Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Chuyện Cây Táo



Chuyện Cây Táo
Ngày xửa ngày xưa có một cây táo to.
Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo mỗi ngày. Nó leo lên ngọn cây hái táo ăn, ngủ trưa trong bóng râm.
Nó yêu cây táo và cây cũng rất yêu nó. Thời gian trôi qua, cậu bé đã lớn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày.
Một ngày nọ, cậu bé trở lại chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu, cây táo reo to:
- Hãy đến chơi với ta.
- Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa.
Cháu chỉ thích đồ chơi thôi và cháu đang cần tiền để mua chúng.
- Ta rất riếc là không có tiền, nhưng cậu có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi cậu sẽ có tiền.
Cậu bé rất mừng. Nó vặt tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi, Cây táo lại buồn bã vì cậu bé chẳng quay lại nữa. Một hôm, cậu bé – giờ đã là một chàng trai – trở lại và cây táo vui lắm :
- Hãy đến chơi với ta.
- Cháu không có thời gian để chơi.
Hãy Dành Tình Thương Cho Cha Mẹ Khi Chưa Muộn.
Cháu còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một mái nhà để trú ngụ. Bác có giúp gì được cháu không?
- Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng cậu có thể chặt cành của ta để dựng nhà. Và chàng trai chặt hết cành cây. Cây táo mừng lắm nhưng cậu bé vẫn chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.
Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ đã là người cao tuổi – quay lại và cây táo vô cùng vui sướng.
- Hãy đến chơi với ta.
- Cháu đang buồn vì cảm thấy mình già đi. Cháu muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Bác có thể cho cháu một cái thuyền không ?
- Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền. Rồi cậu chèo ra xa thật xa và sẽ thấy thanh thản.
Chàng trai chặt thân cây làm thuyền.
Cậu chèo thuyền đi.
Nhiều năm sau, chàng trai quay lại.
- Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho cậu nữa. Không còn táo.- Cháu có còn răng nữa đâu mà ăn.
- Ta cũng chẳng còn cành cho cậu leo trèo.
- Cháu đã quá già rồi.
- Ta thật sự chẳng giúp gì cho cậu được nữa. Cái duy nhất còn lại là bộ rễ đang chết dần mòn của ta – cây táo nói trong nước mắt.
- Cháu chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ ngồi nghỉ. Cháu đã quá mệt mỏi sau những năm đã qua.
- Ôi, thế thì cái gốc cây già cỗi này là
một nơi rất tốt cho cậu ngồi dựa vào và nghỉ ngơi.
Hãy đến đây với ta.
Chàng trai ngồi xuống và cây táo mừng rơi nước mắt.
Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta.
Cây táo là cha mẹ chúng ta.
Khi chúng ta còn trẻ, ta thích chơi với cha mẹ. Khi lớn lên, chúng ta bỏ họ mà đi và chỉ quay trở về khi ta cần họ giúp đỡ. Bất kể khi nào cha mẹ vẫn luôn sẵn sàng nâng đỡ chúng ta để ta được hạnh phúc.
Bạn có thể nghĩ cậu bé đã rất bạc bẽo với cây táo, nhưng đó cũng là cách mà chúng ta đang đối xử với cha mẹ mình đấy! Hãy luôn nhớ rằng tình thương cha mẹ là vô bờ bến nhưng thời gian thì không từ chối một ai, hãy làm những việc khi chưa muộn
Và qua câu chuyện Cậu bé và cây táo, các bạn sẽ nhận ra tình thương của cha mẹ dành cho mình và hãy dành hết tất cả những gì có thể để đền đáp công ơn
Sưu Tầm
trích từ: http://vinhminh.net/van-hoa-van-hoc-nghe-thuat-phat-giao/truyen/1681-chuyen-cay-tao.html

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Phân biệt lễ Vu Lan & ngày "mở cửa địa ngục"


Phân biệt lễ Vu Lan & ngày "mở cửa địa ngục"


Hàng năm, cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch, người dân cả nước lại sắm sửa những mâm đồ lễ để cúng chúng sinh nhân ngày Xá tội vong nhân (ngày "mở cửa địa ngục" và lễ Vu Lan). Đây là một trong những nét văn hóa truyền thống vô cùng tốt đẹp của người Á Đông.







Lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân có phải là một?
 
Rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn điều này và cho rằng, lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của ngày Xá tội vong nhân - Rằm tháng 7. Trên thực tế đây thực sự là 2 lễ khác nhau, tuy có chung nguồn gốc Phật giáo song xuất phát từ những điển tích riêng biệt. 
  
Lễ Vu Lan, còn được gọi là lễ “Vu Lan bồn” mang tính chất là ngày lễ báo hiếu - một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Truyền thuyết kể về sự ra đời của ngày nay liên quan tới bồ tát Mục Kiền Liên. Trong kinh Vu Lan của đạo Phật, Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo tu luyện thành công nhiều phép thần thông vẫn không nguôi nỗi nhớ mẹ. 
  
Mẫu thân ông là Thanh Đề đã qua đời, nhưng khi sống gây nhiều ác nghiệp nên bị đày xuống địa ngục làm ngạ quỷ (quỷ đói). Hiếu tử dùng mắt phép biết điều ấy, đã đem cơm xuống địa ngục cho mẹ. 
 
Nhưng khi ăn, bà Thanh Đề đã không cho cô hồn khác ăn cùng nên cơm hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên đau xót, nhờ Phật Tổ chỉ cách giúp cứu mẹ. Phật Tổ dạy, chỉ có hợp sức của chúng tăng vào ngày Rằm tháng 7 mới mong cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và đã giải thoát được bà Thanh Đề.
  
Trong khi đó, lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian. 
 
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy. 

Tích khác nói rằng, phật A Nan Đà khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo, 3 ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để sống đó là cúng cho bọn quỷ đói thức ăn để được tăng thọ. Ngài còn được Phật truyền cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước.
 
Riêng ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày Rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.
 
Ở phương Tây cũng có ngày lễ giống Xá tội vong nhân? 
 
Thực ra, không chỉ người Á Đông mà trên thế giới lễ cúng cô hồn tương tự ngày Xá tội vong nhân cũng tồn tại. 
 
Đó là lễ hội Halloween mà nhiều người chỉ biết là lễ hội hóa trang ma quỷ. Bản chất thì những hoạt động hóa trang trong ngày lễ này chỉ là do người đời sau thêm vào, còn khởi nguồn của ngày Halloween có rất nhiều điểm tương đồng với ngày Xá tội vong nhân, nhất là ở sự ra đời và ý nghĩa nguyên thủy. 


 
Lễ hội Halloween (nghĩa là Ma lộ hình) này có từ thời của người Celts cổ, diễn ra vào 31/10 dương lịch. Người phương Tây cổ cho rằng, vào đêm cuối tháng 10, cánh cửa địa ngục sẽ mở ra, ma quỷ từ đó sẽ thoát lên trên trần thế giống như những linh hồn phương Đông. 
  
Đặc biệt, chúng rất thích trêu ghẹo, phá phách cuộc sống của người dân. Cũng vì thế mà trong lễ hội này, tập tục đốt lửa, hóa trang thành quỷ không thể thiếu để xua đuổi ma quỷ, tránh bị chúng làm phiền. 
 
Theo nhiều tài liệu, đây vốn là nét văn hóa truyền thống của người Ireland, Scotland và xứ Wales cổ. Theo thời gian, nó dần trở nên phổ biến toàn cầu với nhiều hoạt động như hóa trang, "trick or treat"… như ngày nay.
 
Bông hồng cài áo - nét đẹp trong văn hóa Việt Nam
  


 
Dù là ngày lễ đặc trưng của người Á Đông nhưng ở nước ta, có một phong tục rất cao thượng vào lễ Vu Lan mà không ở đâu có được. Người Việt quy ước, vào ngày Rằm tháng bảy, ai còn mẹ thì sẽ cài một bông hồng lên áo, ai đã mất mẹ thì cài hoa hồng trắng. 
 
Người cài hoa sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên công ơn cha mẹ. Ý tưởng này được hòa thượng Thích Nhất Hạnh đề xuất những năm 1960 thực sự trở thành một nét đẹp nhân văn cao cả, đầy ý nghĩa.
 

Nếu Được Sống Đến Hai Lần...




Ai đó hỏi rằng, nếu được sống hai lần, bạn sẽ làm gì? Riêng tôi, tôi sẽ trả lời...
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên ngày sinh nhật của người tôi quen biết. Tôi sẽ không để tuột mất cơ hội bày tỏ trái tim mình với ai đó, cũng như tôi sẽ dành thời gian để dừng lại và biết lắng nghe.
Tôi sẽ dành thời gian cho bạn bè chỉ bởi vì người đó là bạn tôi. Tôi cũng sẽ lên kế hoạch có những kỳ nghỉ với gia đình thân yêu.
Tôi sẽ dành thời gian, để lắng nghe những cuộc phiên lưu đầy "ngộ nghĩnh" của một đứa trẻ lên năm. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho ai đó để họ cảm thấy họ đẹp và quan trọng hơn.
Tôi sẽ nằm sóng soài trên ngọn đồi có những triền cỏ xanh mượt để lắng nghe tiếng cười khúc khích của chính mình. Tôi sẽ chia sẻ cảm xúc của tôi cho những người yêu tôi. Tôi sẽ yêu thương mỗi điều nhỏ nhặt trong một ngày, một vòng tay buổi sáng sớm, một nụ cười của người lạ, một buổi ăn tối cùng với gia đình, một nụ cười với cuộc điện thoại nhầm số...
Nếu cuộc sống được sống hai lần, tôi sẽ xác định quan điểm sống của mình để sao không phải hối tiếc và tôi sẽ để những người tôi yêu biết điều ấy... hằng ngày! Tôi sẽ không để thời gian trôi qua mà không kịp để người tôi yêu thương biết rằng họ là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi.
Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc là cách giúp bạn luôn nhớ rằng: không ai, không điều gì là nhỏ nhặt trong cuộc đời của bạn ....



(trích từ http://www.diendangdpttutan.co.cc/)

Bảy Điều Khuyên Nhắc Người Thế Gian





Một khuyên người đời siêng làm thiện, tích đức kết duyên phước vẹn toàn

Hai khuyên người đời luôn ghi nhớ, xưa nay trăm thiện hiếu đầu tiên

Ba khuyên người đời chớ tham tiền, mưu tính không bằng trời tính đâu

Bốn khuyên người đời đừng trộm cướp, vi phạm luật pháp khổ tù lao

Năm khuyên người đời chớ dâm loạn, bại hoại gia phong lắm não phiền

Sáu khuyên người đời đừng gian dối, nhân quả trả vay sẽ có ngày

Bảy khuyên người đời đừng sát sanh, ta sống, vật sống dù khác thân

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Những Điều Cơ Bản Một Giáo Viên Nên Biết


Những Điều Cơ Bản Một Giáo Viên Nên Biết

Ai cũng biết để trở thành một giáo viên mẫu mực, chuyên nghiệp người giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức giảng dạy phong phú, phương pháp tiếp cận đa dạng. Global Education trích đăng những một số điều cơ bản mà những người làm nghề giáo nên biết.



Điều 1
Hãy vui cùng những thành tích (dù rất nhỏ) của học trò đồng thời hãy chia sẻ những thất bại với chúng.
Điều 2
Gần gũi và thân thiện với học trò, hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.
Điều 3
Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.
Điều 4
Hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.

Điều 5
Đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học. Bạn đừng độc đoán quá, hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Điều 6
Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm bắt đầu.
Điều 7
Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp phụ huynh là dịp để bạn cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập.
Điều 8
Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng, vui thì chia vui, buồn thì chia sẻ, động viên.
Điều 9
Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.
Điều 10
Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bạn hãy cố gắng chừng nào có thể để tránh cho các em bị điểm kém. Hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này. 
Mỗi bài giảng của bạn phải là một bước tiến, dù là rất nhỏ, về phía trước trong việc khám phá tri thức. Học sinh cần phải vượt qua những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và bạn hãy tính toán sao cho mức độ của những khó khăn đó thật phù hợp. Đây là điều lưu ý thứ 11 trong “những điều cơ bản một giáo viên nên biết”.
Điều 12.
Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giảng dạy. Như thế học trò sẽ lười suy nghĩ, bạn cần làm cho chúng thấy việc học là lao động thực sự. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn khích lệ, luôn ở bên chúng khi khó khăn.
Điều 13.
Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hy vọng.

Điều 14.
Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm.
Điều 15.
Hãy nhớ rằng trên lớp học sinh cần phải cảm thấy hấp dẫn và thú vị. Chỉ có sự hấp dẫn mới làm các em tập trung chú ý được.
Điều 16.
Khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, bận cần nhớ rằng đối với họ đứa con là quí giá nhất trên đời. Vì thế, bạn hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh bị tổn thương.
Điều 17.
Đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai. Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của bạn trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, bạn cũng đừng nóng nảy quá.
Điều 18.
Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối. Công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của bạn.
Điều 19.
Đừng dạy học sinh quá tự tin - sau này chúng sẽ bị xa lánh; quá rụt rè- chúng sẽ bị coi thường; quá lắm lời- chúng sẽ không được ai tính đến; quá cứng nhắc- chúng sẽ bị khước từ.
Điều 20.
Một lần nữa xin nhắc lại: Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng.
Học sinh luôn coi thầy cô của mình là những tấm gương về đạo học và tri thức để học tập, noi theo. Để có thể là người thầy đúng nghĩa, người giáo viên không chỉ đơn thuần dạy học sinh “chữ” mà còn dạy các em “nghĩa”.
Global Education chúc các ‘đồng nghiệp’ thành công!

trích từ:


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nhớ mẹ mùa vu lan


Nhớ mẹ mùa vu lan























Ngày nhỏ con vẫn thường nhổ tóc sâu cho mẹ, tóc mẹ dầy và đen nên tóc sâu mẹ ít lắm, ngày đó con cứ thắc mắc sao chẳng thấy mẹ bảo chị ngồi nhổ tóc cho mẹ mà cứ phải là con, thằng con trai chân tay vụng về, chỉ giỏi mỗi nghịch và phá phách

Mẹ ơi! Tháng bảy rồi đấy mẹ biết không! Lại một mùa Vu lan nữa đến. Thời gian trôi nhanh quá phải không mẹ! Sài Gòn dạo này mưa nhiều, không còn những cơn mưa bất chợt đến rồi đi như đặc trưng vốn có vào mùa mưa của mảnh đất phương nam này như xưa nay vẫn thế. Mà giờ, những cơn mưa được báo trước và kéo dài hơn, mưa cũng nặng hạt hơn. 

Sài Gòn mùa này đẹp lắm mẹ à! Con đường hàng ngày con đi làm qua nhiều ngôi chùa, chùa Sài Gòn to và rất đẹp nhưng không có vẻ cổ kính như những ngôi chùa ngoài Bắc mình đâu. Mùa Vu lan, người Sài Gòn đi lễ chùa đông lắm, những ngôi chùa nằm trên đường con đi làm nhộn nhịp người đi lễ, nhưng sao lòng con trống trải. Ước gì giờ này con đang ở nhà với mẹ nhỉ! Nhưng đó chỉ là ước thôi, vì con đã chọn con đường này nên con sẽ đi, đi đến hết con đường, chỉ có như thế con mới làm mẹ vui hơn vì con biết hy vọng của cả cuộc đời mẹ đã để vào con rồi. 

Tháng bảy mưa ngâu, ngoài Bắc mình cũng đang mưa phải không mẹ! Ngày mùng bảy tháng bảy hàng năm, ngày gặp mặt của Ngưu Lang - Chức Nữ đã qua rồi, nhưng dưới trần gian vẫn còn sót lại những cơn mưa ngâu thấm đẫm nước mắt ly biệt. Con nhớ những cơn mưa ngâu ngoài nhà mình quá, bởi mỗi cơn mưa tới cũng sẽ kéo theo những ký ức thời thơ trẻ ùa về trong con, ngày nhỏ con vẫn thường nhổ tóc sâu cho mẹ, tóc mẹ dầy và đen nên tóc sâu mẹ ít lắm, ngày đó con cứ thắc mắc sao chẳng thấy mẹ bảo chị ngồi nhổ tóc cho mẹ mà cứ phải là con, thằng con trai chân tay vụng về, chỉ giỏi mỗi nghịch và phá phách, đến khi lớn lên, đi xa con mới hiểu! Giờ tóc mẹ không ai gọi là tóc sâu nữa rồi, mà là tóc bạc. 

Cuộc sống không có gì vẹn toàn mẹ nhỉ! Thời gian trôi đi giúp một đứa trẻ nghịch ngợm thủa nào đã phần nào khôn lớn và trưởng thành, nhưng cũng vì thế mà thời gian của con và mẹ ngắn hơn. Thời gian vô tình quá mẹ nhỉ, nó giúp con lớn khôn, trưởng thành nhưng cũng giúp mẹ già đi nhiều. Năm năm rồi, năm năm con không có mặt ở nhà vào mùa Vu lan, mùa báo hiếu mẹ.

Ngoài nhà thời tiết mùa này sắp chuyển mùa phải không mẹ! Sự chuyển giao từ hạ sang thu. Ở nơi chỉ có hai mùa mưa nắng này, con vẫn cảm nhận được mùa thu đang về, thu về nhẹ nhàng qua từng ô cửa sổ, qua từng con ngõ, nhẹ nhàng theo từng tán lá rơi. Các cánh đồng ngoài nhà mình chắc hoa cúc đã vàng lắm rồi mẹ nhỉ! Con không thích hoa vì con không phải là con gái, nhưng con biết mẹ thích hoa lan và huệ.

Chắc mùa này mẹ sẽ đi chùa thắp hương cho bà ngoại phải không mẹ. Con cũng nhớ bà quá, nhiều lúc con ao ước mình vẫn còn bé, bé để được bà và mẹ chở che trong vòng tay, bé để không phải lo toan bươn chải cho cuộc sống của mình và nhất là bé để không bao giờ phải nhìn thấy mẹ già dần đi trong mắt con và bà thì không phải "đi tìm ông" như lời của mẹ. Nhưng như thế là con không có hiếu phải không mẹ, bởi đã làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình lớn khôn và trưởng thành. Con sẽ cố mẹ ạ! Con hứa đấy, nhưng những khi mệt mỏi trở về, mẹ cho con nằm gối đầu lên chân mẹ như thủa nào mẹ nhé? Để con sẽ lại cảm nhận được sự yên bình khi nằm trong lòng mẹ mà ngoài kia là cuộc sống đầy bão giông con đang sống. 

Mẹ ơi, mùa Vu lan đến rồi! Con rất muốn nói với mẹ, chỉ một câu thôi: "Mẹ ạ, con yêu mẹ!".

Tuấn Anh – Vnexpress


Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Bản Kiểm Điểm Của Học Sinh Chuyên Lý




Bản Kiểm Điểm Của Học Sinh Chuyên Lý



Kính gửi cô giáo chủ nhiệm. Hôm qua, trong giờ ra chơi, bạn Hiếu ngồi cạnh em loay hoay phẫu thuật cái bút mực. Dù bạn không cố tình song lực quán tính vẫn khiến mực rơi vào áo em.


Bạn ấy không hề xin lỗi cũng như không chịu chấm dứt ngay việc giải phẫu vật đáng ra nên đưa vào viện bảo tàng từ lâu rồi.

Máu dồn vào tim khiến em đã dùng xấp xỉ 400N tác dụng lên người bạn ấy trong khoảng thời gian xấp xỉ 0,5s. Vì xung của lực bằng độ biến thiên động lượng nên đáng ra bạn ấy phải chuyển động lùi nhưng thật tiếc, bạn ấy béo quá, phản lực tác động lên tay em còn lớn hơn cả 400N kia.

Theo phản xạ tự vệ, bạn ấy lao vào em với vận tốc khá lớn, không một chút do dự. Kết quả là em bị bắn vào tường, mà tường lại nặng hơn em rất nhiều. Tuân theo định luật III Newton, tườg đứng yên, em bật ngược trở lại.

Tuy có hơi đau nhưng do cay cú, em liền áp dụng ngay định luật "Húc". Chỉ tại tội thừa mỡ nên va chạm giữa đầu em và bụng bạn ấy là... va chạm dẻo, lực của em bị triệt tiêu. Liên tiếp sau đó là một chuỗi quy tắc bàn tay trái, quy tắc bàn tay phải khiến em bị dao động với tần số lớn.

Đến lúc này, em không còn đủ sức chiến đấu nữa vì theo một vế của định luật bảo toàn năng lượng thì năng lượng không tự nhiên sinh ra, trong khi bữa sáng của em lại có hạn. Biết thân biết phận, em đã dựa vào Định luật bảo toàn tính mạng mà tự rút lui ôm hận về nhà.

Hôm nay, em viết bản kiểm điểm này để mong cô tha thứ. Em hứa lần sau nếu có đánh nhau, em sẽ chuẩn bị bữa sáng chu đáo hơn hay ít ra, cũng chọn đứa gầy hơn em làm đối thủ.

Sưu Tầm

Đi Trễ




Đi Trễ


Có 4 sinh viên nọ đến ngày thi rồi mà vẫn chưa ôn tập gì , họ bàn nhau và nghĩ ra 1 cách ...


... Ngày thi họ đến phòng thi thật muộn với 2 tay đầy dầu mỡ và nói với thấy giáo rằng xe ôtô bị hỏng bánh làm họ đến trường muộn , thầy giáo bảo rằng đây là lý do chính đáng và hẹn 4 sinh viên tuần sau đến kiểm tra lại ,trong suốt 1 tuần họ miệt mài ôn luyện thật kỹ để thi , hôm thi thầy giáo cho 4 ngừơi vào 4 phòng khác nhau và phát đề , đề có 2 câu , câu 1 rất dễ được 1 điểm , câu 2 được 9 điểm hỏi : " hôm trước xe bị hỏng bánh nào?"....

10 ông bố tận tụy nhất hành tinh


10 ông bố tận tụy nhất hành tinh


Trong lúc nhân loại chào mừng Ngày của cha hôm qua, giới khoa học cũng điểm mặt những ông bố chăm sóc con với tinh thần trách nhiệm rất cao trong thế giới động vật.




Gà cát Namaqua ấp trứng trong sa mạc Kalahari tại Nam Phi. Khác với nhiều loài gà, nhiệm vụ ấp trứng của gà cát Namaqua do con trống đảm nhiệm. Mỗi khi cần lấy nước cho con, chúng tìm tới nguồn nước rồi nhúng phần lông bụng xuống nước. Khi chúng trở về tổ, gà con sẽ uống nước từ những chiếc lông bụng của bố. Ảnh: Corbis.







Bọ nước khổng lồ đực cũng là những ông bố mẫn cán. Sau khi giao phối, con cái đẻ trứng lên lưng con đực rồi tiết ra một chất khiến trứng bám chặt vào lưng. Con đực cõng trứng suốt ba tuần. Trong khoảng thời gian đó, nó phải tránh mọi kẻ thù để bảo đảm sự an toàn cho con của nó. Thỉnh thoảng nó ngoi lên mặt nước để đón ánh sáng mặt trời, một biện pháp khiến rêu không thể sinh trưởng trên trứng. Ảnh: Visual Unlimited.





Khỉ đuôi sóc đực không chỉ bế con mà còn cho ăn và bắt rận cho chúng. Ngoài ra, khi những con cái sinh nở, khỉ đuôi sóc đực còn làm vệ sinh cho con bằng cách liếm sạch cơ thể chúng. Sự tận tụy của khỉ đực bắt nguồn từ việc khỉ cái phải hy sinh rất nhiều trong quá trình mang thai và sinh con. Bào thai của khỉ sóc thường chiếm tới 25% khối lượng của con mẹ. Ảnh: EPA.





Phần lớn con cái trong các loài sinh con, song ở loài cá ngựa, trách nhiệm đó. Đến mùa sinh sản, cá ngựa cái đẻ hàng nghìn quả trứng vào một túi ở bụng con đực. Trứng nở thành con sau khoảng 15-20 ngày. Cá ngựa bố bảo vệ con tới khi chúng có thể tự tìm thức ăn. Ảnh: National Geographic.





Một con thiên nga cổ đen trống bơi trên hồ cùng đàn con của nó. Cả con trống và con mái cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi con tới khi chúng có thể sống tự lập. Ảnh: WCS.






Trong thế giới của khỉ cú, một loài động vật linh trưởng phân bố tại Nam Mỹ, con đực đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm nuôi con. Những con đực và con cái kết thành đôi trong phần lớn cuộc đời chúng. Ảnh: AP.





Vào mùa sinh sản, những con cái trong loài đà điểu lớn - một loài động vật ở Nam Mỹ - giao phối với nhiều con đực. Sau đó chúng chọn ổ của một con đực để đẻ khoảng 50 trứng vào đó. Con đực làm chiếc tổ sẽ ấp trứng trong 6 tuần và chăm sóc những con non. Nó sẽ tấn công mọi con vật tới gần con non, kể cả đà điểu cái. Ảnh: ramonmollerjensen.com.





Một con ếch sủa đực ngồi gần đám trứng của nó gần một suối tại bang Texas, Mỹ. Sau khi ếch cái đẻ trứng dưới những tảng đá hoặc khúc gỗ, ếch đực chăm sóc trứng rất chu đáo. Chúng nằm cạnh ổ trứng cả ngày để thường xuyên tưới nước giải vào trứng mỗi khi trứng khô. Khi trứng nở thành nòng nọc, ếch đực thường xuyên bơi cạnh con. Nếu gặp trường hợp nguy hiểm, ếch bố há miệng để nòng nọc bơi vào. Sau đó ếch bố ngậm miệng lại để che chở cho con. Ảnh: Alamy.





Chim cánh cụt hoàng đế trống luôn phải chịu đựng nhiệt độ âm trong quá trình ấp trứng. Sau khi chim mái đẻ quả trứng duy nhất vào ổ, chim đực sẽ dùng cơ thể của chúng để giữ ấm cho quả trứng. Trong 4 tháng chim trống hầu như không rời khỏi trứng, trong khi chim mái kiếm mồi dưới biển. Ảnh: squidoo.com.





Gián là những con bọ đáng ghét đối với loài người, song giới khoa học thừa nhận những con đực của loài gián ăn gỗ là những ông bố mẫu mực. Chúng trộn dịch vị với bột gỗ để làm tổ, sau đó tìm kiếm thức ăn cho ấu trùng. Đây là hành vi rất khác thường trong thế giới côn trùng. Những con gián đực cũng săn lùng phân chim, thứ chứa nitơ và rất cần thiết đối với sự phát triển của ấu trùng, để mang về tổ. Chúng cũng thường xuyên làm sạch tổ để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Ảnh: National Geographic.



Minh Long 

( Theo vnexpress.net ) 



trích từ: http://tuvientuongvan.com.vn/news_detail/1084/4/10-ong-bo-tan-tuy-nhat-hanh-tinh


Tình Thương Giàu Sang và Thành Đạt



Tình Thương Giàu Sang và Thành Đạt


"Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình Thương, nên cả hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt đó bà ạ".



Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có 3 cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà. Bà không quen biết họ, nhưng với con người tốt bụng, bà lên tiếng nói: "Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là các cụ đang đói bụng lắm, vậy xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé... ".

- Ông chủ có ở nhà không thưa bà.... Một cụ cất tiếng ái ngại hỏi.

- Dạ thưa không, nhà tôi đi làm chưa về. Người phụ nữ trả lời.

- Thế thì chúng tôi không thể vào nhà của bà bây giờ được, bà ạ.

Đến chiều khi người chồng đi làm về, người phụ nữ kể lại chuyện cho chồng nghe. Nghe xong người chồng bảo vợ: "Vậy thì bây giờ em hãy ra mời ba cụ ông vào, nói với mấy cụ rằng anh đã về và muốn mời họ vào". Người vợ làm theo ý của chồng, bà bước ra sân mời cả ba cụ cùng vào.

- Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được. Họ đồng thanh đáp.

- Vì sao lại thế thưa các cụ.... Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:

- Cụ ông này tên là Giàu Sang, còn kia là cụ ông Thành Đạt, và còn lão già đây là Tình Thương. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé. Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng.

- Ồ vậy thì tuyệt quá! Người chồng vui mừng nói.

- "Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Giàu Sang vào trước. Cụ là điềm phước rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc". Nhưng người vợ lại không đồng ý. "Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thành Đạt vào trước chứ... Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể. " Hai vợ chồng cứ tranh cãi một lúc mà vẫn chưa đi đến quyết định.

Cô con gái nãy giờ đứng nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ nhẹ: "Ba mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Tình Thương vào nhà trước đi. Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc. "

- "Có lẽ con gái mình nói đúng". Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ, "Vậy thì em hãy mau ra ngoài mời cụ Tình Thương vào trước đi vậy. "

Người phụ nữ ra ngoài và cất tiếng mời, "Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Tình Thương làm vị khách mời đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi". Cụ già Tình Thương từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà. Nhưng hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước theo cụ già Tình Thương...

Rất đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ bước lại gần hai cụ Giàu Sang và Thành Đạt hỏi:

- "Tại sao hai cụ cũng cùng vào theo... Các cụ đã chẳng nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao". Khi ấy cả hai cụ cùng trả lời: "Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình Thương, nên cả hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt đó bà ạ".

Sưu Tầm

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...