Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Câu chuyện của hi vọng


Câu chuyện của hi vọng

Đúng là họ đã chết. Nhưng ở Nhật Bản, chúng tôi có truyền thống săn sóc người chết với tất cả sự tôn trọng như thể họ vẫn còn sống. Đó cũng là một cách để an ủi người sống



Trong nhà xác tạm thời tại thành phố Kamaishi, nỗi đau của Fumie Ara được xoa dịu khi cô nhìn thấy khuôn mặt của mẹ mình đã được lau rửa cẩn thận trên thi thể còn lấm lem bùn đất. Lúc đó Arai không hề biết rằng mẹ cô đã được chăm sóc bởi một đạo tỳ đã nghỉ hưu. Ông tên Atsushi Chiba, người rất thông thạo các nghi lễ Phật giáo cổ xưa dành cho người chết trước khi tiễn họ đi hỏa thiêu và chôn cất. Bằng việc chăm sóc cho gần 1000 thi thể nạn nhânông đã trở thành hình tượng điển hình của một cộng đồng đang cố gắng chữa lành các vết thương một năm sau khi trận động đất sóng thần tàn phá vùng bờ biển Đông bắc Nhật Bản.

“Tôi rất sợ khi phải tìm ra mẹ tôi, lăn lóc trên nền đất lạnh giữa các thi thể xa lạ khác ",  cô Arai,  36 tuổi, cho biết. " Nhưng khi tôi nhìn thấy khuôn mặt sạch sẽ, an bình của mẹ, tôi biết đã có ai đó đã chăm sóc thi thể của mẹ trước khi tôi đến. Điều đó đã an ủi tôi. "

Nhật Bản đánh dấu một năm kể từ khi trận động đất và sóng thần cướp đi gần 20.000 nhân mạng và  những câu chuyện như vầy đang được kể lại như những chứng tích, đánh thức niềm hy vọng, ngay cả khi nước Nhật được dự đoán phải cần một nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ để xây dựng lại các khu vực đã bị tàn phá.

Sóng thần đổ bộ vào một tuyến phố ở thành phố Miyako, Iwate.

Câu chuyện về Chiba đã được bất tử hóa trong một cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật với hơn 40.000 bản in bán ra trong 11 lần tái bản. Kota Ishii,  tác giả quyển sách, đã trải qua ba tháng tại Kamaishi sau khi xảy ra thảm họa, xác nhận: "Đối diện với những thi thể là điều đáng sợ nhất trong bất kỳ thảm họa nào, và ít người muốn nhớ đến". Tác giả kết luận “Ý nghĩa tận cùng câu chuyện về ông Chiba là : một hành vi tốt, cho dù nhỏ bé cũng có thể mang lại những lợi ích nhân đạo, ngay cả trong thảm kịch ngoài sức tưởng tượng này”

Những cơn sóng thần có chiều cao hơn 9m ập vào thành phố Kamaishi ngay sau trận động đất 9, 0 độ richter ngày 11 tháng 3, 2011. Tuy nó không làm hư hại được bức tượng Bạch Y Quán Thế Âm Bồ tát, được đặt trên ngọn đồi của thành phố hướng ra biển lớn, nhưng đã xóa sổ các khu vực sầm uất, nơi có những quán bar và nhà hàng mà ngư dân thường xuyên lui tới. Ngay sau khi dòng nước đen rút đi, đội cứu hộ tìm vào những đường phố bị tàn phá. Đội bắt đầu kéo những thi thể từ đống đổ nát ra ngoài, chất lên xe tải tới một trường trung học nơi đã may mắn không bị thiệt hại . Phòng tập thể dục nhà trường nhanh chóng trở thành một nhà xác lớn. Ông Chiba, đã hơn 70 tuổi, người may mắn thoát chết, sau cơn sóng thần đã chạy ngay đến để tìm bạn bè và gia đình. Tại đây ông bị chôn chân trước một núi xác chết, hầu hết trong tình trạng bị quấn chặt trong các bộ quần áo đầy bùn đất, hay bao nylon. Tay chân cứng nhắc của họ thò ra ngoài, còn các khuôn mặt bầm tím do va đập thì méo mó trong sự đau đớn tột cùng.

"Tôi nghĩ nếu cứ để họ như vầy,  khi gia đình đến nhìn thấy, chắc sẽ đau lòng lắm”, ông Chiba cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Đúng là họ đã chết. Nhưng ở Nhật Bản,  chúng tôi có truyền thống săn sóc người chết với tất cả sự tôn trọng như thể họ vẫn còn sống. Đó cũng là một cách để an ủi người sống." Ông Chiba quyết định ở lại nhà xác làm việc. Khi lau rửa các thi thể đang chờ người nhà đến nhận diện, rồi sau đó được đưa đi hỏa táng, ông nói với họ: " Tôi hiểu Người rất lạnh và cô đơn,  nhưng gia đình sắp đến rồi, Người nên suy nghĩ về những điều Người sẽ dặn lại gia đình khi họ tới đây". Ông cũng chỉ cho nhân viên đang làm việc tại nhà xác cách làm mềm các tứ chi đã cứng đờ của người chết. Đó là bằng cách ngồi xuống nhẹ nhàng massage đầu gối cho họ, cách này sẽ giúp họ trông bớt đau đớn.

Những nỗ lực của ông Chiba nhanh chóng được công nhận. Các nhân viên cùng nhau ghép những bàn học cũ lại làm một bàn thờ Phật. Họ đặt tử thi của các cặp vợ chồng và các thành viên trong gia đình gần với nhau. Sau khi săn sóc xong một thi thể, họ lại xếp hàng cúi đầu chào để tỏ lòng tôn kính đối với người đã chết. Ông Chiba, cũng kêu gọi sự giúp đỡ của những lò thiêu tại Akita, cách xa hơn 100 dặm. Việc này để trợ giúp Kamaishi trong việc hỏa thiêu xác chết theo đúng phong tục Nhật Bản.

888 người trên tổng số 40.000 cư dân của Kamaishi được xác nhận là đã chết, 158 người mất tích tuy nhiên không loại trừ khả năng họ cũng đã chết. Thảm họa là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế vốn yếu ớt của thành phố này nơi từng có ngành công nghiệp thép phát triển mạnh trong những năm 1960-1970..Sóng thần đã nhấn chìm phân nữa diện tích thành phố trong bùn rác. Và một năm sau đó, các con đường trong khu này vẫn còn được lót bằng gạch vụn từ các tòa nhà, hoặc vẫn còn là những mảnh đất trống hoang tàn.

Buổi lễ tưởng niệm đầu tiên được tổ chức sau một năm thảm họa với sự có mặt của tu sĩ Enou Shibasaki,  đến từ tu viện Senjiu. Ông đã vinh danh nghĩa cử cao đẹp góp phần nâng đỡ tinh thần người dân của ông Chiba. Tu sĩ nhớ lại không khí nhà xác tạm đã thay đổi hoàn toàn từ khi ông Chiba và các cộng sự bắt tay vào việc săn sóc thi thể nạn nhân. Ông nhận định: "Cho dù bạn là người có tôn giáo hay không, tang chế  cho người chết là một nhu cầu cơ bản. Tang chế bắt đầu bằng việc lau rửa, săn sóc thi thể người chết .Vì đó là lần cuối cùng bạn nhìn thấy người thân, và bạn muốn ghi nhớ về họ vẫn đẹp như khi họ còn sống."

Nguyên Phước ( lược dịch từ nytimes.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...