹ thật là ngọt ngào thế nhưng hành động của chúng ta là hắt hủi, chửi bới, không chăm lo đến ba mẹ thì trong trường hợp này cái tên gọi ba mẹ không có giá trị trong chữ hiếu. Danh từ nó không quan trọng và hiếu đạo nó ảnh hưởng ngay trong việc làm của mình đối với cha mẹ. Trong câu hỏi này chúng tôi chỉ khẳng định như vậy. Nam Mô A Di Đà Phật.

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni, kính thưa toàn thể quý Phật tử. Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ này, chúng ta đã được nghe giải đáp qua bốn câu hỏi. Bốn câu hỏi này rất là thiết thực trong đời sống tu học của quý Phật tử.
Trong câu thứ nhất, một Phật tử thắc mắc về vấn đề không có con. Cô cũng đã đi đến bác sĩ để khám và bác sĩ khẳng định là chưa tìm được nguyên nhân vì sao mà ba lần có thai lại hư hết ba lần. Vậy thì trong vấn đề này chúng ta thấy rất rõ, đối với khoa học, bác sĩ đã căn cứ trên những biện pháp y học để tìm hiểu cái nguyên nhân gây đến thai chết trong bụng mà đã ba lần nhưng không tìm ra được. Chúng ta là người học Phật phải tin vấn đề nghiệp báo, bởi vì vấn đề thực tế bác sĩ tìm không ra thì chỉ còn về vấn đề tâm linh. Như Đại đức Tâm Thành đã trình bày với quý vị, do nghiệp quá khứ chúng ta đã tạo một cái nhân nào đó bây giờ mình phải chịu một cái quả báo là chết những đứa con chưa hình thành ở trong bụng. Đặc biệt cô này cũng là người có cái tín tâm đối với Phật pháp, đã làm nhiều điều lành tránh điều ác, thậm chí cô cũng có sám hối, tụng kinh, thế nhưng vẫn chưa có kết quả. Theo như Thầy Tâm Thành cũng đã chia sẻ là chúng ta nên tiếp tục làm những điều trên, bởi vì cái nghiệp của mình nhiều phải có quá trình tu tập, sám hối để chuyển hoá cái nghiệp đó. Khi cái nghiệp của mình hết rồi thì chắc chắn một điều là những mong cầu của chúng ta sẽ được thành tựu. Thầy cũng đưa ra một ví dụ điển hình là nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết với lòng chí thành trong nhiều năm cuối cùng cũng được kết quả. Chúng tôi nghĩ rằng là nếu cô cố gắng thực hành sám hối, tu tập và nhất là luôn luôn trì niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Bởi vì đây là hạnh nguyện của Ngài, chỉ có còn lại là tâm thành của chúng ta nếu có cảm thì có ứng. Tuy nhiên theo chúng tôi nghĩ rằng việc có con hay không có con cũng không phải là quan trọng bời vì người xưa có câu: “Con là nợ”, tại sao chúng ta lại muốn nợ. Khi chúng tôi đi qua bên Úc mới biết là chính phủ Úc khuyến khích người ta sinh con mà người ta lại không sinh, bởi vì ở bên ấy người ta lại có quan điểm khác, người ta không thích có con, người ta muốn sống như vậy để người ta được tự do, tự tại, thoải mái, có con sẽ khổ. Từ quan điểm đó mà dân Úc họ không có đông, và chính phủ Úc lại khuyến khích người khác sinh con và còn cho tiền. Vì họ sống như vậy, lớn lên già họ vào viện dưỡng lão họ ở chính phủ nuôi, không cần phải ở với con. Mà chính những người có con cũng vậy nũa, già rồi là họ thích ở riêng và họ đi vào viện dưỡng lão họ ở chứ họ cũng không ở với con. Bởi vì dân Tây phương họ sống rất là tự do cho nên người già và người trẻ không có hợp nhau, lớn lên người già sống theo cách của người già còn người trẻ họ muốn làm gì thì làm. Do vậy, ở bên Tây phương họ không quan trọng vấn đề có con. Nếu mà chúng ta hiểu được Phật pháp thì cái vấn đề đó nó không có gì là quan trọng, mình sống chủ yếu là làm thế nào đó để cho mình được an vui, hạnh phúc. Đôi khi mình nghĩ rằng có con là có hạnh phúc, nhưng chúng tôi thấy có nhiều gia đình có con lại khổ chứ không phải hạnh phúc đâu. Đây là thực tế, quý vị sống trong đời cũng đã thấy rồi, nhiều cha mẹ sanh con nuôi rất là cực khổ, cực từ nhỏ đến lớn rồi lớn lên nó ăn chơi, nghiện ngập làm khổ mình cho đến khi mình chết, chứ không phải là sướng gì đâu. Cho nên, chúng ta không quan trọng vấn đề có con hay không có con, nếu có con cũng tốt mà không có cũng không sao.
Câu thứ hai nói về một gia đình có người con mất và người chị lúc nào cũng mơ thấy người em của mình về. Như vừa nãy, Thầy Tâm Thành cũng đã trình bày thì vấn đề này do một là hằng ngày mình nhớ tưởng, suy nghĩ thì ban đêm mình mơ thấy và thứ hai cũng có thể là do tình cảm giữa người sống và người chết quá gắn bó nên người chết không thể siêu được cứ vất vưởng. Vậy thì trong hai trường hợp này chúng ta chưa biết thuộc trường hợp nào nhưng có một vấn đề quan trọng là lúc nào chúng ta cũng tâm niệm cầu cho người đó được siêu thoát, nếu khả năng mình chưa đủ thì mình nên mời những vị cao Tăng đến làm lễ đồng thời khai thị. Chẳng qua người mất người ta còn chưa hiểu, chưa giác ngộ, còn luyến ái gia đình, còn bám víu cái thân xác giả tạm này nên không thể siêu thoát được. Nhờ những lời khai thị, hương linh hiểu được từ đó không còn bám víu, không còn luyến ái cái thân xác giả tạo cũng như cái gia đình này nữa. Điển hình như Thầy cũng có nói, ở bên Tây Tạng, sau 49 ngày là người ta dứt khoác coi như là không cúng kiến, không làm gì nữa và khuyên người mất hãy nên đi, đừng luyến ái. Khi nghe thì chúng ta cảm thấy có cái gì đó phũ phàng, không có tình cảm nhưng chính làm như vậy để cho người mất họ không còn luyến ái. Mình luyến ái thì người chết cũng không có lợi ích mà người chết luyến ái với mình cũng không có lợi ích.
Câu hỏi thứ ba là vấn đề trong gia đình người con dâu phải làm những việc mà mình không muốn làm chẳng hạn như là phải sát sinh trong khi đó cô này lại ăn chay. Đây là một vấn đề bức xúc ở trong xã hội nhất là đối với những gia đình, những Phật tử mà biết tu tập giữ giới không sát sinh. Theo chúng tôi nghĩ mình phải chấp nhận để từ từ chuyển hoá bởi vì người ta nói: “Gái có chồng như gông đeo cổ.” Mình đã chấp nhận “cái gông đeo cổ” rồi thì mình phải chịu. Bây giờ, mình phải tìm mọi cách để tháo gở nhưng mình phải có một lập trường rằng là tìm mọi cách để không sát sanh. Theo chúng tôi nghĩ rất là khó nếu rơi vào trường hợp của cô này. Cho nên, như Thầy Tâm Thành đã trình bày, mình làm sao cảm hoá được gia đình. Đây là điều phải nói là cũng rất khó nhưng chúng ta phải kiên trì bởi vì chúng ta đã “đưa cổ mình vào gông” rồi thì phải chịu, chịu để mình chuyển hoá. Có câu chuyện là một cô làm con dâu của một người mẹ chồng, cô ta rất bực bội với người mẹ chồng, cô tìm mọi cách để giết bà mẹ chồng đi cho khuất mắt. Một hôm, cô ta đến nhờ một ông thầy thuốc hỏi ông ta có cách gì đề cho người mẹ chồng uống vào từ từ chết, chết liền thì sợ bị lộ. Ông thầy thuốc này cũng rất là hay, ông bảo rằng bây giờ cô về mua khoai sọ mỗi ngày nấu cho mẹ chồng ăn trong ba tháng với điều kiện là mỗi một lần nấu như thế khi xong rồi cô phải dâng lên cho mẹ chồng rất đàng hoàng và nói những lời nhỏ nhẹ, luôn luôn lúc nào cũng gần gũi, chiều theo ý của mẹ, vui vẻ làm sao cho mẹ không có giận dữ làm như vậy bảo đảm với cô trong ba tháng bà ta sẽ chết. Cô này nghe vậy thì mừng quá mỗi ngày đi chợ mua khoai sọ nấu xong rồi mời mẹ chồng và lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở. Một thời gian, tự nhiên bà mẹ chồng thấy cô này sao dễ thương quá bắt đâu bả vui vẻ, thương lại cô con dâu này. Thế là hai mẹ con lúc đó có tình cảm thương yêu rồi thì tới đúng kỳ hạn ba tháng cô này hoảng quá, lúc này lại sợ mẹ chồng chết mới nói với ông thầy thuốc nhờ giúp dùm đừng cho bà mẹ chết nữa. Ông thầy mới cười nói không sao đâu, cho bả ăn khoai sọ là tốt chứ không có chết đâu. Đó là cái cách ông thầy thuốc dùng để chuyển hoá cô này với bà mẹ chồng. Chúng ta nghĩ rằng nếu người Phật tử này cũng biết như thế, khéo léo thì chúng tôi nghĩ rằng một ngày nào đó người mẹ chồng cũng hiểu ra và cũng có thể là sẽ cùng với mình không có làm những việc sát sinh hại vật nữa.
Câu hỏi thứ tư nói rằng người anh về phá người chị làm cho người chị bệnh. Chúng tôi nghĩ là nếu mà nói ở trong gia đình thì mình thương nhau không hết chẳng lẽ anh em lại đi về làm cho người chị hay là những người trong gia đình mình đau bệnh hay là gặp hoạn nạn thì cái điều này không thể có. Điều thứ hai là ông thầy nào đó ông ta nói rằng muốn cho hết trường hợp đó thì phải gọi cha mẹ bằng “Chú Thiếm”. Nếu mà mình suy nghĩ thì mình thấy cô này có đặt ra câu hỏi và cũng đưa ra câu trả lời cũng rất là đúng, cô này hỏi là như vậy có phải là mê tín không. Cái này là quá mê tín rồi. Khi mình gọi cha mẹ bằng “Chú Thiếm” mà hết bệnh hay ma nó không nhập thì cái chuyện nó vô lý quá, nó không có cơ sở gì hết. Đức Phật dạy mình rằng khi mình nghe một điều gì mình phải suy nghĩ, văn rồi tư, nếu mình thấy đúng thì mình theo còn thấy không đúng thì không nên theo chứ không phải người ta nói cái gì mình nghe theo cái đó mà nó không hợp lý một tí nào. Vấn đề từ ngữ nó không quan trọng, nếu mình gọi bằng “Cha Mẹ” mà mình đối xử với cha mẹ mình không ra gì thì cũng bằng thừa. Như vậy từ ngữ không phải do ông trời quy định mà do con người đặt ra để gọi. Chẳng hạn như vừa nãy Thầy Tâm Thành cũng có nói, người Anh chỉ có dùng hai từ “I” và “you”, gọi cha mẹ cũng “you”, gọi vợ chồng cũng dùng “you”. Như vậy, từ gọi nó không quan trọng mà quan trọng ở chỗ là tình cảm thương yêu của mình đối với cha mẹ như thế nào.
Như vậy, qua bốn câu hỏi này, Đại đức Tâm Thành trình bày cũng rất là rõ ràng cụ thể rất mong rằng trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp tới sẽ được đón nhận những câu hỏi hay của quý vị để Ban Tổ Chức cũng góp phần giải đáp cho chúng ta được hiểu để thực hành đúng Phật pháp. Trước khi dứt lời cũng thành tâm cầu nguyện gia hộ cho chư Tôn đức Tăng Ni được pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự viên thành và kính chúc quý Phật tử có một ngày tu tập thanh tịnh và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn