Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Hoa Thơm Cỏ Lạ


HOA THƠM CỎ LẠ

Giác Ngộ sưu tầm


Mắt trông thấy sắc rồi thôi,

Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không.

Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng,

Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.

***



Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì,

hãy nhìn cuộc sống của mình hiện tại.

Muốn biết kiếp sau mình sẽ ra sao, 

hãy nhìn việc mình đang làm hiện tại.


***



Sở dĩ người này khác người kia

về phương diện này hay phương diện nọ,

bởi vì mỗi người tạo tác nghiệp nhân khác nhau,

cho nên nhận nghiệp quả khác nhau.

Cũng như người làm bánh thì ăn bánh, 

người nấu chè thì ăn chè.

Chính mình làm mình hưởng.

Chính mình làm mình chịu.

Đó mới thực là chí công vô tư vậy.


***



Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động.

Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màng lưới.

Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên,

Nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm.

Hãy như hải đảo sừng sững trước mọi phong ba bão táp.

Hãy vững bước một mình như con tê giác.


***



Cũng như trên đất chúng ta có thể vứt bất luận vật gì,

dù thơm dù hôi, dù sạch dù dơ, đất vẫn thản nhiên,

một mực trơ trơ, không thương cũng không giận.

Cũng như thế, trong hạnh phúc, trong phiền não,

Lúc thăng lúc trầm, hãy luôn luôn giữ tâm bình thản.

***

Không nên tin ngay tất cả những gì người xưa nói,

tất cả những gì người có thế lực đạo cũng như đời nói,

tất cả những gì người bề trên nói,

tất cả những gì có nhiều người tin theo,

có ghi trong sách vở.

Chỉ nên tin những gì có thể kiểm nghiệm được,

đúng với chân lý, đúng với lẽ thực,

thông qua trí tuệ sáng suốt,

thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người.




***


Tâm của con người cũng như thân của con người,

không phải bất biến, không phải vĩnh cửu,

không phải cố định,

mà chỉ là một dòng năng lực chuyển biến không ngừng,

tùy duyên mà có, tùy duyên mà thành,

và cũng tùy duyên mà diệt.

***

Khi tới ngã ba đường,

nếu thấy cái cây đầy trái chín mọng,

không ai hái ăn,

thì nên hiểu rằng đó là trái độc.

***

Tu mà không học là tu mù.


Học mà không tu là đãy sách.



***


Đối với ma đừng khởi tâm thù nghịch.

Hãy xem chúng như các bậc Thiện Tri Thức trợ đạo cho mình.


***

Người tu Đạo phải luôn luôn hồi quang phản chiếu,

không nên hướng ngoại truy cầu.

Tìm cầu bên ngoài không thể có được,

quay về tự tánh thì đầy đủ cả.



***


Đối với kẻ mới phát tâm tu,

điều chướng ngại nhất khi dụng công là lòng

tham đắm sắc dục giữa nam và nữ.

Đây là vấn đề căn bản nhất.


***

Học Phật pháp, điều thiết yếu là phải chân thật.

Mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều phải chân thật.

***

Chẳng hề có đạo lý “ngày nay tu Đạo, ngày mai thành Phật.”

Mới cuốc một nhát đâu thể có giếng nước ngay được.

Tu hành là đem khối sắt mài thành cây kim.

Công đủ tự nhiên sẽ thành tựu.

***

Việc đầu tiên khi học mật chú là phải chánh tâm thành ý.

Nếu tâm không chân chánh thì khi học, mật chú nào cũng thành tà.

Tâm nếu chân chánh thì học mật chú mới được cảm ứng.



***

Phật và ma chỉ khác nhau ở một tâm niệm-

Phật thì có tâm từ bi, còn ma thì có tâm tranh hơn thua.


***

Giảng kinh thuyết pháp là tu Huệ. Ngồi thiền là tu Định.

Không nói lời tạp nhạp là tu Giới.

***

Tu Đạo cần phải tập dại khờ. Càng “dại khờ” bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. 



“Dại khờ” cho đến mức cái gì cũng không biết cả thì vọng tưởng sẽ không còn.

***

Cờ bạc thì tạo nghiệp nặng. Bố thí thì tích lũy phước đức.

Ngồi thiền thì trừ ngu si, sanh trí huệ.


***

Người hơn thì thêm oán. Kẻ thua ngủ chẳng yên.

Hơn thua đều xả hết. Giấc ngủ được an lành.



***

Người học Đạo nhất định phải phát nguyện.

Nguyện lực có khả năng thôi thúc chính mình tiến tu theo 
Chánh Đạo, không lạc đường tà. 


Nhưng phát nguyện mà không hành thì giống như cây có hoa mà không đơm trái, thật vô ích!


***

Để hành tâm Từ: Trước tiên hành giả phải gieo trong tâm Từ 
cho chính mình. 


Muốn vậy phải rải khắp thân và tâm những tư tưởng an vui, hạnh phúc. 


Hành giả tưởng niệm: “Tâm tôi rất yên tịnh, thân tôi rất an vui 


Tôi không bịnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận. 


Tôi thể hiện từ bi. 


Hào quang bao phủ chung quanh tôi dập tắt mọi ích kỷ, mọi xúc động thù nghịch.

Tôi không còn cảm xúc trước cơn xung nộ xấu xa của kẻ khác.

Tôi đáp lại cái xấu bằng cái tốt, cái giận bằng tâm Từ”.



***

Chúng ta sống trên thế gian này, luôn luôn phải làm việc lành.

Mỗi hơi thở, sức lực đều phải hành thiện tích đức. 



Trong hiện đời, chớ nên dựa vào thiện căn đời trước mình đã trồng mà tận hưởng hết phước báo.

***

Người chân chánh khai ngộ thì không bao giờ nói mình đã khai ngộ.

Bậc thánh nhân xuất thế tuyệt đối không tiết lộ chân tướng.

Phàm những kẻ tự xưng là Phật là Bồ Tát, đều là tà ma.


***

Mọi người đều có ba thằng giặc phiền não: đó là tham lam, 
sân hận, si mê. 


Chúng ta không cần phải diệt trừ chúng mà hãy chuyển hóa chúng thành những hạt giống Bồ Đề.

***

Mục đích cứu kính của người tu theo đạo Phật,

muốn được giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi,

muốn được vãng sanh Tây phương cực lạc,

chính là phải đạt được: cảnh giới nhứt tâm bất loạn.

***

Tuy tụng ngàn chương cú. Không hiểu nghĩa ích gì.

Đâu bằng hiểu một câu. Nghe xong liền ngộ đạo.

Dù tụng ngàn muôn câu. Không rõ nghĩa ích gì.

Chỉ thông suốt một nghĩa. Nghe qua liền đạt đạo.


Như ăn chay suốt đời. Nhưng tâm không thanh tịnh.

Không hiểu biết Chánh Pháp. Khác chi bò ăn cỏ.


***

Phàm chúng ta hành trì pháp môn nào được xem là lời Phật dạy,

nếu trong khi hành trì, không cảm thấy an lạc,

thời là chúng ta hành trì sai lạc,

hay là đó không phải là lời dạy của Phật.

***

Ái dục sanh sầu muộn, ái dục sanh lo sợ.

Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục, không còn sầu muộn, càng ít lo sợ.

***

Nơi nào có hoan hỷ và thỏa thích thì ái dục bắt nguồn và phát sanh.

***

Dù bay lên không trung, lặn xuống đáy biển,

Hay chui vào hang sâu núi thẳm,

cũng không tránh khỏi nghiệp quả mình đã gây.



***


Trong các pháp tâm dẫn đầu. 


Tâm làm chủ việc làm, tâm tạo tác tất cả.

Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hay hành động,

thì sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn sau chân con vật kéo xe. 



Ngược lại, nếu đem tâm trong sạch tạo nghiệp, 


thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng theo hình.

***

Vô ngã nghĩa là không có một sự độc sinh, độc toàn,

không có một sự nguyên trí cố định của nó.

Tất cả đều phải chuyển biến.

Vật thể thì chuyển biến từ vật này để sinh ra một vật khác,

từ thân thể này qua thân thể khác.

Tinh thần thì chuyển biến từ một loài này qua một loài khác.

Sự thay đổi vật chất đến tinh thần như vậy 



là vì tự thân nó không có một cái gì đích thực là nó. 


Nếu có một cái gì đích thực là nó,

thì không thể nào kết hợp được với một cái khác nữa.

Cái không đích thực nó gọi là Vô Ngã.

***

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.



***

Niệm Phật một câu, phước sinh vô lượng.

Lễ Phật một lễ, tội diệt hà sa.


***

Lưới ái trói buộc bởi tám điều kiện: 



Nhan sắc, tiếng cười, tiếng nói, giọng ca, nước mắt, quần áo, vật tặng, xúc chạm.


***

Sách không nên giữ gìn quá cẩn thận như bộ cánh mới,

không nên để lạnh cứng như hồ cồn.

Sách phải được sử dụng như một dụng cụ cầm tay vậy.


***

Lời nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào tai ai,

thì không tài nào rút ra được.

***

Có người khi chưa tin Phật thì không tin có thiên đàng địa ngục.

Do vậy họ cứ tham lam dục vọng, hưởng thụ,

tạo ra không biết bao việc ích kỷ, hại người.

Một khi tin Phật rồi, họ lại mê muội rằng có thiên đàng,

có địa ngục nên sinh lòng tham lam công đức.

Cả hai thứ đều là mê.


***

Niệm là ghi nhớ vậy, ghi nhớ giữ giới hạnh, chẳng quên tinh tấn.

Cho nên niệm cốt ở tâm, chẳng ở lời nói.

Nếu tâm không thực thì miệng tụng tiếng suông.

Đem tâm vô minh hướng ngoài cầu Phật,

chỉ nhọc sức nào có ích gì. 



Nên biết chư Thánh ngày xưa tu niệm Phật, 


phải đâu nói bằng miệng chính là tìm xét trong tâm. 

***

Ta xem sự thiền định như là một cột trụ trên núi cao,

và Niết Bàn là cơn mộng du giữa ban ngày.

Ta xem những lời phán quyết về đúng và sai

như là sự uốn mình nhảy múa của một con rồng,

và sự lên xuống của đức tin là dấu vết của bốn mùa để lại.



***

Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp.

***

Miệng thì nói tiếng nam mô.

Trong lòng chứa cả một bồ dao găm.

Bề ngoài đon đả nói cười.

Bề trong nham hiểm giết người không dao.
 


***

Lời nói chẳng động tâm ta. Dù lời nói ngọt hay là đắng cay. 


***

Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả.

Hãy lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.


***

Như ngọn núi vững vàng. Trong phong ba bão táp.

Người trí cũng như vậy. Bình thản trước khen chê.

***

Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai

tức là phỉ báng Như Lai vậy.


***

Cuộc đời là biển khổ.

Nước mắt chúng sanh nhiều hơn bốn biển lớn.
 


***

Nhẫn một chút sóng yên biển lặng.

Lùi một bước biển rộng trời cao.


***

Muốn thường gặp duyên lành. Ta nên thường tạo duyên lành cho kẻ khác. 



Bồ tát đạo là lối sống chuyên gây duyên lành,

tạo điều kiện giúp kẻ khác thành tựu.

***

Con người muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc, cần phải tu nhơn, tạo phước, 



chứ không phải chỉ cầu nguyện, van xin khấn vái suông.

Chỉ có phước báu mới có thể giúp đỡ con người được tai qua nạn khỏi, được bình yên may mắn. 



Phước báu có được do những việc làm phước thiện, tốt lành, lương thiện chẳng hạn như: 


bố thí cúng dường, đi chùa lễ Phật, ấn tống kinh sách, 


cứu người giúp đời, tụng kinh niệm Phật,

trì chú thiền quán, trì giới nhẫn nhịn.


***

Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua,

chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm.

Đó chính thực là con trâu, mà người tu theo đạo Phật

phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển,

phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn.

Chăn trâu thành công thì tánh giác hiển lộ.
***

Tâm trước nghĩ ác, như đám mây đen che khuất mặt trời.

Tâm sau ăn năn nghĩ thiện, như ngọn đuốc sáng tiêu trừ hắc ám.


***

Người tu hành phải tu tướng vô ngã, tu đến mức độ không còn cái “ta”.

Nếu không còn cái “ta” thì có thể nhẫn chịu được hết tất cả,

cảnh giới nào đến tâm cũng đều không động,

tự xem mình ví như hư không.

***

Thành Phật không phải dễ! 



Không chặt đứt tâm tham dục mà mong thành Phật thì không khi nào được.

Người đời nay đa số đều thích cầu may, đi đường tắt,

dễ dàng bị cuốn hút bởi những việc huyền ảo, lạ kỳ;

do đó bị mê hoặc, lạc vào lưới ma.


***

Dẫu trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng chớ tham lam thái quá.

Phải thường biết đủ, nhẫn nhịn. 



Đó là pháp vi diệu vô thượng mà mọi người lại quên đi. 


Thế nên, nếu không tranh, không tham thì phước thọ vô biên. 


Nếu vẫn còn tranh chấp, tham lam, nhiễu loạn, thì nghiệp tội đến với mình không ít,

muốn thoát khỏi ba cõi cũng không cách gì thoát ra được.



***

Người xuất gia phải nghiêm trang gìn giữ bốn oai nghi- đi, đứng, nằm, ngồi. 



Nên nói: “Đi nhẹ như gió, ngồi vững như chuông,

đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên.

Tinh lực dồi dào thì không cảm thấy lạnh.

Khí lực sung túc thì không cảm thấy đói.

Thần lực đầy đủ thì không cảm thấy mệt.

Tinh, khí, thần là ba báu vật.

Người xuất gia phải tu trì tinh, khí, thần.



***

Không có an lạc ngoài thanh tịnh 



cũng như không có sự thanh tịnh nào là không an lạc.


***


Trong tất cả pháp vì không có tánh, đó là không,

nhưng Pháp cũng chẳng Không.



***

Một pháp có nhiều tên. Trong pháp thật thì không.

Vì không mất pháp tánh. Lan rộng nơi thế gian.



***

Thế nào là chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo,

từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.


***

Cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh,

cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt.

***

Người không sương gió khó thành công.

Người không khổ đau sao ngộ đạo.



***

Vô thường, khổ, và vô ngã của vạn vật,

ta gỡ bỏ mọi sự luyến ái. 



Ta bỏ luyến ái vì ta không muốn phiền não. 


Khi nào còn chấp thủ và luyến ái, thì luôn luôn còn sự hoạn khổ.

***

Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng giống Như Lai,

do vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc.


***

“Có sự giết hại nào được Phật đồng ý không?”

Không để mình bị rơi vào cạm bẫy, Phật trả lời:

“Các bậc thánh hiền tán thành giết hại giận,

vì giết giận thì được vui, giết giận thì không sầu não.”


***

Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc,

Là hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng,

Là nắng Xuân cho kẻ buồn rầu,

Và là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hóa để chữa lo âu.



***

Muôn vật đều tùy thuộc vào nhiều nhân duyên,

rồi những nhân duyên đó lại tùy thuộc vào các nhân duyên khác,

nên không có gì đứng đơn độc. 



Đã hiểu rõ điều này, chớ sân hận với muôn pháp giống như huyễn hóa.

***

Tham ái sinh ra từ sự dính mắc, và sân hận sinh ra từ sự tham ái.

Cả tham ái lẫn sân hận đều là sản phẩm của tâm.

Sân hận là cánh cửa mở vào địa ngục

vì nó dẫn đến sự hủy diệt bản ngã.


***

Dù những kẻ ngu thường hãm hại chúng sanh,

nhưng cũng không nên tức giận họ,

vì chẳng khác nào tức giận lửa có tánh thiêu đốt.


***


Vì tâm không phải là vật thể, nên nào ai hủy diệt được nó.

Tuy nhiên, vì đắm chấp xác thân,

nên nó cũng đau đớn cùng lúc với xác thân.

***

Do sân hận mà tôi đánh mất phẩm hạnh, công đức, và niềm tin (mà người khác dành cho tôi).

Hãy nói thử xem, tại sao không tức giận (với chính mình)

vì không tạo nhân duyên lành để được lợi lạc?


***

Khi tòa lâu đài bằng cát sụp đổ, trẻ con khóc rống;

cũng vậy, khi danh dự và lời khen bị giảm sút,

tâm niệm ngây dại như trẻ thơ.


***

Nếu không nhờ kẻ thù tạo chướng duyên

thì tôi không thể hành hạnh nhẫn nhục.

Thế thì tại sao tôi hờn trách họ?


***

Tôi phải vui mừng khi có kẻ thù giúp tôi hành đạo Bồ Đề,

ví như trong nhà sẵn có của báu.

Nhờ họ mà tôi hành hạnh nhẫn nhục,

nên họ đáng hưởng quả lành của hạnh đó trước nhất.



(trích từ http://www.diendangdpttutan.co.cc/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...