Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 22


ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP 22
Chủ nhiệm: Thích Chân Tính
Dẫn chương trình: Thích Tâm Huy
Giảng sư: Thích Trí Huệ
( Ngày 21/03/2010)

Phần giải đáp các câu hỏi của Giảng sư Thích Trí Huệ:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Câu hỏi 1: Kính bạch Thầy, người ta thường quan niệm trùng tang, liền tang để chỉ gia đình có số người chết liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn nhất định 3 năm, 2 năm hoặc 1 năm.v.v. Thưa Thầy suy nghĩ và nhận định trên đúng hay sai? Cụ thể là gia đình con năm 1997 một người chết thọ 70 tuổi là con rể, năm 2000 một cháu gái (cháu nội) chết lúc đang học lớp 12, năm 2004 bà cụ mất là chủ gia đình, sang năm 2007 một cháu trai 21 tuổi bị mất vì tai nạn xe cộ. Xin hỏi Thầy, chúng con những người còn lại dù không chú ý nhưng cũng thấy rằng cứ khoảng thời gian 3 năm lặp lại một lần. Vậy chúng con phải làm gì để cầu siêu cho người quá cố và những người còn lại phải làm thế nào?
Đáp: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Lời đầu tiên chúng tôi xin gửi lời tri ân đến Thượng toạ Trụ trì chùa Hoằng Pháp đã tạo điều kiện cho chúng tôi có buổi chia sẻ giáo lý trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp. Kính bạch Thượng toạ cùng chư Tôn đức chùa Hoằng Pháp, kính thưa toàn thể quý vị Phật tử thân mến. Câu hỏi thứ nhất về vấn đề trùng tang và theo quan điểm của Phật giáo như thế nào? Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định trong tất cả kinh sách nhà Phật từ hệ thống kinh điển Pali, Sanskrit có nghĩa là kinh điển của Phật giáo nguyên thuỷ cho đến kinh điển của Phật giáo Đại thừa, chưa có một kinh điển nào đề cập về vấn đề trùng tang cả. Đây là vấn đề thuộc thế gian pháp. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không bàn bạc tới, những điều gì đã xảy ra ở chung quanh đời sống của chúng ta làm cho chúng ta quan tâm thì Phật giáo có vai trò phải giải quyết, giải thích như thế nào đó mà đối với người Phật tử chúng ta thoả mãn đi đúng chánh pháp không còn phải vương vấn, bận tâm về vấn đề đó. Nên lý do đó chúng tôi sẽ có một số ý kiến bàn bạc về vấn đề này.
Vấn đề trùng tang được viết trong các sách của những thầy bói. Sách của các thầy bói thường xuất phát từ Trung Quốc. Trước nhất, chúng ta phải nêu lên khái niệm như thế nào là trùng tang? Nói đến tang thì phải có người chết mới có tang, trùng có nghĩa là lặp lên nhau, chồng lên nhau. Ví dụ như vật chất, vật này nó chồng lên vật kia mình gọi là vật này trùng lên vật kia. Như vậy, tang trùng có nghĩa là theo thời gian tang này chưa xong sẽ có một cái tang khác. Ở trong dân gian thường có những loại trùng tang như sau, thứ nhất là loại trùng tang trong gia đình hoặc dòng họ có người chết liên tiếp với nhau trong khi chưa xả tang. Thường theo truyền thống Trung Quốc và Việt Nam chúng ta, ba năm mới xả tang. Trong vòng ba năm đó, một năm đầu người ta gọi là tiểu tường, kết thúc ba năm người ta gọi là đại tường. Như vậy, trong ba năm mà có người trong gia đình hoặc là dòng họ chết thì gọi là trùng tang, chết liên tục như vậy gọi là trùng tang liên táng. Trùng tang thứ hai là trùng tang theo quy luật. Thầy ví dụ cái trường hợp cụ thể vừa rồi hỏi. Năm 1997, năm 2000, năm 2004 và năm 2007 vậy khoảng cách đầu tiên là 3 năm, tiếp theo là 4 năm rồi lại 3 năm, khoảng thời gian đó tổng cộng là 10 năm thì có bốn người mất như vậy gọi là trùng tang theo quy luật thời gian, có nghĩa là cùng khoảng thời gian đó thì sẽ có người mất tiếp. Thứ ba nữa là trùng tang theo ngày tháng. Ví dụ năm trước có một người chết tháng hai, năm sau hoặc năm sau nữa sẽ có một người chết vào tháng hai như vậy gọi là trùng tang theo ngày hoặc theo tháng ở trong năm. Và loại thứ tư nữa là trùng tang theo tuổi. Ví dụ như trong một gia đình, anh trước chết lúc 50 tuổi, người em sau đó chết 50 tuổi, người em kế sau đó cũng chết 50 tuổi như vậy thì cũng gọi trùng tang. Trùng tang theo quy luật hoặc là trùng tang theo năm tháng, theo tuổi tất cả những cái đó trong dân gian người ta gọi chung là trùng tang. Đây là một vấn đề hết sức lo sợ của quý vị Phật tử tại vì ai muốn mình chết đâu, ai cũng muốn mình có quyền sống và được sống. Nên người chết trước rồi tuy rằng rất là thương đau nhưng mà mình còn phải sợ cho người còn sống sau này. Do đó có nhiều người phải đi xem bói làm nhiều cách để giải vây vấn đề này. Trong sách của các thầy bói, người ta tính trùng tang như thế này, có hai cách tính. Cách thứ nhất, trùng tang liên táng và cách thứ hai là trùng tang nhật gọi là trùng nhật. Trùng nhật là bất kì người nào, tuổi nào nếu chết vào cùng ngày, cùng tháng, cùng năm vào những năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Ví dụ, người đó mất vào năm Dần, tháng Dần, ngày Dần, giờ Dần thì người ta gọi là trùng tang nhật, nếu chúng ta chôn đúng vào giờ Dần nữa thì trong gia đình hoặc dòng họ sau đó sẽ có người chết nữa. Đây là quan điểm của dân gian, Thầy không nói đến Phật pháp. Cách tính khác trong sách Thọ Mai Gia Lễ là theo tam hạp, có bốn tam hạp trong mười hai địa chi. Và mỗi sách lại có những cách tính khác nhau. Đó là khái niệm về trùng tang. Bây giờ ta xem xét những cái hiện tượng trùng tang xảy ra như thế nào, theo chúng tôi được biết gia đình của một anh này có ba người con trai, năm 36 tuổi người con trai đầu lòng chết tiếp theo cũng tới 36 tuổi người con trai thứ hai chết, kế đó người con trai thứ ba cũng chết lúc 36 tuổi. Một trường hợp khác ỏ ngoài Hà Nội, người chú năm trước chết 41 tuổi, người cháu năm sau chết 41 tuổi, nên gia đình mới hoảng lên sợ trùng tang. Chúng tôi mới nghiên cứu những trường hợp gọi là trùng tang vừa rồi thì cách tính không đúng như trong sách đã nói. Như vậy, ta kết luận trùng tang không phải là chết vào ngày đó, tháng đó là bị trùng tang mà trùng tang không cần tính theo ngày tháng, nó sai cả sách mà cũng bị trùng tang. Chúng tôi mới đi khảo sát một số người chết vào ngày trùng tang chôn cũng vào giờ trùng tang nhưng gia đình lại không có người chết tiếp theo. Kết luận một điều sách này viết từ Trung Quốc, do người phương Đông quan sát ở làng, xã người ta thấy một vài gia đình như vậy rồi người ta lại kết luận chung cho toàn mặt bằng của xã hội. Bây giờ về xã hội học là sai đó, mình phải có một đề tài khoa học về vấn đề đó khảo sát trên rất nhiều gia đình trong vòng vài chục năm tới một trăm năm thấy đúng như vậy mới kết luận viết ra sách. Mình chỉ thấy có một vài gia đình mà kết luận cho toàn xã hội là không được, trong nhà Phật gọi đây là cách nói ngụy biện. Đức Phật đã cấm cái cách nói này trong kinh Di Giáo gọi là vô hý luận. Lấy một ví dụ trong tâm lý học, có hai anh chàng đi vào trong làng, một trong hai anh khi vào làng mới thấy một người say rượu vào đến giữa làng thì thấy sòng nhậu và đi đến cuối làng thấy người ta nhậu. Sau đó anh này mới nói với anh kia là cái làng này toàn là dân ăn nhậu, anh kia mới gật đầu công nhận. Đây là cách nói ngụy biện mà đức Phật đã từng cấm bởi nói nó ngụy là sai, không đúng. Còn đạo Phật là đạo của sự thật. Nên từ đó kết luận một điều, các sách bói này là bởi những người đầu tiên viết ra do quan sát trong xã hội thấy một số trường hợp xảy ra như thế người ta mới kết luận như vậy, kết luận này là kết luận không khoa học,  kết luận theo cảm tính. Sách không hoàn toàn đúng, nó cũng có một số trường hợp đúng một cách ngẫu nhiên chứ không phải do chết vào ngày đó, tháng đó, năm đó mà nó sanh ra. Các thầy bói họ chỉ coi theo sách do người thế gian viết ra theo cảm tính, theo quan sát mội trường xung quanh nên nó chỉ tồn tại một cách hết sức là tương đối. Đối với người Phật tử, như chúng tôi đã chứng minh những trường hợp như vậy mình không nên tin tuyệt đối vào vấn đề đó. Nhưng vì truyền thống và tâm lý của con người, người ta phải đi coi. Thầy nói như vậy nhưng quý vị Phật tử cũng đi coi à, không đi coi không an tâm, không an tâm tức là bất an mà đạo Phật là đạo đi tìm sự an lạc mình bất an sao mà tu, sao mà sống nên cũng đi coi theo người khác. Nhưng tránh đây là tránh về mặt tâm lý chứ không phải tránh về mặt chân lý, chân lý nhà Phật không phải như vậy.
Cách hoá giải vấn đề trùng tang này như thế nào? Nếu trùng tang là có thật tức có người chết sau đó trong gia đình sẽ tiếp tục có người mất. Người chết như vậy theo nhà Phật là do người này hết nhân duyên với thế gian này, mà nhân duyên với thế gian là do nghiệp của kiếp trước mình gieo. Ví dụ ở kiếp trước, trên bước đường luân hồi sanh tử mình đoản mạng nhiều con vật, chúng sanh nên bây giờ kiếp này mình cũng bị đoản mạng lại. Nhưng mà con người không có cái thuyết số mạng cụ thể tại vì ở trong tương lai cái quả là do quá khứ mình gieo. Chia khoảng thời gian trong Phật pháp ra làm 3 là: quá khứ, hiện tại, tương lai. Bây giờ, chúng tôi nói ra một lời, vừa nói ra thì nó sẽ trở thành quá khứ như vậy thì quá khứ với hiện tại nó mới trở thành cái tương lai sau này. Quá khứ là cái đã qua, tương lai thì chưa đến còn hiện tại tác động. Trong kinh có kể câu chuyện, một chú tiểu nọ đáng lẽ chú năm 12 tuổi chú sẽ chết, vị Thầy chú là một vị La Hán biết được điều đó và khuyên chú tiểu về nhà từ giã gia đình vì một tháng sau chú tiểu sẽ chết. Khi về từ giã gia đình xong, chú tiểu sống qua một tháng, hai tháng rồi ba tháng nhưng chú không thấy mình chết, mới lại hỏi Thầy, vị Thầy mới nhập định xem lại thì hoá ra trong lúc đi giữa đường gặp mùa lũ, nước ở trên tuôn xuống các đàn kiến cả mấy chục ngàn con, mấy chục triệu con trôi theo dòng nước. Vì lòng bi mẫn, chú tiểu này mới cởi áo mình ra hốt hết những vị kiến đem lên bờ giũ cứu nó. Do cứu rất nhiều mạng của loài kiến mà chú trở nên thọ mạng, chú không chết lúc 12 tuổi nữa mà chú chết thọ khoảng 120 tuổi. Đó là nhân quả của nhà Phật. Như vậy, dầu cho ông thầy bói nói là ngày mai mình chết nhưng ngày hôm nay mình biết tu, mình biết phóng sanh, biết làm lành lánh dữ thì cái gốc tội lỗi nó được chuyển hoá, gốc tội lỗi chuyển hoá là từ trong tâm của mình chứ không phải ai cầu xin mà được. Nên quý vị nghe pháp, nghe giảng, tu hành nó chuyển hoá gốc tội lỗi của tâm. Tội lỗi là do đâu mà có? Là do mình tác ý, kinh Tăng Nhất A Hàm đức Phật dạy tác ý là nghiệp. Mình tác ý xấu thì nó trở thành cái nghiệp ác ngày hôm nay nhân duyên ác nó đến. Ngày hôm nay mình trở lại tác ý thiện có nghĩa là mình sám hối làm xoay chuyển mất đi gốc tội lỗi. Giống như bà Thanh Đề, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên, đức Phật nói trong kinh Vu Lan vậy:
Vì mẹ ông gốc tội rất sâu
Dầu ông thần lực nhiệm mầu
Một mình không thể ai cầu đặng đâu
Thần lực mà cũng cầu không đặng nữa. Như vậy thì mình sám hối, ăn năn, quy y Tam Bảo, phóng sanh, cúng dường bố thí.v.v. làm nhiều động tác đem lại nhân quả tốt đẹp cho mình, nhất là nhân quả về thọ mạng. Thứ nhất là hoan hỷ là gốc của tâm, thứ hai là tha thứ mạng sống cho chúng sanh ở ngoài nhân quả của tướng. Gốc của tâm chuyển được, ngoài của tướng cũng chuyển được thì tánh và tướng đều chuyển được vậy còn đâu quả báo xấu. Nếu có trùng tang mà tất cả các thành viên trong gia đình đã chuyển hoá được cái nghiệp của mình rồi thì tang trùng nó chuyển hoá theo tại vì tang trùng là nghiệp lực của gia đình đó mà bây giờ nghiệp lực đã được chuyển hoá rồi thì tang trùng trở thành không trùng.
Cách giải quyết vấn đề này đối với người sống và người chết là như thế nào? Về người chết, mình cầu siêu như thế nào? Chiếu theo trong kinh Địa Tạng nói rằng nếu một người chết mà người thân phát tâm bố thí cúng dường thì phước báu đem lại cho người chết một phần, người đó hưởng được sáu phần. Cái đó là phước báu trên tướng, có nghĩa là mình gieo một cái gì đó mình sẽ hưởng một cái sau đó. Nhưng gốc tội lỗi là gốc từ trong tâm nên người sống muốn cầu siêu cho người chết phải chuyển hoá Bồ Đề tâm của người mất thì người mất này mới sanh vào cảnh giới an lành được. Ví dụ trong kinh Vu Lan, lúc Ngài Mục Kiền Liên đưa cơm cho bà Thanh Đề ăn, bà Thanh Đề mới lấy tay che. Xung quanh đói khổ, chúng ta có miếng no mà để những người xung quanh đói khổ đó là tâm của ngạ quỷ. Đạo Phật không chấp nhận khi chúng ta no mà để những người xung quanh chúng ta đói nên cái nghiệp đó đã làm cho cơm bốc cháy. Tâm đó là tâm bỏn sẻn, muốn lợi về mình tư lợi đó là tâm của quỷ. Khi mà thần lực của chư Tăng, thần lực của chư Phật chú nguyện cho bà, trong kinh nói rằng trước khi ăn chư Tăng phải chú nguyện, như bây giờ chúng ta cúng dường trai Tăng thì sau khi chú nguyện chư Tăng sẽ ban đạo từ. Lúc đó, đức Phật ban đạo từ cho bà Thanh Đề. Nhân quả trên tướng là nhân quả cúng dường trai Tăng, cúng dường y và vật thực cho chư Tăng. Nhân quả trên tướng bà đã giải quyết xong nhờ Ngài Mục Liên còn nhân quả trên tâm gốc của tội lỗi chưa giải quyết được, nhờ đức Phật khai thị bằng đạo từ thì tự nhiên bà thấy những người xung quanh đau khổ giống như mình, người ta không có thức ăn bây giờ mình không che nữa mà chia sẻ cho mọi người. Tâm muốn cứu khổ, ban vui cho người khác không phải là tâm của ngạ quỷ, đâu phải là tâm của địa ngục nên bà lập tức sanh lên cõi Trời. Như vậy, con người khi mất đi sẽ có nhiều tội lỗi trong lúc sống mình làm. Trong kệ của Tổ nói là:
Thân chất chứa biết bao tội xấu
Bước chân đi theo dấu đường đời
Cách ăn thói ở tùy thời
Làm sao tránh khỏi cái nơi tội tình
Người thân mình cũng vậy. Nếu lúc sống người mất chưa quy y Tam Bảo thì ta nên thỉnh một vị Thầy về quy y Tam Bảo cho thần thức cho người chết và gia đình của mình, đó là cách tốt nhất. Quý vị có thể tham khảo trong đĩa giảng của Hoà thượng Giác Hạnh có tên “Chuyện lạ 2001” nói về vấn đề quy y vong. Nếu người thân của mình đã quy y Tam Bảo rồi mình sẽ nhắc lại, khai thị thỉnh một vị Thầy nào đó đứng ra lập một cái đàn khai thị cho hương linh này cho họ hiểu được cuộc đời là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã đừng bám víu nó nữa để họ buông cái pháp chấp. Con người ta mình có chấp thân và chấp tâm nên buông ra đi, bỏ nó đi. Còn bên ngoài, mình bố thí cúng dường để hồi hướng một phần cho người mất ở trên hình thức tướng. Tướng giải quyết được, tâm cũng giải quyết được, tướng là phước đức tâm là công đức, có phước đức và công đức làm sao mà không được vãng sanh, chỉ cần niệm Phật cầu vãng sanh nữa là được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn rồi. Như vậy thì âm siêu dương thới, mà âm siêu dương thới thì pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Câu hỏi 2: Kính bạch quý Thầy, người tu theo Phật giáo đạt đến Niết Bàn giải thoát hoặc được vãng sanh Cực Lạc, xin quý Thầy hoan hỷ cho chúng con được rõ Niết Bàn và Cực Lạc giống nhau hay khác nhau?
Đáp: Câu hỏi này khó, nó vượt khỏi khả năng của chúng tôi. Niết Bàn là một vị trí mà người tu chứng để đạt đến đó. Lời đầu tiên xin thưa là chúng tôi chưa về Cực Lạc cũng chưa chứng đắc Niết Bàn nên có gì sơ sót mong chư Tôn đức và quý vị cũng niệm tình cho. Chúng tôi sẽ nói theo kinh sách, theo hiểu biết do quá trình nghiên cứu.
Muốn phân biệt giữa Niết Bàn và Cực Lạc ta phải đi tìm hiểu như thế nào là Niết Bàn, như thế nào là Cực Lạc. Niết Bàn được đức Phật giới thiệu trong rất nhiều kinh từ hệ thống kinh điển nguyên thủy đến hệ thống kinh điển Đại thừa. Bộ kinh nổi tiếng nhất của Đại thừa nói về Niết Bàn gọi là Đại Bát Niết Bàn. Chúng tôi sẽ nói từ Phật giáo nguyên thủy là kinh Tứ Diệu Đế là bài pháp đầu tiên mà đức Phật Thích Ca đã thuyết cho năm anh em của Ngài Kiều Trần Như ở vườn Lộc Dã Uyển. Đức Phật chỉ ra hai cặp phạm trù của nhân quả, Ngài chỉ ra cuộc đời này là đau khổ, đau khổ này là đau khổ trên bản chất có nghĩa là bất kì một chúng sanh nào cũng chịu sự sanh diệt của sanh lão bệnh tử và bất kì ở trong pháp giới nào cũng chịu quy luật thành trụ hoại không. Trên bản chất tấ cả chúng sanh đều chịu sanh lão bệnh tử, đó là điều đương nhiên nhất là chúng sanh ở cõi Ta Bà hay còn gọi là cõi Sa Bà của chúng ta. Nên người nào nói đạo Phật là bi quan, đức Phật là yếm thế là không hiểu gì về Phật giáo. Đức Phật đang nói trên bản chất còn khổ hay không là do hiện tượng ở bên ngoài, do quá trình tu chứng, do nhận thức mà có khổ hay không. Người nào biết được cuộc đời này là đau khổ hiểu rõ trên bản chất người này lập tức bước ra khỏi sanh tử. Nếu một người nào cầm nắm của báu trong tay mà cảm giác đau khổ thì người này đã hiểu tính chất của đau khổ, thâm nhập được vào trong kinh tạng rồi. Đau khổ này không phải là khổ để mình nhận lấy mình bi quan, mà đau khổ này là hiểu đau khổ trên bản chất của nó. Khi mình sanh ra đã có nghiệp đầy trên đầu, trên vai và cả thân chúng ta. Ai cũng trải qua sanh lão bệnh tử, ưu bi khổ não. Đức Phật nói cuộc đời là khổ, cuộc đời khổ là do cái quả ngày hôm nay chúng ta phải gặt lấy. Đức Phật sẽ nói cái nhân tiếp theo, tại sao sanh ra đau khổ. Ngài nói là do ái dục sanh ra, nghĩa là do ham muốn, rồi mình muốn thụ lấy đó là trong chuỗi mười hai nhân duyên mà đức Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm. Vậy đức Phật nói trong cặp phạm trù thứ hai.Có khổ và nguyên nhân của đau khổ như vậy chúng ta phải có một tâm lý làm sao bứt ra khỏi đau khổ này vậy gọi là Diệt khổ. Tứ Diệu Đế bao gồm Khổ, Tập Diệt, Đạo như vậy chữ Diệt chữ thứ ba, diệt khổ tức là đắc Niết Bàn. Vậy thì Niết Bàn là diệt khổ. Trong kinh Tứ Đế, Niết Bàn có nghĩa là nơi không còn hiện diện của đau khổ. Mà tại sao chúng ta đau khổ? Tại vì chúng ta do ái dục mà sanh ra. Mà tại sao chúng ta có ái dục. Bới vì chúng ta có sanh diệt. Như vậy, Niết Bàn là nọi không còn đau khổ có nghĩa là nơi không còn sanh diệt nữa, mà sanh diệt nằm trong chuỗi mười hai nhân duyên vậy Niết Bàn cũng vắng bóng của mười hai nhân duyên, mà đau khổ là do chúng ta luân hồi vậy chấm dứt đau khổ là chấm dứt luân hồi. Trong Trưởng Lão Tăng kệ nói rằng Niết Bàn là nơi tận diệt của tham ái, là nơi buông xả của sân, là nơi xa lìa của si, chứng trạng thái tĩnh lặng hoàn toàn. Vậy đó là chữ Diệt trong Tứ Diệu Đế. Vậy con đường nào để đạt đến Niết Bàn đó? Đức Phật mới giới thiệu 37 phẩm trợ đạo đó là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần và bát chánh đạo. Quý vị nào muốn đạt đến Niết Bàn, quý vị niệm Phật rồi nghiên cứu 37 phẩm trợ đạo chọn một cái trạch pháp thất bồ đề phần để tu thì quý vị sẽ chứng đắc được Niết Bàn. Như vậy, từ hệ thống kinh điển nguyên thủy đến hệ thống kinh điển phát triển (Đại thừa) tóm lại Niết Bàn gần giống nhau là nơi dứt bóng của sự khổ đau, của sự sanh diệt, không còn luân hồi sanh tử. Niết Bàn là một trạng thái của tâm chứng chứ không phải là một cõi nào cả mà cái trạng thái tâm chứng này không còn khổ đau không có nghĩa là mình bỏ khổ mình sẽ chứng được Niết Bàn. Mình bỏ khổ là mình sẽ chứng được cái không khổ còn Niết Bàn nó lìa cả cái khổ và cái không khổ này. Ví dụ mình không có tiền mình khổ, người ta cho tiền mình mình vui đó là Niết Bàn sao, không phải đâu. Như vậy, cái ngược lại cái khổ này cũng không phải là Niết Bàn, đừng có lầm tưởng. Cái thoả mãn được ham muốn người ta gọi đó là hạnh phúc của sự nắm giữ, hạnh phúc của sự nắm giữ này nó không bền chắc, có rồi nó sẽ mất như vậy không gọi là Niết Bàn được. Vì theo hồi nãy ta lý luận Niết Bàn là không sanh không diệt, cái hạnh phúc của sự thỏa mãn này là hạnh phúc trong sanh diệt. Niết Bàn lìa cả bên đây, lìa cả bên kia, vô vi tịch tịnh mới gọi là Niết Bàn. Vậy thì Niết Bàn lìa cả ngôn ngữ, lìa cả khái niệm. Nên có vị Thiền sư ngồi thiền, một người đi ngang hỏi Ngài ngồi thiền Ngài suy nghĩ cái gì, vị Thiền sư mới trả lời là tôi suy nghĩ những điều không thể suy nghĩ. Niết Bàn cũng vậy, Niết Bàn mà để chúng ta đo lường bằng cái tâm của chúng ta thì không đo lường được đâu tại đây là chân lý còn mình đo lường là dùng khái niệm, cái gì mà qua tâm là qua khái niệm mà qua khái niệm thì qua chủ quan của ta còn sanh diệt, còn ưu bi, còn khổ não, còn sanh tử luân hồi. Nên thiền nguyên thủy người ta nói là có sao để vậy có nghĩa là các pháp y như nó là. Đừng có động một niệm nào vào ở trong đó hết. Quý vị hình dung ra Niết Bàn là một trạng thái của tâm thức, là trạng thái của tâm chứng, nó lìa năng lìa sở, lìa ta lìa người. Nên Ngài Duy Ma Cật khi nói về Niết Bàn, ngài đóng cửa cái rầm không nói. Và đức Phật nhiều lần từ chối không giải thích về Niết Bàn vì ngôn ngữ của thế gian chúng ta không thể diễn tả được. Niết Bàn chưa có khái niệm, phi cả khái niệm mà dùng ngôn ngữ là dùng sau cả những khái niệm. Nên Thầy chỉ một cách cụ thể Niết Bàn là như thế nào thì không thể chỉ được, là đo những cái trong kinh nói như vậy do Thầy chưa chứng và Niết Bàn cũng không thể nói. Ta biết là Niết Bàn chấm dứt mọi đau khổ sanh tử luân hồi, nhân duyên và Niết Bàn cũng không có Tứ Đế trong đó luôn. Theo hệ thống Đại thừa nói Niết Bàn là trí tuệ Bát Nhã. Tổng hợp 600 bộ kinh Ngài Huyền Trang đem về, kinh Bát Nhã nói là Niết Bàn là nơi không sanh không giảm không sinh không diệt không dơ không sạch bất cấu bất tịnh là nơi không còn đối đãi mà có đối đãi là có đau khổ, không còn đối dãi là tận diệt đau khổ đó chính là Niết Bàn của Phật giáo phát triển. Như vậy, Niết Bàn trong hệ thống Phật giáo phát triển và hệ thống Phật giáo nguyên thủy giống nhau nhưng mà cách nói, lập luận khác nhau.
Về Cực Lạc chắc có lẽ câu hỏi đề cập đến cõi Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Có rất nhiều cõi Cực Lạc. Thế giới Đông phương cũng là Cực Lạc, có mười phương thế giới chư Phật gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ là nơi an lạc đến mức độ cao nhất gọi là Cực Lạc. Chắc có lẽ quý vị đang nói đến cõi phàm Thánh đồng tu Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà. Cực Lạc là một quốc độ chứ không phải là một trạng thái. Quốc độ này do nguyện lực của đức Phật A Di Đà lập ra. Và ai đã đi đến đó rồi kể lại cho chúng ta? Thứ nhất là đức Phật Thích Ca, Ngài đã biết bằng cái nhìn trong lòng bàn tay của Ngài vì Ngài đã đại giác, giác ngộ hoàn toàn. Còn theo chúng tôi được biết những người sau này được về cõi ấy có ba người, đây chỉ là tài liệu bây giờ và sách ngày nay có nghĩa là do các vị tu chứng sau này đã ghi lại và dựa trên thực tế, chứ không phải là trong kinh điển đâu. Thứ nhất là Hoà thượng Hư Vân của Trung Quốc, thứ hai là Thiền sư Khoan Tịnh ở Đài Loan và thứ ba là người Việt Nam người ta gọi là chú Ba ở dưới An Giang. Hoà thượng Hư Vân là một hoà thượng thời cận đại, là một cao Tăng rất là nổi tiếng ở bên Trung Quốc. Một lần, Ngài nhập vào trong định đi về cõi Cực Lạc và Ngài đã viết điều này trên quyển tên là “Đường Mây Trên Đất Hoa”. Còn Thiền sư Khoan Tịnh vào động Di Lặc được Bồ Tát Quán Thế Âm dẫn đến viếng thăm cõi Tây phương Cực Lạc, rồi Ngài mới ghi lại trong “Tây Phương Du Kí”. Và chú Ba ở An Giang, chú đã tu trên 40 năm, tu một ngày sáu thời niệm Phật và ngồi thiền, chú ăn ngọ và ăn chay trường. Chú đã được Bồ Tát Quán Thế Âm báo trước là ba ngày sau sẽ rước chú về cõi Cực Lạc để thăm viếng. Chú chưa tin vào điều đó và những ngày sau chú cũng được báo y như vậy thì chú mới khởi tâm tin. Chú bèn mời mấy vị tu chung về hộ niệm và một người y sĩ ở gần địa phương tuần mạch cho chú. Đúng 11 giờ thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ rước, trước đó mạch chú yếu dần, điện tâm đồ nhỏ nhỏ dần cho tới khi tim chú ngừng đập, nếu bình thường khoa học gọi là chết lâm sàng nhưng ở đây là được báo trước nên gia đình không sợ. Và tất cả mọi người xung quanh mới chấp tay niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Lúc đó, Ngài Quán Âm dẫn thần thức của chú đi. Chú lên trên, chú về tả lại cõi Tây phương Cực Lạc có ao bát bửu, có chín phẩm hoa sen và là một nơi rực rỡ, mát mẻ trong lành đẹp y như được tả ở trong kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà không sai gì hết. Một điều rất mầu nhiệm là mỗi khi ở dưới này niệm Phật thì chú ở trên chú nghe rõ từng người niệm một. Trong kinh A Di Đà nói là cách 10 muôi cõi ức Phật, xa vậy mà ở trên đó đều nghe. Cái này là trường không gian của tâm linh, xa cũng như là gần. Bây giờ, ta nhớ một người ở bên Tây thì người ta vẫn nhớ mình. Cái trường tâm linh vừa nhớ là người ta bắt được cái sóng đó. Vậy là chú về chú nói cách niệm từng người, hỏi lại thì đúng vậy. Trên đó có những cái hoa sen, hoa thì đang nở, có hoa thì héo và lại có những bông hoa phát hào quang, chú thấy vậy mới thắc mắc. Và chú được nghe đức Phật A Di Đà giải thích là khi chúng ta tín, nguyện rồi tu nguyện cầu về Tây phương Cực Lạc thì ở trên đó mới nở bông hoa sen gọi là hoa sen hoá sanh, nếu chúng ta tinh tấn tu hành thì hoa sen càng ngày càng lớn và càng ngày càng sáng, tu một thời gian rồi không tu nữa thì hoa sen sẽ bị rũ xuống, bắt đầu tu lại thì hoa sen nó sẽ lại sáng lên. Như vậy là trong quá trình tu ở dưới này như thế nào thì biểu hiện qua hoa sen ở trên đó y như vậy. Chúng ta tóm lại, cảnh Tây phương Cực Lạc là quốc độ mà trong kinh Pháp Hoa gọi là hoá thành có nghĩa là nơi mà chúng ta dừng chân để có thể tu tiếp. Nên Tây phương Cực Lạc có nơi thấp nhất là hạ phẩm hạ sanh là nơi đới nghiệp vãng sanh có nghĩa là còn nghiệp được vãng sanh không phải là Niết Bàn nhưng những người tu ở Tây phương Cực Lạc cũng chứng đắc Niết Bàn ở tại đó. Trong kinh sách của hệ thống Phật giáo nguyên thuỷ, Niết Bàn có hai loại là Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn. Hữu Dư Niết Bàn có nghĩa là mình chứng đắc cảnh giới của tâm không còn một chút nhỏ nhoi nào của đau khổ, diệt trừ được tất cả kiết sử và triền cái đắc trong cái thân ngũ uẩn này. Đức Phật, các vị A La Hán, Bồ Tát và các vị ngày hôm nay nếu vị nào đắc quả A La Hán trở lên thì đạt được trạng thái của tâm đó gọi là Niết Bàn mà còn thân ngũ uẩn, còn cái thân của tứ đại đất nước gió lửa mà trong tâm đã đắc được Niết Bàn gọi là Hữu Dư Niết Bàn. Khi chúng ta hết duyên, bỏ lại cái thân trong thế gian này mà đắc vào trong trạng thái của tâm thức đó gọi là Vô Dư Niết Bàn. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có kể lại rằng đức Phật trước khi nhập Niết Bàn, Ngài nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, xuất phi phi tưởng xứ trở về vô sở hữu xứ ngược lại dần tới tứ thiền, tam thiền, nhị thiền, sơ thiền rồi quay trở lại nhị thiền, tam thiền rồi đức Phật mới nhập Niết Bàn. Ngài đã xuất ra vào các tầng thiền định trước khi nhập Niết Bàn. Cuộc đời đức Phật có khẩu giáo và thân giáo. Cuối cùng đức Phật đã dùng thân giáo nhập xuất ra vào các tầng thiền định để nói cho chúng sanh, những người tu theo đạo Phật biết rằng nếu mình tu đạo Phật mà có tâm tán loạn, tán loạn tức là không có thiền định thì chúng ta không đắc được gì đâu. Nên chúng ta niệm Phật mà tâm chúng ta không tán loạn có nghĩa là tâm chúng ta đang rơi vào trạng thái thiền định là sự tĩnh lặng của nội tâm. Thiền định chứ không phải Thiền tông, Thiền tông là một tông phái tu hành còn thiền định là sở chứng, là cái mà chúng ta hướng tới để diệt trừ vô minh. Như vậy chúng ta niệm Phật cũng đi đến thiền định được. Người chửi mình mình không giận, người ta khen mình mình cũng không vui, tâm của chúng ta như cục kim cương, mà kim cương có rơi vào ngục lửa thì cũng không cháy, kim cương rất cứng và ở chỗ nào cũng chiếu sáng cả đây là ẩn dụ cho tâm của người tu. Chúng ta niệm Phật mà chúng ta không bị động tâm, không bị loạn tâm, chúng ta vẫn một lòng chí thành, chí kính với Tam Bảo thì chúng ta đang niệm Phật với tâm thiền định. Chúng ta tập từ từ xuất nhập vào ra các tầng thiền đó, chúng ta sẽ đạt được trạng thái Niết Bàn. Ở Tây phương Cực Lạc, những người tu vẫn đạt được trạng thái Niết Bàn. Những người ở cõi Đông phương và những người ở cõi Nam Thiện Bộ Châu chúng ta vẫn đạt được trạng thái Niết Bàn.
Vậy Niết Bàn với Tây phương Cực Lạc là khác nhau, Niết Bàn là trạng thái còn Tây phương Cực Lạc là một quốc độ, là một hoá thành mình đến đó mình tu để đi đến quả vị Phật giác ngộ hoàn toàn, nơi đó nhờ thần lực của chư Phật, chư Bồ Tát hộ cho mình tiếp tục trên bước đường tu. Chứ không có nghĩa về Tây phương Cực Lạc mà đắc được Niết Bàn, có những người về Tây phương Cực Lạc đắc được Niết Bàn và có những người về Tây phương Cực Lạc chưa đắc được Niết Bàn. Nếu chúng ta còn đới nghiệp vãng sanh thì chưa đắc được Niết Bàn, còn các vị Bồ Tát được sanh nơi thượng phẩm thượng sanh, trung phẩm thượng sanh các vị đó có khả năng đã đắc được Niết Bàn mà vẫn về đó để hoàn thành cái viên mãn cuối cùng ở nơi đó. Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Như Đại đức giảng sư vừa trình bày, Niết Bàn và cõi Tây phương có sự khác nhau, quý vị Phật tử có nhiều người thắc mắc là vậy theo Thầy chúng con nên về cái nào?
Niết Bàn và cõi Tây phương Cực Lạc có khác nhau. Nếu chúng ta tu kiếp này có khả năng bứt phá mọi sự đau khổ chứng đắc được Niết Bàn thì chúng ta nên chứng đắc Niết Bàn trong kiếp này còn nếu chúng ta không làm được điều đó thì chúng ta nên cầu về cõi Tây phương Cực Lạc. A Di Đà Phật.
Câu hỏi 3: Kính bạch quý Thầy, cha con năm nay 88 tuổi, mẹ con 89 tuổi, cha mẹ con vẫn còn minh mẫn, sáng suốt có năm đứa con hai trai ba gái. Ngày mà cha mẹ con qua đời, con xin Thầy cho lời khuyên có nên nhận tiền phúng điếu hay không? Và việc làm đám chay sau có lợi và hại như thế nào để cho anh em con được rõ. Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy.
Đáp: Nam Mô A Di Đà Phật.
Vấn đề thứ nhất là có nên nhận tiền phúng điều hay không. Chúng tôi nói là nên. Vì như thế này, về mặt thế gian pháp thì một người hữu sự thì các người khác gom tiền lại để giúp người đó làm đám trong gia đình và kì sau mình trả lại giống như mình đi mượn rồi mình trả lại. Nếu chúng ta không nhận thì người khác rất là áy náy khi đi đám và lần sau người khác có tổ chức mà mình đi phúng điếu người ta thì họ đâu có dám nhận trong khi có thể họ rất là túng thiếu. Vậy mình nên nhận để chúng ta giải quyết được chuyện thế gian. Nhưng đối với một người Phật tử, khi mình nhận mình phải làm như thế nào? Chúng tôi sẽ đưa ra hai trường hợp, chúng tôi không có giải thích. Trường hợp thứ nhất là cụ Nguyễn Vĩnh Nghiệp nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh sau này là trưởng Ban Từ Thiện Xã Hội, sau khi cụ mất cụ có di chúc lại rằng tất cả tiền phúng điếu sẽ được tặng lại cho các cơ quan từ thiện xã hội, đám có được 600 triệu tiền phúng điếu thì số tiền này đã được trao tận tay cho các cơ quan từ thiện. Trường hợp thứ hai là một cô Phật tử ở chùa Hoằng Pháp, khi ba của người này mất, cô định là không nhận tiền phúng điếu nhưng quý Thầy trong chùa khuyên là cô nên nhận thì tiền phúng điếu của đám là được 36 triệu, gia đình đem số tiền này lên Đà Lạt để giúp các người nghèo ở đó. Xét về mặt thế gian mình giải quyết được mặt thế gian, xét về mặt nhân quả của nhà Phật tiền phúng điếu đó mình đem làm lợi ích thì chúng sanh được lợi và gia chủ cùng những người gom tiền lại, Thầy hướng dẫn đều được phước mà người nhận cũng được hưởng lợi ích. Một động tác mà làm rất nhiều cái lợi, vậy ta nên làm hay không? Như vậy, quý vị nên nhận tiền phúng điếu nhưng mà cách mình sử dụng nó như thế nào mới là quan trọng.
Vấn đề thứ hai là làm tiệc chay. Theo quan điểm của nhà Phật thì nên tại vì nếu chúng ta làm tiệc mặn thì chúng ta sát sanh quá nhiều. Ở dưới quê có thể một đám mà sát sanh 5-10 con heo. Chúng ta phải suy ngẫm về nhân quả, mình làm một nhân gì thì nó sẽ cho ra quả. Mà mình sát sanh hại vật chứ không phải là người mất nhưng người mất theo phước thì hưởng một phần trong bảy phần nếu người sống vì người mất làm đều thiện thì có lẽ tội cũng được hưởng tương đương. Như vậy, quý vị Phật tử mới thấy được rằng không nên làm tiệc mặn để tránh nhân quả, tránh những ân oán về sau, nếu ta giết con vật thì nó sẽ oán chúng ta nó đeo theo ta để trả oán. Bằng chứng ở trong kinh sách, Từ Bi Thủy Sám Pháp, Ngộ Đạt Thiền sư giết Triệu Thố mười một kiếp trước, oan hồn luôn đi theo ông để báo oán, đến mười một kiếp sau sinh ra cái mụt trên chân của Ngộ Đạt Thiền sư rất là đau đớn, mụt đó gọi là mụt ung thư nên ung thư có tâm linh là ở chỗ đó, chữa không được. Mình làm người ta đau khổ như thế nào thì người ta làm mình lại đau khổ như thế ấy. Lý do thứ hai để không làm tiệc mặn là phát triển lòng từ bi của nhà Phật. Con mọt nhỏ xíu như vậy rớt ở dưới đất mà đức Phật còn cầm lên bỏ trong ống tre để nuôi. Nên khi chúng ta tha được thì cứ tha còn trường hợp bất đắc dĩ như làm ruộng phải xịt sâu nhưng nhân quả vẫn là nhân quả, ta vẫn phải bị tội làm chúng sanh đau khổ. Do vậy tránh được điều gì mình cứ tránh đó là lòng từ bi của nhà Phật còn không tránh được vì chén cơm manh áo vì cuộc sống thì mới phạm. Nên làm tiệc chay cúng cho người mất hoặc là đãi ăn như vậy để tránh nghiệp sát, tránh ân oán, làm nhẹ nhàng tâm linh để hướng tâm về Phật pháp. Nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta bố thí, cúng dường, khai thị cho vong linh. Như vậy cần thiết làm chay và nhận tiền phúng điếu để đi làm phước. A Di Đà Phật.
Câu hỏi 4: Kính bạch quý Giảng sư, anh trai của con năm nay 25 tuổi vừa mới mất được một tháng, anh ấy mất vì nghiện ma tuý. Ba của con vì thương anh ấy quá nên đem thiêu và sau đó đem luôn cốt về nhà để trên bàn thờ anh ấy ở trong nhà, được một tuần thì ba của con xây một cái tháp cốt ở trước sân và để hũ cốt vào trong đó thắp nhang cúng mỗi ngày. Bạn con nói như vậy là không nên vì anh ấy còn trẻ chưa lập gia đình thì không nên thờ ở trong nhà mà nên để vào trong chùa, nhất là chưa đủ 49 ngày thì nguy hiểm lắm. Nhưng ba của con không nghe và nói bạn ấy đừng can thiệp vào chuyện của gia đình con. Như vậy trong trường hợp này con phải làm như thế nào? Việc ba của con làm có đúng không? Xin quý Thầy hoan hỷ chỉ dạy.
Đáp: Thứ nhất về mặt thế gian, người cha lo cho con vậy hoàn toàn đúng không có gì sai, như vậy tròn bổn phận của người cha đối với con. Nhưng về mặt Phật pháp, chúng ta nói anh con trai này chết vì nghiện ma tuý là cái nghiệp tệ nạn xã hội như vậy anh này chết bởi nghiệp ác. Tại ma tuý làm đau khổ những người xung quanh chí ít là gia đình của mình, làm đau khổ chính bản thân mình và làm hao phí tiền bạc của gia đình và xã hội dẫn đến các tệ nạn xã hội trộm cướp.v.v. Muốn cứu anh ta để khỏi nghiệp bất thiện đó thì việc mình thờ cúng tại nhà như vậy không giải quyết được vấn đề gì. Cái thứ nhất là anh chưa có gia đình nếu thờ cúng như vậy thì những đời sau có thể sẽ không ai biết đến anh ta nữa tại do chưa có gia đình sẽ không có con cháu tưởng nhớ sau này, nhiều khi bị bỏ lãng hoặc đổ xuống sông. Cách tốt nhất không có con cái thì gửi vô chùa để còn có quý Thầy hương khói chứ để ở nhà các đời khác không biết rồi bỏ cũng tội. Đó là giải quyết về mặt thế gian. Còn về mặt Phật pháp, những người mà chết do nghiệp ác như vậy nên quy y vong, đưa vô chùa sớm chiều nghe kinh, nghe kệ biết đâu được cải hoá tâm và phát tâm Bồ Đề mà tu theo Phật pháp thì sẽ được sự giác ngộ sau này.
Vấn đề thứ hai là đối với Phật tử phải làm cách nào để khuyên ba của mình. Phật tử nên cố gắng đem băng đĩa Phật pháp cho ba nghe, giúp ba hiểu được về Phật pháp. Nói là ba xử lý trường hợp này theo pháp thế gian là đúng rồi nhưng mà đối với Phật pháp thì chưa có rốt ráo, cần làm như thế nào đó mà lưỡng lợi cả hai bên vừa thế gian cho tốt có nghĩa là đem vào chùa để tránh phiền con cháu về sau, thứ hai nữa là chúng ta tổ chức quy y vong và bố thí cúng dường, nhà phải cầu giống như tinh thần của kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư thì nó sẽ được lợi ích cả đôi bên. Như vậy, nó sẽ tốt hơn là để ở nhà chúng ta buồn khổ rồi chúng ta sinh ra tâm ái nhiễm, luyến ái đối với cái vong đó thì cái vong đó cũng không tốt. Quý vị thấy không trước khi cận tử nghiệp mà mình ái mình sẽ sanh theo tâm ái đó. Tốt nhất nên gửi cốt của anh này vào trong chùa để quen với môi trường của quý Thầy, môi trường kinh kệ thì nhiều khi tâm linh sẽ được chuyển hoá thành tâm khác, từ tâm ác nghiệp đó sẽ được chuyển hoá thành tâm Bồ Đề là tâm giải thoát giác ngộ hướng về tương lai. Nam Mô A Di Đà Phật.

Lời nhận định của Thượng tọa Thích Chân Tính:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Đại đức Giảng sư, kích bạch chư Tôn đức Tăng Ni, kính thưa toàn thể quý Phật Tử. Trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kì này, chúng ta đã được nghe Đại đức Thích Trí Huệ chia sẻ những kinh nghiệm tu học của mình qua những thắc mắc của các Phật tử đã gửi về cho Ban Tổ Chức. Trong đó, có tất cả bốn câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất nói về trùng tang liên táng, câu hỏi thứ hai thì nói về Niết Bàn và Cực Lạc, câu hỏi thứ ba nói về vấn đề phúng điếu, câu hỏi thứ tư nói về người chết còn trẻ nên để ở nhà hay thờ ở chùa. Qua bốn câu hỏi này, Đại đức Giảng sư đã trình bày rất là rõ ràng cụ thể, chúng tôi cũng xin được góp thêm theo chủ quan của mình.
Câu hỏi thứ nhất quý vị nói về trùng tang có lẽ nhiều vị suy nghĩ rằng trùng tang nghĩa là trong gia đình của mình có người chết, người chết đó lại về bắt người thân trong gia đình phải chết nữa, chết liên tiếp như vậy quý vị sẽ cho đó là trùng tang. Vậy thì vấn đề trùng tang được Đại đức Giảng sư trình bày rất rõ rồi còn nếu quý vị suy nghĩ như thế thì hoàn toàn là không đúng. Nói một cách nào đó đã là người thân của chúng ta thì họ không thể nào có cái tâm đi về bắt người thân của mình chết theo, đó là điều không thể có. Vấn đề kế nữa, người học Phật chúng ta phải hiểu sống chết có mạng và nói chung ra mỗi người đều có một cái nghiệp. Có sinh phải có diệt. Ví dụ như một trận động đất thì cả gia đình chết hết như vậy có gọi là trùng tang không? Vấn đề chết thì mỗi người đều có cái nghiệp riêng, có những trận động đất bao nhiêu người chết như vậy nhưng vẫn có người sống sót. Như vậy, mỗi người đều có số mạng. Cho nên, người Phật tử chúng ta chết sống là nghiệp của cá nhân không ảnh hưởng đến gia đình, không lo người nào bắt mình hết đó và mình phải tin tưởng vào nhân quả nghiệp báo. Do vậy mà chúng ta không nên hoang mang, lo lắng về vấn đề trùng tang. Mình là người Phật tử phải có chánh tín ở chỗ đó.  Mình không phải mất công đi hỏi thầy này thầy kia làm gì cho cực. Như vừa nãy, Đại đức cũng đưa ra cái phương pháp an tâm cho quý vị. Nhưng theo chúng tôi nghĩ mình là Phật tử chánh tín mình hiểu như vậy thì không có gì mà mình phải lo. Chết sống đó là cái chuyện tự nhiên, không chết trước thì cũng chết sau, không ai tránh khỏi.
Câu hỏi thứ hai nói về Niết Bàn và Cực Lạc, Đại đức cũng đã nói rất là rõ. Niết Bàn chỉ cho cái sự vắng bóng của vô minh, phiền não và khổ đau. Chúng tôi nghĩ rằng nếu nói về lý thì Cực Lạc có nghĩa là rất vui muốn được rất vui thì phải vắng bóng khổ đau mà muốn vắng bóng khổ đau phải vắng bóng phiền não, muốn vắng bóng phiền não thì phải vắng bóng vô mình. Như vậy thì nếu nói về lý thì Cực Lạc và Niết Bàn không khác. Nhưng mà ở đây chúng ta nói qua về sự thì Cực Lạc là một quốc độ để chúng ta làm phương tiện tu tập đạt đến Niết Bàn. Nói về sự như vậy, chúng ta sẽ thấy Cực Lạc với Niết Bàn là hai nhưng mà về phương diện lý thì Cực Lạc và Niết Bàn thì cũng chỉ là một. Vừa nãy quý vị thắc mắc là chúng ta muốn Niết Bàn hay Cực Lạc. Nếu chúng ta có khả năng tu tập làm chủ sinh tử đạt được Niết Bàn thì chúng ta nên tu tập tại đây, còn nếu mà mình thấy không đủ khả năng thì về Cực Lạc để mình đạt tới Niết Bàn, cảnh giới ở đó sẽ thuận lợi hơn.
Câu hỏi thứ ba nói về vấn đề phúng điếu, Đại đức cũng đã trình bày nếu mình thấy điều đó cần thiết thì mình nên làm để lấy cái việc đó mình làm được những công việc từ thiện tốt đẹp lợi ích cho nhiều người. Theo chúng tôi nghĩ phong tục của người Việt Nam ta vấn đề chết làm đám quá rờm rà. Nếu chúng ta tiến bộ hơn chút nữa thì chết đi chôn hay thiêu liền. Làm như vậy đỡ tốn mất thời gian và đỡ tổn phí nhiều. Có nhiều người coi ngày coi giờ rồi để năm bảy ngày thì điều này nó làm mất thời giờ, tổn hại về tiền bạc rất là nhiều. Chúng tôi thấy ở bên Ấn Độ, chết buổi sáng buổi chiều người ta đã đem đi thiêu, xong rồi người ta đổ xuống sông luôn. Cát bụi trở về cát bụi. Ngay như bây giờ trong chùa chúng tôi cũng đưa ra điều kiện những vị nào vào chùa chết liệm xong đem đi chôn liền không để làm đám.
Câu hỏi thứ tư về người chết do nghiện ma tuý nên thờ ở nhà hay ở chùa, nhưng mà theo chúng tôi nghĩ đó là tuỳ theo quan điểm của mỗi người. Theo chúng tôi nghĩ tốt nhất nên đem tro cốt đó rải xuống biển chứ nếu đem vào trong chùa hoặc là chôn ở đâu đó thì như chúng tôi thấy cái nghĩa trang ở chùa tới đời cháu là đã không thấy ai đến thăm nữa rồi chứ đừng nói đến đời của chắt. Như vậy thì cái thân chúng ta là cát bụi trở về với cát bụi thảy nó xuống sông cho xong khỏi phải mất công đi thăm nom gì hết, nhưng mà cũng chẳng có cái gì để thăm nom, cái quan trọng của người sống và người chết là phần tinh thần, làm sao để cho họ siêu thoát mới là chính còn cái xác không là cái gì hết.
Qua bốn câu hỏi, thoe chúng tôi nghĩ Đại đức Giảng sư đã trả lời rõ ràng cụ thể rồi, chúng tôi chỉ nói thêm một chút ý kiến. Trước khi dứt lời, tôi xin thay mặt Ban Tổ Chức thành kính tri ân Đại đức Giảng sư đã hoan hỷ nhận lời mời về đây để giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề tu học của các Phật tử và kính chúc Đại đức thanh tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Kính chúc toàn thể quý Phật tử và gia quyến luôn được an vui, hạnh phúc vạn sự kiết tường.
Nam Mô A Di Đà Phật. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Y Thần Chú

Hình Ảnh Hồng Danh Của 88 Vị Phật Trong Sám Hối Văn