Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Vấn Đáp Tôn Giáo Và Giáo Hội

Photobucket

VẤN ĐÁP TÔN GIÁO VÀ GIÁO HỘI  
       
            Người giảng: Thích Nhật Từ  
Ngày 3-7-2010
         (giảng tại trường hạ chùa Hưng Phước)
Người phiên tả: Diệu Lan

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
            Kính thưa Chư Tôn Đức Tăng!
            Hôm nay, ta sẽ cùng thảo luận những vấn đề mà tất cả các bậc xuất gia đều quan tâm đến.
            Hỏi: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .Bạch Thầy cho con cùng đại chúng được biết tôn giáo và tôn giáo học khác nhau như thế nào? Đức tin và tín ngưỡng khác nhau ra sao?
            Đáp: Tôn giáo là khái niệm chỉ chung cho một hệ thống tín ngưỡng, trong đó có một nhân vật sáng thế thông qua cuốn kinh thánh, hệ thống tín điều, hệ thống sinh hoạt tôn giáo, và bản thân của tôn giáo có thể là nhất thần có thể là đa thần có thể là còn tồn tại hay không tồn tại.
            Tôn giáo học là một ngành khoa học có mặt để nghiên cứu lịch sử phát triển của các tôn giáo bao gồm giáo nghĩa, phương pháp hành trì, các giá trị của nó về phương diện xã hội, tiêu cực và tích cực. Cho nên, sự nghiên cứu đó tương đối khách quan. Phần lớn các nhà nghiên cứu về tôn giáo đều là những nhà thần học có gốc rễ là Thiên Chúa hay Tin Lành, có lẽ là không thỏa mãn về ngành tôn giáo học do các nhà thần học chủ não. Trong triết học, khoảng 50 năm trở lại đây phát sinh ngành học mới đó là triết học về tôn giáo để đánh giá một cách khách quan các quy luật tư duy áp dụng vào trong lĩnh vực của triết học hay tôn giáo  học . Từ khi ngành triết học tôn giáo ra đời thì các vấn đề của tôn giáo đã được đánh giá lại một cách nghiêm túc. Ví dụ vấn đề Thượng Đế có hay không? Đối với các nhà tôn giáo học họ cho là có tồn tại. Họ đưa ra những giả thiết để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Bên cạnh đó triết học về tôn giáo đặt ra cái khả thể là Thượng Đế không có thật và tồn tại trong ý niệm của con người. Như vậy có rất nhiều quan điểm chứng minh là Thượng Đế không có thật. Tương tự, quan điểm về sự rộng lượng tôn giáo được đánh giá dưới góc độ triết học nhằm để phân tích tất cả các hình thức cực đoan trong đối thoại tôn giáo hay bạo động tôn giáo, nhân danh Thượng Đế, nhân danh con người ... Các vấn đề này nếu được đặt ở góc độ tôn giáo học thì được xem là vấn đề đáng được khích lệ. Trong khi đó đối với triết học tôn giáo là vấn đề ngược lại với quyền lợi nhân sinh,xã hội, và các giá trị nhân bản khác. Do đó tôn giáo là một hiện thực về xã hội, tín ngưỡng. Đánh giá nó có thể bằng hai góc độ là tôn giáo học hoặc là triết học về tôn giáo. Dưới góc độ triết học về tôn giáo, ta thấy rất rõ đạo Phật không phải là một tôn giáo được quan niệm như lãnh vực tôn giáo học. Từ điểm xuất phát này thì giá trị của Phật giáo nổi bật hơn so với các tôn giáo khác. Nếu so sánh theo tôn giáo học thì chúng ta có thể đối chiếu bác ái trong Thiên Chúa với từ bi của đạo Phật, biểu tượng hoa sen trong đạo Phật với việc Thánh ?(4:50). Những cái so sánh dị biệt như vậy với sự khéo léo của ngôn ngữ cùng khả năng lý luận đã được các tín đồ tôn giáo chấp nhận. 
            Niềm tin là khái niệm chung nhất nó không có thể hiện sự ngưỡng vọng như trong khái niệm tín ngưỡng đối với tôn giáo một cách cụ thể.  Ví dụ các tín đồ người ta có niềm tin với Chúa, như vậy cái tín ngưỡng họ thể hiện ra hằng ngày là tôn đức Chúa xem Chúa là đấng sáng tạo. Còn những niềm tin cho rằng có rất nhiều thần linh trưởng quản các ngành nghề quy định bên cạnh Thượng Đế tối cao như vậy nó cũng tạo nên hệ thống tín ngưỡng đa thần. Trong khi đó ý niệm về niềm tin mà đức Phật đã dạy cho ta trong Kinh thì nhấn mạnh đến nội hàm đó là xoay về bên trong thấy được cái tiềm năng đang bị ngủ quên làm sao đánh thức nó dậy trên nền tảng hiểu rõ nhân quả, ứng dụng Tứ Đế để giải quyết các vấn đề xung quanh chúng ta. Cái niềm tin đó nó có tính chất quy luật, tin về quy luật khách quan, tin về quy luật nhân quả, tin về quy luật đạo đức, tin về quy lật tái sanh, tin về quy luật có thể giải quyết các vấn nạn từ sự nỗ lực chân chính của con người. Cho nên niềm tin theo ý nghĩa chung nhất này khác hoàn toàn và vượt lên trên rất nhiều các giá trị mà tín ngưỡng có thể có.
Tín ngưỡng chỉ là liều thuốc an thần và giảm đau. Nó giúp cho người ta an thần trong một thời gian nhất định bớt đau nhức bởi những bất hạnh trong cuộc đời nhưng bên cạnh đó nó làm cho con người sử dụng thuốc lệ thuộc. Trên cơ sở đó có nhiều ảnh hưởng tiêu cực không tốt trong đời sống. Trong khi đó đạo Phật chủ trương niềm tin chân chính  cho nên không rơi vào hệ thống tín ngưỡng như thông thường. Do đó sự khác biệt này cũng tạo nên điểm đặc biệt, cho ta thấy rõ được lý do vì sao chúng ta theo đức Phật.     
Hỏi: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Xin Thầy cho con được biết hiện nay trên thế giới tồn tại bao nhiêu tôn giáo và giá trị của mỗi tôn giáo mang đến cho cuộc đời như thế nào?
Đáp: Hiện nay các nhà tôn giáo học phân chia có 3 nhóm tôn giáo chính: tôn giáo thế giới, tôn giáo quốc gia, tôn giáo tín ngưỡng nhân gian. Tôn giáo thế giới có 10 tôn giáo trong đó bao gồm: Do Thái giáo, Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi giáo, Nho giáo, Phật giáo …có nơi thì liệt Ấn Độ giáo vào. Nhóm tôn giáo quốc gia nhằm xác mạnh phạm vi tồn tại của nó chứ không nhất thiết là dựa trên số lượng tín đồ. Ở góc độ này, ta thấy Ấn Độ giáo tức là Bà La Môn giáo ngày xưa và Khổng giáo được xem là tôn giáo quốc gia. Khuynh hướng này được các nhà tôn giáo học tiến bộ thừa nhận bởi vì cái phạm vi mà nó tồn tại ở này cái quốc gia mà nó xuất phát hoặc nếu nó tồn tại với cộng đồng di dân của họ ở các châu lục chứ không được sự tiếp nhận một cách rộng rãi. Tôn giáo tín ngưỡng dân gian bao gồm những tôn giáo xuất phát tại nhiều châu lục khác nhau có gốc rễ từ văn hoá dân gian, tín ngưỡng dân gian hoặc là những tôn giáo mới hoặc hỗn hợp hai ba tôn giáo có gốc rễ tại quốc gia mà họ cư trú hình thành tôn giáo mang tính cách là hỗn hợp. Số lượng tôn giáo chính thức được thế giới thừa nhận trên 500 bên cạnh đó nó còn có những giáo phái, riêng Tin Lành thì đã có khoảng hai trăm mấy chục giáo phái trên toàn cầu. Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này có 9 giáo phái của Tin Lành được cấp giấy phép hoạt động như một tôn giáo.
Đề cập đến giá trị của các tôn giáo cho cuộc đời thì khó mà nói hết được. Ngành tôn giáo học là bước tiến ban đầu giúp cho các nhà chính trị không có cái nhìn cực đoan đối với bản chất của tôn giáo. Cho nên góc độ tiếp cận của họ một mặt là phản ánh diễn biến lịch sử hình thành phát triển mặt khác là khai thác các góc độ xã hội mà tôn giáo có thể cung cấp và phục vụ cho con người. Tại góc độ này, các nhà tôn giáo học đã thống nhất với nhau là tôn giáo có giá trị về xã hội và đạo đức nếu các minh triết của tôn giáo được sử dụng một cách có chọn lọc. Những người làm công tác tôn giáo nói chung và các giáo sĩ nói riêng có tinh thần tiến bộ biết cập nhật hóa những dữ liệu khoa học, những vấn đề xã hội quan tâm để không quá bị lệ thuộc vào tín lí, tín điều trong Kinh Thánh mà mình dựa vào. Như vậy giá trị lợi lạc đó dễ dàng được chấp nhận trong bối cảnh thế giới hiện đại hơn là so với các thế kỉ về trước. Các ngành triết học về tôn giáo đi xa một bước nữa ngoài các giá trị về đạo đức và xã hội mà tôn giáo có thể có còn phân tích đến giá trị triết học và giá trị tâm linh. Đặc biệt là người ta chia ra có những tôn giáo chỉ đơn thuần là tín ngưỡng chứ hoàn toàn không có tâm linh nhưng cũng có một số tôn giáo có giá trị tâm linh. Bên cạnh đó có tôn giáo đơn thuần là hệ thống tổ chức hành chính dưới danh nghĩa là tôn giáo. Trong khi có những tôn giáo vượt lên trên các thể chế đó. Khi chia loại, phân nhóm và dựa  trên sự chia loại, phân nhóm đó ta thấy đạo Phật là tôn giáo tâm linh vừa có giá trị đạo đức, nhân bản, nhân văn, xã hội vừa siêu việt hơn hẳn so với các tôn giáo còn lại. Tại châu Á có những tôn giáo phần lớn là thuộc về tâm linh và đặc biệt Nho giáo thì không phải là tôn giáo tâm linh mà là một tôn giáo xã hội một thể chế chính trị phục vụ cho chế độ quân chủ tạo ra những phép tắc, quy luật việc ứng dụng nó sẽ có thể ở mức độ lí tưởng nhất là tạo ra một thế giới bình thiên hạ, tề quốc gia, thịnh gia tộc. Trong khi đó, đạo Phật ngoài các lời dạy trên  còn có rất nhiều các chủ trương về hoà bình thế giới, con đường tâm linh hướng thượng để chuyển hoá đến tận gốc rễ những nỗi khổ niềm đau của con người. Cho nên rất là khó đánh giá chung chung giá trị của tôn giáo như thế nào. Vấn đề ở chỗ là tôn giáo nào, ở vấn đề gì, sự kiện cụ thể nào được xem là có giá trị và cái nào được xem là phản giá trị. Trên việc phân tích tính cách cụ thể ta thấy rõ cũng có một số tôn giáo mang lại giá trị cho nhân sinh nhưng cũng có một số tôn giáo hoặc một số phần tử trong tôn giáo qua các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo đã mang lại rất nhiều những trở ngại cho con người. Có lẽ đây là cái điểm mà phần lớn các luật pháp trên toàn cầu quy định tự do tôn giáo là cái quyền của con người không ai được o ép phải theo, không ai được cấm đoán việc theo tôn giáo khác từ bỏ tôn giáo gốc… và đó là sự lựa chọn.        
Hỏi: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Hiện nay, Việt Nam có bao nhiêu tôn giáo đang hoạt động hợp pháp? Vai trò của các tôn giáo này đối với đất nước như thế nào?
Đáp: Việt Nam hiện tại có 3 tôn giáo chính đó là: đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành. Gần đây, 3 hình thái của đạo Cao Đài cũng được thừa nhận bằng các văn bản pháp quy. Năm 2008 và 2009 thì việc thừa nhận thêm các tôn giáo mới được diễn ra một cách tốt đẹp hơn. Theo nghị định 22 của chính phủ hướng dẫn về thi hành pháp lệnh tôn giáo và tín ngưỡng, cũng theo cơ chế thoáng mở đó, một số giáo phái đã được nâng lên thành tôn giáo. Theo pháp lệnh tín ngưỡng và tôn giáo, để được cho phép thành lập một tổ chức tôn giáo mới thì tổ chức tôn giáo đó phần lớn phải có mặt trước năm 1975 và nếu có mặt sau thì thời điểm tồn tại ít nhất phải là 20 năm tính đến thời điểm nộp đơn xin xét duyệt. Nhìn chung các giáo phái trực thuộc một tôn giáo hay là tôn giáo với danh nghĩa là một giáo hội đều có những nỗ lực đóng góp. Nói về những vai trò của tôn giáo đối với dân tộc,  ta điểm lại sự có mặt của Phật giáo đất nước Việt Nam là hơn hai ngàn năm và bao giờ cũng đứng về phía dân tộc,  trong thời kì mất nước, đạo Phật là nơi cứu điểm để khởi nghĩa các cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong thời bình, Phật giáo đồng hành phát triển xây dựng đất nước theo hướng bền vững dựa vào nền đạo đức xã hội mà đức Phật đã dạy trong các kinh. Mặc dù như vậy nhưng chỗ đứng của Phật giáo trong đất nước Việt Nam hiện nay được đồng đẳng hoá với các tôn giáo khác theo chính sách bình đẳng trước pháp luật. Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn. Bình đẳng trước pháp luật, nó có thể tốt đối với những tôn giáo ngoại lai không thân thiện với nền chủ quyền của Việt Nam trong quá khứ nhưng sẽ gây bất lợi rất lớn đối với Phật giáo một tôn giáo đã cùng đồng hành với sự thịnh suy của dân tộc. Hai bên được cư xử giống nhau thì nó sẽ không tạo ra sự phấn chấn cho tôn giáo đạo Phật gắn liền với đất nước Việt Nam trong thời gian vừa qua. Năm 2009, tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta thấy bộ chính trị trung ương Đảng, tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng đã làm lễ một cách rất là trọng thể tại núi đồi Yên Tử dưới sự tham dự của mấy chục ngàn tăng ni và Phật tử  trong đó có sự có mặt các lãnh đạo cao cấp của giáo hội đến từ 55 tỉnh thành. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã đề nghị với chính phủ lập hồ sơ để xin thừa nhận đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là Danh Nhân Văn Hoá Thế Giới và hồ sơ đó đã được tiến hành từ năm 2009  gửi đến UNESCO đang chờ xét duyệt. Công trình trùng tu quần thể tâm linh của Yên Tử đã được nhà nước đầu tư khá tốt và chính quyền của tỉnh đó đã ủng hộ cả trăm tỉ đồng cho cái việc trùng tu công trình này. Nếu chúng ta có nhiều nỗ lực hơn nữa về phía lãnh đạo của Phật giáo hay sáng kiến của những vị Tôn Đức trẻ thì sự chứng minh bằng các dấn thân thực tế cho sự hỗ trợ phương diện đạo đức và tâm linh của Phật giáo cho dân tộc càng nhiều chừng nào thì càng làm cho niềm mơ ước của ta về sự đồng hành hai chiều giữa Phật giáo và dân tộc trở thành hiện thực. Nhìn chung, mỗi tôn giáo có mặt ở Việt Nam có một thế đứng riêng lệ thuộc rất nhiều vào cách thức họ có mặt ở trong lịch sử của Việt Nam. Những giá trị đóng góp đó sẽ được đánh giá một cách nghiêm túc về phương diện lịch sử. Dưới góc độ này thì đạo Phật có một thế đứng, ưu thế rất đặc biệt so với các tôn giáo khác.
Hỏi: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Theo Thầy, Phật giáo so với các tôn giáo khác được đánh giá như thế nào về việc phát triển tín đồ ở nước Việt Nam? Muốn phát triển Phật giáo một cách bền vững thì ta phải làm như thế nào?
Đáp: Từ niềm tin và các giá trị mà đạo Phật đã có trong tự thân của nó cũng như những đóng góp của nó trong lịch sử Việt Nam thì đạo Phật bao giờ cũng là sự lựa chọn tâm linh chính của phần lớn khối dân tộc ở Vịêt Nam cũng như các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Đó là điều mà chúng ta không thể nào phủ định. Trong thời gian qua, theo thống kê xã hội học do chính phủ công bố, số lượng Phật tử Việt Nam còn khoảng 49% dân số cả nước. Những con số đó theo chúng tôi khó xác thực được lắm. Tuy nhiên, khi nghĩ đến một cái viễn cảnh trong tương lai, ta phải thừa nhận những yếu kém của Phật giáo. Trước nhất là phương diện tổ chức hành chính ở cấp quốc tế và cấp quốc gia, điều mà so với các tôn giáo khác chúng ta không bằng. Thứ hai về phương diện kinh tế, chúng ta không có một cái ngân quỹ như các tôn giáo toàn cầu, hầu như là mỗi khi làm Phật sự gì ta phải đi quyên góp. Do vậy, những chủ trương hay, chính sách tốt, tầm nhìn xa, hiểu biết rộng mà không có tài chính thì cũng không thể có những ứng dụng thiết thực ở trong thực tế. Điều thứ ba, hiện nay Phật giáo ta là hầu như chưa có những chiến lược 10 năm, 20 năm, 50 năm, 100 năm cho sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam và điều đó diễn ra một cách tương tự ở những quốc gia còn lại. Công việc của Hội đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay là tổng kết các báo cáo của các Ban Trị Sự, các Ban Trị Sự tổng kết các báo cáo của các Ban Đại Diện, các Ban Đại Diện tổng kết các báo cáo của các ngôi tự viện trực thuộc ở cơ sở. Kết quả là toàn bộ những thành quả Phật sự qua 10 Ban ngành và hiện nay có thêm một Ban mới là Ban Thông Tin đều mang tính tự phát. Nếu như ta không mạnh dạn thay đổi cơ cấu hành chính và cấu trúc của giáo hội thì chúng tôi nghĩ rằng sự phát triển của Phật giáo trong tương lai không phải là một sự thuận lợi, bởi vì nếu không khéo cơ cấu hành chính sẽ là một cái đà cản cho Phật giáo phát triển hơn là ủng hộ cho đạo Phật. Có lẽ nhìn thấy được điều này từ lâu mà đức Phật đã không có tha thiết cho việc thiết chế một giáo hội sau khi Ngài qua đời mặc dù được Ngài Anan thỉnh ý rất là nhiều lần. Bản chất của Phật giáo là tồn tại theo pháp môn, pháp môn mà phát triển mạnh thì số lượng tín đồ ngày càng gia tăng. Hiện nay ta phát triển theo cơ chế hành chính nó tốt về phương diện thống nhất và phương diện chỉ thị thông tư, thông bằng của giáo hội đưa xuống các tỉnh thành được thực thi một cách khá tốt. Nhưng cái dân chủ và cái hoạt động của Phật giáo hiện nay gần như tập quyền?(46:47) trung ương nó gần như đi ngược lại cơ chế dân chủ mà thời xưa đức Phật đã chủ trương. Do đó không khéo các cơ chế thường trực ở trên là Thường Trực Hội Đồng Trị Sự, ở dưới là Thường Trực Ban Trị Sự sẽ không tạo điều kiện cho 9 Ban ngành ở tỉnh và 10 Ban ngành ở trung ương được phát triển. Hầu như việc gì Thường Trực cũng nắm hết. Ta cứ đến các Ban Trị Sự, văn phòng làm việc thì nhỏ, nhân sự có rất ít người. Làm sao có thể phát triển nổi? Cơ chế tổ chức này được xem là khá yếu so với các tôn giáo khác thậm chí là các tôn giáo mới. Những năm trở lại đây thì việc cấp dấu cho các Ban ngành trung ương, các ban ngành tỉnh hội, các chùa đã được mở cửa đến bây giờ thì tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát cho các Ban ngành, các chùa và do đó rất là khó phát triển. Ta nếu không mạnh dạn để vượt qua những cái khó khăn ta đang gặp thì những ưu điểm về nền minh triết, về đạo đức, về tâm linh của đạo Phật không đủ sức làm cho đạo Phật là sự lựa chọn tâm linh vững mạnh ở đất nước cũng như ở những quốc gia khác trên thế giới. Tầm ngắm của Thiên Chúa giáo bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều tiên-các xứ sở quan trọng nhất của Đại Thừa. Người ta có thể thấy Hồi giáo ở thế kỉ thứ 13 và những thế kỉ sau đó đến thế kỉ thứ 17 rất thành công  trong việc thay thế ảnh hưởng của Đại Thừa ở các quốc gia như là Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Iran, Irag, Indonesia, Malaysia và bây giờ nỗ lực của Thiên Chúa giáo vững mạnh hơn, bài bản hơn Hồi giáo nhiều. Hoạt động như thế với chủ trương hỗ trợ kinh tế, phương pháp luận trong vòng 50 năm không khéo ảnh hưởng của ta mất dần về tay Thiên Chúa giáo. Nói như vậy cả mọi người trong chúng ta phải có trọng trách, giáo hội thì có những cái ràng buộc, khó khăn về hiến chương. Bên cạnh những hiến chương, tất cả chúng ta cần phải có những cái thoáng rộng ra để làm tốt đẹp hơn. Cũng có những vị tăng ni trẻ mở các lớp Phật học để giảng dạy, tham gia thuyết giảng ở các đạo tràng nhưng mà các bậc thầy, sư huynh, sư chú vẫn chưa hoan hỷ. Vấn đề được đặt ra là người này mới xuất gia được vài ba năm lại đi thuyết giảng sớm quá có nên hay không? Trong khi đó, vào thời đức Phật, nhiều vị xuất gia được ba tháng là có thể đi thuyết giảng khi đã giác ngộ giáo lí của đức Phật. Vấn đề ở chỗ lta hiểu đúng hay không và cái động cơ đi truyền bá không phải vì tôn vinh cái tôi mà làm sao để Phật giáo được quần chúng tiếp cận ở mức độ rộng và sâu. Nên đức Phật ngày xưa rất mạnh dạn trong vòng mấy tháng đầu thì Ngài đã lập ra một giáo hội  gồm 1250 vị Tỳ kheo rất trẻ. Mỗi một vị như thế là một vị giảng sư rất lỗi lạc mới làm Phật sự mạnh được. Bây giờ, cơ chế của ta trong chùa, các nội quy trong 10 Ban ngành và hiến chương của ta có vẻ hơi cũ kĩ chưa có những mạnh dạn cách tân thì không khéo trong giai đoạn này cái khó khăn chính là nội bộ ta. Điều đó có thể là một sự tranh luận rất là lớn nhưng từ cái nhìn chủ quan và suy nghĩ của bản thân chúng tôi thì chúng tôi nghĩ là hiến pháp có mặt ở một quốc gia để phục vị cho con người, hiến chương của một tôn giáo, các nội quy của các ban ngành, các nội quy của các chùa có mặt là để phục vụ cho con người chứ không phải con người có mặt là để phục vụ chúng cho nên điều gì chưa có ta có thể bổ sung, điều gì nó không tốt ta có thể thay đổi, diều gì có lợi ta nên thêm vào và cái mới cần phải được cập nhật và cách tân nếu giữ theo truyền thống trong mấy chục năm vừa qua chúng tôi e rằng những người có thiện chí dần dà sẽ bị nản lòng. Xoá được những quan niệm đó thì đạo Phật sẽ phát triển một cách khá mạnh và khá tốt.
Hỏi: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng như hội đồng trị sự, hội đồng chứng minh và cách phong chức sắc như thế nào?
Đáp: Cái cơ chế hai hội đồng của ta là dựa vào mô hình của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có viện Tăng thống và viện Hoá đạo. Năm 1981, khi ta thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam vì tránh dùng những từ đã có nên ta đổi là Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giai đoạn đó các vị lãnh đạo đã rất hoan hỷ những bước cho giới trẻ tham gia vào viện Hoá đạo và các bậc trưởng lão từ 60 tuổi trở lên tham gia viện Tăng thống cho nên nó phát triển khá tốt đóng góp rất nhiều cho các Phật sự, đặc biệt là phương diện giáo dục và xã hội nói chung. Nếu nó diễn tiến tiếp tục nữa Giáo hội Thống nất này thì ta chưa biết nó sẽ như thế nào. Liệu các vị cao túc có tiếp tục hoan hỷ nằm ở vai trò viện Tăng thống nữa hay không? Đó là câu hỏi mà chúng ta đặt ra. Hiện tại, mô hình của Hội đồng Chứng minh tượng trưng về tinh thần chứ không hề có một quyền gì. Đó là lý do tại sao mà các vị đã đến ngưỡng cửa của Hội đồng Chứng minh rất là lâu năm rồi vẫn không muốn rời khỏi nó vì thấy rằng rời khỏi đó là mình mất hết những điều kiện phát triển? (57:20) các Phật sự. Do đó dẫn đến tình trạng kiêm nhiệm cả hai bên vừa là Hội đồng Chứng minh vừa là Hội đồng Trị sự. Điều mà người ta không thể chấp nhận được. Bây giờ, Hội đồng Trị sự của ta là hội đồng trưởng lão theo đúng nghĩa của nó, số lượng người dưới 40 tuổi có mặt ở Hội đồng Trị sự trong số hai trăm sáu mươi mấy vị chưa được 10%. Chưa được 10% đó không phải vì giáo hội có tầm nhìn xa nâng đỡ giới trẻ mà vì cơ cấu của hiến chương hễ ai là trưởng ban trị sự thì lập tức trở thành ủy viên của Hội đồng Trị sự. Điều đó diễn ra với các vị trưởng ban trị sự ở các tỉnh miền Bắc nơi mà giáo hội phát triển rất kém. Cho nên các thầy trẻ hai mấy, ba mấy tuổi được nâng đỡ là thành lập ra ban Đại diện Lâm thời sau đó là ban Trị sự thì mặc nhiên trở thành ủy viên Hội đồng Trị sự nhưng chỗ đứng và đóng góp của họ trở nên rất mờ nhạt và chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài thành phần đó ra, giáo hội hiện nay chưa đưa bất kì ai đưa vào Hội đồng Trị sự vì những lý do tài năng trẻ. Ta chưa có một cái chiến lược nâng đỡ người nào để cho các hoạt động Phật sự diễn ra thành công. Theo cơ chế đó, ta sẽ không tiến xa được và nó sẽ dẫn đến cái tình trạng mua chức tước. Khi cơ chế giáo hội hoá đã được thực hiện ở mức độ cao nhất thì yếu tố thế tục hóa đã bắt đầu được can thiệp vào. Dù ta muốn thừa nhận hay không thừa nhận đó vẫn là một hiện thực, tại Việt Nam dấu hiệu đó đã có mặt. Nếu ta không phân rạch ròi về tiêu chuẩn tuổi mà theo mặc định chung của toàn cầu ở tuổi 60 là về hưu thì Hội đồng Chứng minh nên là nơi tập hợp của các bậc trưởng lão từ 62 trở lên. Các Hòa thượng nên lui về để chứng minh truyền trao các kinh nghiệm tâm linh, kinh nghiệm làm Phật sự cho học trò của mình gánh vác. Trong Hội đồng Trị sự thì 65 tuổi nên về hưu nếu như ta muốn cho giáo hội được tốt, đó là ý kiến của chúng tôi. Khi mình đứng ở cái thế cố vấn không phải là mình mất hết vai trò, vai trò đó rất là quan trọng. Đó là vai trò tầm nhìn và chiến lược còn năng động và dấn thân nên để dành cho lớp trẻ. Tương tự, 10 ban ngành còn lại nếu ta mạnh dạn so sánh với các giáo hội Phật giáo trên toàn cầu hiện nay đó thì mô hình đó là lí tưởng nhất, nó có tới 10 ban ngành. Hầu như là các hoạt động Phật sự của ta nó gắn một hoặc là nhiều cho đến tối đa 10 ban ngành. Trên thực tế các ban ngành đó chỉ có vai trò gọi là chức danh ,chứ không có vai trò chức năng thực sự. Thường trực ban Trị sự nắm hết vai trò của các ban ngành và do đó mỗi một ban ngành cần phải có một cái văn phòng riêng, 25 thành viên tham gia trong ban ngành đó phải có mặt tại văn phòng để làm việc giống như là các bộ thấp hơn ở các tỉnh thành là sở thì Phật giáo chúng ta mới phát triển. Cơ cấu ban ngành của chúng ta mô phỏng lại cơ cấu của hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Cơ cấu đó là cơ cấu mô phỏng  của các bộ, ngày xưa mình dùng  là tổng dụ trưởng bây giờ ta dùng là trưởng ban. Nếu ta không tạo điều kiện cho các ban ngành có chức năng thì các ban ngành đó sẽ bị tê liệt tại chỗ, làm sao phát triển được. Cơ cấu hiện nay của ta là tốt nhất so với các giáo hội trên toàn cầu nhưng hoạt động chưa được thoáng bởi vì những người nắm vai trò chưa mạnh dạn tạo điều kiện cho nội quy của các ban được phát huy. Hiện nay, các ban chỉ có vai trò tư vấn, cố vấn cho ban Trị sự, lẽ ra phải có vai trò độc lập, ban Trị sự giám sát giống như ủy ban cấp tỉnh, cấp thành giám sát các sở có cái gì sai là khiển trách, cái nào đúng là nâng đỡ, chủ trương đưa xuống là các sở phải áp dụng. Đến lúc nào mô hình khi ta áp dụng giống bên ngoài bởi vì trên thực tế là ta mô phỏng từ bên ngoài ở mức độ khá tốt thì Phật giáo mới phát triển một cách đồng bộ được còn bằng không nó chỉ là một cái khung hình rất là đẹp về cái sườn nhưng vào bên trong các chức năng, các cái tiện ích trong khung sườn hầu như không có gì hết. Nếu như vậy, Phật giáo sẽ khó có thể phát triển một cách đồng bộ và tạo nên sức mạnh bất khả phân li dù các tôn giáo khác có nỗ lực cũng không thể thay thế vị trí của Phật giáo của ta được. Vì vấn đề ở chỗ, lãnh đạo giáo hội có tầm nhìn riêng của các Ngài, nếu ta chờ đến một cơ hội đổi mới như thế thì không biết đến khi nào, ta cứ nỗ lực làm và rồi những cái chưa có trong cơ cấu sẽ được chấp nhận đến lúc đó Phật giáo sẽ được phát triển. Chúng tôi nghĩ là còn rất nhiều cái đà cản và những khó khăn rất khách quan đôi lúc nó có những khó khăn rất chủ quan do chính ta tạo ra giữa ta với nhau bởi những bất đồng nhỏ, bởi những quan điểm khác biệt. Nhìn chung, mô hình của giáo hội đã được tốt khung sườn, chỉ cần cải thiện nội dung nữa. Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần, mỗi một năm Hội đồng Trị sự họp nên có ít nhất là một tháng tối thiều là 12 ngày. Mỗi một ngày ta dành cho một ban ngành trung ương, các lãnh đạo ban ngành phải chịu trách nhiệm báo cáo về thành quả của mình và phải cho phép chấp vấn. Sự chấp vấn đó sẽ làm cho các vị đầu ngành có trách nhiệm với các Phật sự của mình hơn. 10 ban ngành sẽ có 10 ngày họp chuyên. Kết thúc của mỗi một ngày họp chuyên đó phải có nghị quyết riêng, nghị quyết thể hiện tính ứng dụng trong 1 năm hay trong 6 tháng hoặc trong một thời gian nhất định. Ở cấp Hội đồng Trị sự ta cũng phải có tầm nhìn chiến lược tương tự thì Phật giáo mới phát triển được. Còn 2 ngày còn lại chấp vấn lãnh đạo Hội đồng Trị sự. Lãnh đạo giáo hội phải có tầm nhìn xa rộng hơn với những yếu cầu bức thiết, hầu như hiện nay lãnh đạo của giáo hội ta ít cập nhật thông tin về xã hội. Nhiều vấn đề đòi hỏi quan điểm của giáo hội, nhiều vấn đề thời sự ta phải lên tiếng. Tầm nhìn chiến lược và thời sự của chúng ta là quá ít. Giá trị Phật giáo quý như viên kim cương ấy thế mà ta chỉ giữ nó ở viện bảo tàng mà lẽ ra nó phải có trong các ngõ ngách bằng cách ứng dụng nó vào xã hội thì ta mới làm cho quần chúng thấy là đó là một sự lựa chọn mà bỏ nó là một sự thiệt thòi rất lớn. Trên tinh thần đó, chúng tôi rất mong mỗi tăng ni có sự nỗ lực làm thế nào đó trong cơ chế khó khăn ta tạo ra những sự thuận lợi để đi, tronng cơ chế chưa thoáng ta khôn khéo để tạo ra những sự thay đổi tốt đẹp miễn là ta có tôn ty trật tự trên kính dưới hoà, theo tinh thần vô ngã vị tha dấn thân phụng sự chứ không phải là vì mục đích cá nhân thì các đáng giá xấu, tiêu cực và những sự cản phá lẫn nhau trong nội bộ dần dà cũng sẽ được khai thông. Những đóng góp tích cực sẽ được thừa nhận giá trị của nhân quả cũng như giá trị của lịch sử vậy.        
















 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...