Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Bài Thu Hoạch Thực Tế Chủ Đề Lịch Sử 6

6 CHÙA Ở HUẾ:

6.1 Lịch sử phát triển Phật giáo ở Huế:

Trong hơn 300 năm, từ 1636 đến 1945 với tư cách là trung tâm chính trị và văn hóa của Đàng Trong và là kinh đô của đất nước thống nhất từ 1788 đến 1945, Huế cũng là một trong các trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam. Hiện nay, Huế cũng là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam. 

Thừa Thiên-Huế là trung tâm của Phật giáo Miền Trung. Nói đến sự du nhập và phát triển của Phật giáo Huế phải kể từ năm 1558, (đúng hơn là năm 1601) khi Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền biên viễn Thuận Hoá và cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên nền một cổ tự ở làng Hà Khê, xã An Ninh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Nghiên cứu sự phát triển Phật giáo ở Thừa Thiên - Huế phải nghiên cứu qua nhiều thời kì:

+       Thời kì 1601 đến 1774 là giai đoạn phục hồi và phát triển của Phật giáo thời chúa Nguyễn Đàng Trong mà tiêu biểu là Huế.

+       Thời kì 1774 đến 1930: là giai đoạn Phật giáo ở Huế bị các tầng lớp quan lại, vua chúa nhà Nguyễn lợi dụng như một công cụ thống trị tinh thần và Phật giáo đã suy yếu dần sau vụ khởi nghĩa của Đoàn Trưng, Đoàn Trực chống Tự Đức năm 1868, trong đó có một số nhà sư tham gia, Tự Đức định giết hết tăng sĩ ở Huế nhưng bà Từ Dũ can thiệp và số chùa còn hoạt động chỉ còn 24 ngôi chùa và 24 vị tăng trụ trì. Nhưng quan trọng là thời kì 1930-1945, thời kì Phật giáo Huế chấn chỉnh, phục hồi, phát triển, củng cố địa vị của mình trong quần chúng nhân dân. Tiếp đó là thời kì 1945 - 1975, với nhiều biến chuyển trên chính trường Việt Nam, giai đoạn đấu tranh sống còn của Phật giáo ở Miền Nam Việt Nam nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng với nhiều tăng sĩ, cư sĩ, Phật tử tự thiêu, tham gia đấu tranh phản đối chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, một số tăng sĩ bị chính quyền Mỹ - Diệm lợi dụng làm phân hoá Phật giáo, nhưng nhờ vững tin vào sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc nên đã đứng vững và cuối cùng là thời kì sau khi nước nhà thống nhất từ năm 1975 đến nay.

+       Giai đoạn 1930-1945, giai đoạn mà tình hình nước ta diễn ra nhiều biến chuyển lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, xuất hiện nhiều giai cấp, cũng như tôn giáo, với phong trào đấu tranh của quần chúng mang sắc thái mới. Để duy trì sự tồn tại và phát triển của tôn giáo mình, các cao tăng Phật giáo có trách nhiệm phải chấn chỉnh, để phát triển theo tiến trình lịch sử của nước nhà, cứu vãn  hiện trạng Phật giáo đang có sự phân hoá, tạo niềm tin cho Phật tử, gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng và thoát khỏi sự lệ thuộc của chính quyền thực dân và tay sai.

+       Sự chấn hưng và phát triển Phật giáo Huế trong giai đoạn 1930-1945 là bước chuyển mình sang thời kì lịch sử hiện đại khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công chấm dứt chế độ phong kiến triều Nguyễn, đuổi thực Pháp ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu, Phật giáo trường tồn và phát triển cho đến ngày nay.

Từ khi du nhập cho đến nay, dù phức tạp và phong phú về xu hướng phát triển, nhưng nhìn chung Phật giáo Huế không đưa ra một tín lý cứng nhắc bắt buộc mọi tín đồ phải tuân thủ, mà chỉ để lại những dấu ấn về văn hóa tinh thần sâu sắc trong đời sống văn hóa xã hội Huế. Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử đan quyện, gắn bó vững chắc trong lòng người dân Huế, từ lâu đã trở thành một trong các thành tố chung tạo nên nền văn hóa Huế. Con người Huế, cách sống Huế không thể không có sự hun đúc của tư tưởng Phật giáo. 

Luân lý xứ Huế cũng khuyến khích con cái hết lòng lấy hiếu đạo làm đầu . Phụng dưỡng cha mẹ cũng là một lối tu tập tích cực  nhập thế theo triết lý Phật Giáo :
Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy Mẹ công phu chưa đền.

Thừa Thiên-Huế hiện có gần 80% dân số (550000 người) là Phật tử nên ta không lạ thấy Huế là nơi tọa lạc của rất nhiều cảnh chùa . Đa số các chùa xây cất ở mạn Nam Giao như Quốc Ân, TừÂn, Từ Đàm, Bảo Quốc, Trúc Lâm, Từ Hiếu , Tường Vân …ngoài ra còn phải kể thêm những ngôi chùa nổi tiếng khác như Diệu Đế, Túy Vân… Trong số đó, có chùa Thiên Mụ (mà người Huế thường gọi là chùa Linh Mụ), ngôi chùa cổ nhất ở Thừa Thiên-Huế. Chùa Thiên Mụ được xây dựng từ năm 1601, dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, nằm bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Qua nhiều đợt trùng tu lớn, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí về giá trị lịch sử và nghệ thuật.


Các trang web tham khảo:





6.2 Chùa Thiên Mụ- kiến trúc tôn giáo cổ nhất, đẹp nhất ở Huế


Hình ảnh Chùa Thiên Mụ nhìn từ bên bờ sông Hương- Chùa Thiên Mụ(Huế)
                                                                           
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Thật vậy, dân tộc Việt Nam ta từ ngàn xưa cho đến ngày nay vẫn luôn xem mái chùa là nơi chở che tâm hồn mình trong cuộc sống thế gian quá bộn bề và phiền não này. Đến với ngôi chùa, ta không chỉ để cầu nguyện cho những điều tốt đẹp mà ta còn có thể học hỏi giáo lý của nhà Phật nhằm dần hoàn thiện nhân cách, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày để sống một cuộc đời tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Ngoài ra, chùa còn là nơi để chúng ta có thể tìm cho tâm hồn một sự bình yên, tâm hồn ta như được quyện vào lời kinh, tiếng kệ cùng không gian thanh tịnh chốn Thiền môn, tạm thời quên đi cuộc sống bận rộn, cùng hoà mình vào cảnh sắc nên thơ để tâm hồn ta nhẹ nhàng, thanh thản.
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Linh Mụ , Canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay.
 Trong đời sống tâm linh của người Huế, dường như triết lý nhà Phật đã ăn sâu vào, tư tưởng, cách nghĩ và tâm hồn con người Huế. Chính vì vậy, hình ảnh những ngôi chùa tự bao giờ đã quá thân thuộc với người Huế. Người dân Huế từ lâu luôn xem trọng giá trị của các công trình tín ngưỡng nhất là chùa chiền. Chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) được coi là một trong những công trình tiêu biểu nhất khi nói về mảnh đất thành kinh này. Chùa Thiên Mụ vừa mang một giá trị lịch sử lâu đời vừa đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người con Huế. Chùa còn là biểu tượng của Huế ngày nay.


a) Sơ nét về lịch sử hình thành ngôi chùa Thiên Mụ:
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng -vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây có thể nói là ngôi chùa cổ nhất của Huế.
Trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".

b) Lịch sử phát triển của chùa:
Năm 1665, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu lại chùa.
Năm 1714, Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình huy hoàng, tráng lệ. Đó là lần trùng tu qui mô nhất gồm: Cổng Tam quan, Điện Thiên vương, Điện Ngọc Hoàng, Điện Thập Vương, Nhà Thuyết pháp, Lầu Tàng kinh, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà Vân Thủy, Nhà Thiền, Điện Đại Bi, Điện Dược sư, Tăng phòng...
Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.
Năm 1907, vua Thành Thái đã cho trùng tu chùa sau khi chùa bị hư hại nặng trong một trận bão vào năm 1904.
Năm 1945, trước sự xuống cấp nghiêm trọng, Hòa thượng trụ trì Thích Đôn Hậu đã tiếp tục công cuộc trùng tu lại chùa. Cuộc trùng tu này đã kéo dài hơn 30 năm.
Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

b) Tên gọi của chùa qua các thời kỳ:
Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng.
Dựa theo huyền thoại, đồng thời căn cứ hình dạng Hán tự từng ghi trên các tài liệu cấu tạo bằng nhiều chất liệu, đủ khẳng định rằng trong tên Thiên Mụ, ngữ tố "Thiên" có nghĩa là "trời".
Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ" (hay "Bà mụ linh thiêng").
Vấn đề kiêng cữ như đã nêu chỉ diễn tiến từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869). Sau đó, người dân thoải mái gọi hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.
Vì rằng từ "Linh" đồng nghĩa với "Thiêng", âm người Huế khi nói "Thiên" nghe tựa "Thiêng" nên khi người Huế nói "Linh Mụ", "Thiên Mụ" hay "Thiêng Mụ" thì người nghe đều hiểu là muốn nhắc đến ngôi chùa này.
Một số người còn đặt tên cho chùa là Tiên Mụ (hay "Bà mụ thần tiên"). Cách gọi này không được giới nghiên cứu chấp nhận.

d) Một số công trình kến trúc của ngôi chùa:

Kiến trúc của Chùa Thiên Mụ cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam. Chùa được bao quanh bằng tường đá xây hai vòng. Khuôn viên chùa chia làm 2 khu vực. Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và 4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện. Đi vào bên trong có 2 lầu hình lục giác (1 lầu để bia, 1 lầu để chuông). Khu phía sau Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, Địa Tạng, Quan Âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa. Sau cùng chùa là vườn thông tĩnh mịch thoáng đãng và mộ tháp cố Hoà thượng Thích Đôn Hậu.

­   Đình Hương Nguyện:
Phía trước tháp Phước Duyên là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo.Pháp luân đặt trên đình Hương Nguyện quay khi gió thổi).
Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa. Hai bên tháp có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị.

­   Tấm bia đá được dựng thời Chúa Quốc:
Dưới thời chúa Quốc -Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn,nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa.

Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2m60,rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp Chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.


Tấm bia đặt trên lưng con rùa đá- Chùa Thên Mụ (Huế)

­   Tháp Phước Duyên
Năm 1844, nhân dịp mừng lễ "bát thọ" của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.



  Hình ảnh Tháp Phước Duyên nhìn từ cổng vào- Chùa Thiên Mụ (Huế)


Hình ảnh Tháp Phước Duyên nhìn từ phía trong- Chùa Thiên Mụ (Huế)

­   Điện Đại Hùng:
Điện Đại Hùng là nơi thờ Phật, trung tâm của Chùa Thiên Mụ. Điện gồm 5 gian, 2 chái, được bài trí rất tôn nghiêm với nét kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Ngoài những pho tượng Phật bằng đồng, còn có bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay Chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề vào năm 1714 và 1 chiếc khánh đồng lớn chạm hình nhật nguyệt tinh tú. Chiếc khánh đồng này do vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cung tiến chùa. Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô lớn, Chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất Cố đô Huế.

Điện Đại Hùng (Chánh điện thờ Tam Bảo)- Chùa Thiên Mụ (Huế)

­   Mộ tháp của cố Hoà thượng Thích Đôn Hậu:
Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.


Mộ tháp thờ cố Hoà thượng Thích Đôn Hậu- Chùa Thiên Mụ (Huế)
  
e) Những di vật quý và kỷ lục phật giáo Việt Nam tại chùa Thiên Mụ:

Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như Tháp Phước Duyên, Điện Đại Hùng, Điện Địa Tạng, Điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, Chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức Tượng Hộ Pháp, Tượng Thập Vương, Tượng Phật Di Lặc, Tượng Tam Thế Phật... hay những bức hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của Chùa Thiên Mụ.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của Chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.

Nổi bật nhất trong số những di vật quý giá của chùa là Tháp Phước Duyên và Tấm bia thời Lê Trung Hưng. Đây là 2 di vật hiện giữ kỷ lục Phật giáo Việt Nam:Tháp Phước Duyên là ngôi tháp bát giác cổ và cao nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2006) còn Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Tấm bia được làm bằng đá khá lớn vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1.25m và đặt trên lưng rùa bằng đá cẩm thạch. Nội dung trên bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.

Theo cùng năm tháng và những biến cố của lịch sử, Chùa Thiên Mụ đã trở thành một trong những biểu tượng của Cố đô Huế, một trong những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước.

g) Quang cảnh của chùa Thiên Mụ:
Trước các điện, quanh chùa là các vườn hoa cây cảnh xanh tươi, rực rỡ. Phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch, phong cảnh nên thơ. Ngày nay chùa vẫn được tiếp tục chỉnh trang ngày càng huy hoàng, tráng lệ, luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách gần xa.
Từ chùa Linh Mụ nhìn ra dòng Hương, quang cảnh thanh thoát bao la mà khúc hát trữ tình trên sông thường vang vọng và biến cảm xúc của tác giả Ưng Bình như một rung động chung lòng người xứ Huế :
Ướt áo xanh lụy tình Tư Mã,
Khách Thiên Nhai vẫn lạ mà quen ,
Nước non ai kẻ bạn hiền,
                                     Biết ai tâm sự giữa miền sông Hương ?     

f) Chùa Thiên Mụ trong thơ văn, ca dao:
Chùa Thiên Mụ được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ Thiên Mụ chung thanh do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.


Thiên Mụ Chung Thanh
Cao cương cổ sát trấn điền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.

Dịch thơ: Tiếng Chuông Thiên Mụ
Trên bến gò xưa chùa lập ra
Bên trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước
Nhân quả ươm lành khắp chốn xa

Hình ảnh chùa Thiên Mụ còn đi vào câu ca, điệu hò xứ Hu ế:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Linh Mụ , Canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương 
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay.

Các trang web tham khảo:




h) Một số hình ảnh về chùa Thiên Mụ:


Điện Địa Tạng- Chùa Thiên Mụ (Huế)



Điện Quan Âm- Chùa Thiên Mụ (Huế)




Các trụ biểu ở cổng chùa và dòng sông Hương
nhìn từ phía trong chùa Thiên Mụ (Huế)





Tháp Phước Duyên và cổng chùa nhìn từ trong- Chùa Thiên Mụ (Huế)




CẢM NHẬN

Qua chuyến đi thực tế, nhóm em nói chung và tất cả đoàn thực tế nói riêng như được một lần nửa đi ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về từng mảnh đất mà mình đi qua để thêm yêu và tự hào về lịch sử dân tộc. Mỗi mảnh đất chúng em được đi qua đều để lại cho chúng em nhiều cảm xúc khó tả và nhửng kỉ niệm khó quên.

Chuyến đi thực tế 8 ngày 7 đêm rồi cũng đã qua, nhưng trong kí ức của chúng em mãi mãi sẽ ghi dấu những kỉ niệm trong chuyến đi thực tế thời sinh viên này. Chuyến đi đã cho chúng em biết thêm nhiều kiến thức cả về lịch sử, địa lý, nhân văn và sinh học… mà trên sách vở nhà trường chúng em không thể nào hình dung được. Nhóm em chân thành cảm ơn nhà trường, ban giám hiệu, thầy cô và toàn thể những người đã giúp đỡ nhằm tổ chức cho chúng em có một chuyến đi hết sức bổ ích như vậy. Qua chuyến đi, tình cảm thầy trò, bạn bè trong đoàn ta ngày thêm gắn bó, thân thiết hơn.

Chúng em mong sao nhà trường và khoa sẽ mãi giữ được truyền thống tổ chức những chuyến đi thực tập như vậy để các thế hệ tiếp theo có thể tiếp tục được tham dự nhằm cung cấp thêm kiến thức cho bản thân và trải nghiệm những giây phút tươi đẹp mà chỉ có chuyến đi mới có thể đem lại cho chúng em.

Cuối lời, chúng em kính chúc thầy cô, ban giám hiệu nhà trường có nhiều sức khoẻ để dìu dắt chúng em trên con đường học vấn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÁNH NIỆM

              Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.           Chánh niệm là năng lượng có...