Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 27

 Photobucket

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 27

Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Từ
Giảng sư: Thích Nhật Từ
(Ngày mùng 06/12 Canh Dần)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Nhật Từ:
Câu 1: Kính bạch Thầy, tết năm Canh Dần vừa rồi con có đi lễ Phật đầu năm, trong khi vãng cảnh Chùa thì con thấy một trường hợp như sau:
Có một khách tham quan vào chùa lễ Phật, khoác trên người một bộ lông thú, khi người đó vừa bước vào chánh điện thì quý Thầy cản lại vì lí do chùa là nơi thanh tịnh, trang nghiêm... những người mặc đồ như vậy không được vào. Trong lúc đó, vô tình con thấy trên chánh điện có cái trống làm bằng da trâu, như vậy thì phải giết con trâu đó mới có được da của nó để làm mặt trống. Trường hợp này con thấy rất mâu thuẫn, tại sao người mặc trang phục lông thú thì không được vào Chùa trong khi đó Chùa lại dùng da trâu làm mặt trống. Chúng con là Phật tử chưa hiểu biết nhiều mong quý Thầy hoan hỷ giải đáp. Nam Mô A Di Đà Phật.
Đáp: Câu hỏi nêu trên có vế thứ nhất và vế thứ hai hoàn toàn trái ngược nhau và do đó ta không nên lẫn lộn giữa tình trạng một số thành phần vì muốn chứng minh sự sang trọng và quý phái của mình mà sử dụng các áo khoác da thú để làm đẹp như một trang sức phẩm với việc sử dụng trống trong chùa Phật giáo vốn gắn liền với biểu tượng của trí tuệ và tỉnh thức. Phần lớn các chị em phái đẹp khi có điều kiện đều ao ước mình có một bộ áo khoác bằng da thú thật đẹp, nó như là một phong cách thời trang, một mặt chứng minh, thể hiện sự sành điệu và đẳng cấp, mặt khác để thể hiện cái nét cổ điển, thanh lịch, trang nhã, quyến rũ và dĩ nhiên thể hiện sự tinh tế cho việc sử dụng nó. Trên thực tế, mặc áo khoác da thú là một sự xa xỉ về phước báo và làm tổn thương đạo đức do vì đã gắn liền với những nghiệp sát sinh. Để có được một bộ áo da thú đẹp, người sản xuất phải giết nhiều con vật, rồi trong số đó mới có thể chọn lựa được các lông thú đẹp để làm ra chiếc áo thời trang. Chứng minh sự hoàn hảo và sang trọng của mình bằng việc gián tiếp kết liễu mạng sống của một con vật là điều không nên. Hiện nay, giới điện ảnh và quý bà thành đạt có khuynh hướng sử dụng các mặt hàng bằng da thú. Tại Hoa Kỳ, có hội bảo vệ động vật mang tên là PETA (viết tắt của chữ People for the Ethical Treatment of Animals) tạm dịch là “Hội những người kêu gọi ứng xử đạo đức đối với động vật”. Hội này dấn thân bảo vệ cái quyền được sống của các loài động vật, rất là gần với tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Đại thừa. Mỗi năm thì hội tổ chức các cuộc vận động để gây tạo ý thức bảo vệ quyền sống của các loài động vật và giả sử chúng có bị chết thì cũng để chúng chết theo tiến trình tự nhiên như lời đức Phật đã dạy là sanh-già-bệnh-chết, chứ không phải chết một cách tàn nhẫn và do đó phải ứng xử với chúng một cách có đạo đức. Một trong những vận động khá ấn tượng của hội này là họ quan sát và theo dõi các quý bà thành đạt, quý phái nói chung, khi thấy họ sử dụng các trang sức gắn liền với da thú và lông thú thì họ lập tức gửi một cảnh báo và kêu gọi các nhân vật đó nên làm gương. Trong lịch sử mấy năm gần đây, hàng trăm thậm chí có thể hàng nghìn các quý bà thành đạt đã bị gửi những cảnh báo. Bên cạnh đó thì cũng có rất nhiều diễn viên điện ảnh, những nhân vật thành đạt nổi tiếng trên hành tinh tham gia vào hội và kêu gọi mọi người thể hiện tình thương đối với các loài động vật. Một trong những nhân vật hoạt động nổi tiếng trong lĩnh vực này đó là diễn viên điện ảnh Pamela và mỗi năm cô đều tham gia hoạt động kêu gọi này. Như vậy, chúng ta thấy là những người phần lớn khác với truyền thống đạo đức và văn hoá của Phật giáo lại có nhiều hành động do sự tham khảo và dần dần tiệm cận lý tưởng và con đường thực tập Bồ Tát đạo của đạo Phật chúng ta. Đó là một nghĩa cử cao đẹp và cũng là một điều rất đáng mừng. Như vậy khi người Phật tử mặc áo da thú và lông thú vào trong chùa, một vị Thầy được nêu ra trong câu hỏi không muốn để cho người ấy vào là để nhắc nhở người ấy rằng chánh điện là nơi các thực tập tâm linh được thực hiện hàng ngày cho nên thể hiện được tính từ bi, an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc, mang bình an đến mọi loài. Do đó, quý bà thành đạt và quý phái nếu lỡ mà có mặc những thứ ấy thì nên cởi ra tại vì đó chỉ là một cái áo khoác thôi, chúng ta nên đi vào bên trong chánh điện để học được đức tính từ bi vốn được xem là một trong những tâm điểm hành trì dấn thân nhập thế của Phật giáo nói chung. Việc vị Thầy vì muốn khích lệ và kêu gọi ý thức bảo vệ quyền được sống của các loài chúng sinh mà làm như thế được xem là chuyện bình thường.
Trong khi đó, trong chùa có làm trống lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Chùa, đình làng, từ đường phần lớn đều có trống. Trống trong quan điểm dân gian của những quốc gia có nền văn hoá xem trống là một vật thiêng liêng thì việc sử dụng trống trong các nghi thức và nghi lễ nó có một giá trị hỗ trợ. So với các tôn giáo thì trống trong đạo Phật có một ý nghĩa đặc thù hơn. Trước nhất trống được sử dụng như là một pháp khí nhằm để cảnh báo thời gian và thời khoá. Từ thời Đường của Phật giáo Trung Hoa thì việc sử dụng rộng rãi pháp khí này nó trở nên như là một tiêu điểm mới. Do đó trong chùa, cứ đến thời tụng kinh, thời dùng cơm, thời kinh hành, thời niệm Phật, thời sám hối và những hoạt động của Tăng đoàn đều được ghi nhận bằng hiệu lệnh của trống. Việc làm đó mặc dù cũng gián tiếp một phần nào đến nghiệp sát ở đây là trâu và bò nhưng sự gián tiếp đó là không đáng kể so với tình trạng mặc áo da thú hoặc lông thú. Một cái trống sau khi được thực hiện có thể sử dụng đến 40-50 năm, như vậy đơn vị sát sinh trong tình huống này chỉ là 1 và phần lớn là các con vật trâu hoặc bò đã được giết rồi, chứ không phải do chùa đặt làm trống mà người ta mới tiến hành đi giết các con vật. Mỗi một ngày các làng giết mổ có thể giết hàng nghìn con. Trên hành tinh này, cứ một ngày trôi qua là hàng trăm nghìn con bò và con trâu bị giết. Vậy dù không có sử dụng da trâu, da bò làm trống đi nữa thì các con vật đó cũng đã bị giết rồi vì mục đích phục vụ ăn uống và hưởng thụ của con người. Cho nên, nghiệp gián tiếp trong tình huống này là không đáng kể. Trong khi đó, đối với việc trang sức là người ta đặt các mẫu mã và dựa vào cái mẫu đặt hàng đó mà nhà sản xuất và thiết kế mới tìm các con vật thích ứng để đáp ứng theo. Dựa vào mô típ thói quen sử dụng các loại áo sang trọng này mà các nhà thiết kế thời trang đã phải làm như thế để cho người ta chọn. Cho nên, nghiệp giết trong tình huống này nó mạnh hơn và ý thức về việc giết trong tình huống này là để làm đẹp cơ thể trên việc xa xỉ phước báu vốn có của mình, nên sự tổn phước và tổn thọ trong việc ăn mặc sang trọng đó rất cao. Còn đối với trống, da đó đã được bỏ rồi. Đối với những nhà làm trống có kinh nghiệm thì thường một mặt bên trái người ta làm bằng da trâu đực, mặt còn lại làm bằng da trâu cái và họ quan niệm âm dương hoà hợp thì âm hưởng của trống sẽ ngân vang hơn, hay hơn, bền hơn, đặc sắc hơn. Ngoài ý nghĩa vừa nêu, trong đạo Phật về sau này lại sử dụng trống như là một nhạc cụ để làm lễ, kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm pháp hội và do đó tiếng trống nó trở thành như một cái hiệu lệnh giúp cho hành giả có thể thể nghiệm được chánh niệm. Đối với hành giả Tịnh Độ tông thì nhắc nhở họ được nhất tâm bất loạn qua việc chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Trong các chùa, khi một hồi trống được vang lên người ta gọi là trống Bát Nhã và nó có một bài kệ liên tưởng đến cho người sử dụng trống, để ngân vang những tiếng trống và gắn kết với việc thực tập làm sao để chúng ta phát huy được trí tuệ. Cho nên, giá trị hỗ trợ tâm linh trong việc sử dụng trống trong các chùa là rất cao. Do đó khi quý Phật tử nghe tiếng trống trỗi dậy, tiếng hồng chuông ngân vang thì ta phải liên tưởng đến hai đặc tính tâm linh là trí tuệ và tỉnh thức. Hành giả Tịnh Độ tông khi niệm Phật gắn kết với danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật hiểu theo nghĩa ứng dụng Vô Lượng Quang là trí tuệ không giới hạn thì lúc đó nghe tiếng trống ta quán tưởng làm sao tất cả các hành giả phát huy được năng lực vô lượng quang này và phát huy được chất liệu tỉnh thức qua việc niệm Phật nhất tâm bất loạn. Việc làm đó nó có ý nghĩa rất lớn và do đó nghiệp gián tiếp rất nhỏ trong việc sử dụng da trâu, da bò làm trống có thể được chuyển hoá và tiêu trừ. Bởi vì tiếng ngân vang đó nó giúp cho hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn các hành giả thực tập tâm linh. Do vậy, ta nên không so sánh cái việc sử dụng xa xỉ thương tổn đến mạng sống của loài vật với việc sử dụng trống ở trong các ngôi chùa. Do đó, là Phật tử khi đi chùa việc ăn mặc trang nghiêm là yêu cầu cần thiết nhưng đừng quá xa xỉ, bởi vì việc xa xỉ như thế một mặt làm cho chúng ta tổn phúc báo những thứ mà mình đã có, mặt khác nó làm cho mình trở nên chai sạn trước nỗi khổ niềm đau của rất nhiều các mảnh đời bất hạnh vốn rất cần đến sự trợ giúp, nhường cơm sẻ áo của tất cả chúng ta. Một bộ quần áo như thế có thể tốn đến vài chục nghìn đô nhưng nếu ta đổi bằng những bộ trang phục khác hợp với thể hình của mình vẫn tạo nét tinh tế và sang trọng chứ không phải nhất thiết phải là bằng những loại da thú đắt tiền. Do đó, thông qua việc chia sẻ câu hỏi thực tế này, chúng tôi cũng kính mong các quý bà thành đạt và những người nổi tiếng nên ý thức về tình thương đối với các loài động vật mà đức Phật đã dạy để chúng ta bớt gieo nghiệp trong việc trang sức phẩm của mình, làm được như thế thì ta góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn nạn hâm nóng toàn cầu. Hiện nay, cứ mỗi 1 pound thịt tức là khoảng 450 gram thịt được chế tác để phục vụ cho ăn trong đó liên hệ đến việc làm da thú thì có 280 kg khí Cacbonic được phóng vào khí quyển và lượng nước để phục vụ cho việc chăn nuôi và ăn thịt này đã làm ô nhiễm một cách nghiêm trọng đến mạch nước ngầm và màu mỡ của đất. Cứ mỗi một khối đất thường nó có 450cm hoa màu, khi chăn nuôi nó chỉ còn lại 150cm mà thôi. Như vậy, nó ảnh hưởng đến không khí, đất, nước và do đó dẫn đến rất nhiều các hậu quả về sinh thái, hâm nóng toàn cầu. Nhà sản xuất được lợi nhuận rất cao từ việc giết mổ và sát hại trong khi đó chính phủ của các quốc gia hàng năm phải bỏ ra hàng tỷ, hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ cho chế độ an sinh xã hội về y tế. Cho nên, đặt lên một bàn cân ta thấy việc giết mổ phục vụ cho ăn uống và việc ăn mặc nói chung là rất tổn thất. Từ tinh thần đó, ta ăn mặc một cách khéo léo, tinh tế và không liên hệ đến nghiệp sát thì vẫn tốt hơn.

Câu 2: Con có dịp chiêm bái Xá Lợi của Phật và chư Thánh Tăng, nhưng con vẫn còn có thắc mắc làm sao biết đó là Xá Lợi thật? Và Xá Lợi có mấy loại? Con còn nghe nói nếu thờ Xá Lợi đúng cách thì Xá Lợi sẽ sinh thêm ra nhiều hơn số lượng ban đầu. Xin hỏi Thầy điều này có đúng không ạ? Mong Thầy hoan hỷ cho Phật tử được rõ.
Đáp: Đặt câu hỏi này trong bối cảnh nước Việt Nam đang có phong trào thỉnh rước Xá Lợi từ Ấn Độ và nước ngoài nói chung về Việt Nam tôn thờ là vô cùng có ý nghĩa. Câu hỏi đặt ra rất tinh tế, trước nhất là các tiêu chí để xác định đâu là Xá Lợi thật của đức Phật. Theo chúng tôi, giữa nguyên tắc xác nhận bằng niềm tin thì rất khác so với các nguyên tắc xác định bằng khoa học. Theo kinh điển, đặc biệt là kinh Đại Bát Niết Bàn, sau khi đức Phật qua đời, toàn thân Xá Lợi của đức Phật được hoả thiêu và trở thành các viên Xá Lợi có dạng tròn như là hạt đậu, một số là dạng thể hình từ những mảnh xương và một số là những vật có hình thù đặc biệt được phân chia làm 8 phần cho 8 vị quốc vương có mặt lúc bấy giờ vốn trong cuộc đời của các vị này đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đạo đức và tâm linh của đức Phật trong nghệ thuật quản trị quốc gia. Vị đại vương nổi tiếng nhất trong số 8 vị ấy là vua A-xà-thế (người đã giết cha là Tần Bà Sa La) sau này theo đức Phật trở thành người minh quân, đóng góp cho Phật giáo và cho quốc gia của ông rất nhiều. Lúc đó, có một sự tranh chấp là nhà vua nào cũng muốn đem Xá Lợi về phía mình và có một vị Bà La Môn ở tại Kushinagar nơi đức Phật được hoả thiêu mới đề nghị rằng ta phải quan niệm đức Phật là của chúng ta, chứ không phải đức Phật của riêng ai và do vậy Xá Lợi được chia làm 8 phần. Mỗi một vị quốc vương sau khi tôn kính và thỉnh rước Xá Lợi về đất nước của mình thì làm một cái tháp có chiều cao trung bình từ 8-16 mét, tôn thờ một cách rất là trang nghiêm. Khi Hồi giáo tấn công Ấn Độ vào thế kỷ thứ 13, họ đã phá huỷ các công trình văn hoá, kiến trúc tâm linh của Phật giáo, riêng có một sự mầu nhiệm đặc biệt đã diễn ra đối với Bồ Đề Đạo Tràng là toà tháp vẫn còn nguyên, còn phần lớn những nơi khác đều bị trở ngại. Bồ Đề Đạo Tràng được xem là cái rốn tâm linh của Phật giáo và đó là sự tỉnh thức của cuộc đời, năng lượng từ trường tâm linh là cao nhất trong vũ trụ. Điều đó cho thấy rằng tuệ giác không có gì phá hoại được, tuệ giác vẫn còn tồn tại mãi với thời gian. Sau thời kỳ Anh trị, các nhà khảo cổ học của Anh và Ấn Độ tiến hành các khảo cứu và khai quật. Cho đến thời điểm hiện nay chỉ phát hiện được ở 3 bang của Ấn Độ là có thờ tháp Xá Lợi của đức Phật như lịch sử mô tả, đó là: Tỳ Xá Ly-nơi đức Phật độ 500 Tỳ kheo Ni đầu tiên và Xá Lợi đó hiện nay đã được đưa về Viện Bảo tàng Patna; thứ hai là tại vương thành Ca Tỳ La Vệ phía Ấn Độ, hiện nay Xá Lợi đó đã được tôn trí tại Viện Bảo tàng Quốc gia Niu Đêli, thủ đô của Ấn Độ; thứ ba là tại Varanasi nơi đức Phật chuyển pháp luân. Hiện tại chỉ còn lại 2 tráp thờ Xá Lợi Phật ở Ca Tỳ La Vệ và Tỳ Xá Ly. Chúng tôi ở Ấn Độ 8 năm và trong thời gian gần đây thì cũng có những cơ hội dẫn nhiều phái đoàn đến chiêm bái, phần lớn ai đến chiêm bái đều chứng kiến được Xá Lợi thật của đức Phật trong Viện Bảo tàng Niu Đêli. Các viên Xá Lợi này có dạng hình thể. Xá Lợi thật ở Viện Bảo tàng Niu Đêli và Patna được kiểm nghiệm bằng hai phương diện. Thứ nhất là đo độ Carbon 14, đó là phương pháp khoa học để xác định được niên đại của các vật thể và người ta thấy ứng khớp hoàn toàn với niên đại Đản sinh và qua đời của đức Phật. Phương pháp hai là đo AND để xác định gen di truyền của viên Xá Lợi với gen di truyền của dòng họ Sakya vẫn còn sống hiện nay và AND này là hoàn toàn ứng khớp với nhau. Còn phần lớn các cuộc triển lãm đây đó ở Việt Nam và nước ngoài thì không trải qua hai sự kiểm chứng về khoa học nêu trên mà phần lớn nó chỉ là lời đồn đại, cho nên chúng tôi tạm gọi đó là Xá Lợi niềm tin. Xá Lợi niềm tin thì quý vị thấy có màu sắc sặc sỡ như là lưu ly, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, xà cừ mà vốn khác hoàn toàn với Xá Lợi thật của đức Phật được tôn thờ tại 2 viện bào tàng nổi tiếng này. Một kiểm chứng khác về phương diện niềm tin được lưu truyền đây đó trong dân gian đó là những viên Xá Lợi thật khi mình bỏ vào nước thì lần đầu chìm, vớt ra và bỏ vào nước lần thứ hai thì lại nổi. Ngoài việc nổi lên trên mặt nước, khi ta để giữa viên Xá Lợi này với viên Xá Lợi khác một khoảng cách chừng 1cm thì chúng ta sẽ thấy các viên Xá Lợi di chuyển, trong khi đó thì các viên đá và các vật thể khác thì không có độ di chuyển và được nổi lên trên. Theo chúng tôi, phương pháp này cũng không phải là một phương pháp khoa học, bởi vì rất nhiều vật thể có tính năng tự nhiên ở trong cấu trúc vật lý của chúng. Cho nên dựa vào sự đồng đẳng giữa các viên Xá Lợi thật có biểu hiện này với những vật thể có đồng tính chất đó là điều không nên. Cho nên theo phương pháp khoa học dựa vào C14 đo niên đại và AND để đo di truyền là chuẩn xác nhất và hơn nữa việc khai quật ở dưới lòng đất là khó có thể đánh tráo. Công việc khai quật này đã được các nhà khảo cổ học nổi tiếng thế giới của Anh thực hiện, cho nên tính khách quan của nó rất cao. Giả thuyết đặt ra là khi có lòng tôn kính cao thì các viên Xá Lợi sẽ được sanh sôi nảy nở, theo chúng tôi đó cũng là học thuyết niềm tin. Phần lớn các phái đoàn phải tốn rất nhiều tiền có nơi đi nửa vòng trái đất để được đến chiêm bái Xá Lợi thật của đức Phật, do vậy khi đối diện trước các viên Xá Lợi còn lại của đức Ngài, lòng tôn kính của con người dâng lên cao hơn bao giờ hết và một ngày như vậy có hàng trăm các phái đoàn đến tôn kính và đảnh lễ. Kể từ khi các viên Xá Lợi thật đó được tôn trí tại viện bảo tàng Niu Đêli từ năm 1990 đến bây giờ có phát sinh thêm viên mới nào đâu. Trong một số vật thể sau một thời gian chúng lại tự sinh, thật ra chúng do tác động của không khí và bụi xung quanh nó kết tụ lại. Ví dụ như núi, quý vị quan sát từ lúc mình 20 tuổi, nếu ta may mắn sống đến 80-90 tuổi, sau 60-70 năm đó thì ở góc độ mà mình quan sát nó có thêm những tảng đá mới, có thêm những viên đá mới tự sinh ra mà có ai chiêm bái, có ai lễ lạy đâu. Tiến trình tự nhiên của đá núi nó vẫn như thế. Cho nên, giả thuyết về Xá Lợi phát sinh do lòng tôn kính theo chúng tôi có giá trị khích lệ về sự hành trì đạo đức tâm linh hơn là mô tả về những sự thật. Các quốc vương ngày xưa giữ Xá Lợi, người ta tôn thờ như vậy, kinh hành mỗi ngày, lễ bái, hành thiền, niệm Phật, bái sám… trải qua mấy nghìn năm mà có tăng thêm một viên Xá Lợi thật nào đâu. Theo chúng tôi, ta nên tôn kính đức Phật ở mức độ thấy Xá Lợi là biểu tượng của đời sống đạo đức, trang nghiêm, thanh tịnh giống như một viên ngọc không có tì vết và đó là cái niềm tin để chúng ta nương vào mà hành trì. Dĩ nhiên ta không có may mắn để thấy được đức Phật khi Ngài còn tại thế và cũng không có mấy người may mắn thấy được Xá Lợi thật của đức Phật thì trong các kinh Đại thừa khích lệ chúng ta hãy xem pháp thân của đức Phật đang tồn tại khắp mọi nơi. Pháp là những lời Phật dạy, xem lời Phật dạy như là thân Phật. Như vậy ta không có mặc cảm, tự ti sanh ra trong thời mạt pháp không gặp được đức Phật. Việc hành trì đúng với lời Phật dạy làm cho chúng ta bao giờ, ở mọi cách cũng gần với đức Phật. Đó là niềm tin mà các Phật tử thuần thành nên ý thức và thực tập, chứ đừng nên quá quan trọng về các hình thức mà đôi lúc vì niềm tin ta dễ dàng bị đẩy đưa vào những cái điều việc tranh luận đúng và sai, thật và hư của nó quá cao. Nói như thế chúng tôi vẫn xác định rằng dù là Xá Lợi niềm tin, lòng tôn kính của chúng ta dành cho đức Phật thông qua biểu tượng của viên Xá Lợi vẫn tạo ra phước báu của sự tôn kính. Đó là điều mà chúng ta không cảm thấy là mình phải ân hận hay là nuối tiếc rằng mình đã lỡ lạy một vật thể được xem là Xá Lợi mà trên thực tế có thể là không. Không sao hết. Ta nghĩ đó là Xá Lợi và ta đảnh lễ với lòng tôn kính cao nhất thì phước báu sẽ tương thích với cái tâm của chúng ta. Quan trọng là phải làm sao nương vào biểu tượng của Xá Lợi để chúng ta thấy là tâm linh Phật giáo mà mình đã theo là rất có giá trị và cố gắng làm sao truyền cái chất tâm linh đó cho con em, những người thân thương nhất của chúng ta, họ tộc và hàng xóm. Ai làm được như thế tức là truyền bá pháp thân của Phật hiện hữu mãi ở trên hành tinh này và ai làm được như thế là đang truyền chất Vô Lượng Quang của đức Phật A Di Đà cho cuộc đời được bình an và hạnh phúc.
Nam Mô A Di Đà Phật!

Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Con là người mới tìm hiểu và tu tập theo đạo Phật, mọi thứ đối với con còn rất mới mẻ và chưa hiểu nhiều các lễ nghi thể hiện sao cho đúng đạo. Vừa qua con có thấy một số trường hợp Phật tử nữ khi nói chuyện với chư Tăng có thái độ quá thân mật và gần gũi, có những biểu hiện khiến người khác hiểu lầm (mặc dù hai người không có ý gì cả). Nhưng con thiết nghĩ đã là Phật tử thì khi tiếp xúc và nói chuyện với chư Tăng cần phải có khoảng cách và giữ oai nghi nhất định nào đó. Vậy Phật tử chúng con phải làm thế nào cho đúng với phép tắc trong đạo. Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy. Nam Mô A Di Đà Phật.
Đáp: Nho giáo có câu: “Nam nữ thụ thụ bất thân”, trao và nhận giữa người nam và người nữ không nên đụng tay chân với nhau. Điều đó có thể bị phê phán trong bối cảnh văn hoá vật dụng của phương Tây toàn cầu hiện nay rằng đó là một cái phong tục quá khe khắt. Nhưng từ phương diện đạo đức và tâm linh, việc giữ kẽ như thế nó tạo ra sự tôn kính giữa nam đối với nữ và ngược lại. Còn phương Tây ngày nay chú trọng quá nhiều đến tự do cá nhân và tự do này nó làm cho cái “tôi” bị trương sình lớn. Cái “tôi” lớn chừng nào thì hạnh phúc bị đè bẹp và thương tổn lớn chừng đó. Đạo Phật cho rằng mỗi một con người có nhiều phương tiện truyền thông qua lời nói, chữ nghĩa và các biểu hiện của thân thể. Những cái dấu hiệu, những động thái, dáng đi, ánh mắt, nụ cười.v.v. đều là một phương tiện của ngôn ngữ. Cho nên, nếu không khéo chúng ta sẽ cung cấp lầm thông tin cho người có cơ hội giao du, tiếp xúc với chúng ta. Không khéo người nam quá thân mật đó sẽ có thể bị xem là nam suồng sã, nữ quá thân mật có thể bị đánh giá là nữ lẵng lơ. Trong ngữ cảnh được đặt ra đó là sự quá thân mật của Phật tử nữ đối với quý Thầy hay trong trường hợp Phật tử nam quá thân mật với các Sư Cô đều có thể dẫn đến sự phản cảm ở người quan sát. Cho nên tốt nhất ta phải thấy rất rõ là những vị xuất gia chân chính đã từ bỏ đời thanh xuân của mình trở thành những con người mô phạm về đời sống đạo đức và điểm tựa tinh thần, góp phần tạo ra ruộng phước cho người tại gia. Cho nên quá thân mật mà không giữ ý tứ có thể làm cho chúng ta đánh mất lòng tôn kính của mình đối với các vị Thầy và các Sư Cô, thông qua đó nhiều người sẽ đánh mất niềm tin đối với Tam Bảo. Cho nên, oai nghi tế hạnh trong giao tiếp là điều mà chúng ta cần phải lưu tâm. Như vậy, trước nhất chúng ta cần phải thấy rõ việc tiếp xúc giữa Phật tử tại gia và người xuất gia chỉ nên được diễn ra với các sự việc sau đây:
·        Thứ nhất là khi có Phật sự giữa người tại gia với nhà chùa, vì phần lớn chùa đã đặc cách cho một vị nào làm vai trò tiếp tân, tri sự, tri khách.v.v. thì ta giao tiếp trực tiếp với những người có chức năng được chùa phân công. Như vậy, sau khi công việc Phật sự đã kết thúc, ta không cần phải tiếp xúc nữa. Đó là cách ta tôn kính Tam Bảo và giúp cho các Thầy, các Sư Cô đi trọn đường tu của mình. Bởi vì tiếp xúc nhiều dễ phát sinh tình cảm và nếu không khéo thì cái mối quan tâm lúc đầu là sự ủng hộ nhưng về lâu dài, chỉ cần thiếu đi một niệm tỉnh thức thì có thể cả hai sẽ gặp rắc rối. Người tại gia thì mất đi lòng tôn kính, người xuất gia thì mất đi sự tu tập của mình.
·        Thứ hai việc tiếp xúc chỉ nên là thuần tuý công việc, không đính kèm theo bất kỳ một tình cảm riêng tư nào. Khi mà mình xác định rõ lằn ranh giới như vừa nêu thì rõ ràng chúng ta không thể nào sơ suất thể hiện các hành động quá thân mật đến độ bị người khác hiểu nhầm hoặc là bị lý giải lầm thông tin.
Cho nên, qua hai yếu tố vừa nêu, chúng tôi đề nghị quý Phật tử cần lưu ý một số điều như sau. Người xuất gia đã từ bỏ cha mẹ ruột, người thân thương của mình và xem tất cả chúng sinh là tình thân, cho nên quý vị không nên kết thân nhận làm cha nuôi, mẹ nuôi, anh nuôi, chị nuôi, em nuôi… đối với người xuất gia. Việc làm như thế là trái với tinh thần và luật mà đức Phật đã dạy. Một số vị xuất gia trẻ vì chưa được học mà có thể không hiểu và do đó thỉnh thoảng cũng có kết giao tình thân thương như vậy. Do đó tránh được tình trạng này thì mức độ cư xử quá thân mật khó có thể được diễn ra. Kế tiếp là khi ta tôn kính một thành viên xuất gia, ta phải tôn kính với tư cách đó là một thành viên Tăng đoàn và sau này trở thành điểm tựa tinh thần cho chúng ta. Cho nên đừng thân mật theo kiểu là “đi thăm nuôi”, tức là Phật tử này mến vị Thầy kia thì hay đem quà đến tặng. Kiểu thân mật này nó cũng không phải là điều hay. Bởi vì trong chùa thì ăn ít, mặc ít, ngủ ít đó là ba điều để nâng cao đời sống đạo đức của người xuất gia. Cho nên, cái sự quan tâm mà đôi lúc mình không để ý tới lại làm cho người tu bận bịu việc ăn uống, bận bịu với việc hưởng thụ thì khó tu được lắm. Cho nên tốt nhất khi có Phật sự gì cần liên lạc, quý vị hãy liên lạc với Thầy Trụ trì hoặc là người được Thầy Trụ trì phân công để công việc đó được thực hiện thuần tuý là công việc thôi và do đó việc tiếp xúc với các vị thành viên còn lại của ngôi chùa sẽ không diễn ra. Như vậy, ta sẽ hạn chế được mức độ hiểu lầm. Kế đến khi tiếp xúc với công vệc và nhu cầu đó thì người tiếp xúc cần phải ý thức rõ là ta đến để ủng hộ Phật giáo, ủng hộ nhà chùa chứ không phải ủng hộ cá nhân. Ủng hộ cá nhân sẽ dẫn đến tinh thần chủ nghĩa thần tượng vốn được đức Phật dạy là không nên và thứ hai về lâu dài có thể phát sinh tình cảm rất là vi tế. Điều đó nó làm cho chúng ta tổn thất niềm tin và phước báu của mình, còn những vị xuất gia sẽ đánh mất cơ hội tăng trưởng con đường tâm linh. Cho nên, ta phải ăn mặc một cách kín đáo, ứng xử một cách đoan trang và không nên đứng, ngồi sát với quý Thầy. Phật giáo Nam tông giữ cái khoảng cách rất an toàn cho người xuất gia. Ví dụ khi đi máy bay, nếu là tu sĩ thì sẽ không được phép ngồi ở các ghế ngoài đường đi vì các cô phục vụ khi đi ngang sẽ có những lúc vô tình đụng tay chân, mà giới luật Phật khi đụng như thế nếu có ý tứ sẽ phạm giới, nên người ta phải xếp các Thầy vào các ghế gần cửa sổ. Khi Phật tử mà muốn cúng dường cho quý Thầy, họ phải để lên cái dĩa hoặc cái mâm và dâng lên sau đó để lên bàn và rút tay về, quý Thầy mới vịnh vào phẩm vật cúng dường đó như một cử chỉ biết ơn và tiếp nhận. Đó là cách mà người ta thể hiện độ an toàn và lòng tôn kính ở mức độ khá cao. Do đó phải thể hiện lòng tôn kính Tăng bảo dầu đó mới là một chú Sa Di, một cô Sa Di Ni đang tập sự tu, ta phải hiểu rõ đây là cái mầm tâm linh mà việc hỗ trợ với tư cách ngoại hộ thiện tri thức sẽ giúp cho vị xuất gia đó tăng trưởng được đạo đức và lớn mạnh về tâm linh, hơn là ta nối kết tình thân thương theo dạng tình cảm đời. Vì theo dạng tình cảm đời ta sẽ đánh mất vị Thầy đó, đánh mất vị Sư Cô đó và như thế là ta làm giảm đi giá trị Phật pháp trong dân gian. Việc tiếp xúc một cách an toàn, đừng quá thân mất sẽ là nghệ thuật giúp cho chúng ta phát triển được đạo Phật ở trong cuộc đời.

Câu 4: Kính thưa quý Thầy, nguyên thủy gia đình nội ngoại của con đều là Phật tử. Ba con đã mất và gia đình đang định cư ở Canada được 27 năm rồi. Mẹ con năm nay đã 74 tuổi, phát tâm ăn chay trường, cũng tụng kinh và niệm Phật. Nhưng con thấy Mẹ con đeo trong cổ cùng một lúc hai mặt dây chuyền. Một mặt là tượng Phật và một mặt là tượng Chúa, có đêm bà không tụng kinh Phật mà đọc kinh Chúa! Và nói với con là “Lúc Mẹ chết đem thân xác Mẹ vào đất Chúa mà chôn”. Đứng trước hoàn cảnh này con không biết phải làm sao? Nếu làm theo ý của Mẹ mà gia đình nội ngoại biết được thì không đồng ý, còn nếu làm theo ý của gia đình là chôn Mẹ trong nghĩa trang Phật giáo thì Mẹ con có được siêu thoát không? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy và hướng dẫn cho con. Kính tri ân thầy.
Đáp: Chúng tôi có cảm giác là bà cụ ngoài bảy mươi tuổi trong câu chuyện đang làm công việc đảm bảo, tức là vừa thờ Phật vừa thờ Chúa, nếu Phật không rước còn có Chúa rước. Sở dĩ mà làm như thế vì ta chưa có niềm tin tuyệt đối với Phật và dĩ nhiên là cũng không có niềm tin với Chúa. Ngoài Nhân thừa tức là các phương diện nhân đạo của kiếp người, giáo lý nhà Phật còn có Thiên thừa, tức là phước báu tái sinh làm con người ở các hành tinh và sau đó đến Thanh Văn thừa là trở thành một bậc Thánh, Bồ Tát thừa là ngoài trở thành Thánh giá trị tâm linh cao hơn còn dấn thân phụng sự độ muôn loại chúng sinh và cuối cùng là Phật thừa để trở thành ngang với Phật, trở thành bậc tỉnh thức trọn vẹn. Bốn thừa ngoài Nhân thừa là điều mà các tôn giáo khác không đề cập đến. Đạo Phật dạy chúng ta pháp môn vừa đạo đức, vừa tâm linh, giải quyết các vấn nạn của kiếp người và các vấn nạn trong các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội cho đến gia đình và cá nhân. Và những phương pháp giải quyết nó thông qua các pháp môn. Các tôn giáo khác không dạy các pháp môn. Giáo pháp của đức Phật được định nghĩa là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, có khả năng mang lại an lạc, siêu việt thời gian và được người trí tán thán. Cho nên khi ta không có niềm tin trọn vẹn đối với Phật và giáo pháp của Ngài thì lúc đó ta khuynh hướng là đi tìm cầu thêm một tôn giáo nào khác và việc tìm cầu đó nó đặt cho chúng ta một sự lựa chọn và xem đạo Phật giống như các tôn giáo khác là một mặt hàng tín ngưỡng trong một siêu thị tâm linh nhiều mặt hàng. Việc chọn lựa cả hai mặt hàng cùng một lúc mà trên thực tế nhu cầu sử dụng chỉ có một sẽ làm cho chúng ta đứng giữa ngã ba đường và người như thế thì khó có thể đạt được bất cứ giá trị tâm linh nào. Ngay cả trong đạo Phật, ai đó khi đang theo pháp môn Tịnh Độ mà đôi lúc lại muốn chạy qua Thiền, người đang đi theo Thiền đôi lúc lại chạy sang Mật tông, những người như thế là không có sự tinh tấn và bền bỉ trên con đường hành trì của mình, độ tiến bộ về chiều sâu tâm linh trong sự thực nghiệm sẽ không cao. Cho nên, là người con hiếu thảo, chúng tôi kính đề nghị người đặt câu hỏi cố gắng khéo léo vận dụng để thuyết phục mẹ mình trở về với một niềm tin. Ta có thể đưa ra một dẫn dụ rất đơn giản thế này. Ví dụ mình là người Việt Nam, ta có văn hoá ẩm thực của người Việt Nam, văn hoá ẩm thực đó nó cũng đảm bảo những dưỡng chất cần thiết để tạo ra năng lượng calories cho sự sống đảm bảo cho sức khoẻ và tuổi thọ. Còn người phương Tây có văn hoá ẩm thực của họ với năng lượng calories và dưỡng chất khác nhau. Bệnh như là một cộng nghiệp lệ thuộc vào việc ăn uống và văn hoá ứng xử của con người. Nay mẹ đã trên bảy mươi tuổi như vậy chứng tỏ năng lượng calories từ dưỡng chất thực phẩm Việt là khá tốt. Cũng tương tự như thế, dược chất tâm linh ở trong đạo Phật rất là phong phú, đầy đủ và khi mình đã thấy rõ được như thế thì ta không cần phải chọn lựa thêm các tôn giáo khác. Cho nên, đối với tâm linh ta nên chọn một. Và rất may mắn được làm con người, gặp Phật pháp có được sự hành trì. Có lẽ ở đây bà cụ chưa hiểu sâu về đạo Phật cho nên việc hành trì chưa có được căn bản, muốn có sự bảo vệ từ Phật và từ Chúa. Do vì cái niềm tin ta không có xác quyết được và xem đức Phật như một vị Thần giống như các vị Thần linh trong các tôn giáo cho nên mới có ý niệm rằng thờ dây chuyền mà một mặt là Phật, một mặt là Chúa. Ta cố gắng thuyết phục, giải thích một cách khéo léo để mẹ tin vào Phật một cách tuyệt đối. Ở tuổi đời ngoài bảy mươi, thời gian còn lại không dài lắm mà nếu cứ bị lẩn quẩn ngay ngã ba đường của niềm tin thì không biết ta sẽ đi về đâu. Điều đó rất nguy.
Vấn đề thứ hai được câu hỏi đặt ra là nếu chiều theo ý mẹ thì gia đình nội ngoại không hài lòng, còn không chiều theo ý mẹ thì mẹ chết như thế có siêu hay không? Theo đức Phật, qua kinh Di Giáo, trước khi Ngài qua đời, ngay chỗ Tỳ Xá Ly Ngài đi hướng về Nepal là quê hương của Ngài, nhưng đi được hơn nửa đường là đến Kushinagar thì Ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Lòng yêu nước, yêu quê hương, nhớ về nguồn cội của Ngài rất là đặc biệt mà chúng ta cần phải học hỏi. Điều thứ hai là ba tháng trước đó, đức Phật đã biết là Ngài sẽ nhập Niết Bàn và Ngài đã có bài kinh Di Giáo tức là di chúc cuối cùng của đức Phật. Việc cân phân, dặn dò, hướng dẫn để giúp cho các đệ tử vượt qua khỏi những cái thắc mắc, nghi vấn.v.v. nhờ đó họ tiến sâu trên con đường tâm linh đã được đức Phật làm rất cặn kẽ. Trước khi dứt hơi thở cuối cùng tại Kushinagar, đức Phật còn hỏi lại rằng: “Này các đệ  tử, nếu có ai còn hoài nghi thắc mắc về chánh pháp nói chung, về Tứ Diệu Đế nói riêng thì hãy nên mạnh dạn hỏi.” Đức Phật đã hỏi ba lần như thế, tất cả đều im lặng và Ngài nói rằng: “Như vậy các vị đã hiểu, việc nên làm Như Lai đã làm, giáo pháp cần chuyển hoá Như Lai đã tuyên bố, nhiều đệ tử đã chứng Thánh, người phàm đã biết con đường tu học cho nên Như Lai đã an tâm và không còn bất cứ lo lắng gì, cho nên Như Lai sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn.” Vô Dư Niết Bàn là từ mô tả về cái chết của một bậc chứng Thánh, không tái thân lại dưới hình thức ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức như chúng ta và tái sinh là theo nguyện trên nền tảng của lòng từ bi. Như vậy, ta học được đức Phật ở chỗ là trước khi Ngài qua đời Ngài đã di chúc cặn kẽ mọi thứ hết. Khi mình di chúc như vậy, tâm ta mới được bình an. Bây giờ luật pháp rõ ràng cho nên khi bắt đầu có tuổi ta nên làm di chúc sẵn hết mọi thứ vì vô thường trong thời hiện đại này nó cao hơn thời xưa. Nếu không làm di chúc khi chết vô thường, mình tiếc nuối tài sản thì khó ra đi lắm. Vấn đề ở chỗ người mẹ trong câu hỏi đặt ra di chúc rằng bà muốn được chôn ở trong đất Chúa. Giả sử sau khi thuyết phục mà bà vẫn giữ nguyên lập trường của mình thì ta nên tôn trọng. Bởi vì người mà đã cố chấp về quan điểm thì người ta thường bám víu theo và lúc đó chúng ta thường có thước đo dân gian để xác định rằng là bà đã tái sinh hay chưa. Thông thường trong dân gian nói với nhau là một người chết mà nhắm mắt thì cơ hội tái sinh rất cao, còn chết mà mở mắt thì cơ hội đang tồn tại trong cảnh giới trung gian giữa sanh và tử thường được đức Phật gọi là thân trung ấm có thể diễn ra. Thông thường có một số tình huống dẫn đến tình trạng chết mở mắt:
1        Các hình thức chết tự tử
2        Các hình thức chết bất đắc kì tử
3        Chết mà vẫn còn vương vấn hận thù
4        Chết mà vẫn còn nỗi ức chế, oan ức
5        Chết mà vẫn còn ôm trong tâm tình yêu nồng nàn
Tất cả những tình huống đó đều có thể dẫn đến tình trạng đột biến trong tái sinh. Thay vì chúng ta đi theo nghiệp bây giờ những cảm giác như thế làm cho chúng ta bị kẹt lại. Trong những tình huống đó, chết thường dẫn đến tình trạng là mở mắt. Khi người ta thoả nguyện, không còn mong chờ nữa, không còn ức chế tâm lý nữa thì mắt sẽ nhắm. Cơ chế đó là cơ chế thần kinh. Ví dụ khi ban đêm ta nằm ngủ, những thao thức, lo lắng, bồn chồn trong tâm làm cho mắt mình không nhắm lại được, mà nếu có nhắm cũng không ngủ được, ức chế tâm lý đó sẽ làm cho chúng ta bị mất ngủ. Thần kinh là nơi hoạt động mà thức bám vào để tồn tại như một thực trạng, do đó khi chưa thoả mãn được tâm lý thì cái chết khó diễn ra. Cho nên, nếu người mẹ vẫn bảo lưu ý kiến của bà thì khi chết ta quan sát nếu bà nhắm mắt thì việc mà mình làm sai di chúc trong tình huống này không sao, tức là mình có thể làm lễ hoả thiêu, đem tro cốt về thờ ở chùa hay là để trong một nghĩa trang Phật giáo, bởi vì dấu hiệu nhắm mắt cho thấy bà đã ra đi rồi. Nếu chết mà bà vẫn mở mắt thì hãy cố gắng làm theo lời di chúc chôn trong đất Chúa. Sau một thời gian ta làm lễ cầu siêu nhiều lần, có dịp mình đưa cốt lên đem về một nơi mới thích hợp hơn. Người Trung Quốc thường chôn thử trong ba năm vì vào thời loạn lạc chiến tranh thì không thể chôn ở đâu một cách lâu dài. Sau đó người ta mới tái chôn lại lần thứ hai, lần đó mới là chôn vĩnh viễn, chứ không quan niệm động mồ động mả như là dân gian. Cho nên, ta đừng nên quá bận tâm. Nói tóm lại, khi ông bà, cha mẹ chúng ta ở tuổi xế chiều đối diện với vô thường sanh ly tử biệt mà có những lời trăn trối, di chúc. Nếu nội dung của lời trăn trối, di chúc là tốt thì tất cả con cháu nên tuyệt đối nghe theo, đừng nên chống lại, đừng nên trái ngược lại vì làm như thế có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình tái sinh của người đã di chúc. Cũng có thể có những vấn đề tế nhị, di chúc đó nó ngược lại với nguyện vọng của những người kế thừa thì ta cũng không nên kháng cự mà phải nghĩ đến cái tình của người ra đi để chúng ta có thể bỏ quên phần quyền lợi mà lẽ ra mình xứng đáng được chia. Làm được như thế là ta đang làm công tác hộ niệm cho người ra đi. Tuy nhiên, đối với bản thân người làm di chúc, sau khi ta đặt bút và nhờ luật sư công chứng rồi thì đừng nên bận tâm về các nội dung của nó có được thực hiện hay không, nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn tất, công việc còn lại là của luật và những người kế thừa. Có nhiều người đã di chúc rồi nhưng cứ bận tâm, mà bận tâm thì khó siêu lắm. Cho nên, ta phải để cho người còn lại lo công việc tống táng. Có người di chúc là phải thiêu không được chôn với lý do sợ chôn vòi ăn, lạnh ở dưới lòng đất. Còn có người sợ thiêu vì sợ nóng. Đó là mê tín vì khi còn sống thì ý thức đang tồn tại dưới hình thức là thần kinh trong cơ thể này, ta mới có cảm giác thấy, nghe, ngửi, biết, đánh giá, phán đoán, nhận định, có những phản ứng tâm lý và nhận thức; còn khi ta đã trút hơi thở, cái chết thực sự diễn ra rồi thì làm sao có những cảm nhận như là người còn sống. Cho nên đừng lo sợ, đừng bận tâm quá nhiều! Hãy để cho con cháu của mình lo, để chúng có cơ hội đền ơn, báo hiếu cho cha mẹ. Người già chỉ nên nhớ điều duy nhất là lo tâm linh của mình. Nếu là hành giả Tịnh Độ thì niệm Phật chuyên nhất, không còn buồn rầu, lo lắng, làm hết tất cả bổn phận của người mẹ, người cha, phần còn lại để cho con em mình ngay cả trong tình huống con em mình chưa được thành công, chưa được thành tài thì cũng đừng vì thế mà bị khổ theo. Trách nhiệm của chúng ta đã làm trọn rồi. Mỗi người có cái biệt nghiệp mà nhiều khi mình lo lắng chưa chắc nó đã nên. Cho nên hãy hoan hỷ mà chấp nhận vì nhân như vậy, duyên như vậy thì ra kết quả như thế. Ai sống được như thế chẳng những không bị xem là thiếu trách nhiệm với gia đình và người thân mà còn được xem là người biết, thấy rõ cái giới hạn của sự quan tâm và không phải bị bận tâm, khổ não, lao đao về nó. Sống được như thế thì niềm bình an, hạnh phúc sẽ được lâu dài và đảm bảo.

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 27, chúng ta đã được nghe Đại đức Thích Nhật Từ giải đáp những câu hỏi xoay quanh vấn đề tu tập của quý Phật tử. Vừa qua. Đại đức cũng đã trình bày rất rõ ràng, đầy đủ.
Trong câu hỏi thứ nhất, chúng tôi cũng xin có thêm một chút ý kiến. Phật tử nêu ra tình huống trong câu hỏi một người đi vào trong chùa mặc áo lông thú, có một vị Thầy nào đó không cho vào, vị đó cho rằng là khi mặc áo lông thú vào chánh điện sẽ không tốt. Vừa qua, Đại đức Nhật Từ cũng đã trình bày rất rõ ràng, với mục đích là để cho người mặc áo lông thú đó ý thức không nên sát sinh, tôn trọng sự sống. Thế nhưng, theo chúng tôi nghĩ nếu chúng ta phân tích cho kĩ một con người chúng ta từ lúc sinh ra, bú sữa mẹ. Sữa mẹ đó từ thịt cá, thịt cá đó cũng từ mạng sống của những con thú. Khi chúng ta lớn lên thì đa phần chúng ta ăn thịt cá để mà sống. Như vậy, cái thân của chúng ta, da thịt cũng là da thịt của thú, máu xương cũng máu xương của thú. Như vậy, thì tại sao chúng ta cho người khác vào chùa mà không cho người mặc áo lông thú vào? Điều này cũng hơi khắt khe. Tuy nhiên, với một tâm ý rất tốt của vị Thầy là muốn cho người đó ý thức làm như thế nào đó để tôn trọng sự sống và đừng sử dụng những y phục bằng lông thú mà có thể là mình gián tiếp khuyến khích người ta giết thú để mình có được quần áo bằng lông thú như vậy. Chúng tôi chỉ góp thêm một chút ý kiến như vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn